....Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt....

   

...... ... ..  . ..  .  .
SỰ TÍCH QUAN THẾ ÂM
Sưu tầm biên soạn

Hôm nay tôi cống hiến quí độc giả tìm hiểu về sự tích, lịch sử Bồ Tát Quan Thế Âm mà mọi người dân Việt, nhất là trong giới Phật tử thường mỗi khi gặp nạn thì hay niệm danh hiệu của ngài  "Quan Thê Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn", nhưng thực tế ít ai hiểu rõ về chân lý, sự tích, xuất xứ từ đâu, nguồn gốc của Quan Thế Âm như thế nào.  Do đó, tôi mới cố gắng đi sưu tầm, tham khảo các kinh sách để cụ thể hoá ra bài này hầu góp phần trong nền văn hoá Phật Giáo và phổ biến đến quí độc giả bốn phương  am tường. (Nếu có gì thiếu sót, kính xin quí chư Tăng, Ni cao minh, quí thiện trí thức niệm tình thứ lỗi và xin cung cấp thêm tư liệu cho được phong phú hơn).

*******

Quan Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại …Danh hiệu Quan Thế Âm, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Theo Kinh Bi Hoa thì ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. thời đó có vua Chuyển Luân Thanh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước Đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện. Do đó, Đức Bảo Tạng thụ ký cho Vua (khi đó đã là Pháp Tạng Tỳ Kheo) sau này thành Phật hiệu là A Di Đà ở vào thế giới cực lạc.

Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tiến. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bảo nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sanh bị khổ não. vì vậy Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm, còn Bảo Haỉ là tiền thân của Đức Thích Ca Mầu Ni. Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử rằng: "Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sanh được cùng về cõi an lạc (cực lạc). Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quan Thê Âm….

Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu  chúng sinh  còn   đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si. Do đó, Bồ Tát Quan Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sanh của Ngài.

TỪ  là đem niềm vui đến cho kẻ khác. Chữ Từ như người ta thường nói: Từ thiện, từ ái, từ mẫu, từ tâm. Từ tâm đối với ác tâm, sân tâm, ích kỷ tâm….BI là phương châm, là cách thức hành động để cứu khổ. Từ là lòng yêu thương, Bi là ra tay giải quyết và dấn thân nỗ lực làm việc để cứu giúp thực tế. Tóm lại Tu Bi: Thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ (maritrya,  maitri). Đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nỗi khổ cho họ gọi là Bi.

Quán Thế Âm xưa kia Ngài đã thành Phật hiệu là "Chánh Pháp Minh Như Lai". Ngài thị hiện làm Bồ Tát vì muốn đảm đương công tác cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Đức Bồ Tát quán thấy Phật và chúng sanh đồng chung một bản thể, đồng chung một giác tánh duy nhất, nhưng Phật đã giác ngộ mà chúng sanh thì còn mê.

Do đó, Đức Quan Thế Âm tức là một vị Phật tương lai sẽ bổ vào ngôi của Đức Phật A Di Đà, thì ngài cùng với ngài Đại Thế Chí (kiếp xưa là em ngài, con  thứ  vua Chuyển Luân cũng cùng Ngài đồng thời được Đức Bảo Tạng thụ ký) giúp việc giáo hoá độ sanh cho Đức Phật A Di Đà và 2 Ngài cũng ứng thân xuống sa bà trợ giáo cho Đức Thích Ca Mâu Ni.

Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm có chép lời Ngài bạch với Đức Thếâ Tôn rằng:

"Con nhớ cách  đây vô số hằng hà sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quan Thế Âm, từ Đức Phật kia dạy con, do nghe, nghĩ và tu mà vào Tam Ma Đề" Do đó nên biết: Ngài đã phát tâm Bồ Đề từ đời Đức Phật Quan Thế Âm trong vô số hằng hà sa kiếp  về trước do nghe Phật truyền pháp, Ngài đã nhận định pháp tu viên thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do ngài khó chứng viên thông ở nhĩ căn nên được Đức Phật thụ ký  cho ngài danh hiệu Quán Thế Âm, một danh hiệu mà chúng sanh ở mười phương  cung kính chấp trì, nhất là trong những lúc nguy hiểm, đau khổ.

            Ngoài ra, Kinh Quán Âm Tam Muội nói: "Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là "Chính Pháp Minh Như Lai". Tiền thân Đức Thích Ca hồi ấy đã từng ở dưới pháp toà, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi". Ngày nay Đức Thích Ca thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại:" Một Đức Phật ra đời thì hàng ngàn Đức Phật phù trì".

            Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn ! con nhớ vô lượng ức kiêp trước có Đức Phật ra  đời hiệu là Thiên Quan Vương tĩnh trụ  Như Lai"  Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sanh nên nói ra môn  Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo:"Thiện Nam Tử ! Ông nên trụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi trược ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn." Lúc đó con mới ở ngôi Sơ Địa, vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đại Bát Địa".

            Mật tông thì theo trong Kinh Đại Bản Như  Ý nói có 8 vị đại Quan Âm là: 

1) Viên Mãn Ý, Nguyệt Minh Vương Bồ Tát.
2) Bạch Y Tự Tại.
3) Cát La Sát Nữ.
4) Tứ Diện Quán Âm.
5) Mã Đầu La Sát.
6) Tỳ Cầu Chi.
7) Đại Thế Chí.
8) Đà La Quan Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).

Ngài có đức uy thần công đức  và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là nữ tướng, nhưng vì ngài thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ  thường nhiều khổ nạn hơn so với nam giới) cho nên giới phụ nữ đặc biệt tín ngưỡng về Ngài. Nên chúng sanh mới tưởng tượng ra Ngài là nữ tướng để tiện hoá độ cho phụ nữ. Theo Kinh A-Di-Đà nói: Người sanh về cõi cực lạc tuy chưa chứng quả Thánh, vẫn không có tướng  nam, tướng nữ.  Kinh A Hàm nói người nữ có 5 chướng  không thể thành Phật…..Thế mà Bồ Tát Quan Thế Âm lại hiện thân người Nư ư?

Bồ Tát Quan Thế Âm hiện thân của Đức Từ Bi, muốn nói lên tình   Mẹ thương con, Mẹ đối với con là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên,  Đức Quan Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh.

Căn cứ theo hình tướng đã thể hiện và đức tính Quan Thế Âm đã cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, nhân loại được thoát khổ đau ở sa bà này to lớn biết chừng nào !

Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được song thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra
Xem trong biển nước nam ta
Phổ môn có Đức Phật Bà Quan Âm.

Cho nên, Phật Tử chúng ta dù tu theo pháp môn nào: Mật Tông, Tịnh Độ hay Thiền Tông cũng phải thường xuyên niệm hồng danh của Ngài. Ngài gia hộ, độ trì cho mới thoát khỏi tai nạn, khổ ách mỗi khi đến với mọi người chúng ta đều phải niệm "Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát" thì được giải thoát, tai qua nạn khỏi và sự nghiệp tu hành mới mau chóng thành tựu theo sở cầu như  nguyện./.

       Cư Sĩ Nguyễn Đức Can
          Pd: Tuệ Minh Đạo
                  Tel &Fax: (714) 896-0786
E-mail: ndcan2000@yahoo.com

http://www.buddhismtoday.com/viet/botat/sutich_QuanAm.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Bồ-tát đạo"

Đầu trang