Nói đến Phật giáo, người ta
nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ. Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt
vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn là đức Bồ-tát Quan Thế Âm,
hay Mẹ hiền Quan Âm. Vì vị Bồ-tát nầy có đầy đủ phẩm chất của một
người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái tim của
những người con Phật thuần thành - nhất là giới Phật tử bình dân -
không ai là không không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ-tát giàu
lòng bi mẫn nầy. Mỗi khi nói về Ngài, tựa hồ chúng ta ai cũng biết,
nhưng có lẽ không ai dám cho là mình đã hiểu biết đầy đủ tất cả.
Thế nên, trong bài nầy người viết xin giới thiệu cụ thể đôi nét
chân dung của Bồ-tát một lần nữa, để giúp đại chúng quan chiêm.
Trước hết hãy nói về danh hiệu
của Bồ-tát. Thông thường các kinh điển kể về 8 danh hiệu của Ngài như
sau: 1/. Quan Thế Âm Bồ-tát; 2/. Quán Tự Tại Bồ-tát; 3/. Quan Thế Tự Tại
Bồ-tát; 4/. Quan Thế Âm Tự Tại Bồ-tát; 5/. Hiện Âm Thanh Bồ-tát; 6/.
Quan Âm(*) Bồ-tát; 7/. Cứu Thế Bồ-tát; 8/. Quan Âm Đại Sĩ.
Trên đây là những danh hiệu phổ
biến mà nhiều người thường biết đối với vị Bồ-tát nầy. Thế thì
có những kinh điển chủ yếu nào đề cập đến xuất xứ, vị trí và những
hoạt dụng của Ngài ?
I. Chúng ta thấy đại khái hành trạng
của Bồ-tát qua các kinh:
- Theo kinh Đại A-di-đà thì Ngài là Thị vệ bên
trái, còn Bồ-tát Đại Thế
Chí là Thị vệ bên phải của đức
Phật A-di-đà lo việc cứu độ chúng sinh trong thế giới Ta-bà. Cả 3 vị
được gọi chung là Tây phương Tam Thánh (3 vị Thánh ở phương Tây). Và
trú xứ chính thức của các Ngài là cõi Tây phương Tịnh độ. Phàm khi
chúng sinh gặp tai nạn mà chí thành niệm danh hiệu Quan Âm Bồ-tát, thì lập
tức Ngài đến nơi cứu giúp. Do thế mà Ngài được đức hiệu là Quan Thế
Âm Bồ-tát (Vị Bồ-tát chuyên lắng nghe âm thanh - cầu cứu - của thế
gian).
2. Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn
thì Ngài có 33 hóa thân, từ thân Phật, Độc giác… đến thân đồng nam,
đồng nữ. Ngài thường vận dụng 14 năng lực vô úy để cứu vớt chúng
sinh thoát khỏi ách nạn, hoặc đáp ứng những yêu cầu chính đáng khi
nào chúng sinh thành tâm niệm đến danh hiệu của Ngài.
3. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì
pháp môn tu của vị Bồ-tát nầy là Nhĩ Căn Viên Thông, nghĩa là tai Ngài
có thể được sử dụng như năm căn khác. Ngài phát tâm tu hành nơi pháp
hội của đức Phật Quan Thế Âm, và đức Phật nầy đã thọ ký cho Ngài
khi thành Phật sẽ có Phật hiệu giống như mình. Do đó mà Ngài có hiệu
là Quan Thế Âm. Đồng thời vị Bồ-tát nầy cũng có 32 ứng thân giống
như kinh Pháp Hoa đã mô tả.
Chỗ khác nhau là kinh Pháp Hoa kể
đến 33 ứng thân, còn kinh Lăng Nghiêm thì liệt kê 32 ứng thân. Ngoài ra,
hai kinh nầy còn giống nhau một điểm nữa là cùng mô tả về 14 đức vô
úy của vị Bồ-tát nầy. Số lượng và nội dung của các đức vô úy nầy
gần y hệt như sau.
4. Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại
Bi Tâm Đà-la-ni thì Ngài đã thành Phật từ đời quá khứ cách nay vô lượng
kiếp, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi,
muốn làm lợi ích cho chúng sinh nên Ngài hiện thân Bồ-tát để dễ dàng
hoàn thành đại nguyện. Thế nên, ngoài danh hiệu Bồ-tát Quan Âm như chúng
ta thường nghe, có đôi chỗ còn gọi là Phật Quan Âm là vì vậy.
5. Theo kinh Nhất Thiết Công Đức
Trang Nghiêm Vương thì Ngài là Thị vệ của đức Phật Thích-ca.
6. Theo Mật giáo thì Ngài là hóa
thân của đức Phật A-di-đà.
7. Theo kinh Hoa Nghiêm thì đạo tràng
của Ngài ở núi Bồ Đà Lạc trên biển Nam Hải. Đó là đôi nét sơ lược
về hành trạng của Bồ-tát Quan Âm mà các kinh đã đề cập đến. Bây giờ
chúng ta sẽ bàn rõ thêm một số vấn đề cụ thể khác.
II. Cuộc đời Ngài qua các phương
diện:
1. Về tín ngưỡng Quan Âm
Tín ngưỡng nầy phát xuất từ Ấn
Độ, Tây Vức, sau đó nhờ công tác phiên dịch kinh điển mà nó được
truyền sang Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam v.v… Bản
kinh có đề cập đến Bồ-tát Quan Âm là kinh Pháp Hoa Tam Muội, gồm
6 quyển, do Chi Cương Lương Tiếp dịch vào năm Ngũ phụng thứ 2 (255) triều
đại nhà Ngô thời Tam Quốc. Đây là bộ kinh được dịch sớm nhất là
loại nầy. Sau đó, Trúc Pháp Hộ dịch Chánh Pháp Hoa Kinh Quan Thế Âm Phổ
Môn phẩm vào năm Thái Khang thứ 7 (286). Rồi Cưu-ma-la-thập dịch Diệu
Pháp Liên Hoa Kinh Quan Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn phẩm vào năm Hoằng Thỉ
thứ 8 (406) đời Diêu Tần.
Bắt nguồn từ các kinh được phiên
dịch ra chữ Hán kể trên mà sự tín ngưỡng Quan Âm dần dần phát triển
mạnh. Tại Tây Tạng, nền tín ngưỡng nầy rất thịnh hành. Lạt-ma giáo
cho rằng đức Đạt-lai-lạt-ma được tái sinh nhiều đời chính là hình
ảnh hóa thân của Bồ-tát Quan Âm. Ngoài ra, các nước khác tại Châu Á,
chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc truyền thì hình ảnh Bồ-tát Quan
Âm tượng trưng cho mẹ hiền cứu khổ, được nhiều người thành kính
tin tưởng và rất mực tôn sùng.
2. Về diệu dụng của Quan Âm
Về sức uy thần diệu dụng của vị
Bồ-tát nầy theo kinh Pháp Hoa thì thường có 33 hiện thân như sau:
1/. Thân Phật; 2/. Thân Độc Giác; 3/. Thân Duyên Giác; 4/. Thân Thanh Văn;
5/. Thân Phạm Vương; 6/. Thân Đế-Thích; 7/. Thân Tự Tại Thiên; 8/. Thân
Đại Tự Tại Thiên; 9/. Thân Thiên Đại Tướng quân; 10/. Thân Tứ Thiên Vương;
11/. Thân Thái tử của Tứ Thiên Vương; 12/. Thân Nhân Vương; 13/. Thân Trưởng
giả; 14/. Thân Cư sĩ; 15/. Thân Tể quan; 16/. Thân Bà-la-môn; 17/. Thân Tỷ-kheo;
18/. Thân Tỷ-kheo-ni; 19/. Thân Ưu-bà-tắc; 20/. Thân Ưu-bà-di; 21/. Thân Nữ
chúa; 22/. Thân Đồng nam; 23/. Thân Đồng nữ; 24/. Thân trời; 25/. Thân Rồng;
26/. Thân Dược-xoa; 27/. Thân Càn-thát-bà; 28/. Thân A-tu-la; 29/. Thân Khẩn-na-la;
30/. Thân Ma-hầu-la-già; 31/. Thân Người; 32/. Thân Phi nhân; 33/. Thân Thần
Cầm Kim Cương.
Đó là những hóa thân của Quan Âm
Bồ-tát. Đồng thời Ngài còn có 14 năng lực Vô úy khác nữa phát
sinh hiệu dụng khi nào chúng sinh thành tâm niệm danh hiệu của Ngài, mà
kinh Pháp Hoa cũng như kinh Lăng Nghiêm đã mô tả như sau: 1/. Chúng sinh khổ
não trong 10 phương thành kính niệm danh hiệu Ngài, liền được giải thoát;
2/. Chúng sinh gặp lửa dữ…, lửa không thể thiêu đốt; 3/. Chúng sinh bị
nước cuốn trôi…, nước không thể nhận chìm; 4/. Chúng sinh vào xứ ác
quỉ…, ác quỉ không thể làm hại; 5/ Chúng sinh gặp đao trượng…, đao
trượng liền gãy; 6/ Chúng sinh gặp ác quỉ, ác thần…, thì chúng khôngg
trông thấy; 7/. Chúng sinh bị gông cùm, xiềng xích…, thì xiềng xích được
tháo ra; 8/. Chúng sinh khi vào đường nguy hiểm…, giặc cướp không thể cướp
đoạt; 9/. Chúng sin tham dục…, liền dứt khỏi tham dục; 10/. Chúng sinh
nóng giận…, liền dứt hết nóng giận; 11/. Chúng sinh mê ám…, liền dứt
hết mê ám; 12/. Chúng sinh muốn cầu con trai…, liền được con trai; 13/.
Chúng sinh muốn cầu con gái…, liền được con gái; 14/. Chúng sinh niệm
danh hiệu Quan Âm thì được lợi ích bằng niệm tất cả các danh hiệu
khác.
Đó là 14 diệu dụng mà đức Bồ-tát
nầy dùng để hóa giải ách nạn, ban phát ân huệ cho những chúng sinh nào
có lòng thâm tín đối với Ngài.
3. Về hình tượng Quan Âm
Trước hết hãy nói về giới tính
của Ngài, thông thường được thể hiện qua 2 hình thức, hoặc là Nam
tính, hoặc là Nữ tính.
- Nam tính: Phật giáo Tây Tạng
thờ Bồ-tát Quan Âm theo hình thức Nam tính. Đồng thời tương truyền từ
đời Đường trở về trước các nước Phật giáo khác tại Châu A cũng tạc
tượng Ngài theo hình thức Nam tính.
- Nữ tính: Theo sách Trang Nhạc
Ủy Đàm thì từ đời Đường trở về sau, các nước chịu ảnh hưởng
Phật giáo Trung Hoa, khi tạc tượng Ngài đều dùng hình thức Nữ tính.
Ngoài ra, 3 chi phần khác là đầu,
mắt, và tay của Bồ-tát thông thường được minh họa như sau:
- Đầu
: Từ một đầu, 3 đầu, 5 đầu, nghìn
đầu, cho đến 84.000 đầu.
- Mắt
: Từ 2 mắt, 3 mắt, cho đến 84.000 mắt.
- Tay
: Từ 2 tay, 4 tay, cho đến 84.000 tay.
4. Về những ngày kỷ niệm
Như tất cả chúng ta đều biết,
đặc biệt vị Bồ-tát nầy hằng năm có đến 3 ngày kỷ niệm, đó là kỷ
niệm các ngày sinh nhật, xuất gia và thành đạo:
- Ngày sinh nhật
: nhằm ngày 19-2 âl.
- Ngày xuất gia
: nhằm ngày 19-9 âl.
- Ngày thành đạo
: nhằm ngày 19-6 âl.
5. Về nơi cư trú
Tất nhiên, do sức thần thông diệu
dụng và do bản hoài cứu khổ chúng sinh nên vị Bồ-tát nầy luôn luôn
có mặt ở khắp mọi nơi mỗi khi có người thành tâm cầu nguyện, nghĩa
là có cảm thì có ứng. Nhưng theo lẽ thông thường, chúng ta thấy các
kinh ký tải về nơi cư trú của Ngài như sau:
- Ở Tây phương Tịnh độ: theo kinh A-di-đà.
- Ở núi Bồ-đà-lạc trên biển Nam Hải: theo kinh
sớ Hoa Nghiêm sớ
- Ở núi Phổ Đà, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc:
theo kinh Quan Thế Âm Bồ-tát cứu khổ.
III. Quan Âm liên hệ với Chuẩn-đề
Bây giờ xin trình bày về mối quan
hệ giữa Bồ-tát Quan Thế Âm và Bồ-tát Chuẩn-đề. Chuẩn-đề là
từ phiên âm của chữ phạn Cundi, chữ nầy còn được phiên âm là Chuẩn-chi,
Chuẩn-nê, có nghĩa là thanh tịnh; nói cho đủ là Chuẩn-đề Quan
Âm, Chuẩn-đề Phật Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn-đề hay Thất
Cu-chi Phật Mẫu. Như vậy, Chuẩn-đề hay Chuẩn-đề Quan Âm chính là một
trong những danh hiệu của Quan Âm Bồ-tát. Theo Thất Cu-chi Phật Mẫu Chuẩn-đề
Đà-la-ni kinh thì Thân vị Bồ-tát nầy có màu vàng trắng, ngồi kiết gia
trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu
trang điểm ngọc anh lạc, có 18 tay đều đeo vòng xuyến, gồm có 3 mắt. Vị
Bồ-tát nầy chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng
sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. Pháp môn tu hành của vị Bồ-tát
nầy là trì tụng bài chú: "Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà
Câu chi nẫm, đát diệt tha: án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha".
Nếu ai chí thành trì tụng bài chú
trên thì sẽ tiêu trừ tai họa, dứt hết bệnh tật, đạt được thông
minh…, nhận được một luồng hào quang chiếu đến làm tiêu tan tội chướng,
thọ mạng lâu dài, tăng trưởng phước đức: đồng thời được chư Phật,
Bồ-tát gia bị, đời đời kiếp kiếp xa lìa ác thú, mau chóng chứng đắc
Vô thượng Bồ-đề.(1)
Thiên tông xem vị Bồ-tát nầy chỉ
là một danh hiệu khác của đức Quan Âm nên rất tôn sùng.. Còn tông Thai
Mật ở Nhật Bản thì xếp Ngài vào địa vị Phật, xem là Phật mẫu. Nhưng
tông Đông Mật ở Nhật thì thừa nhận Chuẩn-đề là một trong 6 danh hiệu
Quan Âm, thuộc Liên Hoa bộ. Sáu danh hiệu nầy là: 1/. Thiên Thủ Quan
Âm; 2/. Thánh Quan Âm; 3/. Mã Đầu Quan Âm; 4/. Thập Nhất Diện Quan Âm; 5/.
Chuẩn-đề Quan Âm; 6/. Như Ý Luân Quan Âm.
Theo Chuẩn-đề Đại Minh Đà-la-ni
kinh thì vì để hóa độ chúng sinh mà đức Quan Âm ứng hóa thân vào trong
lục đạo. Ngài ngự trị ở Biến Tri Viện thuộc Hiện đồ Thai tạng giới
Mạn Trà la(2).
Ở đây xin giải thích thêm về từ
"Phật Mẫu" mà ở trên đã đề cập.
Phật Mẫu (Buddha-màtri,
Budhdha-màtar) bao gồm 4 nghĩa như sau: 1/. Chỉ cho Ma-da phu nhân
(Mahà-màyà) thân mẫu của Phật, hoặc chỉ cho Ma-ha-ba-xà-ba-đề
(Mahà-prajàpatì) di mẫu của đức Thích-ca; 2/. Chỉ cho Bát-nhã-ba-la-mật
(pan宵a-paramita). Vì Bát-nhã (trí tuệ)
có thể sinh ra tất cả chư Phật, nên Thiền tông xem Bát-nhã là Phật mẫu
(mẹ của chư Phật); 3/. Chỉ cho pháp. Vì chư Phật lấy pháp
làm thầy, do pháp mà thành Phật, cho nên gọi pháp là Phật mẫu; 4/. Chỉ
cho Phật nhãn tôn. Theo Mật giáo, đây là một trong những hình thức
thần cách hóa(3).
*
* *
Quan hành trạng của Quan Thế Âm Bồ-tát
được trình bày trên đây hình như hơi khó thuyết phục đối với nhãn
quang của giới khoa học. Tin hay không tin là quyền của mỗi người. Nhưng
nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy rằng hằng ngày trên thế giới nầy
không biết bao nhiêu Thiên tai, chiến nạn xảy ra, và cũng không biết bao
nhiêu tấm lòng từ bi nhân ái sẵn sàng nhường cơm xẻ áo hầu xoa dịu
phần nào những nỗi đau thương thống khổ của đồng bào, đồng loại.
Chứng kiến những cảnh tượng ấy, hiển nhiên chúng ta sẽ không còn ngờ
vực gì nữa về diệu dụng từ bi cứu khổ, cứu nạn của đức Bồ-tát
Quan Thế Âm đối với thế gian nầy./.
Chú Thích:
(*) Quan Âm: Tên Ngài gọi đủ là
Quan Thế Âm, nhưng vì người đời Đường ở Trung Quốc kiêng húy chỉ
"Thế" nên gọi tắt là Quan Âm. Rồi từ đó trở về sau, nhiều
người gọi mãi thành quen, vì thế mà có danh hiệu Quan Âm Bồ Tát.
- (2) (3): Phật Quang Đại Từ Điển, các trang 4058,
5515, 2619.
Vi tính: Ngọc
Dung; Trích từ trang Quảng Đức
http://www.buddhismtoday.com/viet/botat/hanhtrang_QuanAm.htm