...... ... |
.. |
. |
.. |
. |
. |
- VỀ QUÊ HƯƠNG
NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT
Từ khi cất tiếng khóc chào đời, đến
lúc lớn khôn, trôi lăn theo dòng đời biến chuyển khổ nhiều hơn vui,
chơn tâm chìm đắm trong vũng bùn nhơ sắc tài danh vọng, thân xác đọa đày
trong nẻo ngục tối, ngạ quỷ súc sanh. Mệt mỏi chán chường, một lúc
nào đó lắng lòng nhìn lại thử hỏi đâu là quê hương?
- Việt Nam chăng? Ðất mẹ sanh nuôi dưỡng
ta mà! Nhưng vì sao ta rời bỏ nó? Mỹ quốc chăng? Xứ tạm dung bao bọc ta
ư! Vì lẽ gì ta lại mến nó? Bỏ kia lấy đây đều là vọng trần trói
buộc.
- Ðịa ngục chăng? Tội ác oan khiên
chập chùng nghiệp báo. Thân mạng dứt phải chịu luân hồi? Thiên đường
chăng? Khoái lạc miên trường mê mờ thiên tánh. Phước đức hết vẫn bị
đầu thai. Hoạ phúc hai đường cũng do bổn tâm phan duyên.
Quê hương xa vời, sức người có hạn,
thọ mệnh mong manh, lấy gì làm kim chỉ nam trên con đường chông gai trắc
trở. Ðừng thấy ngăn sông cách núi, than rằng khó mà không tiến bước,
nhưng quỷ vô thường có đợi ta đâu? Hãy xem bài ca của Ðại sư Ấn
Quang:
Khắp nơi đồng phát lòng thành, nguyện cầu
vãng sanh.
Ðất khách suối non hiểm nhiều, mặc ai luyến tình.
Tự mình không muốn về thôi, quyết về tất được.
Ðường quê có ai tranh dành, gió mát trăng thanh.
CÂU ÐỐI
Bỏ Cha trốn chạy, lưu lạc xứ người, khổ thay
A Di Ðà Phật.
Tìm Mẹ trở về, tái ngộ gia hương, vui thay A Di Ðà Phật.Tịnh dưỡng chơn tâm, vui đạo thanh bần, Tin chuyên
niệm Phật.
Tẩy sạch bụi trần, sống đời tự tại, Hạnh Nguyện thường chơn. |
Phật pháp rất cao sâu huyền diệu,
chúng sanh phần nhiều nghiệp chướng nặng dày, khó đạt đến nghĩa lý
uyên thâm.
Trong kinh Ðịa Tạng nói: Nghiệp lực
thậm đại, năng địch Tu Di, năng thâm cự hải, năng chướng Thánh đạo",
nghĩa là: sức nghiệp rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, sâu như biển
cả, làm ngăn đạo Thánh. Chúng sanh nghiệp lực nặng nề như thế, lại
ở trong đời ác ngũ trược, mây mù dày đặc che tối chơn tâm, nên phải
trôi lăn trong vòng sanh tử, đời đời kiếp kiếp chẳng ngỏ thoát ra.
Chúng ta vì thân, khẩu, ý từ vô thủy
tới nay đã tạo nhiều nghiệp chướng và tâm ta đã quá vọng theo duyên
trần, nên phải luân hồi trong sáu nẽo. Nay muốn ra khỏi nhà lửa Tam giới,
đều phải sửa phải tu, phải kềm chế. Mỗi mỗi chơn lý trong Phật
pháp đều phải tu tập hết. Nếu ta không chịu kềm chế thân tâm, hay
không giữ gìn cho thanh tịnh thì đã thất đức, lỗi trước không tiêu lại
còn nặng thêm, khó mong đạt đến bờ kia.
Sở dĩ chúng ta lạc lối đi, không biết
đường về, do nơi một niệm tâm vọng động. Ban sơ vì vô minh tạo nghiệp,
gây tội, rồi càng tạo càng gây, tâm càng vọng động, phóng túng, theo
duyên trần trôi lăn theo bánh xe nhân quả, sanh tử tử sanh không ngừng nghỉ.
"Nhứt thất nhơn thân tái phục
nan": thân người mất đi khó trở lại đặng, nay trở lại làm người
cũng là việc hy hữu. Thân người khó được, nhưng còn có thể được;
Phật pháp khó nghe, khó gặp do quả chướng tội sâu, gây nghiệp dày, núi
sầu lên xuống, biển thảm vào ra, mây mù che ám, ba độc triền miên, nay
gặp Phật pháp là việc hiếm có. Ðã gặp Phật pháp, biết rõ tội lỗi,
thì càng tinh tấn tu trì, khắc niệm công dày, lâu ngày ắt quả Bồ đề
thành tựu.
Trước vì tam nghiệp thọ khổ báo
trong ba đường dữ, nay dùng tam nghiệp tu trì dứt quả nhân ba đường
ác, nghĩa là phải dùng ngũ thể đầu địa, lạy Phật ân đức là cầu
cho tiêu nghiệp thân; dùng miệng niệm danh hiệu Phật hay tụng kinh điển
là cầu cho nghiệp khẩu tiêu trừ; dùng tâm ý quán tưởng Phật, suy xét
nghĩa lý Phật pháp là cầu cho ý nghiệp diệt tận. Lạy Phật là cầu cho
thân được thanh tịnh dứt trừ ngã mạn; đọc kinh niệm Phật là cầu
cho học hỏi thấu suốt các pháp; tưởng Phật, suy xét nghĩa lý là cầu
cho được thông suốt liễu ngộ.
Nay đã biết rõ tự tánh mình là Phật,
tự tánh mình sẵn đủ muôn pháp, tự tánh mình vốn thanh tịnh thì hãy tự
mình tìm con đường để VỀ QUÊ HƯƠNG. Nào hãy dấn thân vào!
"Hướng về Cực Lạc không phải
phiêu lưu đi tìm một đối tượng xa lạ ngoài tâm thể chúng ta. Hướng về
Cực Lạc là gạn lọc tâm hồn, xoá nhòa những biên giới cố chấp. Hội
nhập tâm linh vào thực tại phong phú bình an, để từ đó niềm an lạc
vô ưu bắt đầu nẩy nở".
Về phương diện tuyệt đối thì một
Thích Ca hay một Di Ðà đều chỉ là hóa thân của thực tại. Tất cả những
hóa thân đó đều soi chiếu, biến hiện lẫn nhau, dung họp lẫn nhau trong
một pháp thân thường trú. Thích Ca hay Di Ðà trên chót vót của tuệ giác
chỉ là một, đều là hình ảnh của thực tại vô tận vô cùng.
Một khi đã tin về sự hiện hữu của
đức A Di Ðà, chúng ta không thể nào không tin về một thế giới Cực lạc
ở phương Tây. Ðó không phải là một thế giới do thần thông biến hóa,
mà chỉ là kết quả của tâm nguyện. Mỗi đức Phật đều có những bổn
nguyện phát khởi bởi tâm Bồ đề. Một khi Nguyện đã phát, thì Hạnh phải
xuất hiện. Nguyện để thực hiện cho Hạnh và Hạnh để hoàn thành cho
Nguyện. Cực Lạc thế giới chính là hạnh của bốn mươi tám lời nguyện
vĩ đại của đức A Di Ðà vậy.
Chúng ta nên nhớ rằng, dù Tây phương
hay Ðông phương, Cực Lạc thế giới không thể nào nằm ngoài tâm thể của
chúng ta. Và chẳng có một đức Di Ðà nào tồn tại ngoài tâm thể của
chúng ta. Niệm quán đức Di Ðà, chúng ta đình chỉ những tạp niệm vọng
động bên ngoài và thể nhập sâu vào tâm thể của chính mình, trong giây
phút đó chúng ta đi vào Cực lạc thế giới trong ta và chính ta là đức A
Di Ðà chứ không ai khác. Một khi đã kết hợp và hòa nhập với thực tại,
thì chúng ta đã là Phật.
Căn bản của kinh Di Dà là thuần niệm,
để kết hợp với chân thực tại, với tuệ giác tuyệt đối. Thế giới
Cực Lạc chỉ là một viễn tượng, sự dấn thân của chúng ta là tự lực
và tự cứu. Sự tiếp dẫn của Di Ðà chỉ là mối liên hệ tương ứng
giữa tuệ giác siêu thoát với thực tại siêu thoát. Di Ðà là thực tại
siêu thoát. Trạng thái chánh định của chúng ta là tuệ giác siêu thoát.
Chúng ta tin có đức A Di Ðà và cõi Cực
Lạc là tin có tâm thể giác chiếu, tin có khả năng biến hiện, hoán cải
và khả năng tự lực thành Phật. Tin như vậy là tự tin. Có tin mới nỗ
lực hành động (Hạnh) trong diệu dụng của Bồ đề tâm, để thành tựu
ý chí thực hiện (Nguyện).
Về phương diện tương đối, chúng
ta phải nghĩ đến một thực tại tương đối đầy dẫy khổ đau và tuyệt
vọng. Chúng ta tin vào khả năng của mình, nhất tâm hoán cải tâm niệm,
chuyển bạt nghiệp lực trần gian để thế giới khổ đau thành thế giới
Cực Lạc.
Tây phương Cực Lạc cách xa chúng ta
bao nhiêu triệu dặm đường mờ mịt, với tốc lực của một con người
đầy nghiệp khổ, chúng ta vĩnh viễn không bao giờ đi tới. Nhưng dù cách
xa bao nhiêu chăng nữa, thì không gian và thời gian chỉ là mê vọng. Nếu rời
được mê vọng, rời được mọi ý niệm sai biệt thì khoảng cách dù vô
cùng cũng nằm trong gang tấc và thời gian có lâu xa vô lượng cũng thu gọn
thành phút giây. Thực tại vốn bình đẳng, đồng nhất và hồn nhiên. Cực
Lạc Ta bà đều do nơi tâm niệm và nghiệp báo của chúng ta tạo ra. Vì vậy
thế giới Cực lạc có thể nhìn thấy trong cuộc sống ô trọc và khổ
đau này. "Tâm bình tịnh thì thế giới bình tịnh".
Trong kinh Phật Thích Ca nói: "Khỏi
quốc độ mười muôn ức cõi, có bửu thành tên gọi Lạc Bang. Di Ðà hiện
tại phóng quang, nay đương nói pháp độ toàn chúng sanh". Chúng ta trong
nhân địa tu hành chưa vào hàng Thánh, mười muôn ức cõi được sánh ví
với mười pháp lành tức Thập thiện. Tức là giữ cho thân, khẩu, ý được
thanh tịnh; tam nghiệp thanh tịnh thì tâm thanh tịnh, do tâm thanh tịnh thì
quốc độ thanh tịnh, quốc độ thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, nên
nói Cực lạc trong tâm chúng sanh. Trong quả vị Thánh tức hàng Bồ Tát, mười
muôn ức cõi được sánh ví với Lục độ Ba la mật và thêm Tứ Vô lượng
tâm, hay là các quả vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, thập
địa v.v.. hành Bồ tát đạo, chẳng trụ ngôi bất thối chuyển, hóa thân
vào cỏi uế để độ chúng sanh, thì khoảng cách và cõi nước không còn
thành vấn đề.
Chúng ta đã biết có nơi để về, có
pháp để tu, có phương tiện để thực hành, hãy dồn hết tâm lực. Vô
thường chóng vánh, xin đừng lần lựa, nay hẹn mai chờ, uổng mất tâm cơ,
ngàn năm khó gặp lại.
PHẬT A DI ÐÀ
A Di Ðà Phật thân vàng,
Tướng xinh sắc tốt minh quang ai bì.
Bạch hào như núi Tu Di,
Mắt trông bốn bể so bì vẫn hơn.
Hào quang hóa Phật vô ngần,
Hóa Bồ tát chúng vô cùng vô biên.
Ðộ sanh bốn tám lời nguyền,
Hàm linh chính phẩm đồng lên giác ngàn.
Ðây chính là bài kệ Quán tưởng Phật
A Di Ðà. Phật A Di Ðà tướng hảo quang minh, thành tựu công đức viên
mãn, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, toàn thân
phóng ra ánh sắc vàng không gì so sánh được. Tướng sáng lông trắng giữa
chặn mày to lớn, xoay quanh như năm hòn núi Tu Di. Mắt to lớn sáng ngời
bao trùm bốn biển. Trong ánh sáng của đức Phật hiện ra nhiều hóa Phật,
Bồ tát vô cùng vô biên không tính đếm được. Phật A Di Ðà lập bốn mươi
tám lời nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, đều lên chín phẩm sen vàng
giải thoát.
SÁM DI ÐÀ
Muốn đi có một đàng này,
Nhất tâm niệm Phật không gì thoát ra.
Một lòng giữ niệm Di Ðà,
Hồng danh sáu chữ thật là rất cao.
Năng trừ tám vạn trần lao,
Tham thiền, quán tưởng pháp nào cũng thua.
Di Ðà xưa cũng làm vua,
Bỏ ngôi bỏ nước vô chùa mà tu.
Xét ra từ kiếp đã lâu,
Hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo đó mà.
Trong khi Ngài mới xuất gia,
Bốn mươi tám nguyện phát ra một lần.
Nguyện nào cũng lắm oai thần,
Nguyện nào cũng trọng về phần độ sanh.
Vì thương thế giới bất bình,
Nên khi đầu Phật mà đành bỏ ngôi.
Thầy là Bảo Tạng như Lai
Bạn là Bảo Hải tức ngài Thích Ca,
Thích Ca nguyện độ Ta bà,
Di Ðà nguyện mở cửa nhà Lạc bang.
Mở ao chín phẩm sen vàng,
Xây thành bá bửu đổ đàng thất trân.
Lưu ly quả đất sáng ngần,
Lầu châu các ngọc mười phần trang nghiêm.
Hoa trời rưới cả ngày đêm,
Có cây rất báu, có chim rất kỳ.
Lạ lùng cái cảnh phương Tây,
Mười phương cõi Phật, cảnh nào cũng thua
Phong quang vui vẻ bốn mùa,
Nước reo pháp Phật, gió khua nhạc trời.
Di Ðà có thệ một lời,
Mở ra cõi ấy tiếp người vãng sanh.
Mười phương ai phát lòng thành,
Nhất tâm mà niệm hồng danh của Ngài.
Hằng ngày trong lúc hôm mai,
Niệm từ mười tiếng đến rày ba trăm.
Ðứng, đi hoặc lúc ngồi, nằm,
Chuyên trì niệm Phật lòng chăm phát nguyền.
Nguyện sanh về cõi Bảo Liên,
Là nơi Cực lạc ở miền Tây phương.
Ðến khi thọ mạng vô thường,
Thì Ngài phóng ngọn hào quang rước liền.
Biết bao phước đức nhân duyên,
Ðã về Cực Lạc còn phiền não chi.
Sự vui trời cũng chẳng bì,
Ðêm đêm thong thả ngày thì vui chơi.
Sống lâu kiếp kiếp đời đời,
Không già không chết không dời đi đâu.
Sự tích, tiền thân của đức Phật
A Di Ðà có rất nhiều kinh sách ghi chép, ở đây căn cứ vào bài Sám nói
trên, xin lược ghi ra hai sự tích như sau:
1.- Kinh Bi Hoa, chép:
Đời quá khứ hằng hà sa kiếp trước,
Ngài là vua Chuyển Luân Vương tên là Vô Trách Niệm. Ngài có một quan Đại
thần tên là Bảo Hải, rất giàu lòng tín ngưỡng. Một hôm vua nghe đức
Phật Bảo Tạng đến thuyết pháp tại vườn Diêm Phù ở gần bên thành,
Ngài với quan Đại thần Bảo Hải liền đến nghe và rất hài lòng. Vua
pháp tâm thỉnh Phật và đại chúng vào vương cung cúng dường trọn ba tháng
để cầu phúc báu.
Đức Phật khuyên vua nên phát Bồ đề
tâm cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Khi đó đức Phật Bảo Tạng liền phóng
hào quang sáng ngời, soi khắp cả thế giới của như Phật mười phương,
cho chúng hội đồng thấy. Bảo Hải đại thần liền tâu với vua Vô
Tránh Niêm: "Nay Bệ hạ nhờ oai thần của Phật, được thấy các thế
giới, vậy Bệ hạ muốn cầu lấy thế giới nào?".
Vua đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp
tay phát lời đại nguyện, cầu xin sau khi tu hành thành Phật, quốc độ và
nhân dân của Ngài, đều được trang nghiêm thanh tịnh. Do nhơn duyên ấy,
sau Ngài thành Phật hiệu là A Di Đà ở cõi Tây phương Cực lạc.
Theo bài kinh trên, ta đã biết tiền
thân của Phật A Di Ðà là vua Vô Tránh Niệm, quan đại thần Bảo Hải tức
là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni.
2.- Phật Thích Ca nói:
"Đời quá khứ lâu xa, cách hơn
10 kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân vương,
mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan. Vương hậu sanh ra ba người con: người con
trưởng là Nhựt Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con
thứ ba là Nhật Đế Chúng. Khi ấy có đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự
Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật Thế Tự Tại xuất
gia, thụ Kỳ kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo. Ngài Pháp Tạng
đối trước Phật, pháp 48 lời nguyện rộng lớn, độ khắp tất cả mười
phương chúng sanh; nếu có một nguyện nào chẳng viên mãn, thì Ngài thề
chẳng thành Phật. Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rúng động,
giữa không trung có tiếng khen rằng:
"Pháp Tạng quyết định sẽ thành
Phật hiệu là A Di Đà".
Ðây là tiền thân và nhân địa của
Kiều Thi Ca, con thứ hai của vua Nguyệt Thượng Luân Vương theo Phật Thế
Tự Tại xuất gia thọ giới Tỳ kheo, hiệu là Pháp Tạng, tu hành thành Phật
A Di Ðà.
Trong kinh Tiểu Bổn A Di Ðà, đức Phật
Thích Ca đã thuyết về cảnh giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà như sau:
Từ cõi Ta bà này hướng về phương
Tây, cách đây hơn mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc.
Vị giáo chủ thế giới này là Phật A Di Ðà thường hay nói pháp. Cõi ấy
có bảy lớp câu lơn, bảy lớp lưới giăng, bảy hàng cây xinh đẹp, có hồ
thất bảo đầy nước tám công đức, đáy hồ lót toàn cát bằng vàng. Bốn
phía bờ hồ đều cẩn vàng ngọc, châu báu, trong hồ có những hoa sen bốn
màu xanh, đỏ, trắng,vàng lớn bằng bánh xe, hương thơm ngào ngạt, màu
nào cũng có hào quang chiếu sáng. Quanh hồ là những lầu đài nguy nga xinh
đẹp toàn bằng thất bảo.
Trên không trung, hòa lẫn trong tiếng
nhạc của chư thiên, có những tiếng chim báu, do Phật hóa hiện, thuyết
pháp ngày đêm sáu thời cho chúng sanh nghe. Người nghe rồi phát tâm niệm
Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Cho đến tiếng nước chảy, gió thổi, cây
reo cũng đều phát ra tiếng pháp nhiệm mầu... Cõi nước thanh tịnh trang
nghiêm vô lượng, phước lạc vô ngần, có vô biên chúng sanh, Thinh văn, Bồ
Tát đều là hạng bất thối chuyển.
TÍN, HẠNH, NGUYỆN
Một câu A Di Ðà,
Là đường tắt về nguồn.
Những hành trang cần thiết,
Tín, Hạnh, Nguyện gọn suông.
Một câu A Di Ðà,
Cần ở điểm Tin sâu.
Mầm hoa sen chín phẩm,
Từ tâm đây nhô đầu.
Một câu A Di Ðà,
Cần ở nơi Nguyện thiết.
Lòng về tợ lửa nung,
Mắt thương khóc ra huyết.
Một câu A Di Ðà,
Cần ở chỗ Hạnh chuyên.
Chỉ nêu cao một niệm,
Dứt sạch cả muôn duyên.
Tín, Hạnh, Nguyện thi hành hằng bữa,
gắng ghi luôn trau thuở tấc lòng, Bồ đề nẩy nhánh đơm bông, lên thuyền
Bát nhã hội đồng pháp thân.
Muốn được vãng sanh phải đủ ba yếu
tố: Tín, Hạnh và Nguyện. Tín là tin chắc có tự tha, nhơn quả, sự lý.
Hạnh là chấp trì danh hiệu Phật cho được nhất tâm bất loạn. Nguyện
là quyết thoát khỏi Ta ba, cầu sanh về cõi Cực Lạc.
TRÌ DANH NIỆM PHẬT
Nam Mô A Di Ðà Phật,
Không gấp cũng không lơi.
Tâm tiếng hiệp với nhau,
Thường niệm cho rành rõ.
Nhất tâm là Ðịnh học,
Nhận rõ chánh Huệ học.
Chánh niệm trừ vọng hoặc,
Giới thể đồng thời đủ.
Niệm lực được tương tục,
Ðúng nghĩa chấp trì danh.
Nhất tâm Phật hiện tiền,
Tam muội sự thành tựu.
Ðương niệm tức vô niệm,
Niệm tánh vốn tự không.
Tâm làm Phật là Phật,
Chứng lý Pháp thân hiên.
Nam Mô A Di Ðà!
Nam Mô A Di Ðà!
Cố gắng hết sức mình,
Cầu đài sen thượng phẩm.
Nhiều phước đức không chi bằng chấp
trì danh hiệu, nhiều thiện căn không chi qua phát Bồ đề tâm. Niệm Phật
giây lát hơn bố thí cả năm, phát Bồ đề tâm hơn tu hành nhiều kiếp.
Trong mọi hoàn cảnh, thời gian, trong
bốn oai nghi đứng, đi, nằm, ngồi, trong lúc ngủ nghĩ, ăn uống... chỉ
chuyên tâm chấp trì niệm danh hiệu của Phật A Di Ðà luôn luôn thuần thục,
đừng cho gián đoạn, không còn thấy có mình là người chuyên niệm, Phật
là đối tượng bị niệm, chỉ còn một tâm yên lặng chiếu soi, không năng
sở, bỉ thử, không hữu vô. Niệm đến trình độ này gọi là nhất tâm
bất loạn, hay là niệm đến chỗ vô niệm mới là chơn niệm.
Niệm Phật cần nhất phải rành rõ
và tương ưng. Rành rõ là nghe cho đủ tiếng rõ ràng, không lộn xộn lờ
mờ. Tương ưng là giữ tiếng niệm và tai nghe liên tục không gián đoạn.
OAI ÐỨC, DIỆU DỤNG CÂU NIỆM PHẬT
Nam Mô sáu chữ thật oai linh,
Lòng nên tha thiết niệm chí tình.
Tự tánh Di Ðà hằng sáng tỏ,
Duy tâm Tịnh Ðộ liễu vô sanh...
Ngồi niệm chú Di Ðà Phật Tổ,
Không riêng cầu Tịnh Ðộ siêu sanh.
Mà còn cầu Phật giúp mình,
Ngọn đèn thần tuệ sớm minh trong lòng.
Ngày sáu khắc vẫn không quên Phật,
Ðêm năm canh thường nhắc Di Ðà.
Phật trong lòng chẳng rời xa,
Có ngày Phật đến giúp ta vừa lòng...
Niệm Phật được Tam muội sẽ phát
khởi diệu dụng như nghe tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi, nước chảy, hoa
cười, chim hót đều là nhiếp về một câu Nam Mô A Di Ðà Phật. Non xanh,
mây trắng, hoa vàng, trúc biếc đều là pháp thân biến hiện cảnh giới Cực
Lạc.
NGHĨA SÁU CHỮ
NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT
NAM chỉ về tâm phải tịnh thanh,
MÔ không dục lợi chẳng cầu danh.
A trừ dâm dục nuôi tinh đủ,
DI dứt đắn đo giữ báu lành.
ÐÀ ấy kim thân sanh bất diệt,
PHẬT là xá lợi hiệu vô sanh.
LỤC ra chép để người biết,
TỰ lấy mình tu ắt sẽ thành.
NIỆM PHẬT TRÌ NGŨ GIỚI
NAM thứ nhất lòng nhơn bất Sát,
Khắp chúng sanh bác ái, từ bi.
Chữ MÔ bỏ hết ái Si,
Chớ ham Dâm dục mà suy đọa hoài.
A tam thứ bỏ ngoài thâu đạo, (Trộm cắp)
Vật của người chớ háo chớ ham.
Chữ DI nên dứt nói xàm,
Bốn điều Vọng ngữ chớ găm vào lòng.
ÐÀ đệ ngũ sáng trong soi trí,
Tránh Ma men thì ý bình an.
Quy y Tam bảo vẹn toàn,
Nhớ lời PHẬT dạy rõ ràng sáu âm.
Kẻ học đạo chuyên tâm nghe rõ,
Cứ xuất gia thì tỏ ngộ ngay.
Rán lần sáu chữ từ nay.
Xét suy cạn lý ngộ rày chơn tâm.
Ngũ giới là năm giới luật căn bản
đầu tiên cho người xuất gia và tại gia. Giữ tròn năm giới sẽ dứt trừ
các nghiệp ác của thân, khẩu, ý, thiện căn thanh tịnh từ đó tiến dần
đến thọ trì các giới cao hơn như Thập giới (Thập thiện), Cụ túc giới,
Bồ tát giới để tiến đến quả Vô thượng Bồ đề.
1.- Giới không sát sanh: không được
giết hại sanh mạng loài người, thú vật cho đến cây cỏ tức là tôn trọng
tánh bình đẳng, sự công bình, nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh quả báo
xấu ác.
2.- Giới không trộm cắp: không được
lấy tài sản, sở hữu của người dù quý giá hay hèn mọn. Tóm lại những
vật gì của người ta không cho mà mình chiếm đoạt làm của riêng đều
là trộm cắp. Phạm giới trộm cắp sẽ chịu quả báo nghèo khổ, làm
súc sanh để trả nợ hoặc bị đọa vào địa ngục.
3.- Giới không tà dâm: ngoài vợ chồng
chánh thức, không nên lén lút lang chạ với người thứ ba nào khác. Phá
hoại làm nhục nhã gia can người là trái lẽ công bình; chơi bời phong
nguyệt làm cho người khinh rẽ là mất phẩm cách. Vợ chồng thầm lén tà
hạnh, thì gia đình không hạnh phúc, sự nghiệp sẽ suy vi.
4.- Giới vọng ngữ: Vọng ngữ có bốn:
nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời thô ác. Nói dối
là nói việc có không, nói phải trái, khen trước mặt chê sau lưng. Nói những
lời mâu thuẩn, thiệt giả, trong ngoài bất nhất đều là nói dối. Nói
thêu dệt là nói việc nhỏ xé ra to, trau chuốt lời nói để cho người thích,
dùng lời êm ái cám dỗ hoặc châm biếm chê bai... Nói lưỡi hai chiều là
đem chuyện của người này học với người kia, nghiêng theo đây phụ bên
kia làm cho đôi bên hiềm khích, nghi ngờ thù oán nhau... Nói lời thô ác
là mắng hét, chưởi bới, nói lời thô tục làm cho người sợ hãi, buồn
rầu và đau khổ. Phạm giới vọng ngữ sẽ khiến mọi người mất tin tưởng,
bạn bè xa lánh, làm việc thất bại, kết quả đọa vào ba đường ác,
được làm người thì phải mang các tật nguyền, bị mọi người khinh rẽ.
5.- Giới uống rượu: người uống
rượu thì say sưa mê muội, mất nhân cách, thân mang nhiều tật bệnh. Rượu
là đầu mối phạm bốn giới trên gây ra nhiều tội lỗi, nên bị các quả
báo nặng nề, chết đọa vào địa ngục.
Chư Tổ dạy: "Nếu sát sanh, sẽ
mất hết hạt giống từ bi; nếu trộm cắp, sẽ mất hết hạt giống phước
đức; nếu tàm dâm, sẽ mất hết hạt giống thanh tịnh; nếu vọng ngữ,
sẽ mất hết hạt giống chân thật; nếu uống rượu, sẽ mất hết hạt
giống trí huệ".
Dùng câu niệm Phật nhiếp tất cả,
giữ giới rèn lòng, xét lỗi mình dung lỗi người, trưởng dưỡng hạt giống
từ bi và trí tuệ. Thân, khẩu, ý thanh tịnh niệm Phật, thì niệm niệm
thanh tịnh, ba nghiệp trong sạch, sẽ san bằng những trở ngại trên con
đường tìm về quê hương của mình.
NIỆM PHẬT
THANH TỊNH LỤC CĂN
NAM về NHÃN sắc trần đều diệt,
Chớ đê mê mài miệt trần ai.
Chữ MÔ thuộc NHĨ thinh hay,
Phải đều dập tắt thanh bai bước đường.
A là TỶ mùi hương xa lánh,
Thích làm chi bịn rịn ái tình.
Chữ DI là THIỆT khiết tinh,
Vị trần chẳng mến sóng tình khỏi chao.
ÐÀ sáng suốt chiếu vào THÂN uẩn,
Ðồ vô thường đừng bận XÚC duyên.
PHẬT khuyên Ý niệm chánh chuyên,
PHÁP mầu giả dối chẳng bền chẳng lâu.
Này Phật tử thẩm sâu mấy chữ,
Cứu độ người sanh tử luân hồi.
Cố công trì niệm trau dồi,
An nhiên tự tại khỏi thời trầm luân.
Niệm câu A Di Ðà Phật được tương
ưng, tức là được sáu căn thanh tịnh:Mắt
thường nhìn Phật thì nhãn căn thanh tịnh.
Tai
nghe tiếng niệm của mình và của đại chúng thì nhĩ căn thanh tịnh.
Mũi ngửi
biết hương thơm của nhang trầm thì tỷ căn thanh tịnh.
Lưỡi
cử động để niệm Phật thì thiệt căn thanh tịnh.
Thân
ở trong đạo tràng lạy Phật thì thân căn thanh tịnh.
Trong
khi niệm, lạy, tâm thường tưởng Phật thì ý căn thanh tịnh.
NIỆM PHẬT
DIỆT THAM, SÂN, SI
NAM quyết chí dứt SÂN hối ngộ,
Ðịa ngục kìa thoát lộ siêu thăng.
MÔ lìa THAM dục tánh xằn,
Khỏi đường ngạ quỷ được thăng cảnh trời
A khá nhớ lo rời SI muội,
Cảnh Bàn sanh được khỏi tam tai.
DI khuyên dứt tánh NGHI hoài,
Khỏi làm thần bị đọa đày bấy lâu.
ÐÀ vi diệu gắn câu phước thiện,
Khỏi thân người ứng hiện tự do
PHẬT nay tạo sẵn chiếc đò
Rán chèo qua bể tới bời an vui.
Muốn được vậy chớ lui một bước,
Rán công phu không trước thì sau.
Chăm hành Hạnh, Nguyện dồi dào,
Chúng sanh độ tận bực nào lại hơn.
Chúng sanh hằng ngày nhớ nghĩ đến
những điều tội lỗi như: tham, sân, si v.v... Miệng thốt ra những lời
ác; thân thực hành những ý niệm xấu xa, đó là những ác nghiệp của
chúng sanh. Nay nếu niệm Phật, chúng ta không còn tạo những ác nghiệp nữa,
như thế niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh, niệm chúng sanh dứt
thì tam độc tham, sân, si không còn chỗ dựa nương.
NIỆM PHẬT
HÀNH LỤC ÐỘ
NAM cố gắng đem ra BỐ THÍ,
Pháp lẫn tài vô úy chớ quên.
Ðức từ mở rộng khắp miền
Nhỏ như hột cát không riêng chút lòng.
MÔ tịnh hạnh người hòng TRÌ GIỚI,
Chớ ố hoen mà phải hư hèn,
Lòng bi nào kể xuống lên,
Một câu thanh bạch cũng nên đạo mầu.
A vô lượng nhớ câu NHẪN NHỤC,
Hãy nhu hòa un đức chân nguyên.
Không màn những chuyện não phiền,
Ðớn đau tủi hổ dữ hiền cần chi.
DI tiến bước hằng khi TINH TẤN,
Chớ kêu nài mỏi cẳng mệt hơi.
Khá xem các Phật rạng ngời,
Danh truyền thiên cổ cũng thời tịnh chuyên.
ÐÀ quang đảng soi miền CHÁNH ÐỊNH,
Vẫn an nhiên thanh tịnh bình thường.
Keo sơn gắn bó luôn luôn,
Một mai giác ngộ mười phương tỏ tường.
PHẬT toàn giác khai hương BÁT NHÃ,
Ánh nguyệt quang buông tỏa chín tầng.
Rõ thông diệu lý siêu quần,
Hoàn toàn thiện ý tâm trưng Niết Bàn.
Hành Lục độ lo toan bữa bữa,
Chớ than van kéo nhựa kéo dây.
Hiểu rằng cõi Phật gần đây,
Di Ðà, Thế Chí với rày Quán Âm.
Người chơn thật niệm Phật:
Trong quên thân, ngoài quên cảnh là đại
Bố thí; không sanh lòng tham, sân, si là đại Trì giới; chẳng chấp thị
phi nhân ngã là đại Nhẫn nhục; niệm Phật không gián đọan là đại
Tinh tấn; vọng tưởng không mống khởi là đại Thiền định; không bị
các pháp làm mê hoặc là đại Trí huệ.
GIÁC TÁNH NIỆM PHẬT
NAM đắn đo định tâm nghe kỹ,
Nghĩa lý kinh huệ trí soi thông.
Ấy là ngộ đặng Nhơn ông,
Lo gì không đến thềm rồng Lạc Bang.
MÔ học hỏi cho toàn bản giác,
Nghĩa hành kinh đừng lạc tín thâm.
Nguyện hành cho thiết một tầm,
Lên đường giải thoát chơn tâm an nhàn.
A thành tựu rõ ràng kinh giác,
Ngộ tánh rồi thân pháp hiện ra,
Ba toà qua lại lại qua,
Ðã nên ba đức Liên hoa đủ màu.
DI thanh tịnh Tỳ Lư pháp ngộ,
Thân Giá Na hườn độ mười phương.
Thật là bí tạng không lường,
Di Ðà thân pháp hiện thường cõi chơn.
ÐÀ vô tận Báo thân viên mãn,
Lư Xá Na oai dạng trang nghiêm.
Khắp trong tam giới đắm chìm,
Thích Ca ứng hiện biển trầm tiêu tan.
PHẬT vô lượng Hóa thân thiên ức,
Ðủ muôn hình tùy bậc độ sanh.
Vượt lên hết lũ hàm linh,
Long Hoa Di Lặc viên minh tánh này.
Này Phật tử nhớ ngay Lục Tự,
Chỉ bấy nhiêu hãy cứ hành y.
Gắng công niệm niệm thọ trì,
Bước lên bản giác mà đi về thành.
Di Ðà Cực Lạc bên mình.
Khi niệm Phật được "Nhất tâm
bất loạn", thì các vọng tưởng hết, chơn tâm thanh tịnh hiện ra. Chơn
tâm không sanh diệt hư họai là Thường, thanh tịnh vắng lặng là Tịch,
sáng suốt vô ngại là Quang.
Chơn tâm không hoại diệt là "Phật
Vô Lượng Thọ", chơn tâm chiếu soi vô tận là "Phật Vô lượng
Quang" và đó cũng là "Thanh tịnh diệu pháp thân của Phật A Di
Ðà"
Người niệm Phật đến khi hết vọng,
nhập được chơn tâm rồi, thì Phật A Di Ðà hay cảnh Cực Lạc cũng chỉ
ở nơi tâm mình hiện ra, chứ không đâu xa. Kinh nói "Tự tánh Di Ðà,
Duy tâm Tịnh Ðộ".
TỈNH GIÁC NIỆM PHẬT
...Thân người như sắt trên đe,
Búa trời nhật nguyệt đánh đè ngày đêm.
Qua một phút chết thêm một phút,
Cứ lần đi đến lúc tắt hơi,
Ðêm ngày nào được nghỉ ngơi,
Nếu người hẹn mốt hẹn mơi là lầm.
Chết bất đắc đâu kham niệm Phật,
Già lãng tâm đạo đức sao xong.
Chi bằng trong lúc sự không,
Trì tâm niệm Phật già công tu hiền...
Muốn cầu giải thoát, phải xem niệm
Phật là điều khẩn yếu, biết được lúc nào phải thực hành ngay lúc
ấy, không nên chờ hẹn.
Ðức Phật đã từng dạy, mạng sống
của con người ngắn ngủi trong hơi thở. Vì thở ra mà không trở vào tức
là mạng người dứt, thế thì năm tháng ngày giờ, cho đến mỗi phút
giây, đều có cái chết rình rập, không hẹn chờ chúng ta; chẳng ai dám
quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu.
NIỆM PHẬT DỰ BỊ LÚC LÂM CHUNG
Gần đứt thở vững vàng trong trí,
Dũ sạch không nhớ nghĩ sự đời.
Chỉ còn lòng nhớ Phật thôi,
Cũng là được Phật đến nơi rước về.
Lòng đại độ tràn trề khắp chốn,
Sức thần thông rộng lớn vô biên.
Chúng sanh vừa mới phát nguyền,
Thì là có Phật tới liền rất nhanh.
Trong nháy mắt siêu sanh Tịnh Ðộ,
Khỏi phải cần hành khổ, dụng công.
Tức là dũ sạch bụi hồng,
Trước giây phút trút linh hồn ra đi...
Lúc lâm chung muốn được chánh niệm,
chúng ta phải nhờ sức tụng niệm ở thời gian mạnh khỏe. Chúng ta phải
chuẩn bị một hành trang đầy đủ, tức là chúng ta phải niệm Phật cho
nhiều, liên tục, chắc thiệt. Ngay từ lúc bắt đầu niệm ít và phải giữ
cho điều hòa lần tới niệm nhiều, liên tục, chắc thật trong bất cứ mọi
hoàn cảnh, mọi oai nghi, mọi thời thiết. Chỉ còn một câu niệm Phật
huân đi huân lại trong tâm, không còn nghĩ nhớ sự đời thì chắc chắc
lúc lâm chung sẽ có phần vãng sanh.
TỰ LỰC VÀ THA LỰC
Người tự độ cầu thêm Phật độ,
Như nước xuôi gặp gió thuận chiều.
Ðường về chóng biết bao nhiêu,
Gặp hai sức độ mau siêu phàm trần.
Tuy có được tinh thần bác ái,
Cũng nhớ nên tưởng vái Di Ðà.
Kỳ nầy có Phật ấy qua,
Rước về Cực lạc ngồi tòa kim liên.
Cõi ấy chẳng não phiền đau khổ,
Tuổi sống lâu vô số vô biên.
Muốn chi thì có được liền,
Thân người nào cũng bằng sen hóa thành.
Cõi ấy vốn trọn lành trọn sáng,
Cõi ấy không ai chết ai già.
Thường ngày có đức Di Ðà,
Dùng thần thông hóa hiện ra muôn hình.
Người nào cũng quanh mình đều sáng,
Ai cũng đều viên mãn thần thông.
Ðường xa muôn dặm Tây Ðông,
Nhưng đi chỉ mất độ trong phút giờ.
Người cõi ấy thường trưa mỗi bữa,
Ði cúng đường Phật ở khắp nơi.
Ði về trong buổi ngọ thời,
Người nào cũng muốn thỉnh lời Như Lai.
Nên ai cũng đồng giai Bồ Tát,
Không người nào sa lạc phàm phu.
Hạ ngươn kẻ phát tâm tu,
Cầu về Cực Lạc là đầu nhập môn.
Cõi ấy vốn người nhân thiện cả,
Ai muốn sang phải dạ lương hiền.
Cõi sen người phải như sen,
Gần bùn mà chẳng ố hoen mùi bùn...
Người tu Tịnh Ðộ, ngoài tự lực,
cần phải cầu thêm tha lực. Thế nào là tự lực và tha lực?
- Tự lực: vì sợ sanh tử mà phát
tâm tu hành, giữ giới, niệm Phật.
- Tha lực: tự biết mình yếu đuối
không phóng lên lưng ngựa nổi, mà tin rằng: "Nếu nương theo một vị
Chuyển luân vương thì có thể đi trên hư không dạo khắp thiên hạ".
Ðó là nhờ oai lực của Chuyển luân vương nên gọi là tha lực. Chúng
sanh ở cõi Ta bà khởi tâm lập hạnh niệm Phật, nguyện sanh Cực Lạc,
ấy là tự lực. Kịp khi lâm chung được đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn
đặng vãng sanh, đó là tha lực.
Dĩ nhiên, người niệm Phật phải có
cả tự lực, là sức tinh tấn niệm Phật của mình và tha lực là sự mật
hộ của Phật; không ỷ lại, giải đãi, dễ dàng yên ổn như đi thuyền,
buồm xuôi gió thuận.
QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Quán Thế Âm nghiêm trang tự tại,
Chấp tịnh bình tay sái Cam lồ.
Hóa thân khắp cõi hư vô,
Ðộ loài tam giới tam đồ vãng sanh.
Theo kinh Bi Hoa nói: Đức Quan Thế Âm
Bồ Tát, khi chưa xuất gia tu hành, có một kiếp Ngài làm con đầu lòng của
vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử (có kinh ghi là Bất Thuấn).
Ngài nghe theo lời khuyên của quan đại thần là Bảo Hải, đối trước Phật
Bảo Tạng phát các lời nguyện, xin tóm lược như sau:
...Bất Huyến Thái Tử ngẫm nghĩ hồi
lâu, rồi thưa rằng: " Nay tôi đối trước mặt Phật và đại chúng
mà tỏ lời như vầy: Tôi nguyện đem tất cả các món công đức tôi đã
từng cúng dường Tam Bảo và các món công đức tôi đã từng tu tập pháp
mầu xin hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Tôi nguyện trong khi tôi tu những điều
công hạnh Bồ Tát, làm những việc lợi ích cho chúng sanh, nếu tôi xem có
kẻ mắc sự khốn khổ hiểm nghèo ở trong hoàn cảnh ám muội, không biết
cậy nhờ ai, không biết nương dựa đâu, nếu xưng niệm danh hiệu tôi, tức
thời tôi dùng phép Thiên nhỉ lóng nghe và dùng phép Thiên nhãn quan sát coi
kẻ mắc nạn ấy ở chỗ nào, cầu khẩn việc gì, tôi hiện đến cứu độ
cho khỏi khổ và đặng vui . Nếu chẳng đặng như lời thề đó thì tôi
không thành Phật...
Thưa đức Thế Tôn! Nay tôi vì hết
thảy chúng sanh phát lòng đại nguyện, tu học về pháp xuất thế, làm
các công hạnh tự giác tự lợi, nguyện khi phụ vương tôi là Vô Tránh Niệm,
trải hằng sa kiếp nhẫn sau thành Phật, hiệu là A Di Đà Như Lai ở cõi
An Lạc thế giới, hóa độ chúng sanh xong rồi, chừng nhập Niết Bàn,
chánh pháp truyền lại, thì tôi tu hạnh làm việc Phật sự. Đến lúc
chánh pháp gần diệt, hễ diệt bữa trước thì bữa sau tôi chứng Đạo Bồ
Đề.
Xin đức Thế Tôn từ bi thọ ký cho
tôi, và tôi cũng hết lòng yêu cầu các đức Phật hiện tại ở hằng sa
thế giới trong mười phương đều thọ ký cho tôi như vậy nữa?
Đức Bảo Tạng Như Lai nghe mấy lời
nguyện ấy, liền thọ ký Bất Huyến Thái Tử rằng: "Ngươi xem xét
chúng sanh trong cõi Thiên thượng nhơn gian và trong ba đường dữ đều mắc
những sự tội báo, mà sanh lòng đại bi, muốn đoạn trừ mọi sự khổ cực,
dứt bỏ những điều phiền não và làm cho cả thảy đều đặng hưởng sự
an vui.
Vì ngươi có lòng soi xét những lời
yêu cầu của loài hữu tình trong thế gian mà cứu khổ như vậy, nên nay
Ta đặt hiệu là: "Quán Thế Âm".
Trong khi ngươi tu hạnh Bồ Tát, hằng
giáo hóa vô lượng chúng sanh thoát khỏi sự khổ não và làm đủ mọi việc
Phật sự.
Sau khi A Di Đà Như Lai nhập Niết Bàn
rồi, thì cõi Cực Lạc lại đổi tên là: "Nhứt Thiết Trân Bảo Sở
Thành Tựu", y báo càng tốt đẹp hơn trước đến bội phần..."
Trên đây theo các kinh điển đã lược
thuật sự tích, tiền thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Bài sám Quán Thế
Âm dưới đây diễn nói sự tích, tiền thân, nhân địa tu hành của Bồ
tát tại hai nơi: một ở Việt Nam tại động Hương Tích, chuyện này ở
Việt Nam ai cũng biết và động Hương Tích là đệ nhất kỳ quan của nước
Việt; hai tại biển Nam Hải, non Phổ Ðà, thuộc Trung Quốc.
SÁM QUÁN THẾ ÂM
Quán Thế Âm oai thần lồng lộng,
Khắp thế gian đều trọng danh Ngài.
Chúng sanh hết thảy ai ai,
Khi nào gặp nạn niệm Ngài liền qua.
Bởi người thế gần xa ngưỡng mộ,
Quán Thế Âm cứu khổ độ sanh.
Nếu ai có một niệm lành,
Hễ Ngài nghe tiếng ứng danh tới liền.
Dù trọng bệnh liên miên khổ cực,
Niệm danh Ngài lập tức khỏi ngay.
Bao nhiêu tai nạn hàng ngày,
Chí tâm niệm tới danh Ngài liền qua.
Vô lượng kiếpTa bà thế giới,
Ngài giáng sanh xuống cõi nhân gian.
Hóa thân công chúa Ðoan Trang,
Diệu Trang Vương ngự ngai vàng vua cha.
Diệu Thanh ấy chính là chị cả,
Sau cũng tu chứng quả Văn Thù.
Diệu Âm chị thứ cũng tu,
Phổ Hiền chứng thánh đền bù công lao.
Trọn một nhà đều vào cửa Phật,
Lòng từ bi chơn chất đáng ghi.
Tuổi trẻ chí cả ai bì,
Dốc lòng mộ đạo quyết thì đi tu.
Trọn chín năm chẳng từ lao khổ,
Mong công thành cứu độ chúng sanh.
Trì trai giữ giới tu hành,
Tại động Hương Tích, Bắc thành Việt Nam.
Một cảnh tiên mây lam che phủ,
Có cam tuyền, thạch nhũ bao quanh.
Cảnh tốt dành cho người lành,
Kim Ðồng, Ngọc Nữ ứng danh theo hầu.
Dưới bệ ngọc chia nhau sớm tối,
Chầu hai bên không lỗi đạo thầy.
Luôn luôn chơn chất thảo ngay,
Hành theo ý chí của thầy ban ra.
Quán Thế Âm danh là Tự Tại,
Khắp tam thiên qua lại dạo chơi.
Từ bi Ngài muốn độ đời,
Mười hai nguyện lớn thiệt thời cao xa.
Nguyện nào cũng đều là rốt ráo,
Chuyên tâm về chánh đạo độ tha.
Biển Nam Hải, núi Phổ Ðà,
Trụ nơi cảnh ấy cùng là Hương Sơn.
Trong một phẩm Phổ Môn thị hiện,
Ðức Thích Ca thuật chuyện khen Ngài.
Oai thần linh hiển không hai,
Tầm thanh cứu khổ chẳng nài công phu.
Nếu có kẻ muốn tu cư sĩ,
Hay cũng là tùy hỷ muốn chi.
Ngài liền ứng hiện tức thì,
Tới nơi dìu dắt cấp kỳ độ qua.
Hay có kẻ qua đò mắc nạn,
Cùng bao nhiêu tai nạn dọc đường.
Chí thành đốt nén tâm hương,
Vừa niệm danh hiệu tai ương qua liền.
Những chuyện ấy hiển nhiên đều thấy,
Ðức Như Lai truyền dạy chẳng sai.
Chúng ta chớ có quản nài,
Một lòng ngưỡng mộ cầu Ngài độ cho.
Trong khổ hải đò từ vẫn đợi,
Vớt chúng sanh đưa tới Niết bàn.
Chín tầng sen báu đài vàng,
Di Ðà thọ ký rõ ràng thảnh thơi.
ÐẠI NGUYỆN QUÁN THẾ ÂM
- LỜI
NGUYỆN:
Con
không xin vào Niết Bàn,
Mà nguyện hướng về địa ngục,
Cầu cho lửa ngục hóa sen vàng.
Con không xin vào cõi Phật,
Mà nguyện hướng về đao san,
Cầu cho gươm giáo hóa đạo tràng.
Con không xin vào Tịnh quốc,
Mà nguyện làm chiếc đò ngang,
Ngày đêm chở hết nổi trái oan.
Tâm
như đại hải,
Tâm như kiều thuyền.
Con nguyền ở lại,
Cõi Ta bà lửa ngút máu oan khiên,
Trải tình thương lót khắp nẻo ưu phiền.
Ðịa
ngục xuống lên,
Luân hồi qua lại.
Quán kỳ âm thanh con nguyền tự tại,
Xem tiếng kêu mà phiền não độ qua.
Bao giờ địa ngục còn ma,
Muỗi mòng còn khổ, Ta bà còn Quán Âm.
- DẠO
BIỂN KHỔ:
Quán
Thế Âm đâu? Ðâu Quán Thế Âm?
Quán Thế Âm đâu? Ðâu Quán ThếÂm?
Tiếng kêu cứu như trời long đất lỡ,
Tiếng kêu cứu ngất lên từ vô lượng khổ.
Ngất
lên từ xiềng gông,
Ngất lên từ vút hổ,
Ngất lên từ hầm chông,
Ngất lên từ biển lửa,
Ngất lên từ mộ không,
Ngất lên từ thịt rữa,
Ngất lên từ lặng câm...
Quán
Thế Âm đâu? Ðâu Quán Thế Âm?
Chao ôi! Ba cõi ngôi nhà lửa!
Ðâu cũng sát khí đằng đằng,
Ðâu cũng hờn giăng oán bủa,
Ðâu cũng máu xương nhầy nhụa,
Ðâu cũng hiện hình quỷ đói nhe răng,
Ðâu cũng một lòng kêu cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm!
Và Bồ
tát bỗng dưng như mắc vướng,
Giữa tứ khổ tung hoành vây tứ hướng.
Và nghẹn ngào và nức nở lệ rơi,
Và bỗng dưng ngàn mảnh hởi người ơi!
Ðầu Bồ tát vỡ rồi trong nắng xế.
Ðầu Bồ tát vỡ rồi cho nhân thế,
Trong chiều ngây gió quặn sắc màu rưng.
- CHẤP
ÐẦU:
Ðức
Di Ðà trong một phút thần ngưng,
Gom lại hết về đây trên đất Phật.
Từng ngấn lệ thương, từng niềm đau ngất,
Từng mảnh đầu gió bụi gởi mười phương.
Mảnh
này treo sườn núi,
Mảnh này chìm đại đương,
Mảnh này rơi động quỷ,
Mảnh này nhói pháp trường,
Mảnh này siêu cát bụi,
Mảnh này lịm phấn hương...
Phật
vào tam muội gom đầu lại,
Mảnh mảnh vào nhau ghép chữ thương.
Ðôi tay vô ngại, đôi mắt nhập thần,
Phép Phật thần thông, mảnh này mảnh nữa,
Mảnh
này Công chúa,
Mảnh này thầy Tăng
Mảnh này mặt rằn,
Mảnh này Thánh nữ,
Mảnh này quỷ sứ,
Mảnh này thú cầm,
Mảnh này Quán Âm,
Mảnh này Quán Âm...
Mảnh
nào cũng mảnh Quán Thế Âm!
Mảnh nào cũng mảnh thương vô lượng!
Mảnh nào cũng mảnh Ðại bi Tâm!
Mảnh nào cũng mảnh tầm thanh cứu đời!
Tung ra thế giới ba ngàn cõi,
Ngàn mắt ngàn tay chiếu một Tâm!
Nam Mô Quán Thế Âm!
|
Trên đây là bài văn
diễn nói công hạnh độ thoát chúng sanh của Bồ tát Quán Thế Âm. Lòng Từ
bi thương chúng sanh như mẹ thương nhớ con, con nhớ mẹ thì nào có ngăn cách
gì... Chúng ta niệm danh hiệu Ngài là kính trọng công đức và học theo hạnh
từ bi của ngài, chứ không phải niệm để kêu cầu van xin ân huệ, phước
lộc v.v..., điều này không bao giờ có. Thử hỏi, chúng ta van cầu xin
ngài, nhưng có bao giờ linh ứng chăng, nếu có thì đó chính là quỷ thần
nương gá để lường gạt chúng sanh. Trong đời, khi gặp việc nguy hiểm
đến thân mạng, chúng ta có khi nào thấy Bồ tát hiện thân đến giúp
chúng ta chăng? Hay là chúng ta muốn thấy Bồ tát hiện đến trước mắt
chúng ta theo các hình ảnh tôn thờ, thấy tận mắt như vậy chúng ta mới
tin ư? Ðọc kỹ lại những điều ứng hiện của Bồ tát trong Phổ môn phẩm,
chúng ta sẽ hiểu đâu là sự thật. Bồ tát là những người cũng như chúng
ta, cùng sống cùng làm, nhưng mắt phàm không thấy biết, ứng hiện tự tại
theo cơ cảm của chúng sanh. Chúng ta cũng đã từng gặp Bồ tát trong đời
mình đôi ba lần, nhưng vì oai thần của Bồ tát vi diệu nên khó biết. Hiểu
được như vậy, chúng ta nên đem hết thân tâm thành kính niệm danh hiệu
Ngài, học theo hạnh từ bi thương người mến vật, đem an vui đến mọi
người, tức chúng ta cũng là Quán Thế Âm Bồ tát vậy. Bài kệ dưới đây
diễn nói mười hai lời đại nguyện của Bồ Tát thể hiện lòng từ bi
độ tha của Ngài.
THẬP NHỊ ÐẠI NGUYỆN
Pháp thân ngồi núi Phổ Ðà,
Thân lên trên Phật, thân qua dưới đời.
Thuyền từ xông lướt biển khơi,
Tầm thanh cứu khổ, vớt người trầm luân.
-
Kính lạy đức Từ bi:
Ðạo
hiệu Viên Thông phép nhiệm mầu,
Danh xưng Tự Tại đức dầy sâu.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Lời nguyện hoằng thâm tợ biển sâu.
-
Kính lạy đức Từ bi:
Một
niệm xin dâng trước Phật đài,
Lòng không quái ngại, ý không sai.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Thường ở biển Nam tiếp độ đời.
- Kính
lạy đức Từ bi:
Ðến
cõi Ta bà chẳng quản thân,
U minh thế giới quyết năng gần.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Lóng tiếng xa xăm cứu độ trần.
- Kính
lạy đức Từ bi:
Thâu
phục tà ma rất hiển linh,
Diệt đoàn yêu quái phá dân lành.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Nguy hiểm năng trừ độ chúng sanh.
-
Kính lạy đức Từ bi:
Thanh
tịnh một bầu ngọc sáng trong,
Nhành dương tươi thắm lá buông thòng.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Cam lộ rưới cho khắp mát lòng.
-
Kính lạy đức Từ bi:
Rộng
lớn Từ Bi giữ trọn đường,
Lại cùng Hỷ Xả khắp mười phương.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Bình đẳng thường hành đạo hiển dương.
- Kính
lạy đức Từ bi:
Chẳng
quản ngày đêm sức nhọc nhằn,
Lại qua xem xét thảy không ngăn.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Thề diệt ba đường chốn chốn an.
- Kính
lạy đức Từ bi:
Mắt
hướng về Nam vọng núi cao,
Bền lòng lễ bái chí không nao.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Xiềng tỏa mở tung hết trói vào.
-
Kính lạy đức Từ bi:
Bè
phép quyết lòng lướt biển khởi,
Tay chèo tay lái dạo cùng nơi.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Vớt cả quần sanh khỏi khổ đời.
- Kính
lạy đức Từ bi:
Rợp
bóng tràng phan gió phất phơ,
Tiếp sau bửu cái tợ rừng cờ.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Dẫn đến Tây phương Phật sẵn chờ.
- Kính
lạy đức Từ bi:
Không
lượng không cùng sức sống lâu,
Trông về cảnh giới Phật nhiệm mầu.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Xin được Di Ðà thọ ký sau.
-
Kính lạy đức Từ bi:
Trước
cảnh trang nghiêm hiện pháp thân,
Dễ chi so sánh được cho cân.
Quán Âm Linh Cảm Như Lai nguyện,
Trọn nguyện mười hai chứng quả phần.
|
ÐAI THẾ CHÍ BỒ TÁT
Ðại Thế Chí pháp vương chi tử,
Tọa Liên đài một chữ tiếp sanh.
Tay cầm sen trắng thanh thanh,
Bước đi thế giới rung rinh ba ngàn.
Theo kinh Bi Hoa có nói: Đức Đại Thế
Chí khi chưa xuất gia học đạo, thì Ngài chính là con thứ hai của vua Vô
Tránh Niệm tên là Ni Ma Thái Tử.
... Ni Ma Thái Tử nghe lời khuyên của
quan đại thần Bảo Hải, liền chấp tay thưa với Phật Bảo Tạng rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi xin đem công đức cúng dường Phật và
chúng Tăng trong ba tháng, và những hạnh tu tập của tôi đã từng làm, như
là:Ba nghiệp
của thân:
- Không sát hại chúng sanh,
- Không trộm cắp của người,
- Không tà dâm.
Bốn
nghiệp của miệng:
- Không nói láo xược.
- Không nói thêu dệt.
- Không nói hai lưỡi.
- Không nói độc dữ thô tục.
Và ba
nghiệp của ý:
- Không tham nhiễm danh lợi và sắc dục.
- Không hờn giận oán cừu.
- Không si mê ám muội, cùng các món hạnh tu thanh tịnh của tôi, hồi hướng
về Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và cầu đặng một thế giới
rất trang nghiêm đẹp đẽ, như cõi Phật Biến Xuất Nhứt Thiết Công Đức
Quang Minh Sang Vương Như Lai, mà Ngài đã thọ ký cho huynh trưởng tôi đó vậy.
Khi Đức Phật ấy thành đạo, trước
hết tôi ra khuyến thỉnh Ngài nói đủ pháp Tam thừa liễu nghĩa hóa độ
chúng sanh.
Trong khi đó, tôi cũng còn tu Bồ Tát
Đạo, làm việc Phật sự, dạy dỗ mọi người và làm những sự lợi
ích cho các loài hữu tình, cầu mau đặng hoàn mãn các món công hạnh đã
thệ nguyện.
Đến chừng Phật Biến Xuất Nhứt
Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai diệt độ rồi, thì tôi sẽ
thành đạo, kế ngôi Phật truyền Chánh Pháp để hóa độ chúng sanh.
Những sự trang nghiêm đẹp đẽ trong
quốc độ tôi, cùng là thời kỳ diệt độ và kiếp sơ trụ thế của chánh
pháp tôi, đều nguyện y như công cuộc ứng hóa của Đức Biến Xuất Nhứt
Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai vậy".
Phật Bảo Tạng nghe mấy lời của Ni
Ma Thái Tử nguyện, liền thọ ký rằng: " Theo như lòng của ngươi muốn
thành tựu một thế giới rộng lớn trang nghiêm, thì qua đời vị lai, trải
hằng hà sa kiếp, người sẽ được hoàn mãn các sự cầu nguyện ấy.
Vì ngươi có lòng mong cầu một thế
giới rất đẹp rất lớn như thế, nên ta đặt hiệu cho ngươi là "Đắc
Đại Thế", tức là Đại Thế Chí Bồ Tát.
NIỆM PHẬT TƯƠNG ƯNG
Nam Mô A Di Ðà!
Người nào không biết niệm.
Tuy niệm chẳng tương ưng,
Mẹ con khó hội kiếm.
Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Ðem tâm này thúc liễm.
Mỗi niệm nối tiếp nhau,
Niệm lâu thành một phiến.
Như thế niệm Di Ðà,
Di Ðà tự nhiên hiện.
Quyết định sanh Tây phương
Trọn đời không thối chuyển.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, chương Ðại Thế
Chí Bồ Tát, Niệm Phật Viên Thông nói: "Ngài Ðại Thế Chí pháp vương
tử cùng với năm mươi hai vị Bồ tát đồng tu một pháp môn, từ chổ ngồi
đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng:
- Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có
đức Phật ra đời tên là Vô Lượng Quang, lúc ấy mười hai đức Như Lai
kế tiếp nhau thành trong một kiếp, đức Phật sau hết hiệu là Siêu Nhật
Nguyệt Quang, dạy con pháp Niệm Phật Tam Muội. Ví như có hai người, một
đàng chuyên nhớ, một đàng chuyên quên, thì hai người ấy dù gặp cũng là
không gặp; dù thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai đều nhớ nhau, hai bên
nhớ mãi, khắc sâu vào tâm niệm, thì đồng như hình với bóng, từ đời
này sang đời khác không baogiờ cách xa nhau. Thập phương Như Lai thương
tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh, thì tuy nhớ, nào
có ích gì; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không
cách xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, tưởng Phật, thì hiện tại hay
về sau, nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, thì không cần phương
tiện tâm tự khai ngộ, như người ướp hương thì thân thể có mùi thơm,
ấy gọi là hương quang trang nghiêm. Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật
vào Vô sanh nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn những người niệm Phật về cõi
Cực Lạc. Phật hỏi về viên thông, con thu nhiếp tất cả sáu căn, không
lựa chọn, tịnh niệm kế tiếp được vào Tam ma đề, đó là thứ nhất".
BỀN TÂM NIỆM PHẬT
Một ném tâm hương,
Một chí Tây phương,
Chờ lắng bên trời nghe tiếng nhạc.
Thân người dễ mất,
Pháp Phật khó nghe,
Tinh tấn khuyên lên đường giải thoát.
Niệm Phật không khó,
Khó tại bền lâu,
Khẩn nguyện cùng sanh về Cực Lạc.
Bền lâu không khó,
Khó ở nhất tâm,
Sẽ thấy hoa sen cùng lầu các.
VUI ÐỜI TỰ TẠI
Gió trăng tự tại là nhà,
Chim muông, hoa cỏ vốn là bạn thân.
Di Ðà ấy chính cha lành,
Quán Âm là mẹ ngập tràn tình thương.
Hồng danh oai đức khôn lường.
Tin sâu, Nguyện thiết, gắng thường Hạnh chuyên.
Cam lồ rưới mát tâm viên,
Ðịnh cương ý mã thúc kiền nhành dương
Từ, Bi, Hỷ, Xả hằng thường,
Ban vui cứu khổ, khiêm nhường sớt chia.
TẠI GIA NIỆM PHẬT
Một vợ, một con, một Di Ðà,
Ba cái lăng nhăng quấy rối ta.
Trừ được thứ nào hay thứ nấy,
Chừa vợ, chừa con lấy Di Ðà.
Không vợ, không con, không Di Ðà,
Không sanh, không diệt, không giảm gia.
Không dơ, không sạch cũng không đắc.
Khủng bố, não phiền, điên đảo qua.
Tây phương Tam Thánh đồng hiện tiền,
Tràng phan, bửu cái, nhạc chư Thiên.
Hóa thân rực rỡ tòa sen báu,
Bồ Tát oai nghì bất thối chuyển.
Dứt bặt muôn duyên, tinh chuyên niệm
Phật, sống đạo thanh nhàn, vui đời tự tại.
PHỤC NGUYỆN
1.- Nguyện Phật hộ trì, duyên nhiều
phước đủ, hơn tám vạn ma quân bặt dấu, cả bao nhiêu thánh trí mở
lòng. Hoa Bát nhã đơm bông, gốc Bồ đề nẩy nhánh. Sống không tai bệnh,
thác đặng khinh an, về Tây phương ngồi tòa sen vàng, chơi Bảo địa dựa
nơi lầu ngọc. Sớm tiêu trần tục, mau chứng chơn thường, hườn độ
mười phương cũng như Phật vậy.
2.- Nguyện Phật hộ trì, âm dương
hai cảnh, người còn khỏe mạnh, kẻ thác siêu sanh. Tám phương mở hội
thái bình, trăm họ vui miền Cực Lạc. Lấp ba đường ác, về một nẻo
chơn, ai nấy đều nương đặng chánh chơn, trước sau cũng chứng thành Phật
quả.
3.- Nguyện Phật hộ trì, dắt người
mê mộng, tránh đường lợi dụng, rửa bụi công danh, mộ sự tu hành, giữ
bề giới luật. Niệm niệm A Di Ðà Phật, ngày ngày dõng mãnh tinh thần,
không tham không sân, biết tà biết chánh. Ðều thoát ngoài vòng mê tín, thảy
vào trong nẻo không môn. Phước thừa lưu lại tử tôn, cõi Tịnh về theo
Phật Tổ.
Tới đây, chúng ta đã đi sâu vào
pháp môn niệm Phật, tìm ra một hướng đi cho cuộc hành trình vạn dặm về
quê hương. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta dành hết cuộc đời còn lại
để chuẩn bị hành trang hướng về. Ðừng đòi hỏi chi cao xa và cũng đừng
nói sao mà giản dị quá vậy! Xin thưa, tuy giản dị nhưng thử hỏi làm
được mấy ai? Hay lại cho đây là pháp môn dành cho ông già bà lão hủ lậu,
hoặc kẻ thiếu căn. Xin đừng lầm! Hãy xem lời tán thán của Ðại sư
Ấn Quang:Pháp
môn cao cả lợi khắp ba căn, nhân đây các cõi đồng về, mười phương
khen ngợi.
Phật nguyện rộng sâu không từ một vật, nên được ngàn kinh đều chỉ,
muôn luận tuyên bày.
Tiếc mình tài hèn sức mọn, không
dám sánh vai cùng các học giả uyên thâm, giải bày biện luận, tuyên dương
giáo nghĩa thượng thừa. Chỉ mong nương vào sức mình và sự trợ lực của
chư Phật Tổ, dùng lời thô kệch quê mùa viết bài khảo luận ngắn này
để hằng răn nhắc mình và sách tấn người đồng điệu, nếu nhận đây
làm phương tiện hành trì và mục tiêu hướng về, thì hãy nghiêng mình
xin "NHẬN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG".
NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT
Chuẩn bị hành
trang :
Biên soạn : |
VỀ QUÊ HƯƠNG
Thanh-Sơn (VA-2002) |
http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/vequehuong.htm
|
|