-
QUAY ĐẦU LÀ BỜ TẠI TRẠI GIAM K.20, BẾN
TRE
- Giác Hạnh Phương
Hạnh nguyện Bồ tát Địa Tạng thời nay
Thời
gian chuẩn bị từ vật chất đến tinh thần và nhân lực con người để thực
hiện một chuyến đi rất xa, xa lắm mà tạm gọi là “vùng sâu vùng xa” đã
được chu đáo. Sở dĩ cụm từ vùng sâu vùng xa được đặt trong dấu ngoặc
kép là bởi vì vùng sâu vùng xa ấy là vùng tâm con người, chứ không phải
vùng xa về không gian vật lý. Ấy thế mà đã có những người phóng tâm và
tầm nhìn để vươn đến với những mãnh đất tâm ấy vốn rất cằn cõi từ lâu
gần như chai sạn, mãnh đất tâm ấy tưởng chừng như không còn sử dụng được.
Chúng tôi muốn nói đến mãnh đất khô khan ấy đó là trại giam K.20 (người
ta thừơng gọi là địa ngục trần thế) ở tỉnh Bến Tre.
Đoàn xe khởi hành lúc 4g 45 phút sáng ngày
05 tháng 02 năm 2007, dẫn đầu là 2 xe của HT. Thích Hiển Pháp, Phó Chủ
Tịch kiêm Tổng Thư Ký GHPGVN, thầy Thích Nhật Từ, Phó thư ký HVPGVN tại
TP.HCM, Ni sư Từ Nhẫn, trụ trì chùa Phước Viên, Ni sư Huệ Liên, giảng
viên HVPGVn tại TP.HCM và nối tiếp theo sau là xe Phật Tử và xe chở thực
phẩm, kết hợp với Báo Công an TP.HCM đã đến thăm và tặng 2.100 phần quà
cho các phạm nhân và cán bộ tại trại giam K.20, xã Châu Bình -H.Giồng
Trôm, tỉnh Bến Tre. Bằng tất cả tình thương và sự cảm thông các phạm
nhân cho nên nhóm từ thiện Sương Mai, thầy Nhật Từ và ni sư Từ Nhẫn đã
vận động bão trợ được số tiền tổng trị giá 140 triệu đồng cùng chia sẽ
với phạm nhân. Sự có mặt của đoàn từ thiện đã mang lại không khí vui
tươi và sự ấm áp tình người đến với các phạm nhân vào những ngày xuân
Đinh Hợi sắp tới.
Trại giam K.20 thuộc cục V26 tại xã Châu
Bình hiện giam giữ 1847 phạm nhân, trong số đó có 119 phạm nhân là nữ,
với các mức hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Phần lớn các phạm nhân
còn rất trẻ trong độ tuổi từ 25 đến 34 bị giam với các tội danh phổ biến:
mua bán ma tuý, cai nghiện, trộm cắp tài sản công dân và nhà nước.
Chuyển hoá bằng tình thương và sự cảm
thông
Khi đoàn từ
thiện Phật giáo vừa đến, các phạm nhân nhìn các Tu sĩ như chưa từng thấy
lần nào, trong có vẻ lạ lắm, họ chào hỏi rất lễ phép, không biết trong
đời sống thường nhật hằng ngày họ sống như thế nào, dĩ nhiên họ cũng
được sự giáo dục của ban quản trại, nhưng trong các trường hợp thì hình
ảnh Tu sĩ đã cho họ bài học về đạo đức mà chưa cần nói lên lời nào. Dù
con người có hung hãng đến đâu nhưng khi thấy hình bóng Tu sĩ xuất hiện
thì họ biết kìm chế lại. Đó là sự giáo dục bằng thân giáo trong Phật
giáo. Các vị Tu sĩ cũng chào họ một cách trìu mến làm cho họ quên mất
mặc cảm, khác với người đời xem họ như là người sống ngoài xã hội và
ghét bỏ xa lánh họ.
Chính vì vậy mà bài thuyết trình của thầy
Nhật Từ với chủ đề “Quay
đầu là bờ.” là sự thể
hiện tình thương nhằm giúp cho các phạm nhân chuyển hoá tư tưởng, thay
đổi nhân cách làm mới cuộc đời. Thật là cảm động khi thấy chị em phụ nữ
dù trời nắng họ vẫn ngồi lắng nghe bài thuyết trình và nhìn lại hành vi
bản thân, có phạm nhân trong lúc nghe đã không cầm được nỗi xúc động
trong ăn năn và hồi đầu.
Anh Nguyễn Văn Bé sinh năm 1974 tâm sự:
“Khi thấy đoàn Phật giáo đến thăm, tôi mới hiểu ra rằng vẫn còn có những
tấm lòng quan tâm và muốn giúp cho chúng tôi vượt qua mặc cảm tội lỗi.
Tôi đã không kèm được những giọt nước mắt. Chúng tôi sẽ không tái phạm
vào con đường củ. Tình thương của cha mẹ, của anh em trong Ban quản trại,
và của các vị Tu sĩ Phật giáo sẽ giúp chúng tôi có thêm niềm tin và sức
mạnh để sớm trở thành người tốt bằng chính sức lao động chân chính.”
Khi chúng tôi hỏi: “Bờ” để các anh “trở về”
là gì? Anh Nguyễn Phước Quốc Huy, 30 tuổi cho biết: “Bờ” mà anh dừng
chân đó là tình thương của cha mẹ, vì sự quan tâm của Ban quản trại và
của quí Thầy, Sư cô…Sự “quay đầu, hay trở về” tức là sống làm sao để
không phụ lòng những tình thương ấy, bằng cách trong trạng thái của
người biết ăn năn hồi đầu, không tái phạm con đường củ. Anh cho biết
thêm “Chính tình thương mà cải hoá bản thân anh.”
Còn anh Nguyễn Minh Trí, 35 tuổi thì khẳng
định, mà lần đầu tiên chúng tôi mới nghe, anh nói: “Tôi xem nơi đây (trại
giam) là căn nhà thứ hai của tôi, trong thời gian ở đây sống chung với
anh em và được ban quản trại giáo giáo dục, đã dạy cho tôi nhiều bài học
mà trước đây tôi chưa biết. Khi nghe đoàn Phật giáo đến thăm tôi hơi
ngạc nhiên, nhưng đến cũng phải thôi vì đạo Phật là đạo của tình thương
mà.”
Cái nhìn dung thông của Bồ tát Quan Thế Âm:
Lắng nghe để hiểu và giúp đỡ
Thông thường
mọi người cho rằng họ là người rất ghê sợ, hung dữ ….nhưng khi chúng tôi
tiếp xúc, hỏi chuyện thì họ thật sự có một sự hối hận về những hành vi
sai trái, họ cũng còn có trái tim biết lẽ phải điều hay. Nhưng do hoàn
cảnh, điều kiện, lối sống nào đó đưa đẩy họ sa lầy tội lỗi…Khi tiếp xúc
và lắng nghe họ bày tỏ sự hối hận thì chúng tôi nghĩ rằng: xã hội không
nên trách móc phê phán họ mà hãy tìm cách tháo gỡ nỗi khổ giúp cho họ.
Như vậy, vấn đề ở chỗ là xã hội có tạo cho họ cơ hội để quay về hay
không (công ăn việc làm…), cộng đồng làng xóm có chấp nhận khi họ trở về
hoà nhập mà không còn phân biệt đối xử…có như vậy mới giúp họ tự tin vào
cuộc sống làm mới cuộc đời một cách chân chính. Vấn đề phương pháp giáo
dục tâm lý như thế nào có hiệu quả nhanh thì các nhà chức trách cần phải
suy gẫm thêm.
Sự giáo dục tâm lý bằng thân giáo và khẩu
giáo (giáo dục đạo đức) thông qua hình ảnh Tu sĩ có tác dụng chuyển hoá
rất cao. Mặc khác, kết hợp với từ thiện, rất cần tấm lòng của các Phật
tử gởi tặng những món quà tặng vật chất cụ thể thiết thực cho sinh hoạt
hằng ngày trong thời gian sống trong trại giam, và cần thiết sự đóng góp
của chương trình văn nghệ…bằng sự nỗ lực và quyết tâm chung của rất
nhiều người giúp cho họ thì dù người đó có ngang bướng đến đâu cũng
phải mềm ra mà thôi. Đó là tinh thần “từ bi thắng sân hận” trong Phật
giáo.
Hát với phạm nhân, sự thân thiện yên bình
Sau bài
thuyết trình là chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc do Hương Trà,
biên tập viên Văn Hoá -Thể Thao báo Công An phụ trách, với sự tham dự
của Đàm Vĩnh Hưng, Lan Ngọc, Thy Dung, Ngân Huệ, Phương Dung, Lâm Minh
Chi, Long Nhật, Đăng Tuấn, Tiến Đạt, nhóm The Bell, Lọ Lem, Anh Thuý,
nhóm hài Khánh Nam và MC La Thoại Phi…Chương trình đã tạo ra các tiếng
cười giòn giả suốt 4 giờ liền, làm cho những nét mặt vốn đau khổ trở nên
rạng rỡ hơn, giảm bớt những căng thẳng của người mang tâm trạng mặc cảm
tội lỗi. Phần gần kết thúc chương trình văn nghệ Đàm Vĩnh Hưng giao lưu
với phạm nhân rất thân thiện, hát hết mình (6 bài) đúng với tên bài hát
“Say Tình,” thậm chí mời các phạm nhân cùng hát với anh tạo sự thân
thiện gần giũ xoá tan khoảng cách phân biệt, không còn ranh giới nhà tù
và sân khấu, chỉ còn sự khác nhau là màu áo. Ban giám thị và cán bộ quản
lý trại giam cũng hoà vào niềm vui, thưởng thức chương trình cho đến giờ
phút cuối.
Theo Thượng tá Phùng Văn Yến, Tổng giám
thị trại giam, “Đây là chương trình đặc sắc nhất từ trước đến giờ, có
được là do sáng kiến của thầy Nhật Từ, phối hợp ba yếu tố giáo dục –văn
nghệ- từ thiện, nhằm giúp các phạm nhân được hạnh phúc trước thềm năm
mới.” Hình ảnh các phạm nhân được hát chung với Ca sĩ là một hạnh phúc
lớn đối với họ, vì lúc nào cũng nghĩ rằng mình là người mang đầy tội lỗi
ai cũng xa lánh. Nhưng hôm nay được hát chung với ca sĩ nhằm giúp họ tự
tin vào cuộc sống mà thay đổi chính mình.
Đoàn rời khỏi trại giam lúc 13giờ 30 phút
để lại những ấn tượng đẹp trong tâm trí của các phạm nhân và các cán bộ
quản lý trại giam.
Tâm thư
Với những lợi ích thiết thực như thế mong
rằng chương trình “Quay
đầu là bờ” do Thầy Nhật
Từ là người dấn thân đầu tiên tiếp tục mở rộng mối liên hệ đến với nhiều
trại giam khác và đến nhiều lần hơn nữa (mưa dầm thấm lâu) giúp cho các
phạm nhân sớm hoàn thiện chính mình trở về sum họp với gia đình, và rất
mong sự ủng hộ của các Phật tử trong và ngoài nước bằng cách tiết kiệm
nuôi heo đất, nói vui là gởi “ngân hàng” vào các hội từ thiện để tham
gia cùng với chương trình “Quay đầu là bờ” rất có ý nghĩa vì sự bình an
con em, vì sự nghiệp 100 năm trồng người nhân dịp năm con Heo này. Đó
cũng là cách tạo thêm công đức theo tinh thần Bồ tát Địa Tạng.
- Giác Hạnh Phương
-
Ghi nhận tại Bến Tre