Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Nghề đuổi quạ

 Theo qui chế nhà chùa, Sa di (danh từ gọi chung cho các chú tiểu) được chia làm hai hạng: hạng thứ nhất, tuổi từ 7 đến 12, gọi là Sa di Khu Ô; hạng thứ hai, tuổi từ 13 đến 19, gọi là Sa di Ứng Pháp. Hạng thứ hai được coi như đã thuần thục nhờ trải qua một thời gian tập sự trong chùa, phần khác vì ở trong lứa tuổi phát triển hoặc sắp trưởng thành, nên có thể giúp cho chùa nhiều việc quan trọng như tưới cây, quét dọn, lau chùi, làm việc đồng áng (nếu chùa ở vùng quê), tụng kinh, tiếp khách (khi thầy đi vắng) v.v... Chữ Ứng Pháp có thể hiểu nghĩa đen là có khả năng thích ứng, thực hiện nhiều pháp sự trong chùa. Còn hạng thứ nhất, Sa di Khu Ô, theo nghĩa đen thật đen, thì chỉ là Sa di Đuổi Quạ. Là vì ở cái tuổi quá nhỏ, các chú tiểu ở hạng này không vác nổi cái chổi cao hơn mình, không xách nổi thùng nước nặng bằng mình, không giơ nổi cây cuốc dài gấp đôi thân hình mình... Cái gì cũng không nổi, không xong, thì chỉ còn cách chia phiên các chú đuổi quạ, đuổi chim, không cho chúng ăn phá thóc lúa, đậu mè, hoa quả của vườn chùa. Công việc duy nhất và dễ nhất cho các chú hàng ngày là như vậy, cho nên gọi các chú là Sa di Khu Ô (đuổi quạ). Các thầy trụ trì khi nuôi các chú tiểu ở lứa "khu ô" biết rằng các chú không làm được việc lớn nên phải kiếm chút việc nho nhỏ nào đó mà giao cho các chú để các chú khỏi ở không. Điều đó, chẳng phải là chèn ép gì các chú—vì đuổi quạ cũng giống như chơi đùa, chẳng mệt nhọc chi hết—mà cũng là một trong những sự trau luyện của Thiền môn đó thôi. Thứ nhất, sự làm việc của các chú (dù là việc nhỏ) cũng được xem như những đóng góp vào chuyện chung của chùa để các chú khỏi mang tiếng ngồi không mà ăn cơm bá tánh. Thứ hai, cắt chia công việc cho các chú cũng là cách tập cho các chú có trách nhiệm đối với công tác mà chùa giao phó.

Cứ theo qui chế nói trên mà xét thì lẽ ra không có những chú tiểu ở tuổi từ 4 đến 6, mà nhỏ nhất cũng phải là 7 tuổi. Có lẽ hồi xưa qui chế đó được áp dụng, nghĩa là chỉ nhận cho xuất gia những chú từ 7 tuổi trở lên. Còn thời nay, người ta thấy ở nhiều chùa sự có mặt của các chú tiểu ở lứa dưới 7 tuổi. Điển hình là chú Hiếu ở chùa Phước Tân. Chú Hiếu mới có 5 tuổi thôi. Như vậy, lý ra chú chưa đủ tiêu chuẩn để được xếp vào hạng Sa di Đuổi Quạ nữa. Nhưng thầy trụ trì cũng đã cắt việc cho chú, coi chú như là hàng Sa di Đuổi Quạ chính thức vậy. Có lẽ vì chùa cũng thiếu người làm công việc đuổi quạ nên thầy mới phải dành công việc đó cho chú. Được giao công việc, chú thích lắm. Chú cảm thấy mình được "lớn", có khả năng làm việc. Công việc của chú, trước đây do chú Hân đảm trách. Nhưng chú Hân bây giờ đã được 13 tuổi rồ —đã qua khỏi cái tuổi Đuổi Quạ rồi—vì thế, chú Hiếu được "bổ nhiệm" sớm.

Chuyện đi tu của chú Hiếu cũng là một đề tài khá ly kỳ. Cha mẹ chú kể rằng từ hồi mới biết ăn, chú đã không ăn được cá thịt, cứ đòi ăn rau cải quanh năm suốt tháng. Nhiều lúc sợ chú bị thiếu dinh dưỡng, cha mẹ chú nghiền thịt hay cá để nấu chung với rau cho chú. Vậy mà chú cũng biết, bỏ ăn; có khi lỡ ăn thì ói thốc ra hết, không chịu được mùi tanh cá thịt. Cho đến tháng chạp năm ngoái, khi theo cha mẹ đến chùa, thấy chú Hân ngồi học kinh dưới gốc cây, chú Hiếu bèn nẩy ý xin đi tu. Chú xin nằng nặc đến độ giận lẫy, bỏ ăn, không tắm rửa, đủ thứ chuyện. Cuối cùng cha mẹ đành phải chịu thua, mang chú lên chùa.

Chùa Phước Tân là một chùa ở thôn quê. Cái tên của chùa, thầy trụ trì nói rằng nó chẳng mang chút Thiền vị nào hết mà chỉ có ý nghĩa gắn bó với ngôi làng nhỏ này mà thôi—chùa Phước Tân của làng Phước Tân. Và vì là chùa làng, mọi sinh hoạt đều mang tính cách của làng xã địa phương. Dân trong làng làm ruộng làm vườn thì chùa cũng có ruộng có vườn để canh tác hàng ngày. Chùa có cả thảy sáu người: thầy trụ trì, thầy tri sự, chú Hân, hai dì vải già dưới bếp và chú Hiếu. Hàng ngày, thầy trụ trì và thầy tri sự cùng vác cuốc ra ruộng. Lúa cấy xong, hai thầy vác cuốc ra vườn trồng rau, đậu. Ruộng vườn của chùa nhiều lắm nên hết khoảnh ruộng này lại xoay qua miếng đất khác, chẳng biết lúc nào hai thầy mới nghỉ việc được ngoại trừ các ngày Tết, ngày lễ vía, hoặc ngày rằm, mùng một. Chú Hân cũng đi theo hai thầy từ khi có chú Hiếu đảm trách việc đuổi quạ. Nhưng chú Hân chẳng làm được gì ngoài ruộng vườn trừ việc đem nước uống hoặc đem "bữa lỡ" (bữa ăn xách ra tận ngoài ruộng để ăn qua loa mà làm việc tiếp) cho hai thầy. Có khi chú giúp các thầy trĩa đậu, trồng rau lang, những việc tương đối dễ dàng và không cần phải dùng nhiều sức. Buổi sáng sớm sau khóa lễ khuya, chú Hân mang chổi ra quét sân, rồi vào quét Tổ đường trong khi thầy trụ trì quét dọn chánh điện còn thầy tri sự thì tưới các chậu kiễng. Hai dì vải già dưới bếp thì nấu ăn, quét dọn quanh bếp và vườn sau. Hai dì cũng lo việc xắc khoai lang khoai mì để phơi khô, có khi các dì phơi lúa, phơi đậu ở mảnh sân xi măng bên hông chánh điện. Ai cũng có nhiều việc để làm trong ngày. Duy có chú Hiếu là rảnh rang nhất, chỉ làm mỗi công việc đuổi quạ mà thôi.

Công việc của chú chỉ bắt đầu khi nào hai dì vải khiêng bao bắp hay lúa ra sân, trút ra phơi khi nắng bắt đầu rọi đến khoảnh sân đó. Chiều, khi trời sắp tắt nắng, hai dì vải ra sân hốt lúa vào bao là chú hết trách nhiệm. Ai cũng cho rằng việc đuổi quạ là việc nhàn rỗi, dễ nhất. Ban đầu chú Hiếu cũng nghĩ vậy. Nhưng khi bắt tay vào việc rồi, chú mới thấy rằng nó không đơn giản. Trước đây, khi chú Hân còn làm việc đuổi quạ, cứ mỗi lúc ngồi trông coi đồ phơi thì mang kinh ra học, có khi đem giấy bút ra tập viết chữ Hán nữa. Còn chú Hiếu chưa biết chữ, chẳng biết phải học hay làm gì cho đỡ chán suốt thời gian ngồi trông coi bắp đậu. Ngoài ra, chú Hân có cái thanh quản rất tốt, nói năng lớn tiếng như ễnh ương kêu. Khi nào thấy có chim đến phá, chú Hân chỉ la lên một tiếng là chim bay hết. Còn chú Hiếu, giọng nhỏ xíu như con gà con mới chui ra khỏi trứng, hét mãi mà chim cứ nhảy qua nhảy lại, tung tăng mà mổ. Nội hai chuyện đó không đã thấy rằng việc đuổi chim quạ của chú Hiếu đã không phải là đơn giản rồi. Rất chán! Chán quá không biết làm gì, chú đâm ra buồn ngủ. Chú ngồi dựa vào cây tùng, ngủ rất ngon. Chim chóc tha hồ đáp xuống mà ăn bắp, ăn lúa. Hao của chùa quá. Chỉ có hai dì vải mới biết chuyện hao hụt đó. "Chẳng phải lúa bắp teo khô lại mà thấy ít đi đâu! Tại chim ăn nhiều quá đó," hai dì vải nói với thầy tri sự như vậy khi thầy giúp hai dì vác các bao lúa vào kho. Thầy tri sự tuổi trẻ mà tẩn mẩn, chăm chút từng thứ li ti. Có lẽ thầy trụ trì giao cho thầy làm chức tri sự cũng vì biết cái tính ý tỉ mỉ của thầy. Thầy tri sự không muốn làm rơi rớt bất cứ hột thóc nào. Hẳn nhiên là ở chùa xưa nay ai cũng học bài học vỡ lòng là phải biết trân quý hạt cơm như hạt ngọc, do công lao khó nhọc của người nông phu làm nên. Nhưng trân quý đến cỡ thầy tri sự này thì chữ "cơm chùa" sẽ không còn ý nghĩa nữa. Cũng bởi thầy tri sự quá trân quý vật sản của chùa, dù là do bẩm tánh hay do tinh thần trách nhiệm, thầy không thể tha thứ cho chú Hiếu được.

"Chú Hiếu lại biểu," thầy tri sự nghiêm giọng gọi.

Chú Hiếu rón rén bước đến gần thầy, tay vân vê chéo áo vạt hò nâu, chưa biết chuyện gì mà trông như đã muốn khóc.

"Hôm nay chú làm gì ở chùa?"

"Dạ... dạ đuổi quạ."

"Có con quạ nào không?"

"Dạ không, con không biết con quạ."

"Con quạ cũng giống con chim, nhưng nó lớn hơn, màu đen. Mỏ nó hơi dài như vầy," ngưng một lúc thầy tiếp, "không biết, không thấy con quạ nào nên chú chẳng làm gì hết hả? Dì Bảy nói chú ngồi ngủ mà, phải không?"

"Dạ đâu có."

"Vậy chớ chú làm gì mà lúa mất đi đâu muốn hết?"

"Dạ... có mấy con chim nhỏ nhỏ như vầy nè, tụi nó ăn đó."

"Sao chú không đuổi chớ!"

"Dạ... con đuổi nó hổng chịu bay. Với lại... đâu phải quạ đâu mà đuổi."

"Phật Tổ ơi! Quạ hay chim gì cũng đuổi hết, nhớ chưa? Còn đuổi thì nó phải bay chớ. Chắc chú ngồi một chỗ rồi xì xì mấy tiếng có lệ thôi nên chúng không sợ chớ gì! Chú đuổi sao làm lại tui coi thử coi."

Chú Hiếu ngập ngừng một lúc rồi vung hai tay lên la: "Huớ... huớ!" Thầy tri sự bật cười, rồi nhăn mặt than:

"Trời thần ơi! Đuổi như vậy làm sao nó sợ chớ! Huớ huớ gì như thằn lằn chặc lưỡi vậy trời!"

Thầy trụ trì nghe được câu chuyện, bước ra vừa cười vừa nói:

"Kiếm cho chú một cái thùng thiếc nhỏ với hai cái dùi. Khi nào chim chóc tới thì cứ gõ rân trời lên là chúng hoảng kinh bay hết chứ lo gì. Giọng chú ấy đâu có lớn được như giọng chú Hân, mà la hét suốt ngày cũng khan cổ chết, ai mà chịu nổi."

Thầy tri sự dù sao cũng là hàng đệ tử nên nghe thầy trụ trì nói vậy cũng không bàn cãi gì thêm, liền đi tìm một cái thùng thiếc cho chú Hiếu. Chú đứng lại đó như trời trồng, chẳng dám bước đi đâu. Thầy trụ trì thấy thương, gọi chú lại:

"Con làm việc có mệt không?"

"Dạ không."

"Có chán không?"

"Dạ... không chán."

"Không chán? Thiệt không nè? Xuất gia không được nói dối. Thầy hỏi lại, đuổi chim quạ có chán không?"

"Dạ... chán."

"Phải vậy chứ! Chán chứ sao không! Con chưa học nghề mà bắt đi làm thì sao không chán được. Ở chùa, việc nào cũng có ý nghĩa riêng của nó, cho nên việc nào cũng phải học hết. Ngồi xuống đây, thầy dạy con cách đuổi quạ. A, có thùng thiếc đến cho con rồi kìa. Tốt lắm. Lại có hai cái dùi đẹp như vầy, sướng quá! Lại đây."

Chú Hiếu bước đến gần thầy trụ trì. Thầy tri sự cũng đứng một bên để lắng nghe thầy trụ trì dạy chú cách đuổi quạ. Thầy trụ trì nói với thầy tri sự:

"Cái thùng thiếc này tốt lắm rồi, nhưng nếu chú ấy phải mang đi bằng hai tay thì không còn tay đâu mà gõ. Cho nên, thầy hãy đục hai lỗ ở hai bên miệng thùng, mắc vào đây một sợi dây cho chú đeo trước bụng."

Thầy tri sự cười dòn một tràng, mang thùng thiếc đi ngay. Một chốc sau là thầy ấy đã mang cái thùng thiếc với sợi dây làm quai, trở lại. Chú Hân cũng theo thầy tri sự đến nghe thầy trụ trì dạy. Thầy trụ trì tròng dây vào cổ mình, sửa cho thùng thiếc nằm ngay ngắn trước ngực. Ai cũng cười. Chú Hiếu chẳng dám cười, ngó thầy trụ trì lom lom ý chừng không muốn bỏ sót động tác đuổi quạ nào mà thầy dạy cho. Thầy vừa gõ thùng vừa nói:

"Đuổi quạ cũng như quét rác. Quét rác là quét cho sạch những phiền não (thầy ngưng một lúc để tìm chữ dễ hiểu cho chú Hiếu), tức là những cái tánh xấu ác của mình, thì đuổi quạ cũng có nghĩa là đuổi đi những thứ tầm bậy tầm bạ phá hoại đời sống tu hành của mình. Cái gì là tầm bậy tầm bạ, biết không? Là ham ăn, ham ngủ, ham chơi, lười biếng học hành, lười biếng kinh kệ, ganh tị, ghen ghét, sân si, ác độc... (tùng tùng) Nói tóm lại là đủ thứ xấu xa của mình (tùng tùng). Người tu là một chiến sĩ anh dũng, xông ra trận, chiến đấu với các thứ ma quỷ dơ nhớp xấu xa, đuổi cho chúng chạy, đánh cho chúng tan, không chịu thua một thứ phiền não nào hết. Quạ đâu, chim đâu! Tụi bây là ma vương, là phiền não đến đây quấy phá chùa chiền phải không? (tùng tùng! tùng tùng!) Có ta đây! Ta đuổi bây! Mau chạy, mau bay! Đừng xớ rớ đến vườn chùa thanh tịnh của ta nữa! Bay đi, bay đi! (tùng tùng! tùng tùng!)."

Thầy tri sự bụm miệng cười. Chú Hân cũng cười ngặt nghẽo. Thầy trụ trì ngó chú Hiếu, hỏi:

"Sao, con đã học được cách đuổi quạ chưa?"

"Dạ chưa... dài quá con không nhớ hết!"

"Ai bắt con học những gì thầy nói đâu mà dài với ngắn! Khi thấy chim quạ tới, con chỉ việc chạy u đến, vừa chạy vừa gõ thùng là được rồi, đâu cần phải nói hay đọc cái gì!"

Mắt chú Hiếu sáng rỡ lên, chú nói:

"Dạ, vậy thầy để con làm thử coi."

Nói rồi chú đón cái thùng thiếc từ thầy, tự tròng dây vào cổ mình. Vừa chạy chú vừa gõ "tùng, tùng" một cách khoái chí. Chú chạy riết tới bãi phơi lúa. Chú Hân phân bì:

"Bạch thầy, hồi trước con đuổi quạ thầy đâu có dạy con như vậy."

Thầy trầm ngâm một lúc:

"Mỗi người có một tính nết, một căn cơ riêng. Con sẽ giống như thầy tri sự. Lau chùi, quét dọn, giữ gìn cho sạch đất chùa, tích chứa công đức, không để sơ tán, làm gương mẫu giới hạnh cho đồ chúng mai sau."

Chú Hân nghe thầy dạy như vậy có vẻ thích ý lắm, tin tưởng tương lai của mình sẽ vững vàng suông sẻ như đường đi của thầy tri sự. Chú hỏi:

"Chú Hiếu không phải vậy hở, bạch thầy?"

"Không," thầy chỉ nói vậy.

Lúc này chú Hiếu đã trở lại với mặt mày sáng rỡ. Thầy nói với chú trước khi trở vào phương trượng:

"Mỗi ngày khi làm việc đuổi quạ, con hãy nghĩ rằng con là một anh hùng, một chiến sĩ, chiến đấu với những điều xấu xa ác độc của cuộc đời. Nhớ chưa? Vũ khí của con là cái thùng thiếc đó. Gióng nó lên để đuổi giặc như là hồi xưa đức Phật nói giáo lý trung đạo để phá tà ma ngoại đạo vậy. Không hiểu hả? Thôi, đại khái là phải hết sức chiến đấu không chịu thua bao giờ hết. Được chưa? Hiểu chưa?"

"Dạ, hiểu," chú Hiếu đáp nhanh, tay không quên gõ "tùng tùng".

*

Kể từ hôm được trao "vũ khí" và bài học "chiến đấu", chú Hiếu đã thấy hăng hái hơn nhiều. Chú không còn thấy chán và buồn ngủ nữa. Buổi sáng không đợi dì vải kêu nhắc, chú đã túc trực sẵn ở sân phơi lúa với cái thùng thiếc đeo trước ngực. Chim chóc chỉ mới đậu trên cây chưa kịp sà xuống sân là chú đã gõ thùng xua đuổi. Vừa gõ vừa chạy xấn tới, hăng say như lính cảm tử. Chỉ một thời gian ngắn chừng vài ba tháng, chim chóc đã có vẻ như hết dám bén mảng đến sân phơi. Chúng chỉ tập trung trên các cành cây xa thật xa ở ven rào của chùa để chờ cơ hội thuận tiện. Nhưng chú Hiếu đã không cho chúng một cơ hội thuận tiện nào để ăn lúa bắp trên sân phơi nữa. Chú không những là một chiến sĩ anh dũng, mà còn là một chiến sĩ siêng năng, tinh tấn, biết trách nhiệm nữa. Dần dần, chú rút được những kinh nghiệm trong nghề đuổi quạ của mình khiến chú có thể thong thả, ít cực nhọc hơn, không cần phải dùng sức nhiều quá, không cần phải làm "cảm tử", không cần phải quá siêng năng như lúc đầu nữa. Chẳng hạn khi cần phải đi tiểu tiện hay đại tiện, chú không phải kêu gào nhờ dì vải trông coi thay mình: chú cởi áo ra, máng trên một nhánh cây trong chậu kiễng gần sân phơi nhất; cái thùng thiếc cũng được treo lên, lủng lẳng bên cạnh cái áo. Cành mềm làm cho cái áo và cái thùng đu đưa đu đưa y như chú hãy còn đứng đó vậy. Cho nên, chim chóc cũng chẳng dám đến. Lúc đầu, chú chưa dám thực hiện cái mẹo đó vội. Chú treo áo treo thùng lên cành cây xong, chạy vào nhà kho gần đó núp đợi. Thấy thật lâu mà vẫn không có con chim nào dám đáp xuống, chú mới yên tâm áp dụng. Bây giờ thì chú ăn chắc kết quả của mưu mẹo đó rồi. Muốn đi đâu, chú cứ việc treo áo treo thùng lên rồi đi. Quen rồi, sáng kiến càng nẩy ra nhiều hơn. Chẳng hạn, thay vì phải cởi áo mình ra, chú lấy cái áo cũ rách đã bỏ của thầy tri sự, treo lên; thay vì cứ ngồi mãi bên sân phơi mà không thấy quân thù nào xuất hiện, chú ra vườn sau hì hục làm sào để thọc ổi xuống mà ăn; thay vì cứ chăm chăm nhìn ngó bóng chim, chú nằm đại xuống bậc thềm bước lên chánh điện mà ngủ ngon lành. Hai thầy và chú Hân ra đồng, có khi chiều tối mới về; có khi về vào giấc trưa để thọ trai và nghỉ ngơi đâu chừng một tiếng rồi đi lại. Như vậy, chú có ngủ lén một hai giờ đồng hồ cũng chẳng ai hay. Hai dì vải thì cứ lui cui làm việc dưới bếp, có rảnh rỗi đâu mà kiểm soát công việc của chú. Chú nằm chèo queo nơi bậc thềm, ngủ dưới làn gió mát hây hây dễ chịu từ ruộng đồng thổi vào. Lâu lâu giật mình thức dậy, chú vói tay lấy hai cái dùi gõ vào thùng một tràng rôm rả, rồi ngủ tiếp. Ấy vậy mà chim chóc cũng không dám đến. Có lẽ chúng đã thực tình sợ hãi và tránh xa vườn chùa dưới sự canh gác gắt gao nghiêm nhặt của "chiến sĩ đuổi quạ" này rồi.

Cho đến trưa hôm nay, đang khi ngon giấc bên hiên chùa, chú bỗng nghe tiếng kêu của một giống chim lạ. Tiếng kêu lạ và lớn đến nỗi chú phải vùng thức dậy, dụi mắt, dáo dác nhìn quanh. Chú không thấy con chim đó đâu. Có lẽ nó đang đậu trên một cây cao nào đó gần sân phơi. Chú nhìn quanh sân. Hôm nay chùa phơi một món rất đặc biệt: đậu phụng. Món đậu phụng này rất đắt tiền, đắt hơn lúa bắp, có thể đem ép dầu và làm món muối đậu, ăn rất ngon miệng cho bữa cơm chay. Vì vậy, thầy tri sự dặn chú phải trông coi cho kỹ. Thầy dặn thì dặn, chú thấy chẳng có gì thay đổi trong công việc của chú. Lúa hay bắp cũng gõ tùng tùng, mà đậu phụng thì cũng gõ tùng tùng thôi, có gì khác đâu. Khác chăng là khi phơi lúa bắp, chú không hề đụng chạm gì đến những thứ đó. Còn đậu phụng thì trước khi đánh giấc, chú đã ních cho một bụng đã đời rồi. Cái thứ đậu này quỷ thật! Chú đâu có ý ăn chi cho nhiều, vậy mà cứ lột, cứ bóc vỏ, hết trái đậu này đến trái đậu khác. Dòn dòn, ngọt ngọt, béo! Ăn xong, đem vỏ đi ném tận bờ rào. Trở vô, lại muốn ăn, rồi lại đem vỏ đi vứt thật xa nữa. Thật là phiền quá, mất công quá! Vậy mà cứ ăn. Bây giờ, ngồi sật sừ chưa tỉnh hẳn, chú vừa suy nghĩ chuyện đậu phụng, vừa thắc mắc không biết con chim gì đó có thực không hay là chỉ có trong giấc mộng của chú. Đang vật vờ muốn thiu thiu ngủ trở lại, chú bỗng nghe tiếng con chim đó kêu lần nữa: "Ku...ạ! Ku...ạ!" Chú đứng hẳn dậy, tay che trán, nhướng mắt nhìn lên cây bồ đề, chỗ phát ra tiếng kêu. Chú thấy rõ ràng một con chim lớn hơn con chim sẻ rất nhiều, mỏ nó dài và hơi cong, lông nó đen mun, dễ sợ. Chú thấy ớn lạnh trong người. Con chim có cái vẻ gì rùng rợn ma quái lắm. Chú nhớ lại lời mô tả của thầy tri sự. "A, đúng rồi! Đây là con quạ! Chết rồi, làm sao đây?" Chú run. Chú sợ. Chú nép vào mé tường rồi len lén rút ra, nấp sau chậu kiễng, nơi chú treo cái áo rách và cái thùng thiếc. Chú nhìn lên cành cây xem con quạ có thấy chú không. Nó thấy. Nó nhìn chú. Nó theo dõi chú. Chú sợ quá, không dám động đậy. Chú ngồi yên sau chậu kiễng, len lén ngước mắt lên nhìn nó.

"Ku...ạ! Ku...ạ!" con quạ lại kêu lên những tiếng ghê rợn. Rồi bỗng chốc, hai con quạ khác từ đâu bay ào tới. Ba con cùng đậu trên một cây, lúc lắc đầu cổ như nói với nhau điều gì. Rồi cả ba con cùng cúi đầu ngó xuống chỗ chú nấp. Chú xanh mặt, đổ mồ hôi, run lên, rồi chú vụt bỏ chạy. Chú chạy bán mạng vào Tổ đường, chui xuống dưới bàn thờ, ngồi thở dốc. Ba con quạ thấy chú vùng dậy thì giật mình tính bay đi nhưng nhìn lại thấy chú chạy xa, bèn hớn hở rủ nhau sà xuống ăn đậu phụng. Ăn thoải mái. Ăn tại chỗ, khỏi cần phải tha đi đâu.

Dưới bàn thờ Tổ, chú hãy còn run cầm cập. Chú không ngờ con quạ lại có cái vẻ hiểm ác, dữ tợn như vậy. Chú suy tính cách chống trả lại nó. Trốn như vầy lỡ các thầy về biết được thì chết. Chú ăn đậu phụng hồi sáng đã hao lắm rồi, bây giờ để cho quạ ăn thì còn hao nhiều nữa. Quạ mà đáp xuống ăn tỉnh bơ thì những con chim nhát cáy mọi hôm cũng sẽ rủ nhau ùa xuống cho xem. Chú thấp thỏm ngồi không yên, định mò ra lại thì nghe tiếng chân chạy rần rật ngoài sân, rồi nghe tiếng chú Hân hét lên nữa:

"Huớ! huớ! Xịt! xịt! Chú Hiếu đâu! Sao để chim quạ xuống cả bầy cả đàn vậy trời!"

Thấy có chú Hân tiếp cứu chú mừng quá vụt chạy ra:

"Tui đây nè! Mới chạy ra sau chút xíu à!"

"Xạo! Tui đi từ xa nhìn vào thấy chú bỏ chạy rõ ràng!"

"Đâu có!"

"Thôi đừng có cãi. Nói tui nghe, sao chú bỏ chạy? Chú sợ cái gì?"

"Đâu có sợ cái gì đâu?"

"Chút nữa tui mét thầy tri sự cho coi."

"Đừng có mét mà, năn nỉ chú đó."

"Vậy chú nói nghe, chú sợ cái gì mà bỏ chạy?"

Ngập ngừng một hồi, chú đáp:

"Con quạ đó."

"Mô Phật! Người mà sợ quạ! Đời thuở nào có cái chuyện này nè trời! Sợ cái gì chớ. Thùng của chú đâu sao không gõ?"

"Kia kìa."

"Sao không đeo vô người mà treo trên đó?"

Chú không trả lời, đứng phụng phịu, vịn cành cây rồi vân vê vạt áo. Chú Hân thấy tội nghiệp bèn đổi giọng:

"Thôi đừng sợ nữa, tui không mét thầy đâu. Còn cái thứ quạ quỷ quái đó lần sau có thấy chú lượm cục đá chọi nó một cái là xong, có gì đâu mà sợ chớ!"

"Lỡ không trúng nó thì sao?"

"Đâu có cần phải trúng. Chọi gần gần nó thôi là nó hoảng kinh bay tuốt hết rồi chớ lo gì!"

"Lỡ trúng nó thì sao?"

"Trúng nó? Thôi chú à, tui đứng đây chú chọi thử coi trúng không mà đòi chọi trúng con quạ biết bay. Làm như chú chọi giỏi lắm vậy. Lo cái chuyện gì đâu. Hao đậu của chùa không lo! Đeo thùng vô đi. Lượm sẵn mấy cục đá để một bên. Ném hết đá thì đi lượm lại. Không có đá thì cứ chạy xấn tới, cầm hai cái dùi của chú quơ quơ lên là chúng bay hết. Quạ cũng giống như chim chứ khác gì đâu. Nó nhỏ xíu như vậy mà cũng sợ!"

Nói rồi chú Hân xuống nhà bếp lo bới xách cơm trưa ra ruộng cho các thầy. Còn lại một mình, chú Hiếu lững thững đi lượm vài cục đá trong sân. Chú thấy phục chú Hân hết sức. Nhờ chú Hân mà chú lấy lại được tự tin. Quyết chiến đấu anh dũng trở lại chứ không để mất nhuệ khí như khi nãy.

Khi chú Hân trở ra, chú Hiếu níu tay chú Hân lại nói:

"Cám ơn chú bày tui đuổi quạ. Chú nhớ đừng mét hai thầy nghe."

"Không mét đâu ông Sa di Đuổi Quạ à! Ủa quên, ông Sa di Quạ Đuổi chớ, ha ha, Sa di Quạ Đuổi," vừa nói vừa cười, chú Hân đi tuốt.

Chú Hiếu ngồi lại nơi sân, thấy nhột nhạt, quê quê. Chú lượm cục đá ném mạnh lên cây bồ đề, nhưng cục đá lại bay ra sau lưng chú, trúng vào vách chánh điện nghe "bụp" một tiếng. Chú giật mình, quên mất rằng từ nhỏ tới giờ chú chưa hề lấy đá chọi ai. Bây giờ phải tập. Vậy là nghề đuổi quạ cũng cần phải biết thêm chuyện chọi đá nữa.

Chiều hai thầy và chú Hân về, chú Hiếu len lén lủi đi chỗ khác, tránh mặt họ. Dù chú Hân hứa là không mét chuyện hồi trưa, chú Hiếu vẫn cứ sợ. Chú không biết chắc là chú Hân có giữ lời hay không. Thực ra tính ý chú Hân cũng bất thường lắm. Nội chuyện đái dầm của chú Hiếu không là đủ biết chú Hân chẳng quan tâm gì chuyện giữ lời hứa. Chú Hân hứa không nói thầy nghe, vậy rồi thầy nào cũng biết chú Hiếu đái dầm. Cả hai dì vải cũng biết nữa. Cũng may là thầy trụ trì thương nói vớt cho chú rằng lúc thầy mười hai tuổi thầy vẫn còn đái dầm mỗi tuần hai ba lần.

Thấy chú Hân ra giếng, chú Hiếu chạy ra theo:

"Chú Hân, chú có mét hai thầy không vậy?"

"Không. Không nói gì hết. Yên tâm chưa ông Sa di Quạ Đuổi?"

"Chú đừng kêu tui như vậy nữa mà. Kêu như vậy cũng giống như mét thầy rồi."

"Nhiều chuyện quá! Vào trong đi."

"Chú hứa đi, hứa đừng mét đừng nói Quạ Đuổi nữa đi!"

Chú Hân bỗng nổi quạu lên:

"Phiền quá hà! Bắt tui hứa nữa! Sợ cái gì chớ!" chú Hân to tiếng lên, cố tình la thật to, "bị quạ đuổi thì nói là quạ đuổi chứ sợ gì chớ hở Sa di Quạ Đuổi! Sa di Quạ Đuổ...i!"

Biết bịt miệng chú Hân không được, chú Hiếu ôm đầu ôm cổ vùng chạy về phòng mình, ngồi ôm gối khóc thút thít. Tức chú Hân quá sức. Khóc chưa hả cơn bỗng thấy thầy trụ trì bước vào phòng. Chú khóc òa ra. Chú biết thầy trụ trì xuống dỗ dành chú chứ không phải xuống để la rầy đâu. Quả vậy, thầy ngồi bên cạnh chú, vuốt cái chóp nhỏ xíu của chú, an ủi:

"Đừng khóc như vậy mất hết tinh thần chiến đấu bây giờ. Hồi nhỏ thầy cũng như con vậy thôi. Lúc đó chùa có nuôi con gà trống để nó gáy mỗi khuya mà thức dậy tụng kinh. Con gà đó to lắm, dữ dằn lắm. Chùa phơi bắp, thầy ngồi coi. Thấy con gà tới là thầy bỏ chạy để nó muốn ăn bao nhiêu bắp thì ăn. Thực ra, nó đâu có đói gì. Nó có phần bắp đem đến tận nơi cho nó ăn nhưng nó cứ thích ăn bắp phơi ngoài sân ngoài trời vậy. Nó muốn ăn đồ có vẻ thiên nhiên hay sao đó mà. Thì cho nó ăn bắp phơi cũng chẳng sao, nhưng nó ăn được thì gà quanh xóm cho tới chim, quạ, cũng xúm xít bu lại, rất là phiền! Cho nên phải đuổi luôn cả nó. Ăn uống phải có trật tự, nề nếp chớ. Mà đuổi nó thì thầy không dám. Chẳng biết sao thầy cứ sợ nó mà không sợ bất cứ con gà nào khác. Nó đuổi thầy chạy te thì có. Riết rồi mỗi lần muốn ra sân ăn lúa bắp là nó lo đuổi thầy trước rồi ăn sau. Vừa ăn vừa rủ rê gà vịt chim quạ hàng xóm, làm như nó là chủ nhà muốn đãi tiệc láng giềng vậy. Thầy trụ trì hồi đó, tức là sư ông của con, biết được chuyện mới vót cho thầy một cây roi tre mỏng. Bảo thầy xông đến quất cho nó một trận. Thầy đành liều mà làm theo. Chỉ quất xem xém thôi chứ không cố tình quất ngay nó. Vậy mà cũng trúng đuôi nó một chút, bay mấy cái lông. Nó kêu quang quác, bỏ chạy trối chết. Từ đó về sau, thấy mặt thầy là nó lủi thủi né đi chỗ khác. Vậy đó, đối với chim quạ, hay bất cứ loại nào, con cứ coi chúng như những phiền não quấy phá mình, thầy dạy con điều đó rồi, phải không? Mình phải quyết tâm thắng nó, phải biết rõ là nó vốn sợ mình, phải biết rõ là mình chắc chắn thắng nó, thì con mới không sợ nó. Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Chưa biết rõ kẻ thù thì còn có lúc thắng lúc thua, nhưng khi đã biết rồi thì trăm trận trăm thắng chớ. Cũng như khi con chưa biết con quạ thì con sợ, bây giờ biết nó rồi, đâu có sợ nữa, phải không? Con lại có vũ khí nữa, nào đá, nào dùi, nào thùng, nào tay chân to lớn. Nó nhỏ xíu chỉ có cái mỏ thì làm gì thắng được con. Phải không? A lê, nín khóc. Ngày mai ra trận đánh đuổi nó một lần, con sẽ làm chủ tình hình, không ai hơn con được nữa."

*

Ngày mai, và những ngày kế tiếp, chú Hiếu làm chủ lại tình hình, đúng như lời thầy nói. Trăm trận trăm thắng. Không chim không quạ nào dám đến nữa. Chú hăng say đánh đuổi ngay cả những chim những quạ đậu xa lắc trên các cành cây, bụi rậm ngoài vườn chùa. Chú không làm chết một con chim nào, chỉ xua đuổi thôi, nhưng chim nào cũng đâm sợ, lánh xa khu vực chùa. Có khi thấy chú từ xa là chim đã vụt bay như thể bị kinh động bởi tiếng gầm của chúa sơn lâm.

Kết quả việc làm của chú bây giờ, theo lời thầy tri sự thưa với thầy trụ trì, tiến xa hơn trước nhiều. Lúa, bắp, đậu xanh, mè, không bị hao chút nào; đậu phụng thì có hao chút chút không đáng kể; chim chóc đi biệt không thấy không nghe tăm dạng hay tiếng kêu ríu rít hàng ngày nữa. Thầy trụ trì lắng nghe thầy tri sự báo cáo, nhắm mắt trầm ngâm một lúc rồi nói đùa:

"Không khéo mình lại sống trên một mảnh đất chẳng lành đó nghe."

Thầy tri sự không hiểu ý thầy trụ trì nói gì. Thấy vậy, thầy trụ trì thở dài xua tay cho thầy tri sự rút đi. Chờ thầy tri sự ra khỏi phương trượng rồi, thầy trụ trì ngâm nga:

"Xuân khứ hoa hoàn tại,

Nhân lai điểu bất kinh."

(Xuân đi hoa vẫn trên cành

Người về chim hót an lành bên sân).

Buổi tối, thầy trụ trì bảo chú Hân gọi chú Hiếu lên phương trượng. Nghe gọi như vậy chú Hiếu biết là thầy có việc muốn dạy bảo. Chú bận áo tràng đàng hoàng, bước đến chỗ thầy rồi đứng chắp tay một bên chờ đợi.

Thầy gật gù nói:

"Con đuổi quạ được mấy năm rồi?"

"Bạch thầy, năm năm rồi."

"Vậy ra bây giờ con đã mười tuổi?"

"Dạ phải."

"Công việc của con ra sao?"

"Dạ, công việc bình thường."

"Chim chóc còn đến phá nhiều không?"

"Bạch thầy, con ngồi suốt ngày cũng không thấy một con chim nào bay ngang. Hình như chim quạ không đến vùng chùa này nữa. Bây giờ phơi lúa bắp chẳng cần ngồi coi cũng không sao."

"Vắng đến như vậy sao!"

"Dạ, vắng hoe à."

"Vậy con chẳng thấy buồn sao? Con ngồi suốt ngày không có con chim nào để đuổi, để gõ thùng, không buồn sao!"

"Bạch thầy cái thùng con vất từ lâu rồi, không cần nữa. Còn chim thì còn đuổi, chim hết đến rồi thì con chỉ ngồi học kinh, học chữ Hán thôi."

"Con chưa trả lời thầy. Thầy hỏi con có thấy buồn không khi chùa có cây có vườn, có bóng mát, có mái cong, có hang có hốc, có rường có cột, vậy mà chẳng con chim nào dám ghé tới? Buồn không?"

"Bạch thầy, con không biết nữa... Con cũng thấy buồn, nhưng con không biết làm sao. Thầy bảo con đuổi chim đuổi quạ thì con đuổi, con đâu có biết làm sao!"

"Năm xưa thầy cũng đuổi quạ đuổi chim như con. Con có biết lúc thầy sung sướng nhất là lúc nào không? Là mỗi lúc chim rón rén đáp xuống ăn lúa, thầy thấy mà giả đò làm lơ cho chúng ăn. Điều vui nhất trên đời không phải là nhìn thấy kẻ khác sung sướng hay sao!"

"Có lúc con cũng muốn như vậy nhưng con sợ thầy tri sự bắt phạt quỳ nhang. Thầy nói mất một hột lúa thì phải quỳ một cây nhang."

"Khó đến vậy sao! Hèn gì... Thôi được, con về phòng đi. Ngày mai thầy tri sự và chú Hân về thành, mà lúa cũng mới gặt xong nên thầy không phải ra đồng. Thầy muốn sớm mai con theo thầy đi đến một chỗ này, được không?"

"Bạch thầy, con muốn theo thầy."

"Tốt lắm, về ngủ đi."

*

Sớm tinh mơ là thầy tri sự và chú Hân đã lên đường. Chú Hiếu định ngủ nướng thêm một chút trước khi trời sáng thì thầy trụ trì đã tằng hắng mấy tiếng ngoài cửa. Chú vùng dậy, dụi mắt. Thầy đứng bên ngoài nói vọng vào:

"Con đã thức chưa?"

"Bạch thầy rồi."

"Đi được chưa?"

"Bạch thầy được ạ."

Ra khỏi phòng, chú thấy thầy bưng một cái thúng lớn. Có cái nón lá của thầy đậy kín miệng thúng nên chú không biết được cái gì bên trong. Thầy không cho chú bưng, chỉ bảo chú đi theo. Chú nghĩ chắc là ra đồng làm gì đây, một công việc đồng áng chú không đoán nổi.

Hai thầy trò lặng lẽ ra khỏi chùa, đi vòng quanh bờ rào chùa để ra phía sau vườn chùa, băng ngang một nghĩa địa, rồi ngang một bãi cát rộng đi hoài chẳng thấy dứt. Thỉnh thoảng có một chiếc xe bò đi ngược chiều, chở đầy rơm. Mùi lúa quyện lẫn hơi sương làm mát cả buồng phổi.

Mặt trời chưa mọc hẳn, còn ẩn sau lớp mây dày. Sương đêm hãy còn phủ mờ chung quanh. Đường đi mờ mờ mịt mịt. Chỉ có thầy là bước đi không ngập ngừng. Chú xách dép lên chạy theo mới kịp thầy. Chú có cảm giác như thầy dẫn chú đi lên trời hay đến một cõi tiên nào vậy.

Qua khỏi bãi cát rộng thì đến chân một ngọn đồi. Đúng ra là một gò đất cao, cỏ mọc lưa thưa. Trên gò chỉ có vài cây me cao nhưng cũng đủ tạo nên vẻ rậm rịt um tùm cho gò đất. Hai thầy trò nghỉ một chặp dưới chân gò rồi hì hục leo dốc đi lên. Trên gò có một khoảng đất trống rộng hơn sân chùa. Thầy nói hồi xưa đây là chỗ họp làng. Từ ngày xây đình và chùa Phước Tân trong làng, đất này bỏ trống, họa hoằn lắm mới có người rủ nhau lên chơi vào những đêm sáng trăng. Thầy đặt thúng xuống đất, ngồi nghỉ. Chú Hiếu chưa biết thầy muốn lên đây làm gì nhưng chú chưa dám hỏi. Chú cũng ngồi xuống nghỉ chân. Thầy nói:

"Chờ trời sáng ta hãy làm việc. À, chú thấy có gì khác lạ ở đây không?"

Chú nhìn quanh rồi nói:

"Không có nhà cửa."

"Gì nữa?"

Im lặng quan sát một lúc lâu, chú đáp:

"Không gì hết trơn."

Thầy bật cười:

"Sao lại không được? Cây cao nè, sẽ có bóng mát suốt ngày nè. Có chim chóc, có ve, có côn trùng kêu ríu rít, rỉ rả suốt ngày nè. Bộ con không nghe gì hết sao?’

"Dạ tại con cứ nghĩ thầy hỏi thấy gì không chứ nghe thì con nghe tiếng chim kêu từ lúc chưa bước lên đây rồi. Thầy muốn con đuổi chúng không, bạch thầy?"

"Không. Ngồi chơi đi. Quên phứt cái nghề đuổi quạ của con đi."

Hai thầy trò ngồi im lặng bên nhau. Nắng lên cao dần. Đỉnh gò như được ưu tiên đón nhận ánh nắng sớm hơn bên dưới. Chim chóc càng lúc càng hót vang trên những nhánh me để đón chào một ngày mới. Gió từ ruộng đồng phần phật thổi qua nghe vi vút. Thầy nhìn qua chú hỏi:

"Con nghe tiếng chim thế nào?"

Chú ấp úng một lúc rồi nói:

"Vui quá!"

Thầy cười rồi đứng dậy, ôm cái thúng ra giữa khoảnh đất trống. Chú lon ton chạy theo. Thầy lại đặt cái thúng xuống đất, lật cái nón lá ra, chú nhìn vào: lúa. Một thúng đầy lúa. Chú ngạc nhiên nhìn thúng lúa chưa hiểu gì thì thầy đã ngồi xuống lấy hai tay vốc lúa lên, nói:

"Lúa chắc hột quá, lúa ngon quá! Con thấy không?"

"Dạ, lúa đẹp quá."

Rồi thầy vụt đứng dậy, vung tay, vung tay. Lúa bay tứ phía, lúa bay lên cao, tung vãi khắp nơi. Thầy hét lên trong tiếng gió reo:

"Vãi lúa đi con, vãi khắp nơi cho chim quạ ăn!"

Chú hơi khựng một lúc, thấy thầy cứ tiếp tục đứng rồi khom, khom rồi đứng, vốc lúa ra mà vãi, chú mới cúi xuống thọc hai tay vào thúng, nắm từng nạm lúa, tung ra, tung ra. Gió đưa lúa bay cao, bay xa. Chim chóc ào ào bay đến. Hàng chục con, hàng trăm con. Lúa bay, bay, dính trên áo nâu, trên tay, trên đầu, trên vai hai thầy trò. Rồi thầy ném lúa vào áo chú, chú ném lúa lại trên áo thầy. Hai thầy trò vừa tung lúa vừa cười, vừa giỡn như hai đứa trẻ. Chim từ các nơi xa, ríu rít bay đến từng đàn. Tung tăng ăn lúa. Những cái đầu gục gặc mổ lia lịa. Rồi những con quạ đen nữa, thấy chim đủ loài từ đâu tụ về, chúng cũng theo tới. Chim từ khắp hướng, từ đồng ruộng, từ vườn rau, từ các bụi rậm, ồ ạt kéo đến.

Tung vãi hết thúng lúa, hai thầy trò đứng lại giữa bãi chim, cười hể hả. Rồi thầy lấy hai tay bụm miệng kêu hú như gọi muôn chim về dự hội. Nét mặt chú Hiếu tươi vui hơn bao giờ. Từ ngày bước chân vào chùa làm Sa di Đuổi Quạ đến giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên chú thấy hạnh phúc nhất. Chim quạ không sợ hãi tránh né chú. Chú không sợ hãi hay xua ghét chim quạ. Có con chim đậu mổ những hạt lúa dính trên vai áo của chú. Có con chim đậu trên tay thầy. Chú nhìn quanh. Đâu cũng là chim. Đâu cũng thấy quạ. Mà tâm chú vẫn cứ an bình lặng lẽ, không bị thôi thúc bởi công việc hay trách nhiệm đấu tranh, chiến thắng. Chú sung sướng vừa cười vừa khóc vừa dang hai tay chạy giỡn giữa một trời chim chóc. Gió đuổi theo vạt áo nâu phất phới của chú. Chim chóc như nhảy nhót đón chào chú. Thầy đứng nhìn theo, thấy chú hân hoan vui mừng và tự do như một cánh chim giữa đất trời hoang dại.

12-92

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/ngheduoiqua.htm

 


Vào mạng: 10-12-2001

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang