- Bát
kỉnh pháp
-
Một
trong những vai trò phục hưng xã hội và cách mạng văn hóa của Đức Phật,
điều mà đôi khi bị các sử gia lãng quên, đó là giải phóng phụ nữ. Đức Phật phát huy một cuộc cách mạng
trong tư tưởng và trong lối cảm xúc của đại chúng bằng cách công khai
và can đảm tuyên bố rằng người nữ có thể đạt đến mức tiến bộ
tuyệt đỉnh, thành tựu trí tuệ thâm sâu dẫn tới Niết bàn. Tuyên ngôn
này đã gây một biến động lớn lao trong giới tôn giáo thời bấy giờ
vì đó là trực tiếp đương đầu với niềm tin đã ăn sâu vững chắc
trong dân gian. Sự kiện Đức Phật chấp nhận thành lập giáo hội Tỳ
kheo ni (*), nâng vị trí người nữ đến mức quan trọng nhất, là việc
làm duy nhất và chưa từng thấy trong lịch sử tôn giáo cũng như các trường
phái tư tưởng được biết trước và ngay thời Đức Phật. Đây là một
sự canh tân mới lạ phi thường vì nó chấp nhận cho hàng phụ nữ đặc
quyền tiếp thụ một bản chất cao quý, một sức mạnh kiên cố vững chắc
trong nền đạo lý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng
với nam giới. Và hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, mặc dù nhiều hệ thống
tôn giáo khác đã phát triển cực thịnh, nhưng vẫn chưa thấy có thêm một
tôn giáo nào thành lập một giáo hội cho hàng nữ tu sĩ. Cho nên có thể
nói rằng hàng phụ nữ trên thế giới vẫn chịu một món nợ trường cửu
đối với Đức Phật vì Ngài đã nâng cao họ từ địa vị thấp kém và
nhục nhã nhất trong xã hội lên hàng danh dự này.
Thế
nhưng, cũng chính sự việc thành lập giáo hội Tỳ kheo ni mà người nữ
xuất gia giữa thời đại tiến bộ hiện nay lại miễn cưỡng trong niềm
hạnh phúc lớn lao đó, vì họ ngờ vực Đức Phật chưa thực sự triệt
để trong việc nâng cao vị trí của họ ngang hàng danh dự với nam giới,
đã chế ra tám điều cần phải cung kính. Tám điều kiện ấy có thực sự
quan trọng làm tăng ích cho giáo hội Tỳ kheo ni tồn tại hay chỉ có tính
khả thi trong hoàn cảnh xã hội đương thời?
Tưởng
cần nhắc lại sự việc thành lập giáo hội Tỳ kheo ni và nguyên nhân Đức
Phật chế ra tám điều kiện cần phải cung kỉnh. Sau khi vua Suddhodana (Tịnh
Phạn) băng hà, bà Mahà Pajàpati Gotami (Ma Ha Ba Xà Ba Đề - Kiều Đàm Di)
nhàm chán sự giả tạm của kiếp phù du, quyết định trở về nương tựa
đời sống xuất gia giải thoát. Một lần, khi Đức Phật về lại kinh thành
Kapilavattu (Ca Tỳ La Vệ) để giảng hòa một cuộc tranh chấp dữ dội giữa
hai dân tộc Sakyan và Koliyan, đang giành quyền sử dụng nước của dòng
sông Rohini. Sau khi cuộc cãi vã cay đắng đã được dàn xếp ổn thỏa và
hai bên dịu giọng, như thường lệ, Đức Thế Tôn mở lời thuyết giảng
giáo pháp, và sau thời pháp đó một số đông người trai trẻ Sakyan xin
gia nhập vào giáo hội chư Tỳ kheo. Các bà vợ của những vị ấy, do bà
Mahà Pajàpati Gotami hướng dẫn đến chỗ Đức Phật khẩn khoản xin được
xuất gia: “Bạch Đức Thế Tôn, thật là một đại hạnh cho nữ giới nếu
hàng phụ nữ chúng con được chấp nhận gia nhập vào Tăng đoàn để khép
mình trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà Ngài công bố”. Đức
Phật không sẵn sàng khích lệ thỉnh
nguyện của bà Gotami và trả lời: “Đủ rồi, này Gotami, Như Lai không thể
làm vừa lòng bà và chấp nhận như vậy”. Lần thứ nhì, rồi lần thứ
ba, bà Gotami lặp lại lời thỉnh cầu, nhưng mỗi lần đều bị từ chối.
Sau đó Đức Thế Tôn lần hồi sang thành Vesali (Phệ Xá Ly) và ngự trong một
đền thờ trên đỉnh núi. Bà Gotami vẫn không nao núng ngã lòng vì những
đợt thỉnh nguyện bất thành, mà bền gan cam chịu mọi khổ nhọc và
đương đầu nghịch cảnh, quyết định theo chân Đức Thế Tôn đến
Vesali cùng với một số đông mệnh phụ phu nhân có niềm tin nơi bà (có nơi
nói cùng với 500 người nữ giòng họ Xá Di). Cắt bỏ chùm tóc đẹp thuở
nào, vứt bỏ nữ trang lộng lẫy, tự khoác lên mình tấm y thô thiển,
các bà cam chịu khổ nhọc đi bộ, trải qua đoạn đường dài 150 dặm đến
Vesali, mình mẩy lấm lem bụi bặm, y phục rách rưới tả tơi, chân cẳng
sưng vù đau nhức. Thế mà, ba lần kiên nhẫn nhờ thầy thị giả A Nan tha
thiết trình bày nguyện vọng, Đức Phật vẫn một mực chối từ. Song,
dưới sự nài nỉ nồng nhiệt của Tôn giả A Nan, sự tinh tế chọn điểm
tế nhị là vấn đề biết ơn đối với Di mẫu Gotami và đặc biệt là gợi
mở khả năng của người nữ có thể chứng nhập bốn quả Thánh nên Đức
Phật đã thuận lòng. Tuy nhiên, với trí tuệ nhìn xa và hiểu rộng, Đức
Thế Tôn có thể thấy những hiểm họa và những khuyết điểm không thể
tránh trong việc điều hành song song hai giáo hội Tăng già cùng một lúc.
Do đó, Ngài ban hành tám điều qui định cho giáo hội Tỳ kheo ni nhằm giữ
gìn và bảo vệ tương lai cho cả hai giáo hội.
1 Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ
khi gặp thầy Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh
lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ
kheo.
2-
Một Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị
Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào.
3-
Tỳ kheo ni không được ngăn Tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay
nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo
ni.
4-
Muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và Tỳ
kheo
5-
Nếu Tỳ kheo ni phạm tội hữu dư (Tăng tàn) thì phải đến trước hai bộ
Tăng thực hành pháp Ý hỷ (Ma na đỏa) trong thời gian nửa tháng.
6-
Nửa tháng phải đến bên Tỳ kheo tăng cần cầu dạy bảo.
7-
Không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ kheo ở.
8-
Khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và
nghi.
Tôn
giả A Nan trao truyền lại tám điều giới pháp ấy cho bà Mahà Pajàpati
Gotami. Bà vui mừng khôn xiết, hoan hỷ lãnh thọ và nguyện kính giữ trọn
đời không vi phạm. Sau khi giáo hội Tỳ kheo ni thành lập dưới sự lãnh
đạo của bà Gotami - Đại Ái Đạo, từ các nẻo đường cuộc sống, mọi
tầng lớp trong xã hội đến gia nhập vào giáo hội và công trình nỗ lực
tiến tới mục tiêu giải thoát hoàn toàn của các bà đã để lại trong
văn học Phật giáo những trang vẻ vang chói lọi bằng khúc ca khải hoàn,
Therigàthà (những Thánh thi của chư Tỳ kheo ni).
Không
còn nghi ngờ gì nữa về sự ra đời và tồn tại đến nay của giáo hội
Tỳ kheo ni khắp nơi trên thế giới. Chúng ta thấy được tuệ giác gì nơi
Đức Phật khi năm lần bảy lượt Ngài mới tán thành việc thành lập
giáo hội Tỳ kheo ni và đặt chế tám điều kiện trước khi cho ra đời
thêm một giáo hội nữa? Sự kiện Đức Phật thông hiểu tiềm năng sâu
ẩn và khả năng hoàn mãn những thành tựu vĩ đại và cao thâm của hàng
phụ nữ không làm cho Ngài mù quáng không thấy những khuyết điểm về kết
cấu tâm sinh lý của người nữ. Khuynh hướng nhẹ dạ yếu mềm của người
nữ dễ dàng rơi vào tội lỗi, dễ bị khuyến dụ đi trên con đường kém
đạo Đức. Chính điểm đặc thù ấy là một trở ngại lớn lao cho phẩm
hạnh cốt yếu của người sống độc thân, vốn dĩ rất cần thiết cho sự
điều hành suôn sẻ của một cộng đồng. Đó là thiên tánh. Đức Phật
vạch rõ yếu kém và khuyết điểm của hàng phụ nữ không phải để chế
nhạo hay cười khinh, mà Ngài nhắm đến mục tiêu cao quý là giúp họ nhận
định những khó khăn gây trở ngại cho những nỗ lực thành tựu mục
tiêu của mình và khuyến khích họ thận trọng canh phòng các cuộc tấn
công của những khát vọng, các cuộc đột kích của những cám dỗ. Đức
Phật không vì sự trở ngại đó mà không tạo điều kiện cho họ vượt
lên ngang hàng với vị trí mà nam giới có thể tới, chứng đắc quả giải
thoát. Song, thái độ do dự trước khi chấp nhận người nữ vào giáo
pháp là hồi chuông cảnh báo con đường tiến bộ của họ đầy dẫy sự
hiểm nguy và ảnh hưởng đến sự tồn vinh Phật pháp.
Rõ
ràng trong thiên tánh người nữ đã không thể so sánh với người nam, mặc
dù dù khả năng tiến bộ và thành tựu mục tiêu Niết bàn có ngang nhau.
Nhưng làm sao để người nữ luôn khắc ghi sâu vào lòng bài học tự mình
uốn nắn tâm tánh, diệt trừ bản ngã mãnh liệt để thành đạt mục tiêu
tối hậu là một công trình vĩ đại, là thành trì phải được bảo vệ
kiên cố hơn người nam tiến tu gấp nhiều lần. Làm sao để người nữ
xuất gia luôn thấy rằng việc thành lập cho giáo hội Tỳ kheo ni sở dĩ
thành tựu là từ sự có mặt vững chãi trước đó khoảng 20 năm của giáo
hội Tỳ kheo (Căn bản tạp sự - Q.37, Kinh Trường A Hàm) làm điểm tựa.
Làm thế nào để Tỳ kheo ni hiểu rằng sự thành lập giáo hội của họ
từ giai đoạn sơ khai đã mang theo với nó một vài yếu tố hiểm nguy, và
nếu không có những phương sách dự phòng, trong tương lai có thể xảy ra
những bất trắc khó lường. Vì thế, Đức Phật ban hành ra tám điều giới
hay tám điều kiện bảo vệ. Chính tám điều giới này tạo điều kiện
để điều hành tốt đẹp hai cơ quan trong tinh thần trang nghiêm và thích
đáng với bản tánh tự nhiên. Nó giữ chư Ni trong vị trí thích hợp với
tâm tánh người nữ. Cũng chính tám điều giới này đã hỗ trợ trạng
thái điều hòa và thuận thảo, đem lại tình giao hảo thích nghi giữa Tỳ
kheo và Tỳ kheo ni.
Người
nữ học giới ngày nay lẽ nào không thấy được giá trị thiết thực
tám điều giới làm khuôn phép tiến tu và điều kiện cần thiết cho sự
tồn tại giáo hội Tỳ kheo ni mà lại không muốn tuân thủ, cho là lỗi thời?
Lẽ nào Tỳ kheo tăng ngày nay không đáng cung kính? Tăng thì luôn luôn thanh
tịnh và hòa hợp, vì Tăng là chỉ số gồm có 4 vị Tỳ kheo trở lên. Nếu
cho rằng Tăng không đáng cung kính vì thiếu sự thanh tịnh và hòa hợp,
giáo giới Ni chúng sẽ không hợp căn cơ, không làm cho Ni chúng vui thích
mà không cầu giáo thọ hay không đến Đại Tăng cầu thọ cụ túc giới
thì nhất định không tồn tại tánh Tỳ kheo ni. Có thể vì một vài cá
nhân Tỳ kheo nào đó bê bối không đủ phạm hạnh khiến chư Ni bất nhẫn
không muốn cung kính, nhưng đừng vì thế mà quên rằng việc cầu giáo thọ
hay cầu thọ đại giới là cầu với Tăng chứ không phải cầu với cá
nhân. Song, cho dù cá nhân vị Tỳ kheo đó có như thế nào đi nữa thì đó
cũng thuộc phạm vi của giáo hội chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phải luôn nhớ
trong tám điều không thể vượt qua đó đã ghi rõ không được khiển trách
hay nặng lời đối với Tỳ kheo, không được chê bai nói rằng: Thầy phá
giới, phá kiến, phá oai nghi (Luật Tứ Phần, Ngũ Phần, Ma Ha Tăng Kỳ -
Q.3). Đủ thấy, tám điều giới pháp là linh hồn của giáo hội Tỳ kheo
ni không thể không bảo trọng, như trong Luật Tứ Phần - Tỳ kheo ni ghi :
“Như vậy đó A Nan! Ta nay đã nói tám kỉnh pháp suốt đời tôn trọng
không được trái phạm, nếu người nữ nào thực hành được thì tức
là được thọ giới. Cũng ví như có người muốn qua dòng nước lớn, phải
bắc cầu mà đi qua”. Chiếc cầu lợi ích qua dòng sông sanh tử đó ai muốn
bỏ vì thấy ràng buộc thì tùy. Nhưng hãy nên nhớ một điều nếu không
có tám pháp cung kính đó thì chắc chắn không có giáo hội Tỳ kheo ni
hình thành và cũng không có ai là thật tánh Tỳ kheo ni.
Vấn
đề sự xuất hiện Tỳ kheo ni đã làm chánh pháp mất đi một nửa có
liên quan gì đến Bát kỉnh pháp? Chúng ta có thể lý giải điều này là
do sự song hành vận động của hai giáo hội là điều kiện thuận lợi
cho hai hệ phái vốn còn mang nhiễm tính “cọ xát”. Sự qua lại thuận
tiện gần như “hợp thức hóa” giữa Tăng và Ni, tính yếu mếm cần
được chở che của Tỳ kheo ni, sự phô trương đức tính tùng bách hiên
ngang nâng đỡ của hàng Tỳ kheo đã là nội dung chính yếu cho ngọn lửa
ái nhiễm bốc cháy. Tất nhiên chánh pháp có đổi sang tượng pháp là do
người tu chứng ngộ ít dần chứ không thể đổ thừa do sự xuất hiện
của Tỳ kheo ni. Nhưng xét kỹ nguyên nhân không chứng nhập Niết bàn là
hành giả không phát huy được định tuệ. Định tuệ có từ giới. Khả
năng hư hại giới pháp của các thầy Tỳ kheo không gì khác hơn là nữ sắc,
mà trong đó Tỳ kheo ni là khả năng nhiều nhất. Vì thế, Bát kỉnh pháp
đối với Tỳ kheo ni là điều nhất định không thể vượt qua, để duy
trì một nửa chánh pháp còn lại, để giữ gìn sự thanh khiết và thánh
thiện giữa hai giáo hội hiện tại và tương lai.
Tóm
lại, có thể nói tám giới trọng yếu đó là nền tảng vững chắc làm nền
để xây dựng kiến trúc đồ sộ và công trình sinh hoạt chảy trôi suôn
sẻ của hai giáo hội.
(*)
Bây giờ gọi là Ni bộ, danh từ Giáo hội chỉ sử dụng chung cho cả hai bộ.
(Báo
Giác Ngộ, số Xuân 2002)