Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Sen Trắng

 

            Nếu Los Angeles, Nam California, thường được dí dỏm so sánh như Saigon, thủ đô của Việt kiều tại Hoa Kỳ, thì thung lũng điện tử Santa Clara, miền Bắc Cali có thể mường tượng như Cần Thơ, một thứ Tây đô mầu mỡ, đầy âm ấp xí nghiệp điện tử, sẵn sàng mở rộng cửa đón nhận làn sóng thuyền nhân đang khát khao tìm chốn định cư lập nghiệp. Từ tiểu bang Iowa, lạnh lẽo cô đơn, thiếu vắng đồng hương, Tùng trốn chạy về San Jose, lòng chỉ cầu mong được sống gần gũi với cộng đồng người Việt, được nghe tiếng mẹ đẻ, được nhìn thấy màu da vàng, và nhứt là được ăn cơm, húp nước mắm... một cách tầm thường là hạnh phúc tuyệt vời rồi. May mắn hơn nữa là mới tròm trèm sáu tháng học điện tử lem nhem, tiếng Anh còn điếc lác câm ngọng, nhờ bạn bè hướng dẫn bày vẽ kê khai kinh nghiệm, rồi giới thiệu nâng đỡ, Tùng đã "vớ" ngay được một chân chuyên viên điện tử thơm phức tại công ty F.P.S inc. Ngành điện tử đang trên đà hưng thịnh, xí nghiệp mọc như nấm, tranh nhau thuê tuyển nhân viên nên điều kiện tuyển dụng dễ dãi, mà việc quản trị cũng cảm thông cởi mở. Do đó mà Việt kiều đùm túm dắt díu nhau về xin việc, rồi lần lần hãng xưởng nào, cũng đầy nhóc thợ Việt Nam. Phân xưởng của Tùng, thợ Việt Nam chiếm đa số, ngồi đối diện chàng là Sơn, bên phải là Vĩnh. Anh em đùm bọc chỉ dẫn nhau công việc, hàn huyên tâm sự đều bằng tiếng mẹ đẻ..., thoải mái như đang sống tại nước nhà. Bữa ăn trưa nhộn nhịp và thích thú đặc biệt, anh em lỉnh kỉnh mang theo toàn thức ăn Việt, để chia xẻ nhau thưởng thức tài nghệ nội trợ của quí bà. Hai thời nghỉ giải lao thì anh em lại tu tập nhau từng nhóm để bàn bạc đủ mọi đề tài, từ chuyện tào lao không đầu đuôi đến chuyện nghiêm trang đạo đức, chuyện quê cha đất tổ gầy gò thương đau ở chân trời xa vắng... Tình đồng bào ruột thịt là chất liệu nuôi dưỡng Tùng giữ vững niềm tin để gắng gượng sống kiếp tha hương lạc lõng xứ người. Tuy nhiên tình đồng bào đôi khi cũng khiến chàng chua xót trước cảnh "một con sâu làm rầu nồi canh". Thật ra, không phải người Việt nào cũng giữ tư cách và đối xử với nhau chí tình. Trong cộng đồng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những phần tử bỉ ổi, lố bịch... gây tai tiếng chung, hoặc tệ hơn nữa, đã không ngần ngại "đâm sau lưng" đồng bào ruột thịt. Tình trạng đó lại càng tệ hại khi xí nghiệp bắt đầu xuống dốc, việc làm bấp bênh, nhân công có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Viễn ảnh mất việc, mà hậu quả có thể kéo lôi thêm nạn mất nhà cửa, mất xe cộ... khiến cho lắm kẻ tranh đua nhau tâng công, bợ đỡ thượng cấp bằng nhiều kiểu cách ly kỳ. Tuy nhiên, đối với phái nữ, vũ khí "cổ điển" mà hữu hiệu muôn đời vẫn là nhan sắc mỹ nhân.

            Đang cặm cụi làm việc, chợt nghe tiếng nàng Mỹ Lý cười giỡn hinh hích với người trưởng phân xưởng trong phòng, Sơn bực bội cằn nhằn:

            - Chúng nó ngày càng lộng hành, bốc hốt công khai không biết xấu hổ là gì cả?

            - Đúng là hạng "gái điếm" vậy mà khi mới vào làm việc, màu mè giả dạng gái nhà lành, trâm anh thế phiệt chớ!, Vĩnh góp ý.

            Tùng là kẻ ba phải, nghĩ rằng người đẹp tuy có phần lố lăng, nhưng dùng lời lẽ nặng nề như hai bạn cũng hơi quá đáng, nên có ý dí dỏm đẩy đưa câu chuyện sang hướng khác:

            - Ừa! thì thân tha phương cầu thực của chúng mình cũng tròm trèm với hạng gái điếm, chớ có cao quí gì đâu?

            Thấy hai bạn tròn xoe mắt trước lời phát biểu lạ lùng của mình, Tùng giải thích thêm:

            - Ngày xưa Nguyễn Du vì phải buộc lòng làm quan cho trào vua khác mà đã tự so sánh mình là nàng Kiều, một thứ gái điếm bán thân nuôi miệng rồi. Bây giờ bọn mình lại phải đem thân phục vụ nước ngoài, chẳng lý tưởng, chẳng hứng thú... thì còn tệ hơn nhiều. Vậy thì nếu ví von phận mình cũng là một hạng với kẻ bán thân nuôi miệng thì cũng không có gì là quá đáng!

            Vĩnh trẻ trung vui nhộn, thấm ý cười ngất tán rộng:

            - Kể ra, nếu hành nghề mãi dâm mình cũng thuộc vào hạng sang, thù lao rộng rãi, vui làm mệt nghỉ, tức chửi cũng được, phong lưu chán.

            - Đúng vậy!, Tùng tiếp lời, đồng bào mình trong nước và ở Đông Âu phải nai lưng ra bán thân mà có được gì đâu?

            Vĩnh cười hềnh hệnh bổ túc:

            - Thì họ là thứ gái mãi dâm bị chơi lường, đã bị bè đảng tú bà bốc lột chận tiền đầu tiền đuôi, lại bị bọn ma cô áo vàng áo đỏ rình rập kềm kẹp khủng bố... nữa.

            Ngừng một lúc lâu, để đè nén cơn đau buồn trong lòng, Vĩnh ấm ức văng tục:

            - Mẹ nó! đã bị chơi lường, ăn chận mà còn bị buộc phải hồ hởi hoan hô "vui sướng quá! lao động vinh quang quá!". Thế mới đau chớ!

            Sơn vốn là một nhà mô phạm, nghiêm trang đạo mạo mà nay bỗng nghe hai bạn đồng nghiệp, một già một trẻ, đua nhau đùa giai so sánh thân phận mình chung chung với gái mãi dâm hèn hạ, đâm ra bực bội, nhăn nhó càm ràm:

            - Anh Tùng cứ bày đầu cho thằng Vĩnh nói bậy không hà!

            Tùng lặng yên tủm tỉm cười nhận lỗi. Đối với chàng thì những bậc chân đạo đức cũng có thể hiện thân hành nghề hèn hạ ti tiện, ngược lại, kẻ tồi bại, lưu manh bon chen danh lợi cũng dễ chiếm đoạt một nghề nghiệp cao sang, vậy thì có nghề nào đáng kính, nghề nào đáng khinh đâu? Do đó, Tùng chẳng hề có mặc cảm gì với giới mãi dâm, huống chi, ấn tượng về đóa sen trắng mà chàng đã có duyên phát hiện từ hai mươi lăm năm về trước, vẫn chưa hề phai lạt.

*

*   *

 

            Sau những giờ phút nhức đầu bởi đống hồ sơ dầy cộm, chứa đầy những tranh luận hơn thua, Tùng lái xe lang thang ra ngoại ô, về hướng nhà Vàm Cống, rồi ghé thăm chùa Phước Thạnh, ngôi chùa quê xinh xắn nằm ven rạch Gòi Bé, xã Mỹ Thới. Xe vừa ngừng trước cổng, thì dì Diệu Hạnh, đang nhổ cỏ trước sân ngẩng mặt nhìn, rồi đon đả lên tiếng:

            - A! cháu Tùng! sao lâu quá mới đến vậy cháu!

            - Thưa mấy ngày nay cháu bận việc quá! Ơ! mà cháu cũng mới ăn cơm chay tại đây ba hôm trước mà đi!

            - Ậy! dì có thể dành cho cháu mấy cái bánh ích nhưn đậu. Cháu mà đến trễ thì hư hết trơn hà!

            Tùng xá chào dì rồi lên chánh điện lễ Phật. Lễ Phật xong, chàng đã thấy dì chờ sẵn dúi cho chàng hai cái bánh ích, cử chỉ đậm đà thương yêu như một bà ngoại dành quà cho cháu nhỏ. Tùng tủm tỉm cười, bóc lá ăn ngay:

            - Ngon lắm dì ạ!

            Dì cười hể hả, vui sướng trở ra sân trước tiếp tục chấp tác. Tùng đi vòng ra đám rẫy khu vườn sau chùa tìm thầy. Hai thầy trò thường vừa săn sóc vườn tược, vừa trò chuyện trồng cây, chiết nhánh, ươm hoa..., những mẩu chuyện không "ăn nhập" gì đến việc tu hành, nhưng dường như lại mênh mang đạo vị. Vừa thấy Tùng, thầy chỉ đống bắp vừa hái, rồi bảo:

            - Con gom nhánh cây khô đốt lửa, nướng mớ bắp đầu mùa thưởng thức chút hương vị đồng quê đi!

            - Chà! bắp ăn tại rẫy thì ngon ngọt nhứt hạng rồi! Tội nghiệp dì Diệu Hạnh quá! không biết dì có thể cạp nỗi bắp nướng không?

            - Răng dì sún hết trơn thì làm sao cạp thứ nầy được!

            Dì Diệu Hạnh móm sọm không còn một cái răng, lụm cụm lắm rồi, thế nhưng dì vẫn bền bỉ công quả, tận lực hộ trì tam bảo không biết mỏi mệt. Thân thể già yếu, mà dì vẫn giữ được sắc thái tươi mát, mộc mạc mà hồn nhiên..., dì tu mà dường như không cần phải cố gắng gò gẫm gì cả. Lúc nào, dì cũng hoan hỉ đón mừng thiện tín viếng chùa nhiệt tình như bà mẹ già dang rộng cánh tay đón những đứa con thân yêu quay trở về nhà. Tùng lên tiếng:

            - Hình ảnh của dì Diệu Hạnh thật đẹp! Con cảm giác như lúc nào dì cũng an lạc. Đôi khi con bỗng ước mơ mình trở nên hồn nhiên chơn chất như dì thì quí giá vô cùng!

            - Đúng vậy! chính cái chơn chất, tự nhiên, càng bình thường càng gần gũi với đạo. Ngược lại, cái vốn trí thức: khôn khéo, so đo, suy luận thiệt hơn lại làm trở ngại việc tu hành. Ngày xưa, bổn sư thầy thường kể câu chuyện của bà cư sĩ chùa Giác Lâm thuở trước, để nhắc nhở chúng đệ tử tâm niệm điều đó. Vị nữ cư sĩ tục danh là Lê Thị Tốt, vốn là người đàn bà quê mùa dốt nát, xấu xí vì gương mặt rỗ chằng, sống với nghề gánh nước thuê tại chợ Cây Mai. Cảm ân đức của tổ sư Giác Lâm, tức thiền sư Viên Quang, dì xin quy y rồi phát nguyện trải thân công quả trọn kiếp. Tổ ban cho dì pháp danh là Tế Dung, nhưng không ai chịu nhớ, người ta cứ xúm nhau xách mé gọi dì là "tư Rỗ", mà dì cũng dễ dãi nhận chịu bí danh xấu xí đó. Tánh dì hiền lành, chơn chất và đặc biệt rất hoan hỷ. Đối với bất cứ ai trong chúng, dì cũng thành khẩn tôn kính là bậc thiện căn, đại trí, xứng đáng nhận sự cúng dường phục vụ. Do đó, dì hoan hỉ nhận lãnh mọi công việc nặng nhọc, khó khăn, hi sinh cho mọi người rảnh rang tu tập, còn dì, mặc cảm phận mình ngu dốt, hèn kém chỉ lủi thủi công quả "bòn" chút duyên lành mà thôi. Chùa Giác Lâm thuộc thiền tông, nhưng xét căn cơ dì tư, tổ Viên Quang dạy dì hành trì pháp môn niệm Phật... Tuy nhiên, để tránh trường hợp hành giả miệng niệm Phật như con két, mà tâm lại rong ruổi theo trần cảnh, quay cuồng với tham, sân, si, mạn... không chút tương ưng với câu niệm Phật, tổ khuyến cáo trong bốn oai nghi vẫn phải quán niệm những bài kệ trong quyển Tì ni nhật dụng thiết yếu, như các thiền sinh. Dì tư tối dạ, học trước quên sau không thuộc nỗi bài kệ nào, thành thử sư dặn dì "khi đi đứng nằm ngồi, hay trong bất cứ động tác nào cũng chỉ cần thầm nghĩ đến một niệm thiện là đủ". Lối luyện tâm sơ cơ của dì: ăn cơm mong người người được no, mặc áo mong người được ấm, tắm rửa mong người được mát mẻ..., có vẻ trẻ con, nhưng đối với dì tư lại có giá trị vô song. Tánh dì chơn chất giản dị, cứ tuân lời thầy thành tâm thực hành, không hề thắc mắc, so đo, suy luận hơn thiệt, cứ dõng mãnh tinh tấn trong mấy mươi năm không thối chuyển, nhờ vậy tâm địa ngày càng thanh tịnh, rồi đạt đến chỗ niệm Phật nhất tâm bất loạn mà chẳng ai ngờ. Một hôm, trong khi đang nấu cơm, nghe tiếng nước sôi dì quán niệm mong chúng sanh nghe được pháp mầu, thì bỗng nhiên thế giới cực lạc hiện bày, tất cả thanh âm dì nghe: tiếng suối chảy, gió reo, chim ca cùng hòa điệu thành những bài thuyết pháp vang lừng. Thời gian sau, biết trước giờ tịch diệt mà dì vẫn lo hoàn tất việc cơm nước hầu hạ đại chúng, nhiên hậu mới tắm rửa, rồi quì lạy từ tạ tổ Viên Quang, đoạn vào bếp lần chuỗi niệm Phật mà thị tịch. Sau đó, tổ Viên Quang họp chúng tán dương đạo hạnh của dì, khiến cho lắm người trước kia tệ bạc khinh khi dì, đã phải dập đầu sám hối.

            Câu chuyện hào hứng vừa kết thúc thì Tùng đã vội từ giã để kịp trở về Tòa án trước giờ tan sở, hầu giải quyết kịp thời những hồ sơ dẫn giải can phạm trong ngày. Từ ngày được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án Tòa án An Giang, Tùng mới khám phá ra là dường như chàng không mấy phù hợp với nghề nghiệp của mình. Chàng lè phè, không câu nệ lễ nghi hình thức, mà nay lại phải ra vẻ nghiêm nghị đạo mạo giữ gìn thật là phiền toái. Ra ngồi xử án phải xúng xính áo thụng đen, tua cầu vai lông thỏ... chàng đã ngao ngán lắm rồi. Đã vậy, lại còn phải gượng gạo tham gia bao nhiêu lễ lạc, tiếp tân mà lúc nào cũng ra vẻ long trọng, đường hoàng, cân nhắc từng lời, từng cử chỉ... bực bội vô cùng. Ngay những bữa ăn gọi là thân hữu cũng vẫn phải dè dặt, khách sáo, màu mè... chớ đâu được thoải mái, thong dong.

            Vừa tan sở, Tòa Tỉnh đã đưa xe đến rước Tùng dự bữa cơm thân mật do Đại Tá Tỉnh Trưởng khoản đãi. Ngồi chung trên xe lái ra vùng ngoại ô mát mẻ, vị đầu tỉnh thân mật lên tiếng:

            - Mình sẽ dùng cơm ở một địa điểm đặc biệt, thiên nhiên và thơ mộng. Tôi chắc chắn Ông Chánh án sẽ thích thú!

            - Thế Đại Tá cho tổ chức tại một công viên sao?

            - Không! tại một khu vườn cây trái của tư nhân, có hồ sen thả cá vàng, có hồ bơi dưới bóng cây râm mát, lại yên tỉnh kín đáo mà đầy đủ tiện nghi nữa!

- Ô! như vậy có lẽ mình làm phiền lòng gia chủ quá đi!

- Chẳng phiền hà chi đâu Ông Chánh án! đây là nơi nghỉ mát dành cho thân hữu, vả lại chính gia chủ, thầu khoán Văn Thành vẫn thiết tha mong được quen biết với Ông Chánh án kia mà!

Tùng thoáng giựt mình vì không ngờ bữa cơm nhân danh thân mật dường như có hậu ý quanh co, chớ không đơn giản bình thường nữa. Thầu khoán Văn Thành là một nhà đại doanh thương tại tỉnh nầy, ai mà chẳng biết, và dĩ nhiên Tùng cũng phải nghe danh. Ông ta là chủ nhân một nhà thuốc tây đồ sộ, nhưng lợi tức cơ sở thương mãi chính thức nầy chẳng thấm tháp gì nếu so sánh mức thu hoạch vô kể bằng lối làm ăn luồn lõi thậm thục. Lão thương gia cáo già nầy chẳng những nắm vững được nghệ thuật “móc nối ăn chia”, mà lại biết tận dụng nhan sắc mặn mà của hai cô con gái đang xuân sẵn sàng chiều chuộng, òn ỉ… giới chức cao cấp trong chánh quyền, để tạo dựng nên một ưu thế vô song trên thương trường. Thương gia muốn làm ăn suôn sẻ phải nhờ lão làm trung gian điều đình trả giá với giới chức thẩm quyền, và giới chức muốn liếm láp an toàn kín đáo cũng phải trông cậy lão dàn xếp. Do đó, lão nắm trọn quyền phân phối phân bón, đường, xi măng, thuốc lá…, là những thứ hàng đắc như tôm tươi, vừa xuất hiện đã đột ngột khan hiếm, để rồi người ta mặc tình cắt cổ giới tiêu thụ một cách công khai, chẳng úy kị gì cái gọi là “ủy ban vật giá tỉnh”. Bàn tay lông lá của lão cũng bảo trợ cho đám thầu số đuôi, đám buôn lậu xì ke, ma túy…, làm ăn ồ ạt với sự bao che của các quan trong ban bài trừ tứ đổ tường. Tùng chẳng thích giao du với hạng người nầy, nhưng kẹt cứng đã vô tình hứa với viên Tỉnh Trưởng, nên đành bức rức ngồi yên.

Chiếc xe lướt êm ru trên con đường ra ngoại ô, vượt khỏi ngôi chùa Phước Thạnh quen thuộc chừng năm trăm thước thì rẽ vào cửa ngõ rộng mở đi vào một khu vườn to lớn. Xe lăn bánh rào rạo trên lối đi trải sỏi đá nhỏ, giữa hai hàng cây kiểng xanh um, dẫn đến ngôi biệt thự kiến trúc tân kỳ. Tùng mê mẩn ngắm khu phong lan sân trước, những chậu hoa kiều diễm, kiêu kỳ quí giá đong đưa khoe sắc. Khách vừa bước xuống xe thì đã thấy hai mỹ nhân lộng lẫy với loại trang phục sang trọng tíu tít đón rước.

- Xin giới thiệu Ông Chánh án: cô Mộng Kiều và cô Mộng Ngọc, con cưng của bác Văn Thành!, viên Tỉnh Trưởng lịch sự lên tiếng.

- Chào hai anh! xin lỗi hôm nay ba bị chóng mặt, tụi em xin thay mặt ba tiếp đãi hai anh vậy!

Thế rồi hai cô thật tự nhiên, cô chị choàng vai viên Tỉnh Trưởng, cô em níu tay Tùng dìu đưa vào nhà.

Tùng và vị đầu tỉnh tuy vồn vã thân mật nhau, nhưng đó chỉ là lề lối khách sáo xã giao, đâu có thâm tình để đưa nhau vào chỗ thơ mộng lả lướt như thế nầy. Tùng ngượng ngập cứng người, khiến viên Tỉnh Trưởng phải lên tiếng trấn an:

- Ở đây chỉ có chúng mình thôi, xin Ông Chánh án tự nhiên đừng ngại. Nè Mộng Ngọc! chăm sóc cưng chiều bạn của anh nhé!

- Như để khuyến khích Tùng nhập cuộc, vị đầu tỉnh lơi lả nựng mông nàng Mộng Kiều, cười rúc rít, rồi nháy mắt với Tùng.

Thật ra Tùng cũng bàng hoàng ngây ngất trước thân thể nồng nàn khêu gợi của Mộng Ngọc, nhưng chàng chủ trương “kẻ làm đĩ chính phương cũng còn chừa một phương lấy chồng”, chàng có thể ăn chơi xả láng nơi nào cũng được, nhưng ở tỉnh nầy thì quả thật không dám.

- Ơ! anh dùng loại rượu chi? để nguyên chất hay pha soda?, nàng Mộng Ngọc thỏ thẻ.

- Ô! tửu lượng tôi kém cõi lắm! cô cho tôi chai xá xị được rồi!

- Uống rượu mạnh ăn ngon cơm anh ạ! say thì đã có em săn sóc ngại gì! nhà có sẵn hai phòng đầy đủ tiện nghi mà!

- Nè hai anh!, nàng Mộng Kiều lên tiếng, em đề nghị mở nhạc nhảy vài bản cho yêu đời nhé!

            - Xin lỗi! Tôi nhà quê nên vụ đó mù tịt!, Tùng lại ngượng ngập giải thích.

            Thấy mình cứ trả lời tréo ngoe làm mất cuộc vui người khác, vả lại, Tùng cũng muốn tránh làm kỳ đà cản mũi ông bạn đang khao khát vui thú lả lướt mộng mơ với người đẹp, nên Tùng viện cớ thích nhìn cây lá thiên nhiên, để bước ra ngoài thong dong rảo bước trong khu vườn tươi mát. Vườn gồm đủ loại cây ăn trái, phân chia vị trí cân xứng theo nhu cầu trang trí hơn là để thu hái trái, nên rất trang nhã, khoảng khoát. Tùng đi tắt ngang hàng mận hồng đào, nhìn chùm trái bầu bỉnh nổi gân đỏ đong đưa theo gió, rồi mon men đi đến cái hồ sen hình bầu dục. Chàng ngồi dưới góc dừa, rễ đâm tua tủa, thảnh thơi lặng ngắm những đóa sen thanh khiết, rồi lơ đảng theo dõi đàn cá chép vàng đỏ tung tăng bơi lội.

            - Anh lại mơ mộng cô nào rồi? Mình vào nhà thủy tạ bóng mát thì mới thanh nhã anh ạ!, Mộng Ngọc lẽo đẽo bám theo sau chàng, nũng nịu lên tiếng.

            Hai người bước lên chiếc cầu màu hồng tươi đưa ra ngôi nhà thủy tạ bát giác nên thơ ở giữa hồ. Mộng Ngọc nắm tay chàng thỏ thẻ:

            - Coi kìa anh! cặp cá lội song song đó có đẹp đôi như mình không anh?

            Tùng tìm cách lảng tránh sang đề tài khác:

            - Ơ! vùng đất nầy lập vườn cây ăn trái coi bộ thành công! Thửa vườn xoài ở kế bên đây đơm trái sai oằn thấy mà ham! Có lẽ, nhờ vậy họ mới xây căn nhà ngói nhỏ xinh xắn làm sao á!

            - Đâu phải nhờ hoa lợi sở vườn anh!, - giọng nàng đượm mùi chua chát – tiền của cô con gái làm đĩ cho lính Mỹ ở Pleiku gởi về cất nhà đó anh!

            Thấy vẻ mặt ngỡ ngàng của Tùng, cô ta bổ túc với giọng châm biếm:

            - Thời buổi nầy đĩ là nhứt hạng trên đời anh ạ!

            Rồi cô lại giở trò ngâm nga tao đàn mùi rệu:

            - Anh đi lính! Anh làm trung sĩ!

            Em ở nhà, lấy Mỹ nuôi son.

            Mai nầy yên nước yên non

            Anh về, anh có Mỹ con anh bồng![1]

            Tùng vốn không cảm tình với bài thơ mà mấy ông nhà báo hùa nhau rêu rao là ca dao thời đại để xỉ vả kẻ buôn hương bán phấn. Thật ra, họ chỉ là nạn nhân của xã hội đầy bẫy rập, bấp bênh, đáng thương xót hơn độc cay đay nghiến. Tùng cũng hơi khó chịu về lời lẽ mạ lỵ, người láng giềng vắng mặt của Mộng Ngọc, vả chăng, chàng nghĩ “lấy Mỹ nuôi con còn có lương tâm hơn hạng lấy quan quyền để làm áp phe” nhiều lắm. Tùng lơ lửng góp ý:

            - Kể ra! Làm nghề mãi dâm mà xây cất được ngôi nhà cho cha mẹ thì cũng đáng khen đấy chứ!

            Rồi không đợi cho cô nàng trở lại đề tài nầy nữa, Tùng chuyển hướng:

            - Bác Văn Thành thật là sành sõi! phối hợp được nghệ thuật kiến trúc Đông Tây, nên ngôi biệt thự thì sang trọng, quí giá, còn hồ sen nầy lại trang nhã, nên thơ.

            Được Tùng vô tình khơi dậy niềm tự hào của gia đình, người đẹp hứng thú khoe khoang cái giàu sang của họ. Nàng hướng dẫn giải thích tường tận: từ các loài hoa kiểng hiếm hoi trong vườn cho đến các vật dụng chưng bày tại phòng khách, thứ nào cũng đắc giá, sang trọng cả. Từ đó, Tùng chỉ cần khen ngợi, gợi chuyện để mời nàng nói, rồi chịu khó nghe, vẫn cảm thấy đỡ lúng túng hơn là phải thường trực đề phòng bị mê hoặc bởi đòn phép giai nhân.

            Khi cơm nước đặt sẵn đã được nhà hàng mang tới, ngồi vào bàn ăn thấy vẻ mặt ông bạn tuy thỏa mãn mà cũng ra chiều mệt mỏi, Tùng yên chí sẽ được ra về êm thấm khi tiệc tàn.

            Bất ngờ, khi Tùng đứng dậy từ giã, thì nàng Mộng Kiều lại ấp úng với viên đầu tỉnh:

            - Anh nói giúp dùm tụi em đi!

            - Mình là người nhà cả mà! hai em cứ nhờ thẳng Ông Chánh án đi, ngần ngại làm gì!

            Mộng Kiều ngọt ngào:

            - Anh à! tụi em có việc nầy xin nhờ anh nhé: Ba em có tánh thương người, nghe họ khóc lóc năn nỉ mua dùm họ mấy mẫu vườn, mà bây giờ giá đất lên cao thì họ ngược ngạo mướn luật sư kiện đòi lấy lại. Anh nghĩ coi có tức không!

            Tâm lý con người bao giờ cũng kể phần phải về mình nên Tùng trả lời phân hai:

            - Nếu làm giấy tờ mua bán rõ ràng thì việc gì phải lo. Đâu ai có thể đổi trắng thay đen được.

            Mộng Ngọc õng ẹo:

            - Anh hứa giúp nghen anh! anh mà muốn như thế nào chả được!

            Chừng như sợ Tùng chậm hiểu câu nói ỏm ờ của mình, nàng bổ túc:

            - Ba em nói: “Tốn kém bao nhiêu chẳng nề hà, chớ chịu thua bọn ngu dốt mạt rệp đó thì tức lắm”.

            Tùng nghiêm trang đáp:

            - Thật ra, tòa án không có nhiều quyền hành như bên quân đội và hành chánh đâu cô. Bản án xét xử phải tuân theo luật lệ, viện dẫn lý do hợp lý, nếu không người ta chống án lên tòa trên lòi ra điểm gượng ép thì nguy lắm!

            - Ơ! Thì anh cứ giúp dùm em dưới nầy đi! họ chống án thì đã có mấy anh tòa trên hứa rồi!

            Ra về, cầm mảnh giấy ghi số vụ kiện mà người đẹp dúi vào tay, Tùng nóng lòng vào ngay văn phòng tìm cho ra hồ sơ vụ số 316H Nguyễn Văn Tý k/Hứa Văn Thành, để xem thử nội dung vụ kiện như thế nào mà người ta phải dày công vận động như thế.

            Đúng như dự đoán, người đẹp đã dấu diếm sự thật. Đây chỉ là một vụ mãi lai thục (1), nghĩa là một vụ bán đất có quyền chuộc lại. Trong khế ước đã ghi rõ, người bán có quyền chuộc sở vườn trong thời hạn ba năm, nếu không vụ buôn bán sẽ trở thành thiệt thọ. Nguyên đơn Nguyễn Văn Tý đã mang tiền đến gặp nhà thầu Văn Thành xin chuộc ruộng đúng hạn, nhưng y lánh mặt, kiện ra Tòa thì luật sư của y cứ viện dẫn những lý lẽ mơ hồ xin mua đứt, đồng thời sử dụng thủ đoạn kéo cưa để tiếp tục hưởng hoa lợi sở vườn. Tùng đã soạn thảo bản án sẵn chờ hai ngày nữa sẽ tuyên, theo đó chàng tuy tuyên bố chấp thuận đơn xin chuộc ruộng của Nguyễn Văn Tý, nhưng không cho thi hành tạm. Giờ đây, hiểu rõ con người và đòn phép của gia đình Văn Thành, chàng thấy bản án cần phải thi hành ngày sau khi tuyên, dù có kháng cáo hay không. Và như vậy, thì họ sẽ không còn có thể sử dụng đồng tiền để xin đình hoãn kéo dài ở tòa trên cướp đoạt hoa lợi sở vườn thêm nữa.

            Trong phiên tòa, hai người đẹp hiện diện hiu hiu tự đắc, thỉnh thoảng liếc mắt tình tứ nhìn chàng, yên chí nắm vững thắng lợi. Đến khi nghe chàng đọc án, hai nàng bỗng xìu mặt, hầm hầm bỏ đi một bước.

            Tùng đang ngồi trong văn phòng[2]  cẩn thận đọc từng hồ sơ phi phạm do Ty Cảnh Sát dẫn giải, trước khi chấp cung. Tùng bỗng chú ý đến một hồ sơ hơi bất thường. Nghi can Nguyễn Thị Hai, bị bắt về tội hành nghề mãi dâm, tuy nhận tội đã hành nghề mãi dâm tại Pleiku nhưng phủ nhận hành nghề nầy tại địa phương. Điểm kỳ lạ là nhân viên sở kiểm tục đã bắt giữ y thị tại bến xe đi Saigon, chớ không phải tại một khách sạn, một thanh lâu hoặc một nơi có thể hành lạc được. Nguyên tội hành nghề mãi dâm chỉ hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nếu sự bán dâm mang tính chất thường xuyên. Do đó, theo luật lệ, nhân viên kiểm tục phải có hai báo cáo khác nhau chứng minh đã bắt gặp người đàn bà dâm hai lần riêng biệt thì mới hợp lẽ. Tuy thông thường, do sự yêu cầu yểm trợ chánh sách lành mạnh hóa xã hội, tòa án dễ dãi không đòi cảnh sát trưng đủ bằng chứng về yếu tố thường xuyên, nhưng ít ra cảnh sát cũng bắt nghi phạm quả tang đang hành lạc, đang rước khách tại một khách sạn, một động thanh lâu…, chớ không hề có trường hợp bắt người đang ngồi trên xe đò chờ đi Saigon như thế nầy cả. Nghi ngờ có việc ám muội, Tùng điện thoại gọi viên đại úy trưởng phòng cảnh sát tư pháp cảnh cáo việc làm tắc trách của y, thì viên sĩ quan trẻ cuống quít:

            - Thưa ông Chánh án, vụ nầy liên hệ đến cô Mộng Kiều, nên… nên thượng cấp ép tụi em làm, chớ em cũng biết người ta đâu có tội tình gì!

            Tùng biết thượng cấp nào đã chỉ thị rồi, nên không nỡ khiển trách viên sĩ quan cảnh sát, chàng ra lịnh cho gọi nghi phạm vào để tìm hiểu bí ẩn bên trong. Người con gái gầy gò tiều tụy, nhan sắc tầm thường, không có gì hấp dẫn để thu hút khách làng chơi. Không hiểu cô ta bị đánh đập hay dọa nạt như thế nào, mà lại dại khờ thú tội hành nghề mãi dâm cho lính Mỹ tại Pleiku. Chàng khoác tay cho người lính hầu cận ra ngoài để tránh cho cô gái khỏi thẹn thùng, rồi nhỏ nhẹ lên tiếng:

            - Xin chị yên tâm. Chị vô tội nên tôi sẽ trả tự do cho chị liền bây giờ. Nhưng tôi có vài việc muốn hiểu biết riêng nên yêu cầu chị khai hoàn toàn thật những điểm nầy…

             - Dạ!

            - Chị có hành nghề mãi dâm không?

            - Dạ có! Nhưng con chỉ làm nghề nầy ở Pleiku, chớ không tại tỉnh nhà!

            - Có thật không hành nghề tại đây không?

            - Dạ! Con làm nghề xấu xa nầy phải dấu diếm ba má. Ổng bả biết chắc dám tự tử mà chết, thì làm sao con dám làm ăn ở đây được!

            - Thế chị có thù oán gì với ai không?

            - Dạ không! Dạ nhân dịp về thăm nhà, con ở lại thêm vài ngày chờ nghe xử vụ kiện sở vườn của ba con, mà chỉ lẩn quẩn trong làng mà thôi. Không ngờ hôm sau, ra bến xe đò vừa mua vé đi Saigon, thì bị cảnh sát bắt!

            - Vụ kiện đó có phải là vụ Nguyễn Văn Tý xin chuộc sở vườn phải không?

            - Dạ phải!

            Biết rõ nguyên do thúc đẩy đám Mộng Kiều nhẫn tâm hại người, Tùng lại tò mò muốn hiểu biết thêm chi tiết về cuộc đời của cô gái đáng thương, nên hỏi tiếp:

            - Chị có thể cho tôi biết hoàn cảnh nào đưa đẩy chị vào nghề nầy?

            - Dạ con muốn trả nợ cho gia đình.

            - Chị có thể kể rõ đầu đuôi ra được không?

            - Chồng con là một trung sĩ địa phương quân tại tỉnh Chương Thiện, phải tác chiến rất hiểm nghèo. Ba con thương rể, năn nỉ ông Văn Thành vận động cho về chỗ an toàn, thì người ta đòi một trăm năm mươi ngàn đồng. Ba không sẵn tiền, đành năn nỉ ông Văn Thành mượn đỡ trong hạn ba năm. Ông Văn Thành tính vốn lời là ba trăm ngàn, rồi buộc ba làm giấy tờ thục ruộng, nói là để tượng trưng vậy thôi. Tin tưởng người đồng hương ba ký tên ngay, vì ba độ chừng, với hoa lợi sở vườn chỉ cần hai năm cũng đủ sức trả nợ rồi. Không ngờ sau đó ông Văn Thành lại trưng giấy tờ ra chứng minh ba thục ruộng, chớ không phải vay nợ, để tranh đoạt hoa lợi sở vườn. Từ đó, gia đình con điêu đứng vì mất hoa lợi thì sự nghiệp tiêu tan chớ đâu còn phương tiện chuộc ruộng nỗi. Họa vô đơn chí, tiểu khu Chương Thiện có vài thay đổi nhân sự, người mới đến đòi chồng con chi tiền trà nước hàng tháng. Vì không chạy đâu đủ tiền để “đóng hụi chết”[3] , chồng con lại bị chuyển ra đơn vị tác chiến, rồi tử trận. Đau khổ tang chồng, về nhà lại chứng kiến hoàn cảnh cơ cực của gia đình, nên con nén thương đau theo bạn bè ra Trung dùng tiền tử tuất làm vốn buôn bán lo cho gia đình. Không ngờ, thiếu kinh nghiệm nên buôn bán thua lỗ hoài, rồi lần lần cụt vốn. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng không lối thoát, con nhắm mắt đi làm nghề nầy, nhờ vậy mới có đủ tiền chuộc ruộng, xây lại nhà cho ba má và cho đứa em đi học tại Saigon…

            - Thế hàng tháng chị kiếm được bao nhiêu mà có thể gởi về nhà lo lắng nhiều thứ quá vậy?

            - Dạ! mỗi tháng được chừng tám mươi ngàn, con gởi hết về nhà, vì ở đó người ta nuôi ăn, nuôi ở rồi…

            Tùng là nhân viên cao cấp, lương hàng tháng ba mươi ngàn đồng, thương mẹ lắm mỗi tháng gởi về ba ngàn là quá sức rồi, không ngờ cô gái nầy lại hi sinh đến chừng đó, thật đáng khâm phục. Chịu ảnh hưởng từ quyển tiểu thuyết người anh cả của Lê Văn Trương, theo đó người anh đã hi sinh nuôi các em học thành tài, để rồi bị các em bội bạc khinh khi, Tùng đâm ra lẩm cẩm lo lắng cho số phận cô gái hi sinh mù quáng nầy. Chàng bèn gợi cho cô ta ý nghĩ dự phòng tương lai bản thân:

            - Chị gởi tiền về cho cha mẹ, thì tiền nầy trở thành của chung. Mà ngành nghề của chị đâu kéo dài lâu được, rủi ro chị không làm ra tiền, mà đám em ai cũng có gia đình nấy, ai sẽ lo cho chị đây. Vậy chị cũng nên có vốn liếng riêng. Hàng tháng chị gởi một phần cho cha mẹ và giữ phần nào cho tương lai của mình. Tôi đề nghị chị mở chương mục tiết kiệm tại ngân hàng hoặc mua một số vàng hủ thân về già…

            - Dạ thưa đời con đâu đáng gì mà con phải giữ lại cho con nữa!

            - Nầy chị!… ơ…

            Tùng tuy không phải là người xấu, nhưng khi phải hi sinh, phải bố thí thì so đo, tính toán cặn kẽ… nên định cố gắng tiếp tục thuyết phục cô gái nghe theo đề nghị của mình. Tuy nhiên, vừa mở miệng thì chàng khựng lại sượng sùng vì cảm thấy nhân phẩm của mình thua xa nhân phẩm của người đối diện. Cô gái đã hi sinh theo tinh thần ba la mật, cho tất cả mà không so đo suy tính hơn thiệt, chớ không phải hành động với tâm phân biệt tầm thường như chàng. Tùng cảm phục cô gái và thấy mình không thể mang cái tâm lượng hẹp hòi của mình để “dạy” người có tâm lượng bồ tát được. Tùng đành chuyển câu nói nửa chừng sang chuyện khác:

            - Ơ! Có phải nhà chị ở cạnh chùa Phước Thạnh không? Thỉnh thoảng chị có đến chùa chớ?

            - Dạ có! Lễ Vu Lan rồi con ở chùa cả ngày!

            - Ủa, tôi cũng đến dự lễ sao không gặp chị!

            - Dạ con chỉ lẩn quẩn tại bếp làm công quả, chớ không dám lên khách đường hay chánh điện!

            Tùng lại định mở miệng “dạy đời” là đến chùa thì ai cũng như ai, cứ lên chánh điện mà tụng kinh lễ Phật. Thế nhưng, một lần nữa, Tùng cảm giác rằng mình đã “hố nặng”, vì chợt hiểu rằng bất cứ hình thức nào trong sinh hoạt Phật giáo đều chỉ nhằm mục đích tu tâm. Ở nhà bếp khiêm cung công quả mà tu sửa tâm hữu hiệu thì giá trị gắp trăm ngàn lần kẻ vênh váo nơi chánh điện, gõ mõ chuông to, tụng kinh lớn…, mà tâm thì vẫn buông lung chạy theo danh sắc… Hình ảnh của dì Diệu Hạnh, dì tư Rỗ, chị Nguyễn Thị Hai… suốt đời âm thầm công quả, cần cù và hoan hỉ phục vụ cho chúng sanh an vui tu tập… bỗng sáng ngời, cao cả, tột cùng. Sự hiện hữu của họ, những vị bồ tát vô danh đó, vô cùng cần thiết cho đời, vì Tùng nghĩ, nếu vắng hình bóng họ có lẽ ngôi chùa sẽ giảm đi phần sinh khí và việc hoằng pháp cũng hạn hẹp lu mờ.

            Không còn gì để nói, Tùng đứng lên tề chỉnh tiễn khách.

            - Bây giờ, chị có thể tự do ra về. Tôi đã liên lạc với cảnh sát ngăn chận không cho họ tìm cách hãm hại chị nữa. Xin chị yên tâm.

            Rồi có lẽ do thói quen hay do lòng kính trọng nảy sinh mà chàng bỗng chấp hai tay lại nghiêm trang chào, lối chào của Phật tử với nhau. Chàng thầm niệm:

            “Sen búp xin tặng người

            Một vị Phật tương lai”.[4]

            Người con gái tiều tụy lầm lủi đi ra, nhưng từ thân hình còm cõi, bệ rạc đó Tùng thấy hiện rõ một đóa hoa nhân phẩm thanh cao, tinh khiết… như đóa sen trắng vươn mình ra khỏi vũng bùn nhơ.

Tháng 03.1991

Ghi chú:

Để tránh ngộ nhận, tác giả xin xác định là ngoài nhân vật chánh: cô gái quê tại An Giang, hi sinh thân xác mình hành nghề mãi dâm tại Pleiku để tạo vườn, xây nhà cho cha mẹ và nuôi em đi học là sự kiện có thật, những nhân vật và sự kiện khác trong truyện đều là chuyện tưởng tượng.


[1] Mãi lai thục là một thể chế đặc biệt của luật lệ điền sản Việt Nam, theo đó, người bán có quyền chuộc lại ruộng trong một thời gian giao kết (nếu khế ước không rõ rệt, thời gian nầy là 30 năm). Quá hạn, nếu người bán không chuộc ruộng, việc mua bán mới trở thành thiệt thọ. Trong thời gian chưa chuộc ruộng, hoa lợi sở đất do người mua thụ hưởng. Chủ nợ có thể lợi dụng thể chế nầy, ép con nợ làm văn tự mãi lai thục, để dễ dàng chiếm đoạt tài sản con nợ thiếu phương tiện trả, mà khỏi phải kiện thưa rườm rà.

Khác với mãi lai thục, các thể chế tương tợ để đương, để áp hay ốp bộ, người chủ nợ chỉ giữ quyền ưu tiên trên sở đất, ngăn chận việc bán đất, nhưng con nợ vẫn là sợ hữu chủ và hưởng hoa lợi sở đất. Nợ đáo hạn không thanh toán, chủ nợ phải đưa ra Tòa xin phát mãi sở đất đề thu hồi nợ.

[2] Mãi lai thục là một thể chế đặc biệt của luật lệ điền sản Việt Nam, theo đó, người bán có quyền chuộc lại ruộng trong một thời gian giao kết (nếu khế ước không rõ rệt, thời gian nầy là 30 năm). Quá hạn, nếu người bán không chuộc ruộng, việc mua bán mới trở thành thiệt thọ. Trong thời gian chưa chuộc ruộng, hoa lợi sở đất do người mua thụ hưởng. Chủ nợ có thể lợi dụng thể chế nầy, ép con nợ làm văn tự mãi lai thục, để dễ dàng chiếm đoạt tài sản con nợ thiếu phương tiện trả, mà khỏi phải kiện thưa rườm rà.

Khác với mãi lai thục, các thể chế tương tợ để đương, để áp hay ốp bộ, người chủ nợ chỉ giữ quyền ưu tiên trên sở đất, ngăn chận việc bán đất, nhưng con nợ vẫn là sợ hữu chủ và hưởng hoa lợi sở đất. Nợ đáo hạn không thanh toán, chủ nợ phải đưa ra Tòa xin phát mãi sở đất đề thu hồi nợ.

[3] Mãi lai thục là một thể chế đặc biệt của luật lệ điền sản Việt Nam, theo đó, người bán có quyền chuộc lại ruộng trong một thời gian giao kết (nếu khế ước không rõ rệt, thời gian nầy là 30 năm). Quá hạn, nếu người bán không chuộc ruộng, việc mua bán mới trở thành thiệt thọ. Trong thời gian chưa chuộc ruộng, hoa lợi sở đất do người mua thụ hưởng. Chủ nợ có thể lợi dụng thể chế nầy, ép con nợ làm văn tự mãi lai thục, để dễ dàng chiếm đoạt tài sản con nợ thiếu phương tiện trả, mà khỏi phải kiện thưa rườm rà.

Khác với mãi lai thục, các thể chế tương tợ để đương, để áp hay ốp bộ, người chủ nợ chỉ giữ quyền ưu tiên trên sở đất, ngăn chận việc bán đất, nhưng con nợ vẫn là sợ hữu chủ và hưởng hoa lợi sở đất. Nợ đáo hạn không thanh toán, chủ nợ phải đưa ra Tòa xin phát mãi sở đất đề thu hồi nợ.

[4] Mãi lai thục là một thể chế đặc biệt của luật lệ điền sản Việt Nam, theo đó, người bán có quyền chuộc lại ruộng trong một thời gian giao kết (nếu khế ước không rõ rệt, thời gian nầy là 30 năm). Quá hạn, nếu người bán không chuộc ruộng, việc mua bán mới trở thành thiệt thọ. Trong thời gian chưa chuộc ruộng, hoa lợi sở đất do người mua thụ hưởng. Chủ nợ có thể lợi dụng thể chế nầy, ép con nợ làm văn tự mãi lai thục, để dễ dàng chiếm đoạt tài sản con nợ thiếu phương tiện trả, mà khỏi phải kiện thưa rườm rà.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/sentrang.htm

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang