Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Những bước đi

 

Chúng ta sẽ ngạc nhiên nếu có gió mà thông không reo. Mỗi khi buồn phiền vì cuộc sống, chúng ta thường ước ao được “làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” Nhìn một khu rừng rậm rạp, không ai ngạc nhiên thấy cây cối tranh nhau vươn mình dưới ánh nắng mặt trời. Cây cối cần sự quang hợp để xanh tươi. Chẳng có gì lạ khi thấy con nhện giăng tơ để hứng mồi kiếm sống. Rồi ta có thể thi vị hóa bằng câu hỏi “nhện ơi nhện hởi nhện chờ mối ai?” Chẳng ai ngạc nhiên khi thấy mặt trăng rất tròn vào những đêm rằm. Chúng ta có thể thả hồn lãng mạn nhìn trăng rơi bên hồ. Tuy nhiên chúng ta sẽ hết hồn kinh ngạc nếu vào một đêm trung thu đẹp trời đi dự hội hoa đăng với người yêu, bỗng thấy chị Hằng đã biến mất. Sau đó tin tức trên đài truyền hình cho biết chị Hằng đã từ biệt chúng ta để kết hôn với Sao Hỏa! Hẳn chúng ta sẽ không tin. Nhưng viễn vọng kính Hubble đã thu hình và chiếu trên màn ảnh truyền hình sờ sờ trước mắt. Nhưng vẫn chưa tin. Chúng ta cố biện minh rằng mặt trăng ở Sao Hỏa không phải chị Hằng của chúng ta. Nhưng khi nhìn kỹ chú Cuội và cây đa trên đó, chúng ta từ từ xiêu lòng, thất vọng, luyến tiếc. Đồng thời chúng ta bắt đầu sợ hãi trước một biến cố huyền bí như thế. Nhiều người lập luận rằng đây là trừng phạt của những vị thần linh. Loài người không biết vô tình hay cố ý đã làm các vị nổi giận nên đã dùng phép lạ, bưng chị Hằng yêu dấu của chúng ta đi nơi khác!

Các nhà vật lý học thì lập luận hoàn toàn khác hẳn: Lý thuyết nguyên lượng khẳng định rằng một hiện tượng như thế có thể xảy ra, chỉ là với một xác suất rất nhỏ bé. Nhưng dù sao cũng rất lạ: Với một xác suất nhỏ bé như thế, nhỏ hơn xác suất để trúng số độc đắc rất nhiều, nhưng vẫn xảy ra. Các nhà vật lý học nói: Xác suất tuy bé nhưng không triệt tiêu nên vẫn có thể xảy ra. Nếu muốn thấy những hiện tượng lạ như thế xảy ra thường xuyên hơn, có thể nói xảy ra như cơm bữa, thì hãy viếng thăm thế giới những tiềm nguyên tử. Chúng sẽ nhảy múa cho chúng ta xem, tuyệt vời hơn tất cả những nhà ảo thuật tuyệt vời nhất. Khi ẩn khi hiện, khi thì như những sóng lả lướt, khi thì như những hạt tí hon ngỗ nghịch. Nhưng chúng ta đừng hòng có thể quan sát được một cách chính xác những quỹ đạo chuyển động của chúng nó. Tuy vậy, chúng nó không phải vô song. Chúng ta có thể bắt bí chúng nó bằng một thách thức, chẳng hạn: Tao thách tụi mày có thể chơi trò vừa hạt vừa sóng cùng một lúc! Với câu thách thức đó, chắc chắn chúng nó sẽ phải chịu thua. 

May mắn rằng sự sống chúng ta hiếm thấy những hiện tượng lạ như thế. May mắn? Vâng, nếu thấy nhàm chán với một cuộc sống đều đặn, chúng ta có thể than vãn “một ngày như mọi ngày.” Nhưng đành chịu thôi. Đời là thế! Đối với thiên nhiên, đôi khi chúng ta cần phải học bài học của Daffy Duck: Không đánh gục được mày tao đành về phe mày vậy! Sống là để tìm kiếm một cái gì đó. Nếu thất tình, hãy “cố gắng vươn vai mà sống.” Nếu muốn tìm “em” ta có thể

 

Tìm em trên giọt sương mai

Tìm em trên khóm hoa lài ngát hương

Tìm em từ chốn ngàn phương

Tìm em từ cõi dặm trường lung linh

Tìm trên giấy mới trung trinh

Tìm trong thanh vắng bao tình chứa chan

Em như cơn gió thông ngàn

Em như dòng suối mơ màng đêm trăng

Tìm em trên cánh sao băng

Tìm em trong ánh nắng vàng ngày xuân

Tìm em nơi chốn trầm luân

Tìm em trên ngọn cỏ hồng thơm tươi

Em như cơn sóng ngàn khơi

Em tung tăng giữa đất trời bao la

Tìm em, tìm một bài ca

Tìm em, tìm một đóa hoa vô thường.

(Cảm hứng từ bài hát Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn.) Tốt nhất, chúng ta nên học những cách tìm của thánh nhân: Lão Tử đã tìm được lối sống hài hòa với thiên nhiên. Phật Thích Ca đã tìm được Trung Đạo và đã dạy chúng ta đi trên con đường đó như thế nào. Nhưng hãy tạm gác chuyện học đạo một bên. Thay vào đó, chúng ta đề cập đến những trực giác thông thường, những trực giác mà chúng ta xem như hiển nhiên đúng. Ngày mai mặt trời không thể không mọc. Làm lụng vất vả cả ngày, đến chiều tối mặt trời không thể không lặn để ru chúng ta một giấc ngủ yên lành. Chúng ta sẽ ngạc nhiên hoảng hồn nếu thấy thân cây mọc xuống đất trong lúc rễ cây mọc lên trời. Chúng ta sẽ hoảng sợ nếu thấy nhiệt từ nguồn lạnh tự nhiên truyền sang nguồn nóng hơn. Nước phải chảy xuống vùng thấp. Một ly nước nóng để trong phòng phải từ từ nguội dần. Ném một hòn sỏi lên trời, sỏi phải rơi xuống đất. Theo nguyên lý loại trừ của Aristotle: Một mệnh đề luận lý không thể vừa đúng vừa sai. Theo phương pháp tam đoạn luận của Aristotle: Nếu A đúng và nếu B là A thì B phải đúng. Tất cả những hiện tượng đó, những phương pháp luận lý đó, vẫn quấn quít với chúng ta, quen thuộc đến nỗi chúng đã trở thành những trực giác thông thường của chúng ta. Chúng ta có cảm giác những trực giác đó là hiển nhiên, không thể sai được. Nhưng có thực sự tất cả những trực giác của chúng ta đều đúng?

 Aristotle (384-322BC) khi quan sát sự rơi của các vật thể, ông cho rằng mọi vật nặng đều rơi xuống đất bởi vì mặt đất là nơi an nghỉ tự nhiên của chúng. Theo Aristotle, mọi vật thể đều có một vị trí tự nhiên trong vũ trụ. Khi một vật thể ở vào vị trí tự nhiên đó, vật thể sẽ đứng yên tại đó trừ phi có ngoại lực tác động vào nó. Mọi sự vật cuối cùng sẽ nhận được phán quyết tối hậu, và sẽ đến nơi an nghỉ cuối cùng, nơi đó sẽ không còn ngoại lực nào tác động lên nữa. Khi trái táo rụng sẽ rơi xuống đất bởi vì đất mới chính là ngôi nhà cội nguồn của trái táo. Hơn thế nữa sở dĩ táo rơi càng lúc càng nhanh chỉ vì nó náo nức muốn trở về cội nguồn càng sớm càng tốt. Những tư tưởng này của Aristotle đã trở thành những trực giác thông thường và đã ngự trị loài người cho đến thế kỷ 17.

Theo Aristotle, khi không có ngoại lực tác động, vật thể sẽ đứng yên. Nghe dường như rất có lý. Nhưng bây giờ hãy tưởng tượng chúng ta đang nhảy dù từ phi cơ xuống. Ban đầu rơi rất nhanh. Khi bung dù, sức cản của gió sẽ làm giảm độ rơi. Sức cản của gió tăng dần và sẽ cân bằng với sức hút trọng lực. Đến khi đó không còn ngoại lực nào tác động lên chúng ta nữa. Theo Aristotle, chúng ta sẽ đứng yên giữa không trung. Như một phép lạ! Nhưng không có ai nghi ngờ tư tưởng của Aristotle cho đến thế kỷ 17 khi những định luật chuyển động của Newton ra đời. Định luật thứ nhất về chuyển động của Newton phát biểu rằng khi không có ngoại lực tác động, vật thể hoặc đứng yên (nếu vốn đang đứng yên) hoặc có chuyển động thẳng đều (nếu vốn đang chuyển động.) Như vậy khi sức cản của gió cân bằng với trọng lượng, chúng ta vẫn rơi xuống đất nhưng với một vận tốc không thay đổi. Dù định luật Newton đã tỏ ra rất đứng đắn, cũng phải mất một thời gian khá dài trước khi đại đa số quấn chúng có thể cảm nhận được sự thiếu sót của Aristotle. Bây giờ các phi hành gia có thể kiểm chứng định luật thứ nhất của Newton một cách dễ dàng và chính xác bằng cách bay vào vùng không có ảnh hưởng trọng lực.

Từ hơn 2000 năm trước người ta vẫn tin rằng sự vận hành của những thiên thể ảnh hưởng mật thiết đến sự sống trên địa cầu. Ngành chiêm tinh đã ra đời, với mục đích tiên đoán những ảnh hưởng đó, hầu giúp con người có thể gặt hái điều lành tránh điều dữ. Nhiều người đã có niềm tin mãnh liệt và đã xem ngành chiêm tinh như một sự thật rành rành. Dần dần những từ ngữ như “sao chiếu mạng” đã trở thành những trực giác thông thường. Những chiêm tinh gia cho rằng mặt trăng mặt trời và những hành tinh trong thái dương hệ mật thiết ảnh hưởng đến định mạng con người. Mỗi người tùy theo ngày tháng năm sinh khác nhau đều có những sao chiếu mạng khác nhau. Chiêm tinh tử vi ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày. Việc dựng vợ gả chồng cho con cái chẳng hạn, ngoài những yếu tố khác, tử vi của hai người đặc biệt được cha mẹ chú ý đến. Chàng có “mạng thủy” nàng có “mạng thổ.” Cha mẹ đôi bên phân vân không biết hai số mạng đó có phù hợp nhau không, có thể có hạnh phúc chăn gối suốt đời không, có con đàn cháu đống không. Thế là phải nhờ đến các chiêm tinh gia.

Nhưng thật ra chúng ta có tin những thiên thể trong vũ trụ có ảnh hưởng đến sự sống trên địa cầu không? Giả sử chúng ta có thể cất dấu mặt trời của chúng ta vào một nơi xa xôi nào đó. Bảo đảm chỉ trong vòng 8 phút sau đó, địa cầu sẽ bị màn đêm vây phủ. Địa cầu cũng như những hành tinh khác sẽ rời quỹ đạo đi vào không gian thăm thẳm, vô định. Hiện tượng quang hợp không còn nữa. Cây cối sẽ nhanh chóng tàn úa. Tất cả những sự sống khác trên địa cầu theo đó cũng sẽ biến mất một cách nhanh chóng. Những tinh tú xa xôi khác có ảnh hưởng đến sự sống trên địa cầu không? Vâng không nhiều thì ít. Trường trọng lực và từ trường quanh địa cầu sẽ có ảnh hưởng, cho dù chỉ chút ít. Chỉ chút ít biến đổi cũng có thể ảnh hưởng đến sự sống trên địa cầu. Tuy nhiên nếu chúng ta hỏi tinh tú trên trời ảnh hưởng đến hạnh phúc tâm tư tình cảm số phận may mắn rủi ro cho con người như thế nào, có lẽ câu trả lời phải dành cho những chiêm tinh gia.

Kể từ đầu thế kỷ 18, các nhà khoa học đã bắt đầu phê phán bác bỏ ngành chiêm tinh là phi khoa học. Họ lập luận rằng những hiện tượng trên trái đất chỉ có thể giải thích bằng những định luật khoa học nên không thể có cơ sở để tin vào chiêm tinh. Ngày nay vẫn còn nhiều người tin vào ngành chiêm tinh. Họ tin rằng một khi tinh tú đã ảnh hưởng địa cầu (chẳng hạn, từ trường, trường trọng lực mà khoa học có thể giải thích) thì sự sống phải ảnh hưởng theo, kể cả định mạng của con người, vì những thứ như định mạng, hạnh phúc tâm tư tình cảm số phận may mắn rủi ro đều là những yếu tố chủ yếu của sự sống con người.

Thân và tâm của mỗi con người luôn luôn phối hợp gắn bó nhau. Nếu có những hiện tượng vật lý hay hóa học ảnh hưởng đến thân thì cũng ảnh hưởng đến tâm và ngược lại. Ngày nay các ngành khoa học về tâm lý tâm thần và thần kinh học đang trên đà phát triển mạnh. Từng nào các ngành khoa học này có thể giải thích rõ ràng tâm và thân tác động lẫn nhau như thế nào, sự phê phán ngành chiêm tinh sẽ được chính xác hơn. Tuy nhiên có một điều có lẽ khoa học khó có thể giải thích: Tại sao các hành tinh và tinh tú có những tác động ảnh hưởng khác nhau trên những người có ngày sinh tháng đẻ khác nhau?

Lý thuyết địa tâm (địa cầu là trung tâm của vũ trụ) của Aristotle và Hipparchus đã được Ptolemy bổ sung trong khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Với lý thuyết đó, niềm tin cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ đã trở thành một trực giác thông thường đứng đắn nhất thời bấy giờ. Đến thế kỷ 16, công trình nghiên cứu của Copernicus đã bắt đầu làm lý thuyết địa tâm lung lay. Tiếp theo, những quan sát thiên văn của Brahe và đặc biệt sự ra đời 3 định luật thực nghiệm của Kepler về chuyển động của các hành tinh quanh mặt trời đã củng cố vững chắc lý thuyết nhật tâm (mặt trời là trung tâm của vũ trụ) của Copernicus. Tiếp theo, vào thế kỷ 17, Newton với định luật sức hút vũ trụ, đã dùng toán học chứng minh sự đúng đắn của những định luật thực nghiệm của Kepler. Tất cả những khám phá mới mẻ này của ngành thiên văn là bản án tử hình của lý thuyết địa tâm.

Nhưng trực giác thông thường có thay đổi kịp đà phát triển khoa học không? Hẳn là không. Copernicus rất có niềm tin vào kết quả nghiên cứu của mình, nhưng ông không công bố những kết quả đó ngay. Chúng ta biết quyền hành của giáo hội Ky Tô giáo thời bấy giờ là tuyệt đối. Chống đối mô hình địa tâm có nghĩa là chống đối giáo hội. Chúng ta thừa biết hậu quả sẽ như thế nào. Copernicus đành an phận thủ thường. Nhưng đối với Galileo thì lại khác. Ông–người đầu tiên dùng viễn vọng kính để quan sát bầu trời–hoàn toàn tin tưởng vào lý thuyết nhật tâm, và đã mạnh dạn công khai chống đối giáo hội. Hậu quả: Ông bị giam lỏng tại gia đến hết kiếp! Khi giáo hội đã không sửa đổi, con chiên làm sao dám trái ý? Nhiều lắm chỉ những nhà khoa học cọng thêm một số học giả triết học ngấm ngầm ủng hộ mô hình nhật tâm. Đa số quần chúng vẫn tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ.

Ngày nay hầu hết chúng ta đều biết rằng vũ trụ bao gồm hàng tỷ thiên hà với mỗi thiên hà có hàng tỷ vì sao. Ngân Hà chỉ là một trong hàng tỷ thiên hà đó. Vị trí mặt trời của chúng ta thì thật khiêm tốn: Chỉ là một vì sao nằm bên rìa của Ngân Hà, với tầm vóc bình thường, thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của quá trình biến hóa của tinh tú. Những hiểu biết cơ bản này đã trở thành những trực giác thông thường của đại đa số quần chúng ngày nay. Ngoài ra có lẽ đa số chúng ta cũng tin rằng có rất nhiều thái dương hệ trong vũ trụ tương tự như thái dương hệ của chúng ta. Hơn thế nữa đa số còn tin rằng sự sống không chỉ tồn tại ở địa cầu chúng ta, trái lại, có thể tồn tại nhiều nơi khác trong vũ trụ, không ở hiện tại thì cũng đã tồn tại trong quá khứ hoặc sẽ hình thành trong vị lai.

Trước đây có lẽ ít ai quan tâm đến ánh sáng chuyển động nhanh bao nhiêu. Kinh nghiệm hàng ngày làm người ta có cảm giác rằng vận tốc ánh sáng có thể vô hạn. Tuy nhiên khi khoa học dần dần phát triển, các khoa học gia tin rằng vận tốc ánh sáng là hữu hạn. Galileo là người đầu tiên thực hiện một thí nghiệm để đo vận tốc ánh sáng. Thí nghiệm của ông rất đơn giản: Hai người mang đèn chớp lên hai đỉnh núi để đo khoảng thời gian một tia chớp truyền từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia. Và thí nghiệm đã thất bại vì, như chúng ta biết, vận tốc ánh sáng lớn đến 300 ngàn cây số mỗi giây đồng hồ trong lúc khoảng cách hai đỉnh núi không xa quá một vài chục cây số, do đó, khoảng thời gian ánh sáng truyền từ núi này sang núi kia nhỏ đến nỗi không thể đo được.

Sau này, khoảng vào năm 1675 khi Roemer, nhà thiên văn  Đan Mạch, khi quan sát những mặt trăng của Mộc Tinh, đã đo được vận tốc ánh sáng là 226 ngàn cây số mỗi giây đồng hồ. Đến thế kỷ 19 khi lý thuyết điện từ của Maxwell ra đời, ông đã chứng minh rằng vận tốc của các bức xạ điện từ, kể cả ánh sáng, phải là một số hữu hạn. Năm 1926 Michelson đã đo được vận tốc ánh sáng với con số rất đáng tin cậy là 299796 cây số mỗi giây. Cái cảm giác ánh sáng có thể truyền đi một cách tức thì từ nơi này sang nơi khác đã dần dần phai mờ. Bây giờ người ta không ngạc nhiên khi xem một bản phóng sự trực tiếp truyền hình từ một nơi xa xôi, sự truyền thông phải mất một khoảng thời gian vài giây đồng hồ giữa người nói và người nghe vì âm thanh cũng như hình ảnh đều được các sóng điện từ mang đi với tốc độ ánh sáng. Người ta cũng không ngạc nhiên vào những lúc có sấm chớp, chúng ta thấy chớp trước rồi tiếp theo mới nghe tiếng sấm. Vận tốc âm thanh chỉ khoảng 330 thước mỗi giây, rất bé so với vận tốc ánh sáng.

Hình ảnh mặt trời mà chúng ta đang quan sát không phải là hình ảnh của hiện tại mà là hình ảnh mặt trời của 8 phút về trước. Ban đêm ngắm sao trời, không phải chúng ta đang nhìn bức tranh hiện tại của vũ trụ, trái lại, chúng ta đang nhìn cả một quá trình lịch sử của vũ trụ. Nếu dùng viễn vọng kính để có thể nhìn xa, chúng ta có thể quan sát thấy hình ảnh những vì sao của mấy triệu hoặc mấy tỷ năm về trước. Sức hút trọng lực cũng thế, chỉ có thể truyền đi với vận tốc ánh sáng. Do đó nếu mặt trời tự nhiên biến mất, 8 phút sau địa cầu mới bắt đầu rời khỏi quỹ đạo của mình. Và đây chính là thiếu sót của định luật Newton về sức hút trọng lực. (Theo định luật này, ảnh hưởng của sức hút trọng lực là tức thì.)

Trực giác thông thường của con người biến đổi theo thời gian, dù thường biến đổi khá chậm chạp. “Tình trong giây phút mà thành thiên thu.” Có đúng không? Có lẽ chỉ có bản chất vô thường của vạn vật mới thực sự là thiên thu. Nhưng cái chúng ta gọi là “trực giác thông thường” sẽ biến đổi tới đâu? Có giới hạn không? Và khi vượt quá giới hạn đó sẽ còn được gọi là trực giác thông thường nữa không? Theo định nghĩa trong mấy quyển từ điển, trực giác thông thường là những nhận thức hay những hiểu biết thực tiễn và hợp lý. Như vậy xem ra những thành quả của các ngành khoa học thực nghiệm đều có thể được xem như những trực giác thông thường. Rõ ràng nước chảy xuống lỗ thấp là hợp lý. Nhưng thực tiễn ở chỗ nào? Vâng, “lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống lấy ruộng tôi cày” là một thực tiễn. Nguyên tắc của các nhà máy thủy điện là một thực tiễn khác. Công thức Einstein E = mc2 nói lên sự tương đương giữa vật chất và năng lượng có thực tiễn không? Vâng, các nhà máy điện hạt nhân hay bom nguyên tử là câu trả lời. Chúng ta có đồng ý xem công thức Einstein là một trực giác thông thường hay sẽ trở thành một trực giác thông thường không? Thật ra mọi hiểu biết nhận thức thực tiễn và hợp lý, cho dù trừu tượng đến đâu, cũng có thể trở thành những trực giác thông thường.

Trực giác thông thường quả thật cần thiết cho sự sống. Tuy nhiên không nhất thiết rằng tất cả những trực giác thông thường phải được phổ biến trong dân gian. Ngày xưa khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, người dân chài chỉ nhờ kinh nghiệm, trực cảm hôm nay trời tốt sóng lặng, có thể giương buồm ra khơi. Người thợ săn ở vùng rừng rú có thể nhận ra tiếng động nào là của loài thú nào. Người nông dân biết khi nào cần xới đất vun phân bón để có thể gieo mạ đúng lúc. Người xưa, cũng như đa số bây giờ, không cần phải biến công thức Einstein thành trực giác thông thường của mình. Những hạt tiềm nguyên tử va chạm bắn phá trong những máy gia tốc có thể là những trực giác thông thường của những nhà vật lý học nhưng rất xa lạ đối với nhiều người khác. Chỉ cần trang bị đủ những kinh nghiệm cho hoàn cảnh sống của mình cũng có thể giúp mình thành công. Nhưng thế nào gọi là thành công? Thành công bất chấp thủ đoạn?

Khía cạnh “thực tiễn” của một trực giác thông thường có thể có hai bộ mặt: hữu ích hoặc tai hại cho mình cho người. Dùng kỹ thuật luyện kim để chế tạo những đồ dùng nâng cao đời sống con người là hữu dụng. Dùng kỹ thuật luyện kim để chế tạo vũ khí giết người giành giựt cướp bóc chiếm đoạt là hung bạo. Dùng năng lượng hạt nhân để chế tạo những nhà máy điện lực là hữu ích, nhưng để làm những quả bom nguyên tử là vô nhân đạo. Như vậy, chỉ khi nào khía cạnh “thực tiễn” của một trực giác thông thường đượm nét đạo đức thì trực giác thông thường đó mới trở thành một trực giác quý báu. Chúng ta hãy tạm gọi những trực giác thông thường đượm mầu đạo đức như thế là những trực giác đạo đức. Sự sống chỉ có ý nghĩa và hữu ích cho xã hội khi con người biết sống với những trực giác đạo đức trong đời sống hằng ngày. Trực giác đạo đức đặc biệt quan trọng đối với những người lãnh đạo các cấp trong một quốc gia. Nếu họ có lòng yêu nước, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chỉ biết chăm lo an sinh cho dân lành, thì thật phước đức cho đất nước, không còn gì quý hơn. Ngược lại, nếu họ chỉ nghĩ đến cá nhân và gia đình mình, tham ô hối lộ, thì thật là bất hạnh cho quốc gia.

 Đa số chúng ta ít nhiều thường vấp phải những sai lầm trong cuộc sống. Nhưng may mắn của chúng ta là sự sống thật ra không giống một ván cờ. Đi sai một nước cờ, cờ tướng chẳng hạn, thì hầu như chắc chắn chúng ta sẽ thua ván cờ đó. Nhưng lầm đường lạc lối trong cuộc sống thì không bao giờ muộn màng. Chỉ cần có chút hối cải, chỉ cần có chút ý định quay về, những trực giác đạo đức sẽ dần dần đi vào tâm chúng ta. Và từ những cơ bản đạo đức đó, biết đâu cơ duyên tốt lành sẽ đến với chúng ta…

Hãy trở về quá khứ của hơn 25 thế kỷ trước ở vương quốc Magadha thuộc nước Ấn Độ ngày nay, nơi đó có đôi bạn Kolita và Upatissa cùng lứa tuổi, thân thiết như có duyên tiền định. Cả hai đều thuộc những dòng họ Bà La Môn danh tiếng và bảo thủ, giàu sang phú quý. Tuy tính tình không giống nhau, nhưng tình bạn của họ rất chân thành và sẵn sàng hy sinh cho nhau.

Cũng giống như nhiều người giàu sang phú quý khác, họ say sưa theo nhịp sống của tuổi trẻ, vui chơi thỏa thích. Nhưng những vui chơi vô ý nghĩa đó đã làm họ dần dần thức tỉnh. Thay vì phí phạm thời gian vào những phù phiếm, họ muốn dùng thời gian đó để đi tìm con đường giải thoát. Họ từ bỏ vinh hoa phú quý, quyết định bắt đầu một cuộc sống khổ hạnh, không nhà, lang thang đây đó. Họ đi khắp những nẻo đường Ấn Độ, từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Họ chịu tất cả những nhọc nhằn, từ những con đường đầy bụi bặm hiểm trở đến những thời tiết khắc nghiệt, khi thì dưới ánh mặt trời nóng bức, khi thì dưới những cơn mưa tầm tã gió rét buốt xương.

Tất cả những gian khổ đó không làm họ dừng chân, trái lại, thúc đẩy họ tiến tới. Họ không muốn mãi mãi là nạn nhân của sinh lão bệnh tử, của phiền muộn khổ đau. Họ có niềm tin mãnh liệt sẽ tìm được chân lý vĩnh viễn thoát khỏi cảnh trầm luân. Suốt hành trình, họ đã gặp khá nhiều sư phụ nhưng vẫn không giúp được những gì họ muốn tìm kiếm. Tuy bây giờ đã 43 tuổi đầu, họ vẫn có tràn trề niềm tin. Và cuối cùng cơ duyên đã đến. Upatissa đã gặp gỡ Assaji, một đệ tử của Đức Phật. Chỉ qua mấy vần thơ do Assaji tóm tắt giáo lý của Đức Phật cũng đã đủ cho Upatissa và Kolita biết rằng vị sự phụ họ đang tìm kiếm là ai. Mấy vần thơ này (đã do hai tác giả Nyanaponika Thera và Hellmuth Hecker dịch sang Anh ngữ trong quyển Great Disciples of The Buddha) như sau:

 

                   Of those things that arise from a cause,

                   The Tathagata has told the cause,

                   And also what their cessation is:

                   This is the doctrine of the Great Recluse.

 

          (Tạm phỏng ý:

          Nếu muốn biết trầm luân từ đâu đến,

          Và làm sao để diệt hết khổ đau,

          Đấng Thế Tôn với lời dạy thâm sâu,

          Niềm băn khoăn sẽ hoàn toàn tan biến.)

Cả hai đã trở thành những đại đệ tử của Đức Phật. Upatissa với Pháp danh Xá Lợi Phất, đã ứng quả La Hán trong vòng 2 tuần lễ. Kolita với Pháp danh Mục Kiền Liên, đã ứng quả La Hán chỉ trong 1 tuần lễ.

Chúng ta ai cũng biết truyền thuyết Mục Kiều Liên, với phép thần thông đệ nhất, đã thấy được mẹ mình đang chịu cực hình nơi địa ngục dầu sôi lửa bỏng, và do đó đã nhờ chư Phật cứu độ. Lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên là tấm gương sáng ngời mà cứ vào mỗi ngày rằm tháng bảy âm lịch, những người con Phật đều làm lễ tưởng niệm để ôn lại và noi gương bài học quý giá đó.

Chúng ta thành tâm học tập. Chúng ta thành tâm biến những nhận thức hiểu biết của mình thành những trực giác đạo đức. Rồi sẽ có một ngày, với những bước đi vững vàng đó, chúng ta cũng có thể có cơ duyên giống như Upatissa Xá Lợi Phất và Kolita Moggallana Mục Kiền Liên vậy.

Sydney, Mùa Vu Lan 2006

Phật lịch 2550

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/nhungbuocdi.htm

 


Vào mạng: 1-8-2006

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang