Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

BÀI HỌC CUỘC SỐNG

NIỀM VUI NGƯỜI NHẶT RÁC

Giác Hạnh Phương

Tôi đang chạy xe Môtô đi trên con đường xen lẫn trong dòng người tấp nập xuôi ngược, cuộc sống mưu sinh của người thành phố rất năng động hối hả hơn ngày xưa rất nhiều, mọi người có quá nhiều công việc phải làm, phải giải quyết, cho nên không còn thời gian thăm viếng, gặp gỡ lẫn nhau, mỗi người đi tìm hạnh phúc riêng cho bản thân. Người ta gọi cuộc sống ngày nay là “cuộc sống công nghiệp”. Do đó các mối quan hệ con người cũng thay đổi theo kiểu công nghiệp, quan hệ theo chức năng, sòng phẳng đã thay thế cho quan hệ tình cảm trước đây.

Bên cạnh lối sống của người dân đô thị năng động, bổng tôi bất chợt bắt gặp một hình ảnh của một ông già lụm cụm, tóc bạc cắt ngắn gọn gàng, da hơi nhăn, đôi chân bước đi rung rung, khập khễnh. Theo sự suy đoán của tôi thì tuổi của ông khoảng  ngoài bảy mươi tuổi. Thông thường, những hình ảnh của các người già như thế mà tôi thấy mỗi ngày rất bình thường, tự nhiên. Nhưng ở cụ già này khác hơn những người già khác là ở chỗ: ông đang ngồi bên cạnh đống rác (cũng nho nhỏ thôi), và ông nhặt tìm tìm từng mảnh bao nylon, những đồ nhựa,v.v…nói chung là ông nhặt những gì mà có thể đem đi đổi được thành tiền. Tôi chạy xe chầm chậm lại quan sát và nhìn sâu. Thỉnh thoảng ông cúi người sát xuống đống rác (có lẽ mắt ông hơi mờ) và đôi tay thì vạch tìm, đều ngạc nhiên là trông ông có vẽ rất bình thản, bình an và hài lòng với công việc này, thậm chí ông còn vui hẳn lên mỗi khi ông tìm được cái gì đó từ trong đống rác (dĩ nhiên là rất nhiều bao nylon hay đồ nhựa rồi). Lúc đó, trái tim tôi se thắt lại, nghẹn ngào và các giọt nước mưa nó chảy thấm môi của tôi hơi mặn mặn. Tôi cố ném lại mà sao tự nhiên nó cứ chảy. Tôi vội lấy vạt tay áo chùi chùi lia lịa, sợ mọi người xung quanh nhìn thấy và còn phải đi công việc, giao tiếp mà mắt đỏ hoe làm sao được, dễ bị hiểu lầm lắm. Tôi liền cho xe chạy nhanh hơn.  

Về đến nhà, hình ảnh cụ già ngồi nhặt rác vẫn luôn gợi lên trong tâm trí của tôi, làm cho tôi có nhiều cảm hứng để suy gẫm.

Tại sao ông già làm những công việc ấy rất bình an và còn hạnh phúc nữa, ông không bận tâm, ông không động mà lòng tôi lại động? Tôi tự hỏi và đã có đáp án: Tôi thấy rằng công việc nhặt rác của ông già là rất tội nghiệp và khổ sở. Theo tôi, đáng lẽ ra ông xứng đáng phải được tận hưởng một phần niềm vui cuộc sống (hoăc về vật chất hoặc về tinh thần) trong tuổi già còn lại, vì thời trai trẻ ông đã hy sinh cho con cái nhiều rồi. Điều này con cháu ông có trách nhiệm mang lại cho ông. Cũng có thể ông không có gia đình, không người thân, hay ông đang trả nghiệp quả gì đó mà thời trai trẻ ông đã gây ra cho nên bây giờ ông rất cô đơn,v..v….Rất nhiều dòng tư tưởng xuất hiện trong tâm trí tôi.

Nhưng khi nhìn nét mặt ông không có gì là đau khổ cả, mà rất bình an. Có lẽ ông đã sống quen như vậy hay sao?. Nếu thật sự như vậy, nghĩ đến, tôi lại càng nức nỡ nghẹn ngào hơn, chẳng lẽ cuộc đời ông quanh quẫn chỉ có bấy nhiêu đó thôi sao, cứ nhặt và tìm từ đống rác này sang đống rác khác để đổi lấy tiền. Một cái áo đẹp cũng không có, một bữa cơm ngon thịnh soạn cũng không biết như thế nào, thì nói gì đến được đi đây đi đó, được đi xe hơi, được ở phòng máy lạnh, ngồi xem ti vi, dạy dỗ con cháu, đi chùa lạy Phật,v.v…Tôi nghĩ, ước gì tôi có thể tặng ông một 100.000 đồng để ông mua bộ áo mới, đi xem cảnh quanh thành phố, hay đi đến những khoá tu niệm Phật,v.v…hoặc ít nhất khi có 100.000 đồng ông được ở nhà nghĩ ngơi vài ba ngày, làm được một chút đó thôi thì trong lòng tôi vui lắm, niềm vui này nó sẽ có một chút ý nghĩa đối với tôi, khác với niềm vui đi vào những quán ăn sang trọng, được các tiếp tân chào đón tôn trọng, hay những cuộc đi chơi hào nhoáng với bạn bè mà trước đây tôi đã đi qua, nhưng trong túi tôi hôm đó không có mang theo tiền. Lúc này tôi nghĩ đến những người giàu có, những nguời ăn nên làm ra, những ngừơi có cơ hội làm ăn dễ dàng mà gặp ông cụ chắc có lẽ họ đã tặng ông vài trăm ngàn, nhưng cũng có thể những người giàu có ấy, nếu họ có gặp ông đi nữa họ cũng chẳng cho ông đồng nào cả. Trong xã hội ngày nay đã có biết bao nhiêu người sống thờ ơ như thế “người ăn không hết, người tìm chẳng ra” là chuyện thường xảy ra hằng ngày mà.

Một suy nghĩ khác lại gợi lên, có lẽ ông cụ thích làm công việc nhặt rác là niềm vui của ông thì sao, biết đâu công việc ông làm là bài học cuộc sống để lại cho con cháu đó là: sự tiết kiệm, hay bài học khác rác vẫn có giá trị nếu biết sử dụng đúng mục đích. Trên cuộc đời này không có cái gì là bỏ đi cả. Suy nghĩ như vậy, cảm xúc của tôi lắng dịu hẳn. Thôi hãy để ông làm theo những gì ông thích, biết đâu đó là niềm vui của ông.  Lúc đó luồn tư tưởng chuyển qua hướng khác. Vừa chạy xe vừa mừng cho trái tim tôi còn khoẻ, còn biết rung động được trước những hình ảnh như thế, đó là chất lịêu của tình thương con người. Mặc dù tôi chưa có điều kiện để hành động giúp đỡ ông già. Tôi rất sợ một ngày đó trái tim  không còn biết lắng nghe, thờ ơ với cuộc sống thì chẳng khác gì khúc gỗ hay con búp bê biết nói, biết đi, biết cười, biết khóc mà thôi. Xã hội công nghiệp ngày nay làm cho trái tim con người có nguy cơ bị bệnh sơ cứng rất nhiều là tổn thất rất nhiều trong việc mưu tìm hạnh phúc. 

 

BÀI HỌC CUỘC SỐNG – SUY  NGẪM

Đối với ông già nhặt rác, giá trị của rác đã trở thành tiền, tiền trở lại phục vụ cho cuộc sống của  ông  nói riêng và phục vụ cho mục đích con người, tuỳ theo mục đích của mỗi người mà sử dụng, đầu tư tiền có lợi ích, có lợi nhuận (lợi nhuận vật chất hoặc tinh thần). Như vậy, tiền là đơn vị làm vật trung gian, là nhịp cầu nối giữa hai bên bờ: khổ đau và hạnh phúc. Tuỳ theo trí tuệ mà mỗi người chọn bến bờ để sử dụng tiền hợp lý. Rác có thể đem lại biết bao lợi ích cho bản thân và tha nhân.

Qua hình ảnh ông già nhặt rác để bán lại cho các nhà sản xuất, tái chế có rất nhiều lợi ích: trứơc hết, ông nghĩ rất đơn giản là vì cuộc sống mà thôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, kéo theo sau biết bao lợi ích và phước báu khác như: tiết kiệm cho xã hội, giảm sự ô nhiễm môi trường, ông già đã gián tiếp làm giảm bớt sự xa sỉ cho những gia đình giàu có, họ phải cảm ơn những người nhặt rác đã sữ lại những xa sĩ của họ, nếu không thì vô tình vì cuộc sống dư thừa của họ đã gây thiệt cho môi trường nhiều v.v… Nhìn rộng ra một chút, những quốc gia có nền công nghiệp hiện đại là những quốc gia gây thiệt hại cho môi trừơng, cho trái đất nhiều nhất. Quốc gia nào cũng hướng đến cuộc sống văn minh hiện đại mà phải đánh đổi sự mất cân bằng sinh thái, sự thiệt hại môi trường, mất đi quan hệ tình người, khoảng cách giàu nghèo quá lớn thì nền văn minh mà các quốc gia đang phát triển chưa hoàn hảo, cần xem lại để bổ sung những gì.

Nếu không bỏô sung cho cân bằng thì thế hệ con cháu chúng ta sau này phải gánh hậu quả nghiêm trọng do chính sách sai lầm của người lãnh đạo đất nước.  

Do đó, bài học thứ nhất là đừng xem thường người nhặt rác nhé!

Bài học thứ hai, thay vì hành động nhặt rác của ông chỉ với mục đích đem bán để lấy tiền. Chúng ta có thể bổ sung tác ý cho hành động nhặt rác này là: để tiết kiệm, để giảm bớt sự xa  xỉ, để bảo vệ môi trường,v.v.. thì phước báu sẽ lớn hơn rất nhiều. Phước báu tỉ lệ thuận với tâm lượng rộng lớn hơn là với khối lượng hay số lượng vật chất.

Chúng ta có công thức: PHƯỚC BÁU = TÂM + LỢI ÍCH PHỤC VỤ.

                        Từ đó suy ra. PHƯỚC BÁU GIẢM = TÂM VỊ KỶ + LỢI ÍCH (LỚN)

                                                PHƯỚC BÁU TĂNG= TÂM VỊ THA + LỢI ÍCH (NHỎ VÀ LỚN)

Thói quen con người khi làm việc gì chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân và trước mắt mà thôi. Từ nay, chúng ta hãy thay đổi thói quen ấy bằng cách thực tập mỗi ngày trước khi hành động hay suy nghĩ thì hãy đặt lợi ích của người khác, của số đông lên trên lợi ích cá nhân trong mỗi mỗi công việc làm hằng ngày. Trong lĩnh vực, ngành nghề hay thành phần xã hội nào chúng ta cũng có thể thực tập được: trong gia đình, cơ quan, thợ xây dựng, người bán hàng, nhà sản xuất. Thực tập tác ý vị tha như vậy, chúng ta sẽ trở thành những người giàu có về phước báu tâm linh, sau đó sẽ trổ quả cho chúng về phước báu vật chất, làm ăn phát tài, trong cuộc sống gặp nhiều may mắn.  Mặc khác, con cháu sau này của chúng ta sẽ thừa hưởng những lợi ích vì tấm lòng vị tha của cha ông đi trước, mà không cần để dành lại gia tài đồ sộ cho chúng. Đó là sự đầu tư bền vững, phát triển bền vững, và hạnh phúc bền vững.

Mỗi ngày thực tập như vậy trái tim ta sẽ mở rộng bao la và giá trị con người sẽ nâng lên, hạnh phúc sẽ lớn hơn. Nhân cách của Phàm phu khác với Thánh nhân chỉ khác nhau trong đường tơ kẽ tóc ở chỗ đó là “tác ý vị kỷ” hay “tác ý vị tha” mà thôi.

 

BÀI HỌC BẢN THÂN

Từ hình ảnh ông già nhặt rác và biến rác trở thành giá trị tiền bạc là việc khó làm, không phải ai cũng làm được. Trong xã hội, có người muốn có tiền nhưng vì sỉ diện, vì cái tôi, cho nên có người đi bán sắc đẹp trời cho của mình, đi cướp giựt, lừa đảo, tham nhũng, vòi vĩnh nơi công sở v.v…Những hành động đó chưa chắc gì đẹp hơn hành động của cụ già nhặt rác này. Chính vì vậy mà trông ông có vẽ rất bình an trong niềm vui của hành động chân chính. Nghĩ như vậy, tôi giảm bớt cảm xúc khi nghĩ về người nhặt rác, mà lấy đó làm bài học cho chính mình.

Tôi cũng là người nhặt rác đấy. Nhưng công việc nhặt rác của tôi không ai thấy cả?. Có phải vì sĩ diện mà tôi che dấu chăng? Không đâu. công việc nhặt rác mà tôi muốn nói đến ở đây là rác còn ẩn náo tâm hồn. Rác ấy đó là rác ganh ghét, rác hận thù, rác cố chấp, rác ích kỷ, rác giận hờn, rác nóng nảy, rác thành  kiến, rác cái tôi, rác sỉ diện, rác thương ghét, rác chê bai, chỉ trích, nói xấu, rác công thần,v.v…

Tôi cũng đang làm công việc đi tìm kiếm rác, bươi móc rác trong khối rác tâm hồn.  Thay vì ông già dùng bàn tay để lấy rác, thì trái lại tôi dùng trí tuệ để lấy rác. Mỗi khi lấy được rác ra tôi cũng vui mừng như ông già nhặt được nhiều rác nhất trong ngày. Nhưng rác trong tâm hồn khó thấy hơn phải dùng kính hiển vi của trí tuệ mới thấy được. Rác này nó giống nhưng virút vậy, thấy nó chỗ này thì nó lại chạy sang chỗ khác.

Để nhặt được rác, chúng ta hãy dành cho mình những khoảng lặng, ngồi thật thoải mái, thật thư giản, buông thư toàn thân, không để những căng thẳng, cảm xúc lo âu khống chế tâm hồn và theo dõi tư tưởng và quan sát chúng, xem tư tưởng nào là rác, là tiêu cực, thì hãy bỏ qua, đừng chú ý vào nó, chỉ giữ lại những tư tưởng tích cực, những tư tưởng đem lại niềm vui cho bản thân thì hành động.

Chẳng hạn, khi có ai đó làm mình giận, nhưng mình không giận họ là chúng ta đã lấy được một miếng rác ra khỏi tâm hồn rồi. Còn phương pháp nào để mình không giận lại cũng rất khó làm phải không? Chúng ta hãy thực tập và quán chiếu về tác hại cũng như lợi ích của cơn giận. Cũng gống như công việc nhặt rác mà thôi.

Kết quả của sự tìm kiếm lấy rác tâm hồn ra hết, thì người đó còn lại viên ngọc quí đó là tình thương, là sự cảm thông, là sự bao dung, là nội tâm bình an, là sự tự do, tự tại v.v… Chúng ta hãy là người đi nhặt rác trong mãnh đất tâm cho đến khi hết rác để nhặt, thì người đó là diệu dụng, làm biết bao lợi ích cho tha nhân.

KÍNH CHÚC MỌI NGƯỜI SỐNG TRONG MÔI TRƯỜNG TÂM HỒN TRONG LÀNH KHÔNG CÓ RÁC, KHÔNG Ô NHIỄM  ĐỂ BẢN THÂN VÀ XÃ HỘI ĐƯỢC AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC.

Mùa Vu Lan, ngày 30 tháng 7 năm 2008

                                                                                                                         


 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/niemvuinguoinhatrac.htm

 


Vào mạng: 01-08-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang