- Tại sao phải ăn chay vào những
ngày mùng một và ngày rằm?
Câu hỏi:
Kính gởi
Ban phụ trách hộp thư Phật học
Em hiện
đang là student của một University ở Mỹ. Em đang cần làm một essay về
“Ăn chay trong Đạo Phật”. Em đã đọc khá nhiều những bài viết về
các quan điểm ăn chay trong đạo Phật để có thể tìm thêm thông tin cho
bài essay của mình. Nhưng có một vấn đề mà em rất quan tâm và thắc mắc
nhưng không tìm thấy câu trả lời, đó là vì sao mà người Phật tử lại
thường ăn chay vào những ngày mùng một và ngày rằm âm lịch, mà không
phải là ngày khác trong tháng. Có thể là theo như giáo lý nhà Phật thì
hai ngày này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nào không?
Em rất
chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của Ban phụ trách hộp thư có thể cung cấp
cho em những thông tin này, nhằm giúp em hiểu biết thêm về quan điểm ăn
chay của đạo Phật, đồng thời để em có thêm tư liệu để hoàn tất
bài essay của mình một cách hoàn chỉnh và chính xác hơn.
Rất chân
thành cảm ơn sự giúp đỡ của Ban phụ trách.
Nguyễn Thị
Mỹ Hằng.
Trả lời:
Phật tử Mỹ
Hằng mến,
Quý Thầy
Cô trong Ban phụ trách hộp thư Phật học rất
ca ngợi tinh thần học hỏi của Mỹ Hằng, cũng như đã chọn
đề tài cho bài essay của mình về Quan điểm ăn chay của đạo Phật. Giờ Thầy đại diện quý Thầy Cô gởi vài gợi ý đến MH, hy
vọng nó sẽ tháo gỡ phần nào mối băn khoăn của MH.
Vấn đề
ăn chay là để trưởng dưỡng lòng từ bi đối với các loài động vật
và cũng để giảm bớt nghiệp sát cho chính bản thân của người ăn chay.
Do đó, việc ăn chay càng nhiều ngày càng quý, không kể vào ngày nào. Nếu
ăn chay bất cứ ngày nào trong tuần và tu tập tâm thương người mến vật
cũng đều được, mấy ngày ấy đều trở nên cát tường quý báu cả.
Vấn đề
Phật tử MH đặt ra khá lý thú, gần như ít có người đề cập đến, nếu
không muốn nói là không có. Theo chỗ biết giới hạn của Thầy, thì chưa
có bài sách nào trình bày vấn đề này, nên Thầy đưa ra hai cách lý giải
của Thầy như sau.
1) Nhìn từ
góc độ lịch sử
Để giải
quyết vấn đề này chúng ta đặt nó trong bối cảnh nó ra đời, chúng ta
sẽ dễ dàng nhận ra lý do tại sao. Vấn đề ăn chay như là một pháp môn
tu đầu tiên, tối thiểu cho các Phật tử tại gia, mỗi tháng ăn chay 2 ngày
là kể đến công của các bậc Tổ Sư Phật giáo Đại thừa. Các nhà Đại
thừa thực hiện rất đúng tôn ý của Đức Phật. Để khuyến khích Phật
tử hạn chế nghiệp sát và phát triển bi tâm, trong buổi đầu tu học Phật,
chư Tăng Đại thừa đã chọn các ngày trong tháng như mùng 1, 8, 14, 15, 18,
23, 24, 28, 29 và 30 để tiêu chuẩn hoá các ngày ăn chay tuỳ theo sự phát
tâm của mỗi người, 2 ngày, 4 , 6, hoặc 10 ngày. Theo truyền thống của cả
Nam truyền và Bắc truyền, vào ngày đầu tháng (mùng một) và ngày trăng
tròn (rằm) chư Tăng của hai truyền thống đều tụ họp lại tại một trú
xứ nào đó gần nhất để lắng nghe vị cao đức trùng tuyên giới luật
và để phát lồ sám-hối những điều
sai lầm mà đã lỡ tạo. Đây là truyền thống có từ thời Phật còn tại
thế. Do đó, việc chư tăng hội họp lại vào ngày đầu tháng và rằm để
kiểm thảo, nhắc nhở lẫn nhau, hai ngày này trở thành ngày hội của chư
Tăng lúc bấy giờ. Và cũng từ đó, hai ngày này có ý nghĩa quan trọng
trong Phật giáo không những cho hàng xuất gia mà cả cho hàng cư sĩ tại
gia. Sau này các bậc Tổ sư đã giới thiệu 2 ngày (mùng một và rằm)
hàng Phật tử tại gia không nên dùng huyết nhục của loài động vật và
cũng để nuôi lớn lòng bi mẫn đối
với chúng sanh.
Như vậy Phật
tử MH có thể đặt vấn đề tiếp: tại sao Đức Phật không chọn ngày
khác mà lại chọn vào ngày đầu tháng và giữa tháng âm lịch ?
Việc thành
lập truyền thống tụng giới của Tăng
đoàn của Phật cũng rất là vì nhu cầu chung. Đức Phật không bao giờ đặt
ra một đạo luật, giới điều để thiết chế tăng đoàn khi sự kiện đó
chưa xảy ra. Ngày Bố-tát (Uposatha// Observance day) cũng tương tự, không phải
do Đức Phật tự đặt ra, mà do vua Seniya Bimbisàra (Tần-bà-sa-la) thưa với
Đức Phật truyền thống tổ chức tốt đẹp của các giáo phái khác, họ
biết quy tụ vào ngày mùng 8, 14, 15 của nửa tháng đầu, tương tự tụ họp
vào ngày 23, 29 và 30 cho nửa tháng sau ở
tại một nơi để thuyết giảng giáo thuyết của họ cho tín đồ. Đức
Phật đã lắng nghe lời thưa của vua Seniya Bimbisàra và đã dạy bảo các vị Tỳ-kheo cũng tụ họp lại
vào những ngày giống như truyền thống của các tôn giáo khác để kiểm
thảo và tụng Giới bổn (Pà.timokkha). Câu chuyện này được ghi lại trong Đại Phẩm (Mahavagga) thuộc Luật Tạng (The
Book of Discipline, vol. IV tr. by I.B.
Honer, Oxfort: The Pali Text Society, 1993, pp. 130f). Cũng theo câu chuyện trên, Đức
Phật không rập khuôn với những truyền thống khác mà chỉ cho phép các vị Tỳ-kheo tụng giới
và kiểm thảo vào ngày 14 hoặc ngày 15, và tương tự cho nửa tháng sau là
cuối tháng hoặc đầu tháng tới. Đó
là nguyên nhân Phật giáo có ngày hội họp vào 14, hoặc 15, cũng như 30 cuối
tháng hoặc đầu tháng (mùng một) của mỗi tháng.
Chưa hết,
sẽ có vị tiếp tục đặt câu hỏi: như vậy thì tại sao khi các Phật tử
phát tâm ăn chay một tháng 4 ngày, 6 ngày, hoặc 10 ngày thì lại chọn một vài ngày khác như là mùng
8,14 , 23, 24, 28 và 29 ?
Câu trả lời
đơn giản là các ngày đó được phân bố đều trong tuần của tháng để
nhắc nhở các Phật tử thường xuyên tu tập tâm từ bi đến với các
loài động vật mà không nỡ giết để làm thực phẩm cho mình và đấy
cũng là phương pháp gieo nhân lành, tránh nghiệp sát để kiếp sau khỏi phải
trả nợ máu cho chúng sanh. Truyền thống này cũng được các Phật tử tại
Ấn Độ thời đó đã thực hiện tu tập Bát Quan Trai Giới (thọ trì 8 giới,
tập tu giống như một vị xuất gia trong một ngày) ngay khi Phật còn tại
thế qua nhiều câu chuyện trong Chuyện Tiền Thân của Đức Phật (Jàtaka).
Theo ý của
Thầy, vì để tổ chức hoá thời gian nên ăn chay cũng như đến chùa lễ
Phật, tụng kinh, tu thiền, làm các việc phúc lợi xã hội, các bậc Tổ Sư, Thánh triết sau này đã chọn ngày đầu
tháng thay vì ngày 30 để nhắc nhở hàng Phật tử một tháng đã đi qua, hôm
nay là ngày khởi điểm của một tháng mới, nên sống như thế nào để có
ý nghĩa trong tháng này.
Hơn nữa,
chúng ta thấy dân tộc Trung Hoa rất chú trọng đến ngày mới của một năm,
một mùa hoặc một tháng, thậm chí giờ mới của một ngày, đó cũng là
lý do tại sao các vị Tổ Sư lại chọn ngày mùng một không chọn ngày 30.
Còn ngày rằm cũng vậy, gần như các nước trên thế giới, khi nền khoa học
điện quang chưa phát triển, họ đều lấy ngày ấy như là ngày vui chơi,
lễ hội, những ngày trao đổi tình duyên, v.v... Các bậc Thánh thời xưa
đã khéo chọn ngày ấy để khuyên nhân dân làm lành, tu nhân tích đức.
Thay vì họ tổ chức các lễ hội (có thể lành mạnh hoặc không lành mạnh)
để mua vui, thì Phật giáo cũng có những tổ chức lễ hội để làm đẹp
cuộc sống bằng chất liệu của chân, thiện và mỹ, chứ không nhắm đến
cái “đẹp” như một số truyền thống lễ hội của các quốc gia hoặc
của các bộ tộc của các nền văn minh thời cổ trung đại.
2) Nhìn từ
góc độ vũ trụ học
Nếu câu trả
lời dừng lại ở trên, chắc chắn độc giả chưa hài lòng vì những giải
đáp đơn giản như vậy. Ở đây, xin đưa
ra cách giải thích khác, đó là cách lý giải dựa theo nhịp sinh học của
vũ trụ. Cách lý giải này, cách đây khoảng 5 năm, có một bài viết ngắn
đăng trên Bán nguyệt san Giác Ngộ cũng đặt vấn đề tại sao Phật
tử phải đi chùa vào ngày mùng một và ngày rằm âm lịch? Tác giả bài
báo đó cũng trình bày vài điểm khá
độc đáo do dựa theo chu kỳ của vũ trụ. Ở đây, Thầy cũng tán đồng
quan điểm đó.
Cũng cần nên
lưu ý, Đức Phật đặt căn bản giáo lý của Ngài trên nền tảng của tu
tập đạo đức, tu tập tâm thức và hướng đến giải thoát, giác ngộ tối
thượng, chứ không hướng mục đích giáo pháp của Ngài đến những
vấn đề triết lý siêu hình hay giải thích về những hiện tượng đa phức
của vũ trụ. Nhưng những khoa học gia phương Tây ngày nay và các Thần y lừng
danh Trung Hoa đã khám phá ra rằng tất
cả những gì Đức Phật giảng dạy cho đệ
tử Ngài đặc biệt về ăn, uống, ngủ nghỉ, các tư thế đi, đứng, ngồi, nằm không những phù hợp
với những thành tựu khoa học ngày nay mà còn đi trước những thành tựu
khoa học và khoa học còn phải tiếp tục khám phá nhiều hơn nữa mới hy
vọng bắt kịp với hệ thống triết học nhân sinh của Phật giáo.
Đức Phật
dạy, con người do các duyên mà thành, thế giới vạn hữu này cũng do các
duyên mà thành, tất cả đều cộng trụ tương sanh và tương diệt. Sự hiện
hữu của cái này cũng là sự hiện hữu của cái kia, sự vắng mặt của
cái này cũng là sự vắng mặt của cái khác, đây là định lý “duyên khởi
pháp”. Mọi sự vật hiện tượng đều tác động và chịu ảnh hưởng lẫn
nhau.
Các nhà đại
thần y Trung Hoa xa xưa đã đưa ra lý thuyết sự vận hành các nhâm mạch của
con người cũng như sự vận hành 4 mùa của Trời Đất (Xuân sinh, Hạ trưởng,
Thu liễm, Đông tàn) để vận dụng trong cách trị liệu của mình và
khuyên con người nên sống đúng theo vận hành trời đất để tăng thêm
tuổi thọ và làm đẹp cuộc đời.
Ngày nay các nhà y khoa phương Tây đã tính ra được nhịp sinh học của mỗi
người, vào giờ nào con người có thể hưng phấn nhất trong một ngày, tương
tự giờ nào có thể xuất hiện những âm tính như quạu, cáu, gắt, khó
chịu, buồn, giận, v.v... nhiều nhất.
Tương tự,
nhịp sinh học của trái đất, của mặt
trăng và mặt trời, nói chung là các thiên thể cũng có những chu kỳ nhất
định. Hiện tượng trăng tròn và trăng
khuyết có ảnh hưởng đến thuỷ triều
và các con nước ròng của các con sông và ngay cả những sóng ngầm dưới
lòng đất. Không những các hành tinh xa lắc xa lơ đó tác động mạnh đến
các yếu tố môi trường chung quanh của
con người mà ngay cả chi phối, điều động cả con người. Ta có thể lấy một ví dụ bệnh phong
cùi, hen, suyễn, đều chịu ảnh hưởng rất lớn của các biến động trời
đất, như trăng tròn và khuyết và sự thay đổi bốn mùa! Cho nên triết học
vũ trụ quan của người Trung Hoa rất nhấn mạnh mối liên hệ hỗ tương
giữa các Thiên thể, hành tinh của chúng ta và con người (thiên địa nhân
tương ứng).
Theo các
nhà thống kê về tội phạm và tai nạn giao thông (rất tiếc là không có
con số và thông tin cụ thể ở đây!), phần lớn các tội phạm và tai nạn
thường xảy ra nhiều nhất vào những ngày đầu tháng, cuối tháng và những
ngày trăng tròn. Nếu chúng ta quan sát kỹ thì
chính dòng máu của chính bản thân của ta cũng bị chi phối bởi mặt trăng tròn và khuyết và những tánh
tình kỳ cục nhất thường xảy ra vào những ngày ấy.
Do đó, thật
là kỳ diệu, các vị Thánh triết thời cổ đại đã chọn những ngày như
vậy để khuyên mọi người nên tu nhân tích đức. Truyền thống Phật giáo hay tổ chức lễ
hội vào ngày đầu tháng và ngày rằm và khuyên mọi người nên ăn chay để
tránh được tối đa những hội chứng tâm lý bất thiện có thể phát
sinh.
Để hiểu
triệt để những vấn đề huyền bí trên, chúng ta không thể giới hạn
trong những tác phẩm thuộc Ấn Độ học mà phải mò mẫm trong các tác phẩm
cổ điển Trung Hoa về y dược và Dịch học cũng như những phát minh của
khoa học về mối liên hệ mật thiết giữa thiên nhiên và con người.
Nhưng vấn đề khó ở đây, muốn hiểu triệt để những vấn đề trên,
đòi hỏi người nghiên cứu phải có vốn
ngôn ngữ và chuyên ngành về lãnh vực
đó, mới hy vọng có thể hiểu vấn
đề kha khá được. Tuy nhiên, các tác phẩm vừa có chủ đề trên, hiện
nay tại Việt Nam cũng có một vài đã được dịch sang Việt ngữ, và với
số lượng sách tiếng Anh khổng lồ tại các thư viện ở Mỹ, hy vọng Phật
tử Mỹ Hằng tìm đọc thêm để có thể lý giải những vấn đề bí ẩn
của con người và vũ trụ.
Một trong số
tài liệu tham khảo tổng quát bằng tiếng Việt về các vấn đề huyền bí
của vũ trụ, ngày giờ, tương sinh tương khắc và nhiều thông tin trên cơ
sở đó có thể đưa ra kết luận được đó là bài khảo cứu của tác giả Nguyễn Hoàng Điệp, cũng là
thư ký biên soạn cuốn gần như bách khoa: Almanach
Những Nền Văn Minh Thế Giới (Hà
Nội, Nhà Xuất Bản Văn Hoá –Thông Tin, 1996, từ trang 520 đến 529). Thầy
trích lại những đoạn khá độc đáo sau:
Trong vũ trụ,
mặt trời cùng với môi trường bao quanh nó liên tục truyền cái trật tự
của mình tới tất cả những gì
trên Trái đất, Mặt trăng, một vật thể gần Trái đất nhất, cũng gây
ảnh hưởng tới Trái đất. Mọi sinh vật và cả những đồ vật vô tri
vô giác đều “hưởng ứng” với nó và thay đổi cùng với nó. Các con
sông thay đổi theo dòng cùng ánh sáng Mặt trăng, các đại dương thay đổi
các đợt sóng triều theo sự mọc và lặn của Mặt trăng. Các đợt “triều
lên” không chỉ bao gồm nước của biển và đại dương mà còn cả lớp
không khí của Trái đất, và lớp vỏ cứng (mặt đất) cũng có hiện tượng
“triều lên -xuống”, hiện tượng “triều lên xuống” cũng
diễn ra ngay trong sinh thể của con người và tất cả sinh vật nói chung.
Các nhà vật
lý, y - sinh học và nhiều ngành khoa học đã phát hiện ngày một nhiều những
nhịp điệu có chu kỳ khác nhau diễn ra trong cơ thể của con người: chu kỳ
ngắn nhất có thể từ vài phần giây đến vài giây, như tần số của những
dòng điẹn sinh học, nhịp tim, nhịp thở, nhu động đường ruột, sóng
điện não (chừng xấp xỉ một giây). Nhưng nhịp điệu này có thể thay
đổi theo thời gian trong ngày, theo thời tiết và môi trường. Có chu kỳ
kéo dài từ vài chục phút tới vài giờ, như chức năng cua thận, của máu,
và hoạt động trí óc...
...Có những
nhịp điệu dài hơn 24 giờ, như nhịp điệu tháng, năm... được chi phối
bởi ảnh hưởng của Mặt trời và Mặt trăng . Mặt trời quay xung quanh trục
của nó trung bình là 27,3 ngày. Còn Mặt
trăng quay xung quanh Trái đất là 29,5
ngày. điều đó cho ta tới chu kỳ hoạt động sinh vật trên Trái đất,
điển hình là chu kỳ rụng buồng trứng, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ,
nhịp điệu sinh lý - thụ thai ở con người, và chu kỳ động hớn của động
vật... đều có liên quan với chu kỳ chuyển động của Mặt trăng nhiều
hơn. Chính vì thế, thời cổ xưa đã cho rằng Mặt trăng là thần của ái
tình, thần của dục khí, thần của tâm hồn... như vậy hiện tượng này
đã được phát hiện từ rất xưa.
Dưới tác
dụng sức hút của Mặt trăng, trong con người cũng diến ra thuỷ triều
học . Sự i-on hoá của khí quyển, hoặc sự biến động về từ trường
của Trái đất đều lệ thuộc vào
các pha của mặt trăng. Theo các quan sát này, đối chiếu với số thống kê
cho thấy, con số các rối loạn về tâm lý, trạng thái sinh lý mạnh mẽ
đều tăng vọt vào đầu tuần trăng và giữa tuần trăng trong khi những biểu
hiện về trạng thái thần kinh não, tim mạch lại chịu tác động mạnh mẽ
với vòng quay (chu kỳ) của Mặt trời, và xuất hiện những tai biến đối
với con người, xã hội cũng gia tăng khác thường.
Như vậy, nhịp
sinh học trên Trái đất nói chung, nhịp điệu sinh học của con người nói
riêng có nguồn gốc từ nhịp điệu của vũ trụ, những ảnh hưởng của
Mặt trời và Mặt trăng là yếu tố
chính, chủ yếu, trực tiếp.
Có thể
nói Con Người và Vũ trụ tuy hai nhưng mà một, tuy là một nhưng vẫn là
hai. Đó là định lý thuận - nghịch, là mối quan hệ sinh biến tương đồng
với nhịp điệu vũ trụ. Ít có nhịp điệu nào của vũ trụ bỏ qua con
người và đời người. Phải chăng khoa học đương thời đã gặp lại những
trí tuệ mà một thời từng huy hoàng ở phương Đông?
***
Qua đó,
chúng ta thấy lời Đức Phật dạy
“trùng trùng duyên khởi”, “hữu hoá duyên sanh” của các pháp trong Kinh
Hoa nghiêm , vạn pháp nương nhau mà tạo thành, nương nhau mà biến hoại
trong hệ thống duyên khởi (Paticasamuppada) của hệ Nikàya mà Đức Phật
đã lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần ttrong suốt cuộc đời giảng
dạy của Ngài. Đến đây chúng ta cũng có thể hiểu tại sao các nhà khoa
học gia nổi tiếng của thế kỷ XX như Albert Einstein (1879 – 1955) đã tìm
đến với Phật giáo và không ngớt lời ca ngợi đạo Phật như là một
tôn giáo của khoa học trong thế kỷ
XXI này: “Nếu có một Tôn giáo nào đương đầu với những nhu cầu khoa
học hiện đại tân tiến, thì đó là Phật giáo” (If there is religion that would cope with modern
scientific needs it would be Buddhism).
Trong khả năng
có hạn, Thầy chỉ giới thiệu vài cách lý giải mang tính gợi ý, để
người thực hiện essay của mình có thể phát huy tối đa về sức độc sáng
trong nghiên cứu và hoàn thành một bài luận ăn chay liên hệ khá sâu sắc
đến chủ đề Vũ trụ học trong Phật giáo. Bản thân Thầy cũng chưa hài
lòng khi chưa có những con số thống kê, hoặc chưa giới thiệu sách nào cụ
thể để độc giả có thêm tư liệu. Hy vọng bài luận của Phật tử Mỹ Hằng sẽ đem đến cho độc
giả một nguồn cảm hứng thật sự,
một bài essay có tính nghiên cứu cao có thể đóng góp vào học giới, và
cũng là nền tảng để Phật tử MH tiếp tục nghiên cứu rộng sâu hơn
sau này.
Quý Thầy
Cô trong Ban phụ trách hộp thư Phật học mến chúc Phật tử Mỹ Hằng
luôn có tinh thần học hỏi như vậy,
và dồi dào nghị lực để tiếp cận
được giáo pháp cao siêu, nhiệm mầu của Đức Điều Ngự, làm đẹp cuộc
đời cho mình và cho xã hội nhân sinh.