- Chuyện Tiền thân
- LÒNG THÀNH BỐ THÍ
THOÁT KHỎI TAI ÁCH
Trong khi trú tại tinh xá Kỳ
Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này nhằm nói lên lợi ích của
pháp cúng dường.
Chuyện kể rằng, có một gia chủ
sống ở thành Xá-vệ (Sāvatthi), sau khi nghe đức Như Lai thuyết pháp, lấy
làm hoan hỉ nên thỉnh Tăng chúng vào ngày hôm sau đến nhà mình thọ trai.
Trước cửa nhà, ông cho dựng một cái rạp lớn và trang hoàng lộng lẫy,
sau đó đến thưa đã đúng giờ. Cùng với năm trăm Tỳ-kheo, đức Thế Tôn
đi đến và ngồi lên chỗ ngồi tuyệt đẹp dành cho mình. Sau khi cúng dường
nhiều phẩm vật cho đức Phật và Tăng chúng, vị tín chủ mời hội
chúng ngày mai đến nữa để ông cúng dường. Liên tiếp bảy ngày như thế,
ông thỉnh mời hội chúng đến và cúng dường đầy đủ, rồi vào ngày
thứ bảy thì cúng dường cho chư vị những vật dụng cần thiết của một
Tỳ-kheo. Trong buổi lễ cúng dường này, vị tín chủ đã cúng dường cho
đức Thế Tôn một đôi giày đặc biệt trị giá một nghìn đồng, hai đôi
khác mỗi đôi trị giá năm trăm đồng dành cho hai đệ tử thượng thủ của
Ngài là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, hội chúng còn lại mỗi người
được cúng một đôi trị giá một trăm đồng. Sau buỗi lễ cúng dường,
ông cùng với đại chúng ngồi xuống trước đức Thế Tôn. Rồi bằng
pháp âm từ ái, đức Thế Tôn nói lời hồi hướng:
– Này tín chủ, ông cúng dường
thật rộng rãi và đầy hoan hỉ. Thuở xưa, trước khi đức Phật ra đời,
có người nhờ cúng dường cho một đức Phật Bích Chi (Pacceka) một đôi
giày mà kết quả của việc cúng dường đó là vị này đã tìm được
nơi an trú trên đại dương không có chỗ an trú. Nay ông đã cúng dường
cho toàn thể hội chúng của Phật những phẩm vật cần thiết của một Tỳ-kheo,
vậy việc cúng dường đó há không đem lại cho ông một nơi nương tựa
an ổn sao?
Rồi thuận theo lời thỉnh cầu của
vị tín chủ, đức Thế Tôn kể lại câu chuyện Tiền thân.
* * *
Thuở xưa, thành Ba-la-nại (Benares)
này có tên là Ma-lí-ni (Molini). Trong khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua trị
vì xứ này, có một Bà-la-môn rất giàu có tên là Tang-già (Sankha) đã xây
dựng sáu nhà bố thí tại sáu nơi – bốn cửa thành bốn nhà, ở giữa
thành một nhà, còn một nhà nằm ngay chính cửa ra vào của ông. Hàng
ngày, ông bố thí sáu trăm nghìn đồng cho những người hành khất một
cách rất rộng rãi.
Một hôm, ông thầm nghĩ: "Kho báu
của ta rồi sẽ có ngày khánh tận, lúc đó ta sẽ không có gì mà bố thí
nữa.
Giờ đây khi của cải vẫn còn
sung túc, ta nên cho đóng một chiếc thuyền để đi tới xứ Vàng mang châu
báu về”. Nghĩ thế, ông cho người đóng tàu và trang bị máy móc. Khi tạm
biệt vợ con, ông dặn:
– Mẹ con bà hãy lo liệu công việc
bố thí cho đến khi tôi quay trở lại.
Nói rồi, ông nắm dù, mang giày,
cùng với gia nhân hướng mặt về phía cảng và ra đi vào giữa trưa.
Lúc đó, đức Phật Bích Chi đang
thiền định trên ngọn Hương Túy sơn (Gandha-madana), thấy vị Bà-la-môn
này đang trên đường đi tìm kiếp châu báu thì nghĩ: "Vị đại sĩ này
đang đi tìm kiếm châu báu, không biết có điều chướng ngại gì trên biển
làm cản trở ông ấy hay không – chắc sẽ có. Nếu ông thấy ta, chắc chắn
ông sẽ cúng dường đôi giày và chiếc dù cho ta. Và với phước duyên
cúng dường này, về sau ông ấy sẽ tìm được nơi an trú khi tàu ông lâm
nạn trên biển. Ta sẽ giúp ông". Nghĩ thế, đức Phật Bích Chi bay qua
không trung và hạ xuống một nơi không xa vị Bà-la-môn, sau đó đi đến gặp
ông, để chân trần dẫm lên lớp cát nóng bỏng giống như lớp than hồng
đang bóc cháy trong nắng thiêu gió rát. Thấy thế, Bà-la-môn nghĩ: "Đây
là dịp tốt để ta tạo phước. Ta phải gieo hạt giống phước đức này
ngay ngày hôm nay mới được.” Lòng vô cùng hoan hỷ, ông đi nhanh đến kính
lễ đức Phật Bích Chi và thưa:
– Thưa Tôn giả, mời Ngài qua bên
kia đường và nghĩ dưới cây này một lát.
Rồi khi đức Phật Bích Chi đi đến
dưới cây, Bồ-tát phủi cát cho Ngài, trải áo của mình ra trên đất và
mời Ngài ngồi lên đó. Rồi Bồ-tát lấy nước hoa rửa chân cho Ngài và
sau đó thoa dầu thơm lên. Bồ-tát cởi đôi giày của mình ra, cẩn trọng
lau chùi sạch sẽ, tẩm nước hoa rồi dâng đôi giày cùng cây dù lên cúng
dường cho Ngài, lễ phép dặn Ngài mỗi khi đi trên đường thì phải mang
giày, che dù này lên. Để làm vui lòng Bồ-tát, đức Phật Bích Chi đã nhận
phẩm vật cúng dường này. Và khi Bồ-tát chiêm ngưỡng đức Phật Bích
Chi cho tăng thêm tín tâm, đức Phật này đã dùng thần thông bay trở lại
ngọn Hương Túy sơn. Về phía mình, Bồ-tát cảm cảm thấy vô cùng hoan hỉ,
tiến ra hải cảng và nhổ neo.Khi họ đi trên đại dương, vào ngày thứ bảy,
con tàu của họ bị thủng một lỗ và họ không thể tát cạn được nước
tràn vào. Mọi người khóc lóc thảm thiết, sợ hãi cho tính mạng của
mình. Mỗi người tự cầu nguyện vị thần linh của riêng mình. Bồ-tát
chọn một người hầu cận, thoa dầu lên mình, ăn món bơ trộn đường
cho thỏa thích rồi đưa cho người hầu cận cùng ăn. Sau đó, Ngài leo lên
cột buồm, chỉ tay về một hướng và hô lớn: "Kinh thành của chúng
ta ở đằng kia”. Quẳng đi mối sợ hãi về rùa, cá, Ngài cùng người hầu
cận của mình nhảy ra xa hơn bảy mươi thước. Mọi người đều chết cả.
Bồ-tát cùng người hầu cận của mình bắt đầu vượt qua biển cả, và
bơi liên tục như vậy suốt bảy ngày. Dù trong cảnh ngộ như vậy, Bồ-tát
vẫn giữ ngày trai giới, chỉ súc miệng bằng nước muối.
Bấy giờ, có một nữ thần tên
là Ngọc Khoa (Mani-mekhala,) được bốn vị thiên vương ra lệnh: "Nếu
có tàu bị chìm, và hoạn nạn xảy ra cho những ai đã quy y Tam bảo, những
ai có đức hạnh, hay những ai hiếu thảo với cha mẹ thì ngươi phải cứu
họ".
Để cứu độ những người như thế,
nữ thần đã an trú trên biển. Suốt bảy ngày, nữ thần không cần quan
sát, mà đến ngày thứ bảy, bà mới dùng thần nhãn nhìn khắp biển cả,
và khi quan sát như vậy đã trông thấy Bà-la-môn Tang-già đức hạnh này.
Nữ thần nghĩ: "Người này đã ở trên biển bảy ngày rồi, nếu ông
ấy chết thì mình sẽ đắc trọng tội”. Lo sợ như vậy, nữ thần tay cầm
một chiếc đĩa bằng vàng đựng đầy thiên thực, nhanh như cơn gió đi đến
chỗ Bồ-tát, trụ trên hư không và nói với Ngài:
– Thưa Bà-la-môn, đã bảy ngày rồi
ngài không ăn uống gì cả, bây giờ hãy ăn thứ này đi.
Bà-la-môn nhìn thiên nữ và đáp lời:
– Cô hãy cất thức ăn đi, tôi
đang giữ trai giới.
Người hầu đến bên cận vị
Bà-la-môn nhưng không thấy được nữ thần, chỉ nghe được tiếng nói,
nên nghĩ: "Bà-la-môn này đang nói chuyện thì thào, ta nghĩ do ông có thể
trạng yếu lại thêm bảy ngày không ăn uống gì nên giờ đau khổ và sợ
chết. Ta phải an ủi ông". Nghĩ thế, vị này đọc lên bài kệ thứ
nhất:
Thưa Bà-la-môn bậc hiền nhân
Thầy nhiều đệ tử, bậc uyên
thâm
Cớ gì giữa chốn không ai cả
Hoài công đối đáp giọng thì thầm?
Bà-la-môn nghe thế, biết rằng người
hầu của mình không nhìn thấy nữ thần, nên nói :
– Này bạn, không phải ta sợ chết
đâu mà ta đang nói chuyện với người khác đấy.
Rồi Ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Xuất hiện ánh quang chiếu sắc
vàng
Đối ta thiên thực nàng tặng ban
Sang trọng, đĩa vàng thức ăn đặt
Ta chối từ nàng, lòng hỷ hoan.
Người hầu đọc lên bài kệ
thứ ba:
Nếu ngài trông thấy kẻ diệu
kỳ
Xin một đặc ân, có ngại chi
Đứng lên, chắp tay cầu vị ấy
Hỏi rằng thần nữ hay nữ nhi.
– Nói phải đấy.
Bà-la-môn nói và hỏi thiên nữ qua
bài kệ thứ tư:
Bằng vẻ nhân từ nàng nhìn tôi
Bảo tôi nhận lấy ăn đi thôi.
Nàng là thần nữ hay nhi nữ?
Phi thường nàng hỡi, trả lời
tôi.
Nữ thần đáp:
Ta là thần nữ, lực phi thường
Đi đến chốn này, giữa đại
dương
Từ bi đầy đủ, lòng hoan hỷ
Ngài gặp đường cùng ta xót thương.
Thức ăn đồ uống chỗ nghỉ ngơi
Trông xem xe cộ bày khắp nơi
Xin làm chủ cả, Tang-già hỡi
Vì muốn cho ngài thỏa mãn thôi.
Nghe như vậy, bậc Đại sĩ nghĩ ngợi:
“Thánh nữ này ở giữa đại dương dâng cho ta thứ này thứ nọ. Tại
sao nữ thần muốn dâng cho ta những thứ đó nhỉ? Có phải do phước đức
của ta hay chỉ do năng lực riêng của mình mà nữ thần làm vậy? Được
rồi, ta sẽ hỏi cho ra lẽ". Và Ngài hỏi bằng vần kệ:
Như vậy nữ vương chính
nàng đây
Nắm quyền lễ vật tặng ban
này.
Hỡi người thon thả, vầng trán đẹp
Phước gì ta được quả như vầy?
Nữ thần nghe thế, thầm nghĩ:
Ta nghĩ vị Bà-la-môn này hỏi như vậy vì tưởng ta chẳng biết tí nào về
việc làm tốt đẹp của ngài. Vậy ta sẽ nói cho ngài hay:
Trên đường nóng bỏng, kẻ
cô thân
Kiệt sức, khát nước, đau buốt chân.
Ngài đã dừng bước dâng vật cúng
Phước đó giờ đây đạt lấy phần.
Khi nghe như thế, bậc Đại
sĩ thầm nghĩ: “Thật thế ư! Ở giữa đại dương khó vượt qua này, việc
dâng cúng đôi giày đã trở thành một phước báo lớn lao. Ôi, lành thay
khi cúng dường cho một vị Bích Chi Phật!" Nghĩ như thế, Ngài cảm thấy
vô cùng sung sướng nên ngâm lên bài kệ thứ chín:
Xin chiếc mộc thuyền đống vững
chắc Vượt biển không thấm, thuận gió băng
Xứ Ma-lí-ni, hôm nay đến
Chốn này xe cộ dùng được chăng?
Nữ thần rất hoan hỷ khi nghe những
lời này, bèn dùng thần thông hóa hiện ra một con tàu được làm bằng thất
bảo, dài gần bốn trăm thước, rộng ba trăm thước, sâu mười thước;
ba cột buồm được làm bằng ngọc châu, dây kéo bằng vàng, cánh buồm bằng
bạc, còn các mái chèo và bánh lái đều bằng vàng cả. Sau đó, nữ thần
chất đầy bảy loại châu báu lên tàu và đón lấy Bồ-tát đưa lên chiếc
tàu huy hoàng đó. Nữ thần không để tâm đến người hầu cận, tuy thế
Bồ-tát đã chia phước lành cho ông. Vị này rất sung sướng, và nữ thần
cũng đón ông đưa lên tàu. Rồi nữ thần đưa tàu về thành Ma-lí-ni, và
sau khi nhập hết tất cả châu báu vào nhà vị Bà-la-môn, nữ thần trở về
lại trú xứ của mình.
* * *
Bằng trí tuệ viên mãn, đức Thế
Tôn ngâm lên lời kệ cuối:
Nữ thần sung sướng, lòng hân
hoan
Hóa hiện tàu thần để tặng ban
Đưa Tang-già với người hầu cận
Về đến kinh đô đẹp vô vàn.
Còn vị Bà-la-môn sống quãng
đời còn lại ở nhà, không ngừng bố thí rộng rãi và giữ giới hạnh,
đến khi mạng chung, đã cùng với người hầu của mình sanh lên thiên giới,
sống chung với chư thiên.
Kết thúc pháp thoại này, đức Thế
Tôn tuyên thuyết các Thánh đế. Vào lúc kết thúc các Thánh đế, vị tín
chủ chứng được quả Dự Lưu. Rồi Thế Tôn nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, Liên Hoa Sắc
(Uppala-vaṇṇā) là nữ thần, A-nan là người hầu, còn ta chính là
Bà-la-môn Tang-già.
(Tiền thân Sankha, Số 442, dịch từ
bản tiếng Anh).
Lời bàn:
Bố thí (dāna) là một trong những
pháp tu căn bản của người đệ tử Phật. Bố thí giúp cho chúng ta bỏ
đi tâm tham lam bỏn xẻn; tăng trưởng thêm tâm bi, tâm xả; và cũng là việc
làm giúp chúng ta gieo trồng phước đức.
Trong pháp bố thí, phước đức lớn
hay nhỏ không nhất thiết tùy thuộc vào vật thí lớn hay nhỏ mà cỏn
tùy thuộc vào thái độ bố thí. Nếu bố thí với tâm thanh tịnh thì dầu
vật thí có nhỏ cũng đem lại lợi ích lớn lao. Câu chuyện Tiền thân
này cho chúng ta thấy được điều đó.
Vị tín chủ chỉ cúng dường cho
đức Phật Bích Chi một đôi giày và một cây dù, nhưng kết quả đạt
được là thoát khỏi tai ách khi tàu lâm nạn trên biển. Một đôi giày, một
cây dù không phải là vật thí lớn, nhưng tâm tưởng của vị tín chủ
khi cúng dường là vô cùng thành kính và trong sáng, và chính nhờ đó mà vị
tín chủ đạt được phước đức lớn trong việc cúng dường của mình.
Câu chuyện với một nội dung đơn
giản nhẹ nhàng nhưng qua đó ta có thể rút ra được một bài học quý
giá về cách thức thực hành bố thí, một việc làm mà có lẽ mỗi người
trong chúng ta ai cũng đã từng làm.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/
bothithoatnan.htm