Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
THƯ NGỎ
Về Trang Nhà ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni,
Kính thưa toàn thể quý đạo hữu Phật tử khắp năm châu,

Để góp phần truyền bá giáo pháp của đức Phật Thích-ca, và để đem lại niềm vui tu học của người con Phật trong và ngoài nước, chúng con/chúng tôi phát tâm mở một trang nhà Phật giáo mang tên là Đạo Phật Ngày Nay (Buddhism Today), bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, trên Web site với địa chỉ truy cập: http://www.buddhismtoday.com

Dưới đây, chúng con/chúng tôi chân thành giới thiệu sơ lược về mục đích và chủ trương của trang nhà này. Kính mong chư tôn đức giáo phẩm cũng như quý đạo hữu cư sĩ gần xa, thương tưởng và hoan hỷ cùng chúng con/chúng tôi góp phần xoay chuyển bánh xe chánh pháp của đức Phật, vì sự lớn mạnh trong tu học cho bản thân và tha nhân.

 

I. Mục Đích và Chủ Trương của Đạo Phật Ngày Nay

Như tên gọi của nó, trang nhà Đạo Phật Ngày Nay sẽ đặt trọng tâm vào hai chủ đích chính, đó là (i) nghiên cứu và giới thiệu đạo Phật, như là những lời dạy nguyên thủy của đức Phật và các học thuyết Phật giáo về sau, mang tính kế thừa, nhất quán với những lời dạy nguyên thủy của đức Phật, và (ii) giới thiệu phần ứng dụng hay kinh nghiệm áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong thời đại khoa học ngày nay. Tuy nhiên, Đạo Phật Ngày Nay sẽ chú trọng đến đạo Phật nguyên thủy hơn là các hình thức Phật giáo khác.

Để thực hiện chức năng quan trọng thứ nhất, Đạo Phật Ngày Nay sẽ nghiên cứu và giới thiệu về đức Phật lịch sử cũng như giáo pháp nguyên thủy của Ngài, bên cạnh các giáo pháp phát triển của các tông phái Phật giáo về sau. Khái niệm "đạo Phật" ở đây không chỉ đơn thuần là các giáo pháp nguyên thủy của đức Phật Thích-ca trong kinh tạng Pali, mà còn bao gồm các học thuyết của các tông phái Phật giáo về sau nhưng mang tính kế thừa và nhất quán với giáo lý nguyên thủy của Phật. Các học thuyết Phật giáo này ra đời như là kết quả của sự tiếp cận, lý giải và ứng dụng khác nhau về lời dạy nguyên thủy của đức Phật qua chiều dài lịch sử của các bối cảnh văn hóa và tôn giáo bản địa đa dạng, khi đạo Phật được truyền vào. Các giáo pháp nguyên thủy của đức Phật bao gồm bốn chân lý thánh (tứ diệu đế, cattaari ariya-saccaani), nguyên lý duyên khởi (pa.ticca samuppaada), thuyết trách nhiệm hành vi đạo đức (nghiệp, kamma), ba qui luật (tilakkha.na) của tất cả sự vật hiện tượng đó là nguyên lý không thường hằng (vô thường, anicca), nguyên lý không thực thể (vô ngã, anattaa) và nguyên lý không thỏa mãn (khổ, dukkha) của chúng, và con đường giải thoát "trung đạo" (majjhimaa pa.tipadaa). Các giáo pháp phát triển bao gồm giáo nghĩa của học thuyết Nhất thiết hữu bộ, giáo nghĩa Đại Thừa và vài tông phái Phật giáo như Thiền tông, Tịnh độ tông của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Đạo Phật Ngày Nay không chú trọng đến Mật tông cũng như các tông phái Phật giáo khác.

Để thực hiện chức năng thứ hai, Đạo Phật Ngày Nay sẽ cung cấp các thông tin, các nghiên cứu, các kinh nghiệm tu học cũng như những hướng dẫn thực tiễn của các vị cao tăng và cư sĩ trong và ngoài nước, về việc áp dụng lời Phật dạy một cách có hiệu quả trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, Đạo Phật Ngày Nay cũng còn vận dụng các phương pháp luận cũng như các ngành học hiện đại để nghiên cứu và triển khai lời Phật dạy, nhằm góp phần đáp ứng các nhu cầu học hỏi đa dạng của quần chúng Phật tử trong thời đại khoa học phát triển siêu tốc và tôn giáo tranh minh như hiện nay.

Trên lập cước căn bản này, Đạo Phật Ngày Nay chỉ đăng tải các sáng tác và dịch phẩm thuộc nghiên cứu học đường và kinh nghiệm tu tập thực tiễn, mang nội dung thuần túy Phật giáo; không đăng tải các bài viết và thông tin mang tính cách chính trị. Đạo Phật Ngày Nay sẽ đóng chức năng "nhịp cầu" Phật học cho người tu Phật, không phân biệt tông phái, hệ phái, màu da, giới tính, tu sĩ hay cư sĩ. Mục đích của Đạo Phật Ngày Nay là nhằm góp phần giới thiệu và làm sáng tỏ giáo pháp cao thượng của đức Phật, các vị Bồ-tát, A-la-hán, thánh tăng Phật giáo, cho người tu tập Phật pháp trong thời hiện đại, dưới nhiều hình thức sáng tác văn học khác nhau.

 

II. Chủ Đề của Đạo Phật Ngày Nay

Theo tinh thần của hai chủ đích vừa nêu, một cách bao quát, chủ đề của Đạo Phật Ngày Nay bao gồm các nghiên cứu và sáng tác về đức Phật (Buddha) và giáo pháp cao thượng của Ngài (Buddhadhamma / Buddhasaasana), theo các truyền thống tư tưởng khác nhau (schools of thought) trong đạo Phật. Nói cách khác, nó bao gồm toàn bộ văn học kinh, luật, luận và sớ giải của các tông phái trong đạo Phật cũng như các sáng tác hiện đại của chư tôn đức tăng ni và quí cư sĩ Phật trên khắp thế giới. Tuy nhiên, về phương diện phân loại, chủ đề của Đạo Phật Ngày Nay bao gồm các mục chính sau đây:

1. Đạo Phật cho Người Bắt Đầu: Bao gồm các bài viết giới thiệu tổng quát về Phật giáo nói chung, về lịch sử đức Phật, lịch sử đạo Phật, về Phật giáo VN, về vị trí của đạo Phật trong thế giới hiện nay, các hướng dẫn làm thế nào để trở thành Phật tử, cũng như cách học hỏi và nghiên cứu giáo lý Phật. Các bài viết trong phần này chỉ mang tính cách giới thiệu vở lòng, không đi chuyên sâu khi các bài viết trong các phần mục hay chủ đề khác liên hệ đến chúng trong trang nhà này.

2. Hỏi đáp Phật học: Bao gồm các bài giới thiệu về Phật giáo dưới hình thức hỏi và trả lời ngắn gọn, để giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng.

3. Đức Phật và Phật pháp: Bao gồm các bài viết giới thiệu chuyên sâu về lịch sử đức Phật và các giáo pháp căn bản và quan trọng của Ngài như bốn chân lý cao thượng (tứ diệu đế), luật duyên khởi, nguyên lý nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, thuyết tái sanh, cách tu tâm dưỡng tánh và con đường giải thoát.

4. Các tông phái của đạo Phật: Bao gồm các bài viết về bối cảnh, nguyên nhân hình thành và phát triển cũng như học thuyết căn bản của các tông phái Phật giáo chính như Thượng tọa bộ, Nhất thiết hữu Bộ, Phật giáo đại thừa và các tông phái Phật giáo ở Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

5. Kinh điển Phật giáo: Phần này nhằm sưu tầm và giới thiệu các bản dịch có giá trị về ba tạng kinh điển Phật giáo từ văn hệ Pali, Sanskrit và Hán.

6. Phật Giáo và Đạo Đức Học: Bao gồm các bài viết giới thiệu về giới luật Phật giáo, về các hình thức đạo đức học Phật giáo, như vấn đề bất sát, bất bạo động, trợ tử, tự sát, phá thai, nhân mãn, quản trị, nghề nghiệp, quan hệ đạo đức và trách nhiệm xã hội v.v…

7. Phật Giáo và Triết Học: Bao gồm các sáng tác và nghiên cứu về các gốc độ triết học của đạo Phật như nhận thức luận, logic, ngôn ngữ, cũng như các so sánh triết học Phật giáo với triết học Đông Tây kim cổ.

8. Phật Giáo và Tâm Lý Học: Bao gồm các sáng tác và nghiên cứu Phật giáo dưới gốc độ tâm lý học hiện đại. Các nghiên cứu này bao gồm các vấn đề tâm, các trạng thái tâm lý trực thuộc (tâm sở), đối tượng và phản ứng của tâm cũng như các điều trị bệnh lý học.

9. Phật Giáo và Khoa Học: Bao gồm các nghiên cứu đạo Phật từ gốc độ của các ngành khoa học thực nghiệm hiện đại. Hay nói khác hơn, vận dụng phương pháp khoa học để lý giải và giới thiệu các giáo pháp cao siêu của đức Phật.

10. Phật Giáo và Môi Sinh: Bao gồm các nghiên cứu và sáng tác về môi trường và sinh thái học từ gốc độ của những lời Phật dạy trong kinh điển, cũng như những giải pháp của Phật giáo cho nạn khủng hoảng môi sinh trầm trọng hiện nay.

11. Thiền Phật Giáo: Bao gồm các sáng tác giới thiệu về các phương pháp thiền định của Phật giáo nguyên thủy và thiền Phật giáo Trung Quốc và Việt Nam, như thiền quán niệm hơi thở, thiền minh sát tuệ, thiền công án, thiền tham thoại đầu v.v…

12. Phật Giáo Việt Nam, Ấn Độ và Thế Giới: Các phần mục này nhằm giới thiệu một cách bao quát về lịch sử Phật giáo Ấn Độ, nơi khai sinh ra đạo Phật, cũng như sự du nhập và phát triển của nó ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

13. Đối Thoại Liên Tôn Giáo: Bao gồm các sáng tác so sánh những điểm tương đồng và dị biệt của Phật giáo đối với các tôn giáo lớn trên thế giới, để từ đó thấy được nét đặc thù của những lời dạy nguyên thủy của đức Phật và đạo Phật.

14. Diễn Đàn và Thảo Luận: Nhằm giới thiệu các quan điểm cũng như các ý kiến đóng góp xây dựng của tăng ni Phật tử trong và ngoài nước, về đạo Phật nói chung, về Phật giáo Việt Nam nói riêng. Phần này còn là nhịp cầu, hay nơi gởi gấm tâm tình cũng như kinh nghiệm tu học Phật pháp của tăng ni và Phật tử khắp năm châu, để người con Phật mở rộng sự hiểu biết, tôn trọng, chia xẻ và đoàn kết nhau hơn trong chí hướng và phụng sự Phật pháp.

15. Điểm Sách: Giới thiệu các sáng tác Phật học mới nhất của các học giả và giới tu sĩ Phật giáo trong và ngoài nước. Ngoài ra, mục này còn bao gồm các bài viết nhận định và phê bình các sáng tác sai lệch và xuyên tạc về đức Phật, đạo Phật, dưới nhiều hình thức khác nhau.

16. Báo Đáp Ơn Nghĩa Sanh Thành và Mừng Tết truyền thống: Các sáng tác của Đạo Phật Ngày Nay còn xoay quanh các các chủ đề tưởng niệm công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, cách báo hiếu ngay khi cha mẹ còn sống và các bài mừng xuân Di-lặc vào tết truyền thống của dân tộc.

17. Nghi Thức Tụng Niệm và Nghi Lễ Phật Giáo: Nhằm giới thiệu các bản dự thảo về các nghi thức tụng niệm thuần Việt cho PGVN trong tương lai, cũng như các nghi thức lễ thọ giới của người tại gia và người xuất gia. Phần này nhằm kêu gọi ý thức tách khỏi sự nô lệ văn tự chữ Hán từ 20 thế kỷ qua, cũng như Pali từ nhiều năm qua tại VN.

18. Ăn Chay và Sức Khỏe: Nhằm giới thiệu các lợi ích của việc ăn chay đối với sức khỏe và tinh thần của người tu Phật, cũng như các hướng dẫn về cách làm thức ăn chay.

19. Thơ Truyện Kịch Phật Giáo: Bao gồm các sáng tác về thi ca, thi kệ, đối liễn, truyện ngắn, truyện thiền, bút ký và kịch Phật giáo.

20. Phật Tích và Danh Thắng Phật Giáo: Phần này nhằm giới thiệu và hướng dẫn hành hương các Phật tích tại Ấn Độ cũng như các danh thắng Phật giáo trên khắp thế giới.

21. Tâm Tình Bạn Đọc: Phần này là nơi trân trọng tiếp đón các ý kiến và phê bình trong xây dựng và của quý cộng tác viên và qúy bạn đọc đối với trang nhà Đạo Phật Ngày Nay.

22. Nhắn Tin: Phần này nhằm đăng tải các thông tin, thông báo về việc tu học của Phật tử, các trung tâm và thời điểm thuyết giảng của qúy tăng ni, về các hội thảo hay trao đổi Phật pháp, và các thông tin hay nhắn tin liên hệ đến việc nghiên cứu và tu học Phật pháp của tăng ni Phật tử khắp nơi.

 

III. Các Phương Thức Hỗ Trợ Đạo Phật Ngày Nay

Để Đạo Phật Ngày Nay thực sự là người bạn tận tụy của quý bạn đọc, trong tinh thần cùng giúp nhau tu học, chúng con/chúng tôi chân thành kêu gọi các hình thức hỗ trợ và đóng góp quý báu của chư tôn đức và quý Phật tử sau đây:

  1. Tham gia viết bài, gởi bài, đọc bài và góp ý cho Đạo Phật Ngày Nay.
  2. Giới thiệu cho bà con và thân hữu biết về trang nhà này để họ cùng trở thành thành viên trong gia đình Đạo Phật Ngày Nay, bằng cách tham gia viết bài và đọc bài trên trang nhà.
  3. Phát tâm đánh bản điện toán các bài viết hoặc bài dịch về đức Phật và Phật giáo nói chung, bằng máy vi tính của mình. Bài đánh xong gởi về ban biên tập theo dạng attachment của email, theo địa chỉ bên dưới. Tuy nhiên, để tránh việc đánh trùng lập một văn bản Phật học, xin quý vị có thiện tâm đánh vi tính, hoan hỷ liên lạc với chúng tôi trước khi thực hiện.
  4. Cung cấp thông tin cho ban biên tập biết về các sáng tác độc đáo về Phật giáo để Đạo Phật Ngày Nay giới thiệu cho tăng ni Phật tử trong và ngoài nước, cũng như các tác phẩm viết sai lầm hay xuyên tạc về đạo Phật, để Đạo Phật Ngày Nay kịp thời nhận định và phê bình.

 

IV. Phương Thức Gởi Bài

Để giúp cho công tác biên tập được thuận tiện, quý cộng tác viên và bạn đọc vui lòng đóng góp bài vở theo các phương thức sau đây:

  1. Các nghiên cứu và sáng tác nên gởi về dưới dạng điện toán (đánh theo MS Word, với phông chữ VNI hay các phông chữ VPS). Nếu bản điện toán không thuộc dạng nêu trên, quí vị vui lòng cho biết tên phông chữ (chẳng hạn như phông chữ VISCII), để ban biên tập dễ dàng chuyển sang phông chữ VNI.
  2. Đối với các bản dịch, quý vị nên ghi đầy đủ các chi tiết sau đây: tên tác giả, tên tác phẩm, nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang. Các bản dịch nên sát văn, không thêm bớt tùy tiện. Nếu dịch giả thấy cần thiết phải chú thích trong bản dịch thì phần ghi chú đó phải được nêu ra rõ ràng ở cước chú hay hậu chú, để không lẫn lộn với nguyên tác.

Đối với các bài có các thuật ngữ có chứa dấu nguyên âm và phụ âm (diacritical marks), của tiếng Pali và Sanskrit, quý vị nên đánh dấu của chúng, theo qui ước quốc tế của chữ Pali và Sanskrit trên mạng internet như sau:


pali-sans.gif (2720 bytes)

  1. Đối với các bài có các thuật ngữ hay nhân danh Trung Quốc, quý vị nên phiên âm theo hệ thống phiên âm quốc tế của Trung Quốc (Hàn Yu pìn Yin), chứ không nên theo cách phiên âm của giáo sư Wale-Gildes. Chẳng hạn như Huyền Tráng, bạn nên phiên là Xuán Zhuăng, (chứ không phiên là Hsuan-tsang).
  2. Các bài viết, dịch thuật, thơ từ và đóng góp ý kiến, xin gởi email theo dạng attachment, về các địa chỉ sau đây: thichnhattu@yahoo.com hay buddhismtoday@yahoo.com

Đạo Phật Ngày Nay kính mong nhận được sự nhiệt tình đóng góp bài vở cũng như các phương thức hỗ trợ khác nhau từ chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni và cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước, để nội dung của nó thật sự là niềm tin yêu và người bạn tinh thần tận tụy của tất cả người con Phật trong tu học.

Ấn Độ, ngày 25 tháng 2 năm 2000
Thích Nhật Từ
Kính ghi

 


Cập nhật: 2-4-2000

Trở về thư mục "ĐPNN và Tâm tình bạn đọc"

Đầu trang