Đức Phật là ai? Nếu Ngài chỉ là một
con người, sao Ngài có thể cứu độ chúng ta?
Mô tả Đức Phật là ai thì có nhiều
cách, tùy mỗi cách hiểu khác nhau. Những mô tả đó đều bắt nguồn từ lời dạy
của Ngài. Xem Đức Phật là con người lịch sử đã sống cách đây hơn 500 năm,
đã đoạn trừ mọi nhiễm ô, cấu uế trong tâm và đã phát triển viên mãn những
tiềm năng giác ngộ của Ngài là một cách mô tả. Bất cứ ai nếu làm được như
vậy đều được xem là một vị Phật, vì vậy có rất nhiều vị Phật, chứ không chỉ
có một. Một cách mô tả khác xem Đức Phật là một vị Phật đặc biệt hay một vị
Bồ tát toàn trí toàn năng thị hiện dưới hình thức con người để truyền
thông với chúng ta. Một mô tả khác nữa là xem Đức Phật hay bất cứ vị Bồ
tát giác ngộ nào đều là biểu tượng cho những phẩm tính giác ngộ sẵn có
trong chúng ta và trong tương lai, chúng ta sẽ thành Phật nếu chúng ta biết
tẩy trừ hoàn toàn tâm nhiễm ô cấu uế và phát triển viên mãn những phẩm
tính giác ngộ đó. Chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về những cách mô tả này
Đức Phật lịch sử
Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni sinh
ra làm một hoàng tử, có đời sống giàu sang, phú quý, một gia đlnh hạnh
phúc, danh tiếng và quyền lực. Ngài thấy rằng mặc dù những thứ đó đều
mang lại hạnh phúc nhưng tạm bợ và chóng vánh, chúng chưa bao giờ mang lại
hạnh phúc miên trường, vĩnh cửu. Vì vậy, Ngài từ bỏ đời sống hoàng cung để
trở thành một đạo sĩ tầm cầu chân lý. Sau sáu năm khổ hạnh ép xác, Ngài nhận
thấy sự hủy hoại thân xác quá mức như vậy không phải là cách để đạt hạnh
phúc tối hậu. Chính nhận thức đó Ngài đã ngồi dưới cây bồ đề, đi sâu vào
thiền định để tẩy sạch mọi nhận thức lầm lạc, những tâm hành bắt thiện, những
dấu vết nghiệp lực và Ngài đã khai mở hoàn toàn mọi tiềm năng giác ngộ của
mình. Sau đó, với từ bi, trí tuệ và khả năng thiện xảo Ngài đã khởi vận
Chánh pháp. Do vậy con người có thể dần dần tịnh hóa tâm mình và phát triển
những phẩm tính giác ngộ tiềm tàng trong họ.
Vì thế họ cũng có thể chứng ngộ và đạt hạnh
phúc như Ngài.
Một người bình thường như vậy làm sao cứu độ
chúng ta khỏi những phiền não, khổ đau? Chắc chắn rằng Ngài không thể giúp
chúng ta đoạn trừ phiền não như cách nhổ cây gai khỏi chân của ai đó. Ngài
cũng không thể rửa mọi nhiễm ô của chúng ta bằng nước hay rót sự chứng ngộ
của Ngài vào tâm chúng ta. Ngài có lòng từ bi bình đẳng với tẩt cả chúng
sanh và yêu thương chúng ta hơn cả chính bản thân mình, vì vậy, niềm đau
và nỗi khổ của chúng ta nếu có thể được đoạn trừ chỉ bằng một hành động
của Ngài thôi thì Ngài đã làm rồi.
Thế nhưng, khổ đau hay hạnh phúc của chúng ta
đều tùy thuộc tâm chúng ta. Nó tùy thuộc chúng ta có trách nhiệm chế ngự
những cảm xúc tiêu cực và điều phục những hành động bất thiện hay không.
Đức Phật đã chỉ ra phương pháp để thực hiện điều đó, phương pháp mà chính
Ngài đã sử dụng để chuyển hóa từ trạng thái một con người phàm phu đầy
phiền não nhiễm ô như chúng ta thành trạng thái thanh tịnh, viên mãn các
thánh hạnh hay Phật quả. Nhiệm vụ của chúng ta là phải thực tập phương
pháp đó và chuyển hóa tâm thức của chính mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã
thực hiện những gì mà chúng ta muốn làm để đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Ngài
dạy chúng ta vừa bằng chính câu chuyện đời mình vừa bằng chính giáo pháp
của mình. Ngài không thể điều phục tâm chúng ta, chỉ chúng ta mới có thể
làm được. Sự giác ngộ của chúng ta không chỉ tùy thuộc vào con đường Đức
Phật đã chỉ ra mà còn phải tùy thuộc vào nỗ lực của mình đi trên con đường
đó nữa.
Đức Phật chỉ hướng dẫn và chỉ bày cách thức tu
tập bằng chính tấm gương của Ngài, tự chúng ta phải tu tập lấy.
Đức Phật thị hiện
Cách mô tả thứ hai xem chư Phật là những Bậc
Toàn trí toàn năng thị hiện dưới hình thức con người. Chư Phật toàn trí
thấy biết mọi hiện tượng tồn tại rõ như chúng ta thấy lòng bàn tay của
mình. Các Ngài đã đạt được khả năng đó nhờ sự phát triển viên mãn tuệ giác
và từ bi. Nhưng chúng ta không thể truyền thông trực tiếp với trí toàn
giác của chư Phật, vì chúng ta thiếu tuệ giác Chư Phật vì muốn thực hiện
hạnh nguyện độ sanh nên thị hiện dưới hình thức con người để truyền thông
với chúng ta. Do vậy, chúng ta có thể xem Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một
người đã giác ngộ, thị hiện làm một hoàng tử để hóa độ chúng ta mà thôi.
Nhưng nếu Ngài đã giác ngộ, sao Ngài có thể tái
sanh? Thích Ca Mâu Ni không phải tái sanh vì nghiệp lực chi phối như bao
chúng sanh bình thường khác, vì Ngài đã đoạn tận tham ái và phiền não
nhiễm ô. Ngài xuất hiện ở đời là vì nguyện lức từ bi của mình.
Hiểu Đức Phật thị hiện có nghĩa là nhấn mạnh
tính chất tri kiến của Phật có trong con người, chứ không nhấn mạnh Đức
Phật là con người. Điều này hơi khó hiểu, vì vậy chúng ta phải nỗ lực tư
duy nhiều hơn để hiểu Đức Phật theo cách này.
Đức Phật bản thể
Cách mô tả thứ ba là xem Đức Phật mà chúng ta quy y chính là diện mạo của
hình dạng Phật tính phát triển viên mãn trong chính chúng ta. Tất cả chúng
sanh đều có khả năng thành Phật, vì chúng ta đều có bản chất tâm thanh
tịnh. Hiện tại tâm chúng ta bị che lấp bởi phiền não và nhiễm ô. Bằng sự
tu tập chuyên cần, chúng ta có thể tẩy trừ mọi nhiễm ô trong tâm chúng ta
và nuôi dưỡng những hạt giống giác ngộ mà chúng ta có. Do vậy, mỗi chúng
ta đều có thể thành Phật nếu tiến trình tịnh hóa thân tâm và quá trình
phát triển đó được thực hiện viên mãn. Đây là điểm đặc trưng duy nhất
trong Phật giáo, vì hầu hết các tôn giáo khác đều có một khoảng cách giữa
vị thần và con người. Tuy nhiên, Đức Phật nói rằng mỗi chúng sanh đều có
tiềm năng về sự tối thắng, hoàn hảo. Vấn đề chỉ là sự dấn thân của chúng
ta vào con đường tu tập và tạo ra những nguyên nhân để đạt được điều đó mà
thôi.
Khi
chúng ta quán chiếu Đức Phật hay một vị Bồ tát và nghĩ vị ấy là Đức Phật
tương lai mà chúng ta sẽ thành, chúng ta đang tưởng tượng Phật tính của
chúng ta trong hình thức phát triển hoàn thiện. Chúng ta đang nghĩ về
tương lai khi chúng ta sẽ hoàn thành con đường tịnh hóa thân tâm và viên
mãn sự phát triển. Chúng ta đang tưởng tượng tương lai
trong hiện tại và do vậy, chúng ta khẳng định lại tính chất Phật tính tồn
tại tiềm tàng trong chúng ta. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu rằng,
rốt cuộc, những gì bảo vệ chúng ta khỏi khổ đau chính là sự tu tập và đạt
chứng ngộ của chính chúng ta.
Từ
cách mô tả Đức Phật lịch sử đến Đức Phật bản thể có mức độ nhận thức khó
dần lên. Chúng ta không thể lĩnh hội chúng trong tức khắc. Điều đó đúng,
sở dĩ có nhiều cách mô tả khác nhau là vì con người có nhiều cách hiểu
khác nhau. Chúng ta không mong mọi nhận thức đều giống nhau hay hiểu mọi
thứ trong tích tắc...
(Trích
dịch từ: "I Wonder Why" của Thubtenchodron)
- Hoàng Nguyên
- Nguồn: Báo Giác
Ngộ - số 334
-
phatphap.wordpress.com
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/ducphat.htm