Trời vào Thu mang lại cảm giác
lành lạnh, nhẹ nhàng. Qua những ngày hè oi bức, ai cũng mong đón nhận được
những luồng gió mới, như xoá bỏ cái cũ để trôi qua, tìm lại bầu không khí
mới mẻ. Cuộc đời là những cái mới trong những giây phút hiện tại, đó là
lời tâm niệm của những ngưòi con Phật, bởi vì sự mầu nhiệm của cuộc đời
đều bắt đầu hay khởi sinh từ giờ phút hiện tại nầy.
Vừa ra khỏi nhà tắm, nhìn Thanh-
vợ tôi, tôi chợt hỏi: “ Thanh chải tóc dùm anh được không?”. Người
nầy mĩm cười, một nụ cười dễ thương làm sao ấy..( Đây là lời nói được gọi
là nịnh đầm mà lị, nhưng không có nói ra thành lời). Thanh vội cầm lược
chải tóc dùm tôi:” Anh có cần chẻ ngôi không? Tóc anh rụng nhiều quá.
Lúc trẻ tóc anh thật nhiều, nhiều lắm, nhưng giờ lại lưa thưa…nhìn thấy
xót ruột lắm”. Nghe được câu nói nầy, lòng tôi buồn lắm ai ơi!
Nhưng nghỉ lại thì không sao vì
vẫn còn có sự an ủi khi so sánh với tóc của Thầy tôi, lúc nào cũng không
còn, nhất là vào ngày Rằm hay 30 của tháng ta âm lịch. Tìm cách để nâng
tinh thần mình lên, nhưng vẫn không thấy ổn lắm, vì Thầy thì tự nguyện cạo
đầu- dù có phải đúng câu tục ngữ:”Ăn chay rát ruột, cạo đầu rát da”,
còn mình thì cố ráng dưỡng tóc mà “Cái tóc là vóc con người”, cho
nên; phải dùng đủ mọi thứ thuốc cho mọc tóc, nên rất ư là khác lắm lắm.
Nhìn thấy một sợi tóc non vừa đâm chồi nẩy nở trên đầu là mừng rỡ, khoe
với mọi người, dù chỉ vài ngày sau thì nó biến đâu mất.
Chạy theo em, chạy theo từng
sợi tóc
Tóc em dài, sao lại ngắn bửa
mai
Trong tâm ta, hình hài em là
mái tóc
Nay đổi hình, phải em đó hay
ai ?
( Minh Thanh )
Tôi không phải đề cao đến mái
tóc, nhưng mái tóc cũng là một trong khởi đầu của đạo, sự hoại sắc để đi
đến một bản sắc dấn thân mới. Như vậy là mái tóc tôi đã tệ đi nhiều rồi,
một sân bay sắp sửa được thành lập, đang chờ ký hợp đồng. . Đôi khi cuộc
sống ở nước ngoài, thời giờ bận rộn, chi phối thật nhiều trong cuộc sống,
nên thời gian cho mái tóc cũng eo hẹp, nhiều khi rảnh rổi mà cũng cảm thấy
như bận. Ôi còn đâu là thời trai trẻ, hiên ngang, oai hùng …coi trời như
đang ở trên cao.
Tôi hay quán chiếu
đến những gì đang xảy ra thường ngày, chung quanh và trong tâm của mình.
Không cố công để tìm, nhưng mỗi hiện tượng đều được soi xét tới để chiêm
nghiệm, để thưởng thức và nhận thức rằng Đức Phật có mặt ở mọi nơi chốn
như câu “ Kính lạy Ba đời tất cả chư Phật ở khắp mười phương”. Sở
dĩ phải vòng vo, nói tới nói lui cũng bởi có nhiều hiện tượng rất tầm
thường, nhưng lại hàm chứa sự mầu nhiệm có mặt, mà có thể các sự kiện nầy
hiện diện thường xuyên quá, ta không thèm chú ý tới. Chúng ta chỉ quan tâm
đến những gì mà mình nghĩ là liên quan đến mình từ vật chất đến tinh thần…sao
cơ thể mình hay phình lên xọp xuống quá vậy? ( Câu nầy có nghiã là
trọng lượng không quân bình, nay ốm mai mập, nhưng vì đây là vấn đề nhạy
cảm, nên phải tế nhị nói cho nó văn vẻ một chút, chứ cơ thể nào phải là
bong bóng ). Sao tóc mình thưa quá không còn đen bóng bẩy nữa, sao mặt
mũi mình, quần áo mình, rồi sao không ai chú ý đến mình hết bởi vì dù sao
mình cũng là thứ thiệt, ngon lành lắm chư bộ ( Giống như tôi vậy, nhiều
khi tưởng mình ngon lắm, nhưng khi đụng chuyện gì thì như bún bị thiêu. Ai
từng bị ăn nhầm bún thiêu- chứ không phải bún riêu- thì biết liền…). Ồ
chỗ nầy nhộn nhịp quá, chỗ nọ nhiều cái lạ quá, chứ không quen thuộc, nhàm
chán như những gì mình đang hạnh phúc có được. Và sao người nầy hay quá,
giỏi quá v.v…Cứ chạy theo bóng và quay cuồng theo những mảnh ráp nối của
từng đoạn phim kết lại và một lúc nào đó, chợt giật mình thấy đã đi quá xa,
rời khỏi thực tế. Ngài Lama Thubten Yeshe nói rằng: “Vì tâm mình chao
đảo, đứng núi nầy trong núi nọ, nên nhìn những đoạn phim được tạo ra từ ảo
tưởng và người khán giả ôm ảo tường của nhà sản xuất phim, lại cứ tưởng là
thật và mình đang ở trong đó”.. (
Trích trong
“Nghiệp và Tánh không” do Cư sĩ Liên Hoa dịch
) Sự khổ đau cũng bắt đầu từ đó, để chúng ta không dám đối diện với mình,
rồi tự dối gạt mình, dối gạt mọi người và đến khi tự suy nghĩ hoài, và đi
đến kết luận rằng: Ôi ta là kẻ cô đơn nhất trần đời, không ai thèm hiểu
ta. Đời sẽ thiếu sót trầm trọng vì không nhìn nhận ra ta, một thiên
tài trên thế gian nầy. Ta là kẻ cô đơn… Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì
…ta !!!
Đó là tâm trạng chung của chúng
ta, vì luôn chấp vào ngã ái. Đứng về xã hội, nhiều khi chúng ta may mắn
hạnh phúc hơn biết bao nhiêu người. Họ khổ sở từ miếng ăn, cái mặc. Họ
thiếu thốn về mọi mặt trong đời sống, nhưng họ vẫn mỉm cười, dù là ráng
sức, vì có khóc cũng chẳng ai để ý đến. Về cơ thể, chúng ta được diễm phúc
lành lặn tay chân, đầu óc minh mẫn…còn biết bao người mù chữ, thất học, cơ
thể không còn nguyên vẹn, cụt tay cụt chân vì chiến tranh hoặc bi thảm hơn
nữa, nhà tan cửa nát, thất lạc người thân v.v…Về phương diện tinh thần,
khi chúng ta cảm thấy sự cô đơn trống vắng, có nghiã là chúng ta có sự
nhận thức về những cảm giác, tri giác về những hiện tượng của tâm nầy và
có nghiã là mình đang có đầy đủ sự sáng suốt để nhận thức, nhưng bị tri
kiến dẫn sai lầm do ái ngã. Trên cuộc đời nầy, có gì là toàn thiện toàn mỹ
và tất cả chỉ là những gì sẽ trở thành…trừ những bậc Thánh Tăng, Bồ
tát hay các vị Phật. Như chính con người tôi, người đang viết bài nầy, là
hiện thân của tất cả sự bất toàn: Về ngoại hình thì xấu xí, hơi thấp, tóc
rụng …về học thức thì kém cỏi, chỉ hay copy, lấy văn của người làm của
mình ( nói đúng là đạo văn, vì văn người ta hay quá mà lị). Còn về
tâm hồn, tánh tình v.v..thì rất khác xa với những gì tôi đang viết, đang
nói. Thú thật thì tôi rất ích kỷ, bỏn xẻn, chấp nhất, tham lam và rất ư là
tệ… vì hay nghỉ đến mình mà quên người. Thưa vâng, nói lên được những điều
nầy, phải nói nhờ Phật Pháp, dám nhìn thẳng vào mình để quán chiếu. Cám
ơn Đức Phật và Giáo pháp của Ngài. Khi mình thấy được những điều dở về
mình, thì những người bạn hay tất cả mọi người đều “dễ tiếp cận với”,
vì đang giao tiếp với một con nguời bình thường, còn mang đầy tục lụy. Còn
những ai nhận thấy con người nầy tầm thường quá, không đáng gần gủi, vì ta
là ai ai khác hơn, cao cả hơn, thì tránh xa ra. Thế là đủ rồi, mình đành
phải vui vẻ chấp nhận số phận hẩm hiu với tánh nết của mình như vậy. Hãy
để gió cuốn đi… Trong những cái bất toàn, khi nhận diện được nó, ta mới
cảm nhận được sự tiềm ẩn của Chân tánh thường hằng không sanh diệt- đó
là Phật tánh, nên cần phải khai phá và phát triển.
Để nối tiếp là sự cô đơn. Sự cô
đơn là sự trưỏng thành của tâm, khi nó lìa xa dần những tham chấp về bản
ngã. Cô đơn không phải để biến chúng ta thành cuồng sĩ, lang thang sĩ, cô
đơn sĩ, la hét sĩ v.v…mà cô đơn là làm cho chúng ta có giá trị hơn. Tại
sao vậy? Bạn hãy nhìn xem, tất cả các pháp môn tu học học hay hành trì
trong Phật giáo, chúng ta nhận thấy đều bắt nguồn từ sự cô đơn, vì sự xả
ly, yếm ly, miên mật….Những tích lũy do tham đắm và trong vô thức chỉ là
làm đầy bản ngã yếu đuối- mặc dù sự gom góp để chật đầy trong tâm làm cái
“chắn che” cho và biến chúng ta thành như một kẻ anh hùng. Nhìn bề ngoài
thì chúng ta cần phải có mặt, phải hiểu, cần phải được nhìn nhận v.v…và
rồi, chúng ta phóng tâm đi tìm những bù đắp qua những sở hữu tiếp nối như
tài sản, danh vọng, tình cảm, sắc đẹp hoặc vi tế hơn- cho cái ngã ái yếu
đuối. Bởi vì bỏ đi lớp sơn dày bao phủ, chúng ta thấy nó chỉ là rỗng không,
không thực hữu, không tồn tại biệt lập mà chỉ là duyên sinh duyên hợp,
chúng ta sẽ trống vắng và giả cô đơn. Bởi thế, theo Đạo Phật, cô đơn là sự
nhận thức và trưởng thành, chứ không phải là sự phóng ngã, bám víu.
Nhân thức được như vậy, chúng
ta mới cảm thấy mình rất hạnh phúc vì hưởng thụ quá nhiều trong đời sống,
nhưng mình lại quên lãng vì chỉ cầu cạnh cho cái ta hay cái gì của mình,
quên nghỉ đến người khác cũng như cảm giác của họ hay cho những gì xung
quanh mà cái ta mình tạo ra.
Qua đó, chúng ta mới cảm thấy
có những thứ tình yêu đã làm cho cuộc đời con người có giá trị nhân bản,
làm người- như tình hy sinh của bà mẹ. Sự hy sinh là quên đi bản ngã, quên
cái ta nhỏ bé của mình vì sự hiện hữu của người và qua nguời khác, vì đó
chính là sự hiện hữu của mình- một hình ảnh quả tuyệt đẹp. Bà mẹ lo cho
con không phải để cầu được sự báo đáp, nhưng lo cho con chỉ duy nhất vì
hạnh phúc của con và đó là món quà tinh thần vô giá đối với mẹ.
Sau cuộc bể dâu biến động của
năm 1975, chúng ta chứng kiến rất nhiều những hình ảnh cao đẹp, sáng chói…như
những vị Bồ tát. Chỉ có một số nhỏ người phụ nữ bị sa ngả, còn tuyệt đại
đa số người đàn bà Việt Nam- những người phụ nữ chân yếu tay mềm ngày nào,
nay bổng trở thành những huyền thoại đầy xúc động, đầy tính nhân bản qua
những sự hy sinh cho chồng cho con, dù thân thể bị thiệt thòi, thiếu thốn.
Những sự hy sinh đó, không có bút mực hay giấy nào có thể nào có thể kể
hết được.
Chợt nghỉ đến những
người bạn mà tôi gọi phone thăm sáng nay. Một người bạn thân đã lâu năm,
từ Louisiana chuyển về định cư ở Florida sau cơn bão Katrina vừa qua. Sức
khoẻ của anh rất kém, vì bệnh hoạn đã lâu năm, nay lại khám phá ra dưới
chấn thủy ( xương ức) có cục bướu rất lớn, đang test và chờ mỗ. Một người
thì hiện ở Louisisana, vợ cũng bệnh nặng… Cuộc sống xa xứ, những gia đình
mà vợ chồng tôi quen biết đã lâu năm, thân tình, gần gủi hơn là ruột thịt.
Chúng tôi thường nói với nhau “Hãy gọi phone thăm nhau khi nhớ đến nhau,
để biết khoẻ mạnh hay đau yếu ra sao và để cầu nguyện cho nhau…vì ai nấy
đều có tuổi đời chồng chất”. Theo chị bạn ( đang bệnh ) của gia
đình kể lại:” Vì biết em bệnh nặng, nên chồng em ảnh thường an ủi và
nói rằng: Em hãy ráng điều trị để mong hết bệnh. Nhưng nếu em có mệnh hệ
nào, thì anh sẽ đi vào chùa, để theo tu với Thầy…Vì con cái đều cũng đã
lớn, đã trưởng thành hết rồi”. Những lời nói bộc bạch, chân tình của
người chồng khi nói cùng vợ khi vợ đang bệnh, nghe sao thật đẹp, thật
tuyệt vời, khiến lòng người ấm lại.
Kể lại những chuyện
trên, chúng tôi không đề cập đến sự quyến luyến, tham đắm theo những lời
nói, những bận bịu để làm nội kết cho những kiếp tương lai, như lời nói: “Tình
đa thiểu tưởng, lưu nhập …”, thì đó là một khiá cạnh khác của vấn đề.
Còn con người- làm được như một con nguời bình thường, quả đã là khó,
huống hồ là một gia đình. Theo Dịch học: “Vạn vật bồng Dương cõng Âm”.
Một cá nhân riêng lẽ- dù nam hay nữ- cũng đều có những mâu thuẫn
nội tại, cho nên khi hai cá thể hợp lại để thành vợ chồng hay một gia đình,
cũng đều mang những mâu thuẩn đó để hoà hợp lại. Trên thế gian nầy, bất cứ
gia đình nào cũng có sóng gió, có xáo trộn, có tranh cải v.v…như một lẽ
đương nhiên vì những mâu thuẫn như vừa đề cập ở trên, nhưng tự bản chất
hay trong chiều sâu nội tâm- “con người ai nấy đều mong cầu hạnh phúc
an lạc”, cho nên những mâu thuẫn đó lại là những biểu hiện của sự chia
xẻ, cùng nắm tay nhìn về một huớng- vì gia đình, vì tình yêu và còn vì
những thế hệ kế tiếp. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến tấm lòng hay chân
tình. Là một người bình thường theo Tục đế- lời ái ngữ nầy là tình
nghiã vợ chồng cho nhau trong những lúc nguy nan của cuộc đời, vì bao năm
chung sống thì những lời nói chia xẻ, an ủi nầy ít khi được nói ra mà chỉ
được biểu lộ bằng sự trọn vẹn tình yêu của đạo vợ chồng. Nhìn qua Chân
đế- vì là người Phật tử có tu học, đó là những lời nói pháp sâu xa để
vực dậy một sức sống, làm hồi sinh một sinh mạng tâm linh để hiểu và nhận
thức về cuộc đời và làm sao cho có ý nghiã. Sự thịnh suy, vinh nhục, mất
mác, sinh tử v.v..chỉ là những đợt sóng trong muôn vàn đợt sóng. Chúng ta
không cho nhau những giây phút nầy, thì còn gì cho nhau nữa…
Có những dữ kiện là
một định luật thiên nhiên như: sinh già bệnh chết- không ai có thể thay
đổi được. Chúng ta chỉ có thể thay đổi mọi hoàn cảnh để làm sao cho cuộc
đời có giá trị thực sự. Trong một bài thơ nói về “Chân tâm”, trong đó có
vài câu đã đi vào tâm tôi:
Em về tóc xoã lưng trời
Đôi vai trĩu nặng đôi bờ tử
sanh
Gặp em mới biết luân hồi
Nếu không muôn kiếp, ta còn nơi
đâu…( Minh Thanh )
Ta còn nơi đâu như
một linh hồn vất vưỡng, hay chúng ta còn nơi đâu, bơ vơ, lạc lỏng giữa
cuộc đời? Không phải bi quan cho cuộc đời, nhưng như một nhận diện, tiếp
cận và chuyển hoá…Ta không thể kêu thảng thốt lên một cách tuyệt vọng…
Bạn hãy chỉ dùm tôi- nơi nào
tôi ở
Cuộc luân hồi, thay đổi mặt
muôn nơi
Hình hài xưa, bỗng chốc là hư
ảo
Đôi tay gầy, gỡ nội kết rời bay
…( Minh Thanh )
Thưa bạn, Đạo Phật chưa bao giờ chỉ cho chúng ta con đường để
bi quan, yếm thế… mà con đường Khổ Đế- chỉ là nhận diện, vì chạy
trốn chỉ đem lại khổ đau và đau khổ. Sự trực diện để chuyển hoá ( Tập
đế )-với chính cái mà mình thấy sai lầm, đó là một tác phẩm tuyệt đẹp
đang thanh hình nơi bạn, nơi chính những hũu tình là chúng ta.
Chiều nay, tôi đi bộ quanh bờ
hồ sau lưng nhà. Cái hồ rất rộng, từng míếng xi măng nối nhau để tạo nên
đường đi vòng quanh hồ, dành cho những người cư trú trong khu nầy xử dụng,
đi bộ. Nếu dạo chung quanh hồ, thong thả từng bước một hay đi hơi vội vả
một chút, cũng mất khoảng 25 đến 30 phút. Giữa hồ có 3 cột phun nưóc, xoè
ra những vòi rồng bắn nước tung toé, tạo nên những tiếng róc rách như
tiếng thác đổ, thật đẹp và nên thơ. Không khí trong lành, thoáng mát. Đã
dọn về đây hơn ba năm, và nhìn thấy bao lần mùa thay đổi, nhưng đâu phải
lúc nào ta cũng cảm thấy được những cảnh đẹp hiện hữu chung quanh.
Những cánh chim bay từ cao xà
xuống mặt nước, rồi lại bay lên. Cạnh đó, có đàn thiên nga đang vờn vui
trong nước một cách thoả thích. Có những chiếc lá rơi rụng trên mặt hồ,
đong đưa như những chiếc thuyền lơ lững trên dòng nuớc cuộc đời.
Thuyền lặng lẽ, một mình trên biển nước
Đi về đâu bao sóng cuộn luân
hồi
Nơi bến cũ, một lần thuyền
cập bến
Sóng muôn trùng,
thuyền-bến nơi đâu ????
( Minh Thanh )
Đâu phải hôm nay, mặt hồ mới
trẻ trung, đẹp. Dù là cái hồ nhân tạo, nó cũng hiện diện một khoảng thời
gian qua. Gió vẫn thổi vi vu. Đâu đây vài tiếng chim hót líu lo, rộn ràng
những âm thanh ngọt ngào. Cảnh Cực Lạc nơi đâu, tôi chưa thấy vì chưa đến
hay thể nhập được(?), nhưng không khí êm dịu, lặng lẻ…và nơi đây, tiếng
chim hót, gió, tiếng cỏ non cựa mình, tiếng lá rơi, tiếng của vạn vật
chuyển mình, bổng trở nên xuất thần như là tiếng thuyết pháp…những lời
pháp âm tuyệt diệu, lóng lánh như những hạt kim cương trong bài Tâm Kinh
Bát Nhã….năm uẩn có còn không, một cơn gió thoảng, mộng mị vỡ tung, đừng
sợ hải, hãy bước vào đời, vượt qua đi, bằng trái tim ngọc….trái tim kết
bằng những cánh sen…
Tôi không muốn lơ lững trên bầu
trời của âm thanh và màu sắc, vì nó rực rở ở muôn nơi. Tôi không muốn gom
lại tất cả để chỉ vừa đủ trọn trong lòng bàn tay, vì nó là bầu trời là đại
dương, là thế giới kỳ vĩ của thiên nhiên, của tâm…mà chính tôi muốn nói
đến những hạt tham sân si đã vô tình trút lên thân phận của thiên nhiên,
trong đó là chỗ trú ngụ của chúng ta trong cuộc làm người.
Chúng ta nói là yêu thiên nhiên,
thèm nhìn cảnh có bầu trời, có mây nuớc, có những không khí trong veo lành
lặn v.v…nhưng chúng ta lại bắt tất cả hy sinh chỉ để phục vụ cho mình một
cách không thương tiếc. Hiệu ứng nhà kiếng đã làm bao tai trời ách nước
xảy ra. Môi sinh được chúng ta cải tạo bằng cách như vậy, bằng chiến tranh,
bằng bom đạn, bằng hận thù v.v…trong lúc biết bao cảnh điêu tàn, đổ nát
diễn ra hằng ngày….
Hãy ngủ đi em, để cho ngày
đến bình thường
Ngủ đi em, để lắng nghe
tiếng trống trường đã điểm
Ngủ đi em, để nhìn thấy ánh
mắt mẹ cha ngời sáng
Ngủ đi em, con đường nào có
hoa vàng, đón một ngày vui
Hãy ngủ đi em, giấc ngủ sẽ
đưa em vào ngày mai
Vì ngày hôm nay, em không là
gì
Vì ngày hôm nay, em không
còn gì
Những hố bom, tan nát cửa
nhà
Những hố bom, chôn xác bao
người
Những người còn sống, đầu
chít khăn tang
Người ốm yếu, còn nhìn nhau,
mắt mòn hy vọng
Đôi tay còn lại gì
Đôi mắt nầy còn thấy gì
Ngủ đi em để ngày đến bình
thường
Hãy ngủ đi em, giấc ngủ đưa
em vào ngày mai….(
Minh Thanh )
Có bao giờ chúng ta nghe được
tiếng của cây, của lá, của cỏ ..than van….Bạn ơi! Tôi đã sống trọn vẹn cho
bạn ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai, vì tôi đã hút hết thán khí độc
carbonic để dành cho bạn hít thở bầu không khí oxy trong lành. Bạn có nghe
được tiếng nước của mặt hồ không…thân tôi là những tế bào nuớc kết nối lại,
tôi đã bốc khói lên dưới ánh nắng mặt trời, làm đám mây, làm mưa và là
nuớc…trong thân thể của bạn, của muôn loài đều có tôi…có bao giờ bạn biết
như vậy không?
Chúng ta cô độc trong mùa đông,
rạng rở trong mùa xuân, hối hả trong mùa hè, trầm lặng trong mùa thu và
lại tiếp nối, nhưng bạn có biết bốn mùa là sự vận chuyển kỳ diệu để nuôi
duỡng vạn vật và cho cả chính bạn.
Tuyệt phẩm thiên nhiên nầy cần
phải được tỉnh giác mới nhận thức, chiêm nghiệm và gìn giữ được và bóng
dáng của Đấng Đại Giác lại trở về làm hiển lộ hơn tác phẩm kỳ vĩ nầy.
Chúng ta thường nghe nói “ hiểu để thương” nhưng lại quên rằng “thương
cũng hiểu”, bởi vì chúng ta đã phân cách và cắt đoạn ra để nói, mà
quên rằng “hiểu và thương” là cặp bài trùng, song sinh và không thể cắt
phân đoạn được. Giữa “ tuệ nhật phá chư ám” và “từ nhản thị
chúng sinh”, nơi nào là kẽ hở để phân chia.
Trong tình yêu của Như Lai Tỳ
Lô Giá Na dung chứa cả khắp vũ trụ, vô biên thế giới cũng tràn đầy ánh
sáng của Như Lai Đại Nhật. Nếu khi nào chúng ta phân đoạn, thì chúng ta
đang sai lầm vì cho cái nầy quan trọng hơn cái kia. Vô lượng vô biên các
Đức Phật cũng như vô lượng vô biên các vị Phật Đồng Danh Đồng Hiệu đều
hiện thân xuống cõi Ta bà hay các thế giới khác để ban vui cứu khổ cũng vì
“ hiểu và thương”. Trong những chặng cuộc đời của tôi đã bao lần gặp sóng
gió. Có những sự việc xảy ra đã làm cho nuớc mắt tôi nhiều lần chảy xuống,
bế tắc cuộc đời, “tiền lộ mang mang bất tri hà vãng”,
tại sao lại xảy ra cho tôi? Tôi
làm gì nên tội? và cảm xúc khổ đau dâng tràn như những vết dao xẻ từng thớ
thịt, đau và xót xa lắm….Nghiệp lực không chừa một ai, và đùa giỡn trên sự
đớn đau của mình. Tôi đã cầu nguyện đến Bổn Tôn của mình- Bồ Tát Đại bi
Quán Thế Âm, Người đã và đang đi bên cạnh tôi trong những thời gian qua-
nhưng không phải tôi cầu nguyện để cầu xin một tha lực che chở, giải cứu
cho tôi trong nổi bấn loạn nầy. Và Ngài đã đến, xuyên qua cánh cửa Phổ Môn
huyền diệu, xuất hiện trong tâm tôi….”Dù hoàn cảnh nào, con cũng đừng
bao giờ bỏ mất Tâm Bồ Đề, vì khi con còn nuôi dưỡng và gìn giữ tâm Bồ Đề
thì lúc nào ta cũng có bên con ”. Lời nói êm dịu đó có sức bật dậy, vì
bao hàm cà “hiểu và thương”, làm sống trong tôi những lời sám hối.
Thưa bạn, cuộc đời
thì quá ngắn ngủi, rồi mai nầy ai nấy đều phải ra đi. Chúng ta không biết
lúc nào mình là người kế tiếp. Có “những cái chết nhẹ như lông hồng,
nhưng cũng có chết nặng tợ núi Thái sơn”. Kinh qua cuộc làm người với
những đau khổ và hạnh phúc, chúng ta có được bài học của tỉnh thức. Đạo
Phật đánh thức chúng ta để trở nên con người bình thuờng, quán chiếu lại
mình và sống sao cho có ý nghĩa. Đừng bao giờ đòi hỏi mình phải là gì,
được gì, chứng gì…chỉ duy nhất khi biết mình có tánh Phật, cần phải khai
phá tánh giác nầy, cũng đủ làm đảo lộn cuộc đời và đó là tác phẩm
thiên nhiên cao quí nhất mà bạn có thể dâng tặng cho cuộc đời. Những lời
nầy xin dâng tặng tất cả mọi người, dù bạn có đồng ý hay không, xin hãy
tự trả lời.
Cuối Thu năm 2006
Viết xong ngày 27.11.06
http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/tuyetpham_thiennhien.htm