Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Cảm nhận từ những chuyến đi cuối năm Ất Dậu
Tâm Phương

Sau khi buổi thuyết giảng cuối cùng về kinh Trung Bộ của năm 2005 vào ngày chủ nhật tại chùa Xá Lợi do thầy Thích Nhật Từ thuyết giảng kết thúc, khi ra về Thầy có nói chuyện với một Phật tử là Thầy cùng với một số người Phật tử chuẩn bị một số chuyến đi giảng kết hợp mang theo những móm quà tặng cho những người nghe giảng cuối năm, mà những món quà này là do sự đóng góp của nhiều người có tấm lòng muốn chia sẽ với những người đang sống tập trung hơn 350 người tại vùng đất  xã Đồng Nơ -Tân Hiệp - Bình Phước vào ngày 19 thnág 01 năm 2005, và ngày 24 tháng 01 năm 2005 cũng có một chuyến đi giảng và tặng quà cuối năm. Lúc đó tôi xin Thầy cho con cùng đi với được không Thầy? và Thầy đã cho phép.

Những chuyến đi thăm viếng và tặng quà vào những ngày cuối năm 2005

Ngày 19 tháng 01 năm 2006 ( nhằm ngày 18 tháng 12 năm Ất Dậu) đoàn xe bắt đầu lăn bánh khởi hành lúc 5h30 sáng theo hướng từ Tp. Hồ Chí Minh đi về vùng đất Tân Hiệp – Phước Long -Bình Phước cách Tp. HCM khoảng 140 km. Khi xe ngừng lại tôi biết đã đến nơi,  tôi quan sát và thấy đây là vùng đất rất rộng, và có những dãy nhà mới xây theo từng khu, thì ra đây là trung tâm Bảo Trợ Xã Hội – Tân Hiệp – Bình Phước.

Thầy Thích Nhật Từ đang giảng tại trung tâm Bảo Trợ Xã Hội

Tôi nghĩ chắc có lẻ ít ai biết đến vùng đất này, vì nó quá xa cách Tp. HCM, chỉ có những người có một tấm lòng biết nghĩ đến người khác, biết chia sẽ những niềm vui đến với mọi người thì mới có thể đi đến nơi này vì biết họ đang cần sự trợ giúp từ vật chất lẫn tinh thần, trong số người đang sống tại trung tâm này phần lớn là những người có hoàn cảnh không may rơi vào tình trạng khốn khó, không nơi nương tựa, hoặc người mang thương tật mất khả năng lao động đều được tập trung lại sống tại trung tâm tình thương này.

Ngày 24 tháng 01 năm 2005, trong buổi sáng đoàn đi đến Trung Tâm Nuôi Dưỡng Bảo Trợ Người Già và Tàn Tật  Thạnh Lộc , Quận 12, Tp. HCM, ở trung tâm này tập trung nuôi dưỡng khoảng 600 người.

Các cô bác tại trung tâm đang lắng nghe thầy Thích Nhật Từ giảng

Buổi chiều đi đến Trường Nuôi Dạy Thanh Thiếu Niêm III- Gò Vấp, Tp. HCM. Tại đây hiện đang tập trung nuôi dạy cho khoảng 300 em mồ côi và trẻ em sống lang thang trong độ tuổi 8 đến 12 tuổi.

Thầy Thích Nhật Từ động viên và chúc tết các em tại trung tâm

Trong đoàn cùng đi tôi thấy sự có mặt tham gia của TT. Thích Thiện Chiếu – trụ trì chùa Kỳ Quang II – Gò Vấp; Đ.Đ Thích Nhật Từ – trụ trì chùa Giác Ngộ- Quận 10; Ni sư Thích Nữ Lệ Phát trụ trì chùa Châu An – Gò Vấp; nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn – Phó tổng biên tập Báo Công An Tp. HCM, cô Trang Thị Sương Mai uỷ viên Hội Bảo Trợ Người Tàn tật và Trẻ Em Mồ Côi, vợ chồng chủ tiệm cơm tấm An Dương Vương – quận 5,  và hai Phật tử việt kiều Canada  cô Diệu Tịnh, và phật tử người Úc là cô Hải Hạnh đều là đệ tử của Thầy Nhật Từ, hai người đã ủng hộ tài trợ chính cho những chuyến đi này tổng giá trị hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn thấy sự có mặt của nghệ sĩ Bảo Quốc và nghệ sĩ tiểu Bảo Quốc cũng có mặt tại trung tâm và những người khác  cùng đi chung trong đoàn.

 

Những tấm lòng thể hiện tình thương yêu con người.

Từ bên phải TT. Thiện Chiếu, Ni sư Lệ Phát, Phật tử Diệu Tịnh, ĐĐ.Thích Nhật Từ.
(Đang trao tặng những chiếc máy niệm Phật cho các vị ở trung tâm tại Tân Hiệp)

Đường đi tuy khá xa nhưng khi vừa xuống xe thì Thầy Nhật Từ bắt đầu ngay bài nói chuyện của mình với chủ đề: Triết Lý Sống Qua Ngụ Ngôn Con Chó giảng tại Bình Phước. Trong ngày 24 Thầy giảng chủ đề rất là thực tế: Làm Thế Nào Để Đối Diện Tuổi Già Trong Hạnh Phúc, tại trung tâm Thạnh Lộc Quận 12 và buổi chiều thì Thầy kể chuyện về những mẫu chuyện thật có ý nghĩa trong cuộc sống cho các em nghe sau khi các em đã được vợ chồng chú Hoàng chủ tiệm cơm tấm An Dương Vương, cùng với cô Sương Mai cho các em ăn tất niêm với cơm sườn , uống nước Coca thật là ngon. Không biết ở những nơi khác, những đơn vị tài trợ khác khi tổ chức đi tặng quà cho các trung tâm như thế này có tổ chức những buổi thuyết giảng hay không? Nhưng đặc biệt lần này tôi thấy sự kết hợp giữa việc trao tặng những phần quà bằng vất chất cụ thể bao gồm những nhu yếu phẩm cần thiết và thiết thực, mà còn được nghe những bài nói chuyện về triết lý cuộc sống, về những phương pháp đối diện với nỗi khổ niềm đau hay nhận thức bản chất cuộc đời, và những giá trị về cuộc sống qua sự truyền đạt rất dễ hiểu và sâu sắc của một vị giảng sư trẻ trong thời hiện đại, với tinh thần phục vụ đầy tâm huyết trong sự nghiệp nghiên cứu, và giáo dục, Thầy đã từng đi giảng dạy tại các trường phật học, các giảng đường trong nước và ở nước ngoài.

Trong chuyến đi tặng quà cuối năm tại các trung tâm này tôi thấy có một điểm rất hay và rất mới so với trứơc đây chỉ có tặng quà mà thôi, nhưng trong những lần này vừa đem lại những niềm vui bằng vật chất mà còn được tặng thêm những món qùa tinh thần vô cùng quí giá qua bài thuyết trình của ĐĐ Nhật Từ, tôi quan sát thấy họ ngồi lắng nghe một cách chăm chú, và họ nhìn hình ảnh các quí Thầy, quí sư Cô, dường như đối với họ chưa quen nghe những bài pháp thoại rất sâu sắc của đạo Phật, cho nên vẫn còn một số người lơ đễnh và chỉ quan tâm loay hoay đến những phần quà mà sư Thiện Chiếu đang đi trao tận tay cho từng người. Họ có biết đâu rằng một phần quà có thể giúp họ sống trong ê4vài tháng là hết, nhưng nếu nghe được một điều hay lẽ phải, có ý nghĩa cho cuộc sống thì có thể giúp họ chuyển hoá tâm hồn và tự họ giúp họ cải tạo cuộc sống cả đời, hoặc thậm chí có người khi nghe một bài pháp thoại thôi đã có sự thay đổi về nhận thức, về tư duy về cuộc sống và sống một cách tích cực hơn, sống có ý nghĩa hơn, trở thành những con người có ích hơn trước đây, trước hết là họ sống có ích cho bản thân họ, không bi quan chán đời, buông lung, nham hiểm, độc ác, ích kỷ…

Theo Phật giáo cứu người là cứu tâm hồn của họ mới là điều quan trọng nhất. Chữa lành vết thương tâm hồn khó hơn nhiều so với chữa lành vết thương thể xác. Chính vì vậy mà những người đệ tử của đức Như Lai Thế Tôn, hay cụ thể hơn đó là những nhà sư, những giảng sư Phật giáo đang làm những công việc đó một cách thầm lặng không công cho cuộc đời, cho con người và cho thế giới, đây là những món quà thật có ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc và đem lại sự ấm cúng trong những ngày cận tết của năm Ất Dậu này. Chúng ta biết rằng nhu cầu về vật chất và nhu cầu thăng hoa đời sống tinh thần là hai yếu tố giúp cho con người tồn tại và sống có hạnh phúc. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì cuộc sống trở nên khập khễnh, bấp bênh và không tồn tại một cách bền vững.

Tôi thiết nghĩ không chỉ có một, hai, ba buổi thuyết trình ở một số trung tâm mà các nhà chức trách nên tổ chức mô hình này đến một số trung tâm đặc biệt trong các trại tập trung như nhà tù, các trung tâm cai nghiện, các trung tâm phục hồi nhân phẩm…Bởi vì thông qua hình ảnh của những vị Tu sĩ Phật giáo thuyết trình sẽ tạo ra ảnh hưởng tâm lý tích cực và có tính thuyết phục rất rõ, đó là sự thật mà tôi quan sát được. Theo cô Sương Mai (vị hôn thê của nhà báo Trần Tử Văn và cũng là trưởng đoàn) cũng cho biết thêm, từ khi có các vị Thầy được mời đến đến trung tâm này thuyết  trình, nói chuyện thì họ giảm bớt sự căng thẳng buồn chán và con người trở nên hiền hoà hơn trước đây rất nhiều. Vì thế bên cạnh trợ giúp bằng vật chất, nên thường xuyên tổ chức những buổi thuyết trình về ý nghĩa cuộc sống và nghệï thuật sống hạnh phúc an lạc trong những điều kiện mình đang có, và đạo Phật có thể cung cấp cho con người rất nhiều phương pháp giúp cho con người sống một cách điềm tĩnh và an vui hạnh phúc.

Sau bài thuyết giảng của Đ.Đ Thích Nhật Từ là tiểu phẩm hài của nghệ sĩ Bảo Quốc. Ngoài ý nghĩa đem lại những nụ cười rạng rỡ sảng khoái mà còn có ý nghĩa đầy tính nhân văn về cuộc sống con người.

Hành động chia sẽ những nỗi khổ niềm vui được thể hiện đầy đủ trong ba giá trị Chân-Thiện-Mỹ.

Khi muốn trao vật gì đó cho ai hoặc tặng  cái gì đó cho người mình thương thì phải đến gặp người ấy để trao tặng tận tay…thì mới đầy đủ ý nghĩa. Ở đây, tôi thấy hình  ảnh những người đi trong đoàn đang trao quà cho từng người một, đã thể hiện tinh thần tình thương yêu giữa con người đối với con người, thông qua cách thức đưa bằng hai tay một cách trân trọng đến những người đang có nhu cầu cần trợ giúp. Đó là cái đẹp trong cách thể hiện bày tỏ tình thương thật sự, đặc biệt những người trao những món quà không hề nghĩ rằng mình là người ban ơn cho người khác mà đó là những tấm lòng đồng cảm với nhau khi mà hoàn cảnh khách quan đưa đẩy đến hoặc trong những lúc không làm chủ được bản thân mà không may rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Họ là những người đang cần sự giúp đở trong những lúc như thế này hơn ai hết. Tôi thấy có những nụ cười xuất hiện khi tiếp nhận những món quà, có người rơi nước mắt, cảm động trước những tấm lòng của những người bày tỏ sự cảm thông và chia sẽ. Chỉ cần quan sát hình ảnh ấy thôi cũng làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc dâng trào lên và nó trở thành một động lực thúc đẩy trong tôi một mảnh lực tinh thần cần phải làm một điều gì đó nhiều hơn nữa. Cho nên những ai có lòng hảo tâm muốn chia sẽ nỗi đau với những người mà những người

đang có nhu cầu thì hãy đến tận nơi tại các trung tâm để thiết lập được mối quan hệ tình con người với nhau, Khi đi tiếp xúc trực tiếp như vậy, lúc đó tôi mới cảm thấy cuộc đời này có những người đang cần sự chia sẽ, đang cần sự cảm thông, từ đó không cho phép chỉ biết sống cho riêng mình nữa mà mỗi một hành động của chúng ta, việc làm của chúng ta phải nghĩ đến lợi ích cho bản thân mình và cho người khác bằng cách giảm bớt những phần chi tiêu xa xỉ không cần thiết  cho bản thân.

Không ai muốn mình là nạn nhân của những người chỉ biết nhờ vào sự giúp đở của người khác mãi, đó là tâm sự của người trong cuộc mà tôi đã được tiếp xúc. Qua trao đổi một số người tôi thấy mỗi người mỗi cảnh thật là thương tâm, họ không còn cách nào khác hơn.

Hành động biết chia sẽ cho người khác kém may mắn là hành động mang đầy ý nghĩa nhân văn và nhân bản, hay nói khác hơn là hành động đầu đủ cả ba yếu tố của chân thiện và mỹ. Trong đó yếu tố mỹ bao hàm cả chân và thiện. Một hành động chỉ có chân và thiện không thôi thì hành động đó chưa có giá trị trọn vẹn. Do đó yếu tố mỹ rất quan trọng thể hiện trong các mối quan hệ tình người mà từ xưa đến nay không ai dám phủ nhận.

Những  nụ cười của những người tặng quà và người được tặng quà.

Nghệ sĩ Bảo Quốc và tiểu Bảo Quốc đang diễn giúp vui cho trung tâm.

Sau khi nghệ sĩ Bảo Quốc đem lại cho họ những tiếng cười cuối năm. Đoàn thu xếp chuẩn bị lên xe để ra về khoảng 1h trưa đoàn rời khỏi trung tâm để tìm đến một quán ăn cơm trưa đã được chuẩn bị trước. Vừa đói bụng nhưng rất vui. Niềm vui đó thể hiện rất rõ trên những gương mặt với những tiếng tung hô đụng ly “Vô,Vô” khi uống những ly nước Cocacola rất vui vẻ thoải mái. Lúc đó tôi chợt nhớ đến bốn câu trong bài hát Chuyện ngày xưa, Chuyện ngày nay, của nhạc sĩ Thế Hiển có lẽ đã trở thành sự thật:

“Cuộc đời là hạnh phúc/ Không ai sống riêng ai/ Cuộc đời là hạnh phúc/ Hãy sống vì mọi người”. Hạnh phúc không nằm ở tài sản của cải vật chất  dồi dào (vì người giàu cũng khóc mà) (ở đây tôi không phủ nhận sự giàu có, nhưng nó không phải là cứu cánh của hạnh phúc chân chính) mà hạnh phúc thật sự là người đang có điều kiện, mà biết chia sẽ cho những người khác chưa có được những hạnh phúc như mình, khi biết chia sẽ thì hạnh phúc sẽ được nhân đôi. Đây là những  kinh nghiệm thực tế mà những người đang làm công việc chia sẽ đã tâm sự với tôi. Khi cảm xúc đau khổ xuất hiện thì đừng ngồi đó mà than thân trách phận sẽ không có ích gì cả thậm chí nỗi đau càng gia tăng nhiều hơn, lúc đó hãy tìm việc gì đó có ý nghĩa để làm tuỳ theo khả năng của mình đang có. Khi làm được việc gì đó đừng nghĩ làm cho mình mà hãy chuyển ý niệm rằng khi làm việc gì đó, hay bất cứ việc gì thì người khác cũng đang được lợi ích, cho nên phải làm cho chu đáo và cẩn thận một cách có trách nhiệm trong mối quan hệ giữa mình và người thì công việc làm ấy cảm thấy không buồn chán mà còn tăng thêm sức mạnh tinh thần một cách kỳ lạ. Nếu không tin thì hãy thử làm xem.

 Kết thúc chuyến đi đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp trong tâm hồn và tôi sẽ động viên một số bạn bè cùng những người thân hãy tham gia vào những công việc làm có ý nghĩa này. Và những ai có cùng tâm nguyện có nhu cầu cần chia sẽ thì hãy tập trung lại và cùng nhau thường xuyên tổ chức những chuyến đi tặng quà tại các trung tâm mỗi tháng hoặc trong các dịp lễ lớn, Tết …thì liên hệ với Thầy trụ trì chùa Giác Ngộ, Đại Đức Thích Nhật Từ 

-Địa chỉ tại số 92 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 3, Quận 10,  Tp. Hồ Chí Minh.
-Điện thoại : (08) 830 9570 – ĐTDĐ: 0908 153 160.
-Email: thichnhattu@yahoo.com; buddhismtodayinc@yahoo.com

http://www.buddhismtoday.com/tuthien/camnhan_cuoinam.htm

 


Vào mạng: 10-2-2006

Trở về mục Từ Thiện

Đầu trang