Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Quan niệm về giới luật của Phật giáo
(Trích trong Cát Đằng Tục Tập)
Dung Hy Pháp Sư
Thích nữ Như Đức dịch

Tam thừa Quyền giáo của Phật giáo đều coi trọng giới luật. Kinh Lăng Nghiêm viết : "Nghiêm tịnh Tỳ-ni, hoằng phạm tam giới" (Nghiêm trì tịnh giới, làm khuôn phép cho ba cõi).

Tỳ-ni dịch là Luật. Đệ tử Phật là bậc đạo sư của ba cõi, phải nghiêm tịnh hành trì giới luật mới có thể độ thoát chúng sanh. Khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, ngài A Nan hỏi : "Bạch Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn còn tại thế, chúng con nương theo Thế Tôn làm Thầy. Còn sau khi Thế Tôn nhập diệt, chúng con sẽ nương ai làm Thầy ?" Đức Phật dạy : "Các ngươi phải nương theo giới luật làm Thầy". Vì thế, trong ba môn Vô lậu học, giới luật được kể trước tiên. Giới có 3 tụ :

  1. Nhiếp luật nghi giới : Thọ trì 5 giới, 8 giới, 250 giới Cụ túc...
  2. Nhiếp thiện pháp giới : Thực hành tất cả các pháp lành.
  3. Nhiếp chúng sanh giới : Làm tất cả việc lợi ích cho chúng sanh.

Ba điều này gom góp hết tất cả thiện pháp, nên gọi là ba tụ.

Trong các giới này lại phân ra làm hai hệ Đại thừa và Tiểu thừa :

- 10 giới, 250 giới v.v… là giới của Tiểu thừa.

- 10 giới trọng, 48 giới khinh, Tam tụ giới là giới của Đại thừa.

Tất cả quả Thánh đều do giới mà thành tựu, cho nên Tỳ-kheo thà mất thân mạng, quyết không hủy phạm giới pháp đã thọ.

Xưa kia, có một vị Tỳ-kheo đi khất thực, đến đứng ngoài cửa của người thợ xỏ ngọc. Lúc ấy, người thợ đang xỏ ngọc ma-ni cho Quốc vương, thấy có vị Tỳ-kheo đi hóa duyên, ông bèn vào trong nhà lấy thức ăn ra dâng. Trong lúc đó, con ngỗng của ông nuôi ngỡ là thức ăn nên nuốt mất của ông một viên ngọc; khi trở ra thấy mất viên ngọc, ông nghi ngờ và trách cứ vị Tỳ-kheo đã lấy mất viên ngọc của mình. Vị Tỳ-kheo vì sợ ông sẽ giết con ngỗng đi nên lặng yên chịu oan không nói. Người thợ bèn trói vị Tỳ-kheo lại đánh đập tàn nhẫn, máu vãi ra đầy đất. Thấy máu, con ngỗng chạy đến hút lấy hút để. Đang cơn tức giận, người thợ đánh con ngỗng chết ngay.

Lúc bấy giờ, vị Tỳ-kheo nói bài kệ :

Khi xưa đức Bồ - tát
Xả mạng cứu bồ câu
Ta nay cũng như thế
Xả thân muốn thay ngỗng
Do vì ngươi giết ngỗng
Tâm nguyện ta chẳng thành.

Khi ấy, ông thợ xỏ ngọc mổ bụng con ngỗng ra, nhìn thấy viên ngọc, ông ta bật khóc to lên, nói với vị Tỳ-kheo rằng : "Ngài chẳng tiếc thân mạng mình bảo hộ mạng sống con ngỗng, đã khiến cho tôi phạm điều sai lầm lớn". (Rút ra từ ĐẠI TRANG NGHIÊM LUẬN).

Đây là tấm gương hộ trì giới sát.

Còn như các bậc Cổ đức trong Thiền tông : Ngài Quy Tông cuốc con rắn, ngài Nam Tuyền chém con mèo. Đó là "chánh lệnh đương hành, đại quyền đại dụng" (Phương tiện đại quyền biến để khai thị của Thiền tông). Điều này cần phải luận bàn riêng thôi !

Các bậc thiện tri thức ra đời để dìu dắt chúng sanh, như bậc Đại Y Vương, tùy bệnh mà cho thuốc. Chẳng hạn nói về giới uống rượu, Ngũ giới cũng phải hành trì. Đủ biết tầm quan trọng của giới không uống rượu như thế nào !

Như ngài Quán Tông sau khi đắc pháp, tự tại như như, vượt ra khỏi khuôn phép của giới luật, thích uống rượu, không ngày nào không say. Thế mà người dân trong thôn lại rất yêu kính Ngài, thường đem rượu ngon đến tặng cho. Có một hôm Ngài đang tắm trong nhà tắm, nghe có người mang rượu đến cho, Ngài để thân thể lõa lồ bước ra tiếp lấy rượu rồi đi. Mọi người thấy thế cười vang lên, Ngài vẫn điềm nhiên chẳng hề xấu hổ.

Ngài thường cởi trần đi xuống núi. Có người hỏi Ngài : "Thế nào là gia phong của Đạo giả ?" Ngài đáp : "Áo cà sa gói giày cỏ". Có một hôm, Trần Quán sắp đi thi, hỏi : "Quán chuyến này muốn làm Trạng nguyên có được không ?" Ngài nhìn Trần Quán một lúc rồi đáp : "Không thời chắc được". Đến khi yết bảng, Trần Quán đỗ hạng nhì, còn Thời Ngạn được làm Trạng nguyên.

Thiền sư Đại Đạo Cốc Tuyền ở am Ba Tiêu tại Nam Nhạc bác bỏ giới luật, đi đến chùa nào đều bị đuổi ra cả. Ngài được Phần Dương truyền pháp ấn rồi đi về phía Nam rong chơi khắp miền sông Tương. Một hôm Ngài cùng Từ Minh đi chơi núi, trong núi có một cái đầm là chỗ ở của con rồng độc, mỗi khi trẻ chăn trâu ném đá xuống đầm, tức khắc sấm sét nổi lên và mưa tuôn xuống cả mấy ngày. Những người đi ngang qua đều không dám ho hay thở mạnh. Lúc Ngài và Từ Minh trở về thì trời đã xế chiều, khí trời nóng bức, Ngài kéo áo Từ Minh cùng với Ngài xuống đầm tắm. Từ Minh không chịu, Ngài bèn cởi áo xuống tắm một mình. Ngài vừa nhảy xuống thì sấm sét ầm ầm nổi lên, gió tanh thổi, mưa tuôn, rừng cây chấn động. Từ Minh ngồi xổm trên bãi cỏ định bụng chắc phen này Cốc Tuyền đi đứt. Chẳng mấy chốc tạnh mưa, Ngài rướn cổ lên khỏi làn sóng, kêu lên "Khoái quá !"

Ngài cũng từng đi qua huyện Hành Sơn, thấy anh hàng thịt đang xẻ thịt, bèn đứng kế bên làm ra vẻ rất đáng thương, chỉ tay vào miệng. Anh hàng thịt thấy vậy mới hỏi : "Ông câm à ?" Ngài gật đầu. Anh hàng thịt thấy tội nghiệp, bèn cắt một miếng thịt to để vào bát của Ngài. Ngài hớn hở khác thường, nói cám ơn rồi đi. Cả chợ cười rộ lên. Ngài thường dùng gậy quảy bầu rượu, qua lại trong núi. Có người hỏi trong bầu có vật gì ? Ngài đáp : "Nước cốt của đại đạo". Rồi tự nói bài kệ :

Thong dong cùng mặt đất
Rong ruỗi khắp cuối trời
Thân choàng manh khố rách
Ăn xong lại ngủ vùi
Mặc ngày qua trời rạng
Kệ đêm đến trăng soi
Sá gì câu vinh nhục
Can chi chuyện đổi dời
Quảy bầu rượu nóng trên đầu gậy
Non Nam núi Bắc mặc tình chơi.

Vào niên hiệu Vĩnh Hựu, đời Tống, Nam Tử Lãnh Thanh bị người sàm tấu mà vướng vào tội chết, lúc quan binh vây bắt, Lãnh Thanh từ trong am Ba Tiêu chạy ra. Do đó Cốc Tuyền bị tội liên can, bị phạt trượng, đày đi làm quân lao (khổ sai) ở Bân Châu, phải gánh đất dưới nắng gắt. Bỗng dưng Ngài bỏ gánh xuống nói bài kệ :

Sáng nay ngày mùng sáu
Cốc Tuyền bị đi đày
Nếu chẳng lên thiên đàng
Ắt phải vào địa ngục.

Nói xong Ngài mỉm cười thị tịch, thản nhiên như ve sầu thoát xác. Khi hỏa táng Ngài, xá lợi nhiều không đếm xiết. Người Bân Châu xây tháp thờ Ngài, hiện nay tháp vẫn còn.

Ngài Hồng Phạm tán thán rằng : "Sống là cái đáng quý, chết là cái đáng sợ, sĩ nhục là điều đáng tránh. Thế mà Ngài không quý cái đáng quý, không sợ cái đáng sợ, không tránh cái đáng tránh. Việc làm của Ngài như thế không biết là thật hay là giả. Điều này chỉ có trời đất biết. Lúc bấy giờ trong Thiền môn sự nghiêm túc được kính trọng, Sa-môn tu hành thanh tịnh được đề cao, hễ có tỳ vết thì càng chê bai mắng nhiếc, phải chăng Cốc Tuyền đem việc này sửa sai chăng ?"

Trên quan điểm này, Thiền sư Cốc Tuyền chỉ là dùng thân mình để làm phương thuốc thôi. Người xưa liễu ngộ đại sự rồi còn canh cánh bảo nhậm, hộ trì cấm giới như giữ tròng con mắt của mình. Còn như Hòa thượng Long Sơn, ẩn dật nơi non cao rừng sâu cũng không ngoài việc điều phục những tập khí nhiễm trước từ vô thỉ.

Một hôm Động Sơn cùng Mật Sư Bá đi du phương hành cước, ngang qua Long Sơn thấy trong dòng suối có lá rau, Động Sơn nói : "Núi sâu không có người, sao lại có lá rau trôi theo dòng suối, chẳng phải là có đạo nhân trong núi sao ?". Nói xong, hai ngài cùng nhau lần theo dòng suối đi lên khoảng 5 - 7 dặm, chợt thấy có một vị tăng (là Long Sơn) thân hình gầy ốm, diện mạo khác thường, bèn bỏ hành lý xuống thăm hỏi.

Ngài Long Sơn hỏi : Núi này không có đường vào, Xà-lê làm sao đến đây được ?

Động Sơn đáp : Việc không có đường hãy gác lại, Hòa thượng làm sao vào núi được ?

- Ta không từ mây nước mà đến.

- Hòa thượng ở núi này bao lâu rồi ?

- Chẳng dính gì đến năm tháng.

- Hòa thượng có trước hay núi có trước ?

- Chẳng biết.

- Vì sao chẳng biết ?

- Ta chẳng từ trời, người đến.

- Ngài được đạo lý gì mà đến ở núi này ?

- Ta thấy hai con trâu đất đấu nhau vào biển, mãi đến nay cũng chẳng có tin tức gì.

Động Sơn bèn đầy đủ oai nghi lễ bái Long Sơn, hỏi :

- Thế nào là khách trong chủ ?

- Núi xanh che mây trắng.

- Thế nào là chủ trong khách ?

- Lâu năm không bước ra khỏi cửa.

- Khách chủ cách nhau bao xa ?

- Sóng trên nước Trường Giang.

- Khách chủ gặp nhau có lời gì ?

- Gió mát đùn trăng sáng.

Sau khi Động Sơn cáo lui, Long Sơn nói bài kệ.

Lá sen làm áo một ao đầy
Ăn sẵn hoa tùng khắp đó đây
Chỗ ở từ nay người biết đến
Dời am vào núi khỏi ai hay.

Long Sơn đốt am, đi biệt vào trong rừng sâu, không ai biết dấu vết Sư nữa.

Ngoài ra, những bậc Đại đức lo đóng cửa tịnh tu ngừa lỗi ngăn quấy, 20 - 30 năm không xuống núi, không thể kể hết. Nay Đạo giả Quán Tông và Thiền sư Cốc Tuyền phóng đãng đến như thế là để xả thân cứu người, thế thì đâu là cung bậc của các ngài ? Bởi không biết ngộ có sâu có cạn, sức có mạnh có yếu, nguyện có thế này thế khác. Kinh Lăng Nghiêm viết : "Trì phạm chỉ để thúc liễm thân, nếu chẳng có thân thì thúc liễm cái gì?"

Bậc thiện tri thức dứt bỏ tất cả, việc đến thì làm, sao mà biết được tung tích của họ ! Đạo giả Quán Tông thấu suốt ba đời, Thiền sư Cốc Tuyền định lực rốt ráo. Hai bậc tông tượng này há không biết nơi phải đến sao ? Tuy nhiên, cần phải đạt đến một mức độ nào đó thì mới nói chuyện, chứ còn muốn bắt chước các vị ấy phóng đãng hình hài thì sẽ đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn.

Ở đây tôi xin đưa ra một thí dụ, giới luật giống như "quy củ" (compa và thước). Khi vẽ vòng tròn thì dùng "quy" (compa), khi vẽ hình vuông thì dùng "củ" (thước). Nhưng Ngô Đạo Tử đời Đường vẽ hào quang của chư Phật, chỉ huơ bút một cái là xong ngay, dùng thước quy để đo lại thì không sai một mảy. Phải có năng lực của Ngô Đạo Tử mới vẽ được như thế. Nếu người khác bắt chước vẽ theo chắc chắn sẽ giống như miệng của cái túi, làm sao có thể tròn được ? Cho nên theo tôi nghĩ : Vấn đề giới luật Phật giáo là một việc cực kỳ quan trọng.

http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/007-gioiluat.htm

 


Cập nhật: 24-9-2000

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang