Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NÉT ĐẸP TRONG MỐI TƯƠNG QUAN

Khi vị thầy tiếp chuyện với phật tử ta nhận thấy thái độ ân cần, lời nói êm dịu hoà nhã, cử chỉ nhẹ nhàng thoát tục. Cho dù trong cử chỉ ấy có ân cần nhã nhặn đến đâu đi nữa, nếu để ý ta sẽ nhận ra trong cử chỉ lời nói của vị thầy như có cái gì đó linh thiên, chuẩn mực khiến cho người nghe chỉ việc “dạ”, “dạ” mà không hề tranh cãi hay nghi vấn vấn đề gì. Có điều làm mọi người phải ngạc nhiên là có những vị thầy tuổi đời còn rất trẻ, trẻ nhiều nếu so ra chỉ đáng tuổi con cháu của họ thôi mà lại có những giọng điệu như chỉ dạy, khuyên lơn, ban bố. Còn phật tử đa phần là những người có tuổi, trình độ nhận thức cao mà lại tuân phục với vẻ như tôn trọng, hàm ơn, lòng đầy tín kính, ít khi dám bàn luận hay đưa ra một nghi vấn nào. Vậy cái gì đã tạo cho vị thầy có một quyền lực đến thế ? Phải chăng chiếc đầu tròn, cái áo vuông, sự chay lạt đạm bạt, sự thanh tịnh giới đức trong chốn thiền môn, cái mùi tín ngưỡng, sự bề thế đồ sộ của ngôi chùa, hay oai lực Tam bảo làm cho người ta đến đó phải chấp nhận không dám thất lễ.

Dường như tất cả những yếu tố đó. Chiếc đầu tròn áo vuông, sự trang nghiêm thanh tịnh, oai lực Tam bảo cộng với sự phiền muộn thân tâm mong cầu được niềm an lạc đã tạo nên mối tương quan giữa thầy và trò một cách không bình đẳng. Thông qua sự thanh tịnh thân tâm cộng với kinh nghiệm nhiều năm tháng miệt mài tu tập tích luỹ được làm cho mọi người nhìn vào với vẻ kính phục. Vị thầy lúc này không phải chỉ riêng cá nhân của vị đó mà là đại diện cho Tăng, cho sự thanh tịnh, đại diện Tam bảo thường trụ thế gian, mà Tam bảo có công năng xoá tan mọi phiền muộn đem lại sự an lạc cho mọi người. Do vậy chỉ có đến với thầy người ta mới có thể trình bày những nỗi u uất trong lòng, những thắc mắc nội tâm, những hệ luỵ trong gia đình, trong cuộc sống, chỉ có đến với thầy mới bày tỏ những niềm mơ ước về một tương lai sáng đẹp. Nhằm mong được những lời khuyên nhủ, sự chỉ dẫn tận tình.

Để có được sự tôn trọng như thế vị thầy phải trải qua rất nhiều năm công phu khổ luyện, những năm tháng dùi mài kinh kệ với dưa muối tương rau, lại còn phải trui rèn nhân cách đạo đức theo một tiêu chuẩn nhất định. Khi nhân cách được hoàn thiện thì mới được hội đồng truyền giới trao những điều khoảng đạo đức bắt buộc phải tuân giữ một cách nghiêm ngặt. Khi một người cho dù ngang bướng, ương ngạnh đến mấy nếu tuân theo những điều khoảng đạo đức này thì cũng trở thành một bậc chân tu đức hạnh. Lúc này mới chính thức được công nhận là vị thầy làm mô phạm cho mọi người.

Mối quan hệ tôn giáo giữa vị thầy và phật tử có từ rất xa xưa. Khi vừa thành đạo, đức Phật cùng chúng đệ tử đi giáo hoá khắp nơi, nơi nào có bước chân các Ngài đến thì nơi đó liền trở thành thanh tịnh, người nào được dịp gặp quý Ngài dạy thì liền diệt trừ các phiền muộn trong lòng. Từ sự mang ơn nên xem Phật cùng các vị Tỳ kheo như người cha, người mẹ sanh ra trong ngôi nhà phật pháp và được nuôi dưỡng tinh thần bằng những lời khuyên nhủ vô song. Do đó xem các Ngài như là cha mẹ, là đấng tối cao nên mỗi lần gặp tôn trọng đảnh lễ dưới chân và tự xưng bằng từ “con” mỗi khi tiếp xúc. Đây cũng là lẽ đương nhiên, bởi tôn trọng mới nghe theo, có tôn kính mới quý những lời chỉ dạy, tự hạ thấp mình mới nghe, mới thực hành theo những lời chỉ dẫn. Và như thế mới đem những lời dạy nhiệm mầu của đức Phật áp dụng vào cuộc sống hiện đại, nhằm sớm hoàn thiện nhân cách người phật tử.

Mối quan hệ tôn giáo truyền thống này trải qua trên hai ngàn năm trăm năm vẫn ngang nhiên tồn tại, tất nhiên là có mặt đóng góp tích cực của nó. Sự tôn kính thầy, tin tưởng vào những lời dạy của đức Phật thông qua sự truyền đạt của chư Tăng, sự gia hộ của Tam bảo tự nó tạo một nguồn năng lượng béo bổ để nuôi dưỡng các mầm thiện và chữa mọi bệnh tật phiền não trong tâm mỗi chúng ta. Đưa tất cả trở về trạng thái an lạc thật sự, làm cho cuộc đời thêm tươi sáng, sự sống thêm sum xê tràn đầy hy vọng với tương lai.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng tuỳ mỗi đất nước, mỗi nền văn hoá mà mối quan hệ này ít nhiều có sự thay đổi. Ở những nước Phật giáo nam truyền, sự tôn trọng này vẫn được duy trì một cách đồng nhất. Điều này tạo nên một nét đẹp văn hoá tôn giáo một cách độc đáo mà trong xã hội đời thường không thể nào tìm thấy. Sự tôn trọng các nhà sư, mọi điều tốt đẹp đều hướng vào những vị tu hành đó đã tạo nên một cuộc sống đầy hướng thiện nhằm đưa xã hội ngày một văn minh thuần thiện.

Tại các nước đang phát triển, khoa học tiến bộ, xã hội văn minh, đã can thiệp vào mối quan hệ tốt đẹp này. Hiện nay có những vị Tỳ kheo trẻ tuổi theo xu hướng thời đại tự hạ thấp mình, tự tôn xưng những phật tử bằng các danh từ “anh”, “chị”, “mẹ”, “bà” dần dần những danh từ này trở nên thân thuộc lại ghép thêm một từ nữa để trở thành những danh từ xử dụng cho riêng mình “cha nuôi”, “mẹ nuôi”, “chị nuôi”. Cũng từ đây mà những “bà mẹ nuôi” ấy được cái quyền làm mẹ, họ không còn xem những vị Tỳ kheo đó là thầy, không còn nghe những lời khuyên, những sự chỉ dẫn trên phương diện học đạo. Từ đó người này không còn xem Tam bảo là thiêng liêng như xưa nữa mà dựa vào một ít tiền bạc trợ duyên cho vị “con nuôi” rồi trở lại sanh tâm sai khiến vị Tỳ kheo này với tư cách “làm mẹ”. Từ đây đã phá vở cái mối tương quan tốt đẹp lâu đời của ông cha, làm mất đi niềm tôn kính đạo pháp, gây nên sự hệ luỵ cho cả đôi bên. Vị Tỳ kheo kia vốn dĩ đang trên đường vượt qua ba cõi lại tìm ngõ cụt trở vào nhà thế tục. Điều này làm mất đi nhân cách người đệ tử Phật, làm bại hoại thanh danh đoàn thể, phá vở mối tương quan tốt đẹp lâu đời, vô tình đưa đạo pháp vào chỗ tha hoá.

Xã hội tiếp tục biến chuyển, các nền văn hoá đông tây vẫn còn tiếp tục đan chéo nhau, mối tương quan giữa thầy và phật tử sẽ dần dần theo một khuynh hướng mới. Từ đây mối tương quan thân kính như xưa lại khó tìm, người phật tử sẽ không còn tìm đâu được sự an lạc như xưa. Riêng vị thầy cũng khó mà tìm thấy sự khinh an trong từng niệm giải thoát cho chính mình.

Hiện tại cho dù xã hội có biến thiên, tình người có thay đổi. Để giữ gìn mối tương quan tốt đẹp thì vị thầy phải luôn đào sâu kiến thức Phật pháp, tự hoàn thiện nhân cách đạo đức, tích luỹ kinh nghiệm tu tập. Còn phật tử thì tôn trọng nhân cách đạo đức, giữ gìn trân trọng giá trị tâm linh, hướng tâm vào những điều thánh thiện. Có như thế, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, xã hội nào, môi trường nào, dù thời kỳ đồ đá hay xã hội công nghệ thông tin văn minh hiện đại thì mối tương giao giữa thầy và phật tử không hề thay đổi.

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/netdep_tuongquan.htm

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang