- MẤY Ý KIẾN VỀ
SINH HOẠT CỦA PHẬT GIÁO
- TRONG THẾ KỶ THỨ 21
- Thích Nguyên Tạng
Nếu thế kỷ 20 được
xem là thế kỷ phát triển về khoa học kỉ thuật, kinh tế, mang lại đầy
đủ tiện nghi vật chất cho con người thì thế kỷ 21 này là thế kỷ của
sự phát triển tâm linh, một thế kỷ tạo ra thế quân bình giữa đời sống
tâm linh và nền phát triển của khoa học. Vì rằng sự sung mãn của vật
chất trong thế kỷ 20 không đủ để đảm bảo để mang lại hạnh phúc
cho con người, nên các nhà Tôn giáo học và Xã hội học cho rằng con người
cần phải trở về với đời sống tâm linh để tìm sự yên ổn cho tâm hồn.
Do đó tôn giáo và khoa học sẽ hổ tương và san sẻ cho nhau để đưa tới
một ích lợi thiết thực cho loài người trong thời hiện đại.
Trên tinh thần này, các tôn giáo có một vai trò quan trọng
trong trào lưu mới, đặc biệt ở đây, Đạo Phật lại càng quan thiết hơn
như lời tiên liệu của nhà khoa học thiên tài của thế kỷ 20, ông Albert
Einstein (879-1955): " Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu,
vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải
bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của
ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực
trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được
các điều kiện đó".
Lời nhận định trên đã cho chúng ta niềm vui, một niềm
tự hào cho PG nhưng chúng ta không khỏi lo lắng về tương lai, về sự phát
triển của PG trong thời đại mới này. Phật giáo sẽ làm gì để xứng
đáng với sự tôn vinh là "một tôn giáo toàn cầu" thế kỷ thứ
21 ?
Nhìn chung, hiện tại PG đã có mặt hầu như khắp địa cầu,
từ châu Á đến châu Phi, đặc biệt ở châu Âu và châu Mỹ, PG đang phát
triển rất nhanh .
Về Phật giáo thế giới
Hiện nay, khi hỏi một Phật tử về tổ chức PG thế giới
thì câu trả lời chắc chắn là mơ hồ, dường như.... vì không ai biết
chắc là có hay không có một hội đoàn PG Thế giới nào đó頨ay không ? hoặc biết là có nhưng không biết rõ danh xưng
hay những hoạt động của hội. Đây là một sự thật đáng buồn .
Thực tế cũng cho thấy tương tự như vậy. Hiện tại chúng
ta chỉ có một Hội đoàn PG Quốc tế mà được nói đến nhiều nhất là
Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists - WFB- http://www.buddhistcouncil.org/wfb.htm)
thành lập năm 1950 tại Tích Lan, với 5 mục đích: 1) Khuyến khích hội
viên học và tu theo lời Phật dạy ; 2) Siết chặt tình hữu nghị, đoàn kết
và thống nhất giữa các quốc gia Phật giáo; 3) Đẩy mạnh công tác truyền
bá giáo lý mầu nhiệm của Phật; 4) Tổ chức và đưa các hoạt động Phật
sự vào trong các lĩnh vực như xã hội, giáo dục, văn hóa ; 5) Mang lại
hòa bình, an lạc và hạnh phúc đến cho hành tinh này và sẵn sàng liên kết
với những tổ chức khác có cùng đường hướng.
Hội PG thế giới này đến nay đã tổ chức 20 kỳ đại hội.
Đại hội lần cuối là nhóm tại Úc vào năm 1998 và đại hội lần thứ
21 sẽ nhóm tại Thái Lan vào trung tuần tháng 11 năm nay. Tuy mục đích của
Hội rất tốt đẹp, nhưng thành quả của Hội thì không ai thấy gì cả.
Các hội đoàn PG thế giới khác là Hội Tăng Già Phật
Giáo Thế Giới ( World Buddhist Sangha Council); Hội Liên Hữu Thanh Niên Phật
Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Youth Buddhists - WFYB); hai Hội đoàn này
ít hoạt động nên không ai biết đến và đặc biệt là Mạng lưới quốc
tế các Phật tử dấn thân (International Network Of Engaged Buddhists-INEB) được
thành lập năm 1989 tại Thái Lan để giúp đở về nhân quyền và bảo vệ
môi sinh cho các nước PG nghèo , thiếu dân chủ ở châu Á.
Nhìn chung tuy có những hội đoàn PG thế giới như vậy,
nhưng hoạt động của họ rất hạn chế, chưa gây được ảnh hưởng đối
với thế giới hoặc mang đến một thành quả thiết thực nào. Nhân đây,
người viết xin có một vài ý kiến nhỏ về việc tái tổ chức lại Hội
PG thế giới.
Những khuôn mặt lớn hiện nay của PG thế giới có thể
thấy như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ( Phật giáo Tây Tạng), Thiền Sư
Thích Nhất Hạnh (PGVN), HT Dhammananda (Phật giáo Tích Lan); HT Sumedho (Phật
giáo Hoa Kỳ); Hòa Thượng Tinh Vân (PG Trung Đài Loan), Hòa thượng Ngộ Minh
( Phật giáo Trung Hoa).... là những nhân vật được thế giới biết đến
nhiều nhất, các ngài nên kêu gọi toàn thể các nước PG trên thế giới
sớm tổ chức một đại hội khoáng đại để tái tổ chức lại Hội Phật
Giáo Thế Giới, một tổ chức có những hoạt động thiết thực hơn,
năng động hơn để đem lại ánh sáng và hòa bình cho thế giới.
Trong Hội đoàn mới này phải hài hoà giữa PG Nam truyền
và PG Bắc truyền, và các phân ban trị sự chính phải tập trung vào các
ngành Hoằng pháp, giáo dục, văn hóa, thanh niên, tài chánh....
Về Hoằng pháp, hiện tại do nhờ sự phát triển của kỷ
nghệ tin học nên Phật pháp đang được phổ biến rộng rải trên mạng lưới
Internet. Hầu như các quốc gia Phật giáo đều có những trang nhà lớn để
phổ biến giáo lý. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa đủ để đưa giáo
lý đến với quần chúng. Ban hoằng pháp của hội phải có hoạch định
những chương trình hoằng pháp nhắm đến thế giới phương Tây và các nước
Phật giáo đang phát triển như Nga, Hy Lạp, Do Thái, và các nước ở châu
Phi. Hiện tại, PG Tây Tạng đang dẫn đầu trong công tác này, nhưng họ cần
có sự hổ trợ của hội.
Về mặt giáo dục thanh thiếu niên, dù chúng ta đã có Hội
Liên Hữu Thanh Niên Phật Giáo Thế Giới, nhưng hội này chỉ hoạt động
bên trong lãnh thổ Thái Lan chứ chưa có nối kết được với các nước
PG thành viên khác. Do đó công tác này rất quan trọng trong thời đại mới
để hướng dẫn thế hệ trẻ đi vào Chánh đạo, vì rằng thanh thiếu
niên Phật tử là thành phần rường cột, là sinh mạng để kế thừa, tiếp
nối và phát triển Chánh Pháp ở mai sau.
Về văn hóa, hội nên hổ trợ cho PG Tây Tạng tiếp tục
xây dựng công trình tượng Phật Di Lặc ( cao 128m) tại Bodhgaya (Bồ Đề
Đạo Tràng, Ấn Độ). Đây là một công trình văn hoá vĩ đại của PG mà
lẽ ra PG thế giới đảm nhận chứ không phải do cá nhân PG Tây Tạng.
Bên cạnh đó, hội nên có đề án xây dựng một viện bảo tàng PG thế
giới để thu thập những bảo vật, cổ vật của PG trên khắp thế giới
từ lâu đã bị thất lạc.
Mặt khác, phân ban này còn có trách nhiệm lắng nghe và thu
thập những tài liệu sách báo, phim ảnh có tính đánh phá, hạ thấp, tô
đen Phật giáo để kịp thời chận đứng âm mưu phá hoại của họ. ( Như
vụ giáo hoàng John Paul II viết tác phẩm : "Bước qua ngưỡng cửa hi vọng/
Crossing the threshold of hope"(xb năm 1995) nhằm xuyên tạc PG, lẽ ra PG thế
giới phải lên tiếng, chứ không phải chỉ có một vài nhóm nhỏ của PG
Miến Điện, Tích Lan và Việt Nam như chúng ta đã thấy).
Về in ấn và dịch thuật Tam Tạng Kinh Điển: hiện tại
Tam Tạng Pali được xem như đã tạm hoàn tất do Hội Pali Text Society chuyển
ngữ và ấn hành (ở Anh quốc - http://www.palitext.demon.co.uk),
nhưng Tam Tạng Kinh Điển Sansrit (hoặc Hán Tạng) bằng tiếng Anh thì chưa
hoàn tất, cho nên Hội phải tuyển dụng nhân sự và có kế hoạch dài hạn
để hoàn tất công trình này để phổ biến giáo lý Phật đà trong thời
đại mới. Hiện tại Trung Tâm dịch thuật Kinh điển đại thừa Numata
(Hoa Kỳ- http://www.slip.net/~numata) ở Mỹ
đang phụ trách công tác này, nhưng nếu được hội hổ trợ công trình
này sẽ hoàn tất nhanh hơn.
Về Phật Giáo Việt Nam
Hiện tại nhìn chung đã qua giai đoạn hình thành, có hơn
300 tự viện, tịnh thất , niện Phật đường thuộc PGVN ở hải ngoại (
thống kê theo lịch hằng năm của Tịnh xá Minh Đăng Quang ở Mỹ, và lịch
Chùa Khánh Anh, Pháp quốc, năm 2000) . Tuy nhiên, PGVN chưa được thống nhất
và đoàn kết để có thể hoàn thành được sứ mạng hoằng pháp như mọi
người mong muốn.
Thực tế cho thấy hiện nay PGVN có giáo hội như : Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Hải Ngoại tại Hoa Kỳ ; Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ ; Giáo
Hội Phật Giáo Liên Tông ; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới ;
Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới; Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất
Sĩ Thế Giới..v.v. Đành rằng mỗi Giáo hội đều có mục đích riêng để
hộ trì và phát triển Chánh Pháp. Tuy nhiên, các Giáo hội nói trên chưa thống
nhất cho nên các công tác khác như đào tạo tăng ni tài, hoằng pháp, văn
hóa, giáo dục, thanh niên .... chỉ hạn chế trong khả năng của từng Giáo
hội, hoặc chưa được quan tâm đúng mức, hoặc chính nó đã tạo ra thế
suy yếu cho PGVN ở hải ngoại.
Sự phân hoá và chia rẻ của PGVN ở hải ngoại hiện tại
đã làm nản lòng trong giơi頔ăng ni, làm mất
lòng tin của người cư sĩ Phật tử, tạo ra sự đàm tiếu của người
ngoài. Do vậy, vì tiền đồ Phật pháp, vì sự lớn mạnh của PGVN ở hải
ngoại, chư Tôn đức giáo phẩm trong các Giáo hội trên nên ngồi lại với
nhau để đi tới một Giáo hội thống nhất của PGVN ở hải ngoại. Sau đó
chúng ta mới bàn đến những đề án làm sao để phát triển Chánh Pháp.
Nhân đây người viết có mấy ý kiến nhỏ về PGVN với thế giới bên
ngoài.
Phật giáo Việt Nam với thế
giới
Nhiều người than phiền rằng giới Phương Tây ít ai biết
gì về PGVN hoặc PGVN dường như không có cái gì đặc sắc, hoặc Thiền,
Tịnh Độ hay Mật Tông. Cái gì PGVN cũng có , nhưng không có chuyên sâu.
Nên thế giới ít chú ý đến. Đó là sự thật mà ai cũng chấp nhận. Vì
công tác hoằng pháp của chúng ta chỉ hoạt động trong phạm vi trong cộng
đồng người Việt chứ chưa đủ sức để mở rộng ra bên ngoài như PG Tây
Tạng, PG Thái Lan.... Mặt khác tài liệu sách báo tiếng Anh về PGVN rất hạn
chế, nếu có cũng không được phổ biến rộng rãi. Do đó công tác biên
soạn và dịch thuật hoặc phát hành một tờ báo Phật giáo VN bằng Anh hoặc
mở một trang nhà trên mạng Internet chuyên về đề tài là điều cấp bách
và thiết thực để giới thiệu về PGVN.
Về công tác kiểm duyệt văn hóa: GH nên có một phân ban
kiểm duyệt về văn hóa, phân ban này có trách nhiệm như sau:
Về nội bộ: Phân ban này nhanh chóng phát hiện những sách
báo, băng giảng, tư tưởng có khuynh hướng đi lệch, đi sai, đi ngược lại
với Chánh Pháp, cần phải góp ý, xây dựng, sửa sai để hợp với Chánh
Pháp, tránh công kích, hạ thấp danh phẩm của đồng đạo, tạo sự bất
hòa giữa các cá nhân, tông phái, tạo sự đàm tiếu của người ngoài. Loại
bỏ頣huyện vạch áo cho người xem lưng.
Về đối ngoại: phân ban này cũng lắng nghe, thu nhận những
tin tức, tài liệu sách, báo, phim ảnh từ bên ngoài có nội dung đánh
phá, bôi nhọ, tô đen Phật giáo, phân ban này phải nhanh chóng kịp thời
ngăn chận, vạch rõ những âm mưu tàn hại đến Phật pháp. Hiện tại,
chúng ta có Tổ chức Giao Điểm, do một nhóm cư sĩ ở Hoa Kỳ đảm trách
công việc này, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, chúng ta cần phải có
tổ chức chính thức của GH.
Tóm lại, hiện nay, với những phát triển như vũ bảo của thời
đại máy tính, ta thấy rằng hành tinh này đã trở nên nhỏ hơn, loài người
trên địa cầu đã trở thành một cộng đồng lớn, những phương tiện
thông tin của thời đại đã loại bỏ những chướng ngại về địa lý ,
ngôn ngữ và chủng tộc... nhưng nhìn lại tổ chức của PG, chúng ta không
khỏi chạnh lòng vì sự rời rạc, phân hóa, lạc hậu đến mức không tưởng.
Ước vọng của người viết mong sao các nước PG trên thế giới có ngày
ngồi lại với nhau và có một tổ chức PG lớn mạnh để mang lại ánh
sáng hạnh phúc cho nhân loại. Và riêng PGVN cũng vậy, chư Tôn đức trong các
Giáo hội hiện tại, vì sự phát triển và lớn mạnh của PGVN, kính xin
quý Ngài nên nghĩ đến một đường hướng để thống nhất PG.
- Thích Nguyên Tạng
- Melbourne, 24/6/2000
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/007-ykien.htm