- Quan niệm về trợ tử
(euthanasia) của đạo Phật
- Nguyễn Phúc Bửu Tập
Gần đây, trên thế giới nhất là
tại Mỹ dư luận bị kích động vì vài người y sĩ công khai tham gia hành
động "trợ tử" (Euthanasia), và chấp nhận trách nhiệm, tự ý
đưa tay vào còng của cảnh sát, hầu như thách đố pháp luật. Dư luận
quần chúng rất phân tán, kẻ chê vô lương, người thì yểm trợ và đặc
biệt là các tôn giáo lớn trong nước đều lên tiếng xác định lập trường.
Câu hỏi ta tự đặt ra để tìm hiểu là lập trường của đạo Phật
trong một vấn đề nặng về đạo đức, triết lý như vấn đề trợ tử,
đã được đức Phật ngày xưa và kinh điển của Ngài để lại minh định
như thế nào.
Trước tiên, ta sẽ tìm hiểu rõ
danh tự; kế đến ta tìm hiểu nhận định phân tích quan điểm của đạo
Phật, để hướng việc học đạo Phật vào hệ thống, ngữ vựng trong
bài sưu khảo nhỏ này sẽ dựa vào các cuốn Phật học Từ điển hiện
đã xuất bản.
Trợ tử (euthanasia: tiếng Anh;
euthanasie: tiếng Pháp) là "sự làm cho người sắp chết ngủ mê đi, làm
cho chết bình an" (Đào Duy Anh). Trong bài này, ta dùng danh tự trợ tử
cho gọn, trợ có nghĩa là giúp đỡ. Ý niệm chấp nhận hay ngăn cấm trợ
tử đã có từ xưa. Trong kinh Do Thái Talmud đã có nói tới, rồi đến triết
gia Plato trong sách Republic và triết gia Thomas More trong sách Utopia (thế kỷ
mười lăm), nhưng người đầu tiên dùng danh tự và phân tích căn nguyên vấn
đề là W.E.H. Leckey, học giả về đạo đức và luân lý học, trong một
bài báo viết năm 1869, tại Luân Đôn.
Nói chung, tóm lược ý kiến người
đi trước và dùng phương cách phân loại, ta ghi nhận được các điểm
sau: Trên bề mặt dữ kiện, một con bệnh đến giai đoạn cuối cùng của
việc điều trị, đau đớn cực độ, được một người y sĩ hay một
người hành nghề điều trị chấm dứt tình trạng đau đớn bằng một
phương tiện nhẹ nhàng, cứu rỗi, đó là hành động trợ tử. Trường hợp
thứ nhất con bệnh đã mất hẳn khả năng hiểu biết kéo dài đời sống
là làm triền miên mối thương tâm, người y sĩ điều trị và thân thuộc
của con bệnh dùng phương pháp nhẹ nhàng kết liễu đời sống. Ở đây,
ta gọi là trợ tử tiêu cực (negative euthanasia), đứng vào cương vị của
con bệnh, không hay biết sự chết của mình. Trường hợp thứ hai, con bệnh
còn đủ khả năng tâm trí, và chính y yêu cầu được chấm dứt đau đơn
bằng phương tiện trợ tử, ta gọi là trợ tử tự nguyện (voluntary
euthanasia).
Trong cả hai trường hợp, người
chủ trương việc trợ tử đều có ý đồ sát sinh, dù cho ý đồ nhuốm màu
sắc nhân đạo tới cực độ. Trường hợp thứ hai giảm khinh hơn vì nạn
nhân yêu cầu, nhưng sự kiện vẫn là mưu giúp một người cận tử tự sát.
Một điểm được ghi nhận nữa là
ngày trước, ý niệm và hoạt động trợ tử chỉ nằm trong lãnh vực y
khoa, và mọi việc phán đoán hoạt động của người y sĩ trợ tử, phần
nhiều là kín đáo, đều nằm trong vòng đạo đức y tế. Ngày nay, vấn đề
đã lan qua nhiều lãnh vực khác trong đời sống.
Nhìn vào quan điểm của đạo Phật
đối với hành động trợ tử. chúng ta phải khẳng định ngay từ bây giờ
- không buông lung hành động kết liễu đời sống của chính mình và của
kẻ khác, nhưng lý luận giải thích việc ngăn cấm hành động trợ tử,
đạo Phật nhìn sát vào sự thật, nhận chân là muôn vật, trong đó có
con người, tha thiết vô cùng với sự sống và vì lẽ đó, mỗi sinh vật
đều có quyền sống tự do theo đức hiếu sinh, không bị chế trị. Muốn
thực hiện đời sống tự do, cá nhân không có quyền hãm hại đời sống
của tha nhân. Đi tới được nguyên tắc cao đẹp đó, Phật dạy con người
phải học đức nhẫn nại (ahimsa.ksanti), từ bi (karuna), để không làm hại
đời sống của những người chung quanh.
Đạo Phật không xem con người là
một cá thể riêng biệt, mà xem con người là một thành phần cơ hữu, toàn
nguyên (integral) của một cộng đồng xã hội. Giáo lý đạo Phật không
bao giờ tách con người ra khỏi môi trường gia đình và cộng đồng. Thế
cho nên khi ta hủy hoại đời sống của một cá nhân, không những ta hãm hại
riêng cá nhân đó, mà ta đã ảnh hưởng trên cấu trúc của cộng đồng xã
hội.
Viện vào hai mối lập luận trên,
giáo lý đạo Phật không chấp nhận hành động trợ tử. Thế nhưng ta đã
nghe rất nhiều là căn bản của đạo Phật là nhân ái, tình thương. Vậy,
có thể nào thấy việc đau khổ tới mức cùng cực mà người tin Phật lại
ngoảnh mặt làm ngơ? Giáo lý nhà Phật giải thích làm sao mối mâu thuẫn
này?
Đạo Phật tránh hành vi trợ tử
không dựa vào nền tảng thực tiễn, mà dựa vào căn bản đạo đức và
hướng linh. Đạo Phật đặt đời sống trong khung cảnh luân hồi
(samsara). Đời sống của muôn vật (trong đó có con người) không chỉ khởi
đầu lúc âm dương phối hợp để sinh sản; đời sống này cũng không chấm
dứt khi cơ thể tan rã, hủy diệt. Cho tới khi đời sống được khai phóng,
giải thoát khỏi vòng luân hồi, nó sẽ luôn luôn tiếp nối như một ngọn
triều xô đẩy không ngừng. Trong chuỗi dài vô tận của luân hồi, đời
sống hiện tại chỉ là một mấu, một khúc nhỏ. Và con người trong đời
sống hiện tại không những bị chi phối bởi các yếu tố sinh lý, xã hội,
kinh tế, môi sinh... mà còn bị chi phối bởi một yếu tố muôn vàn lần
quan trọng hơn là yếu tố tâm lý vô hình gọi là nghiệp (karma).
Nghiệp theo người như bóng với
hình: "có một nghìn con bò đang ăn ngoài đồng, vậy mà một con bê
bé nhỏ đi lạc cũng tìm được ngay đến con bò mẹ", con người không
thoát được nghiệp. Nghiệp là hành động; hành động kiếp trước tạo
ra đời sống kiếp này; nghiệp kiếp này chi phối đời sống kiếp sau. Cuộc
đời hiện tại là một khúc nhỏ của chuỗi dài luân hồi kết bằng đau
khổ (dukkha), bệnh hoạn (tiếng Phạn là vyadhi), chỉ là một khía cạnh của
dukkha, tập đế số một trong "tứ diệu đế". Như vậy, trong quá
trình luân hồi, cái chết hiện tại chỉ là một biến cố gián đoạn tạm
thời của dukkha, vì dukkha sẽ tiếp diễn trong kiếp sau. Không có gì đảm
bảo được kiếp sau của ta sẽ tránh được đau khổ, vì đau khổ do nghiệp
tích lũy từ muôn đời trước tạo ra.
Hiểu được vậy, thì tránh khổ
đau hiện tại bằng cách tạo được cái chết sớm hơn (trợ tử tình
nguyện), hay giúp người khác sớm chết vì không muốn nhìn thấy đau khổ
(hành động trợ tử tiêu cực) cũng chỉ là những hành động vô bổ, thiếu
thực tế, không đưa kiếp người đến đâu.
Trình bày quan điểm nhà Phật
không tán thành hành động trợ tử, nặng tính cách lý thuyết. Nhưng thông
thường những bài thuyết giảng của đức Phật không phải chỉ thuần
túy lý thuyết mà lại được rút ra từ những trường hợp cụ thể. Học
giả Phật giáo S.K. Nanayakkara sưu khảo trong kinh Vinaya Pitaka (quyển II) có
những trường hợp cụ thể đức Phật phán quyết về hành động trợ tử.
Trường hợp thứ nhất là một biến
cố trợ tử tập thể (Encyclopaedia of Buddhism, Vol IV). Trong tăng đoàn, một
hồi có năm vị tỳ kheo hiểu sai kinh điển, cho là thể xác của mình
không tinh khiết, muốn thoát ly đời sống. Họ đi tìm một tay tà đạo tên
là Milagandika đã trà trộn vào sống trong tăng đoàn làm ăn, bán bình bát
và áo tràng cho tu sĩ. Họ nhờ y giúp cho họ tìm phương cách tự vẫn. Sự
việc bị bại lộ, đến trước đức Phật. Ngài dạy "Người tỳ
kheo nào đã chủ tâm kết liễu đời sống kẻ khác, người đó là kẻ thất
bại (parajika), không có thiện căn và phải bị loại ra khỏi tăng đoàn
(asamvasa)".
Trường hợp thứ hai là một biến
cố vô kỷ luật của sáu người tỳ kheo xúi dục người đang có chồng bị
bệnh nặng gần chết, kết liễu đời sống của chồng. Sự việc đến
tai đức Phật, Ngài dạy: "Kẻ nào đã chủ tâm kết liễu đời sống
của tha nhân, lại bày vẽ nên chết khỏe hơn sống bệnh cực hình, kẻ
đó không có thiện căn (parajika) và phải loại ra khỏi tăng đoàn
(asamvasa)".
Trường hợp thứ ba cũng ở trong
kinh Vinaya, thuật lại một hành động trợ tử điển hình. Một vị tỳ
kheo quá già yếu, mắc bệnh nan y, đau khổ triền miên. Ông nhờ bạn đồng
môn và họ vì lòng nhân đạo đồng ý giúp đỡ cho ông sớm chết. Sự việc
đến đức Phật và Ngài dạy là những kẻ giúp giết người đã thiếu căn
tu. Tuy trường hợp giảm khinh vì tấm lòng nhân ái, nhưng tội lỗi vẫn rõ
ràng. Đức Phật nhấn mạnh là ý đồ đạo đức muốn giúp tha nhân
không đủ, cần phải xét đến kết quả của hành động (vipaka), thật sự
là sát nhân.
Vậy ta thấy rõ giáo lý của đức
Phật rất nghiêm túc trong vấn đề hành động trợ tử. Kinh Vinaya được
đức Phật giảng dạy trong đời sống tăng đoàn, nhưng chắc chắn là đối
với cư sĩ tại gia và tín đồ nói chung cũng phải được áp dụng.
Nhưng cho đến bây giờ ta vẫn
không có câu trả lời thiết thực cho câu hỏi là sự mâu thuẫn giữa nỗi
đau đớn của con bệnh và thái độ dửng dưng không can thiệp vì giáo lý
cấm đoán. Trên thực tế, giáo lý nhà Phật có một phương cách được
đem ra sử dụng tránh hành động trợ tử. Đó là việc hành tri đạo đức,
tạo cho con người một cái nhìn cởi mở, không quá gắn bó với tục lụy.
Nhờ thái độ sẵn có đó mà trước cơn đau khổ khi gần lâm chung, mỗi
cá nhân giữ được bình thản tự tại. Cũng nhờ thái độ sẵn có này
mà người đứng ngoài biết nhìn với cảm thông, biết chia sẻ đau khổ mà
không phạm tội sát nhân.
Giáo lý nhà Phật đến nay sở dĩ
còn tồn tại vững mạnh và thường thích ứng được vào hoàn cảnh xã hội
mới chính là vì nhờ lời dạy của đức Phật ít gò bó, rất linh động
và dễ tập quán vào hoàn cảnh môi sinh. Có điều là trên thực tế, hiện
tại các tôn giáo lớn ngoài đạo Phật, nhờ có nhất trí trong hệ thống
lãnh đạo và quản trị, nhờ có tổ chức liên minh hữu hiệu từng quốc
gia, từng lục địa cho nên dễ kịp thời thay đổi việc áp dụng giáo
lý khi nhu cầu đòi hỏi. Đạo Phật thiếu hẳn một cơ cấu tổ chức
như vậy, thành ra lập trường của đạo Phật trên những vấn đề thiết
yếu ngày nay tuy không bảo thủ mà thành ra bảo thủ (vì thiếu điều chỉnh),
tuy có thể đứng mà không ai nhìn thấy. Đó phải là một mối ưu lo chánh
đáng cho những người chỉ đạo Phật giáo ngày nay.
http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/008-trotu.htm