Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÀI Ý KIẾN VỀ BÀI THUYẾT PHÁP CÔNG CỘNG
CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH TẠI NHÀ THỜ RIVERSIDE, NY,
25.09.2001

 

Mấy tuần qua, đài phát thanh VOV ở quận Cam và một số báo trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhất là vùng Nam Cali công kích bài thuyết pháp của Thiền Sư Nhất Hạnh nói trên.

Đài radio VOV và báo loan tin và bình luận làm người nghe lẫn người đọc phần lớn đều hiểu rằng Thiền Sư Nhất Hạnh thiên Cọng và không muốn Hoa Kỳ trả thù kẻ khủng bố làm sập 2 tòa nhà Thương Mãi Thế Giới (World Trade Center) tại NY và Ngũ giác đài tại Washington DC.

Những lời lẽ đài VOV của ông Đỗ Sơn phát đi buộc tội Thiền Sư Nhất Hạnh và lời những người gọi vào mang đầy tính kích động, nguyền rũa, đôi lúc lời lẽ rất tệ và tục.

           Ngày 14.10.01, “Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại mở cuộc hội luận về lời nói của Thiền Sư Nhất Hạnh” tại nhà hàng Seafodd Paracel, thành phố Westminster, Nam Cali. Theo báo người Việt ngày 16-10,  có khoảng 700 người tham dự, gồm cả Hội Đồng Hương Bến Tre như là những nhân chứng cho một tin tức sai lầm của Thiền Sư Nhất Hạnh lúc đề cập đến một chi tiết tại Bến Tre về con số 300.000 người.

Báo NV trình bày tiếp: “Ông Đỗ Sơn, chủ tịch Hội Ký Giả Việt Nam đã lên trình bày toàn bộ vấn đề từ trang quảng cáo trên báo New York Times về buổi thuyết giảng của Thiền Sư Nhất Hạnh cho đến những lời trong bài thuyết pháp của ông tại nhà thờ Riverside Church ngày 25.9.2001 trước hàng ngàn cử tọa người Hoa Kỳ.

Ông Đỗ Sơn đã trích dẫn một đoạn trong bài thuyết pháp của Thiền Sư Nhất Hạnh nói về vụ ném bom Bến Tre, thành phố 300.000 người, cách nay hơn 30 năm.  Ông khẳng định rằng tất cả những sự kiện không xác thật đó là do Thiền Sư Nhất Hạnh bịa đặt, trong ý đồ của những nhóm phản chiến nhằm mục đích tạo dư luận trói tay chánh phủ Hoa Kỳ không để cho chống trả bọn khủng bố gây tội ác ngày 11.9.2001.

Theo ký giả CNN đã lên trưng ra những bằng cớ bằng giấy mực của việc nầy, đó là trang quảng cáo về buổi thuyết pháp trên tờ The New York Times, cũng như toàn văn bài nói chuyện của Thiền Sư Nhất Hạnh được thu qua Internet.

Sau đó nhiều cựu viên chức hành chánh tỉnh Bến Tre từ cấp tỉnh như Phó Tỉnh Trưởng Trần Huỳnh Châu, Cựu Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Nguyễn Văn Cất, cho đến ông Ba Truyền – chủ tịch xã An Hội từ 1960-1975, và các cựu quân nhân từng chiến đấu hay phục vụ tại Bến Tre.  Tất cả đều xác nhận thị xã Bến Tre chỉ có khoảng 80 ngàn dân chứ không phải 300.000.  Thêm nữa suốt trong thời chiến tranh và trong vụ Việt Cộng tấn công Tết Mậu Thân, thời điểm đó Thiền Sư Nhất Hạnh nói tới, chưa hề có vụ các phi cơ Hoa Kỳ hay Việt Nam Cộng Hòa dội bom hủy diệt thị xã Bến Tre bao giờ.  Cựu sĩ quan Đinh Viết Chính từng hiện diện tại Tre trong biến cố Tết Mậu Thân, cựu sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa Huỳnh Hữu Thuận gần đây đã về thăm gia dình, đều xác nhận rằng nhà thờ, chùa, trường học ở quê của ông là thị xã Bến Tre vẫn còn nguyên.

Tóm lại những dữ kiện về dân số như việc thành phố bị hủy diệt mà Thiền Sư Nhất Hạnh kể ra trong bài nói chuyện tại New York là hoàn toàn không xảy ra trên thực tế. Cử tọa đã nhiều lần vỗ tay đồng ý với các nhân chứng đã đưa ra những bằng chứng hùng hồn rằng lời Thiền Sư Nhất Hạnh không đúng sự thật.

Trong các lời phát biểu, ông Minh Thuần, một Phật Tử, cho biết ông từng ngưỡng mộ Thiền Sư Nhất Hạnh từ lâu, nhưng qua những chứng cớ ban tổ chức và nhân chứng trình bày thì thấy chính thiền sư đã tạo ra cái nghiệp khi lên tiếng bênh vực bọn khủng bố tức bênh cái ác, và ông sẽ phải lãnh hậu quả.

Giáo Sư Lưu Trung Khảo nói rằng cần phải có ranh giới rõ ràng giữa Thế Quyền và Thần Quyền.  Một nhà tu có bổn phận hướng dẫn đệ tử đi vào con đường lương hảo. Nhưng nếu nhà tu hành bước sang lãnh vực chánh trị thì người ấy sẽ bị phán xét với tư cách là một công dân chứ không phải là một tu sĩ.”

Trong bài tường trình của Người Việt có đăng hình quang cảnh buổi “...Hội Luận...” và phóng ảnh của tờ quảng cáo.  Và cho biết tờ New York Times đăng bài nói chuyện của Thiền Sư Nhất Hạnh trước hàng ngàn cử tọa người Hoa Kỳ.

Qua đoạn tường thuật của báo Người Việt mà tôi trích nguyên văn như trên, chúng ta thấy có ba điểm chính mà ông Đỗ Sơn  và các người chỉ trích là:

-  Thiền Sư Nhất Hạnh nói vụ ném bom Bến Tre, thành phố 300.000 người cách đây 30 năm là sai.  Thị xã Bến Tre chỉ có 80 ngàn dân mà thôi.

-  Chưa bao giờ có vụ đội bom hủy diệt Thị xã Bến Tre.

-  Mục đích của “Thiền Sư Nhất Hạnh bịa đặt ra trong ý đồ... trói tay chánh phủ Hoa Kỳ không để cho chống trả bọn khủng bố gây tội ác ngày 11.9.2001”

Lúc phê bình chỉ trích Thiền Sư Nhất Hạnh như vậy không biết ông Đỗ Sơn và quý vị khác đã đọc hết cả bài báo bằng Anh Ngữ đó chưa?  Hay chỉ được thấy hình bìa tờ báo và nghe người khác nói về nội dung tờ báo đó mà thôi, còn chính cá nhân  những người phê bình lại chưa đọc hoặc có đọc qua loa nhưng chưa nắm rõ nội dung và mục đích bài thuyết pháp đó nói gì.

Lúc viết bài nầy, tôi có tìm được trong Webside bài bằng tiếng Anh của Thiền Sư Nhất Hạnh gần 8 trang với tựa đề “Embracing Anger” (Kềm Hảm Sự Giận Dữ).

Nội dung bài thuyết pháp có mấy điểm chính:

1.  Làm thế nào đề kềm hãm sự giận dữ.

2.  Không nên nói và hành động lúc tức giận vì có thể thiếu sự khôn ngoan và có hại hơn lợi.

3.  Cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây không những đem đến đau khổ (suffering) cho nhiều người Việt mà cho người Hoa Kỳ nữa do thiếu sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai phía.  Thiền sư Nhất Hạnh nói, kẻ thù của con người không phải là con người mà do vô minh, do kỳ thị, sợ hãi, tham lam và bạo động. (The real enemy of man is not man.  The real enemy is our ignorance, discrimination, fear, craving and violence). 

Ông cũng cho biết, thấy cuộc chiến Việt Nam đem đến đau khổ cho con người nên ông qua Mỹ để vận động chấm dứt chiến tranh.  Ông có gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng, ông Robert MacNamara, đàm luận với vị bộ trưởng nầy về nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến.  Ông MacNamara lắng nghe và cầm giữ Thiền sư Nhất Hạnh để trò chuyện lâu dài.  Ba tháng sau, lúc cuộc chiến đến hồi cao điểm, Thiền sư Nhất Hạnh nghe vị bộ trưởng nầy từ chức.  Chính vì sự đi vận động hòa bình nầy, Thiền sư Nhất Hạnh nói, mà cho đến nay, ông vẫn chưa được phép về thăm quê hương.

Thiền sư Nhất Hạnh cũng nói về ông Osama Bin Laden (What I would say to Osama Bin Laden).  Ông đề nghị người Hoa Kỳ nên bình tĩnh và sáng suốt để làm những gì có thể làm được nhằm đối phó với hoàn cảnh.  Không nên quyết định vấn đề lúc đang nóng giận sẽ thiếu sự thông minh và có thể nguy hiểm.

4.  Ông Nhất Hạnh cũng cho biết trong mùa hè vừa rồi có một nhóm người Palestine và vài chục người Do Thái đến Làng Mai bên Pháp để thực tập thiền quán, sự bình tĩnh và an lạc.  Sau hai tuần thực tập, họ cảm thấy tìm được một con đường để hai dân tộc có thể hòa hợp với nhau thay vì hận thù.

5.  Trong bài thuyết pháp nầy có hai đoạn mở đầu (mười một dòng) và một đoạn gần cuối bài (ba dòng) nói về cuộc dội bom tại tỉnh Bến Tre trước 1975, và đây chính là cái cớ của vụ việc phê phán.  Để độc giả thấy rõ vấn đề, tôi xin trích nguyên văn tiếng Anh ba đoạn nói về Bến Tre.  Ba đoạn nầy chiếm 1/4 trang trong gần 8 trang giấy khổ 8x11. Và dĩ nhiên ba đoạn nầy là một trong nhiều thí dụ “Làm thế nào để kềm chế sự tức giận” chứ không phải là nội dung của bài giảng mà Thiền sư Nhất Hạnh nhắm tới.

Nguyên văn Anh ngữ của đoạn đầu:

“My dear friends, I would like to tell you how I practice when I get angry.  During the war in Vietnam, there was a lot of injustice and many thousands including friends of mine, many disciples of mine were killed I got very angry.  One time I learned that the city of Ben Tre, a city of three hundred thousand people, was bombarded by American aviation just because some guerillas came to the city and tried to shoot down American aircrafts.  The guerillas did not succeed and after that they went away.  And the city was destroyed.  And the military man who was responsible for that declared later that he had to destroy the city of Ben Tre to save it.  I was very angry.

But at that time, I was already a practitioner, a solid practitioner.  I did not say anything.  I did not act, because I knew that acting or saying things while you are angry is not wise.  It may create a lot of destruction.  I went back to myself, recognizing my anger, embracing it, and looked deeply into the nature of my suffering.”

Tạm dịch:

(Các bạn thân kính.  Tôi muốn trình bày với quí vị tôi xử sự thế nào lúc nóng giận.  Trong suốt cuộc chiến Việtnam, có nhiều sự bất công và nhiều ngàn người có cả những bạn của tôi, nhiều đệ tử bị giết.  Tôi rất căm giận.  Khi nghe tỉnh Bến Tre, một thành phố có ba trăm ngàn người bị dội bom bởi không quân Hoa Kỳ vì có vài quân du kíck đến thành phố để bắn hạ máy bay của Hoa Kỳ. Quân du kích thất bại rồi bỏ đi.  Thành phố bị tàn phá.  Một phi công  có trách nhiệm tuyên bố rằng ông ta phải tàn phá thành phố Bến Tre để có thể cứu vãn nó.  Tôi rất giận.

Nhưng thời kỳ đó, tôi đã là người thực hành (thiền quán).  Tôi không nói và cũng không hành động, vì tôi biết rằng làm và nói những gì trong lúc chúng ta đang giận hờn thì thiếu sáng suốt, “giận mất khôn”. Nó có thể tạo nên nhiều tai hại. (Nghĩ thế), tôi trở lại với chính mình, nhận thức được cơn nóng giận, chế ngự nó và nhìn vào cái thực tướng của sự đau khổ của chính tôi...”

Và đoạn áp chót:

“When we learned of the bombing of the Bentre village in Vietnam, where 300.000 homes were destroyed, and the pilots told journalists that they had destroyed the village in order to save it, I was shocked, and [racked] with anger and grief.  We practiced walking calmly and gently on the earth to bring back our calm mind and peaceful heart.

Tạm dịch:

(Lúc chúng tôi nghe tin bom thả xuống một làng ở Bến tre tại Việt nam, nơi có ba trăm ngàn nóc nhà bị tàn phá, và các phi công nói với các nhà báo rằng họ phải tàn phá cái làng này để cứu vãn nó, tôi bị sốc, bị cuốn theo sự giận hờn và đau khổ.  Chúng tôi thực hành sự bước đi trong điềm tĩnh và nhẹ nhàng trên quả đất nầy để mang lại sự an lạc cho khối óc và con tim.

Qua ba đoạn trích dẫn, chúng ta thấy:  có sự sai lầm của Thiền Sư Nhất Hạnh trong khi nhắc lại dữ kiện của các bản tin thời sự đương thời với con số 300 ngàn người ( hay) 300 ngàn nóc nhà đều là những con số thiếu chính xác. Nhưng việc không quân Hoa Kỳ dội bom tại Bến Tre là một sự kiện lịch sử không ai phủ nhận được. Để làm sáng tỏ về sự kiện này, chúng tôi xin đề cập đến cuốn sách "The Endless War", tác giả James Harrison [Nxb. Columbia University Press, NY.1989, trang 172 ] cho biết  năm 1968, không quân Mỹ đã dội bom xuống thị xã Bến Tre ( với dân số lúc đó khoảng 75,000 dân ) hầu như hoàn toàn huỷ hoại ( almost destroyed ), làm cho 500 thường dân bị thiệt mạng, hơn 1,200 người bi thương. Một viên chức đã giải thích lý do của sự huỷ hoại này là để cứu thị xã này:  "We have to destroy the town to save it" . Một tài liệu khác được phổ biến trên Website của quân đội Mỹ ( Military.Com  trong loạt bài lai cảo "River Rats" nhắc lại biến cố hủy hoại thị xã Bến Tre - Primedia Enthusiast Publications, Inc.), ký giả Peter Arnett [ hiện vẫn còn làm việc cho đài truyền hình ABC ] đã chứng kiến cả một thị xã hoàn toàn bị huỷ hoại, và hàng ngàn thường dân trong khiếp hãi đã bị mất nhà cửa trong cuộc chiến : "Arnett met the US. Army and Air Force personnel who had had a harrowing experience in the MACV compound. He also saw how completely the town had been destroyed - and the thousands of frightened South Vietnamese civilians who had lost their homes in the battle"{ Mạng lưới www.military.com "River Rats" }.

Nhưng ba đoạn văn nầy chỉ nhằm mục đích nói rằng lúc giận dữ thì không nên  nói, không nên làm, mà nên bình tĩnh trước đã.  Ông cũng nói rõ: “One time  I learned, When we learned”, có nghĩa là “Khi tôi nghe nói như vậy.  Lúc chúng ta nghe tin như vậy”.  Chứ không hề có sự quả quyết về sự kiện nầy mà chỉ dùng nó như một thí dụ.  Thêm vào đó, đọc ky,õ quí vị thấy đoạn đầu viết “... a City of three hundred thousand peolple...”  Nhưng đoạn gần cuối lại viết: “... the Bentra village thay vì Bentre, làng Bến Tre tại Việt Nam lại có đến 300.000 nóc nhà, nghĩa là cả triệu người vì mỗi nhà có khoảng vài ba người.  Và một làng (village) lại có dân số lớn hơn một thành phố.  Điều đó cho thấy con số “300.000 homes” là lỗi chính tả do người đánh máy.   Tuy nhiên, nếu có những con số và những sự kiện chính xác và tránh lỗi chính tả thì vẫn tốt hơn mặc dầu Thiền sư Nhất Hạnh không phải là một sử gia và không phải là người đánh máy.

Những người chỉ trích vin vào mấy con số trong ba đoạn văn nói trên, nhưng ba đoạn văn ngắn này không phải là ý nghĩa và mục đích bài pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh và toàn bộ nội dung của bài thuyết pháp cho người Hoa Kỳ không hề có  hoặc ngụ ýtạo dư luận trói tay chánh phủ Hoa Kỳ không để cho chống trả bọn khủng bố gây tội ác ngày 11.9.01” hoặc thiên cọng hay cọng sản nằm vùng như ông Đỗ Sơn và vài người cáo buộc.  Ngược lại trong đoạn nói về Osama Bin Laden (What I would say to Osama Bin Laden) Thiền sư Nhất Hạnh đề nghị người Hoa Kỳ nên bình tĩnh và sáng suốt lúc đối phó với tình hình, không nên nói hoặc làm lúc còn đang nóng giận.  Đó thiết tưởng là một lời khuyên cần thiết và hữu lý.

Cũng cần nói thêm rằng qua vụ công kích kịch liệt của ông Đỗ Sơn chúng ta thấy một vài người Việt sống trên đất Hoa Kỳ đã 26 năm qua vẫn chưa học thêm được nhiều điều tốt đẹp, chưa hiểu nghĩa chữ Tự Do, tự do ngôn luận, tự do báo chí là gì.  Thiền sư Nhất Hạnh nói chuyện tại Nhà thờ Riverside New York có hàng ngàn người Mỹ tham dự, họ ca tụng, tán thưởng, có người còn cảm hứng làm thơ tặng, tuần báo New York Times đăng bài phổ biến. Nếu buổi nói chuyện của nhà sư nầy không ra gì, phản động, đi ngược luật pháp, ngược quyền lợi của người dân Hoa Kỳ thì tại sao số cử tọa mấy ngàn người đó không tẩy chay và bỏ ra về?

Báo New York Times có hàng triệu độc giả Hoa Kỳ và thế giới chưa thấy ai có thái độ phàn nàn nào.

Sự việc quá rõ ràng như ban ngày thế mà ông Đỗ Sơn, chủ đài VOV kiêm chủ tịch Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại lớn tiếng vu cáo, thóa mạ, buộc tội một người vắng mặt. Hành động này giống như  các vụ đấu tố ruộng đất 54, các tòa án Nhân Dân, và tòa xử người khác tín ngưỡng thời Trung Cổ (Inquisition). Bất cứ ai cũng có quyền không đồng ý và tỏ thái độ chống đối “sản phẩm” của người khác, nhưng lời lẽ chống đối và dụng tâm của ông Đổ Sơn thì không  thích hợp tại một quốc gia mà chúng ta đang sống. Giả sử thiền sư Nhất Hạnh hay bất cứ một nhà văn nhà báo... nào có sự sai lầm về con số hay có dụng tâm, thì một người đàng hoàng có văn hóa chỉ cần nói “con số đó sai, tác giả có dụng tâm.”  Chấm hết.

            Hẳn ông Đổ Sơn cũng hiểu rằng, “cuộc chiến 911” không  hoàn toàn thuần túy chính trị  mà còn mang tính tôn giáo phức tạp. Trong một quốc gia sinh hoạt theo lối dân chủ, có bộ phận mang áo giáp ra chiến trường còn số khác ở lại xây dựng hậu cần. Các nhà lập pháp, những khối óc lớn bóp trán suy tư để tìm một solution, một chính sách ngoại giao về lâu về dài cho xứ sở, họ lấy ý dân và phỏng vấn lãnh tụ các tôn giáo để biết thêm quan điểm. Đức Giáo Hòang khuyên nên hòa bình, Ngài Đạt Lai Lạc Ma cũng thế. Còn Thiền sư Nhất Hạnh nói : “chúng ta nên tĩnh thức, bước đi nhẹ nhàng, thận trọng trên quả đất nầy để đem lại sự an lạc cho khối óc và con tim của mỗi chúng ta.”

           Lúc ông Sơn kịch liệt chống đối quan điểm của vị Sư nầy hầu như với hảo ý tỏ ra ủng hộ và binh vực một quốc gia đang cưu mang mình, nhưng điều nầy cũng nên suy nghĩ. Các policymakers, những người làm chính sách và các khối óc lớn của Hoa Kỳ lại có thể muốn nghe những tiếng nói khác, thay vì chỉ một chiều. Vì thế  có hàng ngàn người Hoa Kỳ nghe pháp thoại và tờ New York Times đã quảng bá rầm rộ để có hàng triệu người biết đến một quan điểm khác của một nhà sư  Phật giáo.

           Để xem, 89% dân chúng muốn “chiến” nhưng lúc có 5,7 quan tài từ chiến trường A Phú Hản chở về, con số ủng hộ nầy có lẽ sẽ giảm xuống. Không đi chiến đấu bên kia đại dương với các anh, mà ở nhà làm đài VOV không có nghĩa là tôi không ủng hộ. Nhiều nhóm người Hoa Kỳ chống thả bom tại A Phú Hản không có nghĩa là họ ủng hộ kẻ khủng bố và họ phản bội quê hương. Ai không đồng ý với tôi chưa chắc là họ hoàn toàn sai mà tôi hoàn toàn đúng.

          Đối với sự kiện nầy, chưa thấy Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại có thái độ cụ thể nào. Toàn ban chấp hành và các hội  viên đã đọc bài pháp thoại của Thiền Sư Nhất Hạnh chưa? Vị nào có thái độ thuận nghịch thế nào cũng nên cho quần chúng biềt để rộng đường dư  luận.

          Thiết nghĩ giới truyền thông, những người có trách nhiệm và những người hay phê bình chỉ trích vô căn cứ nên thận trọng trong tất cả các việc làm để cộng đồng chúng ta có thêm đoàn kết, trong sạch, tiến bộ và văn minh hơn.

Bùi Kha
22.10.01
Đọc thêm:

Chân thành cảm ơn cư sĩ Phan Mạnh Lương đã chuyển tặng bài viết

 


Vào mạng: 27-10-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang