- Công dụng của Giới đức
- Tỳ kheo Thanissaro
- Bình Anson lược dịch
Tháng 10-1999
Giới thiệu: Tỳ kheo Thanissaro là một tu sĩ người Mỹ, viện
chủ thiền viện Metta (Từ bi), bang California, Hoa Kỳ.
-oOo-
Đức Phật được ví như một vị lương y, chữa bệnh tâm
linh cho loài người. Con đường hành đạo Ngài dạy được ví như một
chương trình trị liệu các đau khổ trong tim và trí óc. Ví dụ này thường
được thấy trong kinh điển, để ca ngợi Đức Phật và lời dạy của
Ngài, tuy đã xưa nhưng cũng rất thích hợp cho ngày nay. Thiền định Phật
giáo được xem như một phương cách chữa trị, và giờ đây có nhiều
nhà tâm lý trị liệu đã thử dùng phương cách này như một phần trong công
tác trị liệu của họ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng hành thiền tự nó
không thể cung cấp một sự trị liệu toàn túc. Cần phải có các hỗ trợ
ngoại vi. Các thiền sinh ngày nay đặc biệt đã bị ảnh hưởng sâu đậm
của văn minh vật chất, khiến họ không có sự kiên cường, trì chí, và
tự tin cần thiết để các pháp hành thiền Chỉ-Quán trở nên công dụng
hữu hiệu. Một vài vị thiền sư nhận thấy được vấn đề này, và cho
rằng con đường Phật giáo không đủ để cung ứng các nhu cầu đặc biệt
của chúng ta. Để bổ sung, các vị ấy thí nghiệm kết hợp với nhiều
phương cách khác, chẳng hạn như huyền học, thi ca, tâm lý trị liệu, xã
hội học, khổ hạnh, nghi lễ tế tự, âm nhạc, vv. Thật ra, vấn đề chính
ở đây không phải là có một sự khiếm khuyết nào trong con đường Phật
giáo, mà là vì chúng ta đã không thực hành đầy đủ phương thức trị
liệu của Đức Phật.
Con đường của Đức Phật không phải chỉ có chánh niệm,
các pháp hành thiền Chỉ và thiền Quán, nhưng bao gồm các Giới đức, bắt
đầu bằng năm giới căn bản. Thật thế, các giới luật tạo thành bước
đi đầu tiên trên con đường đó, con đường Giới-Định-Tuệ. Khuynh hướng
ngày nay thường khinh rẻ năm giới luật nầy, cho rằng đó chỉ là các
điều lệ của lớp giáo lý vỡ lòng bắt nguồn từ đời sống cỗ xưa,
không còn thích hợp cho nếp sống tân tiến hiện đại. Quan niệm đó đã
bỏ sót vai trò mà Đức Phật đặt ra cho giới đức: giới đức là phần
căn bản của chương trình trị liệu vết thương trong tâm trí. Giới đức
đặc biệt để dùng chữa trị hai thứ bệnh đã tạo ra mặc cảm tự ti:
hối hận và chối bỏ.
Khi ta có những hành động xấu, không hợp với lẽ phải,
ta thường có những hối hận về việc làm đó, hoặc tìm cách chối bỏ
chúng. Chối bỏ bằng cách tự lừa dối cho rằng các hành động đó quả
thật đã không xảy ra; hoặc chối bỏ bằng cách cho rằng tiêu chuẩn đánh
giá các hành động đó là không có giá trị gì cả. Các phản ứng này giống
như các vết thương trong tâm thức. Hối hận giống như một vết thương
mở, rất nhạy cảm khi sờ đến nó. Chối bỏ giống như vết sẹo chai cứng
chung quanh vết da non. Khi tâm thức bị tổn thương như vậy, nó không thể
lắng đọng thảnh thơi an trú vào hiện tại, bởi vì nó không thể an nghỉ
trên vết thương còn non, hoặc trên vết sẹo chai cứng. Khi tâm thức bị
áp đặt bó buộc vào hiện tại, nó chỉ ở đó một cách căng thẳng, méo
mó và nửa chừng. Tuệ quán hiện ra cũng bị méo mó và nửa chừng như thế.
Chỉ khi nào tâm thức không còn các vết thương và vết sẹo, thì nó mới
có thể an định thảnh thơi và tự do an trú vào hiện tại, và từ đó nảy
sinh tuệ giác một cách toàn vẹn, không bị bóp méo.
Đây là lúc để giới đức đi vào: giới đức được dùng
để chữa các vết thương và vết sẹo. Lòng tự tin lành mạnh bắt nguồn
từ một cuộc sống thiện, hợp với các tiêu chuẩn tốt, thực tế, rõ
ràng, nhân bản, và đáng kính. Năm điều giới (ngũ giới) được đặt ra
để có cuộc sống phù hợp với các tiêu chuẩn này.
1- Thực tế: Tiêu chuẩn do giới luật đặt ra rất đơn giản:
không cố ý sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không gian dối, không
uống rượu hoặc dùng các chất say. Chúng ta đều có thể sống phù hợp
với các tiêu chuẩn đó -- dù rằng đôi khi có vài khó khăn, bất tiện,
nhưng luôn luôn có thể thực hiện theo được. Có vài người tìm cách diễn
dịch các giới điều này, biến thành một loạt các tiêu chuẩn có vẻ
cao sang hơn -- chẳng hạn biến cải điều giới thứ hai, không trộm cắp,
thành điều giới không phung phí nguồn tài nguyên địa cầu. Làm như thế
trông có vẻ thanh cao, nhưng chắc chắn rất khó thực hiện được. Những
ai có kinh nghiệm điều trị người bị bệnh tâm thần chắc biết được
hậu quả tai hại từ việc áp đặt các tiêu chuẩn quá xa vời, không thực
tế. Nếu ta đặt ra những tiêu chuẩn mà bệnh nhân chỉ cần một mức độ
cố gắng và chánh niệm vừa phải là có thể đạt được, lòng tự tin của
họ sẽ gia tăng mạnh mẽ vì họ nhận thấy rằng chính họ có đủ khả
năng để đạt đến các tiêu chuẩn đó. Nhờ thế, họ có thêm nhiều tự
tin để thực hiện các công việc khó khăn khác để điều trị bệnh tâm
thần của họ.
2- Rõ ràng: Giới điều do Đức Phật đặt ra rất rõ
ràng, không có những từ ngữ phân vân nghi hoặc, như: "Nếu như...,
Cũng có thể là..., Nhưng mà...". Điều nầy có nghĩa các giới điều
là những hướng dẫn minh bạch, không có kẽ hở cho các biện minh lý giải
lòng vòng, không ngay thẳng. Một hành động chỉ có thể hoặc là phù hợp,
hoặc là không phù hợp với giới điều. Rõ ràng như thế! Vì vậy, rất
dễ tuân theo, không phân vân nghi ngờ. Những ai đã từng dạy trẻ con đều
biết mặc dù chúng thường than phiền về các kỹ luật sắt thép, thật
ra, chúng cảm thấy an tâm với những điều lệ rõ ràng, minh bạch, hơn là
các điều lệ mơ hồ, dễ mặc cả để thay đổi. Cũng như thế, đối với
bản thân, các điều luật giới hạnh minh bạch sẽ không cho phép các ý tưởng
gian trá ngủ ngầm tìm cách lén vào khuấy động tâm trí của hành giả. Nếu
ta tuân thủ theo giới điều của Đức Phật, ta không thể nào nuôi dưỡng
ý tưởng sát hại, và từ đó, ta tạo ra một sự an toàn không hạn chế
cho mọi sinh vật. Các giới điều khác sẽ giúp tạo ra một sự an ninh về
của cải tài sản, lòng tiết hạnh của mọi người, một sự giao tiếp
chân thật, và một cấp độ cao về tâm trí sáng suốt, không bị lu mờ bởi
rượu chè say sưa.
3- Nhân bản: Giới điều của Đức Phật có tính nhân bản
cho người giữ giới lẫn những người giao tiếp chung quanh. Nếu bạn giữ
giới, bạn tự đặt mình vào qui luật nghiệp quả, và bạn sẽ thấy rằng
những gì bạn giao tiếp với thế giới bên ngoài là kết quả chủ động
của nghiệp hành, qua thân-khẫu-ý, mà bạn thực hiện ngay trong giây phút
hiện tại. Bạn nhận thức thế giới qua nghiệp hành của chính bạn, và
bạn hoàn toàn chủ động để kiểm soát các phản ứng của bạn ngay
trong hiện tại. Bạn không bị chi phối bởi hình dáng sắc đẹp bên
ngoài, thân thể, trí thông minh, địa vị tiền bạc, vv., vì đó chỉ là
các yếu tố ngoại vi đó chỉ là kết quả của nghiệp hành đã tạo ra
trong quá khứ. Bạn hoàn toàn sống trong hiện tại. Các giới điều giúp bạn
tập trung tâm trí để sống linh hoạt trong các tiêu chuẩn hiền thiện
ngay bây giờ và tại chốn nầy, không truy tầm quá khứ, không vọng mống
tương lai.
Nếu bạn chung sống với những người biết giữ giới, bạn
sẽ thấy mình đang sống trong môi trường hoàn toàn không có nghi ngờ và
sợ sệt. Họ quí trọng hạnh phúc của bạn như thể hạnh phúc của họ.
Họ không tranh giành khống chế, không tạo cảnh kẻ thắng người thua.
Khi họ nói đến lòng từ bi và chánh niệm khi hành thiền, bạn sẽ thấy
chúng phản ảnh ngay trong các hành động thường ngày của họ, lời nói
và việc làm cùng hợp nhất. Như thế, giới đức không những làm tăng
trưởng lòng thiện của từng cá nhân, mà còn giúp tạo một xã hội tốt
lành - một xã hội gồm những cá nhân đầy tự tin và biết tôn trọng đời
sống lẫn nhau.
4- Đáng kính: Khi bạn chọn một tập hợp các tiêu chuẩn
cho cuộc sống, điều quan trọng bạn cần phải biết là các tiêu chuẩn
đó do ai và nhóm nào đề xướng và có nguồn gốc ở đâu, bởi vì khi bạn
tuân theo các điều luật đó, hiển nhiên là bạn phải tham gia vào nhóm đó,
được nhóm đó thẩm định, và chấp nhận mực thước đo lường cái đúng
và cái sai do họ đặt ra. Trong trường hợp của Ngũ giới, bạn không thể
nào tìm ra một nhóm nào khác tốt lành hơn: đó là giới điều của Đức
Phật và các vị đại đệ tử Thánh tăng đặt ra và thi hành. Trong kinh
điển, Ngũ giới thường được gọi là "các tiêu chuẩn của bậc
Thánh nhân". Các vị nầy không chấp nhận giới luật vì chúng có
tính phổ thông hấp dẫn. Họ chấp nhận chúng qua các kinh nghiệm trong đời
sống tu tập của họ và thấy chúng có hiệu quả ích lợi thật sự trên
con đường đưa đến giải thoát tối hậu. Có thể có nhiều người vì
vô minh mà chê cười bạn khi bạn tuân thủ Ngũ giới, nhưng các bậc
Thánh hiền triết sẽ luôn luôn kính trọng và chấp nhận bạn vào trong cộng
đồng của họ, và sự kính trọng của họ là có giá trị nhất, so với
những người vô minh kia.
Bây giờ, có thể có nhiều người cảm thấy khó mà tưởng
tượng việc gia nhập vào một nhóm trừu tượng như thế, nhất là khi họ
chưa bao giờ được gặp một vị Thánh nhân. Rất khó có được một lòng
từ bi và rộng lượng khi xã hội chung quanh ta cười chê các điều đó,
và lúc nào cũng đề cập đến sự hấp dẫn của tình dục, quyến rũ vật
chất và cạnh tranh thương mại áp bức. Đây là lúc cần phải có các cộng
đồng Phật tử chân chánh. Thành viên của các cộng đồng nầy sẽ giúp
ta thấy được gương mẫu của các hành động hiền thiện và giới hạnh.
Những người này tạo ra một môi trường tốt để ta có cơ hội áp dụng
rốt ráo con đường trị liệu của Đức Phật: hành Thiền và phát triển
Tuệ giác trong một đời sống có Giới đức. Nếu ta có được những môi
trường tốt lành như thế, ta sẽ thấy rằng pháp hành thiền không có vẻ
gì là huyền bí và mù quáng, bởi vì pháp hành đó có căn bản dựa trên
thực tế công minh của một đời sống đầy ý nghĩa. Từ đó, bạn có đủ
tự tin để sống trong giới đức, sống hoàn toàn tốt lành trong đời sống
thật sự đầy ý nghĩa của một con người, trên con đường tiến đến
an vui và hạnh phúc viên dung.