...... ... | . | . | . | . | . |
Trọng tâm của hạn chế sanh đẻ là ngừa thai chứ không phải phá thai. Về Ngừa thai, ở các nước phương Tây, người ta thường dùng túi bọc cho đàn ông, thuốc uống ngừa thai và vòng xoắn cho đàn bà. Thuốc uống ngừa thai làm ra năm 1950 và áp dụng vào khoảng 56-57. Vòng xoắn được tìm ra năm 1928 và áp dụng ở Nhật, Israel, Mỹ năm 1950. Ngoài ra túi bọc còn là phương tiện ngừa các bệnh truyền nhiễm do giao hợp nam nữ đem lại nhất là bệnh Sida. Những chất diệt tinh tại chỗ dường như không còn dùng nữa. Làm tuyệt sinh sản bằng thủ thuật cắt vòi tử cung thuộc vào những trường hợp đặc biệt. Thủ thuật cắt ống dẫn tinh trùng chỉ còn dùng ở vài nước đang tiến. Hiện giờ, vaxcin ngừa thai đang được nghiên cứu. Nên nói thêm là những thuốc viên uống để ngừa thai ngày nay được dùng dễ dàng vì điều lượng ít hơn lúc trước từ 5 đến 7 lần. Trước khi luật Neuwirth ra đời (1967), ngừa thai vẫn còn bị trừng phạt nặng nề ở Pháp. Luật năm 1920 kết án bị tù từ 1 đến 6 tháng và bị phạt từ 36.000 đến 1.800.000 FF, những ai có liên quan gì với tuyên truyền việc chống thụ thai..." Lúc ấy, ở Pháp có lối 850.000 phá thai lén lút mỗi năm nghĩa là mỗi khi một đứa bé sanh ra thì có một đứa bé chết vì phá thai lén lút. Đó là một sự kiện xã hội xảy ra ở các gia đình nghèo, đông con, phá thai trong điều kiện thiếu vệ sinh; cho nên vào những năm 50, tỷ lệ tử vong của người mẹ có đến vài chục ngàn người và số người đàn bà không có con được sau khi phá thai cũng có đến vài chục ngàn người (Janine Mossuz-Lavau - Les lois de l'amour - Documents Payot 1991). Tôi đã chứng kiến, vào năm 1959, chỉ riêng ở nhà sản khoa của nhà thương Lariboisière, 3 người đàn bà trẻ chết trong một tháng vì phá thai lén lút, 2 người bị nhiễm khuẩn huyết (septicémie), 1 người bị chảy máu. Trong lúc đó, những gia đình có phương tiện, đi phá thai ở các bệnh viện Thụy-sĩ hoặc Anh. Cũng như theo lời Phật dạy trong kinh Niệm Xứ (Trung bộ kinh), muốn hiểu rõ thế nào là thân không trong sạch, các tỳ kheo có thể ra nghĩa địa nhìn "thi thể bị quăng bỏ, một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỳ kheo quán thân ấy là như vậy...". Ai muốn hiểu rõ tình trạng đau khổ của những người mẹ hay những đứa trẻ chết vì phá thai vào thời kỳ 50-60, hãy vào nhà xác của các nhà thương hay các bệnh viện chuyên về khoa sản mà nhìn xem thi thể. Phong trào "Sanh đẻ có kế hoạch trong gia đình" (Planning familial) do bà Lagrove Weill Hallé hướng dẫn bắt đầu hoạt động bán công khai từ năm 1950. Trong lúc đó, ở các nước Âu tây, các trung tâm hạn chế sanh đẻ (birth control) đã hoạt động công khai từ lâu: ở Hòa Lan từ 1882, ở Danemark từ 1905, ở Mỹ từ 1916, ở Anh từ 1921... Bà Lagrova Weill Hallé kiên quyết và nhiệt tình đấu tranh kêu gọi các giới y học, khoa học và những ai quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe của phụ nữ, việc sanh đẻ bảo đảm trong gia đình... phải đòi bãi bỏ luật 1920. Trong suốt mười mấy năm, Phong trào sanh đẻ có kế hoạch trong gia đình dần dần được nhiều phong trào khác hưởng ứng: 1953, nhóm Littré của bác sĩ Simon hợp cùng với các bác sĩ franc-ma篮s bỉ, thụy sĩ, hòa lan nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền phương pháp ngừa thai nhập vào phong trào Sanh đẻ có kế hoạch của bà Weill Hallé; vài năm sau, có thêm phong trào đòi quyền phụ nữ. Sau cùng, là một số lớn các nhân vật và đông đảo quần chúng, càng ngày càng tham gia ủng hộ càng đông, có tiếng vang đến một số báo chí. Trước tình thế sôi nổi như vậy, các nhà chính trị không thể không có phản ứng: dưới sự thúc ép của các đảng chính trị phía tả trước, rồi đến một phần của các đảng phía hữu sau, năm 1967, luật Neuwirh được Quốc Hội chấp nhận: bãi bỏ luật 1920 và cho phép chống thụ thai bằng thuốc viên, vòng để tránh thụ thai hoặc hormone cấy dưới da. Dù ngừa thai được hợp pháp, Phá Thai vẫn không được hợp pháp. Tuy vậy, Phong trào sanh đẻ có kế hoạch trong gia đình và nhiều phong trào đòi quyền phụ nữ coi đó là một thắng lợi lớn cho người phụ nữ Pháp, từ nay có quyền tự do lựa chọn lúc có con. Người phụ nữ làm chủ được việc sanh đẻ theo ý muốn của mình, là làm chủ được thân của mình. Ngoài bổn phận làm mẹ, người phụ nữ còn có khả năng lao động và làm nhiều việc khác có ích cho xã hội. Người ta bắt đầu nhìn người phụ nữ với cái nhìn khác; cái nhân phẩm của họ phải được tôn trọng. Phụ nữ không còn là cái máy đẻ con và cái máy làm việc nội trợ nữa.
