-
Hai sự cúng dường tối
thượng
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa.
Mắt xanh nhìn người thế
Mây trắng hỏi đường qua.
Cuộc đời của đức Thế Tôn từ lúc giả
từ cung vàng điện ngọc, danh vọng và quyền uy... của một bậc vương giả để
dấn thân vào chốn rừng thiêng tuyết lãnh, của xứ Ấn trần lao để tầm đạo
giải thoát cho muôn loài, cho đến lúc chứng thành Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác; với ba y một bình bát an nhiên tự tại giải thoát, thuyết pháp
cứu khổ độ sanh, đó là một tấm gương xuất trần cao cả và vĩ đại nhất của
toàn nhân loại. Trên bước đường hoằng pháp ấy, đức Thế Tôn đã ứng thân làm
phước điền cho cả chư Thiên và loài người. Có những sự cúng dường vi diệu
bằng những cung điện huy hoàng, tráng lệ với đủ loại hoa trời, nhạc trời
của chư Thiên. Có những sự cúng dường vĩ đại bằng những tinh xá Trúc Lâm,
Kỳ Hoàn... hay những buổi trai tăng hàng ngàn Tỳ-kheo của những vị vua
quan trưởng giả như vua Tần-bà-sa-la, trưởng giả Cấp-cô-độc, tín nữ
Visakka v.v... Trong muôn vàn sự cúng dường ấy, có hai sự cúng dường rất
đơn sơ, bình dị nhưng đã đi vào lịch sử và được chính đức Phật khẳng định
là có nhiều phước báu nhất và đầy kỷ niệm nhất trong cuộc đời của Ngài. Đó
là hai sự cúng dường của nàng Tu-xà-đa và người thợ rèn Thuần-đà (Cunda).
1. Sự cúng dường của
nàng Tu-xà-đa:
Sau khi từ bỏ vương
thành Ca-tỳ-la-vệ, từ bỏ những gì cao sang, sung sướng nhất của một bậc
Đông cung thái tử, cho đến từ giã người hầu cận Xa-nặc trung thành và ngựa
Kiền Trắc thân yêu, thái tử Tất-đạt-đa đã thực sự dấn thân vào chốn rừng
thiêng u tịch của xứ Ấn trầm hùng, quyết tâm tầm đạo giải thoát cho muôn
loài. Ban đầu, Ngài học đạo với hai vị đạo sư nổi tiếng nhất đương thời là
Alàra Kàlama và Uddaka Ràmaputta. Sau một thời gian ngắn nỗ lực tu tập,
Ngài đã chứng đắc được quả vị cao tột của hai vị Đạo sư này là Vô sở hữu
xứ định và Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Cảm nhận được những quả chứng
này chưa phải là cứu cánh của giải thoát, chưa đoạn tận được tất cả phiền
não kiết sử để siêu thoát luân hồi, Ngài đã từ giã hai vị Đạo sư này để
tiếp tục lên đường đi tìm con đường đạt đến cứu cánh giải thoát. Từ đây,
Ngài thật sự bước vào con đường gian nan nhất. Trải qua sáu năm ròng rã,
nhịn ăn bỏ ngủ, thực tập những lối tu khổ hạnh khắc nghiệt, cho đến lúc
chỉ còn da bọc xương, không còn sức lực nữa, không bước đi được nữa, Ngài
bất tỉnh quỵ ngã ngay trong lúc tu tập. Một người chăn cừu thấy vậy đã
dùng sữa mớm vào miệng Ngài, Ngài mới dần dần tỉnh lại. Từ đây, Ngài chợt
tỉnh nhận ra rằng: "không thể có một tinh thần minh mẫn trong một thân
xác tiều tụy" và Ngài đã rút ra được bài học Trung đạo của người tu
tập là phải tránh xa hai trạng thái cực đoan: "Hưởng thụ trong đam mê
dục lạc và ép xác khổ hạnh cực đoan." Nhưng những giọt sữa dâng cúng
từ người chăn cừu chỉ làm cho Ngài tươi tỉnh, khỏe mạnh đôi phần chứ chưa
mang lại một tinh thần minh mẫn hay làm cho thân thể Ngài tráng kiện. Tinh
thần minh mẫn và thân thể tráng kiện đã thật sự trở lại sau khi Ngài nhận
sự cúng dường của nàng Tu-xà-đa.
