Có bao giờ
bạn nghĩ đến và tự giật mình khi nhớ rằng đã lâu lắm rồi bạn bỏ quên mình
theo dòng xoáy cuộc đời?
Ồ!...
Một trong số
những ca khúc mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời có những mỹ
từ đã làm lay động lòng bao thế hệ, khiến chúng ta không ít bất ngờ:
“Tôi là ai
mà còn trần gian thế
Tôi là ai,
là ai, là ai?
Mà yêu
quá đời này.”
(trích ca
khúc Tôi ơi đừng tuyệt vọng)
“Bao
nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một
chiều tóc trắng như vôi
Lá úa
trên cao rụng đầy
Cho trăm
năm vào chết một ngày.”
(trích ca
khúc Cát bụi)
“Đôi
khi ta lắng nghe ta…”
(trích ca
khúc Tình xa)
Vâng! Bất
ngờ để nhìn lại mình, bất ngờ để nhớ lại lời chư Phật,Tổ.
Trong kinh
Di Giáo, đức Phật dạy:
“Tỳ kheo
các ông! Sau khi ta nhập diệt, phải tôn trọng quý kính Ba La Đề Mộc Xoa
(Giới luật) như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu. Phải
biết pháp này là Thầy của các ông, dù Ta có trụ ở đời cũng không khác pháp
này vậy”.
Hay: “Các
ngươi phải chánh thân chánh ý tréo chân mà ngồi, chuyên nghĩ pháp
bảo đừng nghĩ gì khác. Vì chánh pháp diệt trừ được các ái dục và trần lao,
tâm khát ái hẳn chẳng sanh khởi khiến dục tâm không còn tham dục nữa, và
xa lìa các trói buộc phiền não và tật bệnh vậy. Tự mình nhận nhớ chánh
pháp và khiến người nhận nhớ.” (Kinh Tăng Nhứt A Hàm).
Đến các chư
Tổ, như tổ Qui Sơn, Ngài viết văn “cảnh sách” cũng chỉ để cảnh tỉnh và
sách tấn hàng hậu học chúng ta:
“Gẫm kẻ xuất
gia, bước đi siêu việt, tâm hình khác tục, nối hưng giống thánh,
nhiếp phục ma quân, đền đáp bốn ơn, cứu giúp ba cõi. Nếu không như thế,
lộn núp lốp thầy, ngôn hạnh sổ sàng, ăn lường tín thí, lâu năm đường cũ,
tấc bước chẳng dời, mãn kiếp lừng khừng, lấy đâu nương tựa.” (Qui Sơn cảnh
sách)
Ở Việt Nam,
ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, vị Thiền sư cư sĩ đời Trần đã có lần căn dặn:
“Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được” (Phản
quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc).
Đối với
người tu thiền, hẳn đã thuộc nằm lòng bài phú “ Cư Trần Lạc Đạo” của Điều
Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khi Ngài còn ở ngôi vị Thái Thượng Hoàng:
“Cư trần lạc
đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc
xan hề khốn tấc miên
Gia trung
hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh
vô tâm mạc vấn thiền".
Dịch thơ:
Ở đời vui
đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến
thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà
có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh
không tâm chớ hỏi thiền.
Mới đây, Đêm
Phổ Trà tại TV.Trúc Lâm Phụng Hoàng - Đà Lạt ngày 29/12 Ất Dậu, trong buổi
thuyết pháp, Hoà thượng Thanh Từ có nhấn mạnh: “Tu là để cứu độ
chúng sanh, không phải để thiếu nợ chúng sanh”…
Đâu chỉ có
bấy nhiêu, này bạn! Chúng ta hãy lắng lòng để được nghe trọn vẹn pháp âm
vi diệu của các Ngài đang bàng bạc khắp hư không; và cũng để nhận ra
tiếng nói tự trái tim mình đang hoà quyện cùng hoàn vũ.
Nhưng than
ôi! “Vọng tình dị tập, Phật pháp nan văn”, chúng ta vẫn mãi loanh quanh
trong mê lầm đau khổ. Mà hình như đây là căn bịnh chung của thời đại? Cho
nên chẳng mấy người can đảm đối diện với chính mình để biết mình là ai. Vì
không nhận biết Tôi là ai mà xảy ra bao chuyện buồn cười trong cuộc sống.
Còn chúng ta
thì sao? Vẫn cứ mỗi sớm mai thức dậy, rửa mặt, vuốt lên đầu, thế mà vẫn
quên bẵng Tôi là ai? Chính vì không nhớ mình là ai nên chúng ta đã đánh
mất đi đời sống cao đẹp của bậc xuất trần. Tác hại hơn là chúng ta đã trực
tiếp hoặc gián tiếp làm mất tín tâm Đàn việt.
Trong “Một
Vài Suy Tưởng Nhân Kỉ Niệm Ngày Phật Thành Đạo”- Chơn Hương có viết:
Giáo
lý ví như chiếc bè, là ngón tay chỉ mặt trăng. Chấp vào ngón tay thì làm
sao thấy được mặt trăng. Đã đành hình thức không kém phần quan trọng, ông
thầy tu phải mặt áo tu, nhưng có kẻ không thật tu mà lợi dụng thì sao? Ai
cũng biết rằng kinh điển, chùa chiền ,Tăng ni rất cần cho sự phát triển
Đạo pháp. Nếu kinh điển chỉ để trưng bày cho đẹp mắt, nếu chùa to Phật lớn
mà cuộc sống trong đó không hoà hợp, đầy hỉ nộ, ích kỉ, khư khư ôm giữ một
bản ngã, vì lợi dưỡng và chỉ biết hưởng thụ mà quên đi cuộc đời còn khổ,
quần chúng còn cơ cực nghèo đói. Quên đi mục đích của mình là trên cầu đạo
giác ngộ, dưới cứu khổ mọi loài. Phật tử đi chùa cho đông mà ô hợp, thiếu
đoàn kết, đầy mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, lạy lục cầu cúng, xin
xăm bói quẻ cầu danh lợi mà quên đi sự vô thường trôi nổi, nay còn mai mất,
quên đi lý tưởng của mình là cứu mình giúp đời. Thử hỏi đó có phải là sinh
hoạt Chánh pháp, là sinh lực của Phật giáo không?
… Đạo
phật là đạo cứu khổ độ sanh chớ không phải chỉ cứu những người đã chết.
Đừng biến những phương tiện thiện xảo trong việc giải thoát thành những
hình thức xa rời lí tưởng giác ngộ chỉ vì mê tín lợi dụng và lợi dưỡng, tệ
hơn nữa là biến nó thành thủ đoạn để kiếm sống, thành một nghề nghiệp
chính.
(http://www.quangduc.com/DucPhat/40td-chonhuong.html)
Bạn ạ!
“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, chúng ta phải bình tâm đón nhận
những lời chê bai, phê phán. Ngày xưa, đức Phật chế giới luật một phần
cũng do sự cơ hiềm của ngoại đạo. Nhứt cử nhứt động Ngài đều cân nhắc kỹ
càng. Là người tu Phật chúng ta không cho phép mình làm khác.
Thử nghĩ lại
coi chúng ta đã vì những cái gì mà trở thành kẻ lạc loài trong đạo, làm
đối tượng chê cười cho người đời? Chúng ta hô hào, lạm dụng phương tiện
không chút ngượng ngùng cốt để làm gì? Hãy suy nghĩ cho chính chắn và
thành thật với chính mình. Giữa Phật sự và ma sự, giữa phương tiện độ sanh
và mưu kế kiếm sống, cả hai đều khác xa một trời một vực. Thế mà đôi lúc
chúng ta lại lầm tưởng. Chúng ta đã gom về mình những cặn bã mà bậc thức
giả ở thế gian đã quăng bỏ. Chúng ta đã đánh đổi chí nguyện tu hành vì
những thứ chẳng ra gì. Ôi! Thật là đáng tiếc…
Bạn biết
không? Thiên hạ cho rằng túi tham không đáy, nhưng người tu Phật phải tập
hạnh xả ly. Nếu không thì chính chúng ta sẽ tự biến mình thành những con
mọt trong ngôi nhà Phật pháp.
Bạn ơi! Lời
Phật, Tổ dạy, lời Chư Tôn Đức khuyên răn vẫn mãi âm vang suốt những tháng
ngày. Chỉ tại chúng ta cứ mãi rong chơi, buông thả sáu căn đeo bám dục
trần nên không nghe thấy thanh âm của khuôn vàng thước ngọc mà các Ngài đã
và đang tha thiết truyền trao. Giờ đây, đã đến lúc chúng ta nên dừng lại,
mở rộng cõi lòng san sẻ cho nhau những lời hay ý đẹp. Chúng ta hãy bước
nhanh ra khỏi tháp ngà tự mãn để thấy bên mình còn có muôn ngàn kì hoa dị
thảo. Đó là những linh dược mà chúng ta góp nhặt từ cuộc sống.
Hãy lắng
nghe và lắng nghe. “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” và cũng để được
học theo hình ảnh tuyệt vời của đức Thế Tôn trong suốt cuộc đời hoằng hoá
độ sanh:
“Bình bát
cơm ngàn nhà
Thân đi
muôn dặm xa
Chỉ vì
việc sanh tử
Giáo hoá
tháng ngày qua”.
… Để thay
cho lời kết, nào, chúng ta hãy cùng lắng nghe và suy ngẫm câu chuyện Trái
Tim Hoàn Hảo bạn nhé!...
Có một
chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất
vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái
tim đẹp nhứt mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim
của anh không đẹp bằng tim tôi!” Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái
tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của
tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít
nên tạo một bề ngoài sần sùi, lỏm chỏm; có cả những đường rãnh khuyết vào
mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:
-
Chắc là cụ
nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá
đầy sẹo và vết cắt.
-
Mỗi vết sẹo
trong tim tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái
mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè… Tôi xé một mẫu tim mình trao cho họ,
thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa
xé. Thế nhưng những mẫu tim không hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ
trao cho tôi lớn hơn mẩu tim tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của
tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà
tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh
thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng
tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại.
Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó
họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi đang
chờ đợi.
Chàng
trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ
trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ
trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không
hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lỏm chỏm trên trái tim chàng trai.
Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình
yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…
Sài Gòn tháng giêng năm Bính Tuất.
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/tanman_loichonhau.htm