-
Lời cảm ơn cuộc sống
-
Trần Đức Khang
-
Đêm đã khuya, tôi dậy thắp hương trước
bàn thờ cháu nội. Cháu tôi mất vì bệnh tim bẩm sinh, vào năm 2005.
Buồn và không ngủ lại được, tôi lặng lẽ
đọc "Chuyến đi lần cuối" của chị Du Li, đăng ở báo Văn Hóa Phật Giáo số 14
(15-3-2006). Càng đọc càng thấy lòng mình thật an tịnh mà suy gẫm về nỗi
đau thân bệnh, tâm bệnh, nhất là nghĩ về cái chết không tránh khỏi - một
ngày nào đó, giây phút nào đó sẽ đến với một sinh linh!
Nhớ lại, năm 1970, hồi đang công tác ở
Xí nghiệp in Quảng Bình, tại một vùng hậu cứ rừng rú xã Nghĩa Ninh, tôi bị
sốt rét ác tính, tình trạng hôn mê, mấp mé giữa sinh - tử, nhưng rồi đã
được Bác sĩ cứu sống. Hiện tôi đã nghỉ hưu, đang ở tuổi 79. Lúc rảnh rỗi,
tôi thường đọc cuốn "Sống Chết bình an" của dịch giả Thích Nữ Trí Hải, đọc
để tìm hiểu, để chuẩn bị dần hành trang cho bản thân, để tìm một sự bình
an cho những ngày cuối đời...
Tuy vậy, tôi vẫn xem bài viết của chị Du
Li như một lời trăn trối, chia sẻ về kinh nghiệm tâm linh mà chị thân ái
gửi đến cho những ai còn "duyên nợ" trên cõi trần gian này.
Tôi nghĩ rằng, không ai sống thay cho ai
được và cũng không ai chết thay cho ai được. Rồi một ngày nào đó, có thể
do bệnh tật, hoặc khi sinh lực và năng lượng đã cạn kiệt, tôi cũng sẽ ra
đi, sẽ về với tổ tiên. Ra đi với tâm sám hối và thầm đọc lời Kinh Phật để
vĩnh biệt người thân...!
Đặng Văn Đông
(Lô G27, thôn An Đức,
Khu quy hoạch Bắc Hương Sơ II,
thành phố Huế)
Hòa thượng Nhất Hạnh có nói: “Khi được
hiểu, người được thương sẽ nở như một bông hoa, còn nếu không hiểu mà
thương thì càng thương càng làm cho người khác bị thương”. Vậy mà cảm giác
được “nở hoa” đã từng đến với tôi rất nhanh và cũng mau chóng qua đi.
Người hiểu mình sao càng ngày càng ít. Có lẽ bên cạnh chữ "hiểu" còn có
chữ "tin". Tôi đã cố gắng nghĩ như thế suốt một thời gian, và có vẻ như
hạnh phúc đang mỉm cười với tôi…
Tôi đã tập tin vào cha mẹ, anh chị, bạn
bè chung quanh tôi, và tỷ lệ thuận với điều ấy chính là tình cảm mà họ
dành cho tôi. Tôi cũng nghiệm ra rằng, những lúc tôi thiếu niềm tin nơi
người thân của mình thì từ ánh mắt, giọng nói, nụ cười mà tôi dành cho họ
đều không thật. Và nếu đem một cái không thật đến với người khác thì phải
nhận lại hai, ba hay là nhiều hơn nữa những điều không thật, thậm chí là
đau khổ cho mình. Có một lần tôi đã sống không thật với chính người mà tôi
yêu nhất, vợ tôi. Tôi đã quan hệ với gái mại dâm. Nhưng cuộc sống vẫn êm
đềm qua đi. Tôi tưởng rằng mình đang là người may mắn vì có một gia đình
hạnh phúc. Không ngờ một hôm vợ tôi quyết định bỏ tôi và cô con gái nhỏ để
chung sống với một người đàn ông khác. Tôi vô cùng đau khổ và không tin đó
là sự thật… Cho đến khi vượt qua khó khăn ấy, tôi mới hiểu rằng, mình
không những không hiểu vợ, mà còn đã từng sống không thật với cô ấy…
Hiểu, thương, tin và sống thật với
chính mình, với mọi người là bài học muộn màng đối với người ở tuổi 50 như
tôi. Nhưng muộn còn hơn không. Tôi cố gắng chăm chút điều ấy với bạn bè
chung quanh, vì chính họ đã từng vực tôi dậy. Xin cảm ơn tất cả những gì
đã đi qua cuộc đời của tôi, dù chỉ là vài dòng ngắn ngủi trên một trang
sách, hay một ánh mắt có thiện cảm, một nụ cười chia sẻ trong những thoáng
tình cờ…
Trần Đức Khang (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)
duckhang59@yahoo.com
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/camon_cuocsong.htm