Với Lưu Trọng Lư :
“mắt em là một dòng sông
thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em”.
Trãi bao thăng trầm biến thiên
của thời đại. Mắt vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nhân – nghệ sĩ. Mắt
là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc, là cung đàn cho nhịp cầu tri âm. Qủa
thật mắt bao giờ cũng đẹp, cũng sống động, nhiệm mầu.
Người ta nói : “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, tất
cả những gì trắc ẩn của tâm hồn đều biểu hiện lên đôi mắt, có phải thế ?
Mắt nhìn được ngoại vật, nhưng nó không nhìn được
chính nó. có phải đó là điều nhắn nhủ : ta có thể nhìn thấy mọi thứ,
nhưng lại chưa một lần nhìn thấy chính mình, con người thật bên trong.
Mắt là để nhìn. Đấy
là bản tính của mắt. Cũng như ánh sáng là để soi tan bóng tối. Mắt không
cần trang điểm, mắt vẫn nhìn thấy. Mắt không cần tô hồng, mắt vẫn là mắt.
Khi người ta trang điểm cho mắt, lúc đó, mục đích không phải là để nhìn mà
là để mắt được nhìn, nên mắt đã không nhìn được.
Với đôi mắt Nam Cao : Lo trang
điểm cho mắt mà không làm đẹp tâm hồn là chỉ muốn người ta nhìn mắt mình,
chứ mắt mình không nhìn được điều phải nhìn. Có người tốn rất nhiều tiền
để làm đẹp mắt, nhưng lại tiếc xót 500 bạc lẽ cho người hành khất. Biết
bao tâm hồn chỉ vì nghèo đói mà sống mất phẩm giá con người. Những người
mẹ bên Phi Châu ngồi khóc vì đói, vì đôi vú không còn sữa cho con. Những
đôi mắt trẽ thơ ruồi bu quanh nhưng chẳng có đôi mắt nào nhìn thấy.
Mắt là để nhìn. Nhưng cái nhìn
của mắt không như chiếc máy chụp ảnh. Mắt nhìn để nói. Mắt nhìn để hiểu.
Mắt nhìn để cảm thông. Mắt nhìn để chê bai. Nhưng để hiểu, để rung cảm, để
giận ghét, để yêu thương lại là phạm vi của tâm hồn. Mắt thơ ngây, mắt bao
giờ cũng đáng yêu. Tự bản tính của mắt, mắt bao giờ cũng vô tội. Tâm hồn
là người có trách nhiệm. Vì thế, người ta không nói kẻ có đôi mắt đẹp thì
tâm hồn đẹp. Nhưng là kẻ có tâm hồn đẹp thì bao giờ cũng có đôi mắt trong.
Đôi mắt im như nhung của trẽ thơ đã nói lên điều đó.
Nhiều người đã sa ngã vì những
đôi mắt biết dỗi hờn. Nhiều kẻ đã say những cặp mắt biết liếc nhìn quyến
rũ. Sở dĩ có những đôi mắt ấy vì phải có người yêu những vẻ đẹp đó nên mới
có những kẻ làm khí giới tấn công. Trụ vương vì đôi mắt u buồn của Đắc Kỷ
mà bỏ mình, Đổng Trác vì đôi mắt mơ huyền của Điêu Thuyền mà vong thân, Từ
Hải, anh hùng dọc ngang trời đất vì đôi mắt ngọc của Thúy kiều mà chết
đứng,… Thế đấy, nếu những xao xuyến rung động, những tình yêu chỉ vì đôi
mắt ấy thì cũng giống như Evà, chỉ nhìn thấy màu hồng của vỏ trái táo chứ
không thấy bóng sâu ở trong, “đường êm qúa ai đi mà nhớ ngó, đến khi hay
gai nhọn đã vào xương”- Xuân Diệu.
Với đôi mắt Phật đà : người có
đôi mắt đẹp là người không đánh lừa kẻ khác bằng đôi mắt của mình. Kẻ có
đôi mắt đẹp cũng không để mình bị đánh lừa bằng đôi mắt người khác. Mắt
đẹp là mắt nhận ra giá trị thật và chỉ ngắm nhìn những giá trị đó.
Trong cuộc sống gia đình, nhiều
đôi mắt không nhìn ra nét đẹp nơi người yêu của mình. Nhưng lại thấy vẻ
đẹp nơi người yêu của kẻ khác. Thấy thèm muốn nhưng không thấy giới hạn.
Nhiều đôi mắt chẳng nhận ra đâu là hạnh phúc mình phải đem đến cho người
bạn đời. Nhưng lại nhìn ra những nhu cầu của mình để bắt tha nhân mang tới.
Thấy đòi hỏi nhưng không thấy bổn phận. Vậy làm sao để khắc phục điều đó ?
Theo F.W.
Bourdillon : trí óc có nghìn con mắt. Và qủa tim chỉ có một mà thôi, nhưng
khi đã trót yêu rồi, ánh sáng của cả cuộc đời sẽ tắt. Chính vì lẽ đó, nên
hướng ánh mắt vào nhau để soi tìm vết tích của hạnh phúc được tồn tại, vì
Yêu nhau là phải nhìn nhau, “một mũi tên phải xuyên trúng hai con tim”,
chứ không nhất thiết cùng nhau nhìn về một hướng.
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/doimat.htm