Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CHO MỘT CUỘC SỐNG LÍ TƯỞNG
Thế Huyền

 

Hơn 25 thế kỷ trôi qua, những cõi lòng thao thức khát vọng hạnh phúc hòa bình lâu dài và đúng nghĩa cho số đông vẫn cứ tha thiết lặp đi lặp lại lời dạy của bậc Chân Nhân. Những lời dạy giản dị, căn bản, thắng lướt thời gian để mở ra phương trời rộng lớn đầy ắp yêu thương mà mỗi ai thực hành đều có thể cảm nhận được. Bốn mươi lăm năm du truyền giáo pháp, chân lý Thế-tôn chứng đắc được luôn nhấn mạnh đến tinh thần từ bi hòa quyện trong sự có mặt rọi soi của trí tuệ; “Mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống; trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật” là như vậy. Ở đâu đức Phật và chúng Tăng hiện hữu, ở đó có trí tuệ và tình thương trùm phủ “Hãy đi! Hỡi các Tỷ-kheo, vì lợi lạc số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài người. Các người hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng. Hãy truyền bá đạo pháp, hỡi các Tỷ-kheo. Đạo pháp toàn thiện, ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống Thánh, toàn thiện và thanh tịnh…”[1]. Vì thế cuộc đời mới tôn vinh Ngài là ông vua trong tiến trình kêu gọi lời thực hiện hòa bình. Chúng ta dễ dàng nhận ra một điều rằng, mọi “Sự Thật” ở thế gian đều phải xây dựng vững chắc trên nền tảng từ bi và trí tuệ mới được trường tồn và chính đáng. Sự thật đó được Đấng Thế Gian Giải tuyên bố:

“Tâm ta đi cùng khắp

Tất cả mọi phương trời

Cũng không tìm thấy được

Ai thân hơn tự ngã

Tự ngã đối mọi người

Quá thân ái như vậy

Vậy ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người”[2]

Lời dạy ngắn của bậc Đạo sư cũng nói rõ được hai khía cạnh: Ngã, Nhân. Chính vì yêu thương tự ngã mà chúng ta bất chấp tất cả mọi quy củ, mọi pháp thiện được bậc Trí tán thán, chỉ biết bảo vệ giữ gìn mình trong khi sự sống của mọi loài xung quanh không cần để ý. Nếu bảo rằng có tự ngã thì mọi loài đều có tự ngã, sao mình đủ ác tâm để xem thường tất cả được? Tôn trọng người khác chính là tôn trọng mình. Vì điều tất yếu này, văn hóa Phật giáo với giáo lý căn bản luôn dạy con người giữ gìn mạng sống, nhân phẩm, tài sản, sự thật và uy tín cho nhau[3]. Mọi hình thức não hại đều không được chấp nhận tán thán trong Pháp và Luật của Như-lai. Thế giới đang lắm biến động. Con người vì chạy theo mưu cầu vật chất mà dần mất đi nếp sống tâm linh phẩm hạnh, không còn tự mình thắp đuốc để đi, không còn tự mình làm hòn đảo kiên cố cho chính mình. Tranh đoạt thậm tệ xảy ra, loài người tự nhấn chìm nhau xuống tận cùng vực thẳm của niềm đau. Lòng từ băng hoại. Thế giới vì chút tư hữu cá nhân mà đẩy đưa nhau vào nguy cơ khó có thể cứu rỗi được như ô nhiễm sinh thái, chiến tranh, ô nhiễm tư tưởng… Gia đình vì chút ý thức hệ cá nhân không rộng lượng mà dẫn đến việc bất hòa, ẩu đả gây nên biết bao điều đáng tiếc không thể một sớm một chiều hàn gắn được. Tất cả những sự kiện này, chúng ta cầm bất kì tờ nhật báo nào trên tay, bất cứ ở nước nào, tỉnh nào, cũng có thể bắt gặp. Lạ lùng thay, hơn 2500 năm trước, ở xứ Ấn Độ đa sắc giáo, có bậc vĩ nhân xuất hiện, đức Thích Ca Mâu Ni, đã từng cảnh báo và khuyên dạy mọi người xa lìa nguyên nhân việc dẫn đến thành tựu các pháp bất thiện: “Này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lợi tranh đoạt với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong…”[4]

Dục vọng mang âm sắc hữu ngã đã cướp đi nền hòa bình yên ổn của toàn thể nhân loại. Tham muốn hèn mọn, ích kỷ, nhỏ nhen đã nhóm lên biển lửa khổ đau để thế giới vật lộn trong vô vọng. Nguyên nhân tư hữu đưa đến bế tắc cộng đồng. Nhìn nhau bằng ánh mắt dè chừng, nghi ngờ, luôn tìm cách đàn áp kẻ khác bằng chức quyền địa vị thì cuộc sống làm sao thăng bằng ổn định được. Phật giáo đã có mặt để chỉ cho ta thấy rõ vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly các dục bằng cách đơn giản, hãy tôn trọng phẩm chất và tính mạng của nhau. Văn hóa là một nếp sống chuẩn mực, sống đẹp. Đẹp và chuẩn mực ở đây dựa trên tinh thần tôn trọng môi trường xung quanh. Phật giáo dạy ta những điều như vậy. Gặp gỡ nhau bằng cái chấp tay chào thân thiện, vô phân biệt tuổi tác, chức vụ. Cái chấp tay bình dị đã nói lên tất cả rồi. Không kể lớn nhỏ, chủng tộc, hễ có mạng sống là yêu cầu chúng ta phải tôn trọng, chấp tay hoa sen xin dâng cúng vị Phật đã thành, đang thành và sẽ thành. Cái sá chào đã trở thành chuẩn mực sống cho hàng Phật tử xuất gia lẫn tại gia. Một hành động đẹp, ai đủ ác tâm cố ý đánh mất đi? Mỗi chúng ta phải thực hành với mọi đối tượng. Tâm bình đẳng, xa lìa nhân-ngã cũng từ cử chỉ đẹp này mà dần thành tựu. Thân xa lìa ác pháp, miệng rời bỏ bất thiện, tâm hướng theo pháp tối thượng, thử hỏi, chiến tranh từ đâu có cơ hội bùng nổ? Để nhắc nhở phòng hộ vấn đề này, Thế-tôn từng khiển trách Đại chúng ở Kosambiya khi các Tỷ-kheo cố ý đả kích nhau:

“Này các Tỷ-kheo, các ông đã chấp nhận rằng, trong khi các ông sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, trong khi ấy, các ông không có an trú thân hành, khẩu hành, ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Do vậy, này các kẻ mê mờ kia, do biết gì, do thấy gì, các ông sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi và các ông không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm, không tự hòa giải nhau, không chấp nhận hòa giải. Như vậy, này các kẻ mê mờ kia, các ông sẽ phải chịu bất hạnh, đau khổ trong một thời gian dài”[5]. Và Thế-tôn còn dạy thêm về sáu pháp tạo thành tương thân tương ái, tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, nhất trí, như sự hòa hợp giữa nước và sữa không thể tách rời, đó là an trú từ thân hành; từ khẩu hành; từ ý hành; san sẻ các tài vật đúng pháp; giới luật phải được hành trì viên mãn không tỳ vết; thành tựu tri kiến thuộc về bậc Thánh có khả năng khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau. Tất cả sáu pháp trên đều phải thực hành cùng các bậc đồng phạm hạnh cả ngay trước mặt lẫn sau lưng[6]. Trong Kinh Pháp cú, Thế-tôn cũng đã dạy rất nhiều bài kệ về hạnh phúc hòa bình có được nhờ bảo vệ cuộc đời nhau, thiết nghĩ, cũng không cần phải trích dẫn thêm nữa vì đã bàng bạc trên rất nhiều bài viết, trở thành châm ngôn sống thiết thực cho những ai muốn bước đi trên con đường bậc Trí ca ngợi[7].

Người với người đã thế, đến sinh mạng các loài vật, đức Phật cũng cấm đệ tử mình xâm phạm và sát hại. Bởi lẽ, tất cả mọi loài đều sợ hình phạt, đều sợ tử vong. Vì lòng từ bi, vì có trí tuệ soi chiếu thấy được “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình thành hạng hạ liệt và ưu thắng”[8] nên mỗi chúng ta phải bảo vệ mọi loài, cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ cho hiện tại và tương lai tươi sáng của chúng ta. Nếu vì Như-lai, vì đệ tử Như-lai mà sát hại sinh vật thì sẽ chất chứa các phi công đức theo năm nguyên nhân:

- Khi nói: “hãy đi và dắt con thú này đến”, là nguyên nhân thứ nhất chất chứa phi công đức.

          - Khi con thú bị bắt đi, nó bị lôi kéo tạo nên cảm thọ đau đớn khổ sở cùng sân hận là nguyên nhân thứ hai.

- Khi nói “Hãy đi và giết con vật này” là nguyên nhân thứ ba.

- Khi con thú bị giết, nó cảm thọ khổ ưu, là nguyên nhân thứ tư.

- Khi dâng cúng Như-lai hay đệ tử Như-lai những món ăn một cách phi pháp, với tâm cố sát hại như vậy, là nguyên nhân thứ năm chất chứa phi công đức[9].

Để tu tập tâm từ, đối xử tử tế cả người lẫn vật, cả trước mặt lẫn sau lưng thì mỗi chúng ta phải thành tựu phạm hạnh cho tự thân, phải tinh tấn nổ lực thấy các pháp cần thấy như Khổ, Vô thường, Vô ngã… Mỗi lần cảm nhận sâu sắc về vấn đề này là mỗi lần tâm yêu thương của ta thêm cùng khắp. Phải hành, đó mới là điều Như-lai tán thán. Quay trở lại quán sát chính mình, mỗi ngày, mỗi ngày chúng ta sẽ càng nhuần nhuyễn trong Pháp và Luật các bậc Thánh, sẽ thấy được phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, ngã mạn, tăng thượng mạn… đều là ác pháp cần phòng hộ và ngăn chặn. Trong Trung Bộ I, Kinh Không Uế Nhiễm thứ 5, đức Phật bảo có hai hạng người hạ liệt gồm hạng nội thân có cấu uế hay không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri (Biết đúng như thật bản chất sự việc) cả hai điều trên; có hai hạng người thắng ưu gồm hạng nội thân có cấu uế hay không có cấu uế và như thật tuệ tri cả hai điều trên. Tu tập theo hạng người thắng ưu tức nhìn vào tự thân, kiểm soát tâm mình coi còn nhiễm đục hay đã thanh tịnh. Nếu thành tựu như vậy thì làm gì có hình ảnh đau lòng của một cầu thủ tay đặt ngang ngực trang nghiêm hát Quốc ca mà thời gian sau người ta phát hiện ra trong trận đấu đó anh ta đã bán độ_bán rẻ danh dự tổ quốc; làm gì còn một vị lãnh đạo hùng hồn phát biểu trước ống kính truyền hình về “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” mà vài tháng sau đã cúi đầu mặc áo phạm nhân…

Thời đấng Thiên Nhơn Sư tại thế, xã hội đã quan niệm rằng, chỉ do già suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong con người mới xuất gia làm Sa-môn hay Bà-la-môn. Với đệ tử Phật chân chánh thì không như vậy, vì thấy “Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt; Thế giới là vô hộ, vô chủ; Thế giới là vô sở hữu, ra đi cần phải từ bỏ tất cả; Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham ái” mà hàng Thích tử cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình[10]. Cũng do mục đích tối thượng như vậy nên không hề phân biệt giai cấp, trình độ, vì mỗi người nếu nỗ lực tu tập đều lớn mạnh trong chánh pháp: “Này Pahàràda, có bốn giai cấp: Sát-đế lợi, Bà-la-môn, Phệ-sá, Thủ-đà-la, sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như-lai tuyên bố này, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước và họ trở thành những Sa-môn Thích tử”[11]. Nghe chân chánh, tư duy chân chánh, tu tập chân chánh, thấy chân chánh các pháp căn bản như Tứ Niệm Xứ, Bát Thánh Đạo, Tứ Vô Lượng Tâm,… Như lý tác ý trước ngoại duyên “Cái này không phải của ta; cái này không phải là ta; cái này không phải tự ngã của ta”, hành giả mới có thể cảm nhận sâu sắc những lời giáo huấn tối hậu suốt bốn mươi lăm năm đức Phật để lại. Như Tôn giả Xá-lợi-phất, vị Đại Tướng Quân của Chánh pháp tu tập, chúng ta cũng phải tu tập như vậy để thấy tâm mình vô thường, khởi niệm khiêm hạ như trâu gẫy sừng, rất nhường nhịn, dễ điều ngự, dễ sai khiến; tâm như kẻ bần cùng còn bị chặt mất hai tay không còn chút giá trị; tâm như mặt đất, như dòng nước, như bếp lửa, như ngọn gió có thể dung nạp hết thảy mọi dơ-bẩn, tịnh-nhiễm mà không móng niệm biệt phân; thân như chổi quét đồ dơ, như khăn lau chất bẩn, như bình nứt chảy rĩ ra lắm điều bất tịnh thì không bao giờ khởi tâm khinh mạn bất kì đối tượng nào, trái lại con khởi niệm từ bi cứu giúp tất cả[12], để một hôm nhận ra và sống trọn với lời Phật dạy:

“Năm uẩn là gánh nặng

Kẻ gánh nặng là người

Cầm lấy gánh nặng lên

Chính là khổ ở đời

Còn đặt gánh nặng xuống

Tức là lạc, không khổ

Đặt gánh nặng xuống xong

Không mang thêm gánh khác

Nếu nhổ khát ái lên

Tận cùng đến gốc rễ

Không còn đói và khát

Được giải thoát tịch lạc”[13]

Một thế giới thanh bình, không thể bắt đầu từ một tập thể mà phải được mỗi ý thức hệ cá nhân phát triển hướng thượng hướng thiện. Nhiều người đặt câu hỏi, xây dựng đời sống an lạc và hạnh phúc lâu dài phải bắt đầu từ đâu? Hòa Thượng Thích Minh Châu, bậc Tôn sư trong thời đại chúng ta, người thay mặt cho tiếng nói nhân bản đã phát biểu: “Phương châm hướng nội, quay về với chính mình, với con người thật của mình, không được hiểu lầm là đạo Phật kêu gọi một nếp sống tiêu cực chán đời và phi xã hội. Trái lại, đó là phương châm thiết thực nhất, sống động nhất và tích cực nhất để cải tạo xã hội và thế giới. Đạo Phật cũng đã nói đến xây dựng Niết bàn ngay trên thế giới này. Toàn thể vấn đề xoay quanh câu hỏi: ‘Phải bắt đầu từ đâu?’ Bắt đầu từ xã hội để cải tạo xã hội chăng? Bắt đầu từ thế giới để cải tạo thế giới chăng? Đạo Phật quan niệm rằng bắt đầu như vậy là không thiết thực, như vậy là đặt cái xe trước con vật. Đạo Phật chủ trương rằng con người phải bắt đầu với chính mình, làm cho con người hoàn toàn ý thức được chính mình, con người phải hiểu chính mình, thay đổi cho chính mình, tự hoàn thiện mình, tự cải tạo mình cho được tốt đẹp hơn, trong một sự chiến đấu không mệt mỏi, trong từng giờ trong từng ngày, trong toàn bộ cuộc sống của mình. Chỉ có như vậy xã hội và thế giới mới trở thành lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn và hiền thiện hơn. Nếu không có con người lành mạnh, làm sao chúng ta chờ đợi một sự quan hệ xã hội lành mạnh, thật sự đạo đức, hiền thiện và cao đẹp?”[14].

Trao đổi và nhận thức một cách rõ ràng vài khía cạnh trong giáo pháp bao la của Thế-tôn, chúng ta có thể xác định được phần nào mục đích và trách nhiệm sống để thăng hoa hơn về mặt tâm linh. Đừng bao giờ nói đến một cuộc cải tạo thế giới hướng thượng mà quay lưng phủ nhận việc cải tạo nhân cách từng cá thể, cũng như việc nếu không cho con người một điểm tựa thì chẳng ai dám khẳng định mình sẽ nâng nổi trái đất lên cả. Như vậy, cuộc đời cần sự chuyển hóa của từng cá nhân, từ đó dẫn đến chuyển hóa thành phần, rồi chuyển hóa cộng đồng, nhờ thế mà chuyển hóa toàn thể xã hội. Một tâm từ bi, xa lìa mọi tranh chấp, tranh đấu, cạnh tranh, chiến tranh, luôn bao dung, độ lượng, từ ái… là điều chúng ta đang thiếu, đồng nghĩa với tiếng than khóc, tiếng thù hận vẫn còn tồn tại. Bậc hướng đạo đã chỉ con đường sáng, vị lương y đã cho tám vạn bốn ngàn diệu dược để tùy bệnh mà chữa trị. Thế giới an lạc, hòa bình và hạnh phúc hay không; con người có trở nên sống tốt, thân thiện và hạnh phúc hay không, quyết định cho “Sự Thật” này nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người.  


[1] Trích dẫn theo HT. Thích Minh Châu, Đức Phật của chúng ta, nxb Tôn Giáo, 2005, trang 67.

[2] Tương Ưng I, Tập I, Phẩm III, Tương Ưng Kosala.

[3] Tức năm giới cấm căn bản hàng Phật tử luôn giữ gìn thận trọng để được chơn hạnh phúc (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu).

[4] Trung Bộ I, Đại Kinh Khổ Uẩn, thứ 13.

[5] Trung Bộ I, Kinh Kosambiya, thứ 48, lược dẫn.

[6] Xem Trung Bộ I, Kinh Kosambiya, thứ 48. Đây là bài Kinh làm nền tảng để Lục Hòa Kỉnh Pháp ra đời, trở thành tư tưởng căn bản mỗi Phật tử thực tập và hành trì.

[7] Xem Tiểu Bộ I, Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch.

[8] Trung Bộ III, Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt, thứ 135.

[9] Xem Trung Bộ II, Kinh Javaka, thứ 55.

[10] Xem Trung Bộ II, Kinh Rathapàla, thứ 82.

[11] Tăng Chi Bộ III, Chương Tám Pháp, Phẩm Atula Pahàràla.

[12] Xem Trung Bộ II, Đại Kinh Giáo giới La-hầu-la, thứ 62.

   Xem Trung A Hàm, Phẩm Xá-Lê Tử Tương Ưng, Kinh Sư Tử Hống, thứ 24.

   Xem Trung Bộ I, Kinh Tứ Niệm Xứ, thứ 10.

[13] Kinh Tương Ưng III, Chương I, Phẩm Gánh Nặng.

[14] Thích Minh Châu, Trích lược bài phát biểu tại cuộc Hội thảo "Đạo Phật Và Sự Lãnh Đạo Về Hòa Bình"
tổ chức tại Ulan Bato, Mông Cổ, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 năm 1989.

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/motcuocsong_lytuong.htm

 


Vào mạng: 8-1-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang