Vừa nhận được message của một người tự nhận là Phật
tử, đang du học tại Nam Hàn, góp ý: sắp tới nhà nước tổ chức ngày đi
xe Bus, PGVN, quý thầy và Phật tử nên tham gia làm vệ sinh công lộ, dùng
những phương tiện như giấy, vải ủ nước đắp lên các đoạn đường chưa tráng
nhựa để giảm bớt bụi bặm…
Đó là một ý kiến phát xuất từ thiện chí, một phương
thức khả thi nhưng bất khả hành! Thật ra, một vài địa phương miền trung
như Khánh Hoà, quý thầy cũng từng hướng dẫn tín đồ thu gom rác nơi bãi
biển, làm vệ sinh đường phố…một cách tự phát! Nếu giáo hội có một chỉ
thị cho toàn quốc làm việc nầy thì đó là một ước vọng khó mà hiện thực.
“Hoằng pháp thị gia vụ” là cốt lỏi sinh tử của Phật
giáo, thế mà Giáo hội trên 30 năm nay vẫn chưa chứng tỏ một khả năng
tương xứng; ngoại trừ một số chùa tự phát; Nhiều tín đồ đến chùa ngoài
việc lễ lạy cúng dường, hầu hết ít ai được thầy hướng dẫn giáo lý để họ
biết mình là một phật tử chân chánh. Một số tụ điểm diễn giảng, ai đến
thì nghe, không đến thì thôi, nghĩa là ai có duyên thì tự đến với Đạo
chứ Đạo không chủ động đến với quần chúng, ngược lại, các mục sư tự thân
len lỏi vào các ngõ ngách để lắng nghe yêu cầu của quần chúng, giúp đỡ
quần chúng về vật chất để sau đó giúp đỡ họ về mặt tâm linh; Hai
sắc thái Hoằng pháp của hai tôn giáo hoàn toàn cách biệt; Một đằng để
tín đồ tìm đến mình và cung phụng cúng dường cho mình, một đằng vị chủ
chăn đích thân đến tìm các con chiên lạc để giúp đỡ và đưa bầy chiên
lạc về chuồng!
Chính tính thụ động đối với xã hội như thế mà Nam
Triều Tiên trở thành mãnh đất mầu mỡ cho Tin Lành phát triển. Hàn quốc
cũng như các nước Á Châu trước kia trên 80% Phật giáo, bây giờ, Hàn quốc
xấp xỉ trên 60% là Tin Lành, vì thế, người đứng đầu đất nước Kim Chi
cũng phải là một tín đồ thần giáo. Trước 1975, miền Nam Việt Nam, Thiên
chúa giáo chỉ 5% dân số mà các đời Tổng Thống đều là tín hữu Kitô thì
chả lạ gì Tổng Thống Hàn quốc hiện nay là một con chiên cuồng nhiệt o ép
Phật giáo Nam Hàn. 25 tông phái Phật Giáo Nam Hàn đã bừng tỉnh sau nhiều
thập kỷ ngủ quên và an phận; Đứng trước miệng hố tồn vong, Phật giáo Nam
Hàn không chỉ phản ứng khi Tổng Thống làm nhục vị đứng đầu Đạo Phật,
loại danh sách các tự viện ra khỏi bản đồ toàn quốc, và một số kỳ thị
khác, không chỉ chờ đợi nhà nước có lời xin lỗi mang tính chiến lược, mà
Phật Giáo Hàn Quốc phải chuyển mình cho kịp với cao trào truyền bá của
tôn giáo bạn. Đạo Phật không cần có một Tổng Tống Phật tử nhưng cần giáo
lý đạo Phật thật sự thấm nhuần vào mọi tầng lớp nhân dân. Phật giáo Hàn
Quốc không chỉ đòi hỏi sự công bằng tôn giáo trước pháp luật và xã hội
mà tự mình phải chứng tỏ vị thế nhập cuộc, xả thân đối với quần chúng.
Phật giáo Hàn thực sự phải là vị thế xứng đáng trong lòng dân tộc chứ
không chỉ đáng tôn kính trước chính quyền; Tu sĩ Phật giáo Hàn Quốc cũng
như hầu hết các nước Phật giáo châu Á đều mang tính thụ động, vì thế,
sau đệ nhị thế chiến, thần giáo theo gót chân xâm lược của phương Tây
lấn sân mà Phật giáo đã hờ hửng bỏ mặt! Đó là lỗi của tu sĩ Phật giáo
Một số tu sĩ Phật giáo Việt Nam la hoảng khi thấy Tin
Lành đang là loại vi khuẩn hung hản xâm nhập vào Việt Nam, lớn tiếng
kích bác, nhưng không tự xét lại do chính mình bỏ rơi tín đồ. Một tín đồ
gặp hoạn nạn, đến với cửa chùa phải có giá nhất định, một Ngọ là giá bao
nhiêu, một xấp kinh Địa Tạng phải trả bao nhiêu…Tuy tệ nạn nầy không
phải hầu hết ở các chùa, nhưng phần lớn quý thầy không hiểu nỗi khổ của
quần chúng, đói nghèo về vật chất, thiếu thốn về tâm linh. Nhất là khi
tang gia bối rối, vấn đề tinh thần rất cần thiết để an ủi, đó là lúc
tranh thủ tình cảm của nạn nhân đến với đạo, ngược lại, một số vị chuyên
gia ma chay đã phớt lờ niềm đau đó, lạnh lùng mặc cả như món hàng trôi
nổi chợ đời, như thế làm sao quần chúng đến với Đạo, ngay cả một số Phật
tử thuần thành cũng không tránh khỏi những trường hợp bất mãn khi gia sự
cần đến quý thầy. Tin lành không đòi hỏi ai phải bỏ một đồng khi đến với
họ, ngược lại người muốn vào Đạo, quy y phải đóng tiền, rồi cúng dường
và lắm thủ tục nhiêu khê tốn kém mà không được thầy giảng dạy để hiểu rõ
giáo lý mình theo.Muốn hiểu, phải tự mình mày mò tìm sách đọc, mua băng
đĩa để nghe, trong khi Tin Lành họ biếu sách miễn phí, có buổi nhóm
thường xuyên mỗi tuần, nếu là Hội Thánh tại gia, một nhóm người quy tụ ở
một ngôi nhà tín đồ để nghe giảng giải Phúc âm; dù là gia đình ngoại
đạo, hữu sự, họ tình nguyện đến giúp đỡ thăm viếng.Tác phong truyền đạo
trong thời đại công nghiệp là thế, các sư Phật giáo vẫn chưa thay đổi lề
thói sinh hoạt lỗi thời thì chả trách con của mình mỗi ngày một mất, ngủ
một đêm sáng ra đã thấy bàn thờ Phật được thế bởi cây Thập ác trong các
gia đình tân tòng! (Tin Lành có mặt tại Việt Nam vào năm 1884 bởi một
Mục sư do Hội truyền giáo Tin Lành gửi đến thăm dò, hơn một thế kỷ, T.L
không phát triển bao nhiêu, nhưng từ khi nhà nước Việt Nam mở cửa, một
số du sinh và lao động sang Hàn Quốc về, Tin Lành bộc phát dữ dội tại
miền Nam Việt Nam những năm gần đây)
Hầu hết Phật giáo các nước Á Châu đều gắn liền với xã
hội
Tại Hàn Quốc, Phật Giáo tuy bị đàn áp vào thế kỷ thứ
14, nhưng đến cuối thế kỷ 16, tu sĩ Phật giáo vẫn khoát chiến bào do một
thiền sư lãnh đạo để cứu nguy đất nước trước cuộc xâm lăng của Nhật Bản.
Chính Thiền sư Từ Minh Đường thay mặt chính phủ qua Nhật ký hoà ước giữa
Nhật và Triều Tiên. Phật giáo Triều Tiên có công trong việc giáo dục phổ
cập. luôn sát cánh cùng quần chúng, thế nhưng, những công trạng đó của
Phật giáo, không đủ đi sát thấm sâu vào nhân dân nên sau đệ nhị thế
chiến, Tin Lành phát triển bằng phương tiện vật chất và tổ chức linh
hoạt, vì thế Phật giáo phần lớn nhường sân chơi cho bạn, tuy nhiên, ngày
nay PG Triều Tiên bắt đầu phục hoạt. Vào đầu kỷ nguyên XX, Phác Trọng
Bân, người Hàn Quốc sáng lập Phật Giáo Viên, mở rộng giáo dục, giáo hoá,
từ thiện, sản nghiệp, văn hoá, nông nghiệp, thương nghiệp, tiền tệ, báo
chí, y dược…phát triển khá thành công. Một tổ chức cố vượt thoát tính
thụ động của PG với xã hội. Với tiêu đề: Phật Pháp là đời sống, đời
sống là Phật Pháp, vì thế tổ chức nầy chuyển tải Phật pháp vào đời
sống thường nhật - vật chất và tâm linh song hành, rất uyển chuyển linh
động; hiện nay phát triển ra cả nước ngoài. Gồm có 115 cơ sở , Tín đồ
trên dưới 3 triệu và trên 15 ngàn nhân viên giới chức phục vụ trong hệ
thống của Phật Giáo Viên. Tuy chưa tròn 100 tuổi và hết 30 năm dưới ách
thống trị của Nhật Bản, thế mà hội Phật Giáo nầy phát triển bền vững và
uy thế nhất hiện nay tại Hàn Quốc. Tổ chức nầy đã giáo dục và nâng cao
mức sống quần chúng, đóng góp khá nhiều cho xã hội Triều Tiên. Ngoài
Phật Giáo Viên của Hàn Quốc còn có Hội Từ Tế (Tzu Chi) của Phật giáo Đài
Loan, có nhiều cơ sở xã hội song hành như một hệ thống quốc gia, vừa tốt
đạo đẹp đời, vừa thể hiện tính thực dụng và khả ái của giáo lý đạo Phật
qua câu: Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác… Thế gian pháp
tức Phật Pháp.Nhờ tổ chức và sự hy sinh như thế mà tín đồ bổn đạo
của họ an cư lạc nghiệp.
Tại Việt Nam, vừa thoát khỏi ngàn năm Bắc thuộc, xã
hội còn bỡ ngỡ trước văn minh phương Tây, văn hoá Kito giáo bằng lợi thế
của mình, tiền và quyền thẩm thấu vào lòng dân, nhưng do tính cố chấp
nên không mấy hiệu quả, mãi đến công đồng Vano II, Kito giáo cải tiến để
thâm nhập văn hoá Đông phương, tương đối hiệu quả, nhưng so với sự phát
triển của Tin Lành, sau 1975, tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh,
những mục sư Hàn quốc, các du học sinh, công nhân Việt Nam sau khi từ
Nam Triều Tiên trở về, biến thành những nhà truyền giáo tích cực, linh
động, hiệu quả nhờ không tổ chức rườm rà, và chịu khó…Các làng quê miền
Nam, nhất là cao Nguyên và miền Tây Nam bộ, Tin Lành phát triển ngay
trên mãnh đất của Phật giáo k’hmer Nam bộ, không những tín đồ mà còn có
một ít sư ngã sang Tin Lành.
Tuy nhiên ngoại đạo khó mà thâm nhập vào làng quê
tín đồ Hoà Hảo. Như vậy, Phật giáo chính thống không tự bảo vệ được tín
đồ là do tính thụ động, an phận; Phật giáo Việt Nam cũng có nhà sư Thích
Huệ Nhật, sau khi ra tù cải tạo, được Tin Lành giúp vốn làm ăn, bây giờ
trở thành Mục sư, qua Mỹ, viết bài xuyên tạc giáo lý Phật giáo.( Tuy cái
hiểu của ông ta về tình Thương của Đạo Phật quá nông cạn, lại đem so
sánh tình yêu của Chúa) Đó là những trường hợp mà Phật giáo phải xem lại
nền giáo dục và công tác hoằng pháp của mình.
PGVN cũng từng gắn bó với sinh mệnh dân tộc, từng
đồng lao cộng khổ góp phần tẩy trừ ngoại xâm, tại sao giờ nầy Phật giáo
bị xem là vô tích sự trong xã hội, nếu không nói phần lớn các sư là gánh
nặng cho quần chúng và thay vì là Thiền sư thanh thoát, lại trở thành
phiền sư của đất nước???
Xã hội không quý trọng là do mình thiếu bản lãnh, mất
uy tín và không góp phần giúp đất nước vươn lên, tự mình đứng ngoài lề
xã hội.Tuy là thế, nhưng, vẫn có một số chùa và không ít sư trẻ đã năng
động chứng tỏ khả năng của mình qua công tác hoằng pháp, hướng dẫn quần
chúng tu tập và giúp tuổi trẻ vượt khó vươn lên theo tiêu chuẩn đạo đức
nhà Phật mà Khoá Tu Mùa Hè của chùa Hoằng Pháp 2008 có trên 2000 em
thanh thiếu niên tham dự là một điển hình; một số nơi cũng áp dụng hình
thức sinh hoạt đó nhưng nội dung, chất lượng chưa đủ đáp ứng mà nhu cầu
xã hội hiện nay đòi hỏi tuổi trẻ phải có trước ngưỡng cửa hội nhập.
Trước năm 1975, sư cụ Giác Khoa, chùa Giác Ngạn Hốc
Môn, có một số con cháu đi tu, sau khi cụ mất, nhạc sĩ Mai văn Hiền, con
rễ của nội tộc theo Tin Lành, thế là bầy cháu bỏ Phật giáo, trong đó có
người biến thành mục sư, họ có cảm giác thương hại cho ông bác Hoà
Thượng của mình lầm lạc theo tà giáo!
Công tác Hoằng pháp hiện nay của Phật giáo mang tính
phô trương qua các tụ điểm; sau khi nghe giảng công cộng, người tín đồ
về lại cuộc sống thường nhật không mang một ấn tượng gì đủ để tự chuyển
hoá tục tánh của mình hoặc chả hiểu thêm tí gì về tính sâu sắc của nhân
quả, luân hồi…
Tin Lành, họ không cần những buổi giảng chung chung
như thế, họ không cần nhà thờ, hội thánh, họ len lỏi tiếp xúc từng cá
nhân bằng thành tâm nhiệt huyết của họ, họ lắng nghe và hướng dẫn, giúp
đỡ tuỳ từng cá nhân, mỗi tín đồ Kito giáo là một cán bộ truyền giáo, quý
thầy Phật giáo đã làm được chưa? vùng sâu vùng xa, các tu sĩ trẻ từ
chối đi đến, vì quần chúng không đủ phương tiện bảo bọc cuộc sống của
họ, các tu sĩ đó, thiếu nhiệt tâm bởi do lối giáo dục của thầy tổ hoặc
các trường phật học truyền đạt giáo thuyết trên mây, mang tính kinh viện
mà không chú hướng kỷ năng hoằng pháp, tâm lý đối tượng hoằng pháp; áp
đặt giáo lý lên đối tượng mà không uyển chuyển giáo lý vừa tầm thích hợp
với đối tượng, và tự thân đã đánh mất lý tưởng”Hoằng pháp thị gia vụ”,
xem nhu cầu của ngã pháp quan trọng hơn giáo pháp; không xem quần chúng
là mục tiêu cảm hoá mà nhu cầu bản thân là mục tiêu để quần chúng phải
phục vụ, vì họ thiếu đức hy sinh, chịu khó.
Xã hội công nghiệp đòi hỏi năng động và thực tế,
không thể ngồi đó bảo mọi sự do nhân duyên; thụ động là tự trói tay
mình. Phải chủ động đến với quần chúng; Đạo đến với đời chứ không chờ
Đời đến với Đạo; chính vì thế, khi Pháp xâm lăng Việt Nam, một số các sư
tham gia vào các tổ chức chống Pháp, riêng miền Tây Nam bộ, người Phật
tử như Ngô Lợi sáng lập Tứ Ân Hiếu Nghĩa,(1867) vừa dẫn dắt quần chúng
tu tập theo lối tự lực cánh sinh, vừa đóng góp cho xã hội, vừa tranh thủ
độc lập cho đất nước. 1849 đức Phật Thầy Tây An cũng hoà nhập xã hội,
hướng dẫn tín đồ canh tác để sống mà tu. 1918, Đức Huỳnh Phú Sổ tiếp gót
tiền nhân, vừa tu tập, vừa giúp quần chúng tự túc mưu sinh, đồng thời
giành độc lập cho xứ sở. Những tôn giáo nội sinh như thế, lấy giáo lý
nhà Phật làm căn bản, cải tiến cho thích hợp hoàn cảnh xã hội để luôn có
mặt với đồng bào. Cũng tinh thần đó, miền Tây đã thai nghén một tông
phái kế thừa, đó là Hỷ Tông, mục đích giúp đồng đạo có phương tiện sinh
nhai, giúp đồng bào luôn vui tươi hạnh phúc; cập nhật kiến thức hiện đại
để giúp mọi người cùng vui sống, luôn hoan hỷ và huynh đệ cùng hòa nhã
tuỳ thuận. Áp dụng giáo lý Phật giáo vào đời mà tu sĩ Phật giáo cần thực
hiện, đó là đức lăn xả và hy sinh!
Xa xưa, tu sĩ chỉ chuyên tu, mọi việc do cư sĩ đảm
trách; từ giao tế, kinh doanh, hộ trì Tam Bảo, kiến thiết, tổ chức, xây
dựng, quan hôn tang tế, ngay cả quản trị tự viện…cư sĩ dễ hoà nhập với
đời hơn một tu sĩ; ngày nay một tu sĩ vừa lo tu bổ xây dựng, vừa lo địa
vị chức quyền, lo đám tiệc ma chay, lo kinh tế, lo áp phe… mọi thứ lo đó
đã đánh mất hình ảnh một vị Thiên Nhân chi Đạo sư, biến sư thành ông từ
quản thủ tự viện, cũng là nhà làm kinh doanh không vốn, thời gian còn
đâu nghĩ đến chuyện xuất phiền não gia, xuất tam giới gia mà giải
thoát, như vậy xuất gia ngày nay không còn mục đích giải thoát, bỏ
sự ràng buộc của thế tục gia, tự nguyện gánh thêm một ràng buộc mới mà
chùa am. lợi nhuận …là mớ bòng bong màn nhện quấn chặt người tu. Ba ngàn
năm trước, Đức Phật đã thấy nguy cơ ràng buột đó, ngài chế: một khất sĩ
không ngũ quá ba đêm ở một gốc cây, ngược lại, một số thầy ngày nay,
không những trụ trì ngôi chùa suốt đời mà còn cố gắng vận động xây dựng
cho đủ mười chùa, càng nhiều càng tốt, Phật tử còng lưng đóng góp để
thầy cất chùa cho nhện giăng tơ giữa sự hiểu biết giáo lý chênh vênh,
trống trải thiếu căn bản của tín đồ! Ngày xưa Phật ví những Khất sĩ như
con ong hút mật mà không làm tổn hại cánh hoa, ngày nay Phật tử quá mệt
mỏi giữa cuộc sống khó khăn cộng thêm sự khó khăn mỗi khi thầy đến nhà
thăm viếng!!!
Tệ nạn Phật giáo Việt Nam ngày nay là đua nhau cất
chùa, xây am thất. Có những ngôi chùa mênh mông mà không có đạo chúng,
thầy trụ trì đóng cửa lo đi du khất; chùa nhiều mà không có Phật tử,
quần chúng gần chùa mà không hề bước chân đến chùa, thậm chí hỏi tên một
ngôi chùa trong khu vực mà dân ở gần đó, họ cũng không hề biết đến; đó
là một thực trạng của PGVN ngày nay; số quần chúng bị bỏ lẻ loi đó đang
chờ tôn giáo bạn đến an ủi giúp đỡ. Nhìn số lượng am tự viện và tu sĩ
trong xã hội đánh giá Phật giáo hưng thạnh là một sai lầm lớn; cũng như
tổ chức Giáo Hội ngày nay chỉ có chư Tăng lãnh đạo mà không có hạ tầng
cư sĩ, Ni giới như Hiến Chương GHTN trước kia, cho thấy Đạo Phật chỉ là
hình phổng để trang trí hơn là một thực chất tôn giáo có hậu thuận quần
chúng tín đồ!
Chính những bất cập đó mà công việc hoằng hoá bị
khiếm khuyết trầm trọng. Tuy nhiên, một vài cá nhân Phật tử cũng cố gắng
đem sự hiểu biết của mình để truyền đạt cho những bạn bè đồng nghiệp
hiểu thêm về đạo Phật. Điển hình, Bé Tư, con của một Phật tử khiếm thị,
mẹ cháu theo Kito giáo, ở Thủ Đức,sau này cháu không đi nhà thờ, bắt đầu
tìm hiểu Phật giáo, luôn đem băng đĩa kinh sách vào xí nghiệp để cho bè
bạn cùng nghe; Những cố gắng lẻ loi như thế tuy không đạt kết quả bao
nhiêu, nhưng nói lên tinh thần truyền bá của Phật tử đối với Đạo, nếu
Giáo Hội và từng chùa có kế hoạch huấn luyện Phật tử truyền nhập Phật
giáo vào quần chúng như thế, chắc chắc kết quả khả quan hơn là những
buổi thuyết pháp chung chung mang tính biểu tượng.
Đạo Phật có hạnh Bồ Tát, luôn thân cận và hy sinh cho
mọi người, đem Đạo vào đời một cách tinh tế chứ không thể đem Đời vào
đạo biến PG thành một tập thể ô tạp.Quần chúng hiểu Phật giáo một cách
minh chính, xã hội sẽ an lành; xã hội loạn do thiếu hiểu biết về Nhân
Quả, họ làm bất cứ gì theo bản năng ác tính; lòng Từ ái và luật Nhân Quả
sẽ soi lối cho mọi ý nghĩ, hành động của họ khi mà Phật giáo trở thành
mạch sống tâm linh thiết yếu như không khí và thực phẩm. Một khi người
dân được trang bị giáo lý đạo Phật đầy đủ, bản thân có tu tập, thì những
việc làm đường, lấp hố, vệ sinh công cộng, công ích xã hội sẽ là việc tự
nguyện và tự nhiên của họ mà không cần ai hướng dẫn.
Tình hình PGVN hiện nay, như là ốc đảo giữa xã hội,
việc công ích do một du sinh Phật tử góp ý trên đây không còn là trách
nhiệm chung của Phật giáo đối với cuộc sống, mà họ xem đó là một bổn
phận của nhà nước, mọi người vẫn vô tư băng qua những đoạn đường lầy lội
trong thành phố, bịt khẩu trang để tránh khói bụi nhơ bẩn, họ có thể ném
ra những lời than phiền hơn là kêu gọi Phật tử xăn tay nhập cuộc như một
nghĩa cử đẹp để xác định sự hiện diện của Phật giáo hoà nhập trong xã
hội. Hình như xã hội công nghiệp đã làm con người lạnh lùng với nhau
giữa bộn bề trong cuộc sống. ý thức trách nhiệm với cộng đồng chỉ là
Niềm Mơ!!!
05/9/08