- VỊ GIẢNG SƯ CHÂN
CHÍNH
Giảng sư là những vị thầy giảng
giải lời Phật dạy, tức là giảng giải kinh điển, truyền bá Phật
pháp cho chúng sanh. Phật pháp được phổ biến sâu rộng trong xã hội là
nhờ những vị này. Đức Phật rất khuyến khích các thầy Tỳ kheo thuyết
pháp. Ngài thường dạy: "Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt
đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ
bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và
nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả (…) Hãy phất lên ngọn cờ bậc
thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp
cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ".
Đó là những lời sách tấn cho các Tỳ kheo lên đường hoằng pháp. Tuy
nhiên, không phải Tỳ kheo nào cũng được đức Phật cho làm giảng sư.
Trong kinh Trường A Hàm, Đức
Phật có đề cập đến ba hạng Tỳ kheo chưa đủ tư cách làm giảng sư,
chưa đủ tư cách làm thầy, mà thâu nhận đệ tử, thuyết pháp. Những người
như vậy đáng bị chỉ trích, không xứng đáng được cúng dường, tôn trọng
và bảo hộ, vì họ là những người làm cho Phật pháp suy vi, hướng dẫn
Phật tử đi vào tà kiến. Ba hạng người đó là:
1- Hạng thầy thứ nhất là những
người chưa trừ được các phiền não, chưa chứng đắc được pháp thượng
nhân, đạo nghiệp chưa thành mà lại thâu nhận và thuyết pháp cho đệ tử,
Phật tử, khiến cho thính chúng mơ màng, quờ quạng, không biết lối đi,
không có trí tuệ, không biết đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp. Hạng
thầy như thế giống những người đã phá bỏ ngục tù cũ lại xây dựng
ngục tù mới, gọi là ác pháp, tham pháp, hại pháp, ô trược, xấu xa.
2- Hạng thầy thứ hai là những người
không thể trừ các phiền não, tuy có chứng đắc một ít pháp thượng nhân,
nhưng đạo nghiệp của mình vẫn chưa thành tựu, mà lại thuyết pháp cho
đệ tử. Đối với hạng thầy này, vẫn có thính chúng muốn nghe pháp, nhưng
lại thực hành sai lạc. Pháp thượng nhân ở đây có thể hiểu là những
người có học vị cao, có nhiều bằng cấp.
3- Hạng thầy thứ ba là những người
ở trong đời này, mà không thể trừ được các phiền não, tuy có chứng
đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng việc lợi mình chưa thành tựu, mà
lại nói pháp cho đệ tử. Những người này giống như những người bỏ
lúa má của mình đi cấy ruộng của người khác. Đó là tham pháp, ô trược,
xấu xa. Đối với hạng người này, thính chúng không muốn nghe thuyết giảng
và thực hành cũng sai lạc. Hạng thứ ba này họ tìm mọi cách để níu
kéo Phật tử, dù Phật tử không muốn thân cận.
Với cả ba hạng thầy trên đây,
đức Phật nói, nếu có ai chỉ trích, không tôn trọng, không cung kính
cúng dường, nói rằng vị ấy tham pháp, tham đệ tử, làm những việc xấu
xa, thì sự chỉ trích ấy chân thật, đúng pháp không có lỗi lầm.
Rồi đức Phật đề cao những vị
giảng sư không bị chỉ trích:
1. Những người đủ tư cách làm
thầy, không bị người đời chỉ trích, là những bậc đã chứng ngộ bốn
thánh quả: Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, A-na-hàm, A-la-hán. Hoặc là những bậc
thầy mặc dù chưa chứng ngộ bốn quả thánh, nhưng thấy được sự thật,
thấy được con đường đi đến giải thoát.
2. Một bậc thầy đáng được tôn
trọng, cung kính, cúng dường trong cuộc đời này là bậc thầy đã diệt
trừ được tham, sân, si. Mặc dù vị thầy ấy có thể chưa chứng đắc
được quả vị nào cả, dù là quả vị thấp nhất, nhưng hành động, lời
nói, và ý nghĩ luôn luôn thanh tịnh, ly tham, ly sân, ly si, và xa lìa những
pháp bất thiện. Vị thầy ấy có thể thuyết pháp không hay, nhưng những
lời thuyết giảng luôn đúng chánh pháp, luôn luôn nói lên tiếng nói của
sự thật, của chân lý, phù hợp với thánh ý và tâm lý, hoàn cảnh của
người nghe, có thể chỉ ra con đường chân chính mà đệ tử, thính chúng
có thể đi đến giác ngộ giải thoát. Và như vậy, dù bản thân người
thầy chưa chứng đắc, nhưng những người học nơi vị thầy ấy có thể
giác ngộ trước. Làm được như vậy cũng đã là một việc làm có ý nghĩa,
có giá trị và có phước báo rồi.
Những người xuất gia luôn luôn
được ca ngợi là những người dám đặt bước chân lên phương trời cao
rộng, những người xem danh lợi phù hoa là giả huyễn, xem ngai vàng như
đôi dép rách, coi thường những nấc thang giá trị cuộc đời, nói
chung là tất cả những gì mà người thế tục bình phàm cho là quý giá như
bằng cấp, chức vị, quyền lực, danh lợi… Đó là những bậc thầy đáng
được cung kính, tôn trọng, cúng dường.
Đối với những bậc thầy trên đây,
cần được tạo điều kiện cho họ hoằng pháp, tạo môi trường cho họ
giảng dạy. Làm được như vậy gọi là người hộ pháp chân chính.
Tóm lại, với những bậc thầy đã
được chứng quả, có khả năng thuyết pháp làm lợi ích cho cuộc đời,
cần phải chia sẻ kinh nghiệm đó cho mọi người, đó là quan điểm rất
từ bi của Phật giáo. Người Phật tử, khi thấy biết có những bậc thầy
có khả năng giác ngộ, có kinh nghiệm tâm linh, có khả năng hướng dẫn
Phật tử tu tập đúng chánh pháp, cần phải hổ trợ hoặc tạo điều kiện
cho vị ấy hành đạo. Đó là việc làm có ý nghĩa, hộ đạo chân chính.
Ngược lại, nếu ngăn cản vị thầy ấy là ác tâm, tà kiến. Những người
có tà tâm, ác kiến sẽ phải nhận chịu hậu quả đoạ lạc trong ba đường
ác.
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/giangsu.htm