Ai đến chùa cũng vào lạy Phật,
trừ người hảo tâm đưa giùm người khác đến cửa chùa, rồi đi. Không người
nào lạy Phật mà không lâm râm khấn vái. Tôi đoan chắc những lời khấn vái
đều là những điều thiện, lành, không cầu phước cầu lộc cho mình thì cầu
cho chồng cho con, cho họ hàng thân thuộc, bằng hữu xa gần; người có tâm
lượng rộng rãi hơn thì cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình ……
Người lạy Phật bận rộn cầu xin như vậy, chắc ít để thì giờ chiêm ngưỡng
tôn nhan tượng Phật. Bận cầu xin đã đành, mà vì tin rằng đã cầu thì phải
thành tâm Phật mới chứng, nên trong lúc cầu, ai cũng cúi rạp xuống mà tỏ
lòng kính ngưỡng. Tự suy nghĩ như thế, tôi mới dám kết luận rằng, khi
người Phật tử đến chùa lạy Phật, ít ai ngước mắt lên CHIÊM NGƯỠNG TÔN NHAN
ĐỨC PHẬT, MẮT KHÔNG TẠM RỜI (như một câu trong Kinh A Di Đà.)
Là Phật tử sơ cơ nên khi chợt
nghiệm ra như thế, tôi sửng sốt và có cảm tưởng mình chưa từng nhìn rõ
tôn nhan Đức Thế Tôn mà chỉ biết qua Kinh là Ngài có 32 tướng tốt, 80 vẻ
đẹp. Biết như thế thì cũng như không biết vì 32 tướng tốt đó thế nào, 80
vẻ đẹp ra sao? Những lời tả đó không giúp cho Phật tử “thấy” được Phật hơn
là sự chăm chú chiêm ngưỡng tôn tượng. Tất nhiên, tượng cũng chẳng chứng
thực được tôn nhan Phật nhưng qua hình tướng chúng ta còn có thể “thấy”
Phật. Nghĩ thế, tôi dọ dẫm, tự kiểm chứng.
Lần đến chùa sau đó, thay vì
quỳ rạp lạy Phật, tôi chắp tay, lắng tâm thanh tịnh rồi từ từ nhìn lên
chánh điện. Tôi chăm chú ngắm tượng Đức Thích Ca Mâu Ni tọa trên tòa sen.
Mắt tôi chạm vào đôi mắt Ngài trước nhất. Lạ thay, tôi phảng phất thấy nụ
cười từ ái nơi đuôi hai con mắt nhìn xuống. Nụ cười bằng mắt tỏa ra bát
ngát bao dung và thương xót. Đôi mắt đang nhìn xuống thế gian mà biểu lộ
cả tấm lòng Ngài. Chính đôi mắt đó đã chứng kiến bốn nỗi khổ Sinh, Lão,
Bệnh, Tử của thế gian khi đi dạo ngoài bốn cửa thành. Những cảnh khổ đó
không phải chỉ riêng đôi mắt Thái Tử Tất Đạt Đa thấy, mà hàng tỷ tỷ đôi
mắt nhân gian đã thấy; nhưng nhân gian thấy chỉ để mà thấy, thấy rồi lại
tiếp tục ngụp lặn trong biển khổ. Chỉ có vị Thái tử con vua Tịnh Phạn
thành Ca Tỳ La Vệ là băn khoăn ray rứt vì biển khổ triền miên này.
Từ đôi mắt thấy cảnh thương
đau, đôi tai Ngài đã lắng nghe bao lời rên siết. Tất cả những tôn tượng
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà tôi từng được nhìn thấy, tuy nét mặt, có khác
đôi chút (có lẽ tùy tâm trạng nghệ nhân khi đúc tượng) nhưng hai tai Phật
đều được thực hiện như nhau. Đó là vành tai lớn và dài, biểu tượng lòng từ
bi lắng nghe hết thảy thống khổ của nhân gian. Sự thật nhĩ căn của Phật có
như thế hay không, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng chính là lòng
Từ Bi và Trí Tuệ tuyệt luân của Ngài. Lòng từ bi đã thúc đẩy Thái tử từ bỏ
cung vàng điện ngọc trở thành sa-môn Gotama, quyết đi tìm con đường giải
thoát khỏi trói buộc của khổ đau. Với trí tuệ và kiên cường, sau sáu năm
khổ hạnh, sa-môn Gotama đã tìm ra tên cai ngục cái nhà tù khổng lồ từng
triền miên giam hãm, trói chặt nhân loại trầm luân trong thống khổ. Tên
cai ngục đó là Vô Minh. Vì vô minh mà chúng sanh cho Vô Thường là Thường,
Khổ là Lạc, Vô Ngã là Ngã, Không là Tịnh. Đó là đầu mối của mọi khổ đau.
Tìm ra được sự thật đó, sa-môn
Gotama lập tức thoát xác! Bao giây trói vô hình chằng chịt bấy lâu như đều
đứt tung ra! Bao phiền não như vừa bật rễ, trốc gốc, ào ạt lăn trôi, mất
hút. Chỉ còn vầng thái dương rực rỡ, khai sinh Đạo Cả cứu độ chúng sanh.
Và đó là lúc nụ cười mầu nhiệm
nở trên môi sa-môn Gotama khi Ngài đạt Giác Ngộ, thành Phật; nụ cười ban
vui, cứu khổ, nụ cười an ủi, chở che được tạc lại trên hầu hết tôn tượng
Ngài. Chỉ cần tĩnh lặng chiêm ngưỡng nụ cười ấy, ta sẽ cảm ngay được lạc
thọ của giòng suối trong vắt, ngọt lịm đang từ triền non cao chảy xuống
miền đồng bằng nắng cháy. Nhìn kỹ thêm, hình như ẩn sau nụ cười đầy thương
yêu, là lời dạy: “Ta là Phật đã thành; các con là Phật sẽ thành”. Lời dạy
này cốt nhắc nhở chúng sanh phản quang tự kỷ, phải biết nhìn lại mình,
phải biết gạn lọc sỏi đá cho hạt minh châu vốn sẵn có, sớm được hiển lộ.
Từ khi tự chuyển “Đến chùa lạy
Phật” thành “Đến chùa ngắm Phật”, tôi có được bao nhiêu là an vui hồi nào
không hay. Này nhé, vừa tới trước cổng chùa, tôi đã dặn lòng “Không cầu
xin gì cả, chỉ ngắm Phật thôi”; thế là tâm mong cầu, hờn giận biến mất.
Tôi đã “XẢ” được tâm thế gian bên ngoài. Sau đó, quỳ trước Phật đài với
lòng nhẹ tênh, với tâm thanh tịnh, tôi thấy được ánh điện quang Từ Bi của
Phật hiển lộ rõ hơn trên mắt, trên môi Ngài, trên suốt con đường Trung Đạo
Ngài đã đi, thể hiện qua chính bản thân Đức Phật, dũng mãnh mà lặng thầm,
uy nghi mà điềm đạm, trí tuệ mà đơn sơ, nhẹ nhàng mà quyết liệt ……. Bằng
đời sống của chính mình, Đức Phật đã dung hòa, đã hóa giải mọi trạng thái
đối nghịch của thế gian để từ đó, Ngài dẫn dắt chúng sanh tìm dần về con
đường Giác Ngộ.
“Đến chùa ngắm Phật” còn vô
tình giúp tôi cơ duyên liễu nghĩa được nhiều bài pháp mà trước đây càng
nghe tôi càng mù tối, vì rõ ràng nghe thế, mà sao không phải thế ?Tri và
Hành nếu chẳng đi đôi được với nhau thì Tri đó chẳng phải tri, mà Hành kia
cũng chẳng phải hành!
Tới đây tôi mới thấm thía câu
Phật dạy: “49 năm qua, ta chưa nói lời nào”.
Đóa sen đưa lên.
Nụ cười Ca Diếp.
Đã là bài pháp vô ngôn mà bất
tận.
Tôi cứ tiếp tục cách “lạy Phật”
của mình như thế. Nghĩa là, dù đến chùa nào tôi cũng lạy Phật bằng cách
“Ngắm Phật” mà thôi. Chính vì chỉ ngắm Phật tôi mới khám phá ra rằng, cũng
vẫn là tượng Phật Thích Ca với những nét tiêu biểu đặc thù nhưng thật ra
không hề có tượng nào giống tượng nào cả, cho dù tôn tượng đó có cùng một
xuất xứ. Tôi không cho là lạ vì ngoài nét tinh xảo khác nhau của mỗi nghệ
nhân khi đúc tượng, còn tâm ý của Đức Thế Tôn trao cho người đúc tượng nữa.
Chẳng phải ai cũng đúc tượng Phật được đâu! Tại sao có những tác phẩm nghệ
thuật qua nhiều ngàn năm vẫn là vô giá? Vì đó là những tác phẩm CÓ HỒN.
Với những tác phẩm này, chúng ta chỉ có thể cảm nhận mà không thể dùng bất
cứ loại ngôn từ nào để giải thích hay diễn đạt được. Tượng Phật, tự thể đã
mang ý nghĩa thiêng liêng, người đúc tượng Phật nếu còn biết đặt cả lòng
thành kính trên việc làm này thì khi hoàn thành, bức tượng không thể chỉ
là sự kết hợp của đất đá vôi vữa. Bức tượng sẽ mang những bài thuyết pháp
của Đức Thế Tôn, những bài pháp ẩn trong ánh mắt từ bi, qua môi cười độ
lượng, trên vầng trán trí tuệ, nơi dáng ngồi kiết già vững chãi an nhiên,
nơi vòng tay nhân ái muốn ôm hết muôn loài mà cứu độ ……
Tôi vô cùng xúc động khi khám
phá ra điều đó. Nhờ thế, mỗi khi ngắm Phật tôi lại có cảm tưởng như đang
được nghe bài pháp mới. Và niềm vui bất tận khi thầm lặng theo dõi bước
chân Phật đã vô tình XẢ cho tôi mọi mong cầu ước muốn vị kỷ của nhân gian.
Ngay cả khi phải nhận những
oan trái, vạ lây mà nhân thế vô tình hay cố ý ném vào, tôi cũng chỉ thấy
đôi mắt Phật, nụ cười Phật bảo rằng “Hãy chọn sự im lặng của người
Phật tử. Đó là sự im lặng của dòng sông”.
(Như-Thị-Am, Đêm không trăng)
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/denchualayphat.htm