- ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
- VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC KỸ THUẬT
- GS HOÀNG NHƯ MAI
Trong truyện Tây Du Ký, có đoạn
kể chuyện thầy trò Đường Tăng đi đến một địa phương kia, thấy nhân
dân ở đó người nào cũng ủ dột buồn bã. Hỏi làm sao thì người ta trả
lời: trước kia vùng này thường bị hạn hán mùa màng thất bát may có vị
thần đến giúp làm cho mưa thuận gió hòa cho nên nhân dân suy tôn vị thần
ấy và lập đền thờ hàng năm cúng tế, mà bây giờ thì sắp đến kỳ cúng
lệ.
Đường Tăng nói: "Như vậy thì
tốt chứ sao!"
Nhân dân trả lời:
"Tuy cũng có ân nhưng có
oán,
Chẳng thà không oán cũng không ân.
Hàng năm cúng tế đồng nam nữ,
Nào phải linh thiêng bậc chính thần".
Thì ra là vậy! Được mưa thuận
gió hòa, nhưng hàng năm những đôi trai gái tốt đẹp nhất bị làm vật
hy sinh.
Khoa học kỹ thuật hiện nay, đối
với nhân loại cũng tương tự như vậy.
Nó đem lại cho con người những
ân huệ kỳ diệu, nhưng cũng gây cho con người bao nhiêu tai họa khủng khiếp.
Môi trường sống tự nhiên bị hủy hoại, chiến tranh, tội phạm ngày
càng sử dụng những phương tiện giết người tinh vi và tàn bạo, xã hội
ngày càng sa đọa, một phần nhỏ nhân loại sống thiên đường hơn mọi
thiên đưòng người xưa tưởng tượng, một phần lớn thì sống - đúng
là chết dần mòn thê thảm trong nghèo đói, bệnh tật y hệt cảnh địa
ngục mà sách cũ đã miêu tả.
Đương nhiên chúng ta không lên án
khoa học kỹ thuật. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật là quy luật tất yếu.
Và chúng ta càng không đổ trách nhiệm cho các nhà phát minh, các vị là những
đấng tinh hoa mà nhân loại lấy làm tự hào. Nhưng sự thật là những tai
họa dáng xuống đầu nhân loại có nguyên nhân ở sự ứng dụng khoa học
kỹ thuật theo cách nào đó, với động cơ nào đó, nhằm mục đích nào
đó mà chúng ta không có điều kiện để phân tích ở đây.
Và đương nhiên chúng ta cũng không
lý giải vấn đề một cách tiêu cực như nhân dân trong mẩu chuyện kể
trên: "Chẳng thà không oán với không ân". Sự phát triển của
khoa học kỹ thuật là cần thiết và tất yếu. Vấn đề là ứng dụng
sao cho có ích, không có hại, hoặc nói một cách khác hợp lý hơn, hạn chế
tối đa những hậu quả tại hại.
Tôi nghĩ rằng vấn đề là ở mối
tương quan giữa khoa học và đạo đức.
Đạo đức thường được đề xướng
như những quy tắc phải tuân thủ, có vẻ như là duy tâm, ý chí luận.
"Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình"
Khoa học không làm như thế. Nó
tìm tòi để phát hiện những quan hệ giữa các sự vật một cách khách
quan, hoàn toàn độc lập với nhà khoa học. Tư duy khoa học thuần tuý loại
trừ mọi xúc động, mọi tình cảm, ở đây không có sự yêu hay ghét,
thích hay không thích, tốt hay xấu, hay hay dở mà chỉ có sự đúng hay sai
đối chiếu với thực tế.
Theo Albert Einstein thì cái thứ tư
duy khoa học ấy là đặc thù của phương Tây hiện đại và được hình
thành qua cả một quá trình lâu dài.
Với tư duy ấy người ta khó thông
cảm với đạo đức. Và bởi vì khoa học phát triển mạnh, nhất là trong
vài thế kỷ qua, chiếm một ưu thế áp đảo, chinh phục mọi người, cho
nên đã hình thành một thứ tâm lý duy khoa học rất phổ biến. Người ta
tin rằng khoa học tạo ra mọi giá trị, ngoài khoa học không có giá trị
nào đáng kể.
Kiểu tư duy ấy là nguyên nhân chủ
yếu làm cho đạo đức giảm giá, mất giá.
Đã có những ý kiến đặt vấn đề
một cách công khai và nghiêm túc: loại bỏ đạo đức thay vào một môn
khoa học về phong tục.
Đó là một sự ngộ nhận. Tiếc
thay sự ngộ nhận này lại khởi nguyên từ những người làm khoa học -
tôi không nói các nhà khoa học lớn, các nhà khoa học thực thụ.
1) Nếu nhân danh khoa học thì những
quy tắc đạo đức, cái luận lý của đạo đức cũng không khác các quy tắc
và cái luận lý của khoa học.
Đạo đức cũng đi từ một số tiền
đề khởi thủy căn bản giống như những axiome, postulat. Những axiome,
postulat của đạo đức là chân lý mặc nhiên đã được mọi người chấp
nhận cho nên không cần chứng minh. Chúng là khách quan vì chúng là những bảo
đảm cho cuộc sống xã hội; xa hơn nữa, chúng là phản ứng của bản năng
tự vệ, bản năng sinh tồn của con người.
Thí dụ lòng nhân ái ở cái dạng
rất dung dị: "Thương người như thể thương thân". Câu này rất
hay. Tại sao phải thương người? Vì lẽ ta thương thân. Tại sao thương thân?
Chắc là điều ấy không ai đòi hỏi phải lý giải. Nó thuộc về bản năng
của con người, vậy thì trong một cộng đồng xã hội từ nhỏ đến lớn,
từ hình thức phôi thai nhất đến phức tạp nhất nếu người nào cũng
thù ghét, chỉ lăm lăm làm hại nhau thì cộng đồng ấy tồn tại sao được,
mà cộng đồng không tồn tại thì cá nhân làm sao tồn tại. Thương thân
thì phải thương người là vậy. Rõ ràng đạo đức không phải là giáo
điều, áp đặt võ đoán mà có cơ sở luận lý.
2) Khoa học không thể đơn độc phục
vụ cho lợi ích của nhân loại. Khoa học dạy chúng ta hiểu biết về các
sự vật, sự việc, mối liên hệ giữa chúng, nghĩa là những gì có tồn
tại, chứ không trực tiếp dạy những gì nên có, phải có. Để điều vừa
nêu lên có đầy đủ uy tín, tôi xin dẫn Albert Einstein:
"Người ta có thể có sự hiểu
biết rất sáng sủa, rất đầy đủ về cái có, cái tồn tại nhưng không
thể từ đó rút ra cái mục đích của những nguyện vọng của nhân loại
phải như thế nào. Sự hiểu biết khách quan cung cấp cho chúng ta những phương
tiện hùng hậu để đạt tới những mục đích nào đó, nhưng cái mục đích
tối hậu và sự khát vọng muốn đạt tới cái đích ấy chúng ta phải nhờ
vào nguồn cung cấp khác. Hẳn là không cần phải bảo vệ cái quan niệm rằng
cuộc đời, những hoạt động của con người chỉ có ý nghĩa khi người
ta có thể xác định được cái mục đích ấy và những giá trị tương
ứng. Sự hiểu biết chân lý như là chân lý là một điều kỳ diệu
nhưng nó thiếu khả năng làm hướng đạo, tại sao hiểu biết chân lý là
đúng đắn và quý giá, chính tự nó cũng không chứng minh được điều đó".
Khoa học đề ra phương tiện không
đề ra được mục đích. Từ đó lâu lắm và chắc là mãi mãi cái bộ
ba, như cái kiềng ba chân giữ vững cho nhân loại tồn tại và phát triển
vẫn là "chân, thiện, mỹ", thiếu đi một chân sẽ khấp khểnh
không đứng vững được.
3) Nhìn vào thực tiễn, công bằng
mà nói, không kể những ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mục đích phi
nhân bản, nói chung những thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ cho đời
sống phần rất lớn chỉ nhằm thỏa mãn những bản năng thấp của con
người và không phục vụ cho những quảng đại quần chúng. Những bản năng
sơ đẳng nhất của con người là sợ đau khổ, sợ chết, thích hưởng lạc.
Khoa học kỹ thuật dần dần đã
giúp người ta không bị đặt dưới lưỡi gươm của sự khiếp sợ nói
trên, và đó là cái ân huệ lớn lao, xứng đáng với lòng biết ơn của
nhân loại.
Nhưng đến nay cái hướng đi của
khoa học lại vượt qua cái mốc biên giới cần thiết. Dù lý luận cách
nào đi nữa thì hiện nay, số lớn nhân loại vẫn còn ở giữa gọng kìm
đau khổ - chết, nhưng những thành tựu kỳ diệu nhất của khoa học kỹ
thuật, nhìn vào hiệu quả thực tiễn của chúng, cung cấp vô vàn tiện
nghi kỳ diệu cho con người chỉ khuyến khích sự lười biếng và hưởng
lạc.
Sáng chế ra những máy móc càng
ngày càng linh diệu thay thế cho con người trong những lao động cơ bắp và
trí não, có làm cho con người bớt đau khổ không?
Đến một giới hạn nào thì có,
nhưng quá giới hạn ấy thì chưa chắc. Điều chắc là chúng làm xói mòn
tê liệt những năng lực của con người.
Giải quyết sự sợ chết bằng sống
buông thả vô bờ bến, sống gấp triệt để chẳng qua chỉ là một sự
đánh lừa, không có hiệu quả thực tế, chính đó là sự tự sát.
Đạo đức cũng thừa nhận những
nỗi lo âu mang tính bản năng ấy, nhưng có cách giải quyết: ấy là khai
thác, huy động những bản năng tốt lành của con người, tình yêu, tình
thương, tình bạn. Đạo đức đề ra những nguyên lý chung cho mọi người,
những nguyên lý ấy cũng phải như thế nào để đạt được hiệu quả là
những ai tuân thủ sẽ được hưởng tối đa sự bình yên, lạc thú và chịu
sự đau khổ ở mức tối thiểu.
Đạo Phật yêu cầu những người
theo đạo Phật, trở thành Phật tử, phải chấp hành tam quy ngũ giới.
"Ngũ giới là cơ bản đạo đức
của người Phật tử khi bước chân trên con đường giác ngộ giải
thoát. Thiếu căn bản đạo đức này dù chúng ta có nói đạo đức cao siêu
đến đâu cũng là lối nói rỗng" (Thích Thanh Từ - Bước đầu học
Phật)
Ngũ giới là:
Không sát sanh
Không trộm cướp
Không tà dâm
Không nói dối
Không uống rượu
đề ra thì như thế có hai điều cần
chú ý:
Một là ngũ giới được thực thi
như là sự tự nguyện của Phật tử chứ không phải là sự áp đặt mệnh
lệnh.
Hai là ngũ giới được chỉ ra rất
cụ thể, thiết thực, nhưng nghĩa của những điều ấy rất rộng, lợi
ích những điều ấy đem lại rất lớn lao.
Hòa Thượng Thích Thanh Từ đã giảng
về ngũ giới như sau:
"Người biết giữ gìn năm giới
đã tạo thành căn bản đạo đức và sự an lành cho bản thân. Không sát
sanh bản thân là không bị người giết hoặc tù tội về giết người,
cũng không có thù hận về nợ máu với nhau. Thế là sống, chúng ta không
kinh hoàng sợ hãi, do thù hận gây nên. Không trộm cướp, bản thân ta
không mắc tội tù về trộm cướp, ở đâu hay đi đến chỗ nào khỏi sợ
người theo dõi nghi ngờ. Tới lui tự do đứng đi yên ổn không phải là hạnh
phúc là gì? Không tà dâm, bản thân ta không phải hao thần tổn khí, khỏi
sợ ai bàn tán dở hay, mọi người đều tín nhiệm và tin cậy ta. Bản
thân ta trinh bạch, khiến người tự quý mến. Tự mình an ổn, gia đình cũng
an ổn. Không nói dối, chúng ta không phải hối hận, lời nói tự có giá
trị gây được niềm tin của mọi người. Người hay nói dối sẽ bị xã
hội đánh giá thấp, đề xướng điều gì đều bị nghi ngờ, làm việc
gì ít ai tán trợ. Không uống rượu, chính là khỏi bị cái tệ điên cuồng
mất trí, khỏi gây cho cơ thể bệnh hoạn suy yếu, khỏi bị người khinh
thường trong lúc say sưa. Trái lại bản thân ta điềm đạm bình tĩnh, thân
thể khỏe mạnh, đối với mọi người đều được quý kính, sanh con cũng
thông minh sáng suốt. Đó là lợi ích bản thân ngay trong hiện tại. Nếu về
mai sau, không sát sanh thân tráng kiện sống lâu, không trộm cướp, được
tài sản sung túc, không tà dâm thân thể đẹp đẽ, không nói dối ăn nói
khôn ngoan, người yêu chuộng, không uống rượu, trí tuệ sáng suốt...
Biết giữ năm giới là ngưồn hạnh
phúc của gia đình, là nếp sống văn mình của xã hội.
Chỉ trong năm giới thôi, nếu gia
đình nào gìn giữ trọn vẹn là gia đình ấy có hạnh phúc trên thuận dưới
hòa tin yêu thuần cẩn. Nếu mọi người trong xã hội ứng dụng triệt để
là một xã hội văn minh chan hòa sự cảm thông và thương mến. Chúng ta
vì lợi ích bản thân, vì hạnh phúc của gia đình, vì sự an lạc của xã
hội, nỗ lực giữ gìn năm giới, Gìn giữ năm giới là tôn trọng nhân bản,
là nếp sống văn minh, là nền tảng đạo đức vậy".
Tình hình suy thoái đạo đức trong
xã hội hiện nay, bình tĩnh khách quan mà nhận xét thì phải nói là nghiêm
trọng đến mức có người cho rằng vô phương cứu chữa.
Nhìn gần vào xã hội ta: về mặt
chính trị những vụ việc đàn áp, bức hại cán bộ và nhân dân vẫn xảy
ra không ít, nạn ô dù tham nhũng rất phổ biến, về an ninh chính trị xã
hội thì nạn chụp giựt, trộm cướp gây án mạng, các vụ phạm pháp của
thanh thiếu niên khá nhiều, những kẻ phạm tội nhiều tên vẫn ung dung sống
ngoài sự trừng trị của pháp luật, có kẻ bị kết án tù vẫn sống
phè phỡn tự do như thách thức tất cả mọi người, về kinh tế thì lường
gạt, chia chác, phung phí tài sản nhà nước, thu gom bất chính chiếm đoạt
tiền dành dụm của nhân dân cứ ngang nhiên diễn ra, về văn hóa thì nạn
mãi dâm, cờ bạc rượu chè tràn lan, văn hóa phản động, đồi trụy tràn
ngập thị trường dân tộc quần chúng, v.v... và v.v... không kể xiết.
Trước tình hình ấy, đối chiếu
với năm điều giới của đạo đức Phật giáo thì chúng ta thấy rõ ràng
chính yêu cầu của năm điều giới ấy có thể là những cái cần thiết
để ngăn chặn dòng thác lũ phi đạo đức, duy trì, củng cố nền tảng của
đạo đức nhân loại và dân tộc.
Tất nhiên không phải tất cả mọi
người đều thành Phật tử. Tôi nói thế chỉ có nghĩa nội dung, yêu cầu
của năm điều giới ấy sẽ là cơ sở để ta xây dựng nền đạo đức
xã hội hiện thời.
Cũng cần lưu ý một điều: những
quy tắc đạo đức bao giờ cũng đặt ở mức cao, khích lệ con người không
ngừng phấn đấu để hoàn thiện mình. Đạo đức khác với luật pháp: Với
luật pháp thì không vi phạm những điều quy định trong các bộ luật tức
là con người lương thiện, nhưng với đạo đức thì không có giới hạn
cuối cùng, không bao giờ một con người có thể tự coi là đã đầy đủ
về mặt đạo đức, không cần phải tu dưỡng thêm nữa. Đạo đức có
thể ví như viên ngọc, càng mài càng đẹp. Đạo đức Phật giáo yêu cầu
rất giản dị nhưng đồng thời cũng rất cao, cao đến vô cùng. Vì thế
ai cũng đến được với đạo đức Phật giáo và sự tăng tiến giá trị
là tùy thuộc vào sự tu dưỡng của bản thân.
Nhà nghiên cứu Phật học Paul Dahke
đã nhấn mạnh: Ấy là những giới luật mà mình tự đặt cho mình, những
giới luật ấy thật là cần thiết cho người nào muốn nhìn cuộc sống
như nó đích thật như thế và có can đảm để rút ra từ đó những hệ
quả về đạo đức. Nếu tôi hiểu cuộc sống đúng với thực tế tôi
càng hiểu rằng tôi phải cam kết tuân thủ những giới luật... cái đích
ở trước chúng ta sáng sủa, chắc chắn, rõ ràng, không phụ thuộc vào
ân huệ hay tình thương của một đấng thiêng liêng nào. Đấy là cái đích
có liên quan đến phẩm giá con người, có thể vươn tới được bởi chính
sự nỗ lực bản thân.
Chân thành cám ơn
cư sĩ Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử
http://www.buddhismtoday.com/viet/ddtamly/035-KHKT.htm