Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật
HT. Thích Thiện Hoa
(Trích từ Phật Học Phổ Thông)

A. MỞ ĐỀ

Người Phật tử, nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật cũng chưa gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Vả lại nếu bỏ qua ba phần sau này, thì ba phần trước thờ, lạy và cúng khó có thể viên dung cả Sự và Lý được. Vì phần Lý là phần cao siêu khó thực hành, mà nếu chúng ta không tụng kinh niệm Phật để cho tâm hồn sáng suốt, tỏ ngộ các lý lẽ sâu xa huyền diệu trong kinh điển, thì chúng ta không thể nào *dể đạt được 4 lạy thuộc về Lý là: Pháp Trí Thanh Tịnh Lễ, Biến Nhập Pháp Giới Lễ, Chánh Quán Lễ, Thật Tướng Bình Đẳng Lễ, và năm món diệu hương để cúng Phật là: giới hương, định hương, huệ hượng, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Nếu không thực hành được 4 phép lạy về lý và cúng dường được 5 món diệu hương, thì sự lạy và cúng chỉ còn có phần hình thức; và vì thế kẻ tín đồ khó có thể tiến được trên đường đạo. Bởi vậy, cùng một *lần với thờ, lạy và cúng Phật chúng ta phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Đó những điểm căn bản tối thiểu mà một Phật tử thuần thành không thể bỏ qua được.

B. CHÁNH ĐỀ
I. ĐỊNH NGHĨA

1. Tụng Kinh: Tụng là đọc thành tiếng một cách có diệu âm và thành kính những lời đức Phật dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sanh.

2. Trì chú: Trì là nắm giữ một cách chắn chắc. Chú là lời bí mật của chư Phật mà chỉ có chư Phật mới hiểu được, chứ các hàng Bồ Tát *cúng hiểu thấu. Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghỉ bàn và dứt trừ nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ, nên cũng gọi là thần chú.

3. Niệm Phật: Niệm là tưởng nhớ. Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân của Ngài.

II. LÝ DO PHẢI TỤNG KINH, TRÌ CHÚ VÀ NIỆM PHẬT
1. Vì sao phải tụnh kinh?

Chung ta sống trong cõi dục, cho nên lòng dục vọng của chúng ta không bao giờ được nghỉ, cho đến trong giấc ngủ, cũng còn chiêm bao cãi lẫy, cười khóc, vui buồn như lúc thức. Trong cảnh mê mờ đầy dục vọng ấy, may thay đức Phật còn thương sót chúng sanh mà truyền dạy những lời vàng ngọc để xóa tan màn mây u ám của vô minh và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy, chúng ta nghe qua một lần, hai lần cũng không thể nghe thấu và nhớ hết được. Cho nên chúng ta cần phải đọc đi đọc lại mãi mãi, để cho lý lẽ thâm huyền tỏa ra, và ghi *khắc trong thâm tâm chúng ta, không bao giờ quên được. Đó là lý do khiến chúng ta phải tụng kinh.

2. Vì sao phải trì chú?

Chú có công năng phi thường, nếu người có thành tâm trì chú, thì được nhiều hiệu lực không thể tưởng tượng. Chẳng hạn, thần chú "Bạt Nhứt Thế Nghiệp Chướng Căn Bổn Đắc Sanh Tịnh Độ". Thần chú "Tiêu Tai Kiết Tường" có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng, được gặp những điều lành. Thần chú "Lăng Nghiêm" thì phá trừ được ma chướng và nghiệp báo nặng nề v.v...Thần chú "Chuẩn Đề" trừ tà, diệt quỷ. Thần chú "Thất Phật Diệt Tội"có công năng tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp v.v...Vì thế nên chúng ta phải trì chú

3. Vì sao phải niệm Phật?

Tâm chúng bị vô minh làm mờ đục. Muốn cho nước đục kia hoá ra trong, không có phương pháp *nào hay hơn là pha một chút phèn vào, thì các chất mờ đục kia dần dần lóng xuống, bây giờ nước đục trở nên trong sạch.

Phương pháp niệm Phật cũng vậy có công năng phá trừ các vọng niệm đen tối ở nơi tâm chúng ta, làm cho tâm mê muội mờ ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì phèn làm cho nước đục trở lên trong vậy.

Vì sao niệm Phật làm cho tâm mê muội trở lên trong sáng?

Vì lý do rất dễ hiểu sau đây: Tâm của chúng ta rất điên đảo, không bao giờ ngừng nghỉ. Kinh thường nói: "Tâm Viên, Ý Mã", *cành này sang cành khác, và "ý" như con ngựa chạy lung tung luôn ngày suốt buổi. Làm sao cho tâm chúng ta không *ngừng nghỉ sàm bậy? Chỉ có cách là bắt nó nghỉ những điều tốt lành, hay đẹp. Niệm Phật là nhớ nghỉ đến những vị hoàn toàn tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tánh thuần lương. Càng niệm Phật nhiều chừng nào, thì ít niệm ma chừng ấy. Ma ở đây là những điều xấu xa đen tối, làm hại mình hại người. Vì thế chúng ta luôn luôn niệm Phật.

III. PHẢI THƯỜNG TỤNG NHỮNG BỘ KINH NÀO, TRÌ CHÚ GÌ VÀ NIỆM PHẬT NÀO?
1. Các kinh thường tụng

Phàm là kinh Phật *thì bộ nào tụng cũng được cả, vì kinh nào cũng có công năng thù thắng là phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sanh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng.

Nhưng vì căn cơ của chúng sanh không *đều, nên chúng ta phải lựa những bộ kinh nào thích hợp với căn cơ và sở nguyện của chúng ta mà tụng đọc.

Thông thường, các Phật tử Việt Nam, từ xuất gia cho đến tại gia đều trì tụng những kinh như: Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Dược Sư, Đại Tạng, Địa Tạng, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa v.v...

Nhiều người có quan niệm chọn bộ kinh nào cho thích hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp như lúc:

a) Cầu siêu thì tụng kinh Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan v.v...

b) Cầu an thì tụng kinh Phổ Môn, Dược Sư v.v...

c) Cầu tiêu tai và giải bịnh thì tụng kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm v.v..

d) Cầu sám hối thì tụng Hồng Danh.

Cái quan niệm chọn lựa như thế cũng có phần làm cho tâm chuyên nhất sẽ hiệu nghiệm hơn. Nhưng chúng ta không quên rằng về mặt giáo lý cũng như về mặt công đức, bất luận một bộ kinh nào, nếu *trí tâm trì tụng cũng đều được mỹ mãn như nhau cả.

2. Các chú thường trì

Ở chùa chư Tăng hằng ngày, trong thời khóa tụng khuya, trì chú Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú hoặc Ngũ Hổ chú v.v...Còn ở nhà phần nhiều cư sĩ chỉ trì chú Đại bi và Thập chú, bởi hai lẽ: một là thời giờ ít ỏi, vì còn phải lo sinh sống cho gia đình; hai là chú Lăng Nghiêm đã dài, lại thêm chữ âm vần trắc trở khó đọc, khó thuộc. Nhưng nếu cư sĩ nào có thể đọc hết các thần chú, trì tụng được như chư Tăng thì càng tốt.

3. Các hiệu Phật thường niệm

Đức Phật nào cũng có đủ cả 10 hiệu, đồng một tâm toàn giác, từ bi vô lượng, phước trí vô biên, thương chúng sanh vô cùng vô tận, nên chỉ niệm danh hiệu của đức Phật nào cũng đều được cảm ứng đến tất cả chư Phật, công đức cũng đều vô lượng vô biên.

Nhưng đứng về phương diện trình độ và hoàn cảnh mà luận, thì hiện nay, chúng ta là người ở thế giới Ta Bà, nhằm quốc độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, lẽ cố nhiên chúng ta phải niệm danh hiệu của Ngài. Dụ như dân chúng ở trong nước nào, phải nhớ nghĩ đến ơn nhà cầm quyền chánh trị sáng suốt ở trong nước đó.

Nếu tín đồ nào tu theo pháp môn Tịnh Độ, thì thường ngày phải niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Pháp môn này thành lập do lời dạy sau đây của đức Phật Thích Ca: "Ở cõi thế giới Ta Bà này, đến thời kỳ mạt pháp, cách Phật lâu xa chỉ có pháp "Trì danh niệm Phật", cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là quốc độ của đức Phật A Di Đà, thì dễ tu dễ chứng hơn hết".

Ngoài ra, tín đồ cũng có người niệm danh hiệu đức Phật Di Lặc, để cầu sanh về cõi trời Đâu suất; hoặc niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư để cầu cho khỏi tật bịnh.

Tóm lại, Tín đồ Phật Giáo phải niệm đủ Tam thế Phật:

a) Niệm đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là niệm đức Phật hiện tại, mà cũng là đức Phật Giáo Chủ của chúng ta.

b) Niệm đức Phật A Di Đà, là niệm đức Phật đã thành từ quá khứ xa xưa, mà cũng là đức Phật tiếp dẫn chúng ta về Cực lạc.

c) Niệm đức Phật Di Lặc, Là niệm đức Phật vị lai.

IV. LỢI ÍCH CỦA SỰ TỤNG KINH, TRÌ TRÚ VÀ NIỆM PHẬT
1. Lợi ích của sự tụng kinh

Những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật, đều toàn là những lời hiền lành, sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ siêu phàm của Phật nói ra. Kinh Phật, vì thế có phần siêu việt hơn tất cả những lời lẽ của thế gian. Nếu chúng ta chí tâm trì tụng, chắc chắn sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người chung quanh:

a) Cho mình: Lúc tụng niệm, hành giả đem hết tâm trí chí thành đặt vào văn kinh để khỏi sơ suất, nên sáu căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý đều thâu nhiếp lại một chỗ. Chăm lo tụng kinh, nên ba nghiệp của thân, khẩu, ý không còn móng khởi lên mười điều ác nữa, mà chỉ ghi nhớ những lời hay, lẽ phải.

b) Cho gia đình: Trước khi sắp sửa tụng kinh, những người trong nhà đều dứt các câu chuyện ngoài đời, và khách hàng xóm đến ngồi lê đôi mách cũng tự giải tán. Trong gia đình nhờ thế được thanh tịnh, trang nghiêm, hòa thuận.

c) Cho người xung quanh: Trong những lúc đêm thanh canh vắng, lời tụng kinh trầm bổng theo với tiếng mõ nhịp đều, tiếng chuông ngân nga, có thể đánh thức người đời ra khỏi giấc mê, đưa lọt vào tai kẻ lạc lối những ý nghĩa, thâm huyền, những lời khuyên dạy bổ ích, chứa đọng trong kinh điển mà hành giả đang tụng.

Như vậy rõ ràng tụng kinh chẳng những có ích lợi cho mình, cho gia đình, mà cho những người chung quanh nữa. Đó là mới nói những điều ích lợi thông thường có thể thấy được, ngoài ra tụng kinh còn có những điều lợi ích, linh nghiệm lạ thường, không thể giải thích được, ai tụng sẽ được chứng nghiệm mà thôi.

2. Lợi ích của sự trì chú

Các thần chú tuy không thể giải nghĩa ra được, nhưng người chí tâm thọ trì, sẽ được công hiệu thật là kỳ diệu, khó có thể nghĩ bàn, như người uống nước ấm, lạnh thì tự biết lấy.

Có thể nói: một câu thần chú, thâu gồm hết một bộ kinh, vì vậy, hiệu lực của các thần chú rất phi thường. Khi gặp tai nạn, nếu thực tâm trì chú thì mau được giải nguy. Như thuở xưa, Ngài A Nan mắc nạn, đức Phật liền nói thần chú Lăng Nghiêm, sai Ngài Văn Thù Sư Lợi đến cứu, thì Ngài A Nan liền được thoát nguy.

Ngày nay, cũng có nhiều trường hợp mà người thành tâm niệm chú thấy được hiệu nghiệm rõ ràng. Theo lời Bác sĩ Thiện Thành nói lại, thì vào năm 1946, giữa lúc loạn ly, bác sĩ ở trong một vùng rừng sâu, núi hiểm tại Trung Việt. Một lần bác sĩ bị chứng bịnh nan y, mặc dù lương dược Đông, Tây sẵn có trong tay, cũng không làm sao trị được. Bác sĩ tưởng sẽ bỏ mình trong xóm ngoài sơn cước, không ngờ nhớ lại lúc còn ở dưới mái nhà cha mẹ, thường đêm nghe thân phụ trì chú "Công Đức Bảo Sơn", Bác sĩ liền đem thần chú ấy ra áp dụng. Trong lúc ấy, các người nuôi bịnh cũng xúm lại hộ niệm cho bác sĩ suốt đêm. Sáng hôm sau, quả thật Bác sĩ lành mạnh một cách dễ dàng, làm cho tất cả các đồng nghiệp đều ngạc nhiên.

3. Lợi ích của sự niệm Phật

Niệm Phật công đức lại còn to lớn hơn nữa, vì một câu niệm Phật có thể gồm thâu cả ba tạng giáo điển, hết thảy thần chú,* cũng là các pháp viên đốn, như tham thiền, quán tưởng v.v...

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng: "Sau khi Phật nhập diệt đã lâu, về thời kỳ mạt pháp, đến kiếp hoại, các kinh sẽ bị tiêu diệt hết, chỉ còn kinh Di Đà lưu truyền lại được một thời gian rồi cũng diệt luôn. Lúc bấy giờ chỉ còn câu niệm Phật gồm 6 chữ "Nam mô A Di Đà Phật", mà đủ năng lực đưa chúng sanh về cõi "Cực lạc".

Lời Phật nói không sai, bằng chứng là có nhiều nhân vật chuyên trì một câu niệm Phật này mà biết được ngày giờ và thấy được điềm lành trước khi vãng sanh. Như Ngài Tổ Huệ Viễn, trong mười năm niệm Phật, ba lần thấy đức A Di Đà rờ đầu; trong hội Liên Xã, có 123 người chuyên tu phép "Trì danh niệm Phật", đều lần lượt được Phật rước về cõi Tịnh Độ. Gần đây, ở Nam phần Việt Nam, vào năm 1940 có vị sĩ quan Pháp *và Đại úy Touffan, Trung úy Retourna, Thiếu úy Brillant đồng lái một chiếc thủy phi cơ bay từ đảo Cô Lôn về Sài gòn. Giữa đường, chiếc phi cơ hư, rơi xuống biển. Thiếu úy Brillant (người Pháp lai Việt) niệm Phật cầu cứu. Chiếc thủy phi cơ lững đững trên mặt biển suốt ba giờ đồng hồ, mới gặp được chiếc tàu đánh cá của người Nhật đến cứu. Khi ba vị sĩ quan vừa bước sang tàu, thì chiếc thủy phi cơ chìm ngay xuống biển. Ai nấy đều lấy làm lạ, hỏi nhau: Tai sao khi nảy có ba người ngồi nặng, phi cơ lại nổi, mà bây giờ không người nó lại chìm?

Chỉ có Thiếu úy Brillant mới giải thích được sự lạ lùng ấy. Ông kể lại cho mọi người nghe sự linh ứng của phép niệm Phật mà ông thường áp dụng, và lần này là lần thứ hai ông được thoát nạn nhờ phép niệm Phật ấy. Đại úy Touffan và Trung úy Retourna hết lòng tin tưởng, nên khi về đến Sài gòn, hai vị sĩ quan ấy chung nhau một số tiền, cất một cái am đẹp đẽ ở Cát Lái, làng Thành Mỹ Lợi, tỉnh Gia Định để thờ Phật, gọi là tỏ lòng tri ân.

Đây chỉ là một câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện về sự lợi ích của phép niệm Phật.

C. KẾT LUẬN

Khuyên Phật tử tụng kinh, niệm phật và trì chú cả sự lẫn lý cho được viên dung

Tụng kinh, trì chú, niệm Phật là ba phương pháp tu hành gồm đủ cả Sự và Lý. Dù tại gia hay xuất gia, dù Tiểu Thừa hay Đại Thừa, tiêu cực hay tích cực, không ai có thể rời ba phương pháp này được. Bởi thế, Phật tử cần phải học tụng kinh, niệm Phật và trì chú cho Sự, Lý đi đôi, lời nói và việc làm phù hợp, mới có được kết quả tốt đẹp.

Ba pháp môn tụng kinh, trì chú và niệm Phật, tuy không đồng mà kết quả đều thù thắng. Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà tu một, hai hay cả ba pháp ấy. Thí dụ như người biết chữ và mạnh khỏe., công ăn việc làm hằng ngày không bận rộn lắm, thì nên tụng kinh, trì chú, niệm Phật đủ cả 3 pháp môn. Còn người tuổi già sức yếu, mắt lờ, răng rụng, miệng lưỡi phều phào, thân thể mỏi mệt, nếu tụng kinh, trì chú không nổi thì phải chuyên tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng đều niệm Phật.

Nhưng các Phật tử nên nhớ, khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gội rửa hết bao nhiêu ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn, và đặt vào hình ảnh đấng Từ Bi. Rồi phải noi gương Ngài, mở rộng lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả. Đến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy.

Người tụng kinh, trì chú và niệm Phật, làm đúng như thế, thì chắc chắn sẽ được chứng quả Thánh không sai.


Chân thành cảm ơn cư sĩ Tâm Diệu đã gởi tặng phiên bản điện tử. ĐPNN, 24-8-2000

 


Cập nhật: 24-8-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang