- Về hạnh Bố Thí
Bố
Thí một đức hạnh cao quí thường được đề cập đến trong
cuộc sống tu tập của người con Phật, tu sĩ lẫn cư sĩ, trong mọi tông
phái Phật Giáo.
Có lẽ đa số Phật tử chúng
ta đều nghe biết nhiều về các lời giảng trong kinh điển Bắc truyền,
đều quen thuộc với các khái niệm hành trì như Lục độ Ba-la-mật và Tứ
nhiếp pháp của hàng Bồ-Tát. Về lục độ Ba-la-mật thì gồm có 6 đức
hạnh: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền định, và Trí tuệ.
Về Tứ nhiếp pháp thì gồm có: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, và Đồng sự.
Trong kinh điển nguyên thủy, Bố
Thí là một đức hạnh tối quan trọng mà Đức Phật thường giảng dạy
và khuyên nhủ chúng ta nên cố gắng tu tập. Tứ nhiếp pháp cũng được
ghi lại trong kinh điển. Thêm vào đó, trong khi kinh điển Bắc truyền có
ghi 6 pháp Ba-la-mật, kinh điển nguyên thủy đề cập đến 10 pháp Ba-la-mật
của hàng Bồ Tát, gồm: Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn,
Kiên nhẫn, Chân thật, Chí nguyện, Từ tâm, và Xả ly. Cho nên, khái niệm
về các hạnh Ba-la-mật trong tất cả các tông phái đều rất giống nhau,
đều đề cao Bố Thí như là đức hạnh đầu tiên cần phải được tu tập.
Ở đây, chỉ xin trình bày
tóm tắt, giới hạn trong phạm vi pháp bố thí trong thế gian, về các lời
dạy của Đức Phật cho hàng đệ tử cư sĩ tại gia chúng ta, như đã ghi
lại trong Kinh Tạng Nikàya nguyên thủy.
"Bố Thí" là chữ Hán Việt,
gồm chữ "Bố" và chữ "Thí". "Bố" là bày ra, ban
rộng ra, trải đều ra; như trong những chữ: ban bố, phân bố, tuyên bố,
công bố, bố trí, bố cục, bố cáo, bày binh bố trận. "Thí" còn
đọc một âm khác là "Thi", nghĩa là thực hiện, áp dụng, làm ra;
như trong những chữ: thí nghiệm, thí điểm, thí công (thi công)
"Bố thí" có nghĩa là
làm cho rộng ra, trải rộng ra, phân chia cùng khắp. Từ đó, Bố Thí mang một
ý nghĩa là: chia xẻ, san sẻ. Tiếng Anh thường dịch là: Giving, Donating,
Sharing. Trong tiếng Phạn Pàli, Bố Thí là: Dàna, hay Càga.
"Dàna" thường được
phiên âm là "Đàn-na", có khi chỉ gọi tắt là "Đàn", như
trong cụm từ "Đàn Ba-la-mật", có nghĩa là "Đàn-na Ba-la-mật",
"Dàna Pàrami", hay là hạnh Ba-la-mật về sự Bố Thí.
Trong kinh sách, đôi khi chúng
ta thấy có sự dùng chữ kết hợp âm tiếng Phạn và tiếng Hán. Thí dụ
như chữ "Đàn chủ": Đàn là từ chữ Phạn "Dàna", Chủ
là tiếng Hán. Đàn Chủ là người đứng ra thực hiện việc bố thí cúng
dường, tiếng Pali là "Dànapati".
"Đàn chủ" cũng còn
được gọi là "Thí Chủ". Chữ "Thí" ở đây là nói tắt
từ chữ "Bố Thí". Trong thuật ngữ Phật học, chữ "Thí"
không còn mang nghĩa đen là "làm, thực hiện, hành động", mà thường
được hiểu như là chữ tắt của "Bố Thí". Ngoài chữ "Thí
Chủ", chúng ta thường thấy các chữ khác như là: Đàn-na tín thí,
nhà thương thí, thí thực, thí cô hồn, tài thí, pháp thí, niệm thí, v.v.
Tất cả đều có hàm chứa ý nghĩa "Bố Thí".
Trong Trường Bộ, kinh 33; trong
Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Chương 3 Pháp; và trong Tăng Chi Bộ, Chương Tám
Pháp, Đức Phật có dạy 3 pháp hành để tạo căn bản phước báu trên
đường tu tập. Đó là: Bố thí (Dàna), Trì giới (Sìla), và Tu thiền
(Bhàvanà): "Này các Tỳ-khưu, có ba phước nghiệp sự này. Đó là:
Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác
thành, và phước nghiệp sự do tu thiền tác thành".
Bố thí là một trong 3 hạnh
kiểm được người hiền trí, bậc thiện nhân tán thán. Đó là: Bố thí,
Xuất gia, và Phụng dưỡng cha mẹ. "Xuất gia" (pabbajjà) ở đây
có ý nghĩa là sự thiểu dục, sự thoát ly điều bận rộn phiền não, thọ
trì pháp không não hại, sống chế ngự, điều phục và hòa hợp. Trong Tăng
Chi Bộ, Chương Ba Pháp, Đức Phật dạy: "Này các Tỳ-khưu, có ba
pháp được người Hiền trí tuyên bố, được bậc Chân nhân tuyên bố.
Đó là: Bố thí, Xuất gia, và Hầu hạ cha mẹ."
Bố thí cũng là một trong bốn
pháp để thu phục nhân tâm, chung sống hài hòa trong gia đình cũng như
trong Tăng chúng và trong xã hội. Tăng Chi Bộ, Chương 4 Pháp, có ghi lại lời
khuyên của Đức Phật như sau:
- Này các Tỷ-kheo, có bốn
nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự
Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Ðây là bốn nhiếp pháp.
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Ðối với những pháp này,
Ở đời đối xử nhau,
Chỗ này và chỗ kia,
Như vậy thật tương xứng.
Và bốn nhiếp pháp này,
Như đỉnh đầu trục xe,
Nếu thiếu nhiếp pháp này,
Thời cả mẹ lẫn cha
Không được các người con
Tôn trọng và cung kính.
Do vậy bậc Hiền trí,
Ðồng đẳng nhìn nhiếp pháp
Nhờ vậy họ đạt được,
Sự cao lớn, tán thán.
Trong truyền thống Nam tông, một
trong những bài kinh mà chúng ta thường được nghe tụng đọc là kinh Đại
Hạnh Phúc (Mahà-Mangala Sutta), thuộc Kinh Tập, Tiểu Bộ. Trong bài kinh nầy,
Đức Phật giảng rằng Bố thí là một trong 38 điều mang lại hạnh phúc
tối thượng cho người cư sĩ tại gia chúng ta. Đức Phật còn cho biết rằng
Bố thí là một trong ba yếu tố để biết được một người có lòng tin
trong sạch nơi Chánh Pháp, như đã ghi lại trong Tăng Chi Bộ, Chương 3 Pháp:
Do ba sự kiện, này các Tỳ-khưu,
một người được biết là có lòng tin. Thế nào là ba? (1) Ưa thấy người
có giới hạnh, (2) ưa nghe diệu pháp, (3) với tâm ly cấu uế của xan tham,
sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ,
sẵn sàng để được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí."
Một người bố thí trong sạch
như thế, theo lời Đức Phật, sẽ tạo được một tài sản rất lớn,
không bao giờ bị lửa đốt cháy, lụt làm trôi mất, bị ăn trộm, bị chánh
quyền tịch thu, hay bị kẻ thù địch lấy đi mất. Tài sản phước báu
do hạnh Bố Thí tạo ra là một trong 7 loại tài sản cao quí nhất - gọi
là thánh tài - mà chúng ta có thể tích lũy được. Đức Phật dạy trong
Tăng Chi Bộ, Chương 7 Pháp:
Này các Tỳ-khưu, có bảy
tài sản này. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn
tài, thí tài, tuệ tài. (...) Và này các Tỳ-khưu, thế nào là thí tài? Ở
đây, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của
xan tham, sống tại gia phóng xả, với bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ,
sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỳ-khưu,
đây gọi là thí tài.
Bố Thí cũng được xem là một
loại hương thơm cao quý, tỏa ra cùng khắp, theo mọi hướng, tạo ra nhiều
tiếng lành, danh thơm cho xóm làng hay cộng đồng nơi chúng ta sinh hoạt.
Trong Tăng Chi Bộ, Chương 3 Pháp, Ngài Ananda hỏi Đức Phật:
- "Bạch Thế Tôn, loại
cây hương gì có mùi hương bay thuận gió, có mùi hương bay ngược gió,
có mùi hương bay thuận gió lẫn ngược gió?
Đức Phật trả lời:
- "Ở đây, này Ananda, tại
làng nào hay tại thị trấn nào, có nữ nhân hay nam nhân quy y Phật, quy y
Pháp, quy y chúng Tăng, tuân giữ 5 giới, tâm tánh hiền lương, sống trong
nhà với tâm không nhiễm xan tham, bố thí không luyến tiếc với tay rộng
mở, thích thú từ bỏ, sẵn sàng được yêu cầu, ưa thích chia xẻ đồ bố
thí. Người như vậy, được các Sa-môn, Bà-la-môn, Chư Thiên và các phi
nhân đều tán thán. Và như thế, người đó là loại cây hương quý. Cây
hương đó, này Ananda, có mùi hương bay thuận gió, có mùi hương bay ngược
gió, có mùi hương bay thuận gió lẫn ngược gió".
Tuy nhiên, hạnh Bố Thí
không phải là một điều dễ thực hiện như nhiều người thường hiểu
lầm. Đây là một pháp môn tu tập đòi hỏi chúng ta phải tinh tấn, có
chánh niệm và trí tuệ.
Trước hết, Đức Phật dạy
rằng khi bố thí, chúng ta phải biết nhận thức rõ ràng về vật cho,
cách cho, và tâm ý cho. Trong Tăng Chi Bộ, Chương 8 Pháp, Ngài dạy:
"Này các Tỳ-khưu, có
tám sự bố thí của bậc chân nhân. Thế nào là tám? Cho vật trong sạch;
cho vật thù diệu; cho đúng thời; cho vật thích ứng; cho với sự cẩn thận;
cho luôn luôn; khi cho, tâm tịnh tín; sau khi cho, tâm luôn hoan hỷ".
Như thế, khi bố thí, vật cho
phải là vật trong sạch, vật thù diệu, vật thích ứng; cách cho phải là
cho đúng thời, cho với sự cẩn thận, cho luôn luôn; và tâm ý cho phải
là tâm tịnh tín khi cho, tâm luôn hoan hỷ sau khi cho.
Trong Tăng Chi Bộ, Chương 5 Pháp,
Đức Phật dạy: "Có năm loại bố thí xứng đáng bậc chân nhân: bố
thí có lòng tin; bố thí có kính trọng; bố thí đúng thời, bố thí với
tâm không gượng ép; bố thí không làm thương tổn mình và người." Ngài
cũng dạy về năm loại khác là: "Có năm loại bố thí xứng đáng bậc
chân nhân: bố thí có lòng cung kính; bố thí có suy nghĩ; bố thí tự tay
mình; bố thí đồ không quăng bỏ; bố thí có suy nghĩ đến tương
lai".
Về bố thí cho đúng thời, Đức
Phật nêu rõ có 5 loại:
- Bố thí cho người mới đến
trú xứ của chúng ta.
- Bố thí cho người sắp ra đi, rời khỏi trú xứ của chúng ta.
- Bố thí cho người đau bệnh.
- Bố thí trong thời đói.
- Phàm những hoa quả gì mới gặt hái được, dành chúng đầu tiên để cúng
dường các bậc giữ giới hạnh.
Nếu được như thế, hạnh Bố Thí
sẽ mang lại các lợi ích: "Tùy theo vật bố thí, tùy theo cung cách
bố thí, kết quả sẽ đưa đến cho người bố thí với tài sản sung
mãn, với dung sắc thù thắng như hoa sen, với vợ con, các người làm công
tận tụy phục vụ tuân hành, với các vật dụng đến đúng thời, đúng
lúc, với năm dục công đức được thọ hưởng đầy đủ, và với các
tai nạn không hề xảy đến."
Trong các đoạn kinh khác, Đức Phật
dạy thêm về các lợi ích khác:
" Này các Tỳ-khưu, có
năm lợi ích này của bố thí. Thế nào là năm?
- Được nhiều người ái mộ,
ưa thích;
- Được bậc thiện nhân, chân nhân thân cận;
- Tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi,
- Không có sai lệch khi thuyết pháp;
- Khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cỏi lành thiên giới.
Về lợi ích của bố thí thực
phẩm: "Người bố thí bữa ăn, này các Tỳ-khưu, sẽ được hưởng
năm kết quả: sống thọ, sắc diện tươi đẹp, sống an lạc, có sức khỏe,
có biện tài".
Thêm vào đó, theo Chú Giải,
để có kết quả to lớn, sự bố thí phải hội đủ 3 điều kiện thành
tựu:
1. Thành tựu ruộng phước
(khettasampatti), tức là nói đến đối tượng thí, người thọ thí là bậc
chánh hạnh, bậc hội đủ các ân đức đặc biệt.
2. Thành tựu vật thí
(deyyadhammasampatti), tức là có vật thí đầy đủ, hợp pháp, thanh tịnh
và thích hợp lợi ích cho người nhận.
3. Thành tựu tâm ý (cittasampatti), tức
là tác ý bố thí có đầy đủ, có tâm tịnh tín, có tâm hoan hỷ trong ba
thời: trước khi làm, đang khi làm và sau khi làm.
Có 2 loại bố thí: bố thí tài vật
(tiền bạc, thức ăn, vật dụng) và bố thí pháp (giáo pháp, các điều
hay, lẽ phải). Trong 2 loại nầy, bố thí pháp là cao quý và có nhiều lợi
lạc hơn, như đã dạy trong Kinh Pháp cú (354): "Bố thí Pháp là cao
thượng hơn tất cả các pháp bố thí khác".
Trong Kinh Phật Tự Thuyết (Iti
98), Đ?c Phật dạy: "Có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố
thí Pháp. Trong đó, bố thí Pháp là bố thí tối thượng. Có hai sự phân
phát: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Trong đó, phân phát Pháp là
phân phát tối thượng. Có hai loại giúp đỡ: giúp đỡ bằng tài vật và
giúp đỡ bằng Pháp. Trong đó, giúp đỡ bằng Pháp là giúp đỡ tối thượng."
Trong Tăng Chi Bộ, Chương Một Pháp:
"Có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Trong đó, bố
thí Pháp là tối thắng."
Trong Tương Ưng Bộ, Tập I, Chương
I, có ghi lại câu chuyện trong một đêm nọ, một vị thiên tử đến hỏi
Đức Thế Tôn:
Cho gì là cho lực?
Cho gì là cho sắc?
Cho gì là cho lạc?
Cho gì là cho mắt?
Cho gì cho tất cả?
Xin đáp điều con hỏi?
Đức Thế Tôn trả lời:
Cho ăn là cho lực,
Cho mặc là cho sắc,
Cho xe là cho lạc,
Cho đèn là cho mắt.
Ai cho chỗ trú xứ,
Vị ấy cho tất cả.
Ai giảng dạy Chánh Pháp,
Vị ấy cho bất tử.
Cũng cần ghi nhận ở đây là có
nhiều người thường than phiền rằng vì điều kiện sinh hoạt làm ăn khó
khăn, hay vì hoàn cảnh gia đình, nên họ không có dư tiền của để thực
hiện hạnh bố thí. Tuy nhiên, đó chỉ là các bố thí tài vật. Đức Phật
có dạy rằng nếu người nào giữ lòng tịnh tín, quy y Tam Bảo và giữ
tròn 5 giới căn bản, thì đó là đại bố thí, và là nguồn công đức vô
lượng cho chúng sinh, vì người ấy mang lại sự an vui, thương yêu hài
hòa đến cho mọi người, mọi loài sống chung quanh người ấy. Trong Tăng
Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Đức Phật dạy:
"Có tám nguồn nước công
đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên,
quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ,
khả ý, hạnh phúc, an lạc. Đó là:
- Quy y Phật, Pháp, Tăng là
3 nguồn nước đầu;
- 5 nguồn nước kế là giữ
tròn 5 giới căn bản. Đó cũng là 5 đại bố thí, bởi vì làm được như
thế, sẽ đem cho sự không sợ hãi (vô úy) cho vô lượng chúng sanh, đem
cho sự không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho sự không hại cho
vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận
thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không
hận thù, không hại."
Cũng xin ghi nhận thêm là trong
vài tài liệu kinh sách phát triển về sau nầy, ngoài Bố thí Tài và Bố
thí Pháp, còn có đề cập đến một loại thứ ba là Bố thí Vô úy, tức
là mang đến, san sẻ sự không sợ hãi, không hận thù, không hại. Theo thiển
ý, có thể xem Bố thí Vô úy là kết quả của Tài thí và Pháp thí, không
cần phải tách ra thành một phân loại riêng biệt.
Nếu chỉ thực hành hạnh Bố
Thí không thôi thì cũng chưa tròn đủ. Trong Tăng Chi Bộ, Chương 5 Pháp,
Ngài Xá Lợi Phật có dạy ông Cấp Cô Độc rằng cúng dường, bố thí tứ
vật dụng, tuy tạo nhiều phước báu, nhưng cũng chưa đủ. Người cư sĩ
còn phải gắng tu tập thiền định, để được hỷ lạc do tâm xả ly
sinh ra. Lời khuyên nầy được Đức Phật đồng ý và khen ngợi.
Do đó, kinh điển nguyên thủy
còn ghi lại việc thực hành pháp quán niệm về lòng Bố Thí, hay "Niệm
Thí", như là một trong 6 pháp tùy niệm cần phải tu tập. Trường Bộ,
kinh 34, có ghi:
"Thế nào là sáu pháp cần
phải tu tập? Đó là sáu tùy niệm xứ: Phật tùy niệm, Pháp tùy niệm, Tăng
tùy niệm, Giới tùy niệm, Thí tùy niệm, Thiên tùy niệm. Ðó là sáu pháp
cần phải tu tập."
Và Đức Phật giải thích
thêm cho ông Mahànàma về niệm Thí như sau (Tăng Chi Bộ, Chương 11 Pháp):
"Này Mahànàma, Ông hãy
niệm Thí như sau: "Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi
cho ta! Vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống
trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng
rãi, với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng, để được yêu cầu,
ưa thích phân phát vật bố thí".
Này Mahànàma, trong khi vị
Thánh đệ tử tùy niệm Thí, tâm của vị ấy không bị tham ám ảnh, tâm
không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm được
chánh trực nhờ duyên Thí. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm
chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được
hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được
khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được
định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt
được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô
sân với chúng sanh có sân, nhập được dòng lưu của Chánh Pháp, và tu tập
tùy niệm Thí."
Trong Tăng Chi Bộ, Chương Một
Pháp, ngoài 6 đề mục quán niệm nêu trên, còn ghi thêm 4 đề mục khác
là niệm Hơi thở, niệm Chết, niệm Thân, và niệm Tịch tịnh, như sau:
"Có một pháp, này các
Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng
nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một
pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật... niệm Pháp... niệm Tăng... niệm Giới...
niệm Thí... niệm Thiên... niệm Hơi thở... niệm Chết... niệm Thân... niệm
Tịch tịnh. Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được
làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an
tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn".
Xin giải thích tóm tắt:
1. Niệm Phật (buddhànussati)
là niệm tưởng mười ân đức của Phật.
2. Niệm Pháp (dhammànussati) là niệm tưởng sáu ân đức của giáo pháp.
3. Niệm Tăng (sanghànussati) là niệm tưởng chín ân đức của Tăng chúng.
4. Niệm Giới (sìlànussati) là niệm tưởng giới thanh tịnh của mình.
5. Niệm Thí (càgànussati) là niệm tưởng hạnh bố thí xả tài của mình.
6. Niệm Thiên (devatànussati) là niệm tưởng các công hạnh tác thành chư
thiên và xét lại công hạnh mình có.
7. Niệm Chết (maranasati) là suy niệm sự chết đã, đang và sẽ đến với
chúng sanh luôn cả ta, để làm cho tâm không dể duôi.
8. Niệm Thân hành (kàyagatàsati) là suy niệm thân này cho thấy rằng bất tịnh,
uế trược, ổ bệnh tật, khả ố, thực tính thân này là như vậy, v.v.
để từ bỏ sự luyến ái.
9. Niệm Hơi thở (ànàpànàsati) là niệm về hơi thở vô, hơi thở ra, để
trừ sự phóng tâm.
10. Niệm Tịch tịnh (upasamànussati) là suy niệm trạng thái Niết-bàn, nơi
không còn phiền não và đau khổ, một trạng thái vắng lặng tuyệt đối.
Để tu tập về pháp quán niệm
lòng Bố Thí, có thể xem thêm các hướng dẫn chi tiết của ngài Luận sư
Phật Âm (Buddhaghosa) trong bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga), do Ni sư Trí Hải
dịch Việt, ở Chương VII, đoạn viết về Niệm Thí.
Tóm lại, Bố
Thí là một đức hạnh cao quý mà Đức Phật khuyên tất cả Phật tử
chúng ta cần phải tu tập. Bố thí có 2 loại: Bố thí Tài và Bố thí
Pháp, trong đó, Bố thí Pháp là cao thượng hơn. Khi bố thí, chúng ta phải
có chánh niệm và trí tuệ để nhận thức rõ ràng về vật bố thí, cách
thức bố thí, đối tượng nhận bố thí, và tâm ý của chúng ta khi làm
chuyện bố thí. Bố thí cần phải phát nguồn từ lòng tịnh tín nơi Tam Bảo
và tròn đủ giới hạnh để đem lại sự an vui đến cho muôn loài. Cuối
cùng, chúng ta cần phải hành thiền, trong đó, quán niệm về lòng Bố thí
là một pháp môn quan trọng cần phải được tu tập.
http://www.buddhismtoday.com/viet/botat/bothi.htm