Nàng Tu-xà-đa là một
thiếu phụ sinh trưởng tại làng Senani, một miền sơn cước thuộc dãy
Hy-mã-lạp-sơn, gần dãy rừng Ưu-lâu-tần-loa và dòng sông Ni-liên-thiền, nơi
thái tử Tất-đat-đa đang tu tập khổ hạnh. Chồng nàng là một điền chủ giàu
nhất làng tên là Senani, nhờ giàu sang, danh vọng, và uy tín nên tên của
chồng nàng được dùng để đặt tên làng. Nàng Tu-xà-đa rất đẹp người, có lòng
bao dung tốt bụng, đặc biệt tánh tình của nàng "hiền lành như bồ câu và
đức hạnh như thánh nữ", vì thế nàng được chồng mình mến yêu và dân
làng ngưỡng mộ. Cũng như bao người thiếu phụ khác, nàng luôn ước mong có
một người con trai, do vậy ngày đêm nàng thường cầu nguyện dâng lễ và đi
nhiễu xung quanh tượng đá Lanh-gam (tượng hình tròn và dài tượng trưng cho
sự sinh sản) để cầu mong sanh được một hoàng nam. Sau những tháng ngày cầu
nguyện, cuối cùng nàng cũng đã thụ thai và sinh được một cậu con trai như
ý.
Để tạ ơn các vị thần
nơi miền tuyết sơn huyền bí, nàng đã bỏ ra rất nhiều công sức để nấu bình
Đề-hồ bằng những loại nếp thơm đặc biệt và những tinh chất từ sữa của
những con bò khỏe mạnh nhất và sắm sữa một khay hoa quả thật đầy để dâng
cúng. Nàng chọn một ngày đẹp trời, sai thị nữ Radha đội mâm hoa quả và
mang bình Đề-hồ, còn nàng bồng đứa con cùng nhau vào rừng tạ ơn các vị
thần linh thiêng cao cả đã ban cho nàng cuộc sống sung sướng, dân làng ấm
no và đặc biệt là đứa con trai như lòng mong ước.
Thị nữ Radha đi trước
tìm nơi thích hợp để làm lễ, nhìn thấy thái tử Tất-đat-đa đang ngồi kiết
già bất động dưới cội cây Bồ-đề hùng vĩ với dáng dấp uy nghiêm, từ bi lan
tỏa, thị nữ Radha giật mình sửng sốt vừa mừng vừa sợ. Nàng vội vã trở lại
báo tin cho nàng Tu-xà-đa rằng thần núi đang hiện ra uy nghiêm dưới cội
cây Bồ-đề. Nàng Tu-xà-đa đã cùng với thị nữ vui mừng tiến đến dưới cội cây
Bồ-đề cúi đầu sát đất, hai tay kính cẩn thành tâm dâng lên hoa quả và bình
thực phẩm Đề-hồ để cúng dường: "Lạy Ngài cao cả đã ban phước cho chúng
con, xin Ngài hãy nhận lễ mọn này tự tay làm lấy với tất cả lòng thành
kính và biết ơn của con."
Bấy giờ đã đúng ngọ,
thái tử Tất-đạt-đa yên lặng nhận bình bát Đề-hồ và thọ trai, trong lúc
nàng Tu-xà-đa và thị nữ Radha lòng tràn đầy hạnh phúc. Quả là thực phẩm
thượng diệu, sau khi thọ trai xong, Ngài cảm giác như mọi sinh lực đã hồi
phục, tinh thần đã minh mẫn trở lại: "Ngài nghe trong người tỉnh táo lạ
thường, sức lực đã trở lại trong Ngài, nguồn sống chạy rần rần trong huyết
quản, Ngài cảm nghe như những đêm quên ngủ, những ngày quên ăn chỉ là một
giấc mơ mà bát Đề-hồ đã đuổi tan trong chốc lát. Trí não của Ngài trở nên
sáng suốt như gương, nhẹ nhàng như có cánh, mạnh mẽ như Hy-mã-lạp-sơn."
Vẫn không ít người con
Phật trong chúng ta thắc mắc rằng: Tại sao nàng Tu-xà-đa cúng dường đức
Thế Tôn đơn giản như thế, với tấm lòng bình dị và đơn sơ như thế lại được
đức Phật dạy rằng đó là một trong những sự cúng dường có công đức lớn nhất
và nhiều kỷ niệm nhất, trong khi có những đại lễ cúng dường của vua
Tần-bà-ta-la, vua A-xà-thế, trưởng giả Cấp Cô Độc v.v... lại không được
đức Phật khẳng định tính quan trọng cao cả về hạnh cúng dường như nàng?
Đọc qua kinh Tạng hay tìm hiểu về các kinh sách, những lời dạy của chư
Phật, chư Tổ... chúng ta cũng thầm hiểu rằng, sự cúng dường của nàng
Tu-xà-đa hội đủ ba tính chất cao cả nhất: khế thời, khế cơ và khế lý.
Khế thời: Thời điểm mà
nàng Tu-xà-đa cúng dường là vô cùng thích hợp và đúng lúc. Sau sáu năm khổ
hạnh, thân thể của thái tử Tất-đạt-đa vô cùng tiều tụy, đây là lúc tốt
nhất để cúng dường thực phẩm cho Ngài và cũng là thời điểm quan trọng mà
Ngài sắp chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề. Đây là tính khế thời cao cả nhất.
Khế cơ: Đứng về mặt đối
tượng căn cơ. Người nhận cúng ở đây là Bồ-tát Tất-đạt-đa, Ngài đang cần sự
minh mẫn của tinh thần cũng như sự tráng kiện của thân thể để chiến đấu
với ma vương phiền não, mang ánh sáng giác ngộ đến cho muôn loài, đây là
một cơ hội quí báu, một phước điền tối thượng để nàng Tu-xà-đa gieo trồng
công đức.
Khế lý: Xét về mặt lý
lẽ thường tình của thế nhân thì đây chính là điều cha ông chúng ta thường
nói "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Xét về mặt đạo lý xuất thế
thì đây là một phước duyên to lớn, một trợ duyên vĩ đại giúp Bồ-tát
Tất-đạt-đa chứng đắc chân lý tối thượng, đạt đến giác ngộ hoàn toàn.
Một việc làm gì của
người con Phật đối với mọi người nên hội đủ ba yếu tố: khế thời, khế cơ và
khế lý. Nàng Tu-xà-đa với duyên lành tối thượng, vô tình cúng được bát
Đề-hồ cho Bồ-tát Tất-đạt-đa đầy ý nghĩa, để rồi tên tuổi cũng như công đức
cúng dường của nàng đã được muôn người ở ngàn năm sau còn nhắc mãi.
2 Sự cúng dường của
Thuần-đà (Cunda):
Kể từ khi chứng ngộ Vô
thượng Bồ-đề, đức Thế Tôn đã trải qua suốt bốn mươi chín năm ròng rã đi
khắp nơi trên xứ Ấn bao la, hoằng pháp độ sanh bất quyện. Lúc bấy giờ,
Ngài đã tám mươi tuổi, nhận thấy xác thân tứ đại như một cổ xe mục nát và
biết được nhân duyên hoằng pháp ở cõi Ta-bà sắp viên mãn, Ngài gọi tôn giả
Anan lại, bảo Anan thông báo cho các Tỳ-kheo biết trong ba tháng nữa Ngài
sẽ nhập Niết-bàn. Trên đường đến thành Câu-thi-na để nhập Niết-bàn, đức
Thế Tôn đã nhận sự cúng dường của người thợ rèn Thuần-đà, đây là sự cúng
dường cuối cùng của chúng sanh trong cuộc đời của đức Thế Tôn.
Thuần-đà (Cunda) là một
người thợ rèn sống gần rừng cây Ta-la, thôn Pava, thuộc thành Câu-thi-na.
Một hôm, ông vào thành Câu-thi-na tình cờ gặp đức Thế Tôn và chư Tỳ-kheo,
chiêm ngưỡng được tôn nhan từ nghiêm, thanh thoát của Ngài và chư Tăng
thanh tịnh, trong khi dân chúng thành Câu-thi-na đặt bát cúng dường với sự
hoan hỷ thành kính trang nghiêm. Người thợ rèn Thuần-đà hay tin đức Thế
Tôn sắp nhập Niết-bàn tại rừng Ta-la gần làng mình. Với thiện tâm phát
khởi, lòng mong ước cúng dường cho đức Thế Tôn lần cuối cùng phát sinh,
ông thu hết can đảm đến đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn và dâng lên lời cầu
thỉnh đầy cảm động: "Bạch Thế Tôn! Ngài sắp nhập Niết-bàn, chúng con
thấy buồn đau quá và thưa Ngài chúng con nghèo cùng khốn khổ nhưng duyên
gặp Ngài khó được, cúng dường Ngài lại khó hơn nên mong Ngài từ bi nhận lễ
cúng dường trai phạn nơi con ngày mai để con được những phước lộc ở kiếp
vị lai. Ngưỡng mong Ngài xót thương nhận lãnh. Cúng phẩm của con tuy kém
mọn nhưng cũng sẽ dâng lên Ngài và chư Tăng được dùng đầy đủ." Đức Thế
Tôn im lặng nhận lời, Thuần-đà vô cùng mừng rỡ vội vàng trở về báo tin cho
gia đình sửa soạn thực phẩm để cúng dường đức Phật và chư Tăng, đích thân
ông vào rừng tìm hái những loại nấm quý, nấm hương để dâng cúng đức Phật.
Cả buổi chiều và tối hôm đó gia đình ông phải làm việc suốt không nghỉ,
với lòng chí thành lo sửa soạn thức ăn để cúng dường, tạo phước. Sau một
đêm trú tại thành Câu-thi-na, đức Thế Tôn cùng đại chúng tiếp tục cuộc
hành trình đến rừng Ta-la và đến nhà người thợ rèn Thuần-đà đúng ngọ. Mọi
thức ăn trai tịnh đã được dâng sẵn, đức Thế Tôn cùng chư Tỳ-kheo bắt đầu
thọ trai. Trong lúc đại chúng đang thọ trai, Thuần-đà dâng lên đức Phật
một bát nấm hương mùi thơm ngào ngạt. Khi dùng qua bát nấm này, đức Phật
bảo: "Bát nấm này độc, các người hãy đổ đi không nên ăn." Thuần-đà
nghe đức Phật dạy, kinh hãi nghĩ rằng, tất cả tâm thành kính của mình,
phước báu to lớn được cúng dường đức Phật sẽ không còn mà thêm tội nữa,
ông than khóc té xỉu trên đất. Đức Phật gọi Thuần-đà đến bên Ngài và dạy:
"Người không nên than khóc cũng đừng nên hối hận, phải vui sướng lên vì
người đã được cúng dường bữa cơm cuối cùng cho ta. Có hai bữa ăn đáng kỷ
niệm nhất, và có nhiều phước báu nhất, đó là lần đầu tiên của nàng
Tu-xà-đa cúng dường cho ta trước khi thành đạo và bữa cơm này, trước khi
ta vào Niết-bàn".
Nghe đức Phật dạy như
thế, Thuần-đà và cả gia quyến hoan hỷ vô cùng, cúi đầu đảnh lễ đưa tiễn
đức Phật và chư Tăng với tâm thành kính nhất.
Và cũng tại rừng Ta-la,
đức Phật bảo Anan và đại chúng: "Có hai vật thực cúng dường đến Như Lai
mà phước báo bằng nhau, có quả bằng nhau và phước báu lớn hơn tất cả. Đó
là vật thực cúng dường đến Bồ-tát ngay trước khi Người chứng đạo quả Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác và vật thực cúng dường đến bậc Giác Ngộ trước
khi Người nhập Niết-bàn. Hai vật thực ấy đem lại phước báu bằng nhau, quả
bằng nhau và vô cùng quý báu hơn tất cả các sự cúng dường khác. Do thiện
nghiệp này mà người phát tâm tịnh tín cúng dường sẽ được phước báu. Sau
khi mất sẽ được tái sinh vào các cõi trời, vào cảnh giới vua chúa, quyền
quý cao sang, được nhiều may mắn và danh vọng".
Nếu như sự thắc mắc về
vấn đề cúng dường của nàng Tu-xà-đa đã được giải đáp thỏa đáng, thì ở đây
sự thắc mắc về vấn đề cúng dường vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều trong lòng
người con Phật: Tại sao Thuần-đà, một người nghèo khổ, cúng dường bữa cơm
đơn sơ, lại có nấm độc gây tai hại cho đức Thế Tôn, thì lẽ ra ông chỉ được
phước báu rất ít nếu không muốn nói là không có phước báu, đằng này lại
được đức Thế Tôn khen ngợi là có phước báu to lớn như thế?
Xét về vấn đề tội,
phước thì đức Phật có dạy: "tội từ tâm khởi..." nghĩa là tội lỗi từ nơi
tâm mà sinh, thì phước báo cũng do tâm mà tạo. Ở đây, tâm của Thuần-đà rất
tốt, rất chí thành thì tất nhiên là phải có phước báo lớn. Đứng về phương
diện thường tình của thế nhân, chúng ta thường chấp có sống, chết; nhưng
đối với một bậc Như Lai thì vấn đề sống chết không còn được đề cập đến
nữa, cho dù các Ngài đã nhập Niết-bàn, nhưng các Ngài vẫn có những "ứng
hóa thân" để hóa độ vô lượng chúng sanh. Dùng con mắt phàm phu chưa hiểu
về Phật pháp thì ta cho rằng Thuần-đà là người có tội, do đức Phật ăn bát
cháo ấy mà nhập Niết-bàn. Nhưng, với người đã học qua về Phật pháp thì sẽ
hiểu được rằng thân hiện tại của đức Thế Tôn là thân "hữu dư y Niết-bàn",
nên Ngài vẫn còn chịu sự vô thường chi phối, vẫn còn sự già, bệnh... khi
Ngài thọ bát nấm của Thuần-đà, thì bát nấm này quả là một nhân duyên lớn
để Ngài đạt đến trạng thái "vô dư y Niết-bàn". Nghĩa là đạt đến cảnh giới
Niết-bàn cao tột nhất, an lạc nhất, không còn bị chi phối bởi già, bệnh,
chết... đây là điều kiện chính để đức Phật khẳng định Thuần-đà có phước
báu vô cùng lớn.
Đứng về phương diện
thời gian (khế thời) thì nàng Tu-xà-đa và Thuần-đà cúng dường ở hai thời
gian hy hữu nhất mà muôn triệu người con Phật không ai có được may mắn ấy.
Đứng về phương diện đối cơ (khế cơ) thì đối tượng mà nàng Tu-xà-đa cúng
dường là Bồ-tát Tất-đạt-đa, vì lúc này Ngài chưa thành Phật. Còn đối tượng
mà Thuần-đà cúng dường là một đức Phật, một bậc đã đạt đến "hữu dư y
Niết-bàn" và sắp đạt đến cảnh giới "vô dư y Niết-bàn". Ở phương diện này,
ta thấy phước báu của Thuần-đà nhiều hơn của nàng Tu-xà-đa, như kinh Tứ
Thập Nhị Chương, đức Phật dạy: "Cho một trăm kẻ ác ăn không bằng cho
một người thiện ăn, cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người
thọ ngũ giới ăn... cúng dường cho một trăm vị Bích Chi Phật không bằng
cúng dường cho một đức Phật ba đời...".
Đứng trên phương diện
chân lý (khế lý) thì cả hai sự cúng dường đều hợp chân lý, đó là những
nhân duyên phước đức vô lượng vì ủng hộ một Bậc xuất trần đi từ địa vị
phàm phu tiến dần đến quả vị cao tột nhất, chứng đắc cảnh giới Niết-bàn
rốt ráo nhất.
Thời gian như dòng nước
lặng lẽ trôi, nó xóa mờ và cuốn trôi muôn vật vào dĩ vãng, xô vùi chôn lấp
mọi sự việc dưới lớp sóng bạc của đại dương mù khơi. Hai sự cúng dường của
nàng Tu-xà-đa và người thợ rèn Thuần-đà dù cách thời đại của chúng ta gần
ba thiên niên kỉ nhưng cơn sóng thời gian vẫn không vùi lấp được, mà ngược
lại, những phẩm hạnh cúng dường ấy, công đức to lớn ấy đã được các kinh
sách ghi chép lại, lưu truyền vô tận theo dòng lịch sử. Và đây cũng chính
là hai tấm gương cúng dường bất diệt để hàng Phật tử chúng ta noi theo để
gieo trồng cội phúc, xây dựng phước báu cho chính mình, cho những người
thân mình và cho muôn vạn chúng sanh.
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/