-
TỤNG
KINH THIẾU
- 12/3Bis Kỳ Đồng, P.9,
Q.3
-Thầy tụng thiếu rồi, mấy thầy
khác tụng từ một tiếng rưởi đến hai tiếng!
-Đủ, đủ, tôi cho là đủ, quan
trọng là sự nhất tâm của chư tăng và lòng thành của gia chủ. Thầy tôi nhỏ
nhẹ trả lời với gia chủ, nhưng tôi thấy thầy tôi bị lép vế vì bị gia chủ
tấn công tới tấp:
-Đủ, đủ là đủ thế nào, thầy đã
tụng thiếu, các thầy chỉ tụng có 50 phút, một tiếng là cùng. Tôi dám bảo
đảm với thầy thiếu là thiếu…(!)
Không khí của một gác lửng thờ
bổng “nóng” hẳn lên, dòng họ của người mất bắt đầu bu quanh bàn tán xôn
xao. Ở đâu đó nghe râm rang: “ Thầy mà còn…tụng kinh thiếu, siêu làm sao
được…”!
Tụng kinh cúng 100 ngày cho gia
chủ. Một ngôi nhà khá sang trọng, đang kinh doanh tiệm đánh bida, nhưng để
bàn thờ hương linh cha của mình trên gác lửng, ộp ẹp và nóng nực như một
lò thiêu. Huynh đệ tôi có người chưa đến kịp, bởi vì người thì tranh thủ
thời gian giờ tan lớp…, người thì chạy lạc đường đến muộn. Gia chủ bắt đầu
trông đứng trông người, làu bàu điều gì đó trong miệng. Và cuối cùng một
nghi thức cũng bắt đầu khoảng 10 giờ hơn…
……..
Một anh trong gia đình, đầu cạo
trọc, anh ta vừa nói, vừa gỏ vào đầu:
-Nói cho các thầy biết, em hồi
trước cũng đi tu. Em nói cho mấy thầy biết, mấy thầy tụng kinh thiếu, em
dám bảo đảm 100% (!)
Thầy và các huynh đệ chúng tôi
lúc đó đều im lặng. Nghe anh ta nói mà tôi mắc cười, tôi đứng lên…nói kiểu
bóng gió:
-Nói theo kinh Kinh Tạng, làm
nghiêm túc thì bảy phần công đức hương linh chỉ hưởng một phần. Còn nói
theo theo Kinh Ca-di-ni trong Trung A-hàm thì chả có công đức gì, không
cứu vớt được gì, chỉ tổ rách việc thôi…!
Tôi cứ nghĩ mình nói như vậy
thì sẽ hạ hỏa, nào ngờ lại phản tác dụng…
Cuối cùng thầy và trò đi về mà
không có ngụm nước vào miệng. Trên đường về, thầy tôi nói: Con không được
nói vậy, người ta có biết di-ni,di-tăng gì đâu, con nói thế mà người ta
càng nóng thêm thôi. Thầy muốn để người ta tự hiểu và nhận ra điều thầy
nói trong một ngày không xa.
Tôi không cho rằng, một gia
đình như vậy có thể nhận ra điều đó, vì thầy tôi…không có nói nhiều như
tôi, thầy tôi chỉ trả lời đơn giản thì làm sao họ hiểu được (!). Không ngờ,
đôi ba hôm sau, gia chủ đến chùa xin lỗi. Cuối cùng, tôi thấy mình giảng
pháp…sai bét. Cái của người ta cần, nhiều lúc không phải là ba tạng giáo
điển mênh mông, mà là những gì họ thấy cần và có thể cảm nhận được. Dăm ba
hôm sau, tôi nói với sư đệ:
-Thầy mình giỏi thật, “ ổng” có
nói gì đâu mà người ta phục sát đất. Nghe nói gia đình họ còn quy y với
chùa mình vào rằm tháng tới. Đúng là “lạt mềm buộc chặt” mà!
Ngoảnh lại phía sau tôi thấy
thầy đi tới, thầy lấy tay xoa đầu hai chúng tôi rồi cười xòa bỏ đi.
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/tungkinhthieu.htm