Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Từ Gió Bụi Mênh Mông Trở Về Cõi Chân Không

Cầm trên tay thi tập Gió Bụi của T.K Thiện Hữu, bỗng nhiên tôi cảm thấy ngại ngùng, băn khoăn, rồi một thoáng bối rối ngập ngừng. Không biết sẽ viết gì đây? Viết về một đời thường thì tương đối dễ, còn viết về một thi tập mang nội dung đạo pháp, chuyên chở cả triết lý văn chương, thi ca Phật học, Thiền học thì quả là việc làm thiên nan, vạn nan đối với người chưa thắm mùi thiền. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi với chính mình, thực chất của Thiền hay Thơ chỉ là tần số rung cảm của tâm hồn tác giả, là sự rung động của con tim tác giả đối với thiên nhiên bên ngoài lẫn nội quán bên trong mà thôi. Thiền và Thơ từ ngàn xưa chưa bao giờ có sợi dây ngăn cách, mà trên hết, thiền và thơ luôn chăm lo, chuyển tải tất cả các thể thái tâm thức đặc biệt của con người. Vì vậy, khi đọc thơ Thiền, hay những bài thơ tuyệt tác, người đọc chỉ biết trọn hưởng niềm sung sướng vô biên, mặc dầu chính mình chưa có công năng hay chưa có kinh nghiệm gì về thiền, nhưng không vì thế mà lại không thưởng lãm thơ Thiền.

Trở lại thi tập Gió Bụi, cũng vậy, ta cứ đọc vì trong thơ, ít ra cũng sẽ mang đến cho tâm hồn người đọc một giây phút lặng yên nào đó trong cuộc đời luôn ập đến những lượn sóng bạc đầu nghiệt ngã.

Như một sắp xếp của thiên nhiên, mở đầu thi tập, T.K. Thiện Hữu đã mời gọi con người lên đường, trở về với thiên nhiên, trở về với tình yêu trinh trắng tự nhiên của đất trời. Vì từ vô thuỷ, con người vẫn cứ loanh quanh khổ luỵ, không chịu tĩnh tâm nhận ra con người hiền lành, thanh tịnh của bản thể thường nhiên. Sự trở về này chẳng qua chỉ là sự chuyển dịch nhiệm mầu, biến hoá của con người đối với thế giới tâm thức vô biên:

Ngày về bên dòng suối nhỏ

Ngắm nhìn diện mục, bản lai

Đá xanh gật đầu khe khẽ

Đành thôi dứt kiếp đoạ đày… (Ngày Về)

Cái hay của thi sĩ là luôn giao hoà với thiên nhiên trong mọi thể thái, sắc cạnh. Ai nói đá xanh kia vô tri, ai nói dòng suối mát vô tình? Nhưng đối với T.K. Thiện Hữu, tất cả đều có tâm thức, đều thiết tha mời gọi, trao nhau sự sống nhiệm mầu. Một thiên nhiên trong xanh bừng sáng là cả sức sống và thi tài của tác giả.

Trở về Suối Nguồn, trở về đỉnh Linh Sơn hay "ung dung dạo gót, Ta Bà thảnh thơ” để “như nhiên trong cảnh không nhà” đều là mục đích chính của tác giả. Ở đây, bài thơ thứ ba, trong thi tập lại được tác giả nhấn mạnh đến tâm hạnh chứng đạt của người tu hành. Trạng thái tâm lý giải thoát thảnh thơi, thong dong, ung dung dạo bước, mời gọi mọi người trở về:

Con về trên đỉnh Linh Sơn

Uống trăng, hứng gió vui hơn cảnh nghèo

Đâu đây suối chảy, thông reo

Đỉnh chung phú quí bọt bèo ngang qua

…………………..

Ngàn xưa chẳng mất, vẫn thành sắc không! (Suối Nguồn)

Thực ra, khi con người đã chín mùi tâm linh, đã có chút kinh nghiệm bản thân với những tháng năm chồng chất, thì, những hệ luỵ trần gian đâu phải là điều hệ trọng. Mà điều quan trọng, thi thiết nhất vẫn là sự ngắm nhìn cuộc đời, nhìn trong cách thế lạc quan yêu đời, nhìn không bị hàng rào thuế quan của nhân-ngã-bỉ-thử. Ngắm nhìn tự nhiên, như rong chơi tự nhiên, không còn bóng dáng của khổ đau, phiền luỵ và đây mới chính là Suối Nguồn của nhà thơ đưa con người vào vũ trụ thường nhiên.

Trong thơ của T.K. Thiện Hữu, ngoài những hình tượng mầu sắc, âm thanh, vô thanh, ta còn thấy chuỗi không gian của thế tục lẫn không gian siêu tục. Bởi lẽ, rốt cùng của cuộc đời cũng chỉ là những phù phiếm, vô thường, những ảo ảnh không thực. Nó không khác nào đám mây linh linh, ảo ảo, bềnh bồng bay bay.

Hơn ba mươi năm cuộc đời là những chuỗi thời gian của những kỷ niệm đau thương, hoà lẫn niềm hạnh phúc dâng trào của tạo hoá ban tặng. Thời gian đối với thơ của T.K. Thiện Hữu không chỉ là thời gian của những buồn giận, cười khóc của cuộc đời, mà là những giọt pha lê hoà tan với nước mắt hạnh phúc an hoà, không phải là một khối đau khổ chứa nhiều tục luỵ mà là một toà bảo châu, chứa nhiều kỷ niệm êm đềm, góp phần tô bồi thêm cho chính thơ tác giả.

Hãy để mây trắng bay vào khung trời vô định, rồi rớt xuống không gian vô tận, chạm mặt với cỏ cây, hoa lá, kết thành tiếng nói nụ cười với cuộc đời, rồi một ngày lại bốc khói bay đi. Bay đi để nở nụ cười Hàm Tiếu trước ánh sáng bình minh nhân loại, trên trần gian thi thiết cho đến ngày tóc bạc điểm sương.

Hãy để cho khói chiều lãng đãng trôi nhanh, mây trắng phất phơ bay vào vũ trụ mênh mông. Đừng hỏi mây trắng sẽ bay về đâu, đừng hỏi cuộc đời này chừng nào sẽ tận thế, mà hãy ngồi trong chốn thâm u của núi rừng, đốt nén hương lòng, lấy "nước sương vô thường" pha trà Long Ẩn để nghe tiếng chim đang lảnh lót hót giọng tình ca của đức Thích Ca Mâu Ni:

Mỗi buổi sáng uống trà nhìn mây trắng

Chim líu lo chào đón ánh bình minh

Chén trà đạo vẫn chan chứa đạo tình

Nước tinh khiết, ngát hương trà nấu chín

........................................................

Hơn ba mươi năm, chỉ một sát na,

Đã thấy lẽ an bình trong tạo hoá…. (Độc Ẩm Nhất Điểm Trà)

Cuộc đời vốn mang dáng dấp của khổ đau, hoà lẫn với nhiều hạnh phúc, nhưng, cái chính là con người có nhận ra niềm hạnh phúc đó hay không.

Không ai trong đời không một lần té ngã bởi đòn roi nghiệt ngã của kiếp người. Không ai trong cuộc đời không một lần đơn độc lẻ loi, bơ vơ không một định hướng, không một mục đích trong dự phóng đời mình. Bên cạnh những lẻ loi trong bóng tối, đơn côi là những giọt lệ sầu chảy quanh khoé mắt, tạo thêm những nếp nhăn trên trán kẻ đăng trình. Phải chăng, khi nghĩ đến đó, T.K. Thiện Hữu đã mạnh dạn nghĩ đến thân phận của chính mình trong trường đời bất tận?

Không! T.K.Thiện Hữu không chỉ nghĩ đến thân phận của mình mà còn nghĩ đến những tha nhân hiện hữu quanh mình. Những ước nguyện, những tâm tình cứ hoà tan trong thơ của thi sĩ, tạo thành những hương thơm ngọt ngào của trí tuệ từ bi, của trái tim trinh thành luôn thiết tha mời gọi tha nhân bước vào lộ trình giải thoát, giác ngộ.

Dù kiếp sống có thăng trầm nghiệt ngã

Nghe ngọt ngào thơm mát cả tâm hồng

Ôi đất lạ sản sanh nhiều hoa lá

Đẹp cuộc đời, đẹp cả trời mênh mông… (Gọi Mời Tánh Thể)

Khi chấp nhận bước vào lộ trình giải thoát, giác ngộ có nghĩa là chấp nhận lãnh trọn phần khổ đau của nghiệp lực chúng sanh về mình. Đem bụi trần làm trầm hương xoa vào mình, như giọt thiên thể tinh anh.

Trong lẽ tan hợp, phù trầm của cuộc sống, T.K. Thiện Hữu chắc hẳn đã nhiều đêm ngồi tĩnh lặng trong yên bình của tâm thức để quán chiếu, soi rọi lẽ sống của kiếp người.

Cuộc đời không chỉ là bãi chiến trường vô tận mà là cảnh Tây phương trần thế, ngắm nhìn thân cây khô cằn nứt vỏ, ngắm nhìn bèo mây tan hợp không chưa đủ, mà phải ngắm nhìn sâu sắc, thấy được ý nghĩa mênh mông, bao la của bầu trời trinh trắng, thấy được cái vô tận của vũ trụ không cùng, thấy được sự vĩnh hằng thiết tha, tuyệt đẹp của cuộc sống là thấy được lẽ đạo, trực nhận được lý thiền:

Ta đi giữa chốn bụi trần

Kết thêm thiên thể phù vân vào mình

………………………………..

Như nhiên những bước dạo chơi

Mẫn đời, thương đạo, thạo lời Có-Không! (Thảnh Thơi Dạo Cõi Phù Trầm)

Đây chính là nét hùng vĩ, kỳ vĩ và là bí kíp tuyệt vời của kiếp người!

Trong cái có của cuộc đời vẫn có cái không của vũ trụ và trong cái không của cuộc đời vẫn có cái có của đạo. Lẽ nhiệm mầu này đan xen vào nhau, tạo thành sức sống thiên thu. Nó không phải là lối mòn, không phải là sáo ngữ, không phải là ngôi nhà cũ mục nát, mà là sợi tóc đen huyền của ông già tám mươi, là nụ cười reo vui của em bé chào đời, còn in dấu trên khuôn mặt bao dung vô tư và là viên đá xanh đang trao nhau những điều kỳ bí để bắc lại nhịp cầu mẫn thế:

………………………..

Lối mòn ấy biến thành nơi tri kỷ

Bước chân vào vạn lý phát minh châu! (Lối Mòn Vạn Kỷ)

Viên minh châu là ánh sáng chân lý, là tuệ giác vô lượng luôn tiềm ẩn trong trái tim con người. Viên minh châu không phải chỉ phát sáng trong đêm trăng tròn Trung thu mà lắm lúc lại được tác giả kéo xuống trần gian để phát sáng cho trần gian mãi mãi. Nhưng, chị Hằng và chú Cuội nào có đồng ý bao giờ.

Trăng sao bát ngát, trời mùa Thu ở Úc châu không cần phải đi biển mới nghe được tiếng sóng vỗ dập dồn, mà chỉ cần yên lặng lòng mình sau những buổi nắng ngả bóng chiều, con người cũng có thể hoà nhập được vào vòng tay bao la của vũ trụ, xoá sạch nỗi buồn khắc khoải của lòng mình:

Cát bụi ngàn thu vẫn đẹp

Nỗi buồn mấy thuở cũng vui

……………………………

Kéo ánh trăng tà xuống thế

Vun bồi vườn cải xanh tươi

……………………….

Gió Thu chân không hạnh lạc

Thoảng trong lòng đoá tâm hoa! (Nước Sương Vô Thường)

Đoá tâm hoa đã được T.K. Thiện Hữu nâng niu thành đoá hoa tươi dâng cúng mọi người. Đoá hoa này cũng chính là đoá Sắc-Không, chứ không phải là đoá Huỳnh hương của thế tình. Bên ngoài lá khô, nhưng vẫn thắm mãi trong lòng dòng sữa ngọt từ ái, bao dung và tha thứ. Đây chính là dòng nguyên sinh, là tiếng nói Thượng thừa của người bước vào đời. Đoá hoa này được tưới nước trinh trắng của đất trời, được vun phân của tịch liêu và được cắt tỉa bởi bàn tay của người nghệ sĩ tự do trong tâm thức.

Mặc dầu là bài thơ Lục bát, nhưng mang tiết tấu, hình ảnh lạ kỳ, luôn cuốn hút người đọc vào thế giới vô thức. Chính nền âm thanh này, đã tạo ra một vô thanh làm bùng vỡ mọi âm thanh, làm cho sóng biển tự dưng im lìm như nước hồ thu. Bài thơ tạo một cảm xúc cực mạnh cho người đọc, trong một không gian động biến thành không gian tĩnh lặng, rồi phủ lấp, luồn lách vào mọi ngõ ngách tâm hồn:

Nâng niu dâng đoá hoa tươi

Ủa, sao hoa vẫn nụ cười sắc không

Lá khô thắm mãi trong lòng

Lặng bên hồ vẫn một dòng nguyên sinh

……………………………….

Tịch liêu sống đã bao lần

Vẫn không ngăn nổi vạn phần pháp thân! (Nụ Cười Pháp Thân)

"Tịch liêu sống đã bao lần" là mốc thời gian, nhưng có lẽ, đối với nhà thơ, thời gian lại là một hiện thể sinh động, không vượt ngoài thiên cổ, mà "vạn phần pháp thân" mới chính là con đường trở về thắp sáng tâm linh, mặc dầu con người vẫn còn làm kẻ phong trần.

Tóm lại, trong thi phẩm Gió Bụi, T.K.Thiện Hữu đã chia xẻ với người đọc một cảm quan Thiền sống động, lạc quan thiết thực với cuộc đời. Ngoài ra, khi đọc Gió Bụi, người đọc có cảm giác trong thơ còn chứa đựng hai hình thái triết lý đối xứng, song song cả ngoại giới lẫn nội giới một cách uyển chuyển nhiệm mầu. Vì có nhiều bài, tác giả đi từ cõi hữu thức để trở về vô thức, đi từ cõi tục để trở về thoát tục, hay nói khác đi, tác giả đã đưa con người đi vào cõi siêu thực để trở về hiện thực.

Trong Gió Bụi, người thơ và thơ đã hoà quyện, đuổi bắt nhau, làm cho người đọc không sao phân biệt được đâu là thơ, đâu là người. Vì có nhiều bài mang thể thơ Lục Bát thật diệu kỳ, kết cấu tuyệt đẹp, diễn đạt nỗi cô đơn của kiếp người và ánh sáng chân lý cuộc đời-thông qua tình người mênh mông, bao la.

Trong Gió Bụi, người đọc còn thấy hơi thở của thơ thật tinh tế vô cùng. Nó chứa chất cả không gian ngút ngàn, thời gian sâu thẳm, đồng thời, mở ra một chân trời tươi sáng, hạnh phúc, dạt dào tình yêu thương nhân loại.

Đọc Gió Bụi, ta không thấy nỗi buồn hiu hắt của Gió, hay sự bất tịnh của Bụi, mà lại là một hương thơm tinh khôi trong tâm trí người thơ.

Toàn bộ Gió Bụi còn ẩn chứa cả một thiết tha của tác giả, nó mang phong cách của siêu phóng, vĩnh hằng, ngun ngút như ngọn lửa cháy sáng trong lòng nhà thơ; từ góc độ này, T.K. Thiện Hữu đã đóng góp phần nào trong thi ca Việt Nam bằng những cảm xúc hiện đại, được thể hiện qua những hình ảnh lung linh, chiếu sáng.

Gió Bụi đã dâng hiến cho đời nhiều dòng thơ đẹp, để phần nào xoá bớt những khổ đau, lầm lạc của con người, hầu mang hạnh phúc, hương yêu trinh thành cho cuộc đời. T.K. Thiện Hữu thực sự đã sống, đã hoà nhịp trong đời sống và đã chịu đựng giữa cuộc thế trần để giữ gìn phẩm giá tuyệt vời của con người. Vì vậy, đóng góp của T.K. Thiện Hữu mang dáng dấp của chất nhiều hơn lượng.

Hãy đến ngồi dưới cội cây già rợp bóng mát, hay ngồi bên khung cửa mở rộng tầm nhìn, hay bên tách trà nóng ngát hương sen để tận hưởng những hương vị đậm đà của Gió Bụi.

Mùa Thu đang trở về bàng bạc trên ngàn cây ngọn cỏ, với biết bao hoa lá xôn xao trong nắng Thu vàng, tiếng chim ríu rít, líu lo đón chào hạnh phúc trên cành cây khô, hãy trân trọng giở từng trang Gió Bụi để thưởng thức phút giây an bình. Chỉ những lúc tĩnh tâm hoàn toàn mới nhận được hương thơm ngọt ngào của Gió Bụi. Bởi lẽ, tất cả những thế thái nhân tình, những hệ luỵ phiền não, những bon chen ganh ghét của kiếp người sẽ không còn ngự trị trong Gió Bụi, mà đã được Gió Bụi hoà tan vào ánh sáng thuần khiết, tinh anh, nhiệm mầu của đất trời để trở về cõi Chân Không.

Brisbane, Úc Châu, mùa Thu 2005

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/camnhan-tapthoGioBui.htm

 


Vào mạng: 16-5-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang