...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Hạnh Nguyện Đức Bồ Tát Quán Thế Âm
- Đại-lãn
Hiện tướng bản thể vũ trụ là một trò chơi vừa có
tính thực và bất thực, hay vừa có tính hòa âm và bất hòa âm. Nếu người
biết được trò chơi này, là người nắm được thực tại trên mười đầu
ngón tay; thì trái lại, kẻ không nắm được thực tại trên mười đầu
ngón tay, kẻ đó không biết được hòa âm vũ trụ trong trò chơi này. Nói
thế không có nghĩa là bản thể vũ trụ ở trong tình trạng phân sáp làm
đôi vàđối lập nhau; nhưng nó chỉ là một. Tuy thế, về mặt tùy thể,
chúng ta nhìn bản thể vũ trụ như là một phức thể, tùy theo kiến giác
của mỗi chúng ta. Vì tùy thể này, nói lên được sự hiện hữu của duyên
nghiệp trong mỗi chúng ta đang ở trong tình trạng sinh khởi, nối tiếp và
ràng buộc vào nhau, mà hiện ra các khổ tướng báo thân có sai khác. Nhưng
về mặt nhất thể , thì hiện tướng chính là bản thể, và bản thể
chính là hiện tướng.
Do đó, cuộc đại hòa âm, hay bất đại hòa âm trong vũ trụ, cũng tùy
theo đó mà hiện hữu như một thực tại giữa chúng ta, không thể không
chấp nhận. Vì kẻ biết được hay không biết được trò chơi cùng đang
nằm trong quỹ đạo của ý niệm, nhưng khi ý niệm vừa khởi lên, liền
sau đó phát hiện ra âm thanh hoặc tương đồng hoặc tương khắc với với
thế giới âm thanh bên trong hay bên ngoài. Tuy nhiên trong thế giới ngũ trược
này, hầu hết chúng sanh đã mang vào trong mỗi tướng thể một khổ quả
nào đó, cùng nằm trong một cộng nghiệp không thể tránh khỏi luật tắc
luân hồi, đã mang và sẽ đưa chúng sanh vào con đường khổ. Chính vì khổ
ngiệp của chúng sanh đang vây khổn mà các đức Phật Thế tôn cùng các vị
Bồ tát xuất hiện ra thế gian này, với hạnh nguyện đại từ, đại bi,
ban vui cứu khổ cho mọi loài. Cùng ở trong hạnh nguyện đó, sự xuất hiện
của Bồ tát Quán Thế Âm được các kinh công nhận là độc đáo nhất
trong hạnh nguyện của các vị Bồ tát. Ngài đã chứng ngộ bằng âm thanh
qua nhĩ căn viên thông, và lấy âm thanh là tiêu đích trong việc cứu khổ
cứu nạn cho tất cả chúng sanh. Với danh hiệu Đại từ đại bi tầm
thinh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồt tát, đã nói lên đầy đủ ý
nghĩa hạnh nguyện đó.
Trong nhiều bộ kinh, có nói về đức Quán Thế Âm Bồ
tát; nhưng chúng ta không thấy đề cập đến phương pháp chứng ngộ của
Ngài. Duy bộ kinh Lăng Nghiêm có đề cập đến sự chứng ngộ ấy, kinh
Lăng Nghiêm trực chỉ ghi rõ rằng: Sau khi đức Thế tôn gạn hỏi chỗ sở
chứng của 24 Thánh đệ tử xong, đến lượt Bồ tát Quán Thế Âm bày tỏ
chỗ sở chứng của mình như sau: " Quán Thế Âm Bồ tát bạch rằng:
Tôi nhớ là: hà sa số kiếp về trước, có một vị Phật hiệu là Quán
Thế Âm; vị Phật đó dạy tôi muốn vào chánh định thì phải theo
nghe-nghĩ-tu. Từ trong nghe, khi trở về tự tánh thì sở duyên biến mất
và con đường vào trở nên vắng lặng (sở không có, năng không có chỗ
duyên, nên năng vẫn không hiện hữu, ở trong tự tánh vắng lặng). Hai tướng
động và tịnh không sinh. Từ từ mà tiến lên như vậy, thì nghe và đối
tượng bị nghe đều hết. Nghe đã hết không trụ, thì giác và đối tượng
của bị giác đều không khi không giác đã tròn đầy, thì không và đối
tượng .không đều diệt. Khi sinh và diệt đã mất, thời cảnh tịch diệt
hiện ra trước mắt." Thế giới phơi mở trước chúng ta như là một
hiện hữu, vượt khỏi không gian thời gian. Cảnh giới này không bị ràng
buộc bởi xuất thế gian và thế gian, hay các pháp hữu vi và vô vi. Cảnh
giới này trên đồng với Như Lai một từ lực, dưới hợp với tất cả
chúng sanh trong sáu đường, và đồng với chúng sanh một lòng bi ngưỡng.
Đến đây, chúng ta thấy hạnh nguyện của Quán Thế Âm
trong kinh Lăng Nghiêm cùng kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, gặp nhau trong lòng
bi ngưỡng đối với chúng sanh đại thể. Nhưng về ý nghĩa danh từ có sự
khác nhau. Trong kinh Lăng Nghiêm ý nghĩa luôn luôn ở trong chiều hướng phản
phục cái nghe nơi tự tánh. Như vậy, cái nghe ở trong chiều hướng nội.
Một khi tâm đã phản phục, thời cảnh sở quán sẽ không còn, nên không
có sự đối đãi giữa năng và sở nữa. Lúc đó Như lai tạng tâm sẽ hiển
bày ra trước mắt. Lúc đó tâm năng văn và cảnh sở văn sẽ tiêu tan dung
hội. Như vậy kinh Lăng Nghiêm lập cứ trên nhân hạnh mà gọi là Quán Thế
Âm. Ngược lại trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn lại lập cứ trên quả
đức để hiển nghĩa, thì Âm chính là tiêu đích của văn tầm cứu. Dù
là tịch thinh hay là động thinh, nghe của Quán Thế Âm Bồ tát cũng thấu
suốt tất cả. Âm thinh từ trạng thái tâm lý đến lúc phát ra ngoài, phải
qua một tiến trình chuyển động của cơ thể. Có sự liên hệ giữa một
ý niệm khi phát khởi, và các sợi thần kinh liên hệ chuyển động để
thoát ra ngoài cửa miệng, lúc đó mới tạo thành âm thanh thật sự. Âm
thanh này sẽ dàn trải ra vô tận, và sẽ tạo thành âm thanh sống của vũ
trụ. Trong những biến động tiếp giao này, cùng với những âm thanh khác,
sẽ tạo ra những điệu hòa âm, hay bất hòa âm, tùy theo lối dung nạp của
mỗi âm thanh từng người, từng loại chúng sanh. Ở đây trạng thái tịch
thanh không tự hữu, mà chỉ hiện hữu trong mỗi người, mỗi sự vật, chính
ngay trong ý niệm, trong mặc thức, không phát ra bên ngoài, hay chưa khởi phát
ra ngoài, nhưng nó có tác động của tâm thức can thiệp vào. Ở đây, còn
gọi là tâm thanh, là tiếng nói của tâm.
Vậy, âm là biểu tượng ý nghĩa cuộc sống, thế giới
ngoại tại của chúng sanh trong pháp giới duyên khởi này chính là hiện tướng
của nghiệp tướng vô minh con người đang lôi kéo con người trong bể khổ
sanh tử luân hồi. Những khổ đau tai nạn của kiếp người, cùng tiếng
kêu gào van xin, cầu cứu của chúng sanh trong bể khổ đã làm cho nguyện lực
độ sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm phát sinh. Ngài đã cùng nhĩ căn viên
thông, thường xuyên quán sát và nghe tiếng cầu cứu của chúng sanh, tùy
theo căn cơ của từng loại mà Ngài hóa độ, cứu vớt .
Ở đây, về ý nghiã danh xưng, chúng ta thấy sự khác biệt giữa kinh Lăng
Nghiêm và kinh Pháp Hoa trong lòng bi nguyện của Ngài. Một đàng hướng nội
nghe bản thể tự tánh, tức là Như Lai tạng tâm và đó cũng chính là bản
thể của chúng sanh, của vũ trụ mà lập cứ (theo nhân hạnh) để cứu vớt;
một đàng hướng ngoại nghe quả khổ của chúng sanh, cùng tiếng cầu cứu
mà lập cứ (theo quả đức) để cứu vớt . Nếu căn cứ nơi nhân và quả
để hiểu thì làm sao có sự gặp gỡ hạnh nguyện giữa Kinh Lăng Nghiêm
và kinh Pháp Hoa trong lòng bi nguyện của Ngài? Đó là câu hỏi cần đặt
ra và cần giải đáp. Sự xuất hiện của Ngài vì lòng bi ngưỡng vô úy,
cùng với chúng sanh cùng một thể tánh. Ngài đã mang danh hiệu Đại Từ
Đại Bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, nói lên lòng
bi ngưỡng vô úy đó . Lòng bi ngưỡng vô úy mà chúng sanh đã đánh mất,
thay vào đó lòng sợ hãi. Chính vì lòng sợ hãi mà con người luôn ở
trong tình trạng lo đối phó, nhưng đối phó với phương pháp chạy trốn
thực tại, tìm cách né tránh với tương lai . Mà tương lai là những gì chưa
xảy đến với họ hay sẽ không xảy đến. Vì sợ hãi lo âu nên con người
tự đánh lừa chính mình và dần dần trở thành vong thân. Từ đó thần
thánh, ma quỷ, Thượng đế được xuất hiện bởi con người và do con người
đặt ra, con người lấy đó làm nơi nương tựa. Cuộc sống của chúng ta
đầy dẫy những biểu tượng, biểu tượng của sợ hãi, do đó chúng ta
đã tự đánh mất bản tính vô úy của ta. Con người không dám nhìn thực
tại, không dám nhìn vào chính mình, không dám sống với thực tại, luôn
luôn sống với tương lai; mà tương lai là những gì ảo tưởng. Con người
luôn tìm cách nắm bắt những ảo tưởng đó để rồi thất vọng đau khổ
.
Trong truyền thống triết lý siêu hình Tây phương, vì sự
sợ hãi này mà Thượng đế xuất hiện. Thượng đế đã được lý trí
con người đặt ra để tôn thờ謠là nơi
tương tựa của những con người yếu bóng vía, đầy lòng sợ hãi với hiện
tại, với tương lai. Tự đặt con vào sự cứu rỗi của Thượng đế, tự
họ đánh mất bản tánh của họ . Họ làm nô lệ cho một Thượng đế bên
ngoài, họ đã vong thân và Thượng đế thần thánh đã ngự trị, chi phối
cuộc sống họ. Kể từ Socrates mãi cho đến Athur Schopenhauer, giai đoạn này
Thượng đế đã được đề cập đến nhiều, nhất là thời kỳ trung cổ,
thời kỳ kinh viện, Thượng đế được coi như là thần linh, ban phước
giáng họa và mãi đến Hegel .
Hegel đã quan niệm: Thượng đế là một nhân cách hóa của
con người và con người là nhân cách của Thượng đế. Thượng đế chính
là ý niệm tuyệt đối . Ông giải thích Thượng đế của ông theo sách
Sáng Ký và ba ngôi của Ky Tô giáo bằng biện chứng pháp của ông theo ba
tiến trình; đề, phản đề, tổng hợp đề . Ông bảo rằng : "Chính
Thượng đế đã vong thân, Thượng đế đã đẻ ra hình ảnh Ađam và Eva nơi
vườn địa đàng, và chính Adam và Eva đã phản lại lời dặn dò của Thượng
đế khi nghe lời dụ dỗ con rắn (tượng trưng cho ác quỷ sa tăng) mà ăn
phải trái cấm thiện ác, để rồi từ đó về sau con người mắc phải tội
tổ tông (nguyên tội) và bị đày đọa trong khổ đau, càng khổ đau con
người càng tạo nên tội lỗi. Để chuộc lại tội lỗi này, Thượng đế
đã cho Jésus giáng thế, và bị đóng đinh trên cây thập tự giá, để chịu
tội cho thế gian; khi đó con người trở lại trạng thái ban sơ nơi vườn
địa đàng. Để rồi ông kết luận Thượng đế là con người và con người
là Thượng đế. Đó là giai đoạn chung cuộc của lịch sử tương lai .
Từ Hegel đến Schopenhauer, quan niệm Thượng đế thay đổi dần và biến mất
từ Schopenhauer . Với quyển "Vũ trụ như là ý lực", ông đã phủ
nhận Thượng đế. Ông là người đầu tiên mang truyền thống Đạo học
Đông Phương thổi vào Âu Châu một luồng sinh khí mới mẻ, và mạnh mẽ
nhất là Nietzsche với chủ trương "con người siêu nhân" và ông đã
nói; "Thượng đế đã chết" (Das Got Isto). Như thế Thượng đế
thực sự đã vắng mặt trên thế gian này. Mãi đến Heidegger, danh từ Thượng
đế không còn được nhắc đến nữa. Nền siêu hình học hiện đại mà
người đại diện cho nền triết lý Tây Phương là Heidegger đã không nhắc
đến một Thượng đế nào, ông chỉ đề cập đến tính thể của hiện
thể tại thế (Dasein) của con người mà thôi . Những vấn đề xa xôi chưa
đến trong tương lai, không phải là vấn đề bận tâm của ông. Ông chỉ
biết hiện tại, sống với hiện tại, tìm ra những vấn đề liên hệ giữa
con người với con người, giữa cuộc sống và con người cùng sự hiện hữu
chính mình. Theo ông đó là những bâng khuâng của con người, cần phải tìm
ra sợi dây liên hệ đó. Có thế con người mới làm chủ được chính
mình và làm chủ được cuộc sống; lúc này con người sẽ không còn sợ
hãi nữa, họ sống một cách bình thản chấp nhận tất cả dù là cái chết
đi nữa, cũng không sợ sệt, vui cười với cái chết. Họ đã đến gần
Đông phương với tinh thần vô úy.Nhưng đó chỉ là một thiểu số có
tinh thần thượng thừa, đã nhìn ra được trò chơi của vũ trụ trong suy
niệm. Họ đã chấp nhận hiện tại và sống với hiện tại, chơi với hiện
tại bằng một thái độ lì lợm, kiêu hãnh với chính mình mà không bao giờ
sợ hãi .
http://www.buddhismtoday.com/viet/botat/2-hanhnguyen.htm
|
|