Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tu Bụi: Cuộc Hành Trình Tìm Lại Chính Mình
Nghiêm Xuân Cường

 

Sai lầm lớn nhất của đời người là tự đánh mất chính mình-Lời Đức Phật Thích Ca

Ở một góc nhỏ nào đó trong tiềm thức của tôi là một cậu học trò lớp đệ lục, đệ ngũ mê đọc sách, và-cũng như rất nhiều người Sàigòn của thập niên 60 và 70- mê đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung. Tôi vẫn nhớ rõ cái thú vị thả hồn vào trong những trang sách nói về một vùng đất xa xôi có những cái tên lạ hoắc như Đại Lý, Thiểm Tây, Giang Nam… và những nhân vật càng lạ hơn trong gió bụi của thời mạt Tống, hay Thanh Cung Mười Ba Triều…  Tôi say mê theo dõi từng chi tiết về cuộc đời của những người anh hùng như Quách Tĩnh, Hoàng Dung Đoàn Dự, Kiều Phong… và càng kính phục họ bao nhiêu thì lại càng căm hận những kẻ gian ác trong truyện, những Đoàn Diên Khánh, Nhạc Bất Quần, Tần Cối…Đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi không chỉ say mê những tình tiết lớp lang của câu truyện mà còn thích thú những chi tiết về địa lý và lịch sử được lồng trong cốt truyện. Những giai thoại về rượu, về thức ăn, người dân v.v…của những vùng mà các nhân vật trong truyện đã đi qua.  Tất cả những chi tiết thú vị này giúp đưa tôi vào trong thế giới nhỏ bé, xa xôi mà kỳ diệu ấy, như một chiếc thảm thần trong chớp mắt đưa người vượt ngàn trùng trời đất.  Dòng thời gian trôi mau… gần bốn chục năm trời ở nơi xứ người, tôi không còn cái thú đọc sách bằng tiếng mẹ đẻ.  Sách tiếng Anh thì đọc nhưng phần lớn vì nhu cầu nghề nghiệp; những tiểu thuyết tình cảm thỉnh thoảng tôi cũng đọc nhưng vẫn chưa bao giờ tìm lại được sự thích thú như những ngày xa xưa ấy- có phải bởi vì “người ta không thể  tắm hai lần trong một dòng sông” như một triết gia nào đã nói?

Thế rồi cách đây vài tuần, tôi được anh Trần Kiêm Đoàn gởi tặng cuốn sách có cái tên thật lạ “Tu Bụi”, mà cũng thật dầy, ngót năm trăm trang sách về những nhân vật thời Gia Long-Minh Mạng. Vì bận đi làm nên mãi hai tuần sau tôi mới giở sách ra.  Cầm quyển sách lên, tôi như lạc vào một thế giới khác thường.   Thế giới của Triều Nguyễn đầu thế kỷ 19, của tranh chấp và quyền hành, thế giới xa lạ mà sao tự nhiên gần gũi qua ngòi bút tài tình của tác giả.  Trần Kiêm Đoàn có lối viết thật nhẹ nhàng làm ta có cảm tưởng như đang nghe mẹ kể truyện thần tiên bên tai.  Từng chương, từng chương tôi tiếp tục giở, mong đuợc biết thêm về cuộc đời của các nhân vật trong truyện.  Cũng dễ hiểu thôi, vì anh đã theo “nghiệp bút nghiên” từ gần bốn thập niên qua.  Thế nhưng có một cái gì khác trong văn phong của anh.  Đơn giản mà nghiêm túc.  Bình dị mà uyên bác.  Anh không giống như một người thầy giáo nghiêm khắc đứng trên bục gỗ giảng bài cho học trò. Trái lại, cách thuật truyện cho ta có cảm tưởng anh là một  người dẫn đường trẻ tuổi náo nức muốn đưa bạn bè về thăm chốn quê nhà yêu dấu, nơi mà anh đã cảm nhận trong từng mạch máu, từng tế bào của mình mà người khác thì chưa hề hay biết.

Đọc Tu Bụi ta có cảm tưởng đang xem một cuốn phim quay chầm chậm đưa mình đến những khung trời xa lạ.  Điều khác thường ở đây là cái khung trời xa lạ ấy tuy xa mà thật là gần.  Nó chính là cái tâm của ta.  Sống với nó mỗi ngày mấy chục năm trời mà bấy lâu nay vì mải mê theo đuổi hết giấc mơ này đến cuộc phiêu lưu khác mấy khi ta được dịp tiếp cận với chính lòng mình.  Những nhân vật trong truyện: Trí Hải, Phạm Xảo, Thầy Tiều, Ba Gấm, Thiện Giả Tâm An...mỗi người đều có một tâm sự, một hoàn cảnh riêng nhưng tất cả đều mang một kiếp con người và vấn nạn của họ thì tựu chung cũng có ít nhiều dáng dấp của chính ta.

Hiển nhiên là khi bước vào một thế giới xa lạ chưa từng đặt chân đến, ta không biết có nên tin những gì mình đang thấy.  Kỳ lạ thay! ta không có cảm giác ấy bởi người bạn dẫn đường than thương kia đã chuẩn bị hành trang chu đáo trước khi đi.  Đến mỗi nơi, mỗi chốn, anh ân cần kể cho ta nghe về người, về vật, và khung cảnh chung quanh.  Ta mỉm cười đồng tình nếu đôi lúc có những chi tiết hơi khó tin- một liên hệ cần có trong bất cứ một cuộc thuật truyện nào, cái mà các nhà bình phim Tây Phương gọi là "a willing suspension of disbelief ".  Dĩ nhiên là sự đồng tình ấy không tự nhiên mà có, bởi nếu quả như thế thì tập truyện nào cũng như nhau, một điều không có và không thể xảy ra trong đời thường.  Ta mỉm cười dễ dãi vì tác giả đã dầy công dàn dựng những chi tiết thật lý thú về các nhân vật trong truyện, xếp đặt các dữ kiện sao cho hợp lý, và nhất là anh đã viết bằng cả tấm lòng mình.  Viết tới đây, tôi lại nhớ đến một truyện ngắn thật sâu sắc của nhà văn Sơn Nam về một người lái đò.  Đại khái là bà có một biệt tài làm một món ăn thật đơn giản là món thịt luộc mà không ai bắt chước được, dù cũng chỉ là một chút  hàn the, chút mắm muối.  Bí quyết của bà là "chỉ cần một tấm lòng".  Cũng vậy, Trần Kiêm Đoàn đã đem hết tấm lòng của hơn nửa thế kỷ gắn bó và sống với cái lẽ tự nhiên, chân thực của Phật Pháp, những thao thức nhiều năm về các vấn nạn của cuộc sống hằng ngày của chính mình, của đạo và đời để từ đó qua ngòi bút sáng tạo tài tình, thăng hoa các suy nghĩ của mình thành các nhân vật hư cấu mà sống thực.  Từ trang mở đầu của Tu Bụi, tác giả kể cho ta:

“...Cuộc binh đao giữa Tây Sơn và Nguyễn Vương chấm dứt trên chiến trường và thanh bình đã đến với lê dân, chim muông, cây cỏ .  Nhưng một cuộc chiến mới âm thầm, không biên cương, không tuốt gươm trần và không vang rền vó ngựa lại bắt đầu khai diễn ở chốn cung đình…"

Đúng là đã có một cuộc chiến mới trong những tranh giành quyền tước bổng lộc ở chốn

cung đình và đó là bối cảnh của Tu Bụi, nhưng người đọc cũng không thể không thấy sự tương

đồng của những tình huống ấy với đời sống thường ngày của mình.  Những ghen tuông, tranh chấp, dằn vặt đau đớn… ai đã chẳng có nhiều lần từng chứng kiến.  Ta được biết về con người lạ kỳ có cái tên rất thiền là Trí Hải

…Trong số những người hiếm hoi chọn lựa thái độ “công thành, thân thoái”, theo gót Phạm Lãi, Trương Lương thuở đó là một vị hoàng thân nổi tiếng tài cao học rộng. Vị hoàng thân sống như một nhà ẩn sĩ tại Phủ Ông Hoàng khiêm tốn phía Tây Bắc Chùa Linh Mụ, ít người được gặp mặt nhưng hầu như mọi người đều biết tiếng qua tin đồn và giai thoại. “Trí Hải” - là biệt hiệu mà người đời đặt cho ông để chỉ trí óc ông rộng mênh mông như biển cả. Tin đồn rằng trong phủ của ông hoàng Trí Hải không có vàng bạc châu báu mà chỉ chứa toàn sách vở bút nghiên. Sách ông đọc chất cao như núi và mực ông mài để chép sách làm thơ nhiều đến nỗi làm đen thẩm cả nước đại hồ. Trí Hải đam mê sách vở đến độ có những gia nhân phục dịch tại Phủ Ông Hoàng đã hơn ba năm mà chưa hề được gặp tận mặt để vái chào chủ nhân lần nào…

Song nếu Trí Hải chỉ là kẻ mọt sách như trăm ngàn chàng hủ nho khác, câu truyện cũng chẳng có gì đáng nói.  Sau cái chết đau thương của cha con người bạn thân là Nguyễn Văn Thành và Ấm Thuyên, Trí Hải lên đường, dấn thân vào một cuộc đời mới.  Ta hãy nghe tác giả thuật lại điểm khởi đầu của cuộc chuyển hóa:

Sau thảm họa Ấm Thuyên, Trí Hải càng nhận rõ hơn cái phù phiếm của sách vở từ chương và cái bọt bèo phi lý của thân phận con người. Đã có tiếng thở dài trăn trở trong thơ ông:

Bắt chước người xưa ta vây màn đọc sách,

Ba năm trường không thấy mặt nhân gian.

Khi ngoảnh lại thấy hồn bay mây trắng,

Và quanh ta cỏ dại mọc hoang đường! (P.Đ.T)

Rồi đến một ngày đầu xuân không lâu sau đó, cả kinh thành và hoàng cung nhốn nháo khi nghe tin Trí Hải cùng đám tùy tùng lặng lẽ rời tư dinh trong một cuộc hành trình đi về hướng Tây Bắc, tìm lên núi Huyền Trang cách xa kinh thành cả năm bảy ngày đường.

Đến gặp Thiền Sư Trúc Lâm, Trí Hải mong được những lời chỉ giáo thâm sâu nhưng vị thầy nổi tiếng chỉ nói vỏn vẹn "Con gà" Hai tiếng "Con gà" đơn giản làm kẻ học giả Trí Hải trằn trọc thao thức tìm câu giải đáp trong sự suy nghĩ thường tình.  Trí Hải triệu tập "Đại Hội Con Gà" mong tìm ra những điều mới lạ từ con vật tầm thường nhưng cũng vô ích.  Đến một ngày kia, hai tiếng "Con gà" như một tia sáng lóe lên xua tan bóng tối đã lâu nay bao trùm cuộc đời ông, để rồi:

Giữa không gian vô cùng và thinh không lắng đọng, tiếng chuông công phu buổi sớm của chùa Thiên Mụ từng tiếng thong thả nối đuôi nhau.  Từ lặng im, một tiếng chuông bỗng vang lên, ngân nga, nhỏ dần rồi tắt lịm như biểu hiện cho một kiếp người.

Từ trong Thái Ấp, một tiếng gà gáy sáng vừa cất lên. Tiếng gà gáy như một thứ âm thanh nẩy mầm từ lòng đất, vắt qua bầu trời và rơi vào một thế giới xa xăm. Hồi chuông công phu quyện với tiếng gà gáy sáng có một sức hút lạ lùng làm cho Trí Hải lắng nghe. Tiếp theo là tiếng gà gáy sáng thi nhau rộn rã đủ sức lay động cả bình minh và tâm hồn Trí Hải. Có tiếng gà thanh thoát cao vút với nhiều cung bậc u trầm như tiếng hò ru con của người cô phụ. Có tiếng gà trong suốt mời gọi tươi vui. Có tiếng gà vừa cất lên đã vội vàng rơi xuống. Có tiếng gà khàn khàn như tiếng ho hiu hắt của cụ già. Trong một khoảnh khắc thời gian, trí óc của vị hoàng thân lênh đênh, chơi vơi rồi bùng vỡ ngập tràn ánh sáng. Ông ngạc nhiên nhìn lại chính mình rồi tự hỏi:

- Ta là ai? Ta chỉ là thân xác của một đứa trẻ sơ sanh với linh hồn một cụ già đã chết? Hay ta là một sinh vật vô cớ rớt xuống giữa đời và mọc mầm, đâm nhánh, ăn ngủ, làm việc rồi theo thời gian lụi tàn như một thân gỗ mục?  Ta hiện hữu giữa đời mà đời không hiện hữu ở trong ta? Tại sao mấy chục năm qua ta chưa hề nghe được một tiếng gà gáy sáng?  Phải chăng chỉ vì ta quên hiện tại rồi loay đào bới một dĩ vãng xa xăm và sống mơ mộng cho một tương lai chưa đến nên đã bao năm qua ta không biết trên đầu có một bầu trời xanh, bên cạnh ta có những con người thân thương đang sống, và trong xóm kia có những tiếng gà?

Tiếng chuông chùa vẫn ngân nga trong gió, tiếng gà vẫn rộn rã trong sương, Trí Hải cảm

nhận sự hiện  hữu của thế giới, của chính mình và bỗng nhiên cảm thấy một niềm hạnh phúc vô

biên tràn đầy trong hơi thở…

Từ đây, chúng ta bắt đầu thích thú theo dõi sự chuyến hình thoát xác của học giả Trí Hải thành hành giả Trí Hải, một con người hành xử theo đúng tinh thần ung dung của đạo trong từng giây phút đi, đứng, nằm, ngồi.  Nếu có một sự tương đồng giữa truyện kiếm hiệp Kim Dung và truyện dài Tu Bụi của Trần Kiêm Đoàn là sự cân xứng giữa những đoạn văn hồi hộp gây cấn -những cảnh đấm đá võ hiệp ly kỳ- và những đoạn nói về sông núi, tình người và thân phận con người… làm ta thích thú theo dõi câu truyện, thì cũng có một điểm khác biệt lớn giữa tác phẩm của anh và những truyện kiếm hiệp ta đọc để tìm quên cho qua ngày đoạn tháng, đó là trong hình ảnh của những nhân vật của Tu Bụi ta thấy thấp thoáng đâu đây bóng dáng của chính mình.  Đây không phải là vì các nhân vật là người cùng xứ sở, sống tại những nơi có những cái tên rất thân thương quen thuộc, mà còn vì những nghĩ suy của họ về những câu hỏi hết sức căn bản của cuộc sống cũng chính là những điều mà ta đã từng băn khoăn, có khác chăng là, không như Trí Hải, quá bận rộn chuyện công danh, bương bả với cuộc sống hằng ngày ta đã cố gạt nó ra khỏi tâm trí của mình.  Ta sống vội vàng nên thực ra không biết mình đang sống, ăn ngấu nghiến mà đâu biết mình đang ăn,  đâu biết là chỉ cần một giây phút khai ngộ mà cuộc đời mình có thể hoàn toàn đổi khác:

Bao nhiêu năm qua, người lão bộc và vị hoàng thân sống kề cận nhau như hình với bóng nhưng chưa một lần nhìn thấy nhau. Vị hoàng thân như một hòn núi Thái Sơn sừng sững nhưng lạnh lùng và cô quạnh. Người lão bộc như một khe suối nhỏ nhoi róc rách chảy dưới chân cầu. Sự “khai ngộ” hôm nay như một trận đại hồng thủy để cho khe suối và núi cao biết nhau rằng, mỗi giọt nước tầm thường đều mang tính chất của đại dương và mỗi ngọn núi uy nghi đều đến từ hạt bụi.

Cũng vẫn là tiếng chuông Thiên Mụ của trăm năm trước, cũng vẫn là tâm hồn Trí Hải của trăm năm sau sao bây giờ lại khác. Trí Hải sống với tiếng chuông như sống với một em bé nhỏ hay một bác nông phu. Chuông và người cùng sống, cùng ăn và cùng thở. Đêm khuya ông vẫn nói chuyện rì rào với chuông. Ông hiểu chuông hơn bao giờ hết. Trí Hải không cần phải thức khuya dậy sớm mới nghe được tiếng chuông khi trong lòng ông có nắng hòa với tiếng chuông sâu thăm thẳm phát khởi tự tâm hồn.

Tôi hết sức trân quý những đoạn văn như thế của Trần Kiêm Đoàn.  Nó đơn giản mà xúc

tích, nhẹ nhàng như thơ mà gợi cho ta nhiều suy nghĩ và cùng lúc giúp ta hiểu cái lý trong sáng của đạo vốn ở nơi những cái thường ngày- Phật pháp bất ly thế gian pháp.  Những kinh, luận có giá trị của nó nhưng không phải ai cũng có đủ duyên hay khả năng để thâm nhập.  Càng đọc Tu Bụi tôi càng thấy rõ ràng con đường mình đang đi, thấy ấm lòng hơn.  Tôi vẫn luôn kính mến những nghệ sĩ sáng tạo bởi họ là người vẽ những nét chấm phá điểm tô cuộc đời, giúp kẻ phàm phu như tôi nhận ra cái đẹp lạ thường giữa cái bình thường.  Nhà văn Trần Kiêm Đoàn đã vẽ nên một câu truyện đầy ý nghĩa về cuộc đời của những con người đảm lược bằng cây cọ là chính ngòi bút của mình và mầu là sự thật vi diệu của Pháp.  Bởi lẽ đời là bể khổ, mỗi nhân vật của anh đều đối diện với những nỗi khổ của cuộc đời như những người bình thường khác. Đức Phật đã dạy chúng ta "đời là bể khổ" nhưng Ngài cũng khẳng định là có một con đường thoát khổ, con đường của Bát Chánh Đạo và Ngài còn dạy "Nước biển chỉ có một vị, đó là vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị, đó là vị giải  thoát".  Cũng vậy, các nhân vật của "Tu Bụi" biết rõ đời là bể khổ bởi bản thân họ đã chứng nghiệm được điều ấy, nhưng khác với chúng ta, họ vượt qua bóng đêm của khổ đau ấy bằng sự nhận thức được cái phù phiếm hời hợt của đời thường và dấn thân vào đời bằng những hành động lợi mình, lợi người.

Qua cuộc đổi thay, Trí Hải trở nên một con người đơn sơ mà thân thiện, sẵn sàng ứng đáp

với mọi tình huống.  Ông nhận thấy một chiều sâu chưa từng thấy từ người đến cảnh, sự kiện ở

chung quanh mình.  Khi xóa đi cái lằn ranh giới giả tạo, cái phân biệt giữa ta và người, đó cũng

chính là lúc Trí Hải bắt đầu sống với cái chân thật :

Chính lúc Trí Hải không bắt chước mà sống thực hồn nhiên như tiếng gáy con gà thì cũng là lúc ông đã quên đi bản thân mình là ông hoàng, là chủ Thái Ấp, là người đã ba năm vây màn đọc sách, là nhà quý tộc muốn cúi xuống thật thấp, “hạ cố” đi vào cuộc đời và bị cuộc đời quay lưng từ khước. Khi ông thôi không còn quay quắt vào đời thì chính cuộc đời tự động mở ra và vây bủa lấy ông. Người dân Thái Ấp đã nhận được tín hiệu từ trái tim nên tự động tìm đến với Trí Hải. Họ vẫn dành trọn vẹn cho ông lễ nghi, cung kính nhưng không còn sợ hãi vì mối giao tình phát khởi từ những tấm lòng chân thành và nhân hậu với nhau, đó là sự tương kính gần gũi và yêu thương.

Ta gặp những đoạn văn cô đọng như thế rải rác trong từng chương của Tu Bụi.  Với tôi, người đang đi thưởng lãm cảnh đẹp của đất Thần Kinh qua các nhân vật trong truyện, chúng như một làn gió sớm đem lại hương đồng cỏ nội, làm sảng khoái cả tâm và thân.  Như một người đi chơi xa, càng đi càng thấy nhiều cảnh hay vật lạ, càng đọc ta càng khám phá những liên hệ qua lại của những nhân vật trong truyện.  Có những sự kiện trong đời ta không nghĩ có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình nhưng thật sự lại có giá trị rất then chốt quyết định đời mình.  Giả thử như Quang Trung Đại Đế đã không chiến thắng hai mươi vạn quân Thanh trong Mùa Xuân Kỷ Dậu, bây giờ thì nguời Việt Nam chúng ta có mang thân phận là người Việt không?  Giả sử vì lý do nào đó cha mẹ ta đã chưa gặp nhau thì bây giờ ta là ai? Cũng vậy, ta dần dần khám những chi tiết lớp lang trong truyện, việc này đưa đến việc kia, những cái thấy vậy mà không phải vậy…, những danh phận như “Hoàng Thân, Danh Tướng, Công Thần, Phản Tặc, Chủ, Lão Bộc, Bạn, Thù…” đều là tạm bợ.  Khi Trí Hải khám phá ra người lão bộc trung thành nhiều năm ở cạnh mình chính là danh tướng Phạm Xảo, ông mất một người “lão bộc” nhưng bù lại đã được một người bạn đồng hành giúp ông tìm lại chính mình.  Trần Kiêm Đoàn đã tóm tắt cái liên hệ ấy bằng những lời văn nhẹ như thơ:

Trí Hải nhìn thẳng người đối diện rồi nhìn bâng quơ vào bếp lửa đang cháy bập bùng, trả lời:

-                                                                                 Huynh và tôi cũng như bếp lửa nầy.  Lửa nóng bao nhiêu rồi cũng sẽ tắt như con người sống già sẽ chết.  Tất cả chỉ là tạm bợ nên xưa nay tôi chẳng coi gì quan trọng ngoài cái giao tình chân thật với nhau.  Có huynh là có thêm một cây củi trong bếp lửa đời mình.  Bếp lửa đời sẽ sáng hơn và ấm hơn, thích lắm chứ.

Ở một góc cạnh cá nhân, bạn đọc, nhất là người xứ Thần Kinh sẽ cảm nhận một tình cảm nồng nàn pha với sự dí dỏm sẵn có trong văn phong của tác giả khi nói về vùng đất quê hương của mình

Huế có một khuynh hướng tâm lý riêng, do hoàn cảnh lịch sử và địa lý hết sức bão nổi và chuyển biến không ngừng.  Cô gái sông Hương có vẻ như bốn mùa hiền thục, mang nước trong xanh lặng lờ trôi ra biển.  Nhưng vẫn có những cơn mưa nguồn thác lũ cuốn phăng tất cả trong cơn thịnh nộ bất ngờ.  Chàng trai núi Ngự có vẻ như cái bình phong vững chãi, nghiêng vai gánh đá Trường Sơn.  Nhưng trái núi không chịu được thân phận bình phong lặng lẽ một góc trời, nên thường bương bả ra đi, kéo theo nàng sông Hương xa xứ.  Huế có một cái gì gần như mâu thuẫn bởi sự réo gọi giữa ở và đi, giữa thương và ghét, giữa bờ ao và đại dương, giữa tha hương và về lại. Tâm lý lưu dân và hoàn cảnh lịch sử tạo nên một phần bản sắc của “tâm lý Huế” và văn hóa Huế.  Bên cạnh nguồn tâm lý lưu dân nầy,  Huế còn là chứng nhân của bao hoàn cảnh bể dâu. Một cảnh sống đầy biến động và vô thường như Huế sẽ tạo ra những cặp khái niệm tâm lý vừa tương phản, vừa nhị trùng trong cùng một thời khắc: Được và thua, có và không, giàu và nghèo... chông chênh và tương đối.  Bao nhiêu gia đình giàu sang, thế lực, chỉ cần qua một cơn binh biến, có khi chẳng có một tơ hào nào còn sót lại.

Và những đặc điểm của đất sông Hương núi Ngự mà chỉ có con người gắn bó với Huế có thể nói lên

Rồi Huế cũng vào thu. Mùa thu Huế là thủ phạm của những nỗi buồn không tên tuổi, của những mơ mộng vu vơ và của những ước mong ngoài tầm tay với.  Mùa thu Huế với những đụn mây lam, chàm, tím từ núi cứ bay hoài ra biển, ngang qua vùng trời của những đôi mắt trông vời xa xứ.  Huế rất “dễ sợ!”  Sợ mùa đông dài với những cơn mưa tỉ tê đang tới. Sợ mùa đông ngủ muộn sẽ bị chôn vùi trong lá cây. Sợ những tình cảm mới nhen sẽ nguội lần với gió bấc Giêng, Hai. Huế rất... dễ sợ. Sợ phía Tây dãy Trường Sơn sớm và chiều sương nhiều hơn nắng.  Tầm mắt bị ngăn lại nên trí tưởng tượng cứ vướng vất hoài với một thế giới huyền bí núi rừng “bên tê.” Phía Đông là biển. Dù có trời trong mây tạnh thì cái nhìn cũng chỉ đến lằn ranh giới hạn ở chân trời.  Lại sợ. Sợ cái vô biên của đất trời.  Ngước về phía Bắc “sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.”  Hướng về Nam lại sợ “đi bộ thì khiếp Hải Vân; đi thủy thì khiếp sóng thần hang dơi!”  Nói gọn lại thì Huế là vùng đất “dễ sợ” và người ở Huế thì rất dễ bị sợ. Có lẽ vì thế nên người Huế dù có khen hay chê cũng đều... dễ sợ:  “Đẹp dễ sợ, xấu dễ sợ; thương dễ sợ, ghét dễ sợ... !”

Trên hết tất cả, Tu Bụi là sự chia sẻ một quãng đời đã sống với đạo của tác giả, những chứng nghiệm về cốt lõi của đạo qua các ngọn gió đời như được, thua, còn mất…  Khi Hàn Kỳ Vương, một cao thủ cờ tướng trăm trận trăm thắng đến thách đố Trí Hải trong một trận cờ quyết liệt, ông buộc lòng phải nhận lời nhưng vẫn chưa biết lối ra.  Vì biết tất cả đều là tạm bợ nên Trí Hải đã dễ dàng lãnh hội được lời chỉ dạy của người tiều phu (Thầy Tiều) "từ trong cái cũ, nhưng thoát ly cái cũ" và "Đừng dính mắc".  Thái độ hoàn toàn buông xả vô chiêu thắng hữu chiêu đó đã giúp Trí Hải thoát ra khỏi cái oan khiên của một cuộc đại bại.  Bài học lớn cho một đời người phải chăng cũng là thái độ buông xả, đừng dính mắc.  Đừng dính mắc hư danh, đừng vương vấn tình lụy.  Bát Nhã Tâm Kinh đã chẳng nhắn nhủ ta: "Bồ Tát Quán Tự Tại khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật (tức diệu pháp trí độ) bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh.  Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn.

Không vướng mắc còn có nghĩa là làm điều lành bởi vì biết là đó là điều ngay lẽ phải, không phải vì mong cầu được một cái gì đền bù theo tinh thần “cục đất ném đi, hòn chì ném lại của thế gian thường tình. Ở một đoạn sau ta gặp một cuộc trao đổi giữa Trí Hải và vị thiền giả ung dung, Thầy Tiều:

 - Nghiệp do mình tạo chứ có ai trừng phạt hay ban phát cho mình đâu.  Rượu không bắt mình say, tiền không bắt mình mắc nợ.  Say vì tự mình uống quá chén; mắc nợ vì mình xài quá nhiều.  Đừng uống rượu quá đà thì khỏi say. Làm tiền ra nhiều hơn tiêu tiền thì có tiền dành để lại trong tay.

- Nghĩa là mình có thể làm chủ nghiệp của mình?

- Ồ, tất nhiên rồi quý hữu à.  Người ta có thể cải nghiệp, giải nghiệp hay không tạo nghiệp. - Hành động hôm nay là hạt giống cho số phận ngày mai hay đời sau. Tu không phải là chỉ có hình thức vào chùa để làm trụ trì, lên sư ông, thành sư cụ mà tu là tự mình làm thanh sạch cho cái tâm của mình để giải bớt nghiệp chướng cho chính mình bằng cách gieo hạt giống cho ngày mai.

- Có chăng một vùng đất lý tưởng để gieo giống cho đời sau?

- Ba ngàn thế giới, gieo đâu mà chẳng được, miễn sao là giống lành.

 “Ba ngàn thế giới, gieo đâu mà chẳng được, miễn sao là giống lành.”  Thật là đơn giản mà cũng hết sức sâu sắc bởi đây chính là tinh thần bố thí Ba La Mật của đạo Phật: cứ làm với tinh thần hoàn toàn không dính mắc thì mọi sự sẽ đâu vào đó. Cuộc đời sẽ đẹp tươi hơn biết bao nhiêu, sẽ không còn chiến tranh, chém giết, hận thù ... Đi theo bước thăng trầm của Trí Hải chúng ta được thấy và biết thêm đuợc những nét văn hóa đặc thù của đất dân tộc như nghệ thuật hát chèo, hoặc những chi tiết lý thú về cuộc sống trong cung cấm, nghệ thuật trồng cây kiểng, đánh cờ tướng.  Dưới ngòi bút khéo léo của Trần Kiêm Đoàn chúng không chỉ là những chi tiết lạnh lùng mà là những nét khéo léo làm các nhân vật trong truyện kể thêm phần sống động để người đọc như có thể hình dung ra họ trước mắt mình.  Ở mỗi một chương, người đọc được đưa từ những ngạc nhiên này đến những ngạc nhiên khác khi được giới thiệu những nhân vật của câu truyện.  Chúng ta đã gặp Phạm Xảo, Sư Trúc Lâm ở chương 1 và 2, Hàn Kỳ Vương, Thầy Tiều ở các chương 4, 5 và 6 và Tâm An ở các chương 10,11 và 12.  Ờ mỗi một cuộc gặp gỡ, người đọc lại được học hỏi thêm những điều lý thú.  Cuộc tranh tài về cờ tướng cho ta được biết về nguồn gốc của các loại cờ từ Đông sang Tây và quan trọng hơn là việc giữ sao cho tâm được an tịnh:

Trong tâm y lý thường lấy khinh an để trị tác loạn.  Trong binh thư cũng có nói: “Biết dấy động đến chín tầng trời, cũng bằng biết dấu mình dưới chín lớp đất.”  Ra quân với Hàn Kỳ Vương không phải chỉ đấu cờ đơn giản bằng cách di chuyển, tạo thế  những quân cờ sắp sẵn trên bàn cờ mà cần phải biết dùng “đạo kỳ” để đem cái tâm lặng lẽ mà dẹp cái gốc ồn ào dấy loạn.  Nhưng biết tìm cái tâm lặng lẽ ở đâu mà dựa; biết tìm cái trí an tịnh ở đâu mà làm vũ khí.  Trí Hải càng cố nhắm mắt trầm tư  thì những vọng tưởng lại hiện đến. Tạp ý khi phất phơ như gió nhẹ, khi khởi động như đám mây giông.  Chúng kéo đến ùn ùn làm cho trí óc xiêu đổ như muốn nổ tung thành sấm dậy.

Trí Hải càng cố giữ tâm não trống không, những tạp ý càng khởi lên cố lấp đầy chỗ trống.  Trí Hải cố quay đi để tránh, những tạp ý cứ săn đuổi bén gót.  Người ta có thể dễ dàng xua đuổi một con voi nơi bìa rừng, nhưng lại khó khăn rũ bỏ bầy kiến trong ý niệm.  Chân cứ sải dài bước đi thoăn thoắt, nhưng đầu không biết đi về đâu.  Ra khỏi Thái ấp, qua khỏi mấy đồng lúa và theo lối mòn của vùng nương rẫy, Trí Hải men theo con đường đất đỏ, đá sỏi nhấp nhô.  Cuối dốc lên độn sim, độn móc là lối mòn dẫn tới chân núi Trường Sơn.  Mặt trời đang xuống dần bên phía Trường Sơn Tây nhắc nhở cỗ xe thời gian đang tụt dốc bên kia sườn đời của tuổi năm mươi. Nắng xế chiều cắt ngang những ngọn cây cao, trả hai phần bóng mát lại cho phía đông Trường Sơn xanh mướt cây rừng trùng điệp…

 Càng quan trọng hơn là ý nghĩa của việc hơn, thua: 

Sự chiến thắng trước thiên nhiên là dấu hiệu tích cực của con người.  Nhưng sự chiến thắng của con người trước con người thường mang nỗi xót xa tiêu cực của sự sống còn trên hủy diệt.  Tự bản chất, chiến thắng có nghĩa là đè bẹp, loại bỏ, chôn vùi đối thủ yếu hơn. Sự vinh quang náo nức của người chiến thắng là nỗi tủi nhục ê chề của người chiến bại.  Nụ cười của kẻ được là tiếng khóc của kẻ thua. Đôi mắt trong ngần không váng vất chút mê mờ tham vọng và nụ cười vô tư của người đốt than không ngừng hiện lên trong tấm gương soi mình tưởng tượng của Trí Hải. Trận cờ thư hùng sắp đến cứ sau mỗi đêm suy nghĩ lại nhạt dần ý nghĩa ban đầu của nó. Trận cờ như một thách đố phù du. Người thua sẽ bị chôn vùi tên tuổi và sự nghiệp. Người thắng cũng sẽ bị chôn vùi trong tham vọng và kiêu căng.  Càng gần đến ngày hẹn đấu, Trí Hải càng ít quan tâm hơn.  Không còn những buổi tập trận trên bàn cờ với Phạm Xảo và các danh thủ đất Thần Kinh.  Trong lúc Phạm Xảo và mọi người ở phía phe nầy hay phe kia đang bị thiêu đốt vì sự nôn nóng lẫn lo lắng đang cháy ngùn ngụt về số phận của trận cờ sắp đến thì Trí Hải càng kéo dài hơn những phút ngồi tĩnh tọa trong rừng vắng.  Tâm không dính mắc với cuộc cờ nên trí cũng chẳng tư lự với giới hạn hay thế cờ của phe địch, phe ta… 

Người đọc thích thú những chi tiết về cờ tướng, cây kiểng, hát chèo cổ… bởi nó khiến cho các nhân vật trong truyện thêm phần sống động.  Ta có cảm tưởng như họ đang trực diện với ta, đang nói với ta những suy nghĩ của họ về cuộc đời, về nhân sinh quan.  Những chi tiết mà tác giả đã dầy công tìm tòi nghiên cứu để lồng vào câu truyện hiển nhiên là những điều cần thiết song tự bản chất chúng vẫn chỉ là một mớ kiến thức không hồn ví như những lọ mầu rực rỡ nằm lẫn lộn trước giá vẽ chờ bàn tay người họa sĩ khéo léo biến chúng thành bức họa tuyệt vời.  Người đọc cảm thấy chất sống động ở trong các nhân vật trong truyện bởi lẽ Trần Kiêm Đoàn đã gởi vào đấy tất cả tâm sự cũng như lòng tha thiết yêu nghệ thuật và đạo pháp của anh.  Bằng sự nồng nàn chân thành ấy anh đã thổi một làn hơi ấm vào các nhân vật, đem đến cho họ cái chất sống thực của đời thường chứ không phải những nhân vật hư cấu của hai trăm năm trước.  Ở đầu chương 10, tôi gặp một lời đối thoại thật tâm đắc của Thầy Tiều:

 “ Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, vậy mà biết bao nhiêu người đã xài cuộc sống nầy một cách phí phạm như thể là họ còn có một cuộc đời khác đang cất để dành trong tủ không bằng…”

 Một nhận xét đơn giản mà cũng thật chí lý khiến người đọc sững sờ nghĩ đến bản thân mình.  Chính ở trong những cái nhận xét đơn giản mà sâu sắc ấy là một trong những điểm đáng trân quý của Tu Bụi.  Một điều thú vị của việc đọc sách là được khám phá ra ở câu truyện những gì mình đã không thấy khi đọc qua lần đầu, lần thứ hai...Tôi bắt gặp mình ở trong tâm trạng đó khi kiếm được những nét của các nhân vật mà khi nhìn thoáng qua mình đã chưa nhận biết.  Ở các chương 14 đến 20 chúng ta được biết thêm một nhân vật hết sức đặc biệt đó là Ba Gấm.  Trong Cung Oán Ngâm Khúc, thi hào Nguyễn Gia Thiều đã viết:

....

Tuồng huyễn hóa đã bầy ra đấy

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì…

 Trên chín bệ có hay chẳng nhẻ

Khách quần thoa mà để lạnh lùng…

Và:
            Thù nhau chi, hỡi đông phong

Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào

Tay Tạo Hóa cớ sao mà độc

Buộc người vào kim ốc mà chơi… 

Dưới ngòi bút mô tả của ông, người cung nữ là một người đàn bà đáng thương, lỡ mang phận liễu yếu đào tơ, lọt vào mắt xanh của thiên tử song cuối cùng phải mỏi mòn trong cung cấm than thân trách phận hẩm hiu đen bạc.  Đó là hình ảnh của một nạn nhân thụ động khiến người đọc mủi lòng thương xót.  Ở người cung nữ Ba Gấm chúng ta thấy một mẫu người hoàn toàn trái ngược.  Nàng không phó mặc cuộc đời cho sự đẩy đưa của số phận mà vươn lên, tự mình lèo lái đời mình.  Khác hẳn với mẫu người phụ nữ đòi bình quyền (feminists) của xã hội Âu Mỹ vào những thập niên cuối của thế kỷ 20, những người có châm ngôn sống là cái ta trên hết- “me first”, sẵn sàng làm tất cả, miễn là có lợi cho mình và chỉ riêng mình.  Trái lại, Ba Gấm đã phấn đấu vượt lên trên hoàn cảnh tự mình giải thoát ra khỏi kiếp tôi đòi, một là thân phận nữ nhi trong thời đại phong kiến, hai là sự khắc nghiệt của chế độ tam cung lục viện. Song không giống như một người đàn bà bình thường khác khi lọt vào địa vị Chánh Chưởng phu nhân chắc hẳn sẽ lạm dụng thế lực của chồng để gây lợi cho bản thân, cho gia đình giòng họ mình theo tinh thần “một người làm quan, cả họ được nhờ” của xã hội đương thời, Ba Gấm đã sử dụng cái khôn khéo của người phụ nữ đảm đang, cái kiến thức về tơ lụa cũng như quan chức của chồng mình để tạo dựng cho mình một cơ nghiệp đồ sộ với một mục đích duy nhất là để giúp người, cứu khổ mà không phân biệt như người đọc sẽ được biết ở phần kết câu truyện.  Tình cảm giữa Trí Hải và Ba Gấm được tác giả mô tả một cách hết sức nên thơ và tự nhiên, một sự hòa hợp ắt phải xẩy ra giữa đôi trai tài gái sắc:

 Không cần phải nói gì cả; cũng chẳng cần phải giải thích gì cả mà ngọn lửa tình bên nầy và bên kia, dẫu ngăn sông cách núi, vẫn cảm thấy hừng hực hơi nóng khi chỉ cần nghĩ đến.

Tình yêu nửa đời là một sự sáng thế giữa trần thế vốn khô lạnh và quạnh quẽ nầy. Khi người ta yêu, thế giới nầy bỗng nhiên đổi khác.  Mọi người, mọi vật quanh ta đều như có tâm hồn thánh thiện và dáng dấp đẹp đẽ, dễ yêu.  Người ta có thể cười rất vô cớ với một đám mây trên trời xa hay rung động vì tiếng con dế mèn thấp thỏm trong đêm. Người ta có một tâm hồn lúc nào cũng đầy vị tha. Thể xác được tắm trong tình yêu sẽ thành tươi mới. Dòng máu luân lưu rần rần trong cơ thể làm cho người ta đẹp hơn.  Chàng trai sẽ nhìn đời bằng tia nhìn hiệp sĩ và cô gái má chín ửng hồng, xinh xắn tự nhiên hơn mười lần son phấn. Chỉ cần nghĩ đến người tình, da thịt đã gây gây như thể có bàn tay đang ve vuốt vô hình. Trí Hải đã từng sống đời vợ chồng, nhưng người đàn bà chỉ là người vợ, chưa phải là người tình.  Khá lắm thì cũng chỉ là đi song song chứ chưa bao giờ thật sự ở trong nhau. Ngưòi vợ truyền thống là người em để phục tòng, người chị để chăm sóc, người mẹ để an ủi bao dung, người đàn bà để làm tình và sinh đẻ. Vợ chồng là để thương nhau chứ không phải để yêu nhau; để chăm sóc và lo lắng cho nhau như một người vợ, người chồng chứ không phải để chia sẻ, mơ mộng, nhớ nhung, xao xuyến, tình tự, lãng mạn như một người tình.  Vợ chồng cưới nhau rồi là giống như sắm một cỗ xe song mã. Cô dâu và chú rể trở thành hai con ngựa ngoan ngoãn và miệt mài cùng cong lưng kéo cỗ xe gia đình nặng trĩu cho đến ngày cả hai cùng răng long đầu bạc, con cháu đầy đàn. Hầu hết những cặp vợ chồng Việt xưa có tất cả, biết tất cả, trừ chất vị tuyệt vời sóng sánh của tình yêu.

Tình yêu tự nó là một nghệ thuật, nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo và tô điểm thường xuyên như những đóa hoa tươi vẫn nở mỗi ngày. Tình yêu cũng là sự ngạc nhiên khám phá.  Khám phá ra nét phù du, niềm cảm xúc ẩn chứa trong mỗi con người.  Khám phá ra sự bùng vỡ mong manh của thể xác để đập vỡ biên cương của thể xác cho hai thế giới đam mê cùng tan loãng và hòa quyện với nhau.

Ba Gấm khám phá thế giới tri thức và tâm hồn của Trí Hải từ hơn mười năm trước qua những tác phẩm văn chương mà chàng hoàng thân một thời tuổi trẻ đã viết.  Trí Hải khám phá Ba Gấm qua giấc mơ dài hơn nửa đời. Giấc mơ của những mối tình vương giả từ trăng và thơ, từ những chuyện tình trong cổ sử, từ bóng dáng tình tự lãng mạn trong đời sống Paris và cung điện Versailles.  Gặp nhau, không phải tình cờ mà cũng chẳng phải định số.  Đấy là sự đợi chờ của một viên ngọc quý nằm ẩn trong tim. Viên ngọc không tên, không hình dáng, trong suốt như chẳng có gì.  Nhưng khi có luồng sáng đợi chờ dọi đến, viên ngọc sẽ ánh lên nghìn hào quang. Tia hào quang mắt thường của nhân gian không thấy, nhưng hai người yêu nhau bỗng thấy chói lòa và tan biến trong nhau.  Từ đó, kẻ có tình yêu nhìn trăng không phải là trăng; nhìn mây không phải là mây... vì tất cả đều đã đổi khác.  Cả hai cùng cười trong khổ đau, cùng khóc trong sung sướng, cùng quằn quại trong nỗi đam mê cùng tột mà kẻ đứng ngoài thấy không đáng ba xu…

 Ở Tu Bụi, người đọc có thể cảm nhận là  Trần Kiêm Đoàn đã chau chuốt từng đoạn văn, từng ẩn dụ như trong đoạn trích dẫn ở trên về tình yêu, về viên ngọc quý của tình yêu, về trăng và mây v.v.. Một điều rất đáng trân quý là sự tôn trọng người đọc của tác giả.  Ông không nhắm vào thị hiếu thấp hèn của ta mà sử dụng văn chương như một phương tiện để thăng hoa tâm hồn.  Trong đoạn mô tả tình cảm giữa Trí Hải và Ba Gấm, ngay cả việc hai người chung đụng thể xác, tác giả đã mô tả sự việc tự nhiên như nó là, để rồi trong một chương sau đó biến nó thành một tình yêu cao thượng: yêu nhau là cùng nhìn về một hướng, cùng đi về một hướng.

 Người đọc thích thú được hướng dẫn qua các tình tiết, xếp đặt của tác giả, những ngã rẽ đi vào lịch sử của nghệ thuật hát chèo thí dụ như giai thoại về một tướng Tàu tên là Lý Nguyên Cát được Hưng Đạo Đại Vương giao lại cho Tướng Trần Nhật Duật để hướng dẫn người nước ta về nghệ thuật ca hát hoặc những điều kỳ bí đằng sau những bức tường của cung cấm, những chi tiết tường tận về thú chơi cây kiểng, uống trà, đánh cờ…  Tất cả các chi tiết này tự chúng quả thực là những điều hết sức thú vị song nói chung đó cũng chỉ là những kiến thức vụn vặt và vô nghĩa nếu không được lồng vào một bố cục chặt chẽ và hợp lý như tác giả đã làm thành công trong Tu Bụi. Những tình tiết, bối cảnh lịch sử ở đây được dùng như một phương tiện để tác giả có cớ đưa ta đến một đỉnh cao (climax) của câu truyện: đó là những đoạn đối thoại về đạo về đời.  Những liên hệ giữa các nhân vật của câu truyện bắt đầu từ Trí Hải và Phạm Xảo, Trí Hải và Hàn Kỳ Vương-Tử Du-Thiện Giả, Trí Hải-Ba Gấm, Phạm Xảo-Trần Minh đều là những xếp đặt tình tiết hết sức khéo léo nhắm về một mục đích làm sáng tỏ những lý lẽ của đạo, những nghiệp và quả trùng trùng điệp điệp.  Trong trường hợp của Trí Hải và Hàn Kỳ Vương, hai người đã từng là địch thủ trong trận tranh đua cờ tướng một mất một còn.  Sau trận cờ Hàn Kỳ Vương ngậm ngùi nhận ra mình cũng chỉ là môt nạn nhân của một sự lừa bịp và bắt đầu một cuộc đi tìm lại chính mình.  Ở một chương sau đó ta gặp lại nhân vật Thiện Giả với một vai trò là vị cứu tinh của Trí Hải khi ông bị lâm vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma” tự xưng mình là Đấng Giác Ngộ.  Như vậy một kẻ trước đây là “kẻ thù”, có lúc sẽ trở thành bạn hay cứu tinh.  Liên hệ giữa Trí Hải và Ba Gấm là một chuyện tình thơ mộng nhưng nếu vướng vào vòng tình lụy thì duyên sẽ trở thành nợ.  Ở các liên hệ này tác giả đã xếp đặt các gút mắc rất tỉ mỉ ở một đoạn trước để rồi gỡ rối ở một chương sau trong tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật.  Những cái vun đắp để đưa người đọc đến một sự say mê lôi cuốn, để rồi đưa đến sự gỡ nút (denouement) giải quyết ổn thỏa –cho thấy tác giả rất rành rọt về kỹ thuật cũng như bố cục của câu truyện.  Hơn thế nữa, là một người chuyên nghiệp trong ngành Tâm Lý Trị Liệu (Psychotherapy), cũng như là một Phật tử đã nhiều thập niên gắn bó với đạo, có thể nói Trần Kiêm Đoàn đã đem sự hòa hợp của tâm lý Đông và Tây vào trong câu truyện của anh.

Thế nhưng, tất cả những phân tích cũng bằng thừa nếu ta không cảm nhận là tác giả đã đem hết tâm tình của mình gởi vào từng trang, từng lời của câu truyện.  Tôi đã bắt gặp cảm giác đó ở trong rất nhiều những lời hay ý đẹp của Tu Bụi như đó là kinh nghiệm một đời gắn bó với đạo mà anh muốn chia sẻ với bạn đọc. Xin đơn cử vài thí dụ điển hình ở đây: Nói láo và nói láo hoài chồng chất; nói láo và nói láo hoài với chính mình; nói láo và nói láo hoài với nhau... rồi bỗng một sáng đẹp trời nào đó họ tin điều nói láo có thật.  Sự dối trá tu luyện lâu ngày thành yêu tinh…Yêu tinh trở thành một ảo tưởng của chân lý. Họ trở lại tin ảo tưởng là sự thật.” (chương 7), Đối diện với sân khấu là đang đứng trước một "thực tế ảo".  Mọi người có cảm tưởng như là mình đang chuẩn bị khai phá một phương trời nào đó từ trong chính mình mà lại xa lạ với chính mình. Vua thật, quan thật, tướng thật, người thật, việc thật, thiện thật, ác thật giữa đời đang chen chúc và đối mặt với vua giả, quan giả, tướng giả, đời gia, thiện giả, ác giả trên sân khấu. Nhưng "lộng giả thành chân" - cái giả biến ảo thành cái thật - vẫn thường là bi hài kịch của sự đời. ” (chương 15), Làm người có nhiều nỗi khổ, nhưng cái khổ âm thầm mà dằn vặt nhất là nỗi khổ suy tư” (chương 19),  và  “Không bến, không bờ lấy gì mà sóng vỗ” (chương 22).

Đọc nhiều lần các đoạn văn, ta tự hỏi đâu là đạo và đâu là đời, có một lằn ranh giới chăng? Cái lẽ tự nhiên ở đời chính là đạo -tất cả các pháp đều là Phật pháp là vậy.  Đọc xong câu truyện, người ta có cảm tưởng đã trải qua một chuyến đi thú vị, và ngồi ôn lại những đoạn đường đáng nhớ vừa qua.  Đọc xong Tu Bụi, tôi như một người vừa ăn xong một món ăn ngon, muốn chia sẻ với những người bạn thân quen của mình tất cả những vị ngọt của một áng văn hay.  Đây là một điều nói thì đơn giản nhưng không dễ làm, bởi lẽ mỗi chương của Tu Bụi đều có những lời hay ý đẹp về đạo, về đời, hạnh phúc, hơn thua, được mất… trích dẫn bao nhiêu mới là đủ?  Vả lại, cũng như khi ta diễn tả một vị ngon ngọt của một món ăn, chỉ có người đang ăn mới thực sự cảm nhận được cái vị ấy, còn diễn tả chẳng qua chỉ là tường thuật lại.

Cuộc đời là một chuỗi những mâu thuẫn chất chồng.  Một trong những mục đích tối hậu của mọi người, mọi vật là mưu cầu hạnh phúc vậy mà chính ở trong sự mưu cầu hạnh phúc ấy người ta đã đi thật xa cái mục tiêu mình tự đặt ra. Mọi việc, mọi sự, muôn loài muôn vật nương tựa nhau mà có, không có việc gì hay sinh vật nào có thể đứng riêng biệt.  Vậy mà người ta chấp vào cái ngã đó để rồi tìm đủ mọi cách để thỏa mãn nó. Song càng muốn làm thỏa mãn "cái tôi" thì người ta càng không toại nguyện vì lòng ham muốn là cái thùng không đáy -cầu mong mà không được thì sinh ra sầu khổ- lòng lúc nào cũng ở trong  trạng thái "cầu bất đắc" mà cầu bất đắc liên miên thì sẽ khổ liên miên.   Bản chất cuộc đời vốn là một dòng sinh diệt không ngừng, các hình tướng đều là tạm bợ, bám vào cái hình tướng ấy người ta chỉ tự gieo sầu chuốc khổ cho mình và người chung quanh.  Điều oái oăm trong công việc tôi đang làm là phân tích mà Tu Bụi bản chất là một truyện dài nói lên cái lẽ tự nhiên của đạo, đạo tự nó phải được chứng nghiệm, chứ không thể giải thích, không thể nói bằng lời - như Lão Tử đã nói “Đạo khả đạo, phi thường đạo- Đạo mà ta có thể gọi được không phải là đạo”.   (Đạo Của Vật Lý -The Taos of Physics, nguyên tác Fritjof Capra, bản dịch Việt ngữ Nguyễn Tường Bách, NXB Trẻ, Việt Nam 2004). Nhà nhân chủng học và thám hiểm lừng danh người Na Uy Thor Heyerdahl (1914-2001),  người đã từng dùng một chiếc bè vượt đại dương đi từ Nam Mỹ đến Polynesia, đã nhận định “Cuộc thám hiểm có ý nghĩa nhất chính là cuộc hành trình vào nội tâm” (The most meaningful journey is the journey inward).  Trong tất cả các nhân vật của Tu Bụi, Trần Kiêm Đoàn đã giúp người đọc thấy rõ ý nghĩa của sự thật này.  Ở đầu tác phẩm, Trí Hải là một người suốt ngày say mê với chữ nghĩa, say mê đến độ không biết những người ở cùng nhà với mình mặt mũi ra sao.  Qua những va chạm với cuộc đời và nhất là qua cách giải quyết sự việc với tinh thần vô ngã, ông đã tìm được hướng đi cho cuộc đời của mình.  Từ một kẻ lạc đường, Trí Hải đã biết mình đi lạc để hướng về một cuộc sống đầy ý nghĩa như Trần Kiêm Đoàn đã viết thật hùng hồn:

Lạc đường thì cả trăm con đường vẫn không có một lối đi.  Khi đã lạc đường thì dù là nhà thông thái, người hoang dã, bà giàu sang, ông bần cùng... cũng chỉ là kẻ lạc đường. Lạc đường là lạc đường. Không có lạc đường cao hay lạc đường thấp; lạc đường giỏi hay lạc đường kém.  Lạc đường càng lâu, càng cách xa nơi đến hơn.  Tu một trăm năm mà bị lạc thì khoảng cách với bờ giác ngộ càng xa một trăm lần so với người mới đến mà nhận ra rằng, mình bị lạc, để quay về đúng hướng. Mê muôn kiếp mà ngộ nhất thời vì đi lạc suốt muôn kiếp.  Bỗng có một giây phút nào đó tỉnh thức quay về đúng hướng để tiến ngay vào điểm chuẩn đã nằm sẵn đợi chờ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp ngay chính trong tâm mình.

Tác giả viết rất đơn giản và cô đọng, tuồng như ông đã suy nghĩ rất từ lâu về các vấn nạn này.  Đúng như thế, ai cũng có Phật tánh, ai cũng có thể thành Phật vì:

- Cõi Phật ở ngay trong lòng quý hữu.  Vậy nên ngoài quý hữu ra, không ai đủ sức làm cho cái tính Phật trong quý hữu hiển lộ. Ai cũng có thể thành Phật trong chính mình, chứ không ai thành Phật trong người khác hay phải biến thành người khác mới thành Phật cả.

- Phải bắt đầu từ đâu để có thể làm cho tánh Phật trong ta hiển lộ?

- Quét những lớp bụi mờ mỗi ngày trong kiếp sống hiện tiền và tích lũy từ bao kiếp trước. Quét mỗi khắc, quét mỗi canh, quét mỗi ngày không bao giờ ngưng nghỉ. Coi chừng lá rụng nhiều hơn lá quét và bụi bám dày hơn bụi lau.  Quét dọn siêng năng không bằng ngưng xả rác.

- Phủi bụi hay tu?

- Tu là phủi bụi!

- Tu bụi?

Và bây giờ thì xin buông bỏ hết tất cả những phán đoán, suy xét để lắng mình vào trong dòng văn nhẹ nhàng của Tu Bụi.   Cảm ơn tác giả Trần Kiêm Đoàn đã đem hết tâm tình của mình ra để viết nên trường thiên tiểu thuyết này bởi đây chính là những lời tâm sự chân thành của anh.  Cũng xin cảm ơn anh đã cho tôi những phút thật ấm lòng trong một mùa đông giá buốt đến tận xương của vùng Midwest mấy tuần qua, và trên hết xin đa tạ anh đã giúp tôi thêm vững tin trong tình người và tình đạo trong cuộc đời đầy gió bụi này.

Michigan 02-25-2007

Ghi chú: Bạn đọc muốn có sách Tu Bụi xin liên lạc với tác giả và nhà xuất bản tại:

 

P.O.BOX: 348597

SACRAMENTO, CA 95834-8597

USA.

ĐT: (916) 601-6635; (916) 419-0788

Email: doantran@sbcglobal.net

Website: Trankiemdoan.net

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/hanhtrinh_timlaichinhminh.htm

 


Vào mạng: 1-4-2007

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang