-
Những mảnh đời
Thằng Nghé ngồi bên ngưỡng cửa nhìn mưa. Mưa mùa thu thật nhẹ và lưa thưa
trong khung trời ảm đạm. Trời mây xám. Xa xa, ngoài mấy thửa ruông, rải
rác những nấm mộ khi ẩn khi hiện một cách ma quái. Hai hàng tre bên con
đường xóm ủ rủ buồn thiu. Lá tre vàng rụng đầy đường. Thằng Nghé phóng tầm
nhìn đến bờ rột trước nhà. Mấy đám cỏ cú phủ đầy những giọt nước óng ánh
như kim cương. Nước rột mờ đục, lấm tấm những hạt mưa rơi, tạo nên những
vòng tròn giao thoa thành những hình dạng kỳ dị đẹp mắt. Nó ngồi nhìn sững
sờ, yên lặng. Không biết nó đang nghĩ gì. Nó mơ màng như đang thả hồn về
nơi đâu.
Đây là quê ngoại thằng Nghé. Trong nhà có ngoại, có một người cậu, có mẹ
nó, có mấy dì và anh chị nó. Ban ngày thường rất vắng vẻ. Cậu ra đồng làm
ruộng. Mẹ và mấy dì đi chợ buôn bán. Anh chị đi học trường làng. Chỉ có
ngoại ở nhà với nó. Nhưng ngoại nếu không nấu nướng ở bếp thì cũng loay
hoay nhặt cỏ cú ngoài vườn, hoặc đuổi bầy gà đang phá phách, hoặc hái mấy
cọng rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Thằng Nghé thích lẽo đẽo theo ngoại. Khi
khác nó lại thích chơi với đàn gà. Cũng có lúc nó chỉ thích thơ thẩn một
mình. Vào những lúc ngoại đi vắng–thường chỉ vắng một lát thôi, sợ thằng
cháu cưng của ngoại xảy ra điều gì không may–thằng Nghé thấy cô đơn, home
alone. Nhưng nó không sợ, có lẽ nó chưa biết thế giới ma quỷ là gì. Nó vô
tư lự.
Vào những trưa hè oi bức thằng Nghé thường bầu bạn với khóm tre rậm rạp
ngay trước ngõ nhà ngoại. Nhiều cây tre chụm lại, với những sợi bìm bịp
thật dài vấn quanh theo hình xoắn ốc, vươn mình đón ánh nắng mặt trời,
trông như một bó hoa khổng lồ, soi bóng mát xuống mặt đường. Nó có cảm
giác khóm tre đã ở đó từ lâu lắm rồi, vẫn chờ đợi nó đến bầu bạn:
Khóm tre chờ đó tự bao giờ
Mặc cơn nắng hạ mặc gió mưa
Mặc cơn bão táp mùa đông giá
Tre vẫn kiên tâm vẫn đợi chờ.
Cha thằng Nghé mất sớm, mất sớm lắm, khi nó mới ra đời chỉ mấy tháng.
Chiến tranh dai dẳng. Chú nó bỏ nghề dạy học theo cách mạng kháng chiến
chống Pháp. Chú đi hoài không về. Còn lại hai người cô lấy chồng xa, ở
thành phố. Bà nội áp dụng câu “phu tử tòng tử,” đi theo hai người con gái.
Ngôi nhà ở quê nội bị lính Tây đốt cháy. Cháy sạch hết, chỉ còn khu vườn
trơ trọi, lưa thưa điểm mấy cây ổi sẻ, mấy cây chanh, vài hàng cau, mấy
bụi dứa oài ọp. Mẹ dẫn mấy đứa con về ngoại tá túc. Thế là thằng Nghé có
duyên với quê ngoại. Mỗi khi mẹ kể chuyện về chú, nó nghe một cách say mê
chăm chú. Nó mường tượng tình quê hương đậm đà và nỗi niềm nhung
nhớ xóm làng của chú:
Thôn xưa có mấy nếp tranh
Có mây sương khói xây thành trời mơ
Gió đưa tiếng sáo nên thơ
Xanh ngàn dâu biếc xa mờ trong sương
Cành tơ liễu rủ vấn vương
Đang chờ lữ khách tha phương trở về
Bên hồ lai láng chiều quê
Nhớ nhung dòng nước trôi về nơi đâu
Ra đi khóm lá buồn đau
Bao nhiêu nhung nhớ bao sầu luyến thương
Miền xa buồn nhớ quê hương
Nhắn theo lời gió nỗi vương vấn lòng
Ra đi một chí tang bồng
Lòng trai muôn thuở núi sông nguyện thề
Giang hồ một kiếp xa quê
Nỗi lòng mong mỏi đường về khói mây
Ta mơ ta trở về đây
Nương dâu xanh ngát cỏ cây đón chào
Nhìn quê mắt lệ tuôn trào
Ta nương theo gió bước vào
trời mơ
Này đây khóm lá làm thơ
Này đây những nếp tranh mờ khói bay
Nỗi lòng nhung nhớ ai hay
Biết bao kỷ niệm phơi bày trong ta.
Mùa hè quê ngoại thật dễ thương. Không còn gì thú vị hơn được rong chơi
trong chiếc quần xà lỏn. Con đường xóm vắng vẻ. Hai hàng tre soi bóng làm
cơn nắng chói chang mùa hạ dịu đi nhiều. Thằng Nghé thích lang thang một
mình dưới bóng tre, vô tư lự. Nó không cần thắc mắc những lũy tre có từ
bao giờ, từ đâu đến, và sẽ đi về đâu. Có cái mo cau trong vườn hàng xóm.
Nó chun qua bờ rào đầy gai, nhặt về làm mo bới cơm cho anh chị nó đi học.
Mỗi buổi sáng mẹ nó thường thức dậy sớm, nấu cơm, bỏ vào các mo cau, ém
chặt cho anh chị nó mang đến lớp ăn trưa. Tình thương anh chị nó dường như
tiềm tàng trong nó tự bao giờ, nó không biết, và chẳng ai thèm biết. Còn
đối với mẹ nó thì khỏi nói, là tất cả, là vũ trụ của nó.
Thế giới bên kia, chỉ cách con đường xóm, đối với nó là
những bí mật. Tuy vậy, chẳng bao giờ nó có ý tò mò khám phá. Vào những
trưa hè oi bức nó thường xuống bờ sông ngâm mình trong nước mát. Không
biết nó biết bơi từ bao giờ. Nó bơi rành lắm. Dòng sông tuy nhỏ hẹp nhưng
đối với nó thì rộng mênh mông. Có khi nó bạo dạn bơi tới nửa dòng. Bên kia
sông là một ngôi làng khác, một vùng đất xa lạ, bí ẩn. Nó nghĩ không bao
giờ có thể có dịp bước chân tới đó. Nó cảm thấy sờ sợ và bơi vòng trở lại.
Có một buổi trưa bến không người, nước trong vắt, nó
bơi sấp, mắt nhìn đáy bến. Mặt trời trên đỉnh đầu chiếu hình nó xuống
thành con ma rà bơi theo nó! Nó hoảng hốt chạy về nhà quên cả mặc quần!
Nhưng rồi nó quên đi thật nhanh. Hôm sau lại xuống bến, nô đùa với nước
cho đến khi cơn nóng biến mất mới thôi. Tắm xong thì thấy thoải mái và
buồn ngủ. Nó lững thững dọc con đường xóm cũ, con đường duy nhất của nó,
tiến thẳng tới bờ rột. Bên trái là khu vườn rộng lớn của ông đội Sâm, bao
quanh bằng mấy dãy tre thẳng tắp. Bên trong cây quả nhiều lắm nhưng đặc
biệt chưa bao giờ nó thấy một bóng người. Nó cảm giác ngôi vườn là một khu
rừng ma đầy bí ẩn.
Trước cổng vườn là hai bức thành ngắn, dọc theo hai cột trụ. Tất cả đều
rất láng lẩy. Nó leo lên thành tường, mắt lim dim một cách thoải mái. Hơi
mát của nước còn tiềm tàng trong người. Cơn gió nóng mùa hạ không làm nó
khó chịu. Trước mặt là hai khóm trúc rì rào như đang thủ thỉ những ước mơ
nào đó. Nó đưa tầm nhìn ra bờ rột nhìn mấy cọng rau muống lưa thưa. Thỉnh
thoảng có sóng gợn lên nơi này nơi kia, có lẽ do mấy con cá vẫy đuôi. Rồi
nó ngủ thiếp đi hồi nào không hay.
Hôm nay ba chị em thằng Nghé được mẹ dẫn lên quê nội dự ngày giỗ ông nội.
Nó theo mẹ và anh chị khởi hành từ sáng sớm. Trời cuối thu có sương lành
lạnh. Hàng tre nhà ông đội Sâm rụng lá thật nhiều. Tiếng lá vàng xào xạc
dưới chân nghe nhịp nhàng như bài hùng ca tiễn nó lên đường, một hành
trình mạo hiểm đang chờ đón. Tới bờ rột rẽ phải, đi khoảng nửa giờ là đến
bến đò. Nó chưa từng được phép một mình đến đây bao giờ, nhưng trông quen
thuộc với nó lắm. Trước đây anh nó đã từng dẫn nó đến đây câu cá. Bãi sông
gần bờ thì cạn lắm, lại phủ đầy cát. Dưới lớp nước trong vắt là những con
cá bống thon nhỏ lượn mình nô đùa nhảy múa. Bên kia sông là một ngôi làng
khác, và phải đi qua mấy ngôi làng nữa mới đến quê nội. Con đường bây giờ
thẳng tắp và thật dài, giống như một xa lộ. Hai bên là những hàng tre với
nhiều lá vàng đu đưa trước gió, sẵn sàng lao mình trải thảm chào đón
“khách giang hồ.” Trên những đọt tre lốm đốm mấy con chim nhỏ buồn thiu
như đang khóc mùa đông đến. Nó thì khác hẳn. Cảnh vật chung quanh nó dường
như xinh tươi ấm cúng. Lòng nó như đang nói lên những nỗi niềm hạnh phúc:
Sương Thu lạnh nhưng lòng tôi rất ấm
Lá Thu vàng tôi vẫn thấy rất xanh
Buồn tàn Thu chim thin thít trên cành
Mà tôi nghe như véo von khúc nhạc.
Làng nội bây giờ đã ở trong tầm nhìn của nó. Mấy chị em nó và mẹ đang đi
dọc theo con đường ruộng ngang qua nghĩa địa trước khi vào làng. Mẹ nó rẽ
vào viếng mộ ba và chú nó, cắm mấy nén hương rồi biểu mấy chị em nó cúng
vái trước khi trở lại bờ ruộng. Hai phần mộ của ba và chú nằm cạnh nhau,
không cách bờ ruộng bao nhiêu. Phần mộ chú nó vẫn còn khá mới. Nó vẫn nhớ
mấy ngày sau khi chú nó được an táng, mẹ nó đã dẫn nó viếng mộ chú. Nó nhớ
hồi đó ngôi mộ mới tinh và phủ đầy những vòng hoa tưởng niệm.
Quê nội chỉ võn vẹn hai con đường xóm, một bên là ranh
giới ngôi làng kế cạnh, còn bên kia là mấy thửa ruộng bao quanh nghĩa địa.
Nhà bác trưởng (con trưởng của bà nội trước) ở cuối xóm, có hai hàng chè
tàu cắt tỉa đều đặn dẫn lối vào sân nhà. Những ngày cuối thu như hôm nay,
trời thường ẩm ướt, sân nhà của bác phủ đầy đất sét trơn trợt. Mấy ngón
chân không giày của nó bấm vào lòng đất tạo cho nó những cảm giác mềm mại
và ẩm ướt, hơi se lạnh nhưng cũng rất ấm áp, như những cảm giác se lạnh và
ấm áp mà Văn Cao đã cảm xúc trong những bản nhạc Buồn tàn thu và
Thu cô liêu.
Tiến qua khung cửa là một không khí trang nghiêm. Bước qua bàn thờ chính
mà không tỏ vẻ kính cẩn sẽ bị bác nó rầy la. Tuy bác nghiêm nghị–đúng như
phong thái của một vị trưởng tộc– nhưng nó vẫn cảm giác được một tình
thương con cháu nồng nàn nơi bác. Đến giờ cúng, bác trang nghiêm trong bộ
áo dài khăn đóng truyền thống Việt
Nam. Với nén hương trên tay, bác kính cẩn khấn vái trước bàn thờ thật lâu.
Không nghe được bác lẩm bẩm những gì, nhưng rất dài dòng. Có lẽ bác đang
báo cáo tổ tiên nhiệm vụ bác đã hoàn thành đến đâu, còn những gì sẽ làm
nốt, và xin tổ tiên phò hộ. Sau đó bác ra lệnh cho các cô các chú các anh
chị và mấy chị em nó theo thứ tự ra lạy. Hiếm khi bác cho lạy tập thể để
tiết kiệm thời gian. Cúng xong là ăn. Những bàn ăn được sắp xếp một cách
rất giai cấp. Bác, các chú các cô các thím và mẹ ngồi “bàn trên,” anh chị
em chúng nó, thế hệ con cháu, ngồi “bàn dưới.” Nó thích nhất món “ram,”
thịt heo bọc bánh tráng rồi chiên lên. Tuy để trên bàn thờ một thời gian
khá lâu nhưng vẫn còn rất dòn và thơm ngon. Nhưng dù sao, có lẽ cũng không
thơm ngon bằng những trái ổi chín vàng mùa hạ ở vườn nhà nội nó.
Nó nhớ có những ngày mùa hạ, mấy anh chị em chúng nó
đến thăm ngôi vườn hoang vắng của nội. Mấy hàng cau, mấy cây chanh và ổi
sẻ vẫn còn đó, và dường như xanh tươi hơn. Ba chị em bu quanh mấy cây ổi
sẻ. Mấy trái ổi chín thon nhỏ no tròn thơm tho rất hấp dẫn mấy chị em
chúng nó. Khỏi phải nói, chị nó, chị cả lúc đó khoảng mười hai mười ba,
trèo lên cây này rồi cây khác. Nó còn bé tí nên không biết chị nói có
giống cô bé Tuổi mười ba của Nguyên Sa không. Chỉ nhớ rằng chị rất
hồn nhiên vô tư lự, giúp mẹ chăm sóc em út. Chị hái những trái ổi chín
vàng ném xuống anh em chúng nó. Ổi dính đất hay không nó không cần để ý
tới. Nó ăn những trái ổi một cách ngon lành. Có lẽ bào ngư vi cá cũng
không thể sánh bằng. Có một trái ổi rơi xuống trúng đầu nó. Chị sợ nó đau
định trụt xuống. Có đau thật, nhưng những vị chua ngọt thấm thía của những
trái ổi chín mọng đã là những liều thuốc tiên. Cơn đau như tan biến trong
chốc lát.
Chiến tranh càng ngày càng lan tràn. Ở thôn quê không
có nhà nào không xây hầm trú bom đạn. Mỗi khi nghe tiếng súng là mọi người
chạy vào hầm. Việc chạy vào hầm trú thân xảy ra tương đối đều đặn, dần dần
trở thành thói quen như những bữa cơm sáng cơm trưa cơm chiều vậy. Thỉnh
thoảng dân làng còn bị lính Tây bố ráp. Cậu thằng Nghé, người con trai duy
nhất của ngoại, đã bị lính Tây bắt đi biệt tích. Hẳn ngoại buồn lắm. Quê
ngoại đã trở thành nơi chôn chặt ngoại để chờ đợi con về. Ngoại ít khi để
lộ nỗi buồn trước mặt con cháu, nhưng nó vẫn thỉnh thoảng thấy ngoại một
mình trầm ngâm tư lự. Thằng Nghé thương ngoại lắm. Nó nghĩ không bao giờ
nó sẽ quên ngoại. Sau này khi nó lớn lên, chắc chắn ngoại sẽ là kỷ niệm
thân thương nhất của nó:
Ngày xưa ấy, ngày xưa khi
còn bé
Tuổi ngọc ngà, tuổi thơ dại thần tiên
Quê ngoại ngày xưa, quê ngoại dịu hiền
Đầy thương yêu và nâng niu trìu mến.
Bà nội thằng Nghé ở thành phố, một mặt nhớ mấy đứa cháu
mồ côi cha, mặt khác sợ bom đạn vô tình làm hại cháu mình, đã buộc hai
người cô của nó đem mẹ và mấy chị em nó sang thành phố. Nó phải rời ngoại.
Hôm chia tay, ngoại rơm rớm nước mắt ôm nó vào lòng. Mẹ nó là trưởng nữ,
mấy dì còn trẻ chưa ai thành gia thất, nó mghiễm nhiên được ngoại nuông
chiều nhất. Tự nhiên nước mắt nó cũng lưng tròng. Thằng Nghé cũng lưu
luyến mảnh đất tuổi thơ của nó nhiều lắm. Biết bao giờ mới có thể thấy lại
con đường xóm thân yêu thẳng tắp từ rột phía trước đến bến sông phía sau.
Nó đã từng lang thang trên “con đường tình” đó biết bao nhiêu lần. Có hàng
tre che nắng. Có dòng sông tắm mát. Có bức thành láng lẩy ru giấc ngủ trưa.
Có khóm trúc rì rào. Có vườn sắn, vuờn cà, vườn ngô. Có bầy trâu ra đồng
buổi sáng. Có lúa thơm vàng mùa gặt. Nó phải mất tất cả những thứ đó chỉ
vì phải sang thành phố. Gặp thời thế thế thời phải thế. Nó không có đường
chọn lựa…
Ông
Lâm ngồi yên lặng nhìn tảng đá lớn trong công viên. Đã bao nhiêu lần ông
đến đây. Tảng đá đã trở thành người bạn thân thiết của ông. Ông thuộc từng
đường vân, từng chỗ lồi lõm trên tảng đá. Tảng đá có thể thọ gấp ngàn lần
hay vạn lần tuổi thọ của ông. Nhưng thật ra tảng đá cũng như ông, luôn
luôn biến đổi theo thời gian. Tảng đá trông cứng cáp và rắn chắc nhưng
thật ra cũng như cơ thể của ông, đến 90% thể tích là trống rỗng. Ông hình
dung những cấu trúc nguyên tử của tảng đá đang hoạt động không ngừng. Thế
giới nguyên tử là một thế giới năng động. Càng bị gò bó chúng càng có
khuynh hướng hung hăng hơn. Sức ma sát bên trong và tác động của môi
trường bên ngoài sẽ làm tảng đá từ từ biến dạng, dù rất chậm chạp.
Ông Lâm đưa tầm mắt theo hướng tia nắng nhìn mặt trời mùa thu. Không chói
chang như mùa hạ. Chỉ cần mang kính màu, ông có thể chiêm ngưỡng dung nhan
mặt trời vẫn tiếp tục sưởi ấm nuôi dưỡng địa cầu đã hơn 4 tỷ năm qua. Ông
hình dung những hoạt động không ngừng bên trong quả cầu nóng bỏng đó: Vẫn
tiếp tục tổng hợp hạt nhân để soi sáng không gian. Và rồi sẽ có một ngày,
chắc chắn sẽ có một ngày, có lẽ khoảng 4 hay 5 tỷ năm nữa, quả cầu đó sẽ
tàn lụi hóa kiếp, sẽ mất vẻ hào nhoáng của hôm nay.
Ông Lâm nhớ đến tuổi ấu thơ của mình. Ông nhớ ngoại thân yêu. Ông nhớ hình
ảnh những lúc ngoại trầm ngâm quỳ trước bàn thờ ông ngoại với nước mắt
lưng tròng. Ông nhớ rõ nỗi buồn hiện trên nét mặt ngoại mỗi lần có ai vô
tình nhắc đến người cậu mà ngoại vẫn nhớ nhung đợi chờ. Ông nhớ mẹ đã vất
vả như thế nào để nuôi lớn mấy chị em ông. Ông nhớ mỗi lần có ai hỏi mẹ
tại sao đặt ông cái tên Nghé xấu xí như vậy, mẹ đã trả lời ngắn gọn rằng
mẹ sợ “kẻ khuất mặt khuất mày” bắt cóc đứa con út cưng của mẹ. Ông nhớ rõ
cứ mỗi khi tan chợ về, mẹ luôn luôn để dành cho ông không trái cam thì
trái quít. Ông nhớ đến những giây phút thần tiên khi ba chị em ông nô đùa
quanh mấy cây ổi sẻ trong vườn nhà nội. Cả quãng đời ấu thơ đang trải dài
trong tâm trí ông. Vui buồn lẫn lộn. Tuổi thơ đã ra đi từ lâu mà ông cảm
thấy như mới hôm qua. Dường như sự sống, cũng như những tiềm nguyên tử,
chẳng có một thực tại khách quan nào. Hàng vạn chữ “nếu” hiện ra trong đầu
ông. Nếu thân phụ ông không mất sớm; nếu không có chiến tranh; nếu nội
không biểu các cô gọi mấy chị em ông sang thành phố; vân vân. Mỗi chữ
“nếu” hẳn phải là một cuộc đời khả hữu khác nhau của ông. Sự sống quả vô
thường như một giấc mơ. Khung trời mùa thu năm nào của thằng Nghé cũng như
một giấc mơ, đang hiện rõ trước mặt ông, ảm đạm và nên thơ:
Tôi vẫn nhớ một chiều thu quê ngoại
Lá tre vàng phủ kín dấu chân đi
Sáo mục đồng vang vọng tiếng lâm li
Đàn trâu thẩn thơ về theo lối cũ
Phía chân trời mây sẫm mầu vây phủ
Xa xa buồn mấy nấm mộ trầm tư
Vùng không gian như nửa thực nửa hư
Chiếm hồn tôi một chiều thu quê ngoại.
Cơn nắng chiều mùa thu trong công viên thật mát mẻ dễ chịu. Tâm hồn ông
Lâm đang chan hòa với vạn vật chung quanh. Ông thả hồn hình dung những hạt
quang tử đang nô đùa với vũ điệu nghê thường như những cánh bướm vườn xuân:
Tôi biết em một chiều thu nhạt nắng
Bay chập chờn như cánh bướm vườn xuân
Khoe sắc hương theo điệu múa nghê thường
Em ẩn hiện như những loài ma quái
Nhưng vắng em sao lòng tôi tê tái
Biết phương nào để định hướng em đi
Rồi em khuyên đừng tìm kiếm
làm chi
Bởi vì em chỉ là chiều nắng nhạt
Em cho tôi bao nỗi niềm hoan lạc
Em đưa tôi xa đến tận rừng xanh
Có chim non ca ríu rít trên cành
Có muôn hoa đang tưng bừng đua nở
Tôi yêu em với tấm lòng rộng mở
Tôi có em chỉ chợt đó chợt đây
Em cho tôi những ấm áp vơi đầy
Bởi vì em chính là bầy nắng nhạt.
Tự nhiên ông Lâm thấy lòng mình rất thanh thản. Ông trở về nhà, đem quyển
Tâm Kinh ra đọc, quyển Kinh mà ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần: …
Sắc tức thị không, không tức thị sắc …
Mùa thu Sydney 2006
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/nhung_manhdoi.htm