Buddhism Today

NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Đạo Phật Ngày Nay

Số tháng 12 - 2001
PHẬT GIÁO THỪA THIÊN - HUẾ
 
...... ... . . . .
Quan Hệ Thầy - Trò
Theo tinh thần Kinh Kế Thừa Chánh Pháp
 Thích Thanh Tâm
 
Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng
Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy, hóa hiện đường mây.

Quan hệ Thầy và Trò, đó là mối quan hệ thiêng liêng và cao cả; là hình ảnh sáng ngời, tuyệt vời giữa càn khôn sinh diệt. Không thể có một tác nhân nào, một điều kiện gì có thể chia cắt, hay tách biệt mối quan hệ ấy. Xưa cũng như nay, tình cảm cao quý này luôn luôn được tôn kính, được trân trọng, giữ gìn. Cho nên, Cổ đức có dạy: “Tôn Sư trọng Đạo” là vì vậy.

Quan hệ này, nói ra rất rộng, nó có mặt khắp mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần.

Trong sự nghiệp xây dựng gia đình huyết thống, thì đó là mối quan hệ Cha-Con. Với quan hệ này, người ta cho rằng, người con là khúc ruột được cắt ra từ Cha và Mẹ, nên người con là sự tiếp nối sự sống của người Cha cũng như người Mẹ. Vì thế khi nhìn vào người con,chúng ta có thể thấy được nét nghiêm nghị của Cha cũng như nụ cười hiền dịu của Mẹ. Với quan hệ này, được gọi là quan hệ máu mủ, ruột thịt.       Còn trong sự nghiệp xây dựng gia đình tâm linh, thì đó là quan hệ Thầy-Trò. Với quan hệ này, Pháp chính là gạch nối giữa hai hình ảnh ấy. Nhờ chất liệu Pháp mới có quan hệ Thầy trò. Người học trò được công nhận là học trò và người Thầy được công nhận, được tôn xưng là Thầy, đều nhờ vào chất liệu này. Người học trò hiện hữu, tồn tại giữa cuộc đời là nhờ có hình ảnh người Thầy, và ngược lại. Do đó, mối quan hệ Thầy -Trò là mối quan hệ tương tức (Interbeing), tương nhập (Interpenetration), có trong nhau, cùng nhau hiện hữu để chuyển tải, hóa hiện Đạo vào cuộc đời. Quan hệ này không tách biệt được, nếu tách biệt thì không tồn tại. Nếu không có trò thì Thầy cũng không có mặt giữa đất trời, giữa cuộc sống này.

Theo tinh thần kinh Cầu Pháp của Hán tạng hay kinh Dhammadāyādasutta (Thừa tự Pháp) của Trung bộ Nikāya, thì mối quan hệ này được trình bày rất mạch lạc, rõ ràng.

Do mối quan hệ giữa Thầy và Trò được xác lập nhờ Pháp, cho nên, người học trò là sự nối dài hình ảnh người Thầy, là sự tiếp nối sự nghiệp của Thầy, “Nhất đăng diệt, nhất đăng tục”. Do vậy, yếu tố chắc chắn là người học trò phải kế thừa Pháp từ nơi Thầy của mình. Điều này không bao giờ sai khác, chắc chắn là như vậy. Và chỉ có vậy, mối quan hệ này mới thiêng liêng, mãi mãi tồn tại qua mọi thời gian và không gian. Cũng nhờ thế mà chất liệu Pháp luôn luôn được thắp sáng, được tiếp nối, khiến kho tàng Chánh pháp không bị mai một, không bị gián đoạn mà luôn luôn được truyền thừa “Truyền đăng tục diệm”. Cho nên, trong bài Tựa Luật Tứ Phần, có nhắc đến sự truyền thừa “Sư tư tương thừa”, nói lên sự kế thừa của đức Phật Mâu Ni từ các đức Phật trong quá khứ:

Tỳ Bà Thi Thức Khí                  
Tỳ Xá, Câu Lưu Tôn               
Câu na hàm mâu ni
Ca Diếp, Thích Ca văn.
       
毗 舍     
       
       
 
Các Đại đức, Thế Tôn                        
Vì tôi dạy việc này,
Tôi nay muốn nhắc lại
Quý vị, hãy cùng nghe!          
       
       
       
       

Còn ngược lại, người học trò không kế thừa Pháp, mà lại kế thừa tài sản thì đó là hình ảnh giới thiệu chúng ta mối quan hệ oan nghiệt, đầy oán thù. Và cũng tự giới thiệu hình ảnh người học trò không nhận ra được nhân duyên gì mà mình được làm học trò của Thầy mình.

Ngày trước, Ngài Huệ Khả là hình ảnh gương mẫu cho tinh thần cầu Pháp này (Huệ Khả là người có khả năng kế thừa tuệ giác). Ngài đứng hiên ngang như cây tùng giữa tuyết giá để cầu Pháp an tâm, khiến đời sau mãi mãi còn lưu lại hình ảnh cao thượng ấy, để sách tấn hàng hậu học:

                               

Nghĩa là: Trước động Thiếu Thất trải bao ngày tháng đứng trong tuyết lạnh.

Ngài không thối chí, dầu tuyết lạnh phủ đầy mình và cũng sẵn sàng hy sinh thân thể để được Pháp chân thừa.

Người Thầy dạy học trò phải kế thừa Pháp là vì muốn Pháp chân thật luôn được hiển hiện và cũng vì lòng thương, muốn học trò được an lạc, hạnh phúc giữa cuộc đời đầy thù hận, oán cừu này. Từ tình thương của Thầy mà người học trò cung kính vâng lời, ghi nhớ. Cho nên, quan hệ Thầy- Trò cũng được gắn liền bởi chất liệu Thương và Kính.

Kinh nói: “Khi người học trò thực hiện sự nghiệp kế thừa Pháp, kế thừa sự nghiệp tu tập của Thầy, mà không kế thừa sự ăn uống, thì không những người người học trò có niềm vui, hạnh phúc lớn mà còn khiến cho Thầy mình có được danh dự”[1]. Và khi người học trò không chịu kế thừa Pháp mà lại thực hành việc kế thừa tài sản, thì ngược lại điều trên. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp nhận pháp mà không thực hành, không thể nghiệm trong đời sống, mà lại khư khư ôm một khối hư danh và không chịu thực hành để truyền thừa cho hậu thế, thì đó cũng là sự kế thừa ăn uống, không có cao thượng. Nên cũng trong kinh này, Đức Thế Tôn dạy: “Sự thấp kém nhất trong thức ăn là thức ăn dư thừa” (Thực trung chi hạ cực).

Nhưng người học trò tiếp nối Pháp nơi Thầy là tiếp nối như thế nào?

Kinh nói, Thầy thích sống đời sống viễn ly, thì trò học hạnh xả ly. Thầy dạy những phương pháp cần đoạn trừ thì trò đoạn trừ. Đối với những pháp cần thọ học và chứng nghiệm thì người học trò không xả bỏ phương tiện thực hành. Đó là 3 điều đáng khen, khi học trò thực hành theo lời Thầy dạy. Ngược lại là 3 điều đáng chê trách.

Người học trò phải có niềm tin sâu sắc đối với Thầy của mình. Trò phải tin rằng, Pháp mà Thầy trao truyền là những phương pháp, những điều mà Thầy đã thực tập, đã sống. Những lời dạy ấy, được nói ra từ tâm huyết từ đáy lòng sâu thẳm của Thầy, chứ không phải là những lời dạy nằm trong khuôn khổ hạn hẹp của kiến thức sách vở hay nằm trên bình diện tri thức con người hay của tế bào não. Chỉ khi có niềm tin như vậy, chúng ta mới thực tập, học hỏi hết lòng. Và người Thầy cũng tin là những lời dạy từ xương tủy của mình, người học trò kia có thể lãnh hội và thực hành, khiến cho người học trò cũng đạt được niềm vui đối với Chánh pháp như mình. Như vậy, mối quan hệ ấy cũng phải đặt trên căn bản của niềm tin thì mới thành công, “Lòng tin là cửa ngõ để thực hành và thành tựu hết thảy các thiện pháp”.

Hình ảnh người Thầy thực hành pháp trong đời sống, chính là điều kiện duy trì, gắn chặt mối quan hệ ấy. Người học trò đón nhập Pháp qua ngôn ngữ của Thầy, cái đó cũng quan trọng nhưng không có giá trị thật sự, mà chỉ thật sự có giá trị là sự tiếp nhận Pháp qua thân giáo của Thầy. Bài pháp được thuyết giảng bằng thân giáo, không cần dùng đến ngôn ngữ quy ước, mà chính bằng ngôn ngữ chân thật, “ngôn ngữ không ngôn ngữ”. Đây là bài pháp sinh động, rất mầu nhiệm, dễ dàng lưu nhập vào tâm trí của người học trò. Như vậy, chúng ta thấy, việc xây dựng nên mối quan hệ ấy thật là khó, việc duy trì lại càng khó hơn, nhưng rất quan trọng và cần thiết để thực hiện lý tưởng trong cõi đời nầy.

Khi mối quan hệ ấy được xác lập, thì Phật Pháp tự nó hiển lộ trong đời sống. Và chỉ có Tăng là người kế thừa Pháp mà thôi. Vì Tăng do Pháp tác thành và do Pháp lãnh đạo. Do thực hành pháp mà các căn được thanh tịnh, các lậu hoặc nhiễm ô đều được đoạn trừ, tâm ý hoàn toàn an tịnh, thành tựu hết thảy các đức tính vô lậu. Do vậy, Tăng trở thành nơi nương tựa, chỗ quy thú cho mọi người, là chỗ dựa an toàn vững chắc để xây dựng gia đình tâm linh. Nên vấn đề xây dựng Tăng thân (Sangha building) rất quan trọng, rất đáng được thực hiện để làm nơi quy thú cho hết thảy mọi người muốn được an bình trong xã hội đầy các chứng bệnh hiểm nghèo, sự bạo loạn và các chứng stress vv... như ngày nay.

Khi người Thầy đi hóa đạo, tín đồ nghe lời Thầy giảng và đồng thời nhìn vào hình ảnh những người học trò, họ thấy lời dạy và hành động của Thầy cũng như người học trò ăn khớp nhau, khiến niềm tịnh tín phát sanh; họ mới thật sự có niềm tin đối với Tam Bảo, nên mới thể hiện vai trò ngoại hộ của mình (Trong 48 giới khinh của Kinh Phạm Võng, giới thứ 6, nói điều này rất rõ). Ngày xưa, vua Ba Tư Nặc, thưa với đức Phật rằng, chỉ nhìn vào Tăng Đoàn là Vua có niềm tin sâu sắc đối với Đức Thế Tôn, đối với Tăng Đoàn.

Khi quan hệ này đứng vững thì tất cả thành viên của xã hội đều nương tựa và thực hành. Con người là thành viên, là nhân tố xây dựng xã hội. Khi các thành viên mà thực tập thăng hoa gia đình tâm linh, phát huy đạo đức, giữ gìn văn hóa, nét đẹp nhân văn, bên trong tỏa ra đức tính bất bạo động, thì chắc chắn xã hội cũng được thăng hoa. Có như vậy, xã hội mới yên bình, không còn các tệ nạn cũng như sự bạo loạn, khủng bố. Cho nên, khi người Thầy đứng đúng vai trò, vị trí của mình; người học trò làm đúng trách nhiệm, vị trí của mình, thì đó chính là tướng thường trú của thế gian. Nên trong kinh Pháp Hoa có nói:

      法 位
       

Nghĩa là:

Pháp nào đứng đúng vị trí pháp nấy
Đó chính là tướng thường trụ của thế gian.

Khi quan hệ Thầy-Trò trong chốn Già Lam vững mạnh, dẫn đến quan hệ Thầy- Tín đồ gắn bó keo sơn; thì ngôi chùa cũng sẽ là nơi nương tựa cho tất cả. Ngôi chùa là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, nên chùa bền vững thì xã hội thanh bình, con dân an lạc, hạnh phúc.

Để kết thúc cho bài viết này, chúng tôi xin mượn hai câu thơ của thi sĩ Huyền Không để kết luận:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Đó là hình ảnh Thầy và Trò cùng đi vào xã hội để hiến tặng sự bình an và hạnh phúc. 1       

 

[1]                     食 者 , 汝        好 ,          稱 。 (Trung A-hàm, Kinh Cầu Pháp)

http://www.buddhismtoday.com/nghiencuuphathoc/12-2001/thay_tro.htm

. . . . .

 


Tháng 12 - 2001

Mục Lục

Đầu trang