Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
THẾ NÀO LÀ CHÂN LÝ PHẬT GIÁO?
Thích Ngộ Thành

 

Nói đến Phật giáo chúng ta thường liên tưởng đến tư tưởng học thuyết “Bốn chân lý tuyệt đối”, “Vô thường”, “Vô ngã”, “Duyên khởi”, “Tổ hợp năm uẩn” v.v. Như vậy chân lý của Phật giáo được hiểu theo góc độ nào? Và như thế nào mới được gọi là chân lý Phật giáo? nếu chúng ta tìm đọc trong các bản kinh mà đức Phật đã nói, nhìn từ góc độ quan điểm các bản kinh đã đề cập, thì tất cả đều được xem là chân lý. Về mặt từ vựng học, thì từ “chân lý” còn có thể được gọi là “những điều đích thực”. Trong chương “Nghĩa Lý Chân Thực Của Du Già”  thuộc Du Già Hành Tông phân chia “Chân lý” thành bốn hình thái, còn gọi là “Bốn dạng chân lý đích thực”:

1.      Chân lý về mặt hình thành thế gian: ý nói đến tri kiến thường thức xác thực thuộc một dạng thế gian thường nghiệm, tự nó được phân thành hai dạng khác nhau: chân lý thứ nhất là tất cả nhận thức thuộc thế gian phi nhân loại, chân lý thứ hai là tất cả huyễn giác từ trong thói quen và tự nhiên thuộc nhân loại thế gian.

2.      Chân lý hình thành nên đạo lý: là nói đến chân lý nhận thức học thuyết, tư tưởng, nắm bắt, hiểu biết các vấn đề đạt được trong quá trình nghiên cứu tìm tòi và sáng tạo từ các Nhà khoa học, tự nó được phân chia thành bốn dạng: một là chân lý mà các Nhà khoa học đạt được do quá trình thực nghiệm. Hai là chân lý mà các Nhà triết học đạt được do quá trình tư duy. Ba là chân lý mà các Nhà thần giáo đạt được từ trong quá trình tín ngưỡng thần linh. Bốn là chân lỳ mà các hành giả tâm linh đạt được trong quá trình Thiền định.

3.      Chân lý thanh tịnh trí thuộc chướng phiền muộn: nói đến sự đạt được chân lý bởi trí tuệ giải thoát của các bậc Thánh giả, nó còn được phân thành hai dạng: một là chứng đạt được chân lý “Ngã không” của bậc Thanh Văn và Duyên Giác. Hai là chứng đạt được một phần chân lý “Pháp không” của hàng Bồ Tát.

4.      Chân lý thanh tịnh trí thuộc chướng ngại bởi tri thức: là chỉ sự chứng ngộ chân lý “Pháp không” bởi tri giác của hàng Bồ Tát, bao gồm hai dạng: một là thấy được chân lý “Pháp không” một bên của hàng Bồ Tát. Hai là nhận thấy được chân lý “Pháp không” theo con đường trung đạo.

 Qua các trạng huống chân lý nêu trên, đạo Phật tuyệt nhiên không chủ quan duy lý và võ đoán, cũng không xem nhẹ đánh giá thấp chân lý của các học thuyết khác. Đó chỉ là sự phân chia “chân lý” theo các hình thái, trạng huống, cấp độ khác nhau mà thôi, mỗi cấp độ, mỗi vai trò, mỗi vị trí đều có giá trị và sự ứng dụng như nhau, tùy vào hoàn cảnh nhất định mà có những giá trị nhất định của chính nó. Có những tôn giáo thần linh, thường tô hồng tất cả giá trị của chính mình bằng chiếc áo thần dị hoang tưởng, để các tín đồ phải phục tùng tín tin một cách bị động mù quáng.

 Đối với đạo Phật tuyệt nhiên không độc đoán như vậy. Trong nhận thức của các tín đồ Phật giáo, có thể thừa nhận bốn điều chân lý nói trên đều là “Chân lý tuyệt đối”, có chăng chỉ là sự phân chia cấp độ cao-thấp, khinh-trọng vậy.

 Trên thực tế, chân lý thường nghiệm theo quan điểm của người thế gian, là sự khảo nghiệm thông qua quá trình trải nghiệm chịu đựng, những chân lý thường nghiệm trước đây và đến hôm nay thường tạo thành những lời châm biếm. Như từ chân lý thường nghiệm của bên A đến chân lý thường nghiệm của bên B thường tạo thành những thú tranh luận, mạn đàm đúng sai. Cho đến các chân lý nhận thức do các học giả phát minh, bất luận là những phát kiến chân lý từ trong quá trình hóa nghiệm cũng tốt, từ trong thực nghiệm vật lý cũng tốt, từ trong quá trình tu tâm thiền định cũng thế v.v. tự thân có thể có một phần chân lý, nhưng chung qui lại chỉ là tạm có, hư huyễn, cục bộ, giả tạm v.v. mà không phải là sự tồn tại vĩnh hằng bất biến.

Chân lý của Phật giáo là kết quả đạt được “Ngã không” và “Pháp không”, khi đạt được “Ngã không” thì tất cả những ưu phiền, lo âu đều được phá tan, không còn hiện hữu trong tâm thức của mình. Một khi chúng ta đạt được “Pháp không”, thì tất cả những chướng ngại về mặt tri thức đều được dứt trừ. Sau khi đạt được “Ngã không”, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi vòng tuần hoàn sinh tử. Sau khi đạt được “Pháp không”, chúng ta sẽ sống an vui thường tịnh trong đời sống hiện hữu (Niết bàn). Trong kinh Kim Cang nói: không có tướng ngã (vô ngã tướng), không có sự phân biệt về người (vô nhân tướng), không có tướng chúng sanh (vô chúng sanh tướng), không có tướng thọ (vô thọ giả tướng), còn được gọi là Bốn tướng, chính là nói rõ “Ngã không”, khi nói đến phiền muộn cũng chính là Bồ đề, sinh tử cũng chính là Niết bàn (an vui tịnh tĩnh), cũng chính là nói rõ cảnh giới của “Pháp không”, chẳng phải “không” cũng chẳng phải “có”, không rơi vào hai bên của nghĩa lý huyền vi thuộc con đường trung đạo, chỉ có những người sau khi chứng đạt được “Pháp không”, mới có thể tự thân thể nghiệm được.

Chân lý tối thắng trên con đường học Phật của Phật giáo là chứng được chân lý triệt để “Nhị không”, không thuộc các pháp thế gian, cũng không thể gọi và đặt tên cho nó, cái gọi là “rời xa danh tự nói tướng, rời xa tâm theo tướng” đó chính là chân lý tuyệt đối. Trong kinh điển Phật giáo miễn cưỡng đặt tên gọi cho nó, với tên gọi là “nhất chân pháp giới” hoặc “chân như lý thể”. Tuy chân lý tuyệt đối của Phật giáo không thể có danh trạng, trái lại nó chưa từng rời xa thế gian sum la vạn tượng, mỗi sự vật trong vũ trụ bao la vạn tượng cũng đều là một bộ phận của chân lý tuyệt đối. Vì vậy, tổ thứ sáu Huệ Năng nói: “Phật pháp tại thế gian mà giác ngộ, không rời xa thế gian mà giác ngộ, nếu rời xa thế gian đi tìm sự giác ngộ (Bồ đề), giống như việc đi tìm sừng thỏ vậy” (Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch bồ đề, kháp như cầu thố giác 佛法在世间,不离世间觉,离世觅菩提,恰如求兔角), mục đích mà Phật giáo giảng nói “không” là để dứt trừ chướng ưu phiền của việc chấp có “ngã” và chướng tri thức của việc chấp có “pháp”, tự thân nó không phải phủ định vạn vật trong thế gian, mà chân lý cốt tủy của Phật giáo là ở từ “giác”, chỉ có tự giác mới có thể vượt thoát khỏi sinh tử, chỉ có tự giác mới có thể độ tất cả chúng sanh, và chỉ có thể đạt được sự giác ngộ triệt để mới có thể đạt đến quả vị Phật.

    Ngày 08 tháng 05 năm 2009

 

Thích Ngộ Thành

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/tnl_chanlypg.htm

 


Vào mạng: 10-5-2009

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang