-
Giọt thời gian
―Thời gian của người xưa
―Thời
gian tuyệt đối
―Thời
gian tương đối
―Thời
gian nguyên lượng
―Thời
gian ảo
―Một
phương pháp chiêu đãi thời gian
Mưa rơi hiu hắt ai sầu mùa đông
Không gian u ám sương mờ mờ buông
Xa trong đêm vắng chuông buồn buồn ngân
Mùa đông xưa rét mướt bên sông ngừng chân
Chờ ai trong tê tái lắng nghe chuông than
Thời gian trôi tan tác mang theo ngày xuân
Mưa đêm nay khóc thầm
Cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian.
Ngoài kia gió sương mờ
Lìa cây lá giang hồ
Về đâu về đâu
Ngày xuân thoát đi dần
Lòng ta tái tê sầu
Người cười nhưng ta vẫn khóc thầm
Đời chim bạt gió
Kìa ai thoáng mơ hồ
Ngừng chân dưới mưa dầm
Nhìn lầu nguy nga ước mơ thầm
Bao nhiêu xuân qua lòng không tình yêu.
Trên đây là nguyên văn bản nhạc Tiếng thời gian
của Lâm Tuyền và Dạ Chung. Cám ơn tác giả đã để lại cho đời môt tác phẩm
quí giá như là một chứng tích buộc tội thời gian. Mỗi lần nghe bản nhạc
tôi vẫn hình dung một bi kịch, nạn nhân của thời gian. Phải chăng thời
gian cứ hững hờ trôi đều đặn từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, nhìn màn bi hài
kịch trần gian không chút cảm xúc? Phải chăng thời gian tồn tại trước khi
vũ trụ hình thành, hay thời gian chỉ là một sản phẩm nương theo vũ trụ để
tồn tại? Vậy phải chăng thời gian chỉ là thứ yếu, và do đó có thể thay thế?
Phải chăng thời gian chỉ là một sáng tạo của tâm thức? Có thể thoát khỏi
vòng luẩn quẩn của thời gian để đạt đến vĩnh cửu chăng?
Thông thường nếu không thể thoát được gông cùm của thời
gian, người ta thường theo chủ thuyết Daffy Duck: Không đánh gục được mày
tao đành về phe mày vậy! (We join you just because we can’t beat you!) Rồi
người ta ca ngợi: Thời gian là liều thuôc thần diệu nhất. Cái buồn (vì
thất tình chẳng hạn) không thể mang theo bên mình suốt đời. Sẽ có một ngày
(ví dụ tìm được người tình mới) niềm vui sẽ thay thế nỗi đau buồn. Đối với
thời đại tân tiến ngày nay, thời gian là tiền bạc. Vì cần phải có TV màn
ảnh lớn, tủ lạnh thật to, xe hơi thật sang trọng, nhà cửa kín cổng cao
tường, và cần phải tiêu thụ đủ thứ xa xỉ phẩm, chúng ta phải lợi dụng từng
phút từng giây để làm tiền. Cứ thế, chúng ta dần dần trở thành nô lệ của
thời gian. Paul Davies đặt câu hỏi: Chúng ta là nô lệ của quá khứ và bị
tương lai bắt làm con tin. Nhưng có luôn luôn như vậy không? (We are
slaves of our past and hostages to the future. But was it always thus?) Hãy
theo dòng lịch sử xem con người nhìn thời gian như thế nào.
-
Thời gian của người xưa
Thời gian như một ảo ảnh quỷ quái
chúng ta chỉ có thể cảm nhận qua những biến đổi của sự vật. Plato cho rằng
thời gian chỉ là một hình ảnh khiếm khuyết của vĩnh cửu. Plotinus
cho rằng thời gian là ngục tù của nhân loại, là bức tường chia cách giữa
nhân loại và vĩnh cửu. Do đó từ ngàn xưa, con người vẫn muốn tìm cách
thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của thời gian. Có người cho rằng tâm năng có
thể có khả năng làm thời gian ngừng lại, bởi vì họ cho rằng thời gian chỉ
là một sản phẩm của tư tưởng. Đối với tôn giáo và triết học, tìm một giải
thích hợp lý cho mối liên hệ giữa thời gian và vĩnh cửu vốn là một vấn đề
nan giải từ xưa đến nay. Nhiều người cho rằng chân lý vĩnh cửu chỉ có thể
tiếp cận bằng trực nhận thiên khải (direct revelation.)
Tuy nhiên nhiều người vẫn đặt câu
hỏi: Thật ra con người có thể thoát được vòng luẩn quẩn của thời gian để
có thể cảm nhận vĩnh cửu chăng? Hơn nữa phải chăng vĩnh cửu là một hiện
thực hay chỉ là một sản phẩm tưởng tượng của con người? Vũ trụ là năng
động. Có thể có một vĩnh cửu bất biến độc lập với thời gian trong vũ trụ
không? Các nhà khoa học vẫn tin rằng các định luật khoa học là bất biến,
ít ra là bất biến trong vùng trời chúng ta có thể quan sát được. Nhưng
vùng trời chúng ta quan sát được không phải là tất cả. Có thể vùng trời
chúng ta quan sát được chỉ là một phần rất bé nhỏ của vũ trụ. Làm sao biết
được các định luật khoa học của chúng ta vẫn có thể áp dụng được tại các
nơi xa xôi huyền bí đó?
Cũng với ước mong có thể đạt được
vĩnh cửu, người từ ngàn xưa đã tưởng tượng một thế giới tuần hoàn. Khi vũ
trụ hết một chu kỳ dài đăng đẳng, vũ trụ sẽ lặp lại một chu kỳ mới giống
hệt chu kỳ đã qua. Cái tôi trong chu kỳ trước sẽ xuất hiện lại y nguyên
trong chu kỳ mới. Như vậy vũ trụ là vĩnh cửu, đặc biệt, mọi cái tôi đều
vĩnh cửu!
Theo lý thuyết tương đối của
Einstein, một lý thuyết vẫn đang đứng vững theo thời gian qua nhiều thí
nghiệm thử thách, lời giải của một vũ trụ tuần hoàn có thể xẩy ra, nhưng
sự tuần hoàn mang một sắc thái khác hẳn: Vũ trụ có thể lặp đi lặp lại theo
những chu kỳ khác nhau, và những gì chứa đựng trong mỗi chu kỳ độc lập
nhau.
Tóm lại triết học thời xa xưa quan
niệm vũ trụ có sự sống, một sự sống huyền bí, sự sống vô tận từ ngàn xưa
cho tới ngàn sau theo những chu kỳ giống nhau, không bao giờ bị hũy diệt.
Họ quan niệm thời gian chỉ là ảo ảnh của tâm thức. Dòng thời gian chính là
dòng tâm thức của con người. Vì sự sống con người chỉ tạm bợ nên khó có
thể cảm nhận được chân lý vĩnh cửu.
-
Thời gian tuyệt đối
Cho đến thời trung cổ Âu châu
người ta mới bắt đầu cảm nhận thời gian như một thể độc lập. Người ta bắt
đầu thấy vạn vật có những thứ tự theo thời gian. Tuy nhiên cho đến khi nền
khoa học hiện đại hình thành, khái niệm về thời gian mới bắt đầu chính xác
hơn, mang một ý nghĩa khách quan hơn đối với những thứ tự của vạn vật.
Galileo, khi ngồi trong một thánh đường, quan sát độ dao động của một ngọn
nến theo nhịp đập nơi cổ tay của ông kề ngọn nến, ông đã khám phá rằng chu
kỳ của một quả lắc không ảnh hưởng đến biên độ dao động.
Vào cuối thế kỷ 17, thời gian mang
một địa vị then chốt trong những định luật của vũ trụ qua công trình
nghiên cứu của Newton. Newton định nghĩa thời gian là một đại lượng tuyệt
đối, độc lập với không gian và vật chất trong vũ trụ, trôi đều đặn theo
một tỷ lệ nhất định. Như vậy, dù ở địa cầu hay ở hỏa tinh hay bất cứ nơi
nào trong vũ trụ, thời gian đều trôi đều đặn theo một tỷ lệ như nhau. Thời
gian Newton là thời gian vũ trụ, là tuyệt đối. Không gian cũng vậy, cũng
tuyệt đối, không thay đổi. Không gian quanh trái đất hoàn toàn y hệt không
gian quanh mặt trời hay bất cứ nơi nào trong vũ trụ. Giả sử có một biến cố
nào đó, một vì sao mãn kiếp chẳng hạn, tất cả, dù ở bất cứ nơi nào trong
vũ trụ, đều thấy cùng một lúc. Dù bạn ở trên địa cầu hay đang du hành một
vùng không gian ngoài thái dương hệ, bạn đều nhìn thấy biến cố đó vào một
thời điểm như nhau. Giây phút hiện tại là tuyệt đối. Tất cả sinh
linh đều nhìn thấy hiện tại của vũ trụ như nhau. Tương lai chưa tới, quá
khứ đã đi vào dĩ vãng. Chỉ có hiện tại mới thực.
Với những định nghĩa đó về thời
gian và không gian, Newton đã khám phá định luật chuyển động của vạn vật.
Khi biết lực tác động lên một vật thể và khi biết vị trí và vận tốc ban
đầu của vật thể đó thì chuyển động của vật thể hoàn toàn được xác định.
Như vậy chỉ cần xác định được điều kiện hiện tại thì quá khứ cũng như
tương lai sẽ sờ sờ trước mắt. Quá khứ không còn là cái gì tiếc nuối. Tương
lai không còn huyền bí. Kiếp sống của mỗi người từ quá khứ cho đến vị lai
xuất hiện rõ ràng trước mắt, là khẳng định, không thể sửa đổi. Hiện tại
là tất cả. Nhân quả rõ ràng. Nhân nào phải quả ấy. Định mệnh đã an
bài. Vũ trụ biến thành một chiếc đồng hồ vĩ đại. Thượng Đế biến thành
người sáng chế đồng hồ. Sau khi chiếc đồng hồ đã bắt đầu hoạt động, công
việc còn lại của ngài là lần lượt dở những trang sách lịch sử vũ trụ đã
được viết sẵn.
-
Thời gian tương đối
Từ khi các lý thuyết tương đối của
Einstein ra đời, khái niệm về không gian và thời gian hoàn toàn thay đổi.
Hai quan sát viên với hai trạng thái chuyển động khác nhau sẽ có những
quan sát về thời gian và không gian khác nhau. Thời gian (hoặc không gian)
của người này trở thành một hỗn hợp không thể tách rời của cả không gian
lẫn thời gian của người kia. Không gian và thời gian trở thành phụ thuộc
khắng khít nhau.
Không những không gian và thời
gian phụ thuộc khắng khít nhau mà cả hai đều hoàn toàn phụ thuộc vào vạn
vật trong vũ trụ. Không gian uốn mình theo phân phối của vật chất. Thời
gian trôi nhanh chậm cũng tùy thuộc vào vật chất. Ở những vùng có dồi dào
vật chất, không gian trở nên cong oằn và thời gian trở nên chậm chạp.
Cùng một khối lượng vật
chất như nhau, dù là kim cương hay đất sét, mức độ uốn cong của không gian
đều như nhau và mức độ nhanh chậm của thời gian cũng đều như nhau.
Mỗi bước đi của thời gian là một
đo lường mức độ biến đổi của vũ trụ. Bước đi của thời gian cũng giống như
cát rơi trong chiếc đồng hồ cát, cũng giống như chuyển động của mấy chiếc
kim trên mặt đồng hồ, cũng giống như nước rỉ từng giọt từ một vòi nước,
cũng như chiếc đồng hồ quả lắc, lúc lắc trong trường trọng lực của địa cầu,
cũng giống như bóng cây dưới ánh nắng mặt trời thay đổi theo độ quay của
địa cầu, cũng giống như sự dao động của những nguyên tử, cũng giống như
nhiệt độ của bức xạ vũ trụ (cosmic background radiation) giảm dần theo sự
bành trướng của vũ trụ, v.v. Mỗi thời điểm tượng trưng cho một trạng thái
nhất định của vũ trụ. Những thời điểm khác nhau tương ứng với những trạng
thái khác nhau. Như vậy mỗi thời điểm là một “lát cắt” của không thời gian.
Tùy theo mỗi góc độ khác nhau, không thời gian có thể cắt thành từng lát
theo nhiều cách khác nhau, và do đó có những cách ấn định thời gian khác
nhau. Nói khác đi thời gian là tương đối, khác hẳn với thời gian Newton.
Nếu bạn và tôi ở vào hai nơi có
phân phối vật chất khác nhau (ví dụ ở địa cầu và ở mặt trăng) hoặc bạn và
tôi có những trạng thái chuyển động khác nhau (ví dụ tôi nằm xem truyền
hình ở nhà trong lúc bạn đang thám hiểm không gian trên chiếc phi thuyền
không gian,) thời gian của bạn và tôi sẽ có những mức nhanh chậm khác nhau.
Nếu tôi ở địa cầu bạn ở mặt trăng, đồng hồ tôi sẽ chậm hơn đồng hồ bạn. (Sự
khác biệt sẽ rất bé bởi vì gia tốc trọng lực của địa cầu chỉ gấp sáu lần
gia tốc trọng lực của mặt trăng. Phải có máy đo thật tinh vi mới có thể đo
được sự khác biệt này.) Nếu bạn làm một chuyến hành trình thám hiểm không
gian kéo dài nhiều năm, khi trở về bạn sẽ thấy bạn bè đồng lứa của bạn đã
già hơn bạn rất nhiều.
Nếu có một biến cố xảy ra một nơi
nào đó, có thể người ở hỏa tinh và người trên địa cầu không đồng thời nhìn
thấy cùng một lúc. Mỗi người tùy theo vị trí và trạng thái chuyển động của
mình sẽ có một thời gian riêng rẻ cho chính mình. Thời gian không còn là
một đại lượng tuyệt đối chung cho mọi người. Thời gian của bạn có thể khác
với thời gian của tôi. Tuy nhiên đối với mỗi chúng ta trên địa cầu, sự
khác biệt thời gian nhỏ đến nỗi chúng ta không thể phân biệt được.
Mỗi lời giải của phương trình
Einstein tượng trưng một mô hình của một vũ trụ hay của một vùng không
thời gian nào đó, không hẳn là vũ trụ hay vùng trời của chúng ta. Tất
nhiên các nhà vật lý học đã tìm được một lời giải khá phù hợp với vũ trụ
chúng ta quan sát được. Những quan sát thiên văn chứng minh điều đó. Tuy
nhiên có những lời giải khác mô tả những vũ trụ rất kỳ lạ, không chừng có
thể phù hợp với những vùng trời khác.
Mỗi vật thể trong vũ trụ, kể cả
chúng ta, đều có một đường đời. Cho dù bạn chỉ ngồi yên một chỗ bạn
cũng có một đường đời cho riêng bạn. Trong trường hợp này đường đời của
bạn song song với trục thời gian. Ngay sau khi lý thuyết tương đối tổng
quát của Einstein vừa xuất bản, Weyl đã ghi nhận rằng phương trình
Einstein có thể có những lời giải mô tả những không thời gian trong đó
đường đời của một người có thể là một đường cong kín. Điều này hàm ý rằng
có thể có những vùng không thời gian trong đó tương lai nối liền với quá
khứ mặc dù chúng ta không hề di chuyển với vận tốc lớn hơn vận tốc ánh
sáng. (Lý thuyết tương đối khẳng định rằng mọi vật thể trong vũ trụ không
thể nào di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng.) Những vùng không thời gian
này hẳn phải có trọng trường khổng lồ, không thời gian phải cong oằn với
độ cong rất lớn.
Đây là điều lý thú bởi vì nếu vũ
trụ chúng ta có những vùng không thời gian như vậy, chúng ta hãy di tản
vào đó để có thể thấy được quá khứ cũng như tương lai của mình. Kurt Godel
đã chứng minh rằng trong một vũ trụ quay, đường đời của một hạt vật chất
có thể là một đường cong kín. Đường cong kín này có thể nằm trong một mặt
phẳng vuông góc với trục thời gian, nghĩa là không có thời gian, nghĩa là
thời gian ngừng lại. Phải chăng đây là ước mơ của con người, muốn thoát
khỏi cái vòng thời gian tạm bợ luẩn quẩn. Tiếc rằng không có bằng chứng
chứng minh rằng vũ trụ chúng ta đang quay.
Còn có một vùng trời khác trong đó
có thể có những đường đời cong kín: Bên trong hố đen quay (rotating black
hole) do Roy Kerr chứng minh. Hố đen còn là cửa ngõ đi vào những thế giới
kỳ lạ khác hoàn toàn cách biệt với vũ trụ chúng ta. Rất mạo hiểm, bởi vì
ranh giới hai bên cánh cửa đó không bảo đảm rằng cái tôi có còn nguyên vẹn
không. Có lẽ cái tôi bên này khi bước sang bên kia trở thành một cái tôi
hoàn toàn khác hẳn và hoàn toàn xa lạ với cái tôi cũ.
Vượt thời gian để có thể đi vào
quá khứ hoặc tương lai vốn là một đề tài hấp dẫn. Nhiều người vẫn cho rằng
đề tài này thuộc phạm vi khoa học giả tưởng. Thực ra các nhà vật lý học đã
và đang tích cực nghiên cứu vấn đề này. Vì bị giới hạn bởi vận tốc ánh
sáng nên phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là tạo ra một chu trình kín trong
không thời gian. Hãy hình dung hai vị trí A và B của không thời gian. Giả
sử một hạt vật chất có đường đời từ A đến B. Nếu đi dọc theo không thời
gian (với vận tốc bé hơn vận tốc ánh sáng, tất nhiên) phải tốn một thời
gian nào đó. Nếu chúng ta có thể làm một đường hầm (gọi là wormhole) nối
liền A và B, hạt vật chất có thể đến B trước thời gian phải đến. Như vậy
hạt vật chất đã đi vào tương lai của mình. Chính Einstein, cùng với Rosen,
cũng đã tiên đoán vấn đề này, nên wormhole thường được gọi là cầu
Einstein-Rosen. Kip Thorne chứng minh rằng dùng năng lượng âm có thể tạo
ra một đường hầm mong muốn.
-
Thời gian nguyên lượng
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử nhân loại, con người vẫn
suy tư về thời gian. Chúng ta đã sơ lượt qua quan niệm của người xưa về
thời gian. Rồi thời gian Newton. Rồi thời gian Einstein. Đi vào thế giới
kỳ lạ của các tiềm nguyên tử tí hon chúng ta còn có thời gian nguyên lượng.
Trong thí nghiệm Young, khi một chùm tia sáng (những
quang tử) xuyên qua hai khe hở song song, chúng ta nhận được giao thoa ánh
sáng trên bức màn đặt phía sau các khe hờ. Nếu chúng ta thay thế chùm tia
sáng bằng chùm trung hòa tử (hoặc bất kỳ một loại tiềm nguyên tử nào khác,)
sự giao thoa vẫn hiện ra trên màn ảnh. Nếu chúng ta che kín một trong hai
khe hở, sự giao thoa sẽ biến mất. Cách thức các trung hòa tử xuyên qua khe
hở không bị che kín hoàn toàn giống cách thức các quả cầu ném qua cửa sổ
vậy. Điều này chứng minh rằng những tiềm nguyên tử vừa mang tính chất sóng
vừa mang tính chất hạt. Đặc biệt hơn nữa, nếu chúng ta phóng những trung
hòa tử đến các khe hở một cách chậm chạp, từng hạt một, chúng ta vẫn quan
sát thấy sự giao thoa từ từ xuất hiện trên màn ảnh. Nếu chúng ta dùng máy
thăm dò để biết một trung hòa tử nào đó đã xuyên qua khe hở nào trước khi
đến màn ảnh, sự giao thoa tức khắc biến mất.
Các thí nghiệm trên chứng minh rằng chỉ khi nào chúng
ta quyết định muốn quan sát xem một tiềm nguyên tử có mang tính chất hạt
hay không và xuyên qua khe hở nào, thì chính lúc đó là lúc tiềm nguyên tử
mang tính chất hạt. Nếu chúng ta không cố tình tìm biết lộ trình của tiềm
nguyên tử đó, thì chính lúc đó tiềm nguyên tử mang tính chất sóng. Chúng
ta không thể chế tạo bất cứ loại máy móc nào để có thể biết tiềm nguyên tử
xuyên qua khe hở nào mà sự giao thoa vẫn xuất hiện trên màn ảnh. Nếu muốn
xem những tiềm nguyên tử giao thoa trên màn ảnh thì đừng hòng có thể biết
lộ trình của chúng. Ngược lại nếu muốn biết lộ trình của chúng thì đừng
hòng chúng sẽ giao thoa cho chúng ta xem. Nói khác đi, quan sát viên đóng
vai trò then chốt trong việc quyết định những gì mình muốn quan sát, sóng
hay hạt, nhưng không thể cả hai.
Đối với cơ học Newton cũng như lý thuyết tương đối của
Einstein, quỹ đạo của một vật thể là duy nhất. Đối với cơ học nguyên lượng,
một tiềm nguyên tử có thể có những quỹ đạo khác nhau khi di chuyển từ vị
trí A đến vị trí B với những xác suất khác nhau. Như vậy tương lai của
tiềm nguyên tử không hẳn chỉ phù thuộc vào hiện tại và quá khứ mà còn tùy
thuộc vào sự may mắn nữa. Nói cách khác, không giống như luật nhân quả
tuyến tính như vật lý cổ điển quan niệm, luật nhân quả nguyên lượng là phi
tuyến tính. Feynman cho rằng tương lai của hạt chỉ được xác định bởi quỹ
đạo trung bình của tất cả những quỹ đạo nói trên.
Những vùng không gian chúng ta thường gọi là chân không
thực ra, theo vật lý nguyên lượng, chứa đầy những cặp hạt ảo (virtual
particles) và kháng hạt ảo (virtual antiparticles.) Mỗi cặp hạt và kháng
hạt ảo cùng nhau xuất hiện, di chuyển theo những hướng khác nhau trong một
khoảnh khắc ngắn ngủi, rồi gặp lại nhau và cùng nhau hũy diệt, phát ra
năng lượng.
Hãy quan sát một cặp hạt ảo như
thế. Giả sử chúng cùng xuất hiện tại vị trí A, hạt ảo quay theo hướng từ
trái sang phải và di chuyển theo quỹ đạo C1 đến vị trí B trong
lúc đối hạt ảo quay theo hướng từ phải sang trái và di chuyển theo quỹ đạo
C2 đến B trong không thời gian. Cả hai hạt đều di chuyển vào
tương lai từ A đến B. Vì định luật khoa học không thay đổi khi hạt thay
thế bởi kháng hạt, quay trái sang phải thay thế bởi quay phải sang trái và
thời gian đi vào tương lai thay thế bởi thời gian đi vào quá khứ, nên
chuyển động của kháng hạt ảo từ A đến B theo thời gian đi vào tương lai
dọc theo quỹ đạo C2 có thể thay thế bằng chuyển động của hạt ảo
di chuyển từ B đến A theo thời gian đi vào quá khứ dọc theo quỹ đạo C2.
Tóm lại chuyển động của cặp hạt ảo từ A đến B có thể thay thế bằng chuyển
động của hạt ảo dọc theo đường cong kín từ A dọc theo C1 đến B
theo thời gian đi vào tương lai, rồi từ B di chuyển trở lại A theo thời
gian đi vào quá khứ dọc theo C2. Nói cách khác, những tiếm
nguyên tử có thể đi vào quá khứ của mình!
Một vấn đề khác: Chúng ta có thể đo thời gian một cách
tuyệt đối chính xác không? Nguyên lý bất định Heisenberg khẳng định không.
Khi muốn xác định vị trí chính xác của một hạt vật chất chúng ta phải trả
một giá rằng chúng ta không thể đo chính xác vận tốc của hạt đó. Tương tự,
khi muốn biết chính xác vào lúc nào và khoảng bao lâu một điện tử trong
một nguyên tử biến hóa từ một mức năng lượng này nhảy vọt chớp nhoáng đến
một mức năng lượng kkác, chúng ta phải trả giá rằng chúng ta không thể đo
chính xác được năng lượng của điện tử đó. Tóm lại chúng ta không thể xác
định vị trí, tốc độ, thời gian hay năng lượng của chúng một cách hoàn toàn
chính xác. Sự đo lường không được chính xác không phải do lỗi chúng ta mà
do chính bản chất sinh động tháy máy và lẳng lơ của các tiềm nguyên tử.
Nói cách khác, không thể tồn tại một thế giới khách quan với đầy đủ những
tính chất hoàn toàn được xác định một cách chính xác. Theo lý thuyết
nguyên lượng, không thể đo một độ dài nào bé hơn 10-33 phân (Planck
length) cũng không thể đo một khoảng thời gian nào bé hơn 10-43
giây (Planck time.) Vạn vật không còn là một khối liên tục dưới ống
kính nguyên lượng. Chúng ta chỉ có thể có những giọt năng lượng, những
giọt khoảng cách, những giọt thời gian, …
Chúng ta đã biết rằng thời gian (Einstein) là tương đối.
Thời gian của bạn và của tôi nói chung không giống nhau. Không có thời
gian nào đúng hơn hay quan trọng hơn thời gian nào. Mỗi cách chọn lựa thời
gian khác nhau tương ứng với một cách cắt lát không thời gian khác nhau.
Tuy nhiên tất cả những mô tả về vũ trụ tương ứng với những chọn lựa thời
gian khác nhau đều tương đương nhau. Nếu vũ trụ chúng ta là một vũ trụ kín,
phương trình Einstein cho thấy rằng năng lượng của vũ trụ triệt tiêu. Đối
với vật lý nguyên lượng áp dụng cho những tiềm nguyên tử, không có năng
lượng tức không có thời gian. Khi vũ trụ ở tuổi Planck time với kích thước
Planck length, vũ trụ được xem như một hạt vật chất tí hon. Do đó nếu vũ
trụ không có năng lượng cũng sẽ không có thời gian.
Có điều mâu thuẩn là lý thuyết
tương đối tổng quát chỉ hữu hiệu khi tuổi của vũ trụ lớn hơn Planck time.
Do đó khi vũ trụ ở tuổi Planck time, không biết chắc năng lượng có triệt
tiêu chăng. Tuy nhiên nhiều nhà vật lý học tin rằng năng lượng của vũ trụ
khi còn thơ ấu cũng triệt tiêu. Do đó họ vẫn tin rằng vào cái tuổi thơ đó,
vũ trụ không có thời gian. Nói cách khác, khi ngược dòng thời gian đi về
khởi điểm (the Big Bang,) dường như thời gian dần dần biến mất và biến
thành một thứ nguyên của không gian. Nói khác đi, khi trở về Planck time,
thời gian và không gian không còn phân biệt nữa.
-
Thời gian ảo
Với niềm tin vũ trụ ấu thơ không
có thời gian, Hartle và Hawking, bằng cách dùng một loại thời gian rất xa
lạ đối với đa số chúng ta, gọi là thời gian ảo (imaginary time,) đã đưa ra
một mô hình vũ trụ hữu hạn và không có biên giới trong đó tuy thời gian
cũng hữu hạn nhưng không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Do
đó vũ trụ không có điểm sáng tạo cũng không có điểm hũy diệt. Vũ trụ tự nó
tồn tại, và sau khi có kích thước lớn hơn Planck length, vũ trụ biến hóa
giống như vũ trụ của chúng ta vậy.
Thời gian ảo ở đây không có nghĩa
là không thực, trái lại chỉ là một thuật toán khác dùng để mô tả vũ trụ
theo một cách khác. Thời gian Newton hay thời gian Einstein là những đại
lượng toán học dùng để mô tả sự biến đổi của vạn vật. Thời gian ảo cũng là
một đại lượng toán học dùng để mô tả biến đổi của vạn vật. Trong toán học,
có một loại số gọi là phức số. Mỗi phức số gồm hai thành phần, phần thực
và phần ảo. Do đó tập hợp các phức số thường được tượng trưng bởi một mặt
phẳng với hai trục tọa độ, trục thực và trục ảo. Hawking đã dùng trục ảo
này làm trục thời gian, và ông gọi loại thời gian mới này là thời gian ảo.
Như vậy thời gian ảo của Hawking thật ra rất thực. Nếu bạn không tin có
điểm sáng tạo, bạn hãy dùng thời gian Hawking để mô tả vũ trụ. Nếu bạn tin
có điểm sáng tạo, hãy dùng thời gian Einstein. Hai loại thời gian cho
chúng ta hai cách để mô tả cùng một vũ trụ. Do đó hai phương pháp tương
đương nhau.
Vậy loại thời gian nào mới thực sự
mô tả bản chất của thời gian? Khi thời gian ảo mới ra đời, không ít người
phê phán. Để bảo vệ cái thời gian ảo của mình, Hawking đã phát biểu: Có
thể rằng cái chúng ta gọi là thời gian ảo mới thực sự có nền tản hơn, và
cái chúng ta gọi là thực thật ra chỉ là một ý niệm do chúng ta phát minh
giúp chúng ta mô tả những gì chúng ta cho là giống vũ trụ (Maybe what we
call imaginary time is really more basic, and what we call real is just an
idea that we invent to help us describe what we think the universe is
like.) Có thể rằng thời gian thực và ảo thật ra chỉ là hai nhản hiệu khác
nhau của cùng một bản chất thời gian. Nếu vậy, cả hai đều có giá trị như
nhau. Eric Rogers có viết lời đối thoại mô tả hai quan niệm khác nhau về
bản chất của lực ma sát (friction.) Giả sử ông A không tin có ma quỉ trong
lúc bà B tin có. Cuộc đối thoại đại khái như sau:
A: Tôi không tin có ma quỉ.
B: Tôi tin có.
A: Tôi không tin ma quỉ có
thể tạo ra sức ma sát.
B: Tôi tin ma sát do chúng
nó tạo ra. Chúng nó đứng trước vật thể, đẩy vật thể lùi lại như không muốn
để vật thể di chuyển.
A: Tôi không thấy có ma
quỉ nào trên mặt bàn cả.
B: Chúng nó là loài ma quỉ
tí hon, gần như trong suốt.
A: Nhưng có nhiều ma sát
hơn trên những mặt bàn nhám hơn.
B: Mặt nhám hơn có nhiều
ma quỉ hơn.
A: Dùng dầu trơn sẽ giảm
độ ma sát.
B: Vì dầu trơn làm ma quỉ
chết đuối.
A: Nếu tôi chùi mặt
bàn cho láng mướt, sẽ có ít ma sát hơn và do đó quả cầu có thể lăn xa hơn.
B: Chùi mặt bàn sẽ làm cho
số lượng ma quỉ giảm bớt, do đó sức đẩy lùi của ma quỉ sẽ yếu hơn, và vì
vậy quả cầu có thể lăn xa hơn.
A: Nếu quả cầu nặng hơn sẽ
có nhiều ma sát hơn.
B: Nếu quả cầu nặng hơn,
sẽ có nhiều ma quỉ hơn để đẩy nó lùi lại.
A: Tôi có thể đẩy một viên
gạch trên mặt bàn, dung sức đủ mạnh chống lại sức ma sát cho đến một giới
hạn, và viên gạch vẫn đứng yên với sức ma sát vừa cân bằng sức đẩy của
tôi.
B: Tất nhiên ma quỉ có thể
dùng đủ sức để viên gạch vẫn đứng yên; nhưng sức mạnh của chúng có hạn,
nếu vượt quá giới hạn đó chúng sẽ thua cuộc và bị nghiền nát.
A: Khi tôi đẩy viên gạch
đủ mạnh để viên gạch di chuyển, vẫn có lực ma sát kéo viên gạch lại.
B: Đúng vậy, khi ma quỉ
thua cuộc bị viên gạch nghiền nát, chính những xương cốt bị vỡ nát đó cản
trở chuyển động của viên gạch.
A: Tôi không có cảm giác
chúng tồn tại.
B: Cứ dùng ngón tạy chùi
theo mặt bàn sẽ cảm giác thấy.
A: Sức ma sát tuân theo
những định luật nhất định. Chẳng hạn thực nghiệm cho thấy rằng khi một
viên gạch trượt dọc theo mặt bàn, lực ma sát độc lập với tốc độ viên gạch.
B: Tất nhiên, số những ma
quỉ bị nghiền nát như nhau dù viên gạch di chuyển nhanh hơn hay chậm hơn.
A: Nếu tôi cho viên gạch
trượt trên mặt bàn nhiều lần, sức ma sát mỗi lần trượt đều như nhau. Tất
cả ma quỉ đã bị nghiền nát trong lần trượt đầu tiên.
B: Đúng vậy, nhưng ma quỉ
sinh sản rất nhanh.
A: Còn có một định luật
khác về sức ma sát: Sức ma sát tỉ lệ với sức ép giữa viên gạch và mặt bàn.
B: Ma quỉ sống trong những
kẻ hở trên bề mặt của vật chất. Khi sức ép càng lớn chúng tràn ra bề mặt
càng nhiều để đẩy và để bị nghiền nát. Những động tác đẩy kéo của ma quỉ
hoàn toàn phù hợp với những định luật về ma sát.
Cuộc đối thoại trên đây mô tả hai
quan điểm khác nhau về sức ma sát. Cả hai đều hợp lý. Thông thường ít ai
tin ma quỉ tạo ra sức ma sát. Nhưng từng nào chúng không vi phạm các định
luật về ma sát, chúng nó vẫn là một nhân tố có thể được tuyển chọn. Thời
gian thực hay thời gian ảo cũng thế.
-
Một phương pháp chiêu đãi thời gian
Thời gian đã đang và sẽ ám ảnh
nhân loại cho đến bao giờ? Khi ta có vài niềm vui nho nhỏ, thời gian dường
như trôi nhanh hơn để cướp mất niềm vui đó. Trái lại những lúc buồn phiền,
thời gian trôi chậm lại như muốn có nhiều thì giờ hơn để chế nhạo chúng ta.
Không thể trách con người muốn rời bỏ thời gian đi tìm vĩnh cửu. Nhưng có
thể hũy diệt thời gian dễ như mấy vần thơ sau đây do nhà thơ Angelus
Silesius viết vào thế kỷ 16 không?
Time is of your own making,
its clock ticks in your head.
The moment you stop thought
time too stops dead.
(Thời gian có nghĩa gì đâu
Tích tắc từng tiếng trong đầu mà nên
Đừng nghĩ đến, thế là yên
Hết nơi nương tựa nó liền tan đi.)
Hơn nữa, làm sao để hình dung cái
gọi là vĩnh cửu? Làm sao hình dung một thế giới trong đó sự sống độc lập
với thời gian? Như một tấm hình chụp từ tuổi ấu thơ? Không phải. Bởi vì
tấm hình không có sự sống. Có lẽ thế giới vĩnh cửu không thể chấp chứa sự
sống bởi vì sự sống thì rất năng động và luôn luôn tiến hóa. Và sự tiến
hóa dẫn đến ý niệm thời gian. Vậy nếu thế giới vĩnh cửu không có sự sống,
chúng ta, là những sự sống, sẽ không bao giờ có thể bước vào cái thế giới
vĩnh cửu đó được. Có lẽ đành theo chủ thuyết Daffy Duck (We join you just
because we can’t beat you,) vui buồn với cái thời gian vốn có, để rồi ngậm
ngùi luyến tiếc theo tiếng thời gian:
Mưa rơi hiu hắt mùa đông
Không gian u ám sầu lòng tha nhân
Tiếng chuông đêm vắng buồn ngân
Bên sông rét mướt tần ngần chờ ai
Chuông than những tiếng ngân dài
Thời gian tan tác đoái hoài tuổi
xuân
Mưa đông ta vẫn khóc thầm
Cuộc đời đầm ấm tan dần còn đâu
Ngoài kia sương gió bạc mầu
Lìa cây cành lá về đâu úa tàn
Ngày xuân đã thoát đi dần
Lòng ta tê tái lâng lâng nỗi sầu
Người vui, ta có niềm đau
Đời chim bạt gió kiếp nào bên nhau
Kìa ai thấp thoáng về đâu
Ngừng chân buốt giá nhìn lầu nguy
nga
Bao nhiêu xuân đã trôi qua
Lòng ta vốn đã nhạt nhòa tình yêu.
Dù thời gian là một tưởng tượng tâm lý, dù thời gian là
tuyệt đối, tương đối, nguyên lượng, hay là thời gian ảo, chắc chắn không
dễ gì có thể xóa nhòa trong tâm trí như nhà thơ
Angelus Silesius quan niệm. Chúng sẽ tiếp tục bám víu ám ảnh chúng ta.
Nhưng cứ buông xuôi để mặc vui buồn hỷ nộ sân si thao túng theo thời gian
thì càng tệ hại hơn. Có lẽ thay vì đi tìm câu trả lời “thời gian là gì,”
chúng ta cần tìm hiểu thời gian đã đang và sẽ thao túng chúng ta như thế
nào.
Vạn vật cũng như sự sống vốn không
ổn định. Một ngôi biệt thự sang trọng tưởng là kiên cố, ngờ đâu thời gian
sẽ từ từ làm hoen ố. Những phiến đất khổng lồ trên mặt địa cầu vẫn vẫn di
chuyển va chạm nhau một cách không tiên đoán được. Đùng một cái, trận động
đất sẽ làm ngôi biệt thự trở thành đống gạch vụn. Đùng một cái, trận động
đất sẽ tạo nên cơn sóng thần khủng khiếp sát hại hàng trăm ngàn sinh linh.
Đùng một cái, trận động đất thay đổi dung nhan địa cầu. Tự nhiên có những
ngọn núi cao, có thể cao chót vót như dãy Hy Mã Lạp Sơn. Tự nhiên có suối
sâu, có sông ngòi. Nước vẫn chảy, đá tiếp tục mòn. Gặp lạnh, nước đông đặc.
Gặp nóng, nước bốc hơi. Trong những điều kiện khắc nghiệt hơn, những phân
tử nước có thể bị phá vỡ, không còn là những phân tử nước nữa.
Con cháu đầy đàn thường là một
niềm vui của nhiều người. Nuôi nấng lớn khôn khỏe mạnh càng vui hơn. Học
hành tiến bộ càng vui hơn nữa. Dựng vợ gả chồng hạnh phúc càng tuyệt hơn
nữa. Nhưng thời gian không cho con người cứ tiếp tục vui hoài như vậy.
Bệnh hoạn sẽ đến. Tan vỡ sẽ đến. Già nua chắc chắn sẽ đến. Chết chóc chắc
chắn sẽ đến. Tất cả đều vô thường như vậy. Tất cả đều nương tựa lẫn nhau
để tạm thời tồn tại như vậy. Biết vậy, nhưng con người vẫn mang cảm giác
bị thời gian giày xéo. Nguyên nhân? Có lẽ con người quá đặt nặng cái tôi
của mình. Biết sự vật biến hóa nhưng vẫn nghĩ cái tôi nguyên vẹn. Biết cái
tôi tùy thuộc vào cái anh cái chị nhưng vẫn muốn cái tôi quý phái hơn,
giàu có hơn, anh hùng hơn. Tuy biết rằng “hùng biện chưa hẳn là thông thái”
(lời Trang Tử,) con người vẫn thích trổ tài hùng biện. Tuy biết rằng chinh
phục vũ trang chưa hẳn đem lại hòa bình, con người vẫn muốn chiến tranh
khủng bố.
Con người vẫn sẽ tiếp tục bị thời
gian giày xéo từng nào chưa nhận thức chín chắn cái tôi chỉ là vô thường
tạm bợ như thoáng chiêm bao. Con người vẫn sẽ tiếp tục bị thời gian giày
xéo từng nào chưa nhận thức chín chắn cái tôi cái anh cái chị và tất cả
vạn vật, tuy trông có vẻ riêng rẻ độc lập nhau, nhưng thật ra phụ thuộc
khắng khít lẫn nhau.
Những trạng thái của mỗi sự vật
cũng như những trạng thái tâm hồn và thể xác của mỗi chúng ta đều là những
trạng thái nguyên lượng, do đó luôn luôn chồng chập lên nhau. Chẳng hạn,
đối với người vợ ở hậu phương, cả hai trạng thái “bị bắn chết” và “vẫn còn
sống sót” của người chồng ở tiền tuyến đều tồn tại và chồng chập lên nhau.
Cả hai tình huống đó đều trộn lẫn trong lòng người vợ. Buồn bã lo lắng
trộn lẫn với hy vọng bình an. Chỉ khi nào người chồng trở về hoặc người vợ
đích thân ra chiến trường thăm chồng, một trong hai trạng thái trên đây
mới thành hiện thực. Nhưng chiến tranh đang ở trong giai đoạn khốc liệt.
Người chồng không thể trở về. Người vợ không thể thăm chồng ở tiền tuyến.
Lo lắng và hy vọng là hai trạng thái của người vợ, chồng chập lên nhau.
Nếu người vợ bi quan nghĩ rằng chồng mình sẽ bỏ mạng sa trường thì hiển
nhiên đó là niềm đau. Nhưng dù người vợ có niềm tin chồng mình sẽ sống sót
trở về, bà ta cũng không thể không nghĩ đến một sự thật phủ phàng có thể
xảy ra. Và rốt cục, đó cũng là niềm đau. Niềm đau chỉ nguôi đi khi nào
người vợ có thể từ bỏ những vọng tưởng và định kiến.
Tương tự, có một đôi bạn nam nữ
rất thân tình. Nhưng chàng cũng như nàng đều tự chất vấn không biết đối
phương có yêu mình không. Trong lòng mỗi người, hai trạng thái “thương” và
“không thương” chồng chập lên nhau. Tâm trạng của đôi bạn này cũng giống
như của người vợ có chồng đi chinh chiến trên đây. Nghĩ rằng đối phương
không yêu thương mình thì khổ đã đành, nhưng nghĩ rằng đối phương yêu
thương mình cũng chưa chắc tránh được khổ đau!
Vui và buồn luôn luôn trộn lẫn.
Thương và ghét, hy vọng và thất vọng cũng vậy. Và sự trộn lẫn những trạng
thái tâm hồn đó là vô thường, là bản chất của sự sống. Chúng là những thái
cực sống động luôn luôn biến hóa ảnh hưởng lẫn nhau, bổ sung cho nhau.
Chúng ẩn hiện trong những điệu múa hài hòa tinh quái. Chúng như vừa ẩn vừa
hiện, như vừa tồn tại vừa không tồn tại, như vừa xa vắng vừa quấn quít,
như vừa nội tâm vừa ngoại giới. Cứ để chúng đi qua tâm trí một cách tự
nhiên, không chất vấn, không vọng tưởng, không định kiến. Và rồi, thanh
tịnh sẽ đến với tâm hồn. Vì vậy, người chinh phụ cần sống hài hòa với hai
trạng thái “ chồng mình bị bắn chết” và “chồng mình vẫn còn sống sót.” Đôi
tình nhân cần sống hài hòa với hai trạng thái “yêu” và “không yêu.”
Đời chỉ đẹp khi tình còn dang
dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề.
Ảo ảnh của cuộc đời là giàu sang
phú quý, là quyền cao chức trọng, là anh hùng cái thế, v.v. Do đó phải
tham ô cướp giựt, phải kiếm tiền bất chấp thủ đoạn, phải tranh giành chiếm
đoạt, phải chiến tranh khủng bố để làm bá chủ, v.v. Tất cả những vọng
tưởng và định kiến đó là duyên nghiệp, là luân hồi, không có thực chất. Vì
sự mê muội, cọng thêm lòng tham―biết mấy cho vừa―con người không bao giờ
toại nguyện. Nguồn gốc của khổ đau là đó. Chỉ khi nào trở thành bụt mới
xóa bỏ được những duyên nghiệp ấy. Lời đối đáp sau đây giữa Phật Thích Ca
và Vacchagotta―một người lang thang tầm đạo―trích trong Kinh
Aggivacchagotta cho thấy Phật không có những vọng tưởng và định kiến như
chúng ta:
Vaccha: Thế giới là
vĩnh cửu, phải không thưa Ngài?
Phật: Ta không
nghĩ thế giới là vĩnh cửu.
Vaccha: Thế giới không vĩnh cửu hay sao, thưa Ngài?
Phật: Ta không
nghĩ thế giới không vĩnh cửu.
Vaccha: Thế giới là hữu
hạn, phải không thưa Ngài?
Phật: Ta không
nghĩ thế giới là hữu hạn.
Vaccha: Thế giới là vô hạn, phải không thưa Ngài?
Phật: Ta không
nghĩ thế giới là vô hạn.
Vaccha: Linh hồn và thể
xác cùng loại, phải không thưa Ngài?
Phật: Ta không
nghĩ linh hồn và thể xác cùng loại.
Vaccha: Linh hồn và thể
xác khác loại, phải không thưa Ngài?
Phật: Ta không
nghĩ linh hồn và thể xác khác loại.
Vaccha: Sau khi viên
tịch Ngài vẫn tồn tại phải không?
Phật: Ta không
nghĩ sau khi viên tịch ta vẫn tồn tại.
Vaccha: Sau khi viên
tịch Ngài không tồn tại phải không?
Phật: Ta không
nghĩ sau khi viên tịch ta không tồn tại.
Vaccha: Sau khi viên
tịch Ngài vừa tồn tại vừa không tồn tại, phải không thưa Ngài?
Phật: Ta không
nghĩ sau khi viên tịch ta vừa tồn tại vừa không tồn tại.
Phật Thích Ca và chúng ta đều chia
sẻ một thứ thời gian như nhau. Nhưng thời gian đối với Ngài là bạn thân
thiết trong lúc đối với chúng ta là phiền não.
Sydney vào Xuân, 2006
Sách tham khảo:
-
Davies, P. C. W., About Time. Simon &
Schuster, New York, 1995
-
Hawking, S. W. A Brief History of Time.
Bantam Press, New York, 1998
-
Barrow, J. D. The Universe That Discovered Itself,
Oxford, New York, 2000
-
Capra, F., The Tao of
Physics, Shambhala, Boston, 1991
-
Gribbin, J., Q is for
Quantum, Phoenix, London, 1999
-
Majjhima Nikaya,
translated by bhikkhus Nanamoli & Bodhi, The Middle Length Discourses
of The Buddha, Wisdom Publications, USA, 1995
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/giotthoigian.htm