- LỜI
NGUYỆN
- XÂY DỰNG TRÚC LÂM YÊN TỬ
Hôm nay tôi có một tin mới, để báo
cho Tăng Ni Phật tử hay, là ngày 19 tháng giêng Âm lịch tới đây, chúng
tôi đặt viên đá đầu tiên cho một Thiền viện dưới chân núi Yên Tử,
thuộc huyện Uông Bí tỉnh Quảng Ninh.
Trước hết tôi cũng nói cái nguyện
của tôi chứ không phải cái mộng như Thầy tôi. Vì khi tôi nghiên cứu kỹ
Phật giáo Việt Nam, thì nguồn gốc Phật giáo Việt Nam đã có từ thế kỷ
thứ II, đến nay là hai mươi thế kỷ. Như vậy đạo Phật có mặt trên nước
Việt Nam đã hai ngàn năm, mà tìm cái căn bản của Phật giáo Việt Nam
chúng ta không biết đặt ở đâu. Nếu từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ
thứ X, thì Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng, trước hết là Phương
pháp tu thiền của ngài Khương Tăng Hội, Ngài dạy Lục Diệu Pháp Môn
theo kinh. Từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X thì có những ngài như
ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ngài Vô Ngôn Thông truyền thiền tông qua Việt Nam,
rồi sau tới đời Lý tức là thế kỷ thứ XII, khoảng hai thế kỷ XI và
XII thì có phái Thảo Đường truyền thiền qua Việt Nam.
Ngài Khương Tăng Hội là người
sinh ở đất nước Việt Nam, truyền chánh pháp đúng theo kinh. Ngài Tỳ Ni
Đa Lưu Chi gốc người Ấn từ Trung Hoa truyền thiền qua nước ta, rồi kế
ngài Vô Ngôn Thông và ngài Thảo Đường cũng gốc người Trung Hoa truyền
thiền ở Việt Nam. Như vậy, Phật giáo Việt Nam từ trước đến đó, chịu
ảnh hưởng Thiền tông rất sâu đậm, nhưng những vị Tổ truyền đều là
người Ấn và người Hoa.
Đến thế kỷ thứ XIII, sau khi vua
Trần Nhân Tông trao ngôi lại cho con mà đi tu, Ngài tu mười năm ở núi
Yên Tử. Năm năm đầu, Ngài chuyên hạ thủ công phu tu hành, không dám lơi
lỏng và không hề rời núi. Sau đó Ngài ngộ đạo, Ngài mới làm bài Đắc
Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, nói lên chỗ sở đắc sở chứng của Ngài
nhờ năm năm trường ở núi. Sau đó, Ngài mới đi mở mang truyền bá và lập
thành một hệ phái Thiền tông Việt Nam tức là phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ
đó ở Việt Nam mới có một vị Tổ - tổ ban đầu là Sơ tổ Trúc Lâm tức
là vua Trần Nhân Tông, là một ông vua Việt Nam đi tu đạt đạo thành Tổ.
Như vậy nếu lấy đây làm nền tảng, chúng ta thấy có căn cứ.
Vì vậy, chúng tôi khi lập các thiền
viện, ban đầu chúng tôi còn phân vân, chưa biết phải làm sao đặt một
nền tảng cho vững, để ngôi nhà Phật giáo Việt Nam được lâu bền, cho
nên khi lập Chân Không, rồi lập các thiền viện này, tôi chưa có đề cập
đến Trúc Lâm Yên Tử.
Đến khi lên được Dalat, tôi suy
nghĩ kỹ, muốn đặt một cái nền cho ngôi nhà vững, thì cái nền Phật
giáo Việt Nam phải là thiền Trúc Lâm Yên Tử, vì vậy tôi mới để Thiền
viện Trúc Lâm. Tại sao tôi không để Trúc Lâm Yên Tử ? Vì tôi đặt nó
ở tỉnh Lâm Đồng làm sao để Yên Tử được. Như vậy thì cái nguyện của
chúng tôi, muốn làm sao cho thiền Trúc Lâm Yên Tử được sống dậy ở trên
đất nước Việt Nam, để làm cái nền vững chắc cho ngôi nhà Phật giáo
Việt Nam, nhưng tôi chưa có cơ hội.
Chúng
tôi cứ thầm lặng mấy mươi năm nay, cứ tu thiền, dạy thiền và dạy những
quyển sách, quyển luận của các thiền sư Việt Nam hoặc ở Trung Hoa; mà
chúng tôi không đặt một chỗ đứng cho đầy đủ.
Hôm nay đủ duyên, được những vị
trong Ban bảo vệ di tích Yên Tử vào Trúc Lâm thăm, và mời chúng tôi ra
Yên Tử hợp tác để xây dựng lại các ngôi chùa, các di tích ở Yên Tử.
Khi được mời, tôi than rằng tuổi đã già không thể làm nổi việc lớn,
cũng không thể leo được cao, nếu quý vị muốn tôi hợp tác, thì xin cho
tôi một di tích nào ở dưới thấp trong quần thể di tích của Yên Tử,
tôi có thể lập một thiền viện tại đó. Qua hai ba năm trao đổi qua lại,
chúng tôi có làm đơn để xin xây dựng một thiền viện ở dưới chân
núi Yên Tử, nhưng chưa được quý vị lưu tâm. Năm này quý vị, từ cấp
trên tới cấp dưới đều chú ý, nhưng các vị đồng ý cho chúng tôi xây
dựng lại ngôi chùa Lân dưới chân núi Yên Tử; còn không để ý đến
thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Cho nên vừa rồi chúng tôi phải hai lần chạy
ra Bắc để giải thích lý do chúng tôi phải thành lập thiền viện này.
Chúng tôi nói rằng, nếu quý ngài có phương tiện xây dựng lại, kiến
thiết lại tất cả những di tích ở Yên Tử thì rất tốt, rất đẹp.
Nhưng chúng ta nên đặt câu hỏi. Tại sao người Việt Nam lại hành hương
núi Yên Tử rất đông? Bởi vì tôi được nghe năm 1992 chỉ có hai vạn người
đi hành hương; nhưng năm rồi (năm 2001) đến hai chục vạn người đi hành
hương trên núi Yên Tử. Người hành hương đông như vậy thì đương nhiên
có một cái gì họ mong mỏi, cái gì họ muốn tìm kiếm. Nếu chúng ta cất
chùa, chúng ta xây tháp, làm đường tốt đi lên, nhưng mà lên đó rồi họ
thấy được cái gì hay ? Tự nhiên là không có cái gì, chỉ có chùa hình
thức. Chính chỗ họ quý là họ muốn tìm lên Yên Tử để thấy được
đường lối tu mà chư tổ thời xưa, đã đắc đạo ở đó. Tra cứu lịch
sử, tôi thấy cuối đời Lý đầu đời
Trần có thiền sư Hiện Quang tu đắc đạo trên núi Yên Tử, dưới Ngài
có thiền sư Đạo Viên hay là Viên Chứng đắc đạo; dưới đó nữa có
thiền sư Đại Đăng. Những vị đó đều là quốc sư hai triều, triều
vua Trần Thái Tông triều vua Trần Thánh Tông. Sau đó có những vị tiếp nối
nhưng không được rõ ràng. Hơn nữa, khi vua Trần Nhân Tông đi tu mới lập
ra phái Trúc Lâm Yên Tử, thì Ngài là Sơ tổ cũng đắc đạo ở đó, rồi
ngài Pháp Loa ngài Huyền Quang cũng đều đắc đạo trên núi Yên Tử. Như
vậy thì cái quý báu, cái linh thiêng của Yên Tử là nhờ người tu đắc
đạo trên đó, bởi vậy cho nên ngoài Bắc có câu ca dao:
Dù ai quyết chí tu hành
Có lên Yên Tử mới đành lòng tu.
Vì vậy mà ai cũng đổ xô lên,
tìm kiếm cái gì cao siêu ở Yên Tử. Nếu ngày nay chúng ta có chùa có
tháp, mà không có đường lối tu thì, cái trông đợi của Phật tử không
thế nào được thỏa mãn. Cho nên chúng tôi mới xin lập thiền viện Trúc
Lâm Yên Tử ở dưới chân núi. Nơi đó sẽ có Tăng hoặc Ni tu theo đường
lối Sơ tổ Trúc Lâm, đồng thời những sách vở những bài hay của các
ngài trước kia để lại, chúng tôi dịch ra giảng giải cho mọi người.
Ai muốn cần biết, thì tới chúng tôi cho đọc để biết, ai cần học tu
chúng tôi chỉ cho tu. Như vậy mới làm sống nổi được tinh thần Trúc
Lâm Yên Tử, đó là nguyện vọng của chúng tôi.
Đến nay được các vị ở tỉnh
Quảng Ninh, đồng ý cho tôi thành lập một thiền viện Trúc Lâm Yên Tử tại
chùa Lân, ngày 19 tháng giêng là ngày chúng tôi đặt đá. Tôi tuổi già rồi,
làm một năm nữa là nghỉ, thành ra phải làm sao trong một năm này - đầu
năm là đặt đá cuối năm là khánh thành, thì tôi mới xong bổn nguyện của
tôi.
Vì vậy hôm nay, tôi cũng báo cho
quý Tăng Ni, quý Phật tử biết rõ nguyện vọng của tôi, là mình phải
làm sao sống dậy cái nền Phật giáo Việt Nam từ Trúc Lâm Yên Tử, nếu
mình chỉ ở trong Nam ở miền Trung thì đó mới là ngọn ngành; đến tận
núi Yên Tử chúng ta lập một thiền viện, thì đó mới là tột gốc. Bản
hoài ấy đến đây cũng sắp được thỏa mãn, vậy báo tin cho tất cả Tăng
Ni Phật tử hiểu biết rõ ràng về chủ trương của chúng tôi.
- Nam
Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
- Ngày
20 tháng Chạp năm Tân Tị (1-2-2002)
- Hòa
thượng Viện trưởng
- Thiền
viện Trúc Lâm
http://www.buddhismtoday.com/thongbao/xayTrucLamYenTu.htm