Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Chuyến Xe Chở Nặng Tình Thương
 
                            “Nửa đời phiêu bạt tha phương                           
Thoảng nghe quê mẹ trĩu vương tấc lòng”.
Chúng tôi - những trái tim thiện nguyện của những người con xa xứ đang rộn rã chuẩn bị cho một cuộc hành trình trở về quê cũ sau những tháng ngày xa cách lắm nhớ thương với mục đích là tham dự lễ giỗ Tổ và hoạt động từ thiện tại quê nhà.
Buổi mai hôm ấy, khi đất trời đang chìm trong yên tĩnh, màn đêm còn dày phủ không gian, anh chị em chúng tôi đã khăn gói lên đường. Những phần quà giản dị gồm gạo, mì gói, tập vở…đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn và đưa lên xe. Đúng 6 giờ 30 phút, khi ánh bình minh xuất hiện xoá sạch những tối tăm ô trược của màn đêm thì xe chúng tôi đã từ từ chuyển bánh.

Biết bao niềm vui, biết mấy bồi hồi, anh chị em chúng tôi ai nấy đều hân hoan cho cuộc sống mới mà nơi đó chiếc xe đò là nhà, tình huynh đệ là tình thương huyết thống, nuôi sống nhau bằng những cái bánh giò nguội, bánh bao chiều mà thương nhau chi lạ!
Ròng rã suốt một ngày đêm, sáng hôm(13/2) sau chúng tôi dừng chân tại chùa Tịnh Quang thành phố Đà Nẵng, nồi canh bún và những cuốn cơm xu xi đã giúp chúng tôi no lòng để tiếp tục chặng đường còn lại.

Và rồi, chiều hôm đó, đúng 2giờ 30 phút chúng tôi đã có mặt tại chùa Phật Học (chùa Tỉnh Hội), đây là ngôi chùa Tổ tuy không tráng lệ nhưng rất uy nghiêm đang sừng sững bên dòng sông Thạch Hãn hiền hoà. Với những món bánh lọc, vả chắm  chao cũng đủ no lòng những người con xa xứ trong ngày đầu trở về thăm quê mẹ. Và nơi đây, chúng tôi lại tiễn nhau về thăm ba mẹ trong niềm khắc khoải nhớ thương.
Đêm hôm nay(13/2) có lẽ là đêm mà anh chị em chúng tôi hạnh phúc nhất khi được quây quần bên bếp lửa hồng để nhìn lại gương mặt ngày một già nua của ba mẹ, hay cái nhìn thương mến của người anh, người chị, người em.
Tuy vậy, thời gian không cho phép chúng tôi nhiều, trong niềm lưu luyến của người  thân, chúng tôi tạm gác lại để cùng nhau trở về chùa Đại An bắt đầu chương trình của chuyến Về Nguồn đúng như mục đích.
Đúng 13giờ 30 chiều 14/2, chúng tôi đi đảnh lễ chư Tôn đức ở tỉnh Quãng Trị. Sắc Tứ Tịnh Quang là ngôi tổ đình mà chúng tôi đến đầu tiên. Nơi đây là sự kết tinh của những trái tim, của những người con xuất thân từ quê hương Quãng Trị đang sống trên khắp năm Châu. Quỳ trước di ảnh Tổ, chúng tôi nghiêm mình nghe lời giáo huấn của Hoà thượng trụ trì, Ngài đã rất hoan hỷ và tán thành những công việc mà chúng tôi sắp làm trong chuyến Về Nguồn này.

Giã từ Sắc Tứ Tịnh Quang, chúng tôi lại đến chùa Long An. Trong cái nắng gắt của xứ Quãng Trị, anh chị em chúng tôi cuốc bộ suốt hơn một cây số dọc theo những lối mòn của làng, chúng tôi ai nấy cũng mệt nhoài, mồ hôi  nhễ nhại nhưng trên môi vẫn nở nụ cười. Và cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi mình cần đến. Lòng chúng tôi bổng thấy nhẹ nhàng và thanh thản trước một ngôi chùa đang xây dựng dỡ dang ở bên bến sông Thạch Hãn. Y áo chỉnh tề, chúng tôi  quỳ dưới tôn dung của đức Từ Phụ, bên bóng áo nâu của thầy trụ trì (Thượng toạ Thích Hải Tạng), chúng tôi lắng lòng trong giây phút để nghe những lời chỉ  giáo của Thầy, như những đám ruộng khô cằn trong tiết hạ bổng gặp một trận mưa trút nước của chiều đông. Với giọng nói trầm ấm, Thầy đã nhắc nhở anh chị em chúng tôi biết trân trọng hơn cuộc đời tu hành của mình. Thầy bảo: “ tất cả anh em là kho báu của chính chúng tôi, là kho báu của quê nhà, vì là nho báu nên chúng tôi luôn trân quý và vì trân quý nên chúng tôi luôn sợ nó mất đi…”.
Bấy nhiêu lời thôi cũng đủ cho anh chị em chúng tôi biết được giá trị của chính bản thân mỗi  người rồi. Thầy trò chúng tôi quây quần trong khoảng thời gian hạn chế, chưa kịp rót cho nhau tách trà thì phải chia tay nhau để tiếp đến chùa Bích Khê.
          Bích Khê là một ngôi chùa Ni, dù chưa có cổng Tam Quan, nhưng không vì thế mà giảm đi  phần uy nghiêm. Ni sư trụ trì nơi đây rất giản dị, lời ăn tiếng nói tuy không hoa mỹ nhưng đã chuyển tải những đức hạnh từ thân giáo của Người đến chị em chúng tôi. Giã từ Bích Khê, trên con đường còn thơm hương mạ non, chúng tôi trở về Đại An với bữa cơm chiều rau tương đạm bạc.
          Sau bữa cơm chiều ấy, chúng tôi chia nhau thành hai nhóm để đi sinh hoạt giao lưu với các gia đình Phật tử, một ở chùa Đại An và một ở chùa Chánh Giác (Nhan Biều). Ở đó, chúng tôi đã bộc bạch tất cả tâm sự của những người con xa xứ và lồng vào đó là những lời Phật dạy mà chúng tôi đã có dịp học qua để chia sẻ với các đạo hữu ở nơi này. Buổi tọa đàm kết thúc trong tình yêu quê hương và tình thương của những người con Phật. Nồi bánh canh bột gạo đã tiễn bước chúng tôi trong đêm tối trở về Đại An để kết thúc một ngày nơi đất mẹ.
          Sau một đêm không dài, tiếng đại hồng chung đã vang vọng thúc giục anh chị em chúng tôi bắt đầu cho một ngày mới. Khi đất trời còn chưa sáng, làn khí lạnh vẫn còn rơi, chúng tôi đã vội vã khuân vác những phần quà đưa lên xe chuẩn bị cho ngày từ thiện đầu tiên ở làng An Hội.
Dọc theo con đường làng hai bên xanh màu lá mạ đã đưa chúng tôi đến với làng An Hội (Triệu Lăng). Chùa có tên An Hội  nằm lặng lẽ trên đôi cát trắng giữa “thành phố đợi chờ”. Bàn chân lún sâu dưới từng lối cát, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển những phần quà đến tay những đồng bào ở đây.

Trong niềm hân hoan ấy, tôi cảm tác rằng:
 
“An Hội sáng ni thật rộn ràng
Trên mặt ai nấy cũng hân hoan
Đón Tăng Ni  trẻ –con viễn xứ
Về đây chia sẻ cảnh cơ hàn.
          Món quà tuy chẳng có là bao
          Gạo, tập, mì gói tổng hợp vào
          Thêm chút tình thương người con Phật
          Gởi đến bà con vui biết bao!”.
Chia tay bà con ở làng An Hội, chúng tôi trở trở về An Trú. Nơi đây bữa cơm đạm bạc với những dĩa rau dền luộc, môn ngọt bóp…cùng với  những cây ổi say trái của nhà Sư cô Diệu Hằng đã níu gót anh chị em chúng tôi ở lại. Thật không có gì bằng tình quê hương với những gốc mía, giàn bầu cũng đủ làm nao lòng lữ khách tha hương. Chiều hôm đó, khi hoàng hôn từ từ buông xuống, thành cổ Quãng Trị ẩn hiện những nét uy linh, chúng tôi dừng chân đốt nén tâm hương dâng lên những anh linh người cha, người anh đã quên mình nằm xuống để cho chúng tôi có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.
Tôi chợt ngậm ngùi trước nấm mồ chung, mà nơi đó đã vùi chôn biết bao nhiêu sự hy sinh mất mát, này tình mẹ con, đây tình đồng đội, và chua xót hơn cho những tình yêu vừa chớm nở lại vội tắt lịm ngàn năm…
                            “Hoàng hôn giăng tím góc trời                           
Uy linh Thành Cổ nhớ người ra  đi
Thời gian còn lại những gì
Chỉ  còn  đồng cỏ xanh rì nhớ thương
Linh đài nghi ngút khói hương
Nhất tâm tụng biến Vô Thường tiễn nhau.”
                                                (Thành Cổ chiều 15/2/Kỷ Sửu)
Là những người con xuất thân từ miền đất Quãng Trị nhưng mấy ai trong chúng tôi đã biết được nơi này. Với thế âm dương hoà hợp, mang đậm nét tâm linh, làn khói hương nghi ngút chuyển tải những tâm tư, tình cảm của anh chị em chúng tôi đến với những người đã khuất.

Đúng như nhà thơ Lê Bá Dương đã từng nói:
“Đò lên Thạch Hãn…ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sông nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm”.
Rời thành cổ trong sự bùi ngùi, chúng tôi trở về Đại An và buổi Pháp đàm tối hôm đó đã kết thúc thêm một ngày nữa.
Một ngày mới lại bắt đầu, sáng hôm nay (16/2) chúng tôi đưa nhau đến với một vùng sâu xa thuộc huyện Hướng Hoá. Đây niệm Phật đường Trung Sơn Tài tọa lạc tại  xã Tân Lập, Hướng Hoá - vùng đất núi dung hoà đồng bào Kinh lẫn đồng bào Vân Kiều rất thân thương làm chúng tôi cảm thấy mát dạ dù ngoài kia trời vẫn nóng như rang.

          Từ Trung Sơn Tài, chúng tôi  tiếp tục ghé thăm nhà tù Lao Bão. Dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa, phảng phất chút gió Lào, chúng tôi ngơ ngác trước cảnh một nhà tù hoang tàn đỗ nát đã mấy mươi năm. Nhà tù Lao Bảo được xây dựng năm 1908, thực dân Pháp chọn chôn “thừa thải sự khắc nghiệt” này để giam cầm, hòng làm giảm ý chí chiến đấu của các Sĩ phu yêu nước. Đây cũng là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng, mà sau này là những vị lãnh đạo cao cấp  của Đảng và Nhà nước[1]. Nơi đây biết bao con người đã chịu nỗi đớn đau của những đòn roi vọt  để đem lại sự  điều rằng:
          “  Đã đến đây rồi Lao Bảo ơi
Cảnh vật xé nát trái tim tôi
Vang vọng dư âm từ quá khứ
Bao tiếng kêu la xé đất trời.
 
Giã từ Lao Bảo lòng trĩu nặng
Ta quyết tâm tu để cứu đời
Rừng hoang nắng rọi xuyên kẽ lá
Trĩu lòng suy nghĩ phút đầy vơi…”
          Rời nơi đây, chúng tôi lại đến tham quan khu thương mại Lao Bảo, có lẽ đây chỉ là một cuộc du ngoạn xem đồ mà thôi, vì anh em chúng tôi không ai mua được một thứ chi cả ngoài việc đổi những đồng tiền Lào làm kỷ niệm…(khà khà…).

          Tiếp  theo, chúng tôi qua thăm biên giới Lào. Một điều mà tôi không thể quên được đó là nghiệt nỗi chúng tôi không có Visa, những tưởng sẽ bị bỏ lại  ở cổng biên giới để “ngước mắt trông qua nước bạn thôi!”. Thế là anh chị em chúng tôi rủ nhau đi chụp hình lưu niệm. Trong đoàn chúng tôi, chỉ có hai  sư anh là Nguyện Minh và Quảng Thắng là có Visa, thế là hai sư anh cứ thoả thích kè vai, tung tăng đưa nhau sang nước bạn làm tôi thấy ganh tỵ quá đi thôi! Hên quá! Sự xuất hiện của Đại đức Từ Luận đã giúp cả đoàn chúng tôi cùng sang biên giới một cách an toàn. Nơi đây không gì ấn tượng cho lắm ngoài cái nắng khắt khe và ngọn gió Lào làm rát mặt. Khà, khà, khà…cả xe chúng tôi ồ lên trước cảnh đời éo le khi người có Visa thì phải lội bộ thê thảm, còn kẻ tay không lại được đưa đón bằng xe. Hai sư anh Nguyện Minh và Quảng Thắng trông thật tội nghiệp, mồ hôi nhễ nhại  khuôn mặt đỏ bừng đang ngồi  bên quán nước xứ Lào. Ôi chao! Trà Dr. Thanh của Lào ngon tuyệt! ngon hơn Dr.Thanh của nước Việt nhiều,“tôi ghẹo”.
          Chúng tôi đến thăm một ngôi chùa Lào, nhà Sư nơi đây có những lời giáo huấn nhưng chúng tôi không hiểu, bởi sư nói tiếng Lào.

          Rời nước bạn, chúng tôi quay về niệm Phật đường Khe Sanh để giao lưu sinh hoạt Phật Pháp với các Đạo hữu nơi đây. Thời gian chúng tôi dừng chân tuy không bao lâu nhưng cũng đủ để lưu lại những gì thân thương nhất giữa chúng tôi với đồng bào Phật tử xứ này:
“Giữa trời oi bức tôi ghé thăm
          Tân Thuận Sơn Tài xứ khe Sanh
          Bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến
          Bên bóng áo lam đượm thắm tình.
 
          Này Mệ, này O với cả Dì
Này Chú, này Bác đông dữ ri!
Ừ hí, Khe Sanh tuy xa thiệt
Nhưng mà không thiếu hương Từ bi”.
 
          Khi bóng đêm dần buông, chúng tôi cũng giã từ Khe Sanh, kết thúc ngày thứ 4 của chuyến đi này.
          Và sáng nay (17/2), sau khi điểm tâm ở chùa Đại An, anh chị em chúng tôi lại tiếp tục đi vào Hải Lăng. Đến Đông Dương - một vùng đất bao dung những tấm lòng đầy tình thương chân quê mộc mạc, được thể hiện qua từng dĩa dưa môn giúp chúng tôi no lòng sau một buổi làm việc.
“Tôi đến Đông Dương một sáng ngày
Bên đường đồng mạ gió hây hây
Một miền cát trắng vùng Quãng Trị
Thấm đượm tình thương chính ở đây.
 
Hai hàng Phật tử vui chào đón
Tăng Ni tề tựu đến nơi này
Trao niềm an lạc trong Chánh Pháp
Dưới ánh Từ quang vui sum vầy”.
 
          Chiều tối hôm ấy, chúng tôi cùng nhau có mặt tại Chiêu Linh Đài (Đại Lộ Kinh Hoàng) để kịp tham dự lễ đốt nến kỳ siêu cho những anh hùng chiến sĩ vị quốc vong thân và đồng bào tử nạn. Trời nhá nhem tối, khí trời đã lạnh nay càng lạnh hơn, kịch sao nỗi sự linh cảm giữa hai cảnh giới âm dương: “Hỡi chư Hương linh! Lúc này đây, chúng tôi cảm nhận được sự hiện hữu của quý vị qua làn gió phảng phất đêm xuân, qua bóng mây lang thang vô định, qua sự lung linh của ngọn nến hồng lạp trên tay..”

Trong làn khí lạnh với những giọt mưa lất phất, đêm cầu nguyện đã xong, anh chị em chúng tôi lại trở về Đại An để chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ tại Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang.
Sáng hôm ấy (18/2), trong cái rét cắn răng, chúng tôi quy tụ về tháp Tổ để làm lễ tưởng niệm ngày huý nhật, đồng thời ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của vị Tổ khai sơn. Đây cũng là dịp giúp chúng tôi biết rõ hơn về Tông phong Tổ Ấn của mình.
Rời Sắc Tứ Tịnh Quang, đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Chùa Cam Lộ. Ở đây, chúng tôi đã cùng với  Hoà thượng trụ trì Thích Thiện Tấn và Thượng toạ Thích Viên Giác chung tay trao những viên thuốc cảm, những chai dầu gió…đến với  bà con nghèo. Suốt một ngày đêm ròng rã, chúng tôi lại giã từ Cam Lộ và trở về Đại An để tham dự lễ Bá Nhật chi tuần của Hoà thượng Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Quãng Trị, và cũng chính chiều hôm đó (20/2) đoàn chúng tôi bùi ngùi giã từ vùng đất mẹ yêu thương, để trở về lại với miền đất phương Nam.
Luyến lưu biết mấy! nhớ thương biết mấy! Khi mẹ hiền đang dõi mắt trông theo chiếc xe chuyển bánh, cuốn theo những lớp bụi hồng lúc ẩn lúc hiện qua những đoạn đường cong, anh chị em chúng tôi sưởi ấm lòng nhau bằng những bài ca thâm trầm mà sâu lắng.
Thế là một chuyến Về Nguồn của đại gia đình chúng tôi đã khép lại với cả niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Mười ngày đêm, một khoảng thời gian không phải gọi là dài cho một kiếp người, nhưng cũng không thể bảo là ngắn cho những Tăng Ni trẻ xa quê như chúng tôi  trong cuộc hành trình về thăm quê mẹ, bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho anh chị em chúng tôi  đồng cảm được cuộc sống và tình thương của con người Quãng Trị. Chúng tôi cũng không quên rằng:
“Dù có phiêu bạt muôn phương  
Làm người phải có quê hương trong lòng.”
Đối với tôi, chuyến đi này là kết tinh của những trái tim tràn ngập tình yêu quê hương, yêu giống nòi và yêu nhân loại của những người con Phật như chúng tôi, là sức mạnh giúp chúng tôi vững bước trong những tháng ngày sống ở tha hương. Thật là:
“Hương tình thương vẫn ngàn năm còn mãi
Như giọt hồng cho lá thắm cây xanh
Bên thời gian và cuộc sống an lành
Vẫn thắm mãi trong dòng đời muôn thuở.”
Người con xa quê
Thông Chánh
                                     
____***___
Gởi Về Quê Hương
 
(Xin gởi về miền đất Quãng Trị yêu thương !)
 
Ai về Quãng Trị  người ơi
Cho tôi nhắn gửi những lời yêu thương
Dẫu cho xa mấy dặm trường
Bên cầu Ai Tử còn vương  câu hò
Cửa Tùng tấp nập thuyền đò
Dòng sông Thạch Hãn quanh co tấc lòng
Sự đời biết mấy đục trong
Mà người thiếu phụ hoài lòng vọng phu
Gio Linh nắng táp, sương mù
Trường Sơn heo hút hoang vu núi đồi
Nơi đây biết mấy thân người
Đã nằm xuống để cho đời bình yên.
Ai ơi nhớ ghé Cồn Tiên
Thăm cùng đồng đôi nơi miền thiên thu.
Chiều chiều nhớ tiếng  mẹ ru
Khe Sanh, Lao Bảo, Trung Du, Đồng Bằng
Triệu  Phong, Gio Hải, Triệu  Lăng
Đông Hà, Dốc Miếu, Hải Lâm cùng lòng
Con  người Quãng Trị quyết tâm
Trồng cây  ươm hạt gieo mầm chồi xanh
Cho vườn cỏ ở Cổ Thành (Thành cổ)
Luôn luôn tươi tốt thắm xanh đất trời
Ai về Quãng Trị người ơi!
Cho ta nhắn gửi những lời yêu thương ...
 
                                          Người Con Viễn Phương

 


 

[1] http://vietbao.vn/Van-hoa/Hay-cuu-di-tich-nha-tu-Lao-Bao/65072037/181/

 

http://www.buddhismtoday.com/tuthien/chuyenxechonangtinhthuong.htm

 


Vào mạng: 31-3-2009

Trở về mục Từ Thiện

Đầu trang