Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN QUỐC LẦN THỨ V
TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM 2008
CHƯƠNG TRÌNH TỪ THIỆN “QUAY ĐẦU LÀ BỜ”
TẠI TRẠI GIAM K.20 - GIỒNG TRÔM - BẾN TRE - LẦN V
 Bến Tre, ngày 31 tháng 5 năm 2008
Giác Hạnh Phương

 

Trong sáu tháng đầu năm 2008 các chương trình từ thiện do Thầy Nhật Từ tổ chức thưa thớt hơn mọi năm vì Thầy lo bận rộn công việc chuẩn bị cho Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm nay tổ chức tại Việt Nam, mà Thầy là một trong các thành viên của Ban tổ chức Phật đản quốc tế (IOC). Mặc dù Đại lễ Phật đản trôi qua, nhưng công việc hậu Vesak vẫn còn tiếp tục. Sau 12 ngày bế mạc lễ Phật đản với ngần ấy thời gian chưa đủ để tái phục hồi sức khoẻ thì Thầy lại tiếp tục lên đường thực hiện chương trình  từ thiện ở những nơi vùng sâu vùng xa, rất cần có ánh sáng Phật pháp soi rọi vào những mảng đất tâm vốn đã quá ư khô cằn và thiếu sự cảm thông. Nơi mà chúng tôi muốn nói đó là Trại giam K 20 thuộc Cục V.26 của Bộ Công an đóng trên địa bàn xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm - Bến Tre) và nơi đây đang giam giữ hơn 1.850 phạm nhân, trong lần này số phạm nhân nữ chỉ còn hơn 80 người (vì một số người hết hạn tù hồi gia), với các mức hình phạt tù từ 5 năm đến 20 năm. Phần lớn các phạm nhân trong độ tuổi từ 25 đến 40 bị giam với các tội danh phổ biến như: giết người, mua bán ma túy, chứa mại dâm, trộm cắp tài sản công dân và nhà nước, lạm dụng quyền hạn công chức nhà nước làm trái pháp luật. Đây là chuyến đi từ thiện lần thứ V, với ý nghĩa “mưa dầm thấm đất.” Vì đối tượng cần chuyển hoá có tiền sử đặc biệt. Cho nên muốn chuyển hoá, hoá độ họ sau khi hồi gia trở thành người hữu ích cho xã hội cần phải kiên nhẫn và thời gian.  

Từ sáng sớm ngày 31 tháng 5 năm 2008  đúng 5 giờ 30 đoàn xe khởi hành lăn bánh chạy suốt hơn 3 tiếng đồng hồ. Có lẽ, con đường đi đã quá quen thuộc đối với các tài xế  nên đến trại giam K.20 sớm hơn các lần trước (8g 30). Các anh em phạm nhân vui mừng chào đón thân mật gần gũi hơn với Thầy Nhật Từ và cả đoàn từ thiện Đạo Phật Ngày Nay.

Nghe các chị em phạm nhân nói: Chúng con biết hôm nay có đoàn của Thầy xuống thăm chúng con không ngủ được. Chúng tôi nói: không phải chỉ có các anh chị em không ngủ được mà chúng tôi cũng không ngủ được, vì phải thức dậy từ 4 giờ khuya để đi đến chùa Giác Ngộ. Mặc khác, các khâu chuẩn bị cho quà tặng (do NS Huệ Liên đảm trách), liên lạc các nghệ sĩ sắp xếp thời gian cùng đi với đoàn cũng được chuẩn bị chu đáo. 

 Trong chuyến đi lần này, có hai vợ chồng chị Hải Hạnh – Giác Định (Việt kiều Úc) đến thăm, anh chị là một trong những người Phật tử tích cực hưởng ứng và kêu gọi vận động bạn bè tham gia cho chương trình “Quay đầu là bờ” ngay từ lần đầu tiên do Thầy Nhật Từ khởi xướng. Hôm nay, nhân chuyến về tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tổ chức tại Việt Nam nên anh chị có dịp chứng kiến tận mắt chương trình này. Các phần quà tặng cho phạm nhân (2.000 phần quà gồm: Mì gói, đường, sữa, bánh ngọt) do Hội từ thiện Đạo Phật Ngày Nay tặng tổng trị giá 140 triệu đồng. 

Các báo – đài phỏng vấn Thầy Nhật Từ

 Sau bốn lần tổ chức từ thiện trại giam K.20 được các nhà báo và đài truyền hình VTV 1, Thông tấn xã Việt Nam biết đến và quan tâm theo dõi chương trình “Quay đầu là bờ” nhận thấy chương trình này rất hữu ích cho cộng đồng xã hội. “Trăm nghe không bằng mắt thấy” do đó, trong chuyến đi này PV báo chí, đài truyền hình VTV1, Thông tấn xã cùng đi với đoàn đến trại giam K.20 - Bến Tre và họ đã thực hiện các cuộc phỏng vấn Thầy Nhật Từ, Tổng Giám thị trại giam Thượng tá Phùng Văn Yến và một số phạm nhân.

Vì các phóng viên (PV) chia nhau từng nhóm phỏng vấn, do đó chúng tôi ghi nhận được các cuộc PV Thầy Nhật Từ mà báo đài quan tâm nhiều nhất: Vì sao mà Thầy có tâm huyết từ thiện trong trại tù, động cơ nào thúc đẩy thầy thực hiện những chương trình từ thiện. Mục đích và ý nghiã của chương trình “Quay đầu là bờ” là gì ?  Mong muốn của Thầy gì về chương trình này.

Đặc biệt những câu hỏi có tính thời sự hơn khi PV Báo Phụ Nữ hỏi: Khi Thầy đi vào các trại giam từ thiện có gặp những khó khăn nào khác ? ngoài đối tượng giáo dục phạm nhân đã là rất khó rồi ? Kết quả của chương trình này ra sao? Thầy có tin khả năng chuyển hoá của các phương pháp thực tập thiền cũng như vận dụng giáo lý Phật giáo vào trại tù để thay đổi nhân tâm các phạm nhân không ?

Chúng tôi ghi nhận cuộc phỏng vấn Thầy Nhật Từ:

PV: Nội dung các bài giảng của Thầy tại các Trung tâm như thế nào?

Thầy Nhật Từ: Tại mỗi Trung tâm có các bài giảng khác nhau, vì đối tượng khác nhau như: đối tượng hình sự (án từ 5 năm đến 25 năm tù) thì các bài thuyết trình có chọn lọc là: Quay  đầu là bờ; Tự do nội tại; Bỏ kiếp giang hồ; Làm mới cuộc đời. Và lần V này là chủ đề “Đứng dậy sau vấp ngã”….để tạo tầm nhìn và làm lại phương pháp sống, tái tạo lại đời sống mới có hạnh phúc hơn, chứ không phải họ là những con người vứt bỏ đi. Đối với những đối tượng nghiện ma tuý thì chúng tôi chia sẽ những đề tài xoay quanh về nghệ thuật chuyển hoá thói quen. Thường thường người nghiện có 2 sự lệ thuộc: lệ thuộc về cảm xúc và lệ thuộc tâm lý làm cho sức khoẻ và trí tuệ bị đốt cháy. Đối tượng là mại dâm thì chúng tôi hướng dẫn các chị em tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mà không nhất thiết phải giàu sang, giảm bớt những thói quen đua đòi, thiếu sự phấn đấu của bản thân…..mỗi chủ đề  chia sẽ đáp ứng từng đối tượng tại các trung tâm làm sao giúp cho họ cảm nhận đời sống còn có nhiều điều hay và tốt đẹp, để họ cảm thấy đó như hơi thở của cuộc sống.

PV: Vì sao Thầy chọn đối tượng phạm nhân để làm từ thiện? Mục đích của Thầy  là gì? Thông thường các nhà từ thiện thường đến những Trung tâm người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi, gia đình nghèo neo đơn, thiên tai bảo lụt …… Hình như Thầy rất quan tâm đến đối tượng trại giam nhiều hơn trong các chuyến từ thiện khác, chỉ trong năm 2007 mà Thầy đến thăm  và tặng quà 4 lần. Năm nay nhân mùa  Phật đản với ý nghĩa và thông điệp Phật đản năm 2008 là hoà bình - tình thương - hiểu biết. Thầy chia sẽ điều gì với phạm nhân trong chuyến đi từ thiện lần này?

TNT: Chúng tôi nghĩ rằng, một mặt ngoài sự khổ đau đời sống vật chất thiếu thốn của người dân sống ở vùng sâu vùng xa, họ còn có khổ đau của tâm thức (ý niệm khổ đau này chỉ cho người đang sống tràn đầy lòng tham, lòng sân, lòng si) mà họ gây nghiệp khổ đau khác nhau cho mình và mọi người xung quanh, cho nên kết quả hiện nay họ phải sống trong các trại giam. Khi đối diện với khổ đau của vùng sâu tâm thức họ bị lương tâm giằng xé, xa cách người thân, và những mối quan hệ bị cắt đứt ….do đó họ cảm nhận được rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời.

Những chia sẽ của chúng tôi nhằm mục đích làm sao giúp cho họ từ những bước thăng trầm đó quay về với đời sống mà  họ phải trải qua. Đời sống đó bao gồm ba giai đoạn: vị ngọt, vị đắng và vị xuất ly. Vị ngọt và đắng họ thì đã trải qua, hiện nay họ cần trải qua gia đoạn vị xuất ly, đó là thoát khỏi hoàn toàn nhận thức cảm giác mặc cảm, tự ti và khổ đau.

Mặc khác, khi vào trại giam, thì thấy hoàn cảnh xã hội, nhân thân của các đối tượng này phức tạp hơn ở các Trung tâm bảo trợ xã hội. Do đó, chúng tôi đi vào trong trại giam giới thiệu về phương pháp thực tập thiền và giá trị hạnh phúc của đời sống đạo đức chân chánh giúp họ giảm bớt những căng thẳng và điều chỉnh thói quen bản năng. Sau khi hồi gia họ sẽ khó có cơ hội tái phạm.

PV: Mong muốn của Thầy về điều gì sau khi thực hiện chương này?

TNT: Sau khi thành công ở trại giam K.20 Bến Tre, mong muốn chân thành của chúng không về các chương trình như thế này mà chúng tôi đặt tên là chương trình “Quay đầu là bờ” không chỉ thực hiện ở trại giam K.20 Bến Tre, mà ứng dụng ở nhiều trại giam khác, nơi mà chất liệu chuyển hoá tâm thức rất cần thiết, rất mong các Giám đốc các trại giam

khác được thấy được giá trị chuyển hoá con người bằng đạo đức (bởi vì không chỉ dùng hình phạt chỉ làm người ta sợ trước uy quyền mà không thay đổi được nhân tâm con người, do đó cần kết hợp nhiều phương pháp hỗ trợ như giáo dục thay đổi nhận thức, chuyển hoá nhân tâm bằng lòng thương yên, sự cảm thông mà đức Phật dạy và chuyển hoá thành công rất nhiều ngoại đạo, tướng cướp, dâm nữ….) và tính thiết thực của chương trình mà hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi đang gởi thơ đến trại giam tỉnh Tiền Giang , Phan Thiết rất mong những Giám đốc của các trại giam thấy được ý nghĩa của chương trình này.

PV: Kết quả của chương trình này ra sao?

TNT: Khi được Thượng tá Phùng Văn Yến hỗ trợ cho chương trình, anh cho biết: Hơn một năm qua, sau khi có những chương trình thực tập như thế, thì phương thức kỷ luật các anh em giảm 70-80% , chỉ cần các giám thị trại giam nói vài câu là họ nghe lời, giảm sự chống đối bướng bỉnh.

Đặc biệt không có tình trạng “đại bàng” xảy ra. Chúng tôi có hỏi một số anh chị em về tình trạng có trường hợp đại bang ăn hiếp đánh nhau nhau không? Các chị em đều trả lời giống nhau là không. Mà còn rất tương trợ giúp đỡ nhau, như anh em trong đại gia đình.

PV: Những khó khăn nào khi đi từ thiện trại giam ?

TNT: Có ba khó khăn căn bản khác với những ý kiến mà nhiều người đánh giá về nó.

Thứ nhất, những lãnh đạo trực tiếp của các trại giam chưa nhìn thấy tầm quan trọng của việc chia sẽ đạo đức và thực tập thiền cho các phạm nhân. Tuy xuất phát từ tôn giáo nhưng nó có chức năng trị liệu tâm lý rất tốt.  Do đó, mọi nỗ lực về phía địa phương của các trại giam chưa mạnh dạn hưởng ứng nó.

Thứ hai, đối với quần chúng hỗ trợ cho chương trình từ thiện trại giam ít tham gia. Họ nghĩ rằng anh em phạm nhân là những người tạo ra khổ đau cho xã hội cho nên họ căm giận muốn phải bị trừng phạt, chứ không muốn hỗ trợ cho họ hoàn lương. Mà không cần tìhiểu các anh em bị phạm tội rơi vào trường hợp vô tình hay cố ý.

Do đó, khi chúng tôi vận động từ thiện trại giam, chẳng những không được tán đồng mà còn bị phê bình là sai lầm.

Thư ba, các chương trình phối hợp với trại giam để đạt hiệu quả cao hơn khó được thực hiện, vì không gian trại giam và các điều kiện kỷ luật của trại giam ….do đó, chỉ có thể sinh hoạt tập thể, chưa có những sinh hoạt theo nhóm đối tượng tội phạm. Bởi vì bản chất của sự thực tập thiền có nhũng vấn đề không thể nói cho tất cả các đối tượng mà đạt kết quả. Vì có những vấn đề tâm lý cần chia sẽ riêng tư và gần gũi mới đạt hiệu quả cao.

Nếu trong tương lai, các trung tâm mở cửa rộng hơn, thì bên tổ chức có thể đến trước một hai ngày hướng dẫn theo từng nhóm đối tượng như lớp học. Như vậy thì sự thực tập và hiểu sâu mới có kết quả thật sự.

PV: Thầy có tin khả năng chuyển hoá của các phương pháp thực tập thiền cũng như vận dụng giáo lý Phật giáo vào trại tù để thay đổi nhân tâm các phạm nhân không ?

TNT: Chúng tôi rất tin tưởng vào giáo pháp đó. Vì phương pháp này có lịch sử thành công không chỉ lần đầu tiên ở Việt Nam mà ở các nước Hoa Kỳ áp dụng phương pháp thiền và lời dạy đạo đức Phật giáo trong trại tù trong 7 năm qua. Ở Hoa Kỳ có tạp chí Phật học kết hợp với các trường Đại học họ có những nghiên cứu sau khi mãn tù thì cơ hội tái phạm chưa đến 20% so với các phạm nhân không có thực tập đạo đức và thiền cơ hội tái phạm có lúc tăng 50% . Tại Ấn Độ từ năm 1984 phương pháp này bắt đầu được chấp nhận khá rộng rãi ở các trại giam. Các phạm nhân đều phải thực tập tối thiểu 10 ngày trong 1 tháng. Đối với những phạm nhân có nhu cầu cao hơn thì tực tập nhiều hơn nữa. Do đó kết quả sẽ tốt hơn. Chúng ta biết rằng chính phủ Ấn Độ là người theo đạo Ấn Độ giáo, thế mà họ vẫn sử phương pháp thiền của Phật giáo. Thực tập thiền là phương trị liệu tâm lý giúp cho phạm  nhân giữ vững cân bằng cảm xúc, và tháo gỡ những ức chế tâm lý do áp lực xã hội.v.v…

PV: Chữa tâm bệnh cần phải có đội ngũ bác sĩ tâm linh, bác sĩ trị liệu tâm lý đạo đức. Làm thế nào để có thể thực hiện trong tương lai?

TNT: Các bác sĩ tâm linh, hay bác sĩ trị liệu tâm lý đạo đức cần phải được huấn luyện về tâm lý học tội phạm, gia đình và giới. Ba góc độ tâm lý học này giúp cho những người thực hiện chương trình nhìn sâu thấy rõ các gốc  rễ phát sinh tội phạm để từ đó chia sẽ các sinh hoạt gắn liền với nhu cầu đời sống của tội phạm, từ đó họ khắc phục và trở lại đời sống bình thường. Ở Việt Nam các đội ngũ bác sĩ như thế chưa có, bởi vì các chương trình như thế này chỉ là một bước khởi đầu, chúng tôi nỗ lực để kết nối các trại giam khác vẫn chưa được chấp nhận. Khi các trại giam chấp nhận nhiều hơn thì các nhu cầu về bác sĩ tâm lý trị liệu cho phạm nhân sẽ được Phật giáo đào tạo thêm nhiều vị chuyên về lĩnh vực này để hiệu quả tốt. Ở nước ngoài đòi hỏi phải có bằng cấp về công tác xã hội, đặc biệt chuyên viên về tâm lý học tội phạm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cải tạo phạm nhân.

VĂN NGHỆ

Sau các phỏng vấn Thầy thì chương trình văn nghệ bắt đầu, nhạc nền trổi lên làm cho các phạm tưởng như mình đang sống lại một thời “vàng son”, tâm hồn  như được bay bỏng nhẹ nhỏm tự do cởi mở. Có người nhảy múa theo điệu nhạc trầm bổng, hát theo lời ca sĩ, với những tràn vỗ tay liên tục làm cho khuôn viên trại giam nóng hẳn lên. Họ được hôn tay, bắt tay các ca sĩ. Các ca sĩ cũng phục vụ nhiệt tình và chơi hết mình. Mỗi người hát ít nhất 2 bài hát. Đặc biệt ca sĩ Vũ Hà lần đầu tiên đến phục vụ anh hát tặng các phạm nhân 4 bài. Các ca sĩ Ngân Huệ, Hiền Trang, nhóm New and Old,  nhóm hài Tiểu Beo và Bảo Chung Chung với tiểu phẩm “tình cha con” rất cảm động, gợi nhớ lại tình thương yêu của cha mẹ mong chờ con trở về rất phù hợp với hoàn cảnh các phạm nhân, lúc đó từ tâm trạng đang vui mừng theo điệu nhạc Pop lại chuyển sang tâm trạng trầm lắng nhớ quê nhà, tiểu phẩm hài  như một bài thuyết pháp mang tính giáo dục  rất ấn tượng. Các bài hát cũng được các ca sị lựa chọn đặc biệt như: Em không thể yêu anh, Trống vắng, Kiếp đỏ đen,.v.v….Nói chung những người đến với chương trình này đều có chung tấm lòng mong muốn anh em cải tà qui chánh, xa lìa con đường tội lỗi mà họ đã gây khổ đau cho mọi người. Đó là những lời chào tạm biệt mà các ca sĩ gởi gấm lại cho anh chị em.

Ý kiến:

Chúng tôi nghe một số Phật tử nói chuyện với nhau: “các phạm nhân ở đây “có phước” hơn ở các trại giam khác, được tặng quà, được các ca sĩ đến tận nơi phục vụ. Đặc biệt được nghe những lời Phật dạy, được an ủi, được cảm thông. Các Thầy vì lòng từ bi mà đến chia sẽ pháp thoại bình đẳng như bao nhiêu người khác đang có nhu cầu hiểu biết về lẽ sống cao đẹp, an vui hạnh phúc, giúp họ ngăn chặn các nghiệp bất thiện, để cuộc đời họ bớt khổ đau. Chương trình này rất bổ ích.”

Chúng tôi nghĩ, chính lãnh đạo của trại giam ở đây rất cảm thông vì tình con người đối với các phạm nhân, chứ không phải vì họ là phạm nhân và mong muốn các phạm nhân nhanh chóng trở thành người tốt sau khi trở về gia đình sẽ không tái phạm nữa. Cho nên mới tạo điều kiện cho đoàn từ thiện làm những việc có ý nghĩa, với phương thức mở cửa của lãnh đạo trại giam cũng là cách thức góp phần ổn định xã hội thiết thực nhất.

Chúng tôi lắng lòng nhìn họ thật sâu và cảm nhận được khi các phạm nhân khi thấy quí Thầy cô đến thăm họ xem các Thầy, Sư cô như là vị cứu tinh của họ, rất gần họ, cần sự bảo bọc hơn là hình ảnh của các anh cảnh sát cầm trên tay cái roi điện. Hình ảnh các tu sĩ xuất hiện tại những nơi “vùng sâu vùng xa” như thế là bài pháp giáo dục nhân tâm con người rất tích cực. Như lời đức Phật nói “ai cũng có Phật tánh,” chỉ có điều là sử dụng phương pháp nào thích hợp để khơi dậy ông Phật trong tâm đó thức dậy mà thôi.

Có một chị hành nghề chứa mại dâm (đã ly dị chồng) tâm sự trong khi các ca sĩ đang biểu diễn, chị nói: chị ăn năn sám hối lỗi lầm bằng cách phát nguyện ăn chay và muốn vào chùa tu. Chúng tôi khuyên bảo thêm, ngoài việc đó ra chưa đủ. Khi chị trở về chị nên khuyên nhủ bạn bè những người thân nếu họ đang dấn thân vào con đường tội lỗi như chị thì chị hãy khuyên họ từ bỏ nghề bất chánh đó đi, có như thế thì tội lỗi của chị sẽ vơi đi phần nào, đó cũng là cách chuộc tội lỗi thiết thực nhất, bằng không thì chị sẽ mang nghiệp quả này qua đến đời sau vẫn tiếp tục khổ đau nhiều hơn nữa. Chị ta cám ơn tôi rất nhiều lần. Chúng tôi tạm biệt chị vì hết thời gian văn nghệ. 

Cuộc vui nào rồi thì cũng phải tàn, sự sum họp nào rồi cũng phải chia tay. Đúng 2giờ chiều cả đoàn phát quà cho phạm nhân vừa xong và chào tạm biệt ra về trong ngậm ngùi, họ biết rằng khung cửa rồi sẽ đóng khép lại, cho nên họ đứng nhìn cả đoàn cho ra về cho đến khi khuất bóng mới trở vào nhà. 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/quaydau_labo.htm

 


Vào mạng: 3-6-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang