Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Phật A-Di-Đà và cõi Tịnh-Độ

Nguyên-Thảo


Chúng ta không thể chối bỏ rằng: Tình hình thế giới hiện nay thật là nhiễu nhương, còn an ninh thì không được ổn định. Từ sự xung đột lịch sữ ở Trung Đông giữa Do thái với Palestine và khối Á Rập; từ thái độ của Anh Mỹ mà đã đưa đến những vụ nổ bom các Tòa đại sứ Mỹ ở Phi châu; và hôm 11-9-2001 nhóm khủng bố đã tấn công vào tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) cùng Ngũ Giác Đài trên đất Mỹ. Hoa Kỳ huy động ngoại giao, quân sự mở hoạt động chiến tranh vào Afghanistan để truy lùng ‘Người tình nghi số một' Osama Bin Laden và tổ chức của y là Al Qaeda cùng tiêu diệt chế độ Hồi giáo quá khích Taliban vì đã bao che ông nầy. Sự may mắn cho nhân loại là chưa đưa đến một cuộc chiến tranh tàn khốc khác là: Chiến tranh Tôn giáo!

Trong khi đó thì bão lụt, thiên tai, hỏa hoạn liên miên, làm đời sống của con người trên trái đất càng thêm khó khăn. Khí hậu thay đổi, nóng lạnh nhiều hơn. Các nhà khoa học báo động tầng Ozone của không khí ở Nam cực bị lổ hỏng, tạo nên hiện tượng nóng như trong nhà kiếng (Greenhouse). Để sửa chữa, người ta đã đưa ra giải pháp: bảo vệ môi trường; ngăn cấm việc phá rừng bừa bãi; xe cộ sử dụng nhiên liệu có ít chất khói độc thải ra; giới hạn các hóa chất xịt có thể ảnh hưởng đến tầng Ozone. Cấm đốt rác, đốt chất nhựa; sử dụng các nguyên liệu tái sinh...tránh tạo ra các khí độc như CO2 hoặc các chất khí kết hợp với O2 mà không hoàn trả O2. Tăng cường trồng cây xanh để cây hấp thụ CO2 và trả O2 cho không khí.

Những thiên tai, chiến tranh, sự hỗn loạn trên thế giới hiện nay khiến cho các tôn giáo liên hệ đến phần đạo của mình: Tôn giáo thì nói là đến giai đoạn tôn giáo mình sẽ thống trị thế giới; tôn giáo thì bảo hiện tượng báo trước một Đấng tối cao của đạo họ sẽ xuất hiện; tôn giáo thì bảo là thời cuối cùng của thời kỳ trước và để chuẩn bị lập lại đời sau tốt hơn. Tôn giáo nào cũng nói ‘Cái Đạo của ta’ là quan trọng cả. Vậy Đạo của người thì sao? Đó là đầu nguồn của chiến tranh tôn giáo: Một cuộc chiến tranh của Đức Tin và phát sinh từ trong ‘Tâm thức phân biệt’. Cuộc chiến như vậy không phải của các Vị Thánh, mà là của các Ma Vương: Vì Thánh chỉ đem đến an vui, niềm an lạc trong tinh thần và cuộc sống con người, chúng sinh. Tôn giáo là giải thoát con người khỏi đau khổ chứ không phải đem đau khổ đến cho con người, nhất là đưa linh hồn con người về nơi an lạc hoặc thiên đường sau khi chết: Ấy là sự cứu rỗi. Sự phân biệt tôn giáo ta, tôn giáo người; tôn giáo của ta phải hơn tôn giáo của người, phải thống trị thế giới: Đó là chưa thoát khỏi sự chấp các tướng Nhơn, ngã, chúng sinh và thọ giả. Đạo Phật thì không như vậy: Tất cả ta, người, chúng sinh, vạn vật, hư không đều đồng một thể bình đẳng, sống hòa đồng trong cõi an vui thanh tịnh, bất sanh bất diệt: Đó là cõi "Chơn như". Mình muốn lớn vô tận thì lớn vô tận; muốn nhỏ như hạt bụi, đầu sợi lông thì nhỏ như vậy. Muốn nhỏ ‘ngồi trong hạt bụi’ để làm việc lớn ‘mà chuyển đại pháp luân’ cũng được; hoặc không cần phải đi xa ‘trên đầu một mảy lông’ ta cũng có thể có được ‘hiện ra các cõi nước’ hay ‘không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới’. Đó là công dụng của Trí Huệ đã đả phá được màn Vô minh đưa ta trở về với Giác ngộ, với Chơn như đạt được Đại viên cảnh trí, Bồ đề Vô Thượng hay nói tóm lại là Viên giác. Và cuộc sống ấy là bất sanh bất diệt, tồn tại từ ‘vô thỉ’ đến ‘vô chung’.

Nhưng muốn được như thế thì trước hết ta phải ‘Tịnh’. Với trạng thái Tịnh ta mới giải quyết được vấn đề. Điều ấy Đức Phật A Di Đà cũng đã tìm được con đường cho bạn rồi. Bạn không phải xa rời cuộc sống, bạn vẫn có thể định được Tâm và bạn được về cõi chuyển tiếp sau khi vãng sanh. Dù nó chưa là vô thượng, nhưng vẫn là ‘cực lạc’. Từ đó bạn sẽ được hỗ trợ duyên mà tiến tu xa hơn nữa để đạt được rốt ráo của Đạo Vô Thượng Bồ Đề: Vì cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà không phải có một mà có đến 4 cõi.

Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ: Đây là cõi đầu tiên mà Đức Phật A Di Đà đã lập thành (trang nghiêm) và cư trú tại đây cùng với các vị Bồ tát đi rước tâm thức bạn khi bạn vãng sanh hoặc do nơi tâm thức bạn nương theo ánh sáng của Ngài (Vô lượng quang) mà về được. Tâm thức bạn được đối đãi tử tế ở đây, bạn đã xa rời luân hồi và sự khổ. Rồi do nơi trợ duyên từ trong cảnh trí của cõi Tịnh độ nầy sẽ giúp bạn càng tinh tấn hơn. Tại sao cảnh Cực lạc lại được trang nghiêm bằng bảy báu: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não? Vì đó là một trong 48 lời Đại nguyện của Ngài Tỳ kheo Pháp Tạng. Vả lại, trong sự trang nghiêm của cõi Tịnh độ cũng một phần do chúng sinh của cõi ấy, chúng sinh chỉ biết an vui tu tịnh nên chánh báo tâm bình thản nhiên, vì vậy phần y báo cũng phẳng lặng, đẹp đẽ. Còn ở thế giới Ta bà lòng người nham hiểm, mưu chước thâm sâu, sôi sục hận thù, nghiệp sát, đạo, dâm, vọng quá nặng nề (chánh báo), cho nên hiện ra núi cao, biển sâu, bão lụt, hạn hán, lửa bừng cháy, chiến tranh, dịch bệnh (y báo) lại càng gay go, gút mắt, địa hình gồ ghề...thì cuộc sống lại càng gian nan:

Tâm tạo chư Phật, Tâm tạo chúng sanh, Tâm tạo thiên đường, Tâm tạo địa ngục, Tâm vọng động thì ngàn sự sai biệt tranh khởi, Tâm bình thì thế giới thản nhiên, Tâm phàm thì ba món độc trói buộc, Tâm thánh thì sáu món thần thông tự tại, Tâm không thì nhất đạo thanh tịnh, Tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành. Tự mình đạp mây mà uống nước cam lồ, chẳng có ai cho mình. Nằm trong lửa hừng mà uống máu mủ cũng tự mình gây nên, không phải trời sanh ra, cũng không phải do đất mà có"    (Trích từ băng giảng của HT. Thích Tâm Thanh)

Nếu có thì giờ tôi thiết nghĩ rằng: Bạn cũng nên tìm đọc những lời đại nguyện của các Đức Phật và các vị Bồ Tát, bạn sẽ thấy được sự vĩ đại của các vị Phật hay là của Đạo Phật; ví như Ngài Địa Tạng ‘nguyện độ tất cả chúng sinh trong địa ngục rồi mới thành Phật’. Thế biết đến bao giờ Ngài mới thành Phật..! Và Ngài A Nan cũng phát nguyện:

‘Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập

 như nhất chúng sanh vị thành Phật,

 chung bất ư thử thủ Nê Hoàn’

(Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa được thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết Bàn). (PHPT, Lăng nghiêm, trang 113).

Tâm của các Ngài đã quá bao la, bao dung mọi chúng sanh mà quên mình, đúng là Bố Thí Ba La Mật, không còn chấp Ngã tướng (Đúng là ‘Vô ngã’).

Viết đến đây tôi lại nhớ về thuở nhỏ, có lúc mẹ tôi ra chợ bán cá, tôi phải phụ giúp mẹ tôi. Tôi nhìn vào thùng cá đang yên lặng, bình yên, các con cá ung dung lội, tự dưng có một con vẫy đuôi, thế là cả một thùng cá đều khuấy động, nước bắn lên văng tung toé. Cuộc chiến chống khủng bố hiện nay cũng giống như thế. Chỉ một kẻ hay một nhóm khuấy động thì ‘thùng cá’ đã nhốn nháo cả lên. Khủng bố do từ ‘Tâm vọng động’ và người chống khủng bố cũng từ sự ‘vọng động của tâm’. Từ tâm sanh ra ‘muôn thù tranh khởi’

Oán báo oán hà thời dứt

Lấy Đức báo oán oán tiêu tan.

Thế nên cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà là cõi của một người ngộ đạo, đã phát nguyện từ trong những kinh nghiệm nhìn về chúng sinh: ‘Thế giới của Tỳ kheo Pháp Tạng’. Với 48 lời Đại nguyện đem lợi ích đến cho chúng sinh, cầu mong cho chúng sinh sớm thành Phật, an vui cõi Niết bàn, cho nên vị Tỳ kheo Pháp Tạng đã chọn những điểm thù thắng của từng cõi Phật để tạo thành cõi hoàn hảo nhất: Đó là cõi Tịnh Độ đã được Đức Phật Thế Tự Tại Vương vui vẻ chấp nhận. Đức Phật Thích Ca cũng ca ngợi không ngớt; và với chúng sinh cõi Ta Bà: Đó cũng là con đường vui vẻ, an toàn, bằng phẳng và dễ dàng hơn nhất trong các pháp tu của đạo Phật.

Tín, Nguyện, Hành là các điều kiện cần có (‘ắt có và đủ’) để đi vào cõi Tịnh độ.

Với ‘Tin là mẹ sanh ra các công đức, nhờ có đức tin mà người tu chứng được quả Bồ Đề’ (Kinh Hoa Nghiêm). Quả thực vậy, nếu ta có tin thì chúng ta mới hăng hái, quyết tâm đi đến cùng không gì lay chuyển được (Bất Thối Bồ Tát). Còn đi với lòng dạ ‘nửa ngờ, nửa tin’ hay niềm tin không vững chắc sẽ dễ bỏ cuộc nửa chừng, hoặc lừng khừng, hoặc bỏ rồi lại lấy...Cho nên Niềm Tin ở đây rất quan trọng: Tin những điều mà Phật Thích Ca đã nói về cõi Cực Lạc, có cõi ấy thật sự; Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thù thắng, dễ tu dễ chứng, là con đường đưa đến cõi Cực Lạc; nhất là tin vào mình có thể thực hiện được pháp tu ấy trong suốt cuộc đời.

Sau niềm tin là lòng ước nguyện, sự tha thiết mong muốn để được thành đạt. Nếu ta muốn có nhà thì ta sẽ ‘cố gắng để có được’ nhà, muốn có xe thì ta sẽ có xe..., và muốn vượt ra khỏi luân hồi thì nhất định sẽ ra khỏi luân hồi, và dứt khoát ta sẽ về cõi Tịnh Độ nếu ta quyết muốn về cõi đó. Ta không thể còn nghi ngờ vào điều ấy!

Hành là thực hành theo lời Phật dạy. Có thông hành: là các việc thông thường hay là Tịnh nghiệp như hiếu kính cha mẹ, Tôn thờ sư trưởng, Thọ trì quy y ngũ giới, Từ tâm không giết hại và phát Bồ Đề Tâm. Chuyên biệt hành: chuyên lòng niệm Phật để đến được ‘nhất tâm bất loạn’.

Thực ra, nếu bạn để ý một chút, ‘một chút thôi’ bạn sẽ thấy Đức Phật không lừa dối bạn về pháp tu Tịnh Độ nầy đâu: ‘Nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật nhất tâm bất loạn’ (Nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào, nghe nói đến tên Phật A Di Đà, chuyên tâm trì niệm danh hiệu Ngài từ một ngày cho đến bảy ngày mà tâm không loạn động). Như vậy, nếu người hành Thiền hoặc người Tĩnh Tâm dùng pháp kiểm soát hơi thở của mình, hay pháp quán nào đó hầu định tâm; thì trong pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật là pháp để định Tâm; mà khi Tâm đã định thì Huệ sẽ phát sanh; Huệ sanh thì u mê phải biến mất tức là Vô minh không còn, lúc ấy Chơn Tâm hiển lộ: bạn là Phật, là Bậc Giác ngộ rồi còn gì! Lúc đó, bạn không ở bên phật A Di Đà hay trong cõi Tịnh Độ hay sao? Cho nên người ta nói pháp Tịnh Độ là pháp dễ tu và an toàn nhất. Thiền thì chứng nhanh, nhưng có rất nhiều nguy hiểm vì dễ gặp nhiều ma chướng hoặc đi sai đường. Đúng đường thì Vô ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả. Còn trật đường thì ‘đây là đạo của ta’, ‘ta là đấng..’, ‘ta là...’, hoặc ‘chiến đấu vì ta sẽ..’, vì vậy mà phân biệt đạo ta, đạo người, đưa đến chiến tranh tôn giáo, xa rời mục đích tốt đẹp của tôn giáo đi. Nhất là người tu thiền dễ bị ma chướng tự cao tự đại (đại vọng ngữ, đại ngã mạn) khi tự thấy mình có khả năng nói pháp, chứng ngộ mà sinh lòng kiêu mạn như Đức Phật đã nói đến 50 món ma chướng trong Kinh Lăng Nghiêm mà người tu thiền phải vượt qua.

Vả lại, pháp môn niệm Phật dựa vào Kiến đại để đạt được Thánh quả. Mời bạn nghe Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử trình bày về Pháp Niệm Phật Tam Muội như sau:

‘Mười phương các Đức Như Lai thường nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh, tuy mẹ nhớ cũng chẳng có ích gì; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không xa cách nhau. Nếu chúng sanh đem tâm nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại hay tương lai chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng cần tu hành phương tiện nào khác mà tự nhiên tâm được khai ngộ’ (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 219).

Và tại sao trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương chép: ‘Niệm đến chỗ vô niệm, mới là chơn niệm’. Câu nầy đã khiến cho chúng tôi nhớ lại ‘một ý niệm tức cười’ đã khởi lên khi chúng tôi đọc quyển Phật Học Phổ Thông khóa V về Tịnh Độ Tôn, số V: Lợi ích của pháp Niệm Phật. "Ngoài lợi ích của Lý còn có lợi ích về Sự nữa. Sự có các lợi ích sau: Niệm Phật sẽ trừ được các phiền não; Niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh; Niệm Phật làm cho thân thể được nhẹ nhàng yên ổn; Niệm Phật tâm trí sẽ sáng suốt, học hành mau nhớ và Niệm Phật khi lâm chung sẽ được sanh về Tịnh Độ".

Thì trong phần: ‘Niệm Phật sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng an ổn ‘có đoạn:

‘Nhiều người mất ăn, bỏ ngủ vì uất hận, nhục nhã v.v.. Do đó, uất khí tích tụ lâu ngày trong người, mà sinh bệnh mất ăn, bỏ ngủ. Gặp những trường hợp như vậy, nếu chúng ta niệm Phật cho ra tiếng, thì những nỗi uất hận đè nặng tâm can chúng ta, sẽ như được trút ra cùng hơi thở, cùng tiếng niệm và thân tâm sẽ được nhẹ nhàng dễ chịu’ (PHPT, khóa V trang 152). Đoạn nầy đã làm cho chúng tôi liên tưởng đến hai chuyện: Giả sử như anh chàng thợ hớt tóc trong chuyện ‘Ông vua có lỗ tai lừa’ vì ấm ức không thể thổ lộ cùng ai về lỗ tai của ông vua, thay vì anh ta chạy vào rừng kê miệng vào hố đào sẵn để la lên ‘Ha ha! Ông vua có lỗ tai lừa, ông vua có lỗ tai lừa’, thì anh ta chạy lên núi như Ngài Thiện Đạo cứ la lớn lên ‘Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!...’ La thật lớn ‘Cao thanh kỳ danh’ có thể anh ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Và thứ hai, nếu khi mệt rồi thì cứ ‘Kim cang kỳ danh’ (niệm nhỏ) và cuối cùng thấy cần tĩnh lặng thì cứ ‘Mặc niệm kỳ danh’ (niệm thầm) hoặc dung đến ‘quán tưởng kỳ danh’ (niệm trong tâm), niệm mãi, niệm hoài đến khi trong óc, rồi trong tâm luôn có niệm, nhưng về cơ thể thì ‘vô niệm’. Khi đầy tâm rồi thì mỗi cử động của Tâm đều là niệm (niệm nhập tâm). Thế là niệm đến chỗ vô niệm: Đó là chơn niệm vậy!

Nhưng đường về cõi Tịnh Độ không phải chỉ là Niệm Phật đến chỗ ‘nhất tâm bất loạn’ không thôi; mà Đức Phật còn chỉ cho Hoàng hậu Vi Đề Hy 16 cách quán gọi là ‘Quán tưởng Niệm Phật’. Như vậy lại càng an toàn hơn, vì Phật đã chỉ rõ các cảnh của Tịnh Độ, nếu khác đi ta sẽ biết là cảnh ma. Mỗi cảnh trong cõi Tịnh Độ được trang nghiêm từ tiếng trống, tiếng gió, tiếng nước chảy, chim kêu đều là những bài thuyết pháp, là những nhiệm mầu khiến dân trong cõi ấy đều nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng; và nhất là phép quán về đất: ‘Nếu có chúng sanh y theo phép quán đất nầy mà quán, thì sẽ trừ được tám mươi vạn ức kiếp sanh tử tội chướng. Khi bỏ thân nơi cõi uế trược liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà tâm không còn chướng ngại. Y như trên mà quán gọi là chánh quán, nếu không như vậy là Tà Quán’ (Quán Vô Lượng Thọ yếu giảng, trang 128).

‘Phép quán thứ tám được thành tựu, quán như vậy diệt trừ được ức kiếp sanh tử tội chướng, trong hiện đời chứng được Niệm Phật Tam Muội’ (Quán Vô Lượng Thọ yếu giảng, trang 176). Trong Kinh, Đức Phật Thích Ca cũng chỉ rõ về cách quán tưởng đến hình ảnh của Phật A Di Đà kể cả Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát.

‘Mười ba phép quán ở trước trong lúc quán cần phải đạt đến niệm Phật tam muội, còn gọi là nhập định quán. Đến đây Phật mở bày phương tiện cho chúng sanh, những ai trong lúc quán tưởng mà chưa chứng được niệm Phật tam muội tùy theo tín, hạnh, nguyện công đức sâu cạn sẽ được vãng sanh về chín phẩm ở cõi Cực Lạc. Chín phẩm gồm có thượng, trung và hạ, trong mỗi phẩm lại được chia làm ba phần thượng, trung, hạ tổng cộng chung là chín phẩm. (Quán Vô Lượng Thọ yếu giảng, trang 229).

Tóm lại, phương pháp Quán Tưởng Niệm Phật cũng đòi hỏi ta các điều kiện của một người tu hành: ‘Muốn sanh cõi kia phải thực hành đầy đủ ba công đức: Một hiếu thảo cha mẹ, phụng dưỡng sư trưởng, thầy bạn, tu mười thiện nghiệp. Hai quy y Tam Bảo, giữ giới luật không phạm. Ba phát Bồ đề tâm, tin lý nhân quả, phát tâm đại thừa, tinh tấn tu tập.’ (Quán Vô Lượng Thọ yếu giảng, trang 86). Và thực hiện thì quán tưởng đến Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí. Ngoài ra còn tập trung niệm phật đến lúc Tâm được Định. Như vậy trong phương pháp nầy vừa là sự năng nổ của người tu hành, đồng thời nhờ Phật lực hỗ trợ lẫn ‘nhiều ức kiếp tội chướng được diệt, tiêu trừ nhờ các phép quán, cho nên ‘dễ tu, dễ chứng’ là một sự tất nhiên.

 

Nếu nói về Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ mà không đề cập đến "Chín phẩm hoa sen" (liên hoa cửu phẩm) là thiếu sót lớn. Chín phẩm đó gồm ba phẩm chính yếu là: Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm. Trong mỗi phẩm chia thành ba bậc: Thượng sanh, Trung sanh, Hạ sanh. Như vậy, kết hợp lại chúng ta có chín phẩm như sau:

Thượng phẩm thượng sanh           Trung phẩm thượng sanh             Hạ phẩm thượng sanh

Thượng phẩm trung sanh              Trung phẩm trung sanh               Hạ phẩm trung sanh

Thượng phẩm hạ sanh                   Trung phẩm hạ sanh                   Hạ phẩm hạ sanh

Những phần nầy Thượng tọa Thích Phước Nhơn đã giảng giải rõ trong quyển "Quán Vô Lượng Thọ yếu giảng"; Còn ở đây, để có thể hiểu được một cách khái quát, xin mời bạn cùng chúng tôi lược qua các đoạn kinh được trích ra từ 2 phẩm 24 và 25 trong: "Phật thuyết Kinh Đại Thừa Vô Lương Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác" do Ngài Hạ Liên Cư hội tập và Tâm Tịnh chuyển ngữ, sách ấn tống 2003, như sau:

 

Phẩm 24: Ba Bậc Vãng Sanh.

Phật bảo A Nan: Mười phương thế giới, chư thiên nhân dân, số người chí tâm, nguyện sanh nước đó, thường gồm ba bậc:

Những bậc Thượng bối: ly gia đoạn dục, hành hạnh Sa Môn, phát Bồ Đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu các công đức, nguyện sanh nước đó. Các chúng sanh nầy, đến lúc lâm chung, Phật A Di Đà, cùng các Thánh chúng, hiện ở trước mặt, trong một khoảnh khắc, liền được tiếp dẫn, vãng sanh Cực Lạc, bèn tự hóa sanh, trong ao Bảy Báu, trí huệ dõng mãnh, thần thông tự tại.

Do đó, A Nan! Có chúng sanh nào, muốn trong đời nầy, thấy Phật Di Đà, phải nên phát tâm, Vô Thượng Bồ Đề. Lại phải chuyên niệm, cõi nước Cực Lạc, tích chứa căn lành, liền đem hồi hướng, thế nên thất Phật, sanh về nước đó, đặng bất thối chuyển, cho đến đắc quả Vô Thưọng Bồ Đề.

Với bậc Trung bối, tuy rằng không thể hành hạnh Sa Môn, tu công đức lớn, nhưng phải phát tâm Bồ Đề Vô Thượng, nhất hướng chuyên niệm, A Di Đà Phật. Tùy chỗ huân tu, các công đức lành, phụng trì trai giới, khởi dựng tháp tượng, cúng dường Sa Môn, đốt đèn treo phan, rải hoa đốt hương, lấy đó hồi hướng, nguyện sanh nước kia. Người đó mệnh chung, Phật A Di Đà, hóa hiện thân Ngài, quang minh tướng tốt, đủ như chân Phật, cùng với Thánh chúng, trước sau vây quanh, hiện trước người đó, nhiếp thọ tiếp dẫn, liền theo hóa Phật, vãng sanh nước đó, trụ bất thối chuyển, Vô Thượng Bồ Đề. Trí huệ công đức, sau bậc Thượng bối.

Với bậc Hạ bối, nếu như không thể, tạo các công đức, phải nên phát tâm, Vô Thượng Bồ Đề, một lòng chuyên niệm, A Di Đà Phật, vui vẻ tin sâu, chẳng sanh nghi ngờ, đem tâm chí thành, nguyện sanh Cực Lạc. Đến khi mệnh chung, người ấy trong mộng thấy Phật Di Đà, cũng được vãng sanh. Trí Huệ Công đức, sau bậc Trung bối.

Nếu có chúng sanh, trụ pháp Đại Thừa, đem tâm thanh tịnh, hướng Vô Lượng Thọ, cho đến mười  niệm, nguyện sanh nước Ngài, nghe pháp thâm sâu, liền sanh tin hiểu, nhẫn đến đạt được, một niệm tịnh tâm, niệm Đức Phật kia. Người ấy mệnh chung, thấy Phật Di Đà, sanh về Cực Lạc, được bất thối chuyển, Vô Thượng Bồ Đề.

 

Phẩm 25: Chánh Nhân Vãng Sanh.

Lại nữa A Nan, nếu như có người thiện nam, thiện nữ, nghe kinh điển nầy, thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, ngày đêm không ngừng, cầu sanh Cực Lạc, phát tâm Bồ Đề, giữ gìn giới cấm, vũng vàng không phạm. Lợi lạc hữu tình, căn lành đã làm, đều ban cho họ, khiến họ an lạc, nhớ niệm đức Phật A Di Đà Phương Tây, cùng quốc độ Ngài. Người nầy mạng chung, sắc tướng như Phật, mỗi mỗi trang nghiêm, sanh về cõi báu, mau được nghe pháp, hằng bất thối chuyển.

Lại nữa A Nan, nếu có chúng sanh, muốn sanh Cực Lạc, tuy rằng không thể đặng tinh tấn lớn, hoặc đặng thiền định, tận trì kinh giới, nhưng cốt làm lành: Một không sát sanh. Hai không trộm cắp. Ba không dâm dục. Bốn không vọng ngữ. Năm không thêu dệt. Sáu không ác khẩu. bảy không lưỡng thiệt. Tám không tham lam. Chín không sân giận. Mười không si mê. Như thế suốt cả ngày đêm nghĩ nhớ, thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà, các thứ công đức, các thứ trang nghiêm, hết lòng quy y, đảnh lễ cúng dường, người nầy mạng chung, không kinh không sợ, tâm không điên đảo, liền được vãng sanh, về cõi Cực Lạc.

Nếu sự đa đoan, không thể ly gia, bận rộn không thể đại tu trai giới, nhất tâm thanh tịnh, những lúc rỗi rảnh, thân tâm đoan chính, dứt muốn bỏ lo, từ tâm tinh tấn, không nên sân giận, đoạn trừ tật đố, tham lam bỏn sẻn, trong lòng chẳng chuốt, hối hận nghi ngờ. Phải nên hiếu thuận, trung tín hết lòng, tin kinh Phật nói, nghĩa lý thâm sâu, tin nơi đạo lý, làm lành đặng phước, phụng trì tất cả các pháp như thế, không được thiếu sót, nghĩ suy chín chắn. Muốn đặng độ thoát, ngày đêm thường niệm; muốn nguyện vãng sanh, cõi nước thanh tịnh, của Phật Di Đà, mười ngày mười đêm, cho đến một ngày, một đêm nối nhau không hề gián đoạn, mạng chung đều đặng, vãng sanh Cực Lạc, hành Bồ Tát đạo.

Chư vị vãng sanh, thảy đều đắc đặng A Duy Việt Trí, đủ sắc vàng ròng, ba mươi hai tướng, đều sẽ thành Phật. Muốn được làm Phật ở cõi nước nào, tùy theo tâm nguyện. Do nơi chư vị, ngày đêm tinh tấn, cầu đạo không dừng, quyết định kết quả, sở nguyện chẳng luống.

Lại nữa A Nan! Do nghĩa lợi nầy, vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn, chẳng có sai khác, vô biên thế giới, chư Phật Như Lai, đồng thanh xưng tán, công đức của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

 

Qua đó, chúng ta có thể thấy được rằng Pháp tu Tịnh Độ là một phương pháp cho "đại chúng" từ người bận rộn trong cuộc sống thường ngày vẫn thực hiện đường lối tu một cách "thoải mái"; cho đến người xuất gia, thực hành hạnh Sa Môn, như những vị Tôn Đức, hoằng dương Đại Thừa, hướng dẫn người niệm Phật cầu vãng sanh... Tất cả đều có thể tu được và tùy theo căn cơ của mình cùng sự tu tập chuyên nhiều hay chuyên ít mà được "tiếp dẫn" bằng một trong chín phẩm "Liên Hoa" (Hoa sen); hoặc tự mình sẽ nhận được "Vô lượng quang" của Phật A Di Đà mà nương theo đó để về cõi Tịnh Độ khi vãng sanh . Nhưng điều kiện "tiên quyết" vẫn là "Tín, Nguyện và Hành".  

Cõi Tịnh độ là cõi an vui, thoát khỏi sự khổ trong Tam giới nên được gọi là cõi Cực Lạc; tuy nhiên nó chỉ mới là cõi chuyển tiếp, để từ đó những vị "Bất Thối Bồ Tát" (tức là những chúng sinh khi vãng sanh được về cõi nầy sẽ không thối tâm tu hành nữa như trong thế gian nên gọi là Bất Thối) tiếp tục được trợ giúp tu hành hầu được về với cõi rốt ráo là Chơn Như.

Với cảnh trí trang nghiêm, thường phát ra các âm thanh (từ tiếng gió, tiếng trống, tiếng nước chảy, tiếng chim kêu...) khiến cho người đều nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng: Đó chẳng qua là các trợ pháp cho pháp Viên Thông trong Thiền môn, vì các âm thanh ấy phát ra khiến cho ‘cái nghe’ của mình xoay vào trong để nghe tự tánh (phản văn văn tự tánh) để mình thấy được Chơn tánh của mình và tự đó tiến lên được hàng Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) vào cõi Tịnh Độ thứ nhì ‘Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ’. Rồi từ cõi nầy tiến tu để vào cõi của các vị Thập Trụ Bồ Tát ‘Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ’. Và sau cùng khi đạt được rốt ráo Vô Thượng Bồ Đề ta sẽ hoà vào Chơn Như, viên dung một thể bình đẳng với các đặc điểm Thường (không thay đổi, sanh diệt), Tịch (xa lìa phiền não, vọng nhiễm), Quang (chiếu sáng khắp cả mười phương), ấy là cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ vậy!

Con đường nào cũng về cùng một Cứu Cánh.

‘Tất cả các pháp đều là Phật pháp’ (Kinh Kim Cang).

‘Vì trình độ của chúng sanh có sai khác, nên có quả Thánh Hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp có sai khác’ (Kinh Kim Cang).

                                                                                                                    

13-12-01.

 

Tài liệu tham khảo:

-Phật Học Phổ Thông, HT. Thích Thiện Hoa, Thành hội PG/_TP.HCM ấn hành 1997.

-Di Đà Yếu Giảng, TT. Thích Phước Nhơn, Chùa Phổ Quang-Tây Úc ấn hành 2000.

-Quán Vô Lượng Thọ Yếu Giảng, TT. Thích Phước Nhơn, Chùa Phổ Quang- Tây Úc  ấn hành 2000.

-Tịnh Độ Uyên Nguyên, Ban Giảng Huấn, ấn tống tại Sydney 1995.

-Băng giảng ‘Tương quan giữa sự sống và chết’, HT. Thích Tâm Thanh (Đại Ninh-Lâm Đồng- Việt Nam).

-Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Kiến Chính, Tây Phương Xác Chỉ, Liên danh ấn tống 2003.

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/PhatADiDDa.htm

 


Vào mạng: 05-07-2009

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang