Sau phiên họp trù bị thứ nhất vào 29-30/8/2005, phiên họp trù bị lần
thứ hai bàn thảo kế hoạch chi tiết về việc tổ chức Ngày Phật Đản của
Liên Hợp Quốc, Phật lịch 2550, đã diễn ra trong hai ngày 28-2 và
1-3-06 tại khách sạn Twin Towers, Bangkok. Phiên họp đặt dưới sự chủ
toạ của Thượng toạ TS. Dharmakosajarn, viện trưởng Đại học
Mahachulalongkorn, kiêm trưởng ban tổ chức quốc tế Ngày Phật Đản của
Liên Hợp Quốc năm 2006. Có khoảng 80 thành viên thuộc 14 quốc gia tham
dự như Thái Lan, Úc, Campuchia, Pháp, Nhật, Nam Triều Tiên, Malaysia,
Miến điện, Singapore, Tích Lan, Đài Loan, Mỹ, Anh và Việt Nam. Các phó
viện trưởng của đại học Mahamakut và đại học Mahidol, tổng thư ký Hội
Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới và các hội đoàn Phật giáo thế giới cũng có
mặt. Phái đoàn Việt Nam gồm ba vị, HT. Thích Thiện Tâm, trưởng đoàn,
TT. Thích Pháp Chất, thành viên, và chúng tôi (Thích Nhật Từ) được mời
làm thành viên thường trực Ban tổ chức.
Sau hai ngày làm việc trong tinh thần hoà hợp và đoàn kết các giáo
phái Phật giáo, hội nghị đã đi đến thống nhất tổ chức Đại Lễ Phật Đản
của Liên Hiệp Quốc từ ngày 7-5 đến ngày 11-5-2006, tại trụ sở của Liên
Hợp Quốc, Bangkok và Trung tâm Buddhamonthon. Bên cạnh các nỗ lực biến
Buddhamonthon thành Trung Tâm Phát Triển Phật Giáo Thế Giới, hội nghị
còn nhắm đến việc quốc tế hoá và lễ hội hoá ngày Phật đản.
Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào ngày 7-5-06 và lễ bế mạc vào ngày
10-5-06 tại Buddhamonthon với sự tham dự của khoảng 30.000 Tăng Ni và
Phật tử, trong đó có nhiều lãnh tụ Phật giáo khắp thế giới. Ngày 8 và
9-5-06, các hội đàm quốc tế về Phật giáo sẽ được diễn ra tại văn phòng
của Liên Hợp Quốc, bên cạnh các diễn văn chúc mừng của Liên Họp Quốc
và lãnh tụ các quốc gia, Sáu chủ đề sau đây sẽ là nội dung chính của
toạ đàm: Phật giáo và hoà bình thế giới, giáo dục Phật giáo, Hoằng
pháp trong niên kỷ mới, Bảo tồn di sản văn hoá Phật giáo, phát triển
bền vững và sự hợp tác Phật giáo thế giới.
Bên cạnh các sinh hoạt tôn giáo và học thuật trong tuần lễ Phật đản,
Ban tổ chức còn làm lễ khánh tuế 60 năm tại vị của vua Bhumiphol, một
hành giả Phật tử gương mẫu, có công phát triển Phật giáo Thái Lan.
Các đề nghị văn hoá và lễ hội hoá ngày Phật đản của đoàn Việt Nam đã
được Ban tổ chức đưa vào chương trình đại lễ năm nay. Cụ thể là triển
lãm văn hoá Phật giáo và chương trình văn nghệ Phật giáo mang đậm bản
sắc dân tộc của các quốc gia Phật giáo trên khắp thế giới sẽ được
trưng bày và hội diễn. Lần này, Việt Nam được Ban Tổ Chức ưu ái dành
một không gian tương xứng để trưng bày các tranh ảnh nghệ thuật phản
ánh lễ hội Phật giáo Việt Nam, thư pháp, danh lam và Đại Tạng Kinh
Việt Nam dạng sách và âm thanh MP3, v.v…
Hy vọng trong tương lai gần, các quốc gia mà Phật giáo chưa phải là
quốc giáo, thấy được tầm quan trọng của các đóng góp của đức Phật cho
lịch sử nhân loại, chấp nhận ngày Phật đản như ngày quốc lễ. Mong rằng
chính phủ Việt Nam sẽ là một trong những nước tiên phong trong việc
quốc lễ hoá ngày trọng đại này cho một dân tộc trong đó có trên 80%
dân số là Phật tử.