-
HÀNH TRÌNH CỨU TRỢ CÁC TỈNH MIỀN TRUNG
SAU CƠN BÃO SỐ 6
-
CỦA ĐOÀN HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TẠI TP.HCM
-
Từ ngày 10-13/10/2006
Sau khi cơn bão số 6
Xangsane đi qua, các tỉnh miền Trung đã bị thiệt hại rất nặng nề. Trước
tình hình đó, được sự ủy thác của Hội đồng Điều hành Học viện, Phòng Sinh
viên vụ đã có cuộc họp khẩn cấp với toàn Ban Đại diện sinh viên trường để
tiến hành quyên góp cứu trợ cho đồng bào miền Trung. Chuyến cứu trợ đầu
tiên từ miền Nam vượt hàng ngàn kilomet đến chia sẻ khó khăn với đồng bào
miền Trung cũng là cuộc trải nghiệm thực tế và là cơ hội dấn thân phục vụ
của toàn thể Tăng Ni (TN) sinh. Nhằm phát huy
tinh thần “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”.
|
Tăng Ni sinh vân
chuyển quà cứu trợ lên xe |
Trời vừa hừng sáng, tại một góc sân Học viện PGVN (Thiền viện Vạn Hạnh,
Q.Phú Nhuận) sáng ngày 10-10 nhộn nhịp các sắc áo nâu, lam, vàng của đoàn
TN sinh trẻ. Trận mưa tầm tã vừa ngớt, từng nhóm TN của HV cùng nhau vận
chuyển những thùng hàng, vật phẩm cứu trợ lên xe. Đây là chuyến cứu trợ
đầu tiên của nhóm TN khóa VI gồm 44 người. Chuyến đi gồm thành phần TN trẻ
có quê tại các tỉnh miền Trung, trong đó có 18 Tăng. Theo đoàn còn có 4
Phật tử và Ban Đại diện của trường. Đoàn chúng tôi đã mang theo trên 600
phần quà trị giá trên 150 triệu đồng; mỗi phần là 250 ngàn đồng gồm có:
100 ngàn đồng tiền mặt và vật thực: y phục, gạo, mền, thuốc, v.v... trị
giá 150 ngàn đồng.
Nguồn kinh phí cứu trợ đợt này do chính TN vận động cùng với sự cúng dường
của chùa Lâm Quang (Q.8). Thầy Quảng Thiện cho biết: “Đoàn sẽ cứu trợ
trong 4 ngày tại 4 điểm Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn thuộc Đà Nẵng và Hội
An (tỉnh Quảng Nam). Theo lịch trình, đoàn sẽ lưu lại nghỉ ở hai tỉnh Phú
Yên và Nha Trang, dùng cơm trưa tại chùa Diệu Quang và chùa Phước Điền.
Chuyến đi thể hiện tinh thần của sinh viên Học viện theo yếu chỉ Từ bi,
Trí tuệ của Đức Phật”. Sau vài trao đổi, thầy lại tất bật cầm loa
ra ngoài hướng dẫn điều hành các nhóm TN. Các thùng hàng sau khi đã được
chuyền chất đầy trên xe, trận mưa xối xả thứ hai lại trút xuống. Màn mưa
phủ trắng xóa kéo dài. Tuy vậy trước giờ khởi hành, TT.Giác Toàn và TT.Đạt
Đạo đã thay mặt Hội đồng Điều hành Học viện đội mưa bước ra dành vài phút
dặn dò gởi gắm, động viên đoàn trên xe.
Chuyến đi có cả chú tiểu nhỏ được các Sư cô chùa Lâm Quang bế theo trên
tay vì “các cô ở chùa đi hết không có ai chăm sóc”, Sư cô tươi cười
cho biết. Trong số gương mặt trẻ năng động có Sư cô Tuệ Huy chùa Khánh
Long (Q.4), quê ở Quảng Trị, người đã xông xáo không ngừng công việc
chuyền những vật phẩm lên xe với đôi tay thoăn thoắt. Tôi đến bên cô và
được biết những dòng cảm xúc từ cô thật cảm động: “Cô đã thao thức mãi đợi
chuyến đi này. Cô mong chuyến cứu trợ cho cô thu thập nhiều hơn về mọi
kiến thức cuộc sống và về người dân ở nơi đó”. Cô cho biết 1 giờ
sáng cô đã thức vì không ngủ được.
Thật lòng đây là lần đầu tiên chúng tôi ra miền Trung, mà cũng là lần đầu
tiên TN sinh khóa VI của HVPGVN do ĐĐ.Thích Quảng Thiện, Trưởng phòng Sinh
viên vụ HVPGVN tại TP.HCM đại diện cho Hội đồng Điều hành trường làm
trưởng đoàn. Trên đường đi, chúng tôi dừng chân ở Ni viện Diệu Quang (Nha
Trang) và chùa Phước Điền (Phú Yên), chùa Linh Sơn (Hội An) và gia đình
Phật tử Xuân Phước tại TP.Đà Nẵng…
Trong cuộc hành trình dài trên 1.000km, chúng tôi đều gặp những tấm lòng
hiếu khách của TN, Phật tử mỗi khi ghé qua. Những tấm lòng nơi đây thật
đẹp nhưng hoàn cảnh sống của họ thì quá đỗi khắc nghiệt. Khi chúng tôi
trên đường tiến gần đến trung tâm bão đã chứng kiến không biết bao nhiêu
cảnh tiêu điều và xơ xác xảy ra với những người dân. Vì là một trong những
đoàn cứu trợ đến sớm nhất nên hình ảnh đổ nát của những mái nhà và chùa
quanh đây gần như vẫn còn nguyên vẹn tại hiện trường. Nhất là khi tiếp cận
với điểm trung tâm của cơn bão tại những vùng ven biển của TP.Đà Nẵng còn
ngổn ngang bao thứ đổ nát thì không thể nào diễn tả hết được.
|
|
|
Tăng Ni sinh tặng quà cho đồng bào bi thiên tai |
Họ
đã liên tiếp gánh chịu những hậu quả thảm khốc từ thiên nhiên. Vừa thoát
cơn bão số 1 đã cuốn trôi và chôn vùi hàng trăm ngư dân vào lòng biển, bây
giờ cơn bão số 6 lại tiếp tục tàn phá trên hàng ngàn ngôi nhà và ruộng
vườn, khiến cho hàng ngàn gia đình phút chốc lại trở thành tay trắng, lâm
vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhìn những gian nhà đổ nát, tốc mái, xiêu vẹo,
những hàng cây bị các cơn gió xoáy vặn gãy ngang ở ven đường trông càng
thảm hại vô cùng, thật xót xa cho người dân xứ biển. Gió lạnh thổi từng
hồi lạnh buốt trong cơn bão, những cảnh đổ nát cứ nối tiếp nhau hiện ra
trong tầm mắt chúng tôi. Đoàn chúng tôi lại đến điểm tập trung để tặng quà,
ở đó có những cụ già quần áo mỏng manh, thân hình gầy còm, những em bé mặt
mũi lem luốc đã tập hợp lại rất đông từ tờ mờ sáng.
|
Người
dân nhận quà trong niềm cảm mến |
Khi
được chúng tôi thăm hỏi về tình hình sau cơn bão, một phụ nữ trạc tuổi 40
sau khi nhận phần quà đã tâm sự với chúng tôi: “Nhà thì nghèo, bố các bé
mất sớm, tôi chắt chiu nuôi 3 con ăn học. Cơn bão đi qua đã quét sạch mọi
thứ, không biết tôi có thể nuôi nổi 3 đứa nữa không. Tôi rất biết ơn đoàn
đã đến khích lệ và có quà hỗ trợ với tấm lòng tương thân tương ái”. Thế
nhưng những mảnh đời bất hạnh đâu chỉ dừng lại ở đây. Một cụ già cho biết:
“Khổ lắm quý thầy, cô ạ! Nghèo mà lại mắc thêm cái eo. Năm nay tôi đã 86
rồi, con cái không có, chỉ có căn nhà lụp xụp sống tạm thôi. Bão đi qua,
tôi chẳng còn gì hết”. Chúng tôi hỏi thêm, thế thì bà cụ tính thế nào? Cụ
bà cho biết thêm: “Biết tính thế nào bây giờ, hiện tại chúng tôi chỉ biết
làm sao kiếm miếng cơm để ăn mà sống qua ngày thôi thầy, cô ạ. Tôi xin
thay mặt bà con nơi đây chân thành cám ơn đoàn đã đến động viên và phát
quà rất đúng lúc, chúc đoàn thượng lộ bình an”. Những cảm giác xót xa và
chia sẻ, cảm thông bỗng tràn về trong lòng chúng tôi khi nghe và nhìn cảnh
sống của những người dân vùng bão lũ. Đoàn đã phát quà cho nhân dân ở 4
điểm: Sơn Trà, Diên Thọ, Cẩm Lệ thuộc TP.Đà Nẵng và một điểm tại xã Cẩm
Nam, Hội An, tỉnh Quảng Nam. 600 phần quà đã đến tận tay những người dân
bất hạnh sau cơn bão đi qua với tình thương máu chảy ruột mềm. Tuy cuộc
hành trình gian nan và mệt mỏi nhưng chúng tôi cảm thấy niềm thanh thản
tràn ngập cõi lòng khi từng nụ cười chia tay nở trên môi của những người
dân xứ biển.
Chúng tôi chắc rằng vẫn còn rất nhiều
tấm lòng nhân ái sẽ giang tay giúp đỡ cho những gia cảnh bất hạnh sau cơn
bão quét với tinh thần lá lành đùm lá rách. Mong rằng vạn nẻo tương lai,
những tâm hồn đẹp sẽ sáng hoài ngàn năm.
http://www.buddhismtoday.com/tuthien/bao6_xangsane.htm