Có nhiều ảo tưởng
làm cho con người khổ đau. Một trong những ảo tưởng dẫn đến hậu quả rất
nghiêm trọng, đó là: tôi biết chính tôi. Hàng triệu người tin rằng họ thấu
hiểu chính họ. Nhưng thật sự chúng ta biết chính mình về những gì?
Mặc dù một số
người trong chúng ta nhận ra được tầm quan trọng của việc phải thấu hiểu
chính mình vì chúng ta chưa hoàn hảo, tuy nhiên chúng ta vẫn đối xử với
mọi thứ trong đời sống hằng ngày chúng ta làm như là chúng ta đã thấu hiểu
chính mình rồi. Như vậy hãy xem kỹ thử chúng ta đã thấu hiểu về mình những
gì. Có lẽ mỗi người chúng ta đều biết một phần về câu chuyện của cuộc đời
mình là tôi sinh ở đâu, cha mẹ của tôi là ai, tôi đã bước vào trường học ở
đâu, tôi đã thành đạt những gì trong cuộc đời, ai là những người bạn của
tôi hay là người nào ngưỡng mộ tôi. Chúng ta cũng có thể tô điểm thêm
những chi tiết tốt đẹp vào tiểu sử của mình. Vì chúng ta biết được một số
thông tin như vậy, chúng ta nghĩ là chúng ta đã hiểu thấu đáo về chính
mình. Ngay cả có người tự hào tuyên bố rằng, ‘Tôi tự biết tôi là ai’ và
‘Tôi thuộc hạng người nào’. Khi một người nào đó thành công trong cuộc
đời, thì ý tưởng anh ta đã thấu hiểu chính anh ta nó càng phát triển mạnh
mẽ hơn.
Như các em bé hay
những trẻ thơ, chúng ta không biết tí gì về chính mình cả. Em trai của tôi
như đứa trẻ con chỉ biết học nói, luôn luôn nhắc đến chính nó là pāpā,
trong ngôn ngữ của chúng tôi pāpā có nghĩa là đứa bé, và nó tự xem
nó là một trong nhiều đứa bé thường được gọi là pāpā. Nhưng bằng
cách nào đó sau cùng chúng ta cũng nhận ra được chính mình.
Ngoài những ý niệm
về sự nghiệp hay những thành tựu của chính mình, nhìn chung chúng ta thật
sự đã biết những gì?. Hầu hết khái niệm hiểu về chính mình đều dựa trên
ngoại hình của thân thể vật lý, có lẽ sau khi nhìn vào gương soi nhiều
lần, chúng ta biết rằng: tôi cao hay thấp, tôi bị hói đầu hay có nhiều
tóc.
Do đó, những nhu
cầu cần thiết và những sự mong muốn của thân thể đóng vai trò quan trọng
trong đời sống của hầu hết con người. Ngay cả những gì mà chúng ta nghĩ là
chúng ta biết về ngoại hình, nó cũng không đồng nhất với những gì mà người
khác nghĩ về nó nữa. Một số người có thể tin rằng: ‘Tôi khá đẹp’, trong
khi đó người khác nghĩ ngược lại. Mấy năm trước đây, một cô người Việt Nam
đến Adyar nói rằng: ‘Người ở đây thật là xấu, họ có sống mũi quá to!’.
Nhưng một số người khác họ lại tự hào rằng họ có sống mũi chim ưng, cô
nghĩ rằng sống mũi ngắn và hơi vểnh lên một chút thì đẹp hơn!. Như thế,
quan điểm của chúng ta về ngoại hình có thể là sai đối với người khác.
Thật sự chúng ta
khó mà biết được mọi thứ về thân thể - tứ chi và các cơ quan của thân thể
cùng hoạt động thích hợp như thế nào?. Không phải vì chúng ta muốn như thế
nào thì thân thể làm theo như vậy, mà tự nó hoạt động theo cách của nó!.
Những năng lượng gì đã giúp cho thân thể này tồn tại, các năng lượng ấy đi
vào cơ thể bằng cách nào và nó đã bảo tồn ngăn chặn sự phân huỷ của thân
thể ra sao?. Chúng ta hoàn toàn không biết. Một vài người nhờ đọc sách có
kiến thức về thân thể vật lý, nhưng thật sự họ mơ hồ về những gì để giúp
cho cơ thể hoạt động, làm thế nào giữ nó được khoẻ mạnh?. Ngay cả các bác
sĩ cũng không thật sự biết nhiều; họ có thể cho toa thuốc sai, hay phẩu
thuật không đúng. Họ biết các cơ quan bên trong thân thể hoạt động như thế
nào, nhưng không hoàn toàn đầy đủ.
Hãy quan sát những
khía cạnh khác mà chúng ta nghĩ là chúng ta đã biết chính mình, ví dụ như
tình cảm, chúng ta tưởng rằng chúng ta đã thấu hiểu tình cảm của mình. Khả
năng kỳ diệu của việc tự cảnh tỉnh giúp chúng ta nhận ra được các cảm giác
của chính mình như là: ‘Tôi khổ đau’ hay ‘Tôi sung sướng’, v.v… Bản chất
tình cảm: vui sướng, khổ đau hay những bất trắc khó khăn, chúng ta đều
nhận ra được, nhưng chúng ta biết một cách rất sơ sài. Nếu suy tư chín
chắn hơn, chúng ta sẽ tìm thấy có nhiều sự mâu thuẫn trong tình cảm như
là: thỉnh thoảng sợ sệt, rồi cảm thấy an nhàn, hay thỉnh thoảng hy vọng
rồi thất bại hay buồn chán. Như trong sách Bhagavadgitā có nói
rằng, chúng ta bị quay cuồng trong những mâu thuẫn của tình cảm mà chúng
ta ít khống chế được. Vì hầu hết chúng ta không nhận ra được những mâu
thuẫn, trái ngược, phi lý trong tình cảm của chúng ta. Chúng ta vẫn còn
biết rất ít về các tình cảm sâu kín và những động cơ thúc đẩy bên trong
của chính mình, đó là lý do tại sao những ngành chuyên môn của các nhà tâm
lý học, phân tâm học và trị liệu học có lợi nhuận!.
Bà Montesori cho
rằng một đứa bé sẽ trở thành một công dân hiền hoà hay hung hăng phụ thuộc
vào sự giáo dục của gia đình và nhà trường trong lúc bé còn tuổi thơ. Bà
nói có thể đúng. Nhưng chúng ta cũng có thiên hướng riêng của chúng ta đã
tích tụ trong nhiều đời trước, ví dụ như tính sợ hãi. Rất ít người thoát
khỏi sự sợ hãi, vì nó đã kết chặt và tồn tại trong bộ não con người từ
kiếp này đến kiếp khác. Bất cứ người nào có nỗi sợ hãi và nghi ngờ vô lý,
hầu hết chắc chắn họ đã bị ám ảnh do dư nghiệp từ nhiều đời trước. Có một
vài người ngay từ nhỏ đã có bản tính vui vẻ, hay nghi ngờ, hay dạn dĩ,
hoăc là nhút nhát. Chúng ta hầu như không biết một tí gì về những thiên
hướng của dư nghiệp này, nên chúng ta khó mà đối phó với nó và chính vì
vậy mà có nhiều sự nhầm lẫn và phức tạp thường xảy ra trong cuộc đời này.
Do đó chúng ta
phải xem xét tâm mình, chúng ta tưởng rằng chúng ta biết, nhưng thật sự
nhận ra được bản chất tâm lý của mình quả là một việc rất khó. Con người
đã phát triển cao về mức độ tiến hoá, trong đó có não bộ rất thông minh,
và vì vậy chúng ta gần như đồng hoá chúng ta với qui trình của não bộ;
chúng ta muốn con cháu của chúng ta có được kiến thức tốt để đạt được
những nấc thang thành công và nổi tiếng trong xã hội về một lãnh vực nào
đó.
Hãy nghĩ xem khi
chúng ta cho rằng cái tâm này chính là ta thì thật sự chúng ta đã lấy một
kẻ trộm để đóng một vai trò như người cảnh sát. Trong quyển Tiếng Nói
Vô Thinh (The Voice of the Silence), kinh truyền thống của Hội
Thông Thiên Học, gọi cái tâm này là ‘người sáng chế tư tưởng’, người ‘khơi
dậy ảo tưởng’ và làm méo mó sự thật. Nhưng đáng tiếc rằng sức tỉnh giác
của chính mình chưa đủ đến mức độ để chúng ta nhận ra rằng: việc thêm thắt
các hình ảnh, quan niệm, và lý luận đó là do tâm của chúng ta hư cấu nên,
chúng không thật chỉ là những ảo tưởng.
Chúng ta cũng nên
chú ý rằng những gì mà chúng ta phóng đại là ‘tự ngã’ thì hoàn toàn không
ăn khớp với những gì mà người khác nhìn thấy. Thông thường chúng ta rất dễ
nhìn thấy nhược điểm và sai lầm của người khác nhưng lại ít khi nhận ra
được lỗi lầm của mình. Do đó chúng ta phải thường xuyên cân nhắc và tự hỏi
chính mình: Ta đã thật sự biết ta là ai chưa?. Vì ta không biết nhiều về
thân thể vật lý hay bản chất tình cảm trong vô thức của chính ta; hay là
tinh thần của ta đang bị ảo tưởng khống chế như thế nào và nó đang vặn vẹo
sự thật ra sao. Chúng ta biết quá ít về mình, chúng ta nên tự hỏi và suy
tư nhiều hơn nữa, tốt hơn là chúng ta không nên nói ‘tôi biết tôi là ai,
hay tôi thuộc loại người nào’. Và nên nhớ, ngay cả chúng ta không nói ra
công khai, nhưng chúng ta cũng không nên hành động giống như là chúng ta
đã hiểu thấu mình là ai rồi vậy.
Bà Blavatsky, một
trong những người thầy tinh thần dạy về sự cần thiết nhận ra chính mình,
bà viết ‘tự biết mình chính là trí tuệ’, ông Ramana Maharshi thường khuyên
mọi người nên tự hỏi ‘tôi là ai?’ ông Krishnamurti cũng nói nhiều về tự
ngã và các hoạt động của nó. Do đó, tại sao chúng ta không bắt đầu tìm
hiểu sự thật của tự ngã như thế nào mà cứ luôn luôn khổ nhọc hư cấu về
nó?. Dĩ nhiên có người sẽ trả lời rằng tại sao tôi cần phải tìm hiểu chính
tôi?. Những gì mà tôi biết, tôi có thể thực hiện được trong đời sống thực
tế hằng ngày. Thật ra tôi đã khá thành công trong cuộc đời. Tôi cần những
gì nữa chứ?. Nhưng cuộc đời đã cho chúng ta thấy sự lừa dối của thái độ
này. Thế gian này là một tấm gương phản chiếu sự bạo động bên trong của
chúng ta, hối lộ, lừa đảo, và tàn ác là đa số do con người. Vì vậy việc
nhận biết chính mình rất quan trọng cần phải suy tư nghiền ngẫm.
Nếu chúng ta có
khái niệm sai lầm về chính chúng ta, chúng ta cũng tạo ra khổ đau cho
chính mình. Nếu tôi nghĩ tôi rất quan trọng thì sớm muộn gì tôi cũng bị
xúc chạm, vì một người nào đó sẽ nói hoặc làm tổn thương đến sự quan trọng
của tôi. Nếu một người nào đó nói rằng: ‘bạn ngu dốt’. Thay vì có thể tức
giận chúng ta nên nhìn nhận và xem xét lại chính mình, lời phê bình này có
đúng hay sai, hay đúng một phần, hay bất cứ là gì đi nữa, chúng ta nên xem
thử nó đúng không. Nhờ đó chúng ta vẫn giữ được thái độ bình thản, và
không đặt hạnh phúc của chúng ta vào sự điều khiển của tác nhân bên ngoài.
Nếu chúng ta để tâm mình bị ngoại cảnh chi phối thì chúng ta tạo ra khổ
đau cho bạn bè, gia đình, xã hội, và cho mọi vật chung quanh.
Ngày nay, vì để
thoả mãn lòng khao khát cửa miệng người ta muốn ăn thịt các loài thú rừng,
thậm chí nhiều loại thú đã bị diệt chủng. Lòng tham muốn mới lạ và kích
thích của các giác quan phải chịu trách nhiệm về việc tăng cấp hàng tiêu
dùng trong xã hội. Khi một người tự xem thân thể này chính là họ và đồng
hoá nó với lòng tham muốn của bản thân thì anh ta sẽ chịu nhiều trách
nhiệm thiệt hại, càng tăng thêm cạnh tranh, mâu thuẫn, v.v… Chủ nghĩa tiêu
dùng càng tăng tức là trái đất xanh tươi phong phú của chúng ta càng bị
phá huỷ và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy chúng ta hãy suy gẫm và nên nhận
ra nếu chúng ta không cảnh tỉnh chính mình thì chúng ta tạo ra khổ sở cho
bản thân và nhiều khổ đau cho thế giới này. Nói một cách khác nếu có sự
hoà hợp trong trái tim của chúng ta thì thế giới này sẽ hoà bình. Một khi
không hiểu cách làm sao mang lại hoà hợp từ trong tâm hồn thì việc suy tư
và nói về hoà bình ít đem lại kết quả. Do đó chúng ta phải bắt đầu nhiệm
vụ hiểu biết chính mình để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, như chúng tôi
đã đề cập thế giới này là tấm gương phản ảnh chính chúng ta.
Quyển Dưới Chân
Thầy (At the Feet of the Master) ghi rằng, thân vật lý của
chúng ta mong muốn nhiều thứ, nó muốn nghỉ ngơi khi có việc phải làm, khi
cần phải giúp một người nào đó, nó lười biếng và có khuynh hướng không nỗ
lực giúp đỡ. Rồi nó nói rằng ‘để người khác lo công việc đó cũng được.’
Thân vật lý nầy có những nhu cầu của chính nó vì mỗi tế bào là một sinh
vật, nó có mối tương quan riêng và ở một vị trí nhất định. Tất cả các tế
bào của thân này gộp chung lại có cảm nhận của chính nó. Theo thuật ngữ
Thông Thiên Học gọi nó là ‘nguyên tố vật lý’.
Người nào đã đọc
về cuộc đời ông Krishnamurti thì có lẽ đã biết qua khi ông nói về những gì
gọi là ‘quá trình’. Khi ông lìa thân vật lý này để làm một số việc bằng
thần thức thì thân vật lý phản ứng như thế nào, nó nói rằng: ‘đừng bỏ tôi
lại’ nó khóc và gọi ông: ‘hãy trở lại’, rồi nó tự trách và thầm nhủ: ‘ta
không nên gọi ông ta trở lại vì ta được dạy rằng không được làm như vậy’.
Chúng ta nên tự
cảnh tỉnh rằng thân này thường có thái độ như vậy, nếu không ta sẽ thành
nô lệ nó. Thật sự đối với tình cảm và bản chất tâm lý cũng giống như vậy;
chúng có những thái độ hoạt động riêng của chúng, nếu không để ý đến những
bản chất này chúng ta sẽ bị chúng đánh lừa. Bản chất tình cảm thích náo
động, thích có cảm giác khổ đau, xúc phạm, sôi động, băn khoăn. Bất chấp
là cảm thọ gì, mừng vui hay khổ đau, vì nó thích những cảm giác kích động
mạnh.
Quyển Dưới Chân
Thầy cũng nói với chúng ta rằng tâm lý chúng ta thích được tôn sùng cá
nhân. Do đó nó hay so sánh và phán đoán để tự thuyết phục rằng nó cao hơn
người khác. Thông thường chúng ta không cảnh tỉnh trong các sự việc này,
nên chúng ta có thói quen hay phân tích, phê bình và bịa đặt tìm cách đánh
giá mọi người, mọi vật. Vì vậy lời dạy ‘không nên phán đoán’ thật là quan
trọng. Sự phân biệt là một phần hoạt động của tâm lý và nó cũng có lợi
ích. Nếu chúng ta mất cảnh quang vật lý thì chúng ta sẽ mất khả năng phân
biệt và nhận biết mọi vât. Nhưng khi chúng ta phân biệt và nhận biết như
vậy chúng ta phải cảnh giác nếu không chúng ta sẽ tiếp tục tăng dần bản
chất chấp ngã.
Tự nhận ra chính
mình không có nghĩa là phải nhớ những gì mà các nhà tâm lý học hay những
vị thầy tâm linh đã dạy. Không có một lời nói nào của người khác có thể
làm cho chúng ta nhận ra được cái gì là tự ngã và cái gì không phải là tự
ngã. Chúng ta phải tự tìm ra rồi sửa đổi cuộc sống của chính mình. Tự thức
tỉnh giữa con người với con người với nhau vẫn còn là điều rất sơ đẳng, đó
là lý do tại sao chúng ta không thể biết được cái gì bên trong lớp vô thức
của chúng ta - những cảm tính sâu kín, những động cơ thúc đẩy ẩn tàng sâu
xa trong chúng ta.
Hầu hết chúng ta
đều hài lòng với những lối sống thiếu suy nghĩ của chúng ta. Trước giai
đoạn con người có mặt trên mặt đất này, mọi hoạt động đều tuỳ thuận vào
định luật thiên nhiên, và tất cả sinh vật đều sinh sống thích nghi và phù
hợp với sự hướng dẫn khôn ngoan của định luật thiên nhiên. Các loại thức
ăn mà chúng tìm được, hay là tính khí của chúng có được từ lúc sinh ra,
v.v… đều là theo ‘bản năng’. Ở trong vùng giá rét, khi chim cánh cụt cái
ra ngoài tìm thức ăn thì chim đực phải ấp trứng và đổi hướng trứng, nếu
không trứng sẽ lạnh rất nhanh. Tại sao chim đực biết làm như vậy?. Vì
thiên nhiên đã dạy nó. Vậy nếu con người hành động như các loài sinh vật
thì họ sẽ từ bỏ tính khí đối xử phân biệt. Chúng ta sẽ bỏ thói quen hay
quan sát và phân biệt giữa thật và không thật, phải quấy, lợi hại. Chúng
ta còn biết rất ít về những điều này, chúng ta cũng chưa nhận ra được tai
hại như thế nào trong một hành vi nhỏ của chúng ta. Như khi chúng ta nói
lời độc ác hay lãnh đạm trước sự khổ đau của người khác là chúng ta có
tội.
Nhưng có một sự
nguy hiểm nghiêm trọng trong việc biết quan sát tự ngã là: nếu chúng ta
không khéo soi xét nó sẽ trở thành một hình thức khác của ngã chấp. Điều
căn bản quan sát là để nhìn nhận và vượt thoát sự xúc chạm, giận dữ, tham
lam, v.v… của chính ta, nhưng khả năng tự cảnh tỉnh phải phát triển chứ
không vì động cơ cho cá nhân.
Nên chú ý khi
chúng ta cho rằng chúng ta hơn người khác, nhưng thật sự chúng ta cũng
không khác gì với bao nhiêu người. Tất cả những người suy nghĩ rồi hành
động theo tự ngã thì cùng hội cùng thuyền, cùng theo dòng thác cuốn với
người chấp ngã, lối sống chỉ lo lắng cho chính mình. Cần phải thận trọng
chắc chắn rằng việc tỉnh thức đó không trở thành một dạng hình mới là chấp
ngã. Trong Upanishad nói rằng con đường đưa đến vượt thoát bản ngã,
ảo tưởng và khổ đau rất nhỏ hẹp gay go khó mà giữ được thăng bằng và yên
tĩnh. Trong quyển Ánh Sáng trên Đường Đạo (Light of the Path)
gọi nó là ‘thang hiểm hoạ của cuộc đời’. Chúng ta cần phải bước chân trên
con đường này với sự tỉnh thức nhưng không được ích kỷ cá nhân và cũng
không có một tí gì cho tự ngã là trung tâm.
Để tránh xa sự
nguy hiểm này chúng ta phải dẹp bỏ tự ngã và ngã chấp đối với tất cả mọi
việc chúng ta làm. Rất là tự nhiên chúng ta cảm thấy vui thích khi chúng
ta gặp bạn bè hoặc thấy một vật gì đẹp. Tất cả cuộc đời này quá tuyệt vời,
chúng ta có thể giữ luôn trạng thái vui vẻ này. Giá mà chúng ta thường
xuyên cảnh thức với ảo tưởng thì trong lúc chúng ta nghĩ: ‘niềm vui sướng
này là của tôi, tôi là như thế này, tôi là như thế kia, v.v…’ thì chúng ta
cảnh tỉnh lại liền, ‘sự vui thích là sự vui thích, tại sao chúng ta phải
nói rằng nó là sự vui thích của tôi ? Sự vui sướng của bạn đâu có
gì khác với sự vui sướng của mọi người. Hạnh phúc của bạn (nếu là hạnh
phúc thật sự) thì cũng giống như hạnh phúc của bao nhiêu người. Vì vậy
chúng ta không nên nô lệ với thói quen mà nghĩ rằng nó là ‘tôi’ và ‘của
tôi’, mỗi lần chúng ta phản tỉnh như vậy chúng ta sẽ cứng rắn hơn với tự
ngã của chính mình.
Thứ hai nữa là như
trong Ánh Sáng Trên Đường Đạo khuyên chúng ta rằng: ‘Hãy quan tâm
thật sự đến tất cả đời sống vạn vật chung quanh bạn. Tập nhìn một cách
thông minh vào trong tâm hồn của con người’. Để nhận ra hành vi của tự ngã
hoạt động như thế nào, cách tốt nhất không những cảnh tỉnh tự ngã của mình
mà còn phải xem cái ngã của người khác hoạt động. Như khi đi trên tàu xe,
người ta có thể nhìn thấy tư cách của con người như thế nào, cái ngã phản
ảnh như thế nào, như là cố gắng tìm một chỗ ngồi tốt nhất, tất cả đều lệ
thuộc vào cái ưa thích và thuận lợi cho tự ngã. Bằng khả năng cảnh giác
chúng ta có thể biết nhiều hơn nữa về bản chất con người và ngay cả hành
vi của các loài thú. Tất cả những sinh vật chung quanh chúng ta như thú
vật, con người, trẻ em, họ trưởng thành lên như thế nào; và cũng tương tự
như vậy hãy quan sát cái đẹp, hư không, sự sáng tạo của thiên nhiên và
những sự phản ứng của chính chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể tự cảnh
tỉnh nhiều và nhiều hơn nữa về chính mình, không trở thành ích kỷ cá nhân.
Người ta thường nói rằng thông minh nhưng phải vô tư. Do đó chúng ta nên
nhìn một cách khách quan, không có phán đoán suy luận với tính cách cá
nhân để tránh sự hiểm hoạ của ngã chấp thường xuyên hiện hành.
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/khampha_chinhminh.htm