Lược trích
tâm tình bạn đọc (2)
- -oOo-
Thầy Nhật Từ thân kính,
Lời đầu, Giác Hoàng chân thành cầu chúc Thầy nhiều
sức khoẻ để nghiên cứu và hoằng dương chánh pháp.
Mặc dù Giác Hoàng biết Thầy phụ trách trang nhà Đạo
Phật Ngày Nay ngay từ lúc ban đầu và nhiều lần được Thầy kêu gọi
đóng góp bằng các sáng tác, dịch phẩm, nghiên cứu, nhưng thưa thật với
Thầy, việc chờ admission gần một năm qua, làm cho Giác Hoàng không có thể
đóng góp một điều gì nho nhỏ cho Đạo Phật Ngày Nay được!
Hơn nữa, như Thầy biết, một trở ngại gần như rất
lớn cho các Tăng ni trẻ và đồng bào Phật tử ngày nay (Giác Hoàng cũng vậy!)
là việc trả tiền khi sử dụng internet tại các cyber cafe hơi khá đắc, làm
cho ai cũng phát ngại khi muốn học hỏi, nghiên cứu trên các mạng. Hy vọng
một ngày gần đây biểu giá thuê sẽ giảm xuống, thì việc sử dụng
internet và đóng góp bài vở cho trang nhà Đạo Phật Ngày Nay thuần
tính Phật học với lối phân chia theo chủ đề chuyên biệt rất khoa học,
sẽ đem lại lợi ích lớn không những cho đại đa số Phật tử mà đặc
biệt cho những nghiên cứu sinh Phật học và các nghành liên hệ.
Bản thân Giác Hoàng mới biết sử dụng internet để
truy cập các sáng tác, các dịch phẩm quý giá của chư vị tôn túc, các vị
học giả, của chư huynh đệ… trong vòng một tuần nay, Giác Hoàng phát hiện
một điểm khá độc đáo nơi trang nhà là có phần Điểm Sách trong
phần Việt ngữ và Book Review bằng Anh ngữ, đã khiến cho nhiều độc
giả hâm mộ, tán thán điểm độc đáo cần phải phát huy này.
Nhân tiện đây, Giác Hoàng cũng xin có đôi lời tán
dương việc truyền bá chánh pháp không mệt mỏi của Thầy. Hy vọng trang
nhà Đạo Phật Ngày Nay mỗi ngày có những đóng góp hữu hiệu hơn,
nói lên tiếng nói trung thực của những lời dạy cao thượng nguyên thủy
của đức Phật qua tinh thần vô uý, bất vụ lợi, vị tha mà các vị tiền
bối đã làm và nay Thầy đang tiếp tục làm để xương minh chân lý vì an
lạc và hạnh phúc của con người và tất cả loài hữu tình.
Kính chúc Thầy tràn đầy pháp lạc, có sức khoẻ tốt
để nghiên cứu và gặp nhiều thiện hữu tri thức để cùng xây dựng Đạo
Phật Ngày Nay mỗi ngày mỗi phong phú hơn.
- Thân kính,
- Thích Giác Hoàng
-oOo-
Sư Giác Hoàng thân mến,
Trước tiên, chúng tôi chân thành cảm ơn những lời
chúc lành và khen ngợi của Sư về trang nhà ĐPNN cũng như nỗ lực khiêm tốn
của bản thân chúng tôi trong việc hình thành trang nhà này.
Đọc qua những lời tâm tình của Sư, bản thân
chúng tôi rất thông cảm những nỗi trở ngại và khó khăn của Sư cũng
như của quý Thầy Cô khác tại Ấn Độ, trong việc chờ admission và sử dụng
internet với giá biểu đắc đỏ. Chính sách mới của chính phủ Ấn Độ
trong việc bắt du học sinh nước ngoài phải có Research visa mới được
admission cho các khóa học tiến sĩ, là một trở ngại thật sự cho họ.
Thông thường du học sinh phải chờ 3-6 tháng mới được cấp Research visa.
Có người bất hạnh hơn phải chờ đến cả năm. Thời gian chờ đợi dài
vô nghĩa như vậy chắc chắn sẽ làm nản lòng người du học sinh. Mong sao
chính phủ Ấn Độ rút ngắn thời gian cho thủ tục "đầu tiên"
này.
Riêng về việc sử dụng Internet, thú thật với Sư,
bản thân chúng tôi cũng gặp khó khăn tương tự. Chúng tôi không có điện
thoại riêng, do đó, khi đưa bài vào mạng cũng phải đi đến các cyber
cafe. Giá biểu sử dụng internet tại các nước nghèo nói chung, Ấn Độ nói
riêng, tương đối cao đối với du học sinh. Đó là chưa nói tốc độ
truy cập chậm chạp của các servers cũng như máy cho thuê sử dụng.
Công việc gì cũng có những khó khăn và thuận lợi
của nó. Cái khó đôi khi ló cái khôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, nếu có
lòng khắc phục, chúng ta sẽ có thể làm được nhiều điều có ý nghĩa,
ngay cả mặt tu tập. Có nhiều người khi gặp khó khăn liền chùn bước.
Ngược lại có nhiều người tận dụng khó khăn để tiến bước, thăng
hoa. Khó khăn do đó đã trở thành lửa thử vàng, môi trường nung đút ý
chí và hạnh nguyện của họ (Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương thứ
32). Mong sao những người con Phật phát huy tinh thần tận dụng khó khăn (tận
dụng khổ) để khắc phục khó khăn (để chấm dứt khổ). Hay nói khác hơn,
biến khó khăn "phiền não" thành an lạc, ngay hiện tại và tại đây.
Việc phân chia các bài pháp thoại theo từng chủ đề
trong ĐPNN là nhằm giúp cho bạn đọc dễ dàng tìm kiếm những thông tin Phật
học cần thiết một cách dễ dàng và nhanh chóng. Hiện nay, ĐPNN có 23 mục
(chủ đề) cho trang tiếng Việt và 19 mục cho trang tiếng Anh. Có nhiều mục
lại phân chia thành nhiều mục phụ thuộc. Trong tương lai, chúng tôi sẽ
chi tiết hóa thành nhiều chủ đề hơn, khi số lượng bài vở trong trang
nhà được tăng cường. Để làm việc đó, ĐPNN cần sự cộng tác của Sư
cũng như quý Thầy Cô và quý cư sĩ Phât tử trong và ngoài nước.
Riêng về mục Điểm sách (Book review), chúng tôi có dụng
ý từ ban đầu biến mục này thành nơi thông tin các sáng tác Phật học
và liên hệ Phật học, của những danh tăng Phật tử cũng như của người
khác đạo. Mục này một mặt giới thiệu các sáng tác độc đáo và có
giá trị tu học của giới Phật giáo nói chung, mặt khác vạch trần các
âm mưu xuyên tạc và lạc dẫn của các sáng tác của người có ác tâm,
thành kiến hay hiểu biết sai lệch về đức Phật và giáo Pháp của ngài.
Rất mong Sư cũng như quý bạn đọc góp sức cùng chúng tôi làm công tác
giới thiệu Phật pháp và giải hoặc này.
Thân chúc Sư thành đạt nguyện vọng trong sự tu học,
để phục vụ Phật pháp.
- Thân mến,
- Thích Nhật Từ
-oOo-
- -oOo-
Kính thưa thầy,
Tôi rất vui mừng khi nhận được email của thầy. Tôi
đã từng theo dõi những bài viết của thầy trên các webpages và rất lấy
làm kính phục. Phật giáo Việt Nam rất cần các tăng ni với tâm hiểu biết
xa và rộng như thế để chấn hưng và phát triển trong và ngoài nước. Đồng
thời cũng dạy cho người khác đạo ý thức được những sai trái của họ
trong việc chạy theo tâm tà, vấy bẩn đạo từ bi, trí tuệ của đức Phật.
Riêng tôi, với tâm nguyện nỗ lực trong phần còn lại
của đời mình để "sống đạo" của đức Phật Thích-ca.
Xin thưa với thầy, tôi năm nay gần 60 tuổi và hiện
hành nghề y khoa tại Seattle, tiểu bang Washington. Tôi hay viết cho các tập
san nội bộ của giới Y nha Dược sĩ Việt Nam. Các dịch phẩm của tôi như
"101 chuyện thiền" và "Vô
môn quan" đã được đăng ở Nguyệt san Y Tế năm 1997 và "Thập
mục ngưu đồ" đã đăng ở Y Tế Thường Thức số xuân năm con Trâu.
Không ngờ chuyện làm nghiệp dư và vặt vảnh này lại được thầy quan tâm
khuyến khích. Tôi rất vui mừng và sẽ hợp tác với thầy trong tương lai,
bằng tất cả khả năng có được. Hiện nay, tôi đang dịch "Pháp lệnh
của vua A-dục." Khi nào xong, sẽ gởi đến thầy để đăng tải trên
ĐPNN.
Kính chúc thầy thân tâm thường an lạc.
- Kính,
- Trần Trúc Lâm
-oOo-
Cư sĩ Trần Trúc Lâm kính mến,
1. Chúng tôi vô cùng hoan hỷ khi nhận được thơ của
cư sĩ. Chúng tôi chân thành cảm ơn những lời khích lệ của cư sĩ về vài
sáng tác phê bình những điểm viết sai của người khác đạo. Mục đích
của chúng tôi chỉ muốn làm sáng tỏ lời Phật dạy, khác hẳn và trái
ngược với những gì người đời xuyên tạc và gán cho ngài. Công việc
xiển dương Phật pháp bằng cách giải hoặc các sáng tác có tính cách lạc
dẫn của người phỉ báng Tam bảo, theo chúng tôi, là trách nhiệm chung của
tất cả người con Phật, bất luận là tu sĩ hay cư sĩ.
Khi biết cư sĩ là một vị bác sĩ thâm niêm mà lại
nghiên cứu sâu sắc Phật giáo, chúng tôi càng khâm phục hơn. Trong giới
Phật tử VN, có nhiều người là bác sĩ và y sĩ nhưng ít có ai có tâm
truyền bá Phật pháp qua sáng tác và dịch thuật văn học Phật giáo.
Ngoài giáo sư Trần Ngọc Ninh, chúng tôi thấy cư sĩ là một trong những người
dấn thân trong lãnh vực quan trọng này.
Đạo Phật rất khoa học, thực tiễn và là món ăn
tinh thần, bồi bổ đạo đức và trí tuệ cho con người. Nhưng tiếc thay
do vì thiếu phương tiện học hỏi và nghiên cứu nghiêm túc, người dân
VN đã hiểu đạo Phật là bi quan, yếm thế, dành cho ông già bà cả. Khi vạch
trần bộ mặt khổ đau của hiện thực, đức Phật không dạy chúng ta bi
quan, yếm thế. Trái lại, ngài chỉ bày cho chúng ta con đường trung đạo
giải thoát khổ đau. Đạo Phật chính vì thế là đạo giác ngộ, đạo
nói lên đau khổ và con đường chấm dứt đau khổ cho nhân sinh
và các chúng sanh khác ngoài con người. Đạo Phật như vậy không thể chỉ
dành riêng cho giới lớn tuổi, mà hơn bào giờ hết là chất liệu sống
cao quý của giới trẻ, thế hệ tiếp xúc nhiều với đau khổ của cuộc
đời và cần một con đường hiệu quả để khắc phục đau khổ, xây dựng
hạnh phúc. Các sáng tác và dịch thuật văn học Phật giáo, trong chiều hướng
đó, sẽ là mọt trong những phương tiện tốt để xóa sạch các quan niệm
sai lầm về đạo Phật. Một khi các quan niệm sai lầm này đã được xóa
sạch, con đường tiềm hiểu và thực hành lời Phật sẽ có hiệu quả hơn.
Rất mong cư sĩ sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc truyền bá quan trọng
nàỵ
Thật tình mà nói, chúng tôi rất mừng khi được biết
các tạp chí Y khoa đã bắt đầu đăng tải các sáng tác về thiền học
Phật giáo. Đây là dấu hiệu rất tốt, cho thấy tính tương thích và
tiên phong của những lời Phật dạy trong khoa học, từ nhiều thế kỷ
qua. Chúng tôI nghĩ trong tương lai nếu các tạp chí trong và ngoài nước chịu
đăng tải các sáng tác thiền nói riêng Phật giáo nói chung thì tin chắc rằng
giới độc giả sẽ được lợi lạc nhiều lắm.
Chúng tôi tin chắc rằng các dịch phẩm của cư sĩ sẽ
đem lại cho người con Phật những món ăn tinh thần cao quý và đậm đà hương
vị giải thoát.
Kính chúc cư sĩ an khang để góp phần phục vụ Phật
pháp.
- Kính
- Thích Nhật Từ
- Toronto-Canada
- -oOo-
Toronto 2-7-2000
Kính bạch thầy,
Chúng con chân thành kính mừng Đạo Phật Ngày Nay do
thầy phụ trách. Chúng con xin đảnh lễ thầy đã nhiệt tâm trong việc
truyền bá đạo Phật và cho phép chúng con được góp chút phước vào Phật
sự này của thầy. Đồng thời, chúng con cũng chân thành cảm ơn Dr. Bình
Anson đã hành hạnh nguyện của ngài bồ-tát Trì Địa, đưa chúng con đến
với ĐPNN.
Chúng con kính gởi đến 2 bài viết sau đây:
- -- Lương tâm và Phật tâm,
- -- Mười điều tâm niệm.
Thành tâm ngưỡng nguyện thập phương Tam bảo thùy từ
gia hộ cho thầy được pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ và Phật sự
viên thành. Kính mong ĐPNN càng được phổ biến rộng rãi để đem lại lợi
ích cho nhiều người đang gặp cảnh phiền não khổ đau và tìm cầu chánh
pháp.
- Kính,
- Cư sĩ Chính Trực
-oOo-
Cư sĩ Chính Trực kính,
Chúng tôi chân thành cảm ơn cư sĩ đã gởi bài cho
ĐPNN, để góp phần vào công việc truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ
và cứu khổ của đức Phật. Chúng tôi xin chân thành tán dương cư sĩ đã
nhiệt tâm vì chánh pháp và có lòng tôn kính Tam bảo. Các đóng góp của cư
sĩ cho ĐPNN như: Chăn trâu, Con thuyền bát-nha
嬠Lương tâm và Phật tâm và Mười điều tâm niệm là những
bằng chứng hùng hồn cho sự thể hiện cao quý đó.
Phật giáo trong bất kỳ thời đại nào cũng cần có
nhiều người Phật tử như cư sĩ: tôn kính ba ngôi báu, hiểu sâu lời Phật
dạy, có tâm nguyện truyền bá giáo pháp và trình bày giáo pháp qua kinh
nghiệm tu học của bản thân một cách sáng sủa và rõ ràng.
Kính chúc cư sĩ luôn được an lạc, tâm bồ-đề kiên
cố, tinh tấn phụng sự Phật pháp.
- Kính
- Thích Nhật Từ
Xem thêm "Lược trích tâm tình bạn đọc (1)"