II. Tôn Giáo và việc ngừa thai Trở ngại lớn nhất của sự tranh đấu và áp dụng ngừa thai ở Pháp là Đạo Thiên Chúa và phong tục do thái-cơ đốc. Luật Neuwirth cho phép ngừa thai được tuyên bố cuối năm 1967 thì ngày 29-7-68, thông cáo của Đức Giáo Hoàng (Humanae Vitae) xác nhận lại một lần nữa sự chống đối của đạo Thiên Chúa về những phương pháp ngừa thai "hiện đại" (thuốc uống ngừa thai và vòng tránh thụ thai). Mãi đến ngày nay, thái độ ấy cũng vẫn không thay đổi. Trong kinh Cựu Ước (Ancien testament), sự không con bị coi như là sự trừng phạt của Đức Chúa Trời; còn có con nhiều, là phép lành của Đức Chúa Trời ban cho (Evangelium vitae-Jean Paul II). Dùng phương pháp ngừa thai sẽ đi ngược hướng với Kinh Cựu ước. Cũng trong Evangelium vitae trang 55, Đức Giáo hoàng Jean Paul II nói thêm: "lúc khởi nguyên, sự hiện hữu của con người nằm trong dự định của Đức Chúa Trời và được thánh hóa (consacré), trước khi được hình thành trong bụng mẹ". Ngoài ra, từ lúc thụ tinh, trứng có một sự sống riêng biệt, không phải của cha hay của mẹ mà là của Thượng đế ban cho. Người mẹ chỉ là người nhận sự sống đó. Ngược lại, đối với Giáo sư René Frydman, người đã tạo ra Amandine, đứa bé gái sanh ra đầu tiên ở Pháp (1982) theo phương pháp "sanh sản trong ống nghiệm và chuyển phôi vào tử cung" (Gs Frydman cũng là thành viên Ban tư vấn Đạo đức quốc gia (84-88): Dự định của cha mẹ muốn có con là thiêng liêng: "Nếu cái phôi được cha mẹ mong muốn, thì nó là thiêng liêng, vô giá, phải vận dụng những gì có thể được để nó tiếp tục sự sống của nó. Còn nếu nó không nằm trong dự định đó, nếu không ai muốn chấp nhận mang nó, chúng tôi cũng kính trọng nó với danh nghĩa của những gì nó có thể trở thành, nhưng không phải là sự tôn trọng ngây ngô và vô điều kiện. Sự tôn trọng hợp lý có thể nhất trí với ý kiến về nghiên cứu khoa học... (Dieu, la médecine et l'embryon-Edt. Odile Jacob 1996. Trang 198). Xin nhắc lại, về sinh học, gọi phôi là trứng mang trong bụng mẹ, từ lúc thụ tinh đến tuần thứ 12; sau tuần thứ 12, các bộ phận đã được hình thành, thì gọi là thai. Lý do chính của đạo Thiên chúa chống ngừa thai là: theo đạo Thiên chúa, mục đích của giao hợp giữa vợ chồng là để sanh sản. Giao hợp và sanh sản không thể tách rời nhau được. Dùng những phương pháp nào giao hợp để không có thai hoặc có thai mà không có giao hợp như sanh đẻ trong ống nghiệm và chuyển phôi vào tử cung là không hợp pháp với đạo Thiên Chúa. Còn về việc thích thú tự nhiên của sự giao hợp, phải chờ đến năm 1951, Đức Giáo Hoàng PIE XII mới nhìn nhận rằng vợ chồng có quyền hưởng thụ sự thích thú ở trước đó, đối với đạo Thiên chúa, giao hợp chỉ là một bổn phận thôi. Nhưng dần dần, việc hạn chế sanh đẻ cũng làm cho hoàng y giáo chủ suy nghĩ. Trước kia, người trong đạo Thiên chúa không được quyền bàn tới việc hạn chế sanh đẻ. Vào thập niên 30, Đức giáo hoàng cho phép vợ chồng có thể giao hợp trong giai đoạn không sinh sản của người vợ trong mỗi tháng và cho phép vợ chồng có quyền giao hợp tự do trong trường hợp hoặc người chồng, hoặc người vợ không sinh sản được. Và sau cùng, cho phép dùng phương pháp Ogino là phương pháp nói trên để hạn chế số con trong gia đình. Đạo Thiên chúa cấm triệt để dùng những phương pháp khác dù rằng túi bọc không làm tổn hại cho ai mà còn là phương tiện chống bệnh Sida có công hiệu. Điều nên nhấn mạnh là có sự chênh lệch lớn giữa Quyền y giáo chủ cứng rắn của Vatican và một số lớn tín đồ Thiên chúa trong việc áp dụng ngừa thai. Có thể nói rằng giáo lý của một đạo mà tín đồ không theo, là giáo lý trống rỗng. Giả sử Đức Chúa Jésus sống ở thời đại nầy, tôi tin rằng Ngài sẽ cho phép tín đồ ngừa thai. Đối với các tôn giáo khác, như đạo Tin lành, đạo Do thái, đạo Hồi, phong trào đấu tranh tự do ngừa thai không gặp khó khăn gì trong thực tế. Vào thập niên 60, Đạo Phật chưa được phát triển nhiều ở Pháp. Theo kinh sách và theo giáo lý của đạo Phật là đạo từ bi, diệt khổ, không lý do gì mà không chấp nhận ngừa thai. "Ngừa thai không bạo lực" còn được đức Dalai-Lama chủ trương trong việc hạn chế sanh đẻ phòng giảm nạn tăng gia dân số trên thế giới.
III. Phá Thai Vài năm sau luật cho phép ngừa thai ra đời, số người phá thai lén lút vẫn còn cao, việc truyền thông tin tức ngừa thai chưa được phổ biến rộng ra nhiều trong quần chúng, nhất là ở các cấp dân nghèo, ở tỉnh nhỏ và ở nông thôn. Đạo Thiên chúa tiếp tục chống đối mãnh liệt: các giám mục ở Pháp nhắc đi, nhắc lại nhiều lần: "đời sống của con người không thuộc về kẻ khác, không thuộc về cha mẹ dù rằng cha mẹ sanh ra, không thuộc về quốc gia, cũng không thuộc về con người của mình mà thuộc về Đức Chúa Trời." Mặt khác, thực tế cho biết rằng thành kiến và phong tục Cơ Đốc vẫn còn in sâu trong một số lớn người Pháp, nhất là những người có tuổi. Luật 1920 chống phá thai vẫn còn áp dụng và trừng phạt nặng nề, phải tù từ 6 tháng đến 3 năm và tiền phạt từ 100 F đến 300 F (cũ) những ai tuyên truyền phá thai bằng lời nói, giấy in, sách vở... ở những nơi công cộng... và điều khoản 317 của đạo luật 1939 còn phạt nặng thêm: những người thuộc ngành y sẽ bị cấm hành nghề ít nhất là 5 năm hoặc suốt đời... những người tái phạm sẽ bị tù từ 5 đến 10 năm và bị phạt từ 5.000 F đến 20.000 F (cũ). Năm 1955, một số điều khoản khác lại còn khắt khe hơn nữa, nhưng ngược lại, cũng vào năm 1955, luật 11-05 cho phép Phá Thai Điều Trị, nếu có thai hại đến tính mạng của người mẹ. Vài năm đầu, sau khi được phép tự do ngừa thai, phương tiện ngừa thai hiện đại không thu hút được đông đảo phụ nữ. 1970: 6-7% dùng thuốc ngừa thai -1971: 12-13% -1975: 24-25%. Phải chờ dến năm 88, tỷ số phụ nữ từ 18 tới 49 tuổi dùng thuốc ngừa thai và vòng xoắn lên đến 49% và vài năm sau đến 2/3. Hai thập niên 60-70 là hai thập niên lịch sử tạo ra nhiều điều kiện thuận tiện cho Phong Trào Đòi Quyền Phá Thai. Hai điều kiện thuận tiện nhất là: tình hình xã hội của nước Pháp lúc bấy giờ và phong trào đòi nữ quyền. Tình hình nước Pháp thay đổi một cách bất ngờ. Những thành phần trẻ, không những ở Pháp mà ở cả thế giới, chán chê chiến tranh trên thế giới, nhất là ở Việt Nam, chán chê đời sống đơn điệu, quan lại khó thở, vùng lên năm 1968 bẻ gãy các cơ cấu và tư tưởng của xã hội cũ rích, đòi quyền tự do nhiều hơn. Một trong những tự do đó, là tự do giới tánh, tự do luyến ái với khẩu hiệu mà nhiều người ở thế hệ ấy còn nhớ: "Hãy luyến ái. Không chiến tranh" (Faites l'amour et non la guerre). Phong trào đòi nữ quyền ra đời mùa hè 70, phát triển mạnh mẽ. Về mặt sinh sản, phụ nữ đòi quyền tự do làm chủ lấy thân mình, nghĩa là, trước tiên, quyền tự do phá thai. Phong trào nầy ủng hộ tích cực Phong trào sanh sản có kế hoạch trong gia đình. Có 3 sự kiện thúc đẩy Quốc hội phải lấy quyết định về việc phá thai. Sự kiện thứ nhất: tháng 05-71, báo Le Nouvel Observateur đăng lên bản tuyên ngôn của 343 phụ nữ tự nhận mình có phá thai: "Một triệu người đàn bà phá thai trong một năm ở Pháp. Vì bắt buộc, nên họ phải phá thai lén lút trong điều kiện nguy hiểm, thay vì được phá thai dễ dàng, dưới sự bảo đảm của y học. Không ai nói đến cả triệu người đàn bà ấy. Tôi tuyên bố rằng tôi là một trong những người phụ nữ ấy. Tôi tuyên bố rằng tôi có phá thai. Cũng như chúng tôi đã đòi quyền tự do sử dụng những phương pháp ngừa thai, chúng tôi đòi quyền tự do phá thai." Trong số người ký tên, có nhiều nhân vật nổi tiếng như Simone de Beauvoir, Margueritte Duras, Lolleh Bellon, Catherine Deneuve, Gisèle Halimi, Fra n篩se Sagan... Tuyên ngôn đó là một quả bom, gây ra cảm tình tốt trong quần chúng về sự giải phóng hoàn toàn ngừa thai và phá thai. Những người ký tên trên bản tuyên ngôn chờ đợi bị kêu ra tòa vì đã phạm pháp; nhưng rốt cuộc rồi tòa không nhúc nhích.Sự kiện thứ nhì: không bao lâu sau bản tuyên ngôn của 343 người phụ nữ, 252 bác sĩ ra bản tuyên ngôn nói lên lập trường của họ trong việc phá thai. "Lĩnh vực chuyên môn của chúng tôi không cho phép chúng tôi đề cập đến vấn đề đạo đức hay hệ thống tư tưởng trong việc phá thai. Xác nhận rằng phá thai là một trọng tội hay không trọng tội thuộc quyền tự do cá nhân. Ở Pháp, theo ước tính thông thường, có 850.000 vụ phá thai trong một năm. Phá thai trong điều kiện được bảo đảm hay không là tùy thuộc có tiền hay không có tiền, mặc dù phá thai là chuyện bất hợp pháp. Dù muốn dù không, phá thai là một quyền như những phụ nữ đã tuyên bố và là một sự kiện xảy ra mỗi ngày. Trong kinh nghiệm hành nghề hằng ngày, chúng tôi không thể nào không biết đến." Hai tháng sau, có thêm một số bác sĩ khác ký tên vào bản tuyên ngôn đó: tổng cộng có 560 chữ ký và có tiếng dội vang lên báo chí. Sự kiện thứ ba là "vụ kiện Bobigny": một cô bé 16 tuổi bị đưa ra tòa vì đã phá thai. Người tình nhân của cô tố cáo. Cô được tòa xử thả lỏng. Ngày hôm sau, nhiều báo chí bình luận về việc thả lỏng nầy và nhận thấy rằng, đây không phải là lần đầu tiên mà luật cấm kỵ phá thai không được áp dụng. Có luật mà không áp dụng thì luật đó là luật ma. Hôm sau, đến lượt người mẹ của cô, người phá thai và hai người bạn của người mẹ của cô làm trung gian giới thiệu cô cho người phá thai. Luật sư Gisèle Halimi đưa ra tòa một số người làm chứng trong đó có một số nhân vật như Michel Rocard, đại biểu quốc hội, giáo sư Paul Milliez, giáo sư Jacques Monod (giải thưởng Nobel về y học), Simone de Beauvoir, giáo sư Fran篩s Jacob (giải thưởng Nobel về y học)... Jacques Monod cho ý kiến của ông: "quyền lựa chọn cho sư sống, trước hết thuộc về người đang sống nghĩa là người mẹ...Cuối cùng, tòa tha hai người làm "trung gian", phạt người mẹ 500 F treo, người phá thai một năm tù treo. Tất cả các người làm chứng đều đồng ý rằng: chỉ có người phụ nữ mới có quyền chọn lựa có con hay không; người bác sĩ hay một thể chế nào đi nữa cũng không có quyền thay thế người phụ nữ để lấy quyết định về việc đó. Dưới sức mạnh của đông đảo quần chúng, của nhiều phong trào đòi quyền phụ nữ, nói chung của thế hệ những thập niên 60-70, ngày 13-11-74, Bà Veil, bộ trưởng bộ y tế, đưa ra Quốc hội, dự án luật nhằm cho quyền phá thai. Ngày 15-01-75, dự án được thông qua, thông thường gọi là luật Veil. Luật nầy cho phép người phụ nữ có thai có quyền hỏi một bác sĩ ngưng thai với hai điều kiện sau đây: 1. người phụ nữ phải ở trong tình thế cô chiếc tuyệt vọng (situation de détresse). 2. Phải ngừng thai trước cuối tuần thứ mười sau khi thụ tinh (ở Hòa-Lan cho phép ngưng thai trước cuối tuần thứ 20; ở Anh trước cuối tuần thứ 23). Qua tuần thứ 11, ngưng thai cố ý sẽ không hợp pháp. Trong trường hợp Ngưng thai điều trị vì sự có thai và sanh đẻ có hại đến tánh mạng của người mẹ hay vì cái thai có bệnh hiểm nghèo, thời gian ngưng thai không có hạn định. Ngoài ra, người bác sĩ có quyền từ chối phá thai, nhưng phải cho người mẹ biết sớm. Tuy việc ngưng thai cố ý được áp dụng ở Pháp trên 20 năm nay nhưng dư luận vẫn còn phân tán trong quần chúng và giữa các đại biểu quốc hội. Từ 1975 đến giờ, số phá thai cố ý không tăng lên: giữa 150.000 - 160.000 một năm. Điều đáng chú ý là, ngày nay, tử vong của người mẹ không còn nữa. Khả năng sanh sản ở Pháp (cũng như ở các nước của cộng đồng kinh tế Âu châu) được giảm xuống: một người đàn bà, trung bình có 1 đứa con rưỡi (không đủ để thay thế một thế hệ. Trong lúc đó ở Phi châu, miền nam sa mạc Sahara, một người đàn bà có trung bình 6 đứa con). Muốn đạt được kết quả như vậy phải có nhiều yếu tố hội lại: tuyên truyền và thông tin hạn chế sanh đẻ ở một quy mô rộng lớn. Giáo dục hạn chế sanh đẻ cho vị thành niên trong cả nước. Mức học hỏi và mức sống trong nước phải được nâng cao ở một tối thiểu nào đó.
IV. Tôn Giáo và ngưng thai cố ý Ngừa thai là một chuyện. "Ngưng thai cố ý" là chuyện khác, phức tạp hơn, khó khăn hơn vì nó dính líu với vấn đề Đạo đức và tôn giáo. Trọng tâm của vấn đề là: phôi là một vật, một con người (individu), một nhân thể (personnalité) hay một tiềm tàng nhân thể (một nhân thể trở thành, une personne potentielle)? Từ lúc nào phôi có sự sống? (Trong kinh của các đạo thần khải, từ animation thường được dùng để chỉ sự sống hoặc linh hồn; linh hồn trong đạo Thiên chúa và trong các đạo thần khải khác là bất biến, bất diệt). Phôi có linh hồn trước lúc thụ thai, ngay từ lúc thụ thai hay sau lúc thụ thai? Nếu phôi là con người, thì phá phôi là giết người. Cho nên phải định nghĩa quy chế của phôi. Ủy ban tư vấn quốc gia đạo đức Pháp định nghĩa phôi là tiềm tàng con người (con người trở thành). Định nhĩa nầy không thỏa mãn ai cả. Cũng như các nhà triết học và y học, đạo Thiên chúa biết rằng không thế nào xác định được phôi là người hay không. Trong lịch sử của đạo Thiên chúa, quy chế của phôi thay đổi nhiều lần: trong kinh Cựu ước, đời sống của đứa bé chưa sanh được coi như tương đương với đời sống một người trưởng thành vì cả hai đều là do Đức chúa trời ban cho. Sau đó, Nhà thờ chia ra làm hai luồng tư tưởng: một luồng tin rằng phôi có linh hồn - là người - một thời gian sau khi trứng thụ tinh: Tertullien (thế kỷ thứ II sau Công nguyên), Jérome và Augustin (thế kỷ thứ IV-V). Luồng tư tưởng khác xác dịnh rằng phôi có linh hồn ngay từ lúc trứng thụ tinh: Clément d'Alexandrie, (thế kỷ thứ II sau CN), Grégoire de Nysse (thế kỷ thứ IV sau CN). Còn theo Thánh Thomas d'Aquin (thế kỷ tứ XIII sau CN), thì Phôi có linh hồn một thời gian sau khi thụ tinh: 40 ngày trong trường hợp con trai, 80 ngày trong trường hợp con gái. - thời Trung đại (moyen Âge), tùy theo trường hợp thai có hồn hay không có hồn mà người đàn bà phá thai bị hình phạt nặng hay nhẹ: "Người dàn bà phá thai bị phạt tù 3 năm rưỡi nếu phá sau lúc thụ tinh, 7 năm nếu thai được hình thành và 14 năm nếu thai có hồn." 1854, Đức giáo hoàng PIE IX tuyên ngôn về sự thụ thai "trong trắng" của Dức Mẹ Sainte Marie (thụ thai không có giao hợp, đức Mẹ không có tội gốc - péché originel) bào chữa chính đề: thai có linh hồn ngay từ lúc thụ thai. Hiện giờ, theo luật giáo hội Thiên chúa thông qua năm 1917 và theo bài giảng thần học của Đức giáo hoàng, Nhà thờ tuyên bố: "thai có quyền sống từ lúc thụ tinh, phá thai là phạm tội giết trẻ con mới đẻ vì thai là một con người hay ít nữa là một con người trở thành. Người đàn bà bị phá thai hay người phá thai sẽ bị trục xuất ra khỏi đạo." Không thể thảo luận hay tranh luận với những người đại diện nhà thờ về vấn đề phá thai; người theo đạo Thiên chúa phải coi Đức giáo hoàng không bao giờ sai lầm, về đức tin cũng như về đạo đức. Đó là một giáo điều. Nhưng cũng xin nhắc lại là một số Đức giáo hoàng trước Đức giáo hoàng Jean Paul II phạm phải bốn sai lầm lớn: sai lầm thứ nhất là vụ lên án nhà bác học Galilée (1564-1642) trước tòa án dị giáo, bắt Galilée phải từ chối việc xác nhận trái đất và những hành tinh khác xoay xung quanh mặt trời và trái đất tự xoay một vòng trong một ngày. Phải chờ đến năm 1992, ĐGH Jean Paul II mới phục hồi danh dự cho Galilée. Sai lầm thứ nhì là Nhà thờ chống đối Học thuyết tiến hóa các loài của Darwin (1859). Gần đây, ĐGH Jean Paul II nhìn nhận học thuyết nầy có giá trị. Sự kiện thứ ba là Nhà thờ chống đối sự chủng đậu (vaccination) ở thế kỷ rồi. Sự kiện thứ tư là nhà thờ chống nhân quyền trong 150 năm, trước khi tranh đấu cho nhân quyền. Ngoài ra, đạo Thiên chúa triệt để cấm phá thai, dù rằng ở tình trạng bị hãm hiếp hay loạn luân (inceste). Đạo Thiên Chúa Chính Thống (Eglise orthodoxe) không có thông cáo chánh thức. Tu sĩ thần học Jean Breck cho một định đề (postulat) về nhân loại học: con người là thiêng liêng và sự sống có từ lúc thụ thai. Đạo Thiên chúa chính thống cấm phá thai. Nhưng thông cảm trong những trường hợp tuyệt vọng, khốn khổ vì nhân từ. Trong những trường hợp ngoại lệ đó, người đàn bà nên hỏi ý kiến của một giám mục. Đạo Do Thái và Đạo Hồi (Islam) có nhiều điểm giống nhau, không có tập trung của một cơ quan tối cao như quyền y giáo chủ của đạo Thiên chúa. Một giáo trưởng (rabbin) của đạo Do thái hay một Trung tâm tư tưởng như Đại học của Hồi giáo sunnite Al Azhar có quyền hạn khá lớn. Đạo Do thái và đạo Hồi có một tổ chức có tánh cách "cộng đồng" hơn. Theo hai đạo nầy, sự sống của phôi xuất hiện ra một thời gian sau khi thụ tinh: 40 ngày theo sưu tập Talmud của đạo Do thái - 40 ngày hay 120 tùy theo kinh sách của đạo Hồi. Sau thời gian ấy, sự sống hiển nhiên có tính cách thiêng liêng. Đối với đạo Hồi, sự sống bắt đầu từ lúc "nụ thai" (bouton embryonnaire) được thấy - nghĩa là theo nhà thông thái Iran Avicenne (thế kỷ thứ nhất sau công nguyên) ngày thứ 21 sau khi trứng thụ tinh; theo một số nhà quan sát khác, ngày thứ 30 sau khi thụ tinh. Trong đạo, cũng có luồng tư tưởng tin rằng sự sống có mặt lúc vừa mới thụ tinh nhưng số người tin như vậy rất ít. Tiến sĩ Dalil Boubakeur, hiệu trưởng đền thờ Hồi giáo Paris và đại diện cho tôn phái malékite, xác định rằng phải tôn trọng tuyệt đối sự sống của phôi từ lúc hai di sản di truyền nhập hợp lại nghĩa là từ lúc thụ tinh trong bụng mẹ hay trong ống nghiệm. Xác định của ông Boubakeur trái ngược với kinh điển của nhiều tôn phái khác của đạo Hồi về khoảng thời gian xuất hiện của sự sống. Về lý thuyết, sự sống có thể hiện diện hay không vào lúc thụ tinh. Nhưng trong thực tế, nói chung là Đạo Hồi chống phá thai, trừ hai ngoại lệ: nếu có thai có thể hại đến tánh mạng người mẹ và nếu thai có bệnh dẫn đến tử vong. Cách nhìn của đạo Do thái có khác hơn. Đạo nầy coi sự sống của người mẹ phải được ưu tiên hơn sự sống của phôi. Đạo Do thái cũng chống phá thai; không những phá thai hủy bỏ sự sống mà còn là sự "cắt bỏ" một phần thân của người mẹ. Vì vậy nên quy chế của phôi trong bụng mẹ và phôi trong ống nghiệm có khác biệt trước Luật của đạo. Trong bụng mẹ, phôi coi như một phần của thân mẹ; muốn hủy nó đi, phải có lý do chính đáng. Ngược lại, việc trừ bỏ phôi trong ống nghiệm không dính dáng gì với thân của người mẹ. Trong các tôn giáo độc thần, đạo Do thái là đạo đầu tiên đề cập đến sự sống của phôi hiện ra 40 ngày sau khi thụ tinh. Theo kinh Talmud, trước đó phôi chỉ là nước. Các nhà khoa học ngày nay suy ra rằng có thể có phép nghiên cứu khoa học trên phôi dưới 40 ngày vì sự sống chưa có. Ngoài ra, toàn bộ luật của đạo Do thái (Torah) nói rõ là phôi không phải là người trong bụng mẹ. Có nhiều kinh cho rằng đứa bé có linh hồn hay sự sống khi nào cái đầu của nó ra khỏi lòng mẹ. Nếu đứa bé không được thấy ngoài lòng mẹ thì nó không có quy chế. Trong trường hợp sanh khó, luôn luôn phải cứu người mẹ trước. Chừng nào phôi mới thành người? Phôi sẽ dần dần thành người từ ngày 40 đến lúc sanh ra. Đạo Do thái và đạo Hồi đều đồng ý trên một điểm chính: sự sống của phôi hiện ra ít nhất là 40 ngày sau khi thụ tinh, nghĩa là trước 40 ngày phôi không phải là người. Nếu không phải là người, tại sao không cho phép phá thai? Mâu thuẫn đó hơi khó hiểu. Có kinh nói rằng, tuy chưa phải là người, phôi vẫn được coi như cái gì thiêng liêng. Trong hai đạo, điều chính là khi gặp khó khăn, tín đồ nên hỏi ý kiến của một Rabbin hay một Imam vì hai vị nầy thay mặt đạo, có quyền lấy quyết định, giải quyết từng trường hợp một. Luật đạo Do thái có đặc điểm là biến động và mềm dẻo. Trong thực tế, cuối cùng mỗi người tự lấy trách nhiệm. Phật giáo không chấp nhận ý niệm về Người sáng tạo và Sự sáng tạo. Quan niệm của Phật giáo về phôi có thể tóm lại trong những câu sau đây trích ra ở quyển sách Tìm Đạo của Hòa thượng Thích Thiện Châu - 1996. "Một cách tổng quát, khoa sinh vật học chứng minh rằng một nhân phôi là sự hợp nhất của hai thành tố, tinh trùng của người đàn ông và noãn (trứng) của người đàn bà. Phật giáo xác nhận rằng ngoài hai thành tố này còn có một thành tố thứ ba nữa là cái Thức tái sinh (patisandhivinnana) xuất hiện vào lúc thụ thai: điều ấy muốn bảo rằng trong khi những điều kiện di truyền được thể hiện trong một điều kiện thuận tiện, một hình thức tâm vật lý xâm nhập và giúp cho sự tương tục của sự sống của một hữu thể người (être humain) như đức Phật đã dạy. "Chỗ nào có ba thành tố ấy tập hợp thì chỗ ấy một mầm sống được gieo." "Theo thuyết tái sinh, sự chết là một cái cửa mở ra một hình thức sinh ra khác. Hai sự hiện hữu (đời sống) được nối lại bởi cái thức tái sinh, được tạo ra bởi ý tưởng ngay trước khi chết và tái xuất hiện vào lúc thụ thai tức là với sự hình thành một sự sống mới trong người mẹ. Cái thức nầy được nhận định như là "cái hữu thể sẽ sinh ra. Ngày sau đó, nó biến vào trong cái dòng tiềm thức (subconscient) của sự sống mới mà nó không ngừng tạo ra. Chính cái thức tái sinh quyết định tính chất tiềm ẩn của một cá nhân". Hai công thức thu hẹp sau đây có thể mô tả được sự khác biệt giữa các tôn giáo độc thần và Phật giáo về phôi: Theo tôn giáo độc thần: Phôi=Tập hợp tinh trùng của cha + trứng của mẹ + Linh hồn (âme) được Đức chúa Trời ban cho ---> cho sự sống. Theo đạo Phật: Phôi=Tập hợp tinh trùng của cha + trứng của mẹ + nguyên lý sống (Thức tái sinh=chủng tử (bija) + nghiệp lực (karma) + Khát ái (tanha) ---> cho sự sống mới. Đạo Phật coi phá thai là giết hại đời sống của một hữu thể. Tôn trọng đời sống là một trong những giới cơ bản của đạo Phật. Nhưng đạo Phật, đạo của thực tại, thực dụng mà cũng là đạo của Diệt khổ. Có nhiều trường hợp ngoại lệ, thai nghén là nguồn gốc vô cùng khổ đau, có thể hại cho tánh mạng của người mẹ hay người mẹ có thể sanh ra một đứa con dị thường hoặc có bệnh hiểm nghèo bất trị. Trong những trường hợp đó, đạo Phật dùng từ bi mà bao dung cho việc ngưng thai. Điều nầy, Đức Dalai Lama có nêu ra trong những cuộc đàm thoại với nhiều nhà khoa học ở Mỹ hay ở Pháp (Dalai Lama - Au delà des dogmes - Albin Michel 1994, tr 55).
V. Phôi và Khoa Học Phôi là gì đối với những nhà Khoa Học? "Câu trả lời của các nhà sinh vật học rất rõ ràng: Phôi có tính chất người và thuộc về loài người. Nhưng sự sống là gì? Tất cả tế bào của chúng ta "sống", tinh trùng, trứng trước khi thụ tinh cũng "sống". Chúng có thuộc về loài người không? - Quả thật là không. Đối với các nhà phôi học cũng vậy, có nhiều yếu tố cơ bản không thể chối cãi được, như có nhiều giai đoạn trong sự phát triển của phôi: một tiến trình lạ kỳ, vừa là một sự liên tục không ngừng, vừa là một sự nối tiếp của nhiều giai đoạn được xác định rõ ràng. Giai đoạn I : ở giai đoạn nầy, trứng được phân chia ra, từ lúc thụ thai đến khi hình thành lối 8 tế bào (48 giờ). Lúc đó, di sản di truyền của người cha phát hiện ra rất ít; trứng sống được là nhờ chất dự trữ của người mẹ. 8 tế bào ấy gọi là hợp tử. Gọi hợp tử là phôi thì quá đáng. Người ta thường gọi như vậy, tôi cũng gọi như vậy cho tiện. Đến lúc bấy giờ, những tế bào ấy còn là tổng năng nghĩa là mỗi tế bào, khi tách ra, cho được một phôi khác. Giai đoạn II : là giai đoạn phân biệt hóa (différentiation). Bắt đầu từ bây giờ, một cái bao, le trophoblaste (sau nầy sẽ là cái nhau) sẽ tách rời ra khỏi một nhóm tế bào khác. Nhóm tế bào nầy là nụ phôi (sau sẽ thành phôi). Lúc đó, hợp tử được lối 5 ngày. Gọi nó là phôi có chính đáng chăng? Có thể chính đáng. Tuy vậy, phối hợp và chia tách tế bào còn có thể cho phôi khác được. Giai đoạn III : ngày thứ 7, trứng chuẩn bị bám vào tử cung. Màng trong (membrane pellucide) bao bọc trứng ở lớp ngoài tan ra, tế bào trophoblaste sinh nẩy ra bám vào tử cung. Tế bào của nụ phôi vẫn chưa nẩy nở nhưng gặp gỡ được hoàn cảnh xung quanh, bắt đầu sự biểu sinh thật sự (biểu sinh là sự hình thành dần dần của phôi). Giai đoạn IV : sau khi bám vào tử cung, các tế bào bắt đầu phát triển theo hướng chuyên môn của chúng: một số tế bào sanh nẩy ra để sau cùng cho tim, một số khác cho thận, một số khác cho não v.v... Nhưng đến cuối tuần thứ hai, phôi có thể chia đôi ra cho 2 đứa bé sơ sinh (sinh đôi). Sau ngày thứ 14, tách tế bào ra sẽ tạo thành quái thai, ví dụ sanh đôi dính nhau (siamois). Ở Mỹ và ở Anh, các nhà sinh vật học gọi khối tế bào nhỏ vào khoảng ngày thứ 14 là "Mầm phôi". Về mặt sinh học, gọi như vậy cũng có lý. Về mặt triết học, phân biệt sinh học như vậy có nghĩa là phân biệt quy chế bản thể học (ontologique) của phôi, trước và sau khi phôi bám vào tử cung. Người Mỹ và người Anh coi việc phân biệt ấy rất quan trọng vì đến ngày thứ 14, mầm phôi có thể chia ra làm đôi và cho hai đứa bé nghĩa là hai cá thể (individus). Như vậy mầm phôi không phải là một hữu thể người (être humain) vì hữu thể người, theo thực chất và theo định nghĩa, là một, là duy nhất. Nếu không phải là "hữu thể người" thì có thể nghiên cứu trên đó. "Lý luận như vậy, theo tôi là pha trộn sinh học (tế bào tổng năng) với siêu hình học (quy chế của con người), không làm tôi hoàn toàn thỏa mãn. Tôi cũng đồng ý một phần nào, nhưng tôi nhấn mạnh một lần nữa, vai tuồng nòng cốt của ý muốn, dự định của cha mẹ trong sự xác định quy chế mới của nhóm tế bào đó... Nếu cha mẹ mong muốn có con, có dự định có con, thì đối với tôi, phôi thai sẽ được coi là thiêng liêng, là bước đầu của tiến trình dẫn đến việc trở thành con người sau nầy." (René FRYDMAN). Cũng theo René Frydman, các nhà khoa học phải định một ngưỡng nào đó để cho phép việc thí nghiệm trên phôi. Cái ngưỡng đó, đối với R. Frydman là giai đoạn mà phôi-hợp tử bám vào tử cung (dưới ngày thứ 14). Điều đó, ủy ban tư vấn về Đạo đức có thể chấp nhận được. Sau ngày thứ 14 thì phôi sẽ bất khả xâm phạm. Sự phân tách các giai đoạn của phôi đặt ra một câu hỏi mà tôi chưa có trả lời "- giai đoạn I: trong trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm chẳng hạn. Nếu đúng như các tôn giáo xác nhận rằng có linh hồn ngay từ lúc thụ tinh hay theo Phật giáo, có thức tái sinh vào lúc thụ tinh, sau 48 giờ, trứng thụ tinh sẽ chia ra làm 8 tế bào hợp tử; giả sử, nhà khoa sản chuyển mỗi hợp tử vào một tử cung và trong trường hợp hoàn toàn thành công, sẽ có 8 phôi khác nhau và sau nầy sẽ có 8 đứa bé sanh ra. Làm sao giải thích được, từ một linh hồn hoặc một tâm thức có thể chia ra làm 8 linh hồn hay 8 tâm thức cho tám đứa bé được? (Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa rằng linh hồn của các tôn giáo thần khải và tâm thức của Phật giáo khác nhau một trời một vực: linh hồn của các tôn giáo là một, bất biến và vĩnh viễn. Còn tâm thức của Phật giáo cũng là một nhưng tâm thức đó có cái dụng thay đổi luôn luôn và cái thể vĩnh hằng. Cái thể ấy là Chân tâm hay Phật tánh). Câu hỏi trên đây có tánh cách siêu hình hiếu kỳ chứ không làm thay đổi gì về niềm tin của tôi đối với chánh pháp nghìn năm bất diệt của Phật giáo.
Khoa học, đặc biệt là sinh vật học tiến nhanh với tốc độ mà luật pháp không theo kịp. Amandine ra đời năm 1982 mà ở Pháp chưa có luật pháp về sinh sản trong ống nghiệm và chuyển phôi. 1983: Thành lập Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Đạo Đức. Ủy ban nầy được thành lập lần đầu tiên trên thế giới. Ủy ban gồm có 1 chủ tịch, 1 chủ tịch danh dự và 39 thành viên do một sắc lệnh chỉ định: 5 đại diện cho những truyền thống tâm linh hay triết học (thiên chúa, tin lành, do thái, đạo Hồi và marxiste), 19 nhân vật đã hoạt động hay tỏ rõ thành tâm nhân đạo và 15 đại diện giới khoa học (Inserm, université, Cnrs, académie des sciences, collège de France...). Mỗi nhiệm kỳ là 4 năm. Chủ tịch và thành viên có thể ở lại một nhiệm kỳ thứ nhì một lần. Nhiệm vụ của Ủy ban nầy không phải là làm luật mà là tìm một thỏa thuận chung của những luồng tư tưởng khác nhau để thông tin những phát minh mới và vạch ra đường lối thận trọng để tôn trọng con người và nhân phẩm của nó. Năm 1984, Ủy ban cho ý kiến về quy chế của phôi: "Phôi hay thai phải được nhìn nhận như một người trở thành đang hay đã sống và phải được mọi người tôn trọng". Do đó, không được mua bán phôi - không được thí nghiệm phôi ở trong hay ở ngoài bụng mẹ - phôi có quyền chết với nhân cách: không có quyền giữ phôi sống một cách nhân tạo để lấy mô (tissu) - không có quyền ngưng thai điều trị hay ngưng thai theo ý muốn để sử dụng mô phôi. Nếu suy nghĩ kỹ thì thấy trong quy chế phôi của Ủy ban có ba điều không rõ ràng: 1. Được nhìn nhận như một người: nghĩa là chưa phải là người nhưng cũng không phải là vật. Nghĩa là gì? 2. Có nhiều tác giả cho "một người" là quan trọng. Như vậy, ngưng thai là giết người. 3. Có nhiều tác giả cho "trở thành" là quan trọng. Như vậy, ngưng thai không phải là giết người. Quy chế của phôi đến ngày nay cũng vẫn không thay đổi. Ủy ban tư vấn về đạo đức còn nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết nhất là vấn đề sanh sản nhân tạo, thí nghiệm ở phôi và kiến tạo di truyền.
Tóm lại: Kinh nghiệm ở Pháp cho ta thấy rằng: đấu tranh đòi quyền ngừa thai và ngưng thai là việc rất khó khăn: trong đó phụ nữ là chủ động, khoa học là phương tiện. 1. Ngừa thai đem lại cho người phụ nữ và cho vợ chồng chọn lựa được lúc có con và số con dự định. Làm chủ được việc thai nghén và làm chủ được thân mình là vấn đề cơ bản trong việc giải phóng phụ nữ. 2. Ngừa thai là việc trọng yếu trong vấn đề hạn chế sanh đẻ. Ngưng thai cố ý hay ngưng thai điều trị là trường hợp ngoại lệ. 3. Đối với các tôn giáo ở Pháp, chỉ có đạo Thiên chúa có thái độ cứng rắn chống ngừa thai. Các tôn giáo khác, tuy cứng rắn trên nguyên tắc nhưng mềm dẻo trong áp dụng. 4. Đạo Phật không chống đối ngừa thai. Ngược lại, coi ngừa thai là một phương pháp có thể giúp cho việc giảm tăng gia dân số trên thế giới, một trong những nguy cơ lớn cho loài người ở thế kỷ sắp đến. Đối với việc ngưng thai, Đạo Phật có thái độ từ bi trong những trường hợp đau khổ ngoại lệ. 5. Khoa học tiến nhanh với tốc độ mà luật pháp không chạy theo kịp. Khoa học đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cho nên cần có một Ủy ban tư vấn quốc gia đạo đức, hợp lại một số nhà khoa học, triết học, tôn giáo... để suy nghĩ và vạch ra lối đi tốt nhất và thận trọng nhất cho khoa học để phục vụ loài người. Nguyên Minh Lê Hữu Phương
|
Cập nhật: 1-3-2001 | Đầu trang |