Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tang thương vùng bão đi qua
Thứ Năm, 03/11/2005, 05:23 (GMT+7)
L.A.ĐỦ - Đ.NAM - V.Q.Cầu - Đ.TOÀN

Những đứa trẻ ở Hòa Hiệp phơi sách bị ướt - Ảnh L.A.Đ.

TT - Cơn “ác mộng” số 8 đã đi qua. Sáng 2-11, trời Đà Nẵng quang đãng trở lại, biển bình thường, gió nhẹ..., nhưng ở Hòa Hiệp (Liên Chiểu) nhiều khuôn mặt của người dân vẫn còn thất thần.

Phơi những hạt lúa nứt mầm

Hòa Hiệp là một khu dân cư nằm bên sông Cu Đê cũng là dưới chân núi... Triều lên, lũ về, trong phút chốc vào chiều tối 1-11 hàng trăm căn nhà đã ngập sâu trong nước. Mãi đến 19g các canô cứu hộ mới đến được để “vớt” dân.

Tuy nhiên, do trời tối, địa hình phức tạp nên việc cứu hộ không mấy hiệu quả, chưa kể chiếc canô của thanh tra giao thông lại không có xăng khi “xuất trận”.

Những người già trong xóm được con cháu kịp đưa lên vùng cao, phần lớn còn lại đành ngâm mình trong nước nên đến sáng 2-11 da dẻ ai cũng teo nhách, nhợt nhạt.

Không xoay xở kịp, nhiều nông dân đành rơi nước mắt nhìn những bao lúa dần chìm trong nước. Ngay buổi sáng, nhiều người đã vội vã kê những chiếc nia trên những đống bùn đất để phơi lúa. Qua một đêm ngâm nước khiến nhiều hạt lúa đã nứt mầm. Ngay sau khi bão tan, nhiều đơn vị quân đội đã cùng bà con thu dọn. Nhưng ít ra phải hơn một tuần nữa, cuộc sống thường nhật của bà con vùng lũ này mới trở lại như cũ.

Bà Trần Thị Thơ (xã Bình Minh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bên ngôi nhà giờ là đống đổ nát - Ảnh: V.Q.Cầu

Những ngày tới biết sống ra sao

Bình Minh là một trong những xã bị thiệt hại nặng nhất về nhà cửa, hoa màu của huyện Bình Sơn và cả tỉnh Quảng Ngãi.

Chiều 2-11, lũ trên sông Trà Bồng đang rút, nhưng con đường từ xã Bình Trung về Bình Minh nước lũ vẫn còn ngập. Xóm làng sau bão lũ tan hoang, chuối, dừa, mít ngã đổ la liệt, dây điện thắp sáng, dây truyền thanh đứt ngang dọc. Nhiều chỗ không còn là đường xóm nữa nên chúng tôi đành phải xé rào, cắt lối mà đi. Ông Huỳnh Tiến Công, xóm trưởng xóm Hó, thôn Tân Phước, nói: “Ngã đổ hết. Một lúc vừa bão vừa lũ bà con gánh chịu sao nổi!”.

“Những ngày tới biết làm sao đây?”, câu hỏi mà như than này chúng tôi nghe được ở rất nhiều hộ dân trong xã. Bởi một người bị thiệt hại, năm bảy người giúp sức thì dễ, nhưng nay nhà cửa, vườn tược của bà con hư hỏng khá nhiều lấy ai giúp đỡ san sẻ đây.

Gồng gánh mất mát

Sáng qua 2-11, chúng tôi có mặt từ rất sớm tại huyện Phú Lộc - nơi cơn bão số 8 gây thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế: 791 ngôi nhà bị tốc mái, 63 ngôi nhà bị sập. Một cảnh tượng xác xơ, tiêu điều dọc hai bên đường QL1A đoạn qua trung tâm huyện lỵ. Những hàng cây bị bão bứng gốc hoặc nằm ngổn ngang, hoặc vắt vẻo trên những mái nhà dân.

Tại xã Lộc Vĩnh ven biển của huyện Phú Lộc, có ít nhất ba thôn bị ảnh hưởng nặng là Cảnh Dương, Bình An 2 và Phú Hải. Khi chúng tôi đến, nhà cửa đổ nát vẫn còn ngổn ngang như vừa qua một trận bom. Ông Nguyễn Minh Chiến, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, cho biết: “Nước dâng nhanh khủng khiếp không thua chi lũ năm 1999. May mà hơn 200 hộ dân vừa kịp di dời”.

Ông Cái Vĩnh Tuấn, chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, ngay từ sáng sớm qua đã có mặt tại Lộc Vĩnh để cứu trợ cho dân. Ông nói: “Đợt này huyện bị nặng quá. Tình hình sau bão có thể không đói, nhưng để ổn định lại cuộc sống là rất khó khăn vì sự thiệt hại lớn đều rơi vào các xã nghèo”...

http://www.buddhismtoday.com/viet/baolut/tangthuong_vunglu.htm

 


Vào mạng: 3-11-2005

Trở về mục "Phòng chống bão lụt"

Đầu